Showing posts with label Đạo & Đời. Show all posts
Showing posts with label Đạo & Đời. Show all posts

Saturday, July 24, 2021

Tản mạn về dịch thuật kinh sách

 


Nói đến chuyện dịch thuật, mình nghĩ một trong những lãnh vực khó nhất là dịch kinh sách. Tôn giáo nào cũng thế, cho nên ngày xưa nhiều nhà truyền giáo phải ráng học cho rành rẽ tiếng địa phương. Thậm chí nhiều vị còn góp phần tạo ra hoặc hoàn chỉnh một số ngôn ngữ để dễ dàng diễn giải hơn. Trong tiếng Anh có cụm từ "Lost in Translation" mang tính hài hước để nói đến sự sai lệch ý nghĩa trong dịch thuật, dịch gà ra cuốc. Nhưng đó chỉ là nói đến chuyện thông dịch, thông ngôn hàng ngày. Dịch kinh sách còn khó hơn nhiều, vì để dịch được sát nghĩa, người dịch phải hiểu đúng ý nghĩa bao hàm của từ ngừ đó. Nếu không rất dễ gây ra ngộ nhận, và dẫn đến nhiều hệ lụy phiền phức. Đó là còn chưa nói đến nhiều người vô tình hoặc cố ý lợi dụng sự lệch lạc trong dịch thuật, dẫn dắt bản thân họ và người khác vào con đường mê tín, dị đoan.

Ví dụ như câu kinh 6 âm trong PG (The Six syllables) "Om Mani Padme Hum", rất ngắn gọn và sâu sắc, tán dương khả năng tự tỉnh thức và tự giác ngộ của tất cả chúng sinh như đóa sen vượt lên từ chốn bùn dơ. Câu kinh còn mang hàm ý sâu sắc hơn là không nên tìm kiếm "ông Phật" ở bên ngoài, mà là từ “Phật tánh” sẵn có bên trong. (Mỗi chữ Om, Mani, Padme, Hum đều mang hàm ý sâu sắc khác nhau. Có rất nhiều tài liệu về câu kinh này từ nhiều ngôn ngữ khác nhau kể cả tiếng Việt trên mạng, nếu ai muốn tìm hiểu).

Thế nhưng phiên âm (chứ không phải phiên dịch) tới lui một hồi, sao lại thành ra câu tiếng Việt "Án ma ni bát rị hồng". Rồi một số ông thầy bùa, thầy chú, thầy cúng, thầy làng, bắt ma bắt hồn, oan gia trái chủ ...lại đem ra xử dụng với đầy màu sắc mê tín !

Giờ trở lại câu chuyện chữ "Bát Nhã" trong kinh sách nhà Phật. Lâu nay ai ở VN cũng ít nhiều nghe qua chữ này, đặc biệt là những người có đọc qua kinh sách PG hoặc có đi chùa chiền. Thỉnh thoảng mình còn thấy mấy ông làm thơ, viết truyện, và cả mấy ông "nhậu sĩ", đem "Bát Nhã" lên thớt của họ hoặc cho vào quán nhậu để mổ xẻ nữa, nên chắc chữ này thì cũng không lạ lẫm gì với nhiều người VN.

Thực ra chữ Bát Nhã có nguồn gốc từ tiếng Phạn, đó là chữ Prajna, được kết hợp bởi 2 chữ Pra- và -jna. Để giải thích chi tiết của 2 từ này thì hơi dài và trừu tượng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng nhé. Theo Wiki thì "Prajna" được nói đến như thế này (is used to refer to the highest and purest form of wisdom, intelligence and understanding. Prajna is the state of wisdom which is higher than the knowledge obtained by reasoning and inference). Nôm na là một trạng thái trí tuệ cao nhất bao gồm nhiều góc cạnh khác nhau, vượt qua các ngưỡng cửa của sự thông minh, hiểu biết, và kiến thức thông thường. Ví dụ như trí tuệ của một ông giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, na sa na séo, ha va ha viếc, chủ tịch, giám đốc, nhà phát minh ra đèn đom đóm, keo dính chuột..v.v.. đều là nhừng kiến thức chuyên môn, trí óc thông minh, kiến thức rộng rãi, nhưng đó không phải là trí tuệ "bát nhã". Bởi thế để dịch được chữ "Prajna" ra một ngôn ngữ khác cho đúng nghĩa thì quả là vô vàn khó khăn, mà có khi chẳng bao giờ diễn đạt cho trọn vẹn, thế nào cũng thiếu đầu thiếu đuôi. Thực tế là trong cuộc sống có những từ ngữ chỉ hiểu, “ngộ”, nhưng rất khó diễn đạt. Đặc biệt là trong các lãnh vực triết học, tôn giáo,  hoặc tâm linh. Cho nên các Ngài ngày xưa đã để nguyên chữ "Prajna" không dịch. Khi những tạng kinh này đến Trung quốc, cũng chỉ phiên âm ra tiếng địa phương na ná như “Pra-jna”, rồi qua đến Việt Nam thì trở thành “bát nhã" như ngày hôm nay.

Rồi cũng chính vì ý nghĩa bao la của chữ "bát nhã", mà lôi cuốn không biết bao nhiêu vị tu sĩ, triết gia, trí thức, nhân sĩ  ...vào cuộc, tìm tòi, mổ xẻ, phân tích ra nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Cuối cùng có nhiều người bị lạc vô cái mê hồn trận chữ nghĩa đó, thành ra vô tình đi ngược lại với cái mục đích giải thoát mà họ đã tìm kiếm ban đầu. Tất nhiên cũng không hiếm những người hiểu biết và nhận ra được giá trị cốt lõi của cuộc sống và sự giác ngộ, nên lựa chọn con đường đi riêng cho họ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tuy nhận thức được vấn đề, nhưng lại bị những hệ lụy chằng chịt trong cuộc sống, những rào cản trói buộc của đời thường, nghiệp cơm áo gạo tiền quá nặng, hoặc tham vọng thành tựu quá lớn, mà không thoát ra nỗi. Rồi cuộc sống ngắn ngủi chóng qua đi, tháng ngày cứ quanh quẩn với những trách nhiệm và “thành tựu”, đầy rẫy những vướng mắc. Vướng vào hình thức thay vì nội dung, vướng vào lý thuyết suông thay vì thực hành, vướng vào ảo tưởng thay vì thực chứng, ráng kiếm thêm cho nặng chứ không phải bỏ đi cho nhẹ, ráng hiểu biết để hơn thua chứ không phải để nhẫn nhịn …v.v. Ham muốn (desires) và gắn bó (attachments) ngày càng nhiều, đời này chưa hết đã muốn lôi kéo đời khác. Cho nên cuối cùng là thuyền "bát nhã" của họ cứ quay vòng vòng trong bờ, hết xăng bao nhiêu lần rồi, mà vẫn còn chưa định hướng đi đuợc, chứ đừng nói tới chuyện bến bờ bên kia. Tất nhiên trong đám phàm phu đó có bản thân mình :-).

Và dĩ nhiên là mình không muốn bàn luận xa hơn về ý nghĩa và nội dung của chữ "Bát Nhã" trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này, mà chỉ muốn nói đến vấn đề dịch thuật kinh sách. Vì nếu không cẩn thận, đôi lúc sẽ làm mất đi cái ý nghĩa thâm diệu của chữ nghĩa, mà thậm chí còn dẫn đến những hiểm lầm đáng tiếc !

Ví dụ như bản kinh "Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh" ở VN. Theo mình, khi dịch cái tựa của kinh "Prajna-paramita Hrdaya Sutra" (The Heart Sutra of Perfect Wisdom) ra thành "Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh", mà không giải thích rõ ràng, là đã vô tình làm mất đi một số ý nghĩa vô cùng quan trọng của bản kinh ! 

(Còn tại sao như thế ? Trước hết xin nói rõ, đây chỉ là ý nghĩ cá nhân của mình. Tất nhiên đây là một vấn đề rất quan trọng, mà đã có biết bao nhiêu vị cao tăng tu sĩ VN, đức độ trí huệ cao cả, từng nghiên cứu dịch thuật trong bao nhiêu năm qua, nên mình không hề có ý dám xúc phạm hoặc phê phán.)

Trước hết nói sơ qua về ý nghĩa của kinh Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh. Là một trong những kinh căn bản và phổ thông nhất trong đạo Phật, thường dùng để đọc tụng. Nguyên gốc từ tiếng Phạn là "Prajna-paramita Hrdaya Sutra", dịch sang tiếng Anh là "The Heart Sutra of Perfect Wisdom". Gọi cho đơn giản là Tâm kinh. Kinh này ngắn, có khoảng chừng 260 chữ (bản ngắn tiếng TQ), hiện nay được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Có nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc và thời điểm ra đời của Tâm Kinh, không đồng nhất. Và toàn bộ bản gốc của bộ kinh lớn Đại Bát Nhã (Maha Prajna Paramita) cũng đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi họ đánh chiếm Đại học PG Nalanda Ấn độ vào thế kỷ 12.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh đọc tắt là Tâm kinh (The Heart Sutra), là tóm lược của bộ kinh Đại Bát Nhã Ba la Mật (Great Perfecton of Wisdom Sutra, tiếng Phạn gọi là Maha-prajna-paramita-sutra), gồm có 600 quyển. Tâm Kinh có nhiều bản dịch từ tiếng Phạn ra tiếng TQ. Trong đó bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập (402-412) và Ngài Huyền Trang (Tam Tạng) vào thế kỷ thứ 7 sau CN, là thông dụng nhất, được truyền qua VN và lưu hành cho đến ngày nay. Còn phiên bản tiếng Anh thì đến thế kỷ 19,  mới được Samuel Beal dịch ra. Ngày nay có rất nhiều sách vở tài liệu nói về Tâm Kinh của nhiều tác giả, nhiều tu sĩ khắp nơi trên thế giới . Tất nhiên là cũng không hiếm những tranh luận đối đáp gay gắt, bất đồng quan điểm, như bao vấn đề khác của tôn giáo và xã hội lâu nay. Có người đọc kinh sách để gom hết về một mối, rồi buông bỏ hết coi như không đọc chữ nào. Thì bên cạnh đó cũng có những người càng đọc, càng ôm, càng rối, càng lụy, sợi tóc chẻ làm năm làm bảy. Đọc để tranh luận hơn thua, đọc để trói chứ không phải để mở, đọc để chứng tỏ chứ không phải để thực hành, nên càng đọc càng nặng nề. Âu cũng là chuyện bình thường thôi. Như trong Tâm kinh có một câu rất nổi tiếng "Form is emptiness (śūnyatā), emptiness is form", mà nhiều nhà nghiên cứu, học giả phương Tây cũng thường nhắc đến. (Tạm dịch là: Sắc tức là không, không tức là sắc). Ai cũng nói được nhưng mấy ai thực chứng được điều này ?

Mở ngoặc chút, ngài Huyền Trang (Xuanzang), tức là ngài Đường Tăng Tam Tạng trong truyện hư cấu Tề thiên đại thánh của Ngô thừa Ân, đã tốn 3 năm đi bộ từ TQ qua Ấn độ để tìm học kinh Phật và thỉnh kinh đem về cho TQ. Rất nhiều người cũng đã từng đi như thế và bị chết trên đường vào thời kỳ đó. Tất nhiên là thực tế thì chẳng có Tề thiên, Trư bát giới .. nào đi theo cả, mà Ngài chỉ đi một mình. Sau khi đến nơi, ngài lưu lại Ấn độ 17 năm để học tiếng Phạn tiếng Ấn, rồi được vua Ấn độ mời làm "quốc sư" hiệu trưởng trường đại học Nalanda. Nhưng sau đó ngài xin hồi hương đem kinh sách về cho TQ. Về đến TQ, vua Đường cho lập khu dịch thuật rất lớn, tuyển dụng nhiều người phụ giúp Ngài. Với lực lượng hùng hậu như thế, mà phải tốn gần 5 năm sau, Ngài Huyền Trang mới dịch xong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Thế mà kinh Bát Nhã Ba la mật Tâm kinh, nói gọn là (Heart Sutra) tóm lược được ý nghĩa của bộ Đại Bát Nhã đó, thì cũng tưởng tượng ra ý nghĩa súc tích của Tâm Kinh đến mức độ nào. Tuy nhiên cho dù là thâm thuý và uy lực đến đâu, thì cũng không phải chỉ cần ngồi đó đọc tụng mà giác ngộ được !

Giờ trở lại nói về chuyện phiên âm dịch thuật cái tựa "Prajna paramita Hridaya Sutra" ra tiếng VN, vô tình làm mất đi một số ý nghĩa quan trọng. Khi phiên âm chữ Prajna thành ra "Bát Nhã", paramita phiên âm thành ra "Ba la mật” hoặc “ba la mật đa", Hrdaya (dịch ra thành"Tâm"), Sutra (dịch ra thành “Kinh"). Thì người VN đọc câu "Bát Nhã Ba la Mật tâm kinh" không có ý nghĩa gì đặc biệt, mà chỉ đơn giản là một cái tựa đề của 1 bài kinh, như bao nhiêu kinh sách khác, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Cú, kinh Hoa Nghiêm ...v.v..Thậm chí một số ít người nghe đến chữ ba-la-mật còn tưởng có liên quan gì đến mật tông mật pháp hoặc phương pháp bí mật nào đó. Điều này quả nhiên là không chính xác, và làm mất đi những ý nghĩa rất quan trọng của câu chữ "Prajna paramita Hridaya Sutra". Cũng tương tự như trường hợp đọc "Om mani padme hum" thành ra "Án ma ni bát rị hồng", không hiểu được hàm ý sâu sắc bên trong, mà chỉ mơ hồ hiểu được cái ý nghĩa “tâm linh” của nó !

1. Prajna (bát nhã) được ghép từ 2 chữ : Pra-jna ; Pra là Tối thượng và duy nhất, Jna là hiểu biết, là trí tuệ 

2. Paramita (sự hoàn hảo) được ghép lại từ Parama (the other shore, tức là bờ bên kia) , và Ita (that which has arrived tức là đến, sẽ đến, hoặc đã đến ...)

3. Hrdaya (là tâm, là chính yếu, trọng tâm, điểm chính), chứ không phải nghĩa đen của trái tim, nhịp đập trong cơ thể.

Có những vị cao tăng, thiện tri thức ngày xưa chỉ giảng giải câu "Prajna paramita Hrdaya Sutra" mà tốn tới hàng tháng, hàng năm mới nói hết ý nghĩa của nó. Trong khi đó chúng ta chỉ đọc lướt qua câu "Bát nhã ba-la-mật tâm kinh" như một cái tựa đề thì uổng phí quá.

Chỉ cần qua cái tựa đề, Tâm Kinh đã giải thích cho người ta thấy được cái ý nghĩa quan trọng tối thượng của trí huệ Bát Nhã trong việc tìm đến sự tỉnh thức & giác ngộ. Đó là phải tự mình học hiểu và thực chứng mới đi đến được bờ bên kia. Không nên chờ đợi ở bất cứ ai và cũng không ai có thể ban bố sự giác ngộ được cho mình. Những đạo lý vô thường, vô ngã, có, không, được, mất ....trong bản kinh là những diễn giải, chỉ ra cho con người hiểu thấu và thực hành để thực chứng, để đạt được trí huệ Bát Nhã, chứ không chỉ để đọc và cầu nguyện. Các vị Bồ Tát xưa nay cũng đã phải đi theo con đường đó mà tìm đến giác ngộ, chứ không hề có ngoại lệ hoặc phải nhờ đến thân thế, quen biết, hay lý lịch tốt :-).
Thực tế, thì cũng có rất nhiều người loay hoay nhầm nhẫn giữa các phương pháp tu tập, cũng như các loại trí tuệ và kiến thức thông thường trong cuộc sống với cái trí tuệ "bát nhã" được nhắc đến trong kinh sách. Nên xã hội vẫn thường xảy ra ngộ nhận về những giá trị có liên quan đến địa vị, bằng cấp, chức tước, giàu nghèo, sang hèn, hình thức (tu sĩ, trí thức..) ..v.v.. trong đời sống tâm linh, và trên con đường tìm kiếm những giải đáp cho bản thân của họ. Ví dụ: Một nhà khoa học sáng chế ra bom nguyên tử, ra vũ khí sinh học ...có thể rất thông minh, kiến thức chuyên môn tuyệt đỉnh, tuy nhiên đó không phải là loại trí tuệ Bát Nhã, mà có thể là một dạng u mê. Một nhà độc tài đi tới đâu người ta cũng vỗ tay, chào đón khóc lóc như điên dại, cũng có thể là một dang thông minh biết cách mị dân, trấn áp xã hội. Nhưng chắc chắn đó không phải là trí tuệ Bát Nhã mà trong Tâm kinh nói đến…(Cho nên cũng không nên mù quáng tin vào lý thuyết hoặc danh xưng của bất kỳ ai, cho dù họ có quyền lực, chức tước, hình thức, ông này bà nọ, hoặc chùa to chùa lớn, mà phải tự thực chứng đạo lý đó với chính bản thân. Đạo Phật không chủ trương “blind faith”, tức là tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu. Đức Phật thời còn tại thế cũng đã dạy dỗ như vậy).

Bởi thế, mới có một Huệ Năng nhà nghèo, không biết chữ, chỉ cần một câu "Ưng vô sở trụ, sinh nhi kỳ tâm" mà trở nên tỉnh thức. Trong khi đó, một Thần Tú, tu sĩ, con nhà giòng dõi, kiến thức uyên bác, học sâu hiểu rộng, tên tuổi vang lừng, nhưng vẫn chưa đạt đến cái trí tuệ “bát nhã” của sự giác ngộ. Cho nên bài thơ rất hay của Ngài Thần Tú vẫn chưa "thấy” ra được cái "có" và cái "không" trong việc tu học. (Tất nhiên là còn nhiều yếu tố duyên nghiệp trong đây nữa. Câu chuyện này cũng nói đến khái niệm tiện ngộ và đốn ngộ trong PG).

Thân thị bồ đề thọ             
Tâm như minh cảnh đài     
Thời thời cần phất thức     
Vật sử nhạ trần ai.             

Tạm dịch:

Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám.

Thôi, cuối tuần, tản mạn một chút về cái tựa đề của một bài kinh quen thuộc. Chỉ là ý kiến cá nhân, không có ý dám múa rìu qua mắt thợ. Tất nhiên thời này thông tin tin tức không thiếu, quý vị nào muốn kiểm chứng hoặc nghiên cứu sâu hơn đều có thể tìm đọc dễ dàng. Mình thì luôn quan niệm rằng, ai cũng có thể sai lầm, cho dù là người tài giỏi hoặc là tiền nhân đi trước. Mạnh dạn trao đổi trong khiêm tốn cũng là một đức hạnh của "kiến hoà đồng giải" vậy. Còn nếu cứ khư khư quan niệm "áo mặc không qua khỏi đầu", cái biết của mình là luôn luôn đúng, chủ nghĩa của mình là luôn luôn vô địch, thì có thể là đang đi ngược lại với đạo lý vô thường của vũ trụ. Và cũng coi chừng là đang đi ngược lại với cái đạo lý vô ngã, cái tánh không “emptiness" thâm diệu mà Bát Nhã Ba la Mật đa Tâm kinh (Prajna paramita Hrdaya Sutra) đang nói đến.

Chúc tất cả bình an mùa dịch bệnh !

PN 

p.s: Nếu quý vị nào nghe được tiếng Anh, mình trích dẫn đường link dưới đây của tu sĩ Guan Cheng bên Canada giảng về "Tâm Kinh". Vị này giảng tương đối đơn giản, dễ hiểu, dễ theo dõi đối với những người mới bắt đầu tìm tòi. Thực ra thời nay có rất nhiều chư vị tăng ni, cư sĩ trí thức nói về Tâm Kinh, hoặc thuyết giảng trên mạng. Quý vị nào rảnh rang muốn tìm hiểu, nên tìm kiếm những ai có cách diễn giải phù hợp với mình, thì sẽ dễ dàng theo dõi hơn .



Thursday, June 17, 2021

Tản mạn về "Từ thiện" ...

 


Gần đây trên mạng xã hội VN rầm rộ những câu chuyện đấu tố "từ thiện". Xấu có tốt có, đúng sai chưa biết, nhưng cứ đem ra khai tội lẫn nhau dưới nhiều hình thức, trần trụi và a dua. Và đây cũng không phải là chuyện mới mẻ gì đối với mạng xã hội. Tất nhiên đại đa số những chuyện đấu đá thị phi, hơn thua trên mạng lâu nay cũng chỉ là nghe đi nói lại, phán xét dựa theo cảm tính hoặc đám đông, chứ chẳng phải là quan toà có đầy đủ chứng cớ, nên không ai bảo đảm được điều gì. Nếu là nạn nhân thì cũng chẳng được quyền bào chữa công bằng, mà cho dù có cơ hội thanh minh thanh nga thì lý lẽ cũng chưa chắc có được giá trị gì trước đám đông hùng hậu và a dua của mạng xã hội. Cho nên mỗi khi nghe thấy những chuyện như thế này, mình thường liên tưởng đến câu chuyện người đàn bà bị ném đá trong kinh Thánh :-)

Thực tế thì kết quả cuối cùng của “đấu tố”, “sao kê”, lai chim lai chuột, ăn chặn ăn bớt, vụ oan giá họa, đúng sai ra sao còn chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ làm cho nhiều người ngán ngẩm, và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho các hoạt động "từ thiện" về sau, đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ. Mình thì nghĩ rằng những người có quan niệm đúng đắn về việc “hành thiện bố thí”, sẽ không dễ bị lôi cuốn vào những thị phi như vậy !

Nhân đây mình cũng có vài ý nghĩ tản mạn về chuyện "làm thiện". Tất nhiên cũng chỉ là những suy nghĩ cá nhân, đúng sai tuỳ người cảm nhận. Đọc cho vui thôi :-)

Xưa nay có nhiều người cho rằng động cơ của hoạt động từ thiện có liên quan đến tôn giáo, đức tin về nhân quả báo ứng hoặc phước báu công đức .v.v.. Điều này thì mình không rõ lắm, và cũng không hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, có một điểm chung là tôn giáo nào cũng dạy tín đồ của họ sống tử tế, làm thiện làm lành. Nhưng làm thiện làm lành thì không nhất thiết là có liên quan đến tôn giáo. Còn quy luật nhân quả là của vũ trụ, không do ai tạo ra, cũng không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ một tôn giáo nào. Và cũng chính vì quy luật nhân quả, nên những người sống tử tế, hành thiện làm lành chắc chắn sẽ gặp được những điều thiện lành, tốt đẹp đến với họ trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng tin vào đạo lý nhân quả hoặc có cùng quan niệm nhân sinh. Thiên hạ vốn có tư duy và trình độ hiểu biết khác nhau, nhiều nguồn đa dạng, nên tồn tại những dị biệt và mâu thuẫn, cũng là chuyện thường tình. Nhìn chung thì đại đa số cá nhân và tổ chức từ thiện ở VN đều hoạt động rất tốt, ngày càng phát triển và có nhiều ảnh hưởng tich cực đối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có những mặt trái tiêu cực, liên quan đến mê tín dị đoan, cúng bái nghi lễ, lạm dụng quyền hạn, vụ lợi cá nhân, ganh ghét đố kỵ …. Tuy không nhiều nhưng cũng tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động từ thiện chung của xã hội.

Ngoài ra cũng không hiếm những trường hợp quan niệm lệch lạc về ý nghĩa và mục đích của việc bố thí, từ thiện. Ví dụ như có một số ít người coi chuyện làm từ thiện như một sự ban phát, khai ân, nên mong đợi những sự hồi báo, như quyền lực, đặc ân hoặc sự tôn vinh từ kẻ khác, kể cả sự xưng tụng từ những người nghèo khó hoặc cộng đồng xã hội. Khi không được như ý, lại sinh ra bức xúc, bất mãn, thậm chí còn cắt đứt dây chuông, hoặc chửi bới doạ nạt đòi lại… Một số người khác có quan niệm giá trị của việc “từ thiện” quy ra "thóc", nên tính toán hơn thua, so đo giá trị đóng góp, chê bai cúng nhiều cúng ít, phúc nhiều phúc ít … vô tình làm tổn thương nhiều người khác. Thậm chí có nhiều người còn chờ đợi Phật, Chúa, Trời, Diêm vương, thần linh … sẽ ghi nhận công đức “lớn lao” của họ, mà đáp ứng những lời khấn nguyện hoặc ban bố ân điển cho họ. Đến khi không được “lại quả” như ý, thì lại kể lể, sân si, sinh ra lắm phiền toái cho bản thân và nhiều người liên quan. 

Trong cuộc sống đời thường, có nhiều người nhận thấy các việc làm sai trái, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và khả năng để nói lên sự thật, hoặc ngại đụng chạm, ngại phê bình thẳng thắn, ngại góp ý chân thành về các ứng xử lệch lạc của người thân quen, nên những ngộ nhận ngày càng nhiều. Xã hội ngày càng nhiều những hiện tượng tung hô quá đáng, đầy rẫy những ứng xử kệch cỡm, lạm dụng danh nghĩa trá hình như tôn giáo, cộng đồng, văn hoá dân tộc, yêu nước thương dân..v.v… Làm cho nhiều người có cái nhìn phiếm diện về công việc từ thiện, nghi ngờ lòng tốt của người khác, dẫn đến những phán xét không công bằng, vơ đũa cả nắm, hoặc đổ thừa đổ lỗi cho nhau. Và cứ thế, lần hồi những công việc từ thiện cao cả đáng quý lại trở nên phức tạp, đầy những nghi ngờ và đố kỵ, làm cho một số cá nhân và tổ chức tham gia gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người có thiện tâm trong sáng muốn làm từ thiện cũng dè dặt hơn. Cho nên những suy nghĩ chín chắn về các hệ lụy gây ra do các tranh chấp hơn thua hoặc nhu cầu câu view trên mạng xã hội bao giờ cũng rất cần thiết.

Một yếu tố quan trọng nữa trong việc làm từ thiện bố thí, đó là bản sắc văn hoá đặc thù của từng địa phương. Có nhiều quốc gia và một số vùng miền trên thế giới, chuyện làm từ thiện hoặc đóng góp cho cộng đồng xã hội được coi như là những nhu cầu cần thiết và trở thành các sinh hoạt bình thường tự nhiên trong đời  sống. Cho nên không phải chỗ nào cũng có những cách làm từ thiện và ứng xử ồn ào như nhau.

Nhắc đến việc làm thiện làm lành, trong PG có một khái niệm rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người nghiên cứu đi sâu vào con đường thực hành đạo pháp. Đó là hạnh bố thí trong sáu pháp tu học ba-la-mật. Tiếng Anh gọi đó là "Six Paramitas", hoặc "Transcendent perfections", tiếng Việt dịch ra là Lục Ba la mật (có một số sách dịch là Lục độ Ba la mật). Chữ mật ở đây không liên quan gì đến bí mật hoặc phù phép pháp thuật nào cả. Có thể chỉ là cách phiên âm từ tiếng Phạn ra TQ, rồi TQ sang VN từ thời xa xưa. Dĩ nhiên ở các nước Á đông, vốn có truyền thống PG lâu đời, nên được thuyết giảng về nhiều phương tiện tu tập khác nhau. Ngôn từ cũng đa dạng phong phú, và khó hiểu hơn, vì được diễn giải theo nhiều cách riêng khác nhau. Còn bên Tây phương, thì kinh sách viết theo tiếng Anh (English) nên chữ nghĩa trực tiếp hơn, đơn giản hơn, phù hợp với những người có ít vốn liếng kiến thức PG như mình. Tóm lại, Lục Ba la Mật (Six paramitas) là 6 tiêu chí tu tập cần thiết nhất cho một người muốn tìm đến sự giác ngộ của bản thân. Nhiều người cũng cho rằng đó là tu theo hạnh bồ tát. Thực ra chỉ là cách nói, dùng từ ngữ thế nào cho người khác hiểu đúng là tốt rồi. Bên PG Nam truyền (Theravada) quan niệm là có 10 paramitas, thay vì là 6. Suy cho cùng thì cũng chỉ là những phương pháp thực hành có cách gọi khác nhau, nhiều con đường cùng dẫn đến một mục đích. Tuy nhiên đây là một trong những lý thuyết căn bản nhất của PG, mặc dù đơn giản nhưng là mấu chốt trọng tâm nhất của việc tu tập. Bạn nào muốn đọc thêm, thì có rất nhiều tài liệu trên mạng. Các trường đại học lớn trên thế giới đều có nhiều tài liệu về lý thuyết PG này. Ví dụ như đại học lâu đời nhất của Anh, Oxford, trong thư khố Oxford Bibliographies, luôn có những tài liệu hoặc bài viết về "Six Paramitas". 

Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ muốn nói đến cái ba-la-mật đầu tiên (1st paramita), đó là nói về Bố thí ba-la-mật-đa (tiếng Sankrit là danaparamita; tiếng Anh tạm dịch là perfection of giving, hoặc là generosity). 

Nôm na thì bố thí được định nghĩa là khả năng mở lòng để cho đi hoặc thiện chí để dâng hiến, mà không chờ đợi sự hồi báo. (Chứ nếu bố thí mà chờ đợi sự “lại quả”, kể cả lại quả công đức phúc báu, thì khác gì vừa bỏ ra một cục lại rinh về một cục khác nặng hơn:-). Bố thí được chia ra thành 3 loại:

1. Tài thí: là cho đi bằng tiền của, hiện vật, công sức... (như đại đa số các vị làm từ thiện ngày nay)

2. Pháp thí: là đem sở học sở đắc của mình mà hướng dẩn, giáo dục, thuyết pháp, truyền giáo, giảng giải đạo pháp, đạo làm người…cho kẻ khác.

3. Vô uý thí: là che chở hoặc bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp các sinh linh yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, bất lực ... trước những bạo lực, cường quyền, sự sợ hãi và những chết chóc tai ương. Hy sinh và sẵn sàng cam chịu thiệt thòi bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, giúp sinh linh thoát cảnh sợ hải, lo âu ...

Một số kinh sách cho rằng đó là 3 loại bố thí có cấp bậc từ thấp đến cao. Mình thì không nghĩ vậy. Có lẽ không có sự đo lường nào về công đức, nhưng có sự khác biệt khó dễ trong việc thực hành hạnh bố thí. Xưa nay mình thường nghe nhiều vị giảng giải về thực hành Bố thí Ba-la-mật-đa là vừa làm lợi ích cho người, vừa làm lợi ích cho mình. Theo thiển ý của mình thì chuyện làm lợi cho người, cho xã hội, cho nhân loại, thì ai cũng dễ dàng nhìn ra được. Nhưng nói chuyện làm thiện sẽ đem lại lợi ích cho chính bản thân thì khó nhận ra hơn, mặc dù đây mới là điều quan trọng mà những người tu học chân chính muốn hướng tới. Bởi vì chính sự bố thí đúng nghĩa mới là liều thuốc hoá giải mọi sự chiếm hữu và tham lam, bủn xỉn và bần tiện, kiêu ngạo và ích kỷ ...Đưa họ từng bước tiến đến gần hơn với sự giác ngộ và tỉnh thức !

Tất nhiên là trong mọi vấn đề, mọi lý thuyết đều có tính hai mặt của nó. Tỉnh hay mê, thiện hay ác, nặng hay nhẹ, có khi cũng chỉ là những đường ranh rất mỏng. Vượt quá giới hạn đó lại trở thành một ý nghĩa khác. Mình không phải là những nhà tu hành, càng không phải là các nhà nghiên cứu đạo pháp, hoặc các bậc cao nhân tri thức ... nên một lần nữa, đây chỉ là những hiểu biết trong giới hạn hiểu biết nhỏ bé của mình.

Giờ xin nói chi tiết chút. Thứ nhất nói về "Tài thí", quả nhiên là đơn giản nhất. Có công, có của, có lòng ... cho đi. Làm từ thiện, đi cứu trợ, quỹ tình thương, quỹ hổ trợ, quỹ học bổng, làm nhà tình thương, làm cầu, làm trường, bữa cơm có thịt, cái mền, cái áo, xây chùa, xây miểu ...v.v.. Tuy nhiên, đối với hạnh bố thí, thì sự "cho đi” không phải chỉ dựa trên sự dư đủ của vật chất tiền bạc, mà còn dựa trên khía cạnh tinh thần, sự thiện chí, sự buông bỏ, hy sinh, đức tính khiêm cung, và quan trọng nhất là lòng yêu thương. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có những thứ để cho, để hiến dâng cho kẻ khác. Bố thí Ba-la-mật không tùy thuộc vào giá trị vật chất quy ra "thóc”, mà chính là khả năng mở lòng cho đi, sự thấu hiểu và đồng cảm, lòng thương yêu chia xẻ với những kẻ khốn cùng hoặc nỗi đau lâm nạn. Cho người nhưng thực sự là giúp chính bản thân mình. Bởi vậy vài chục tỉ của một đại gia (làm giàu chính đáng hoặc không chính đáng) so với vài ổ bánh mì của người nghèo hoặc bữa ăn cuối cùng của người ăn xin, đâu thể đem ra so sánh giá trị được. Người có nhiều cho đi nhiều, có ít cho đi ít, cần được ghi nhận và tôn trọng như nhau. Mà có lẽ cũng chẳng có ông Phật ông Chúa nào lại đi đo lường giá trị tài vật như thế, nếu có thì chỉ có thể là lòng thành hoặc năng lượng tích cực của việc bố thí tạo ra, và cũng chính bản thân của người đã “cho đi” mới biết. Thời nay rất nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu khoa học cũng đồng ý rằng chính sự thấu hiểu bản thân, tìm được sự an lạc từ bên trong mới chính là hạnh phúc đích thực. Đó là giá trị lớn nhất và cũng là những hạt giống karma seeds quý báu mà họ vừa gieo trồng trong mảnh vườn A-lại-da-thức của họ. Còn dẫu có lên đài, lên TV, lên youtube khoe khoang, thì chắc cũng không đem lại cho họ lợi ích gì, ngoài những phiền toái thị phi, hoặc những xưng tụng có tính chất tạm thời, phe phái. Có những người rất nghèo khó, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, khuân vác hàng ngày, không có vốn liếng, không học thức, nhưng họ có thể bật khóc thông cảm trước cảnh khổ đau và cơ hàn của kẻ khác. Ngoài tình thương ra, họ chỉ có gói mì, ly nước, hoặc thậm chí không có tài vật gì để hiến dâng, nhưng chính lòng yêu thương đó cũng là sự bố thí đáng kính vậy.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống thì bố thí không phải chỉ đơn giản cho đi là xong việc. Nhiều người phát tâm " tài thí" đôi khi còn phải chịu đựng những thị phi, đố kị, ganh ghét, của thiên hạ chung quanh. Cũng là lẽ thường, thậm chí có lúc còn phải bị mang họa vào thân, hoặc nhận lãnh cả sự thù hận, mới hoàn thành được ý nguyện thiện lành của họ. Chưa hết, nhiều người làm từ thiện mà phải dấu diếm vì sợ người đời đánh đồng cá mè một lứa, nghi kị hiểu lầm động cơ từ thiện của họ. Bởi vậy cũng không hiếm những trường hợp có người chịu đựng không nổi những áp lực nghịch lý, hoặc không vượt qua được ải "thị phi" của thiên hạ chung quanh, đành ngậm ngùi gác kiếm không làm từ thiện nữa. Tức là chính họ đã thua cuộc trước cái mục đích hạnh trì cao cả của họ. Rớt từ vòng gởi xe :-). Bên cạnh đó, cũng có một số người động cơ chính của việc làm từ thiện là mong được hồi báo phúc đức, cho con cho cháu, kiếp này hoặc kiếp sau. Vô tình họ lại làm mất đi cái ý nghĩa cốt lõi của việc bố thí, vừa được nhẹ đi lại mưu cầu thêm những gắn bó mới (attachments). Nói tới đây mới nhớ tới thời mình về VN đi làm, gặp những ông anh cùng quê, rất nặng lòng với quê hương. Bao nhiêu năm qua, không hề mệt mỏi, bền bĩ, thầm lặng giúp đỡ quê nhà, chẳng mong gì sự hồi báo. Cho gạo, cho tiền, lập quỹ hổ trợ, xây trạm xá, xây trường học, giúp đỡ đồng bào, ngư dân. Chắc hẳn cũng có những lúc họ phải trãi qua nhiều thị phi, khó nhọc, nhưng chưa hề dừng bước. Rất khâm phục tấm lòng của các anh ấy.

Ở một số quốc gia đang phát triển, có nhiều nhà tỉ phú nổi lên nhanh chóng do các khe hở của luật pháp và chính sách. Bên cạnh sự giàu có của họ, đôi khi phải trả giá bằng những thiệt hại và khổ đau của nhiều người dân lương thiện khác. Một số người khôn khéo trích khoản phần nhỏ ra để làm “từ thiện”, để xoa dịu lương tâm bản thân, để bù đắp hoặc trấn an bàn dân thiên hạ, hoặc để đánh bóng tên tuổi. Đó không phải là ý nghĩa của bố thí trong paramitas. 

Ngoài ra cũng có nhiều sự bố thí khác cao cả hơn, như hiến dâng một phần thân thể, hoặc hy sinh cả mạng sống của họ vì sự an vui và tồn vong của kẻ khác gọi là Đại Bố thí. Trong lịch sử nhân loại, không hiếm những cá nhân, các chư vị tăng ni tu sĩ PG, hoặc các vị thánh tử đạo của Thiên chúa giáo ... đã từng hy sinh bản thân để giúp đời, truyền bá đạo pháp, thử thuốc cứu người, tự thiêu để đánh thức lương tâm của kẻ khác trước những ý đồ vô minh đen tối…v.v. Nhưng bên cạnh đó, thì cũng có nhiều trường hợp tuy hành động giống nhau nhưng mục đích lại hoàn toàn khác nhau. Nhiều người do xuất phát từ lòng hận thù, cuồng tín, vô minh, hoặc vì những mục đích chính trị khác nhau, cũng tự hy sinh hoặc xúi giục người khác hy sinh, gây ra bao thiệt hại, giết chết bao sinh mạng vô tội khác, làm rối loạn xã hội để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc tổ chức đảng phái, ví dụ như các tổ chức khủng bố. Đó không phải là hạnh bố thí. Cho nên có nhiều hành vi hoặc hành động hoàn toàn giống nhau nhưng xuất phát từ những động lực khác nhau, thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. 

Thứ hai, nói về Pháp thí. Nghĩa là nói đến sự cống hiến, tri thức cho đi của các bậc truyền giáo, thuyết pháp, giáo dục, khai ngộ cho kẻ khác. Đây là một việc làm khó khăn, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Đồng nghĩa với khái niệm nước có thể nâng thuyền thì cũng có thể đắm thuyền. Truyền bá đạo pháp không đúng có thể huỷ diệt đạo pháp, đưa xã hội vào thời kỳ mạt pháp. Cho nên nói về Pháp thí là nói về những mục đích và phương tiện khác nhau. Thuyết giảng và truyền bá đạo pháp hoàn toàn lệ thuộc vào trí tuệ, khả năng, và duyên nghiệp của người giảng và người nghe. Chữ "duyên nghiệp" ở đây nói cho đơn giản một chút là sự kết hợp của những điều kiện "cần và đủ" như trong toán học, bao gồm cả cái Ngã, cái vô minh của đôi bên. Mình không dám nói nhiều về phạm vi này, vì đây là một vấn đề tế nhị, khó diễn đạt. Nếu nói không đủ ý, nhất là trong phạm vi của một vài phiếm luận ngắn, dễ gây ra sự hiểu lầm và trịch thượng. Và đó cũng chính là một thứ duyên nghiệp của mình vậy :-) . 

Đại khái, nhiều người khi đến với tôn giáo thì đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng đôi khi có sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, nên bị cuốn hút vào những giá trị ảo thuộc về hình thức nghi lễ bên ngoài, mà không có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về bản chất thực sự của tôn giáo nên dẫn đến nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng không hiếm các trường hợp hiểu lầm về đạo pháp do sự giảng giải và hướng dẫn lệch lạc của một số chư vị tu tập dưới màu áo tu sĩ nhưng lại không hiểu biết thấu đáo giáo lý hoặc có những mục đích riêng tư khác. Nhiều vị có thể là do khả năng hoặc kiến thức, hoặc do ngã chấp nặng nề, hoặc do bị chỉ phối bởi các yếu tố đời thường, mà vô tình hay cố ý dẫn dắt đức tin của thiên hạ đi vào chỗ mê tín dị đoan, bùa phép ma thuật, hối lộ thần thánh, hủ tục vô lý…v.v. Và cũng chính vì ngộ nhận chánh pháp nên mưu cầu và hứa hẹn những điều không có thực. Thậm chí còn bị lôi cuốn và quay cuồng trong những chuyện hơn thua tên tuổi danh vị, vọng tưởng công đức, so đo công trạng .v.v..Vô tình ngày càng đưa mình đưa người vào những ngõ rẽ vọng tưởng, càng xa rời chánh pháp và sự giác ngộ. Tất nhiên trong cuộc sống này thì vẫn luôn có nhiều chư vị tăng ni, nhiều bậc tri thức, cư sĩ, thiện nam tín nữ đầy đủ phẩm chất, trí huệ sáng suốt, đạo đức khiêm cung, kiến thức rộng lớn, sẵn sàng dạy dỗ và hướng dẫn kẻ khác đi theo con đường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, con người thường sẽ không biết cái mà mình không biết. Ai cũng có những bộ lọc riêng, nên thường có xu hướng tìm nghe những gì họ thích nghe, tìm thấy những gì họ thích thấy. Không ai ngoại lệ cả, trừ khi sự hiểu biết và tu tập của họ đã được thực chứng trải nghiệm và vượt qua những nấc thang trở ngại đời thường này rồi. Nhưng đó cũng là những câu chuyện dài trong cuộc sống!

Thứ ba, nói về "Vô úy thí" (abhayadana). Nghĩa là nói đến sự che chở và bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp những sinh linh (người & vật) yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, không phương tiện tự vệ trước những bạo lực, lo âu, sợ hãi và chết chóc. Nhiều người dùng trí tuệ, tài lực, và ngôn ngữ của họ khuyên bảo an ủi động viên kẻ khác vượt qua những thời khắc khổ đau nhất hoặc khó khăn nhất. Đại khái là như thế, nhưng theo thiển ý của mình, đây là cấp bậc bố thí cao hơn và là sự kết hợp của hai dạng bố thí trước. Nhiều chùa chiền Bắc truyền ở VN đều thờ cúng Bồ Tát Quan Âm "cứu khổ cứu nạn". Có lẽ là biểu tượng của hình thức bố thí "vô úy thí" này. Để che chở hoặc bảo vệ cho sinh linh thoát khỏi cảnh khổ đau và sợ hãi cùng cực, có lẽ không còn ranh giới giữa "tài thí" hoặc "pháp thí" nữa, mà cần có một hành vi hoặc trạng thái tự nhiên hơn. Có thể phải đòi hỏi một khả năng kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để thực hiện công việc hiệu quả. Mặt khác cho dù nhiều người rất có thiện tâm, nhưng “vô úy thí” đôi khi không phải là những việc làm dễ dàng như cho đi một món đồ. Thậm chí có thể phải hy sinh cả cuộc đời hoặc bị ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ. Như trong đời sống hàng ngày, có lúc chúng ta nhìn thấy những nghịch lý gây ra biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau phiền muộn cho người khác, nhưng không phải ai cũng có đủ dũng khí, bản lĩnh, để lên tiếng bảo vệ lẽ phải và bênh vực cho kẻ yếu. Ngoài ra, bên cạnh tình thương, lòng kiên nhẫn và sự hy sinh, nhiều lúc còn đòi hỏi phải có trí tuệ và bản lĩnh mới thay đổi được những nghịch lý trong cuộc sống để bảo vệ kẻ yếu. Cho nên có lẽ vậy mà nhiều người đành lực bất tòng tâm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp biết sai nhưng chỉ vì một ít quyền lợi riêng tư, hoặc vì sự yên ổn của bản thân và gia đình, mà nhiều người đành phải chọn lựa giải pháp quay lưng với sai phạm, mà đúng ra họ phải đấu tranh để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng. Đó là một vài ví dụ thường gặp trong cuộc sống đời thường. Bản thân chữ Abhayadana có nhiều ý nghĩa sâu sắc trong các ngôn ngữ cổ xưa như Jainism, Prakrit, Hinduism, Sanskrit, Marathi. Bạn nào muốn tìm hiểu nên đọc thêm nghen. Thực ra, ngày càng già đi, mình mới hiểu ra rằng có nhiều thứ càng nói càng thiếu (hoặc càng sai). Chỉ có sự im lặng, suy gẫm, và tự nhiên cái hiểu sẽ đến !

Cũng không biết có phải vì sự hạn chế của ngôn ngữ mà nhiều vị thiền sư ngày xưa không chọn con đường thuyết giảng để truyền thừa đạo pháp cho các thế hệ sau ? Nhiều vị còn chọn phương cách “vô ngôn”. Nhìn lại lịch sử PG VN hôm nay, rất nhiều tổ đình lớn như Từ Hiếu, Từ Đàm, Thiên Ấn ..cũng như các vị cao tăng tên tuổi như Ngài Tịnh Khiết, Huyền Quang, Nhất Hạnh ... đều xuất phát từ tông Lâm Tế. Mà ngài tổ sư của tông Lâm Tế là Lâm tế Nghĩa Huyền có một câu nói rất nổi tiếng..."Đừng có bị lôi cuốn vì những cái áo. Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sanh, áo bồ đề, áo niết bàn, áo Tổ, áo Phật. Các ông có biết cái người mặc áo không? ”. Tất nhiên ai cũng hiểu điều mà Ngài muốn nói đến là - Chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái áo bên ngoài mà không biết “người” mặc áo. Thấy được chân tướng vấn đề mới là điều mà Ngài muốn chúng ta hướng đến. Thế nhưng thời nay biết bao nhiêu người làm được chuyện đó. Và làm "từ thiện" cũng là một chiếc áo đẹp !

Dông dài thêm một chút, VN mình lâu nay luôn cảm thấy may mắn và tự hào về tông thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Trúc Lâm Yên tử đã trở thành một biểu tượng tôn giáo và văn hoá hàng đầu của PG VN. Còn Tết nhất lễ hội, cúng mâm cúng quả, cầu phúc cầu tài thì khỏi nói rồi. Cả nước hiện nay có biết bao nhiêu chùa chiền thuộc nhánh Trúc Lâm, và có rất nhiều chư vị tăng ni, thiền sư khả kính, trí tuệ uyên bác. Và khi nói đến dòng thiền Trúc Lâm, ai ai cũng nói đến công lao của vị vua khả kính Trần Nhân Tông sáng lập ra. Tuy nhiên ít người nhắc đến Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh cả của Đức Thánh Trần Trần Hưng Đạo, và là người đã dẫn dắt, dạy dỗ vua Trần Nhân tông vào con đường tu học đạo pháp. Ông có viết quyển "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", do chính vua Trần Nhân Tông đích thân ghi lại. Rất hay, nhưng sau này cũng ít khi nghe người ta nhắc đến !

Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ là học trò của nhà sư Tiêu Dao. Trong cuốn "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", ông có kể lại rằng khi ngài Tiêu Dao (thầy của ông) đến nước ta để truyền giảng đạo pháp, Ngài ở trần không mặc áo, tay cầm cần câu không lưỡi, ngang nhiên đi vào kinh thành nhà vua. Hồi trước đọc tới đó, mình nghĩ cũng may mắn cho VN ta là Ngài Tiêu Dao sinh vào thời đó. Chứ nếu Ngài xuất hiện ở thời này mà không mặc áo, đi chân đất, lại không có chức danh, không trụ trì chùa nào, làm sao có cửa vào phủ chủ tịch ?

Biết ơn duyên lành !

PN

Thursday, May 27, 2021

Tâm và công đức ?


Lâu nay mình vẫn nghĩ có lẽ cái khó nhất trong cuộc sống này là làm sao để có được một cái bánh mà cắt ra ai ăn cũng thấy ngon giống nhau. Nhưng nói đùa vậy thôi, chứ chắc chắn là không ai có thể làm được điều đó. Mỗi người mỗi ý, ngộ tánh khác nhau. Chúa Phật cũng phải chào thua, bởi kinh điển hoặc bất kỳ một lý thuyết tôn giáo nào cũng không thể giúp cho thiên hạ có cùng một sự lãnh hội và hiểu biết giống nhau được.

Mấy hôm nay là mùa lễ Phật đản (đản sanh). Nhiều xứ, nhiều nơi tổ chức cúng lễ rầm rộ. Nhiều chùa tổ chức rất quy mô để cầu cho quốc thái dân an, đẩy lùi dịch bệnh. Dĩ nhiên là không phải đất nước PG nào cũng có ngày Phật đản giống nhau, mặc dù đa số đều tổ chức vào tháng 4 Âm lịch. Mình thì thường nói vui với bạn bè là.... "Chọn lựa ngày nào chắc cũng được, vì Phật không sinh ra vào tháng nào cả, mà đó chỉ là ông thái tử Tất đạt Đa ra đời thôi !"  :-) . 

Rằm tháng 4 năm nay, hôm qua, cũng là một ngày rất đặc biệt. Giới khoa học gọi là ngày nguyệt thực "trăng máu" (blood moon). Trái đất nằm ngay chính giữa mặt trời và mặt trăng. Khoa học thì giải thích đơn giản vậy, còn các ngài phi khoa học thì giải thích ác liệt hơn nhiều, điềm báo lung tung .... 

Nhân mùa Đản sanh, xin mạn phép gởi đến quý anh chị và bạn hữu một bài dịch của cố GS Phạm Công Thiện, dịch từ bản gốc tiếng Pháp của Léon Wieger. Léon Wieger là một nhà truyền giáo Thiên chúa giáo người Pháp, một bác sĩ y khoa nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Đông phương, Đạo giáo, Phật giáo ..v.v.. Đây là bài ông viết về buổi thuyết giảng đầu tiên của ngài Bồ Đề Đạt Ma tại TQ, giảng cho vua Lương Võ Đế và triều đình TQ thời bấy giờ. Rất hay, nên đọc !

Cũng xin nhắc lại một điển tích PG rất hay ngày xưa. Vua Lương Vũ Đế là một vị vua khai quốc của triều nhà Lương. Ông là người rất sùng đạo, chuyên xây chùa, luôn làm phước, làm thiện ... và là một trong những vị vua cai trị đất nước TQ thịnh vượng và hùng mạnh nhất. Khi gặp được ngài Đạt Ma, ông hỏi "Ta chuyên làm chuyện tốt nhiều như vậy, có công đức không ?". Ngài Đạt Ma trả lời : Không, không có công đức gì !

Còn thời nay ai mà dám nói "không" nhể ?  Hihihi...:-)

PN

-----------




(BÀI THUYẾT PHÁP CỦA TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA CHO VUA LƯƠNG VÕ ĐẾ)

(Bản dịch sang tiếng Việt của gs Phạm công Thiện)

Sau đây là bản dịch Bài Thuyết Pháp của Bồ Đề Đạt Ma trong Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine (Depuis l’origine jusquà nos jusquà nos jours) của Léon Wieger (1922).

Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma tại Trung Hoa. Ngài thuyết giảng ngay tại triều đình của Lương Võ Đế có sự hiện diện của nhà vua và toàn thể văn võ bá quan là những thành phần trí thức ưu tú trong nước. Lương Võ Đế tuy là một ông vua sùng đạo và các quan văn trong triều tuy là những bậc trí thức trong nước, những cũng không lãnh hội và chấp nhận nổi những ý chính trong bài thuyết pháp, một phần vì nhà vua và các quan còn chấp thủ, một phần vì lời thuyết pháp quá ư mạnh bạo, gần như sổ sàng tuy lý luận rất đanh thép, ngôn từ rỏ ràng và cô đọng. Bài thuyết pháp tuy rất ngắn gọn nhưng thật là đầy đủ ý nghĩa, bao gồm được tất cả tinh hoa của giáo pháp Phật và cốt lõi của thiền. Có thể nói cuốn Đạt Ma Huyết Mạch Luận chỉ triển khai những tư tưởng trong bài thuyết pháp nàỵ. Thất bại trong lần thuyết pháp đầu tiên ở Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma bỏ ra đi. Ngài không thuyết pháp nữa mà ngồi thiền trước một bức tường (bích quán) trong suốt chín năm trời.

Phần thứ nhất: Bản Chất Của Tâm

Cả thế giới được nghĩ trong tâm. Tất cả chư Phật - quá khứ và vị lai - đã và sẽ được tạo thành trong tâm. Sự hiểu biết được truyền từ tâm sang tâm qua ngôn từ nên tất cả những kinh sách chẳng có ích lợi gì. Tâm của mỗi người đồng điệu và tương ứng với thực tại muôn đời, với thực tại muôn nơi. Tâm là Phật không có Phật ngoài tâm. Coi giác ngộ và niết bàn là những sự vật ở ngoài tâm là một điều sai lầm. Không có giác ngộ ở ngoài tâm linh động. Không có chỗ nào gọi là nơi chốn của những người đến niết bàn. Ngoài thực tại của tâm, tất cả đều là huyễn tượng. Chẳng có nhân, chẳng có duyên. Chẳng có lý do, chẳng có kết quả. Chỉ có một thực tại duy nhất. Đó là: Tư tưởng của tâm và sự an nghỉ của tâm chính là niết bàn. Đi tìm một sự vật ngoài tâm là đi tìm bắt hư không. Tâm là Phật và Phật chính là tâm. Tưởng tượng Phật ở ngoài tâm hay hình dung Phật ở ngoài tâm là mê sảng.

Phần Thứ Hai: Phương thức

Vậy phải nhìn vào trong chứ không nhìn ra ngoài. Phải tự lắng vào chính mình để thấy Phật tánh trong chính mình. Tất cả chúng sanh đều là Phật như mình nên mình chẳng cứu ai cả. Không có vị Phật nào hơn mình nên không phải van xin, cầu nguyện ai cả. Không có Phật nào hiểu mình hơn chính mình nên không phải học hỏi trong những kinh sách của các vị ấy. Không có luật pháp nào kiềm hãm được Phật. Một vị Phật không thể sa ngã nên ta không sợ phạm tội. Không có thiện, không có ác. Chỉ có những động tác của tâm. Mà tâm là Phật nên tự tánh không thể lầm lỗi được. Cúng kiến, hoằng pháp, nhiệt thành giữ giới, bố thí cầu kinh và tất cả những thứ khác đều không có ích lợi gì cả. Chỉ cần một điều duy nhất là nhìn thấy Phật nơi mình. Sự nhìn thấy Phật ở nơi mình đưa đến giải thoát, đến niết bàn.

Phần Thứ Ba: Phật Tánh

Không có bất cứ một cuốn kinh nào, không có bất cứ sự tu khổ hạnh nào có thể đưa ta ra khỏi luân hồi. Học kinh và tu khổ hạnh hoàn toàn vô ích, phù phiếm. Không có quyển sách nào đáng cho ta mở ra đọc. Trong sự an tĩnh, vô vi hoàn toàn hãy kiến tánh ở nơi mình, nơi chính tâm mình. Đó mới đúng là Phật. Chỉ học nhìn thấy Phật tánh thôi vì đó là điều duy nhất đáng học. Tất cả những hình tượng khác đều là sương mù, ảo ảnh. Hãy nhìn Phật nơi mình. Đó mới là cái nhìn trung thực duy nhất. Phật tánh ở trong mỗi người và trong tất cả mọi người, Phật tánh đều giống nhau. Khi quên tất cả mọi sự và chỉ giữ lại thực tại duy nhất đó là thoát khỏi vòng luân hồi và tới niết bàn. Tất cả những kẻ thuyết lý đều là trợ thủ của Mara và đưa con người đến chỗ huyễn tưởng. Mọi hệ thống triết học đều hoàn toàn sai lầm và có tính cách lường gạt. Nói đến sự tẩy uế, thiện nghiệp, chuyên tâm và tiến bộ là phỉnh lừa thiên hạ. Mỗi người là Vị Phật của chính mình và của tất cả. Điều ta phải làm cho tới cùng là nhận thức rằng thực tại và chân lý duy nhất ấy tiềm tàng trong mỗi người chúng ta. Không có tội hay đúng hơn chỉ có một tội duy nhất: Đó là tội vô minh, tội không nhận được ra Phật tánh ở chính nơi mình. Tội này rất nặng vì nó giam ta trong cõi vô thường. Thân xác là phù du. Cuộc đời trôi nhanh như một giấc mộng. Trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời ta phải tự giải thoát bằng cách tự khám phá chính hình bóng của mình. Trong giấc mộng đời, ta có thể thấy được thực chất của mình. Trong giấc mộng đời, chính Pháp thân tự hé mở trong bản thể. Đó là thực thể.

Phần Thứ Tư: Pháp Thân

Pháp thân này vĩnh cửu. Trải qua vòng luân hồi, thăng trầm qua vô lượng kiếp, pháp thân vẫn không sinh, không diệt, không thêm, không bớt, không nhơ nhớp, không bị tẩy sạch, không yêu, không ghét, không đến, không đi, không đàn ông, không đàn bà, không già, không trẻ, không tu, không tục, không có, không không. Pháp thân không một mà cũng không nhiều, không thánh mà cũng không phàm. Pháp thân đi vào tất cả không bị trở ngại và không gì ngăn cản được. Pháp thân ung dung trong những kiếp liên tiếp, trong vòng sinh tử.

Chúng sanh và vận mạng của chúng sanh đều qui về pháp thân. Ta thấy pháp thân này ngay trong ta. Ta phải di động và hành động trong ánh sáng của tâm. Pháp thân bao trùm tất cả chúng sanh như sông Hằng giữ nước của nó hằng hà sa số những phân tử phù sa. Ta không thể diễn tả pháp thân được, mà cũng không thể giải thích pháp thân bằng ngôn từ. Mỗi người hãy tự chiêm ngưỡng, lãnh hội pháp thân cho chính mình. Lãnh hội được pháp thân là giải thoát, là giác ngộ. Lãnh hội được pháp thân là ra khỏi sự giao động của thế lực mà đức Thích Ca Mâu Ni gọi là cuồng loạn vĩ đại. Giác ngộ đưa ta vào trong tỉnh lặng hoàn toàn. Người ta phải khám phá chính bản thân mình, khám phá Phật tánh ở mức độ ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ và tư tưởng. Pháp thân vô hình, bất biến và không thể bị hủy diệt. Chẳng có Phật nào khác ngoài pháp thân vì pháp thân ở trong chư Phật. Pháp thân cũng ở trong tất cả mọi người.

Phần Thứ Năm: Tĩnh Tâm

Xin nhắc lại rằng vì tánh chất của pháp thân, ta chẳng cần kinh kệ, chẳng cần cúng tế, thờ phụng mà cũng chẳng tìm cái gì ở ngoài bởi lẽ trong mình ta có tất cả. Tất cả những sự vật bên ngoài đều là hư ảo giả tạm. Chẳng có gì thật ngoài pháp thân. Nguyện cầu những gì sùng bái chính là mình, sùng bái những gì chính là mình là một việc phi lý và vô ích. Điều cốt yếu là làm sao có yên lặng và tĩnh tâm; vì yên lặng, tĩnh tâm giúp ta thấy pháp thân chính nơi ta tức là thấy Phật. Tất cả những biểu tượng giả tưởng, tất cả những biểu tượng vật chất đều sai lầm. Chính sự sai lầm ấy giữ ta lại hoặc đưa ta vào trong vòng luân hồi tái sinh. Không nên sùng bái những hình tượng thoát thai từ nơi mình bởi vì những hình tượng ấy không thuộc pháp thân. Chỉ nên sùng bái những ý tưởng phát ra từ Phật tánh. Phải bỏ tất cả những giả tưởng về thần thánh linh thiêng vì đó chính là những ảo tưởng phù phiếm. Không nên thờ kính những vật giả tưởng đó mà cũng chẳng phải sợ hãi những thứ đó. Cũng nên quẳng bỏ tất cả những ảo ảnh về chư Phật. Ảo ảnh chỉ là những ảo tưởng phù phiếm.

Phần Thứ Sáu: Thiền Luận

Không có gì quí hơn những ý tưởng vô hình của tâm phát ra từ Phật tánh. Chỉ có một điều ta thấy thật sự là: Pháp thân ở nơi Ta. Phật là một tiếng Ấn Độ, không phải tên người và có nghĩa là giác ngộ, linh giác mà mọi người có thể đạt tới được. Sự giác ngộ này chính là thiền. Những kẻ đối nghịch với chúng ta không thể hiểu được giá trị mà chúng ta đem vào danh từ thiền. Thiền không có nghĩa là tham thiền, suy tưởng. Ta chỉ đạt đến thiền khi ta thấy được Phật tánh ở chính mình. Một người đọc vô số kinh luận mà không kiến tánh thì chỉ là kẻ phàm tục tầm thường. Đạo lý ta khó hiểu đối với mọi người vì ngôn từ không đủ khả năng diễn tả được đạo. Chỉ có kẻ nào đạt được mới hiểu. Ta có thể nói với những môn đồ ta như vầy: Các ngươi phải đạt đến Phật tánh nơi các ngươi tức là pháp thân nơi các ngươi. Làm thế nào diễn tả được... và bởi vì không thể nói ra được nên tất cả những kinh luận đều vô ích. Kinh luận chỉ là những câu chuyện phù phiếm, đi quanh vấn đề. Kiến tánh là một hành động giản dị. Kiến tánh không thể chia ra thành từng phần nên ta không thể tri và hành từng phần một. Kiến tánh cũng giống như nuốt một thứ đồ ăn, cũng giản dị và lập tức như thế. Người ta không bao giờ thuyết lý viễn vông chung quanh sự nuốt đồ ăn. Ta biết nuốt hay không biết nuốt. Chỉ có thế thôi! Kẻ nào tưởng tượng một thực tại ngoài Phật tánh bên trong và tìm cách xác định thực tại ấy, kẻ ấy rơi vào sai lầm nghiêm trọng. Tất cả những ý tưởng ngoài ý tưởng về Phật tánh nội tại chỉ là những bóng ma phù phiếm. Chính những ý tưởng đó sinh ra bóng ma, những sai lầm và giữ con người triền miên trong vòng luân hồi. Con người sẽ được giải thoát khi đã phủ nhận tất cả những bóng ma và những sai lầm ấy, đồng thời gắn liền với Phật tánh ở trong nội tại. Giây phút giác ngộ này, giây phút giải thoát này, mỗi người hãy tự mình đi đến. Giáo lý chỉ có thể giúp người ta chuẩn bị. Giáo lý không thể tạo ra giác ngộ. Mộng không thể học được. Chết không thể học được. Lãnh hội Phật tánh nơi chính mình cũng không thể học được. Pháp thân rất giản dị. Ta không thể tạo ra được mà chỉ lãnh hội được. Kẻ nào đã lãnh hội được pháp thân thì không cần thiên đàng, không còn địa ngục, không còn mình, không còn kẻ khác, không còn gì bên ngoài. Vậy việc lãnh hội pháp thân là việc của đức tin tuyệt đối, không mảy may pha lẫn bóng tối ngờ vực. Khi người ta mộng, người ta không bao giờ nghi ngờ bởi vì người ta thấy thực tánh của mình. Trong khi thức, ta cũng phải tin tưởng vững chắc như vậy dù có bị những ảo tưởng của giác quan và những sai lầm của trí tưởng tượng ràng buộc.

Phần thứ bảy: Vô Minh

Đối với những người đã khám phá được bóng hình của mình và không còn bị bất cứ một hệ lụy nào ràng buộc, thì bất cứ một hành động nào của thể xác vật chất cũng không có thể ảnh hưởng đến pháp thân. Một kẻ phàm tục làm nghề đồ tể cũng có thể là một vị Phật. Kẻ nào đã lãnh hội được Phật tánh thì không tạo nghiệp nữa dù làm bất cứ một hành động nào bởi vì kẻ ấy đã giác ngộ. Nghiệp chỉ đeo đuổi những người chưa giác ngộ vì những người đó còn trong vòng u tối vô minh. Chính sự ngu muội này đã tạo ra vòng đầu thai, luân hồi ở địa ngục, làm thú và làm người. Tất cả nợ tinh thần chấm dứt ngay khi giác ngộ phá hủy vô minh. Bậc giác ngộ không làm nên tội lỗi và cũng không phạm tội nữa.

Phần thứ tám: Giác Ngộ

Ta phải giảm dần những ấn tượng, bớt dần tham vọng, (bớt dần) tập trung và an trí. Đó là chuẩn bị. Kinh kệ, tu khổ hạnh, công trình nghiên cứu học hành đều chẳng có lợi ích gì cả. Kiến tánh không thể học được. Tại sao có những người đã chuẩn bị cẩn thận và có thành tâm đứng đắn mà vẫn không kiến được tánh? Bởi vì nghiệp của họ chống đối lại. Sự hôn mê mù quáng của họ, sự sai lầm chai cứng của họ, sự bất lực của họ là những hình phạt về những tội lỗi của họ trong quá khứ. Họ chưa trả hết nợ. Họ chưa đủ trong sạch để đạt được giác ngộ. Đây là nợ tinh thần và nỗ lực cá nhân chứ không phải do địa vị xã hội.

Phần thứ chín: Phật là gì?

Ta đến Trung Hoa để truyền bá tâm ấn, đạo lý mới lạ ở đây chưa ai biết. Phật ở trong tâm mỗi người. Giữ giới luật, tu khổ hạnh, cầu kinh, nghiên cứu nghĩa lý, tất cả những thứ này chẳng dùng được việc gì cả. Mục đích duy nhất mà mọi người phải đạt được là giác ngộ. Khi nào đạt được giác ngộ là thành Phật, một vị Phật như tất cả chư Phật dù cho kẻ ấy không đọc được một chữ nào cả. Thành Phật nghĩa là thấy Phật tánh nơi mình, nơi tâm mình, nơi tâm của tâm mình. Phật tánh vô hình, không thể rờ mó được, bản thể của nó mong manh như hư không. Tâm ấy mọi người đều mang trong mình.

Tâm hỡi, tâm ơi!

Mi lớn đến nỗi bao trùm cả vũ trụ.

Mi nhỏ đến nỗi mũi kim không thể xuyên qua được.

Hỡi tâm của ta! Mi là Phật.

Chính vì mi mà ta phải qua Trung Hoa để giảng truyền đạo lý.

(Phạm Công Thiện dịch)

Wednesday, May 12, 2021

Phiếm: Bảnh tỏn !

 


Hôm cuối tuần rồi có ông anh quen gọi, nói chuyện chơi về nạn viết chữ xấu và sai chính tả thời nay. Tính ra thời buổi này cũng ít người viết lách, còn đọc sách thì dường như ngày càng hiếm hơn. Rảnh rang họ coi facebook, coi youtube, hát karaoke, đi nhậu, chém gió .... nhanh gọn hơn nhiều, nên chuyện viết sai chính tả cũng là bình thường thôi. Nhớ hồi nhỏ đi học, nào là chọn lựa mực xanh mực tím, bút tre, bút bầu, nắn nón từng chữ cho đẹp. Giờ thì mình viết chữ như cua bò, viết vài dòng đã mỏi tay, vì lâu quá không viết. Con nít ở Mỹ đại đa số là viết chữ xấu, vì đâu có môn tập viết kẻ ô như bên mình. Vậy mà cũng làm nên ông này bà nọ, lên cung Trăng sao Hoả .... Nhiều ông tổng thống Mỹ viết chữ xấu hoắc, viết kiểu đó mà đi học trường làng VN thế nào cũng bị khẽ tay. Còn nếu kêu mấy ông đó viết chữ thì chắc chắn là sai chính tả hà rầm, vì toàn là có người viết dùm. Vậy mà họ cũng là những nhân vật quyền lực nhất nhì thế giới. Bởi vậy mình nghĩ, thời buổi này cũng nên coi nhẹ chút nạn chữ đẹp chữ xấu, chính tả đúng sai (đừng sai nhiều quá :-)), vì đã có quá nhiều công cụ hổ trợ kiểm tra giúp cho con người. Elon Musk (Mỹ) hiện đang theo đuổi dự án Neuralink, cài chip vào bộ não con người để tương tác với môi trường chung quanh. Nên có khi vài năm nữa, chỉ cần nhìn máy tính hoặc phone và suy nghĩ thôi, là đã có công cụ viết chữ thay mình rồi. Ai biết được ? Chỉ bất tiện là khi đó ai mà "nghĩ một đường làm một nẻo" thì dễ bị tréo cẳng ngỗng thôi :-) .

Trở lại cái chữ "bảnh tỏn" mà anh nhắc đến. Thực ra mình cũng chẳng biết là có nguồn gốc từ đâu, có lẽ bắt nguồn từ tiếng địa phương hoặc từ lóng gì đó, nói riết rồi thông dụng thôi. Còn hỏi ngã gì cũng không biết, chỉ thường thấy thiên hạ viết dấu hỏi cả "bảnh" và "tỏn". Hồi nhỏ thường nghe nói như "sáu Bảnh ", thằng đó "bảnh" ghê, bảnh hả mầy ? ....v.v... nhưng không quan tâm lắm. Mãi cho đến khi đọc "Bố Già" (Godfather) của Mario Puzzo, có một câu nói của Vito Cỏleone được Ngọc Thứ Lang dịch ra tiếng Việt, rất ấn tượng, và đã đi suốt với mình mấy chục năm qua. Đó là câu - ‘Mình "bảnh" mười, nên để bạn bè nghĩ mình "bảnh" một. Mình "lỗi" một, nên để kẻ thù nghĩ mình "lỗi" mười !’

Dĩ nhiên đó chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, chẳng đúng chẳng sai gì, chỉ là tuỳ theo quan niệm mỗi người. Tuy nhiên với mình đây là một trong những câu nói hay nhất của Mario Puzzo, và từ đó nhớ hoài chữ "bảnh" này. Tất nhiên là cái "bảnh" của Vito Corleone khác xa với cái "bảnh" của mấy anh giang hồ làng xã, quan chức xôi thịt, hoặc các trọc phú đại nhân... Cho nên đôi lúc dẫu có cùng ngôn từ cũng không thể đánh đồng ý nghĩa nội dung với nhau được. Mình thì lúc nào cũng quan niệm chữ nghĩa chỉ là phần "xác", ai muốn nói sao cũng được. Quan trọng là cái phần "hồn" đằng sau mà mỗi người dành riêng cho từ ngữ đó. Nhưng đã viết lách thì thuộc về quy ước chung rồi, nhiều khi viết sai chữ hoặc bỏ dấu lộn dễ gây ra hiểu lầm :-) .

Mà muốn nói cho trọn nội dung ý nghĩa của chữ "bảnh" thì cả đời nói cũng chửa hết. Nhiều người chết lên chết xuống cũng vì chữ "bảnh". Bao nhiêu ân oán hận thù, đau khổ, ganh ghét đố kỵ cũng vì tranh giành nhau chữ "bảnh". Ở VN nhiều vụ đâm chém anh em bạn bè, cùng làng cùng xã với nhau, cũng chỉ vì hơn thua nhau chữ "bảnh". Làm quan có cái "bảnh" của nhà quan, giàu có cái "bảnh" của nhà giàu, nghèo có cái "bảnh" của người nghèo, bằng cấp có cái "bảnh" của bằng cấp, kẻ sĩ có cái “bảnh” của kẻ sĩ, liêm khiết có cái "bảnh" của liêm khiết, trọc phú có cải "bảnh" của trọc phú, VK về quê có cái "bảnh" của VK...v.v.. Còn hệ quả, hệ lụy của nó thì muôn màu muôn sắc, làm sao kể hết ?

Ngoài lề chút, nhân nói tới chuyện "bảnh tỏn" mình nhớ đến một câu chuyện xưa. Có một ông kia giàu có, quyền cao chức trọng, nức tiếng một vùng. Đại khái như là nhiều bằng cấp chức sắc, sổ đỏ cả ký, đô la cả bao, hột xoàn chọi u đầu.... Ông ta rất thích hơn thua, thích được bảnh, thích được ca tụng. Một hôm nghe nói trên núi cao có vị sư nghèo tu hành đức độ, thông hiểu nhiều vấn đề. Ông bèn sai người chở lên tìm gặp nhà sư để thử tài cao thấp. Cuối cùng thì ông cũng gặp được nhà sư nghèo, đang cuốc đất trồng rau. Ông liền bắt một con sâu bỏ vào lòng bàn tay nắm lại, đến đố nhà sư :

- Nghe nói ông tu hành thông thái, vậy ông có biết con sâu trong tay tôi đang nắm là con sâu sống hay con sâu chết ?

- Dạ thưa ngài, đó là con sâu chết. Nhà sư từ tốn trả lời .

Ông nhà giàu cười sảng khoái :

- Thế mà tưởng sư thầy tài giỏi lắm.

Ông liền xoè tay chỉ cho nhà sư thấy con sâu còn sống, và dương dương tự đắc, bảnh tỏn ra về vì đã mưu trí thắng được nhà sư.

Về nhà, ông tự hào kể lại cho người cha của ông nghe, và nói:

- Từ nay cha đừng có cái gì cũng một khen hai khen ông sư già đó nhé. Có một chuyện nhỏ vậy, mà cũng không đủ trí tuệ để đoán biết, phải chịu thua, sao đáng gọi là người thông thái ?

Người cha trầm ngâm thật lâu, rồi buồn rầu nói với đứa con tài giỏi giàu có của mình:

- Con ơi, con có biết nhà sư đã giúp con không sát hại con sâu vô tội đấy không ?

Thôi, chuyện xưa kể lại cho vui. Chúc anh một tuần an lành & nhẹ nhàng :-) .

PN


Sunday, February 14, 2021

Tản mạn về Xuân Di Lặc



Mấy hôm nay, thời tiết miền Đông Hoa kỳ mưa lạnh, kéo dài nhiều ngày, lan qua nhiều tiểu bang. Sáng mùng một tết, dẫn con đi lễ chùa, rất lạnh, nhưng vẫn thấy nhiều người ở xa đi đến rất sớm. Chùa vẫn đầy hoa quả, hương đèn rực rỡ, vẫn băng rôn Mừng Xuân Di Lặc. Về nhà tự nhiên muốn viết một chút gì về ông Phật Di Lặc.

Chắc hẳn nhiều người xưa nay cũng biết ngày mùng một Tết là ngày vía đức Phật Di Lặc. Nhưng nếu hỏi tiếp đến ngày vía là ngày gì, đức Phật Di lặc là ai, tại sao Ngài lại có cái hình dáng vui vẻ từ bi hoan hỉ như thế, thì có khi là mỗi người hiểu biết mỗi cách khác nhau. Có thể mỗi nơi, mỗi chùa, mỗi thầy, mỗi sư, giảng giải mỗi kiểu. Mình thì vốn không quan tâm lắm đến những diễn giải chúc tụng khác nhau, trái lại rất thích ngắm nhìn hình ảnh vui vẻ của Ngài Di Lặc mỗi lúc đi chùa. Dẫu biết rằng đó chỉ là biểu tượng hoá thân do người đời nghĩ ra, tạo tác, nhưng đầu năm nhìn thấy cái thân tượng cười hề hà hiền lành của Ngài là đã cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Mà cũng không cần phải đợi đến tết nhứt, cứ mỗi lúc ưu tư, suy nghĩ gì nhiều, nhìn ông Phật Di Lặc là thấy vui vẻ rồi :-) .

Còn bên Tây thì cứ "Happy Buddha" mà gọi ông, nhiều người còn nhầm lẫn giữa "ông Địa" và ông Di Lặc. Lâu nay có nhiều người cho rằng Phật Di Lặc sẽ là vị Phật tái sanh vào lần tới, gọi là hội "Long Hoa", để cứu giúp con người trên cõi thế gian. Mình thì không hiểu biết lắm về những câu chuyện như thế này nên không dám bàn đến. Tuy nhiên, mình vẫn quan niệm rằng thế gian luôn có nhiều vị "bồ tát" hiện thân cứu giúp thiên hạ, chứ không phải chỉ có "Phật" ra đời mới làm được chuyện đó. Cũng không phải chỉ có theo đạo Phật thì mới thành "Phật" được. Những bậc độc giác Phật ngày xưa chưa từng nghe qua kinh pháp của Phật Thích Ca, mà họ cũng trở thành những đấng giác ngộ. Mẹ Teresa, các vị thánh tử đạo, hoặc nhiều vị giáo sĩ Thiên chúa giáo đã hy sinh thân xác cả cuộc đời, đi khắp nơi để giáo hoá và cứu giúp nhân loại, đó cũng là những vị "bồ tát" đáng kính. Bao nhiêu nhà khoa học, bác sĩ, y tá đã hy sinh cái riêng, ngày đêm đối đầu với cái chết để cứu giúp bịnh nhân dịch bệnh không ngừng nghỉ. Chung quanh ta hàng ngày, có biết bao nhiêu vị cống hiến hết tài sản, công sức của họ để cứu giúp người khác và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Biết bao nhiêu chư tăng ni, sư sãi, cha đạo, mục sư, sơ dì ...đã ngày đêm xả thân vì người khác. Thậm chí có nhiều vị chỉ là dân đen bình thường, nghèo khổ buôn gánh bánh bưng, chạy xe xích lô, xe ôm, xe thồ, phu vác... mỗi ngày, vẫn không ngần ngại hy sinh cả miếng ăn cuối cùng của họ, để thầm lặng giúp đỡ kẻ khó, làm cho cuộc sống xã hội ngày càng ý nghĩa hơn, tử tế hơn. Đó cũng là những vị bồ tát trong đời thường vậy !

Riêng nói về Phật Di Lặc, xưa nay mình rất thích đọc và tìm hiểu những kinh sách nói về Ngài. Theo lịch sử PG, ngài là một vị Bồ tát, có tên là Maitreya (tiếng Sanskrit), hoặc Metteyya (tiếng Pali). (Xin mở ngoặc nói về khái niệm "bồ tát". PG Bắc truyền Mahayana cho rằng đó là những đấng giác ngộ, nhưng họ phát nguyện không về cõi Phật, mà chọn con đường cứu giúp và giải thoát chúng sanh bằng những hình thức khác nhau như tái sanh, giáo huấn, phù trợ, cứu giúp, dạy dỗ ... cho đến khi viên mãn. Ví dụ như ngài Địa Tạng, ngài Quan Âm, ngài Di Lặc ..v.v. Khái niệm “bồ tát” chủ yếu được giới thiệu ở PG Đại thừa (Bắc truyền), nên có nhiều người đi chùa PG Nam truyền (Theravada) thường không nghe nói đến những khái niệm này).

Nói rõ thêm, nguyên thuỷ trước sau PG cũng chỉ có một "Phật Thừa" thôi. Tuy nhiên trãi qua nhiều giai đoạn phát triển, PG đã hình thành nên một số tông phái có những quan điểm và cách tu tập chuyên biệt do ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là liên quan đến tuệ căn của các bậc truyền thừa, trình độ nhận thức, nghiệp lực của họ, hoặc các yếu tố lịch sử văn hoá dân tộc, bất đồng quan điểm, chiến tranh phân chia, chính sách bạo quyền ... của từng mỗi quốc gia, hoặc từng giai đoạn lịch sử, mà phân chia thành nhiều nhánh rẽ khác nhau để phù hợp với tư duy và bối cảnh tu tập của họ. Nhưng đó cũng chỉ là những phương tiện khác nhau cùng dẫn đến một mục đích chung, là sự giác ngộ. Thực ra, thay đổi là quy luật tất yếu của vũ trụ, bao gồm thế giới con người. Và thay đổi để phù hợp hơn là một chuyện tốt. 

Còn nếu nói về tính phân hoá, thì gần như là thuộc tính của con người, xưa nay vẫn thế, không ít thì nhiều. Và tôn giáo nào thì cũng vậy, Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành .... đều cũng trãi qua những vấn đề tương tự. Một ông cha làm ruộng cả đời, chết để gia tài lại cho mấy đứa con. Đứa bán mua nhà mua xe, đứa bán đánh bạc, đứa đào ao nuôi tôm, đứa bị giải toả đền bù. Dăm ba ông tị nạn ra đi cùng một lý do, áo chưa ráo nước biển, đã chia năm xẻ bảy cãi nhau miệt mài. Một hội đồng hương bé tí, ăn cơm nhà vác ngà voi, không lương không lậu, cùng quê cùng xóm, mà vài ba hôm đã không hợp ý nhau, đâm thọc nói xấu nhau, ra toà, tan bầy xẻ nghé. Huống hồ chi là những dị biệt sản sinh trong mấy ngàn năm truyền bá cho hàng triệu, hàng tỉ con người có đầu óc tư duy, và trình độ khác nhau. Nói chi cho xa, mới đây thôi, nội cái vụ bầu cử Mỹ 2020 mà biết bao nhiêu người VN mất cả bạn bè người thân. Gia đình anh em mâu thuẫn, chia bè chia phái, trở bạn thành thù. Thậm chí cho tới hôm nay vẫn còn tiếp diễn thời hậu lê .... lết, tin vịt tin gà cứ gởi, cứ “lai chim”, cứ bên này đá móc bên kia :-). Nhưng đó cũng là những chuyện không lạ lẫm gì. Xưa nay ai cũng biết thay đổi, hợp tan là những chuyện tất nhiên của quy luật vô thường. Nhưng tất nhiên là có cái thay đổi làm cho tốt hơn, thì cũng có những thay đổi làm cho xấu đi !

Trở lại nói về Ngài Di Lặc. Theo lịch sử PG, ngài Asanga (Vô Trước) sinh ra vào khoảng thế kỷ thứ 3 A.D, là học trò của Ngài Maitreya (Di Lặc), đã sáng lập ra tông phái Duy Thức (Yogacara hoặc là Consciousness-Only). Đây là một ngành học về tư tưởng và ý thức của con người, là đỉnh cao của triết lý PG Đại thừa. Môn học này từng được dạy dỗ rộng rãi nhiều nơi, kể cả trường đại học Nalanda ở Ấn độ thời bấy giờ. Sau này đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, ngài Huyền Trang (là Đường Tăng được Ngô thừa Ân hư cấu trong trong truyện Tề thiên) đã mang về TQ và phát triển rộng rãi cho đến ngày hôm nay. Hiện nay các trường đại học lớn tại Mỹ trong ngành Phật Học (Buddhist studies) đều có dạy môn này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ phương Tây, đi sâu vào các công trình học thuật có liên quan đến tư tưởng của Duy Thức học, và sự ảnh hưởng của nó đến các lãnh vực khác như tâm lý, khoa học, giáo dục, y khoa .... Bạn nào muốn nghiên cứu sâu xa hơn thì nên nhờ bác "gục gờ chấm cơm", gõ vào từ khoá "Yogachara" hoặc “Yogacara” nhé. Ngài Di Lặc được xem như là vị sáng tổ của ngành học này !

Còn tại sao vị sáng tổ một ngành học có triết lý sâu sắc nhất, đỉnh cao của PG Bắc truyền, lại có hình tượng "hề hà" bình dân, phơi bụng cười đùa với mấy đứa trẻ con như thế ? Theo mình, câu chuyện đó lại càng thú vị hơn. Lâu nay nhiều sách báo viết rằng hình tượng của ngài Di Lặc ngày nay là do người TQ tạo tác ra từ hình ảnh của vị Bố Đại Hoà thượng (TQ) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 10. Cũng khả dĩ thôi, bởi đó cũng chỉ là những biểu tượng thờ cúng của tôn giáo. Ai cũng hiểu những hình tượng hôm nay của ngài Thích Ca, ngài A di đà, chúa Jesus, Mẹ Maria...cũng là do đời sau tạo tác mà có. Cách làm có lẽ cũng tương tự như thế thôi, dựa vào những điển tích hoặc sự diễn giải nào đó. Nhưng thực ra hình tượng không phải là cái mục đích chính mà thiên hạ hướng đến. Những bậc chân tu và người hiểu biết tôn giáo đúng nghĩa luôn quan tâm và tôn kính giá trị thực sự đằng sau của những biểu tượng "hoá thân" đó. Ngày xưa có nhiều vị đi tu không có điều kiện, đâu cần chùa to chùa lớn, đâu cần tượng thờ gì to nhất thế giới, đẹp nhất VN. Mỗi ngày ra lạy cục đá mà tâm hướng về Phật cũng đã là Phật rồi. Thời nay đôi lúc có sự ngộ nhận giữa mục đích và phương tiện, nên nhiều người quá chú trọng vào hình thức, vào chiếc “áo cà sa”, vào cái “chùa to chùa lớn”, mà quên mất đi cái ý nghĩa thực sự của đức tin và triết lý căn bản của tôn giáo đằng sau. Nhiều người coi trọng những chức vị danh xưng ảo hoặc hình ảnh đền chùa hoành tráng hơn cả những giá trị cần thiết của trí huệ và phẩm hạnh thực sự ở người tu sĩ. Nên vô tình tạo điều kiện cho một số người có cơ hội mạo danh tu hành, khoác áo lộng hành, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín tôn giáo và đức tin của người khác. Cứ lâu lâu lại nghe tin vài ông lên báo lên đài, khoe pháp thuật, trừ tà bắt vong, khoe xe, khoe chức, khoe phone, khoe tiền tỉ..v.v.:-). 

Một điểm thú vị nữa ở hình tượng Ngài Di Lặc là có mấy em bé đu phá, chọc khuấy. Đứa thọt vô mũi, đứa thọt vô miệng, đứa vò đầu, bức tai .... Ngài cũng không xi nhê gì, cười hề hề hoan hỉ. Một số giả thuyết cho rằng, hình ảnh các em nhỏ đó là đại diện cho các thứ quyết định cuộc sống của con người chúng ta trong thế giới này. Đó là những căn, thức (tiếng Anh là consciousness), (nhãn - mắt, nhĩ - tai, tỷ - mũi, thiệt - lưỡi, thân - thân thể, ý - tư tưởng, ý thức). Trong Duy thức học PG cho rằng cuộc sống của nhân loại, giàu nghèo, vui buồn sướng khổ, ngon lành sang chảnh, tham ái, oán thù, ganh ghét gì ... cũng do bấy nhiêu thứ đó gây ra. Mọi thứ cảm nhận đều do sự tương tác của các thức với môi trường chung quanh mà hình thành. Do vậy, thiết nghĩ ai mà "miễn nhiễm" được với mấy em nhỏ "lục căn" chọc khuấy đó, thì coi như là ngon lành. Suốt ngày sẽ vui vẻ, tự tại, từ bi hỉ xả như Ngài Di Lặc thôi :-).

Quả nhiên là vậy, nhưng mấy ai làm được. Nhiều bậc cao tăng dành cả đời (hoặc nhiều đời) tu tập, tự thanh lọc thuần khiết (purify) bản thân để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những ham muốn và gắn bó (attachments) tạo ra bởi các thức. Còn kẻ phàm phu như mình, thì tai nghe ai nói “bậy” chút là đã thấy bất mãn rồi, mũi ngửi món gì “ngon” là đã thấy đói bụng rồi, mắt nhìn thấy cái gì “đẹp” là đã ham muốn rồi ... Thậm chí, nhiều người chẳng cần trực tiếp thấy, trực tiếp nghe, trực tiếp ngửi, trực tiếp nếm, trực tiếp sờ... mà chỉ cần nghe bạn bè nói đi nói lại, nghe youtube nói, nghe TV nói, thấy email của đứa đồng hương gởi, hoặc thấy mấy tờ báo lá cải viết xàm .... là đã tin theo, ghét theo, phán xét, hoặc tìm cách nói xấu rồi. Tổng thống cũng chết chớ huống hồ chi người thường. Nhờ vậy mà mấy anh "fake news" sống hoài. Càng loạn càng lắm người nghe !

Xưa nay ở những nước văn minh người ta thường đánh giá con người dựa trên năng lực và thành tích bản thân cũng như các nguyên tắc ứng xử và tư duy của chính người đó. Đặc biệt trong các lãnh vực quản lý hoặc điều hành, ngoài khả năng chuyên môn người ta rất chú trọng đến những tiêu chí như suy nghĩ logic, khả năng phân tích vấn đề, tính khách quan (unbiased), trung thực, công bằng (fairness) .v.v.. Nôm na là họ quan trọng giá trị thực của chính mỗi cá nhân, người thật việc thật. Tuy nhiên ở những nước chậm phát triển hoặc một số vùng miền địa phương, thì vẫn còn những quan niệm khác biệt. Có lẽ do bị ảnh hưởng văn hoá tập tục, tư tưởng địa phương, nếp nghĩ lối mòn, sĩ diện làng xã, chủ nghĩa thần tượng  .v.v.. nên nhiều người vẫn còn gởi gắm niềm tin và đánh giá người khác dựa trên những hình thức danh xưng bên ngoài như bằng cấp, chức vụ, tiền bạc, thân thế, đảng phái, hoặc địa vị xã hội ..v.v.. Cho nên cứ nghe ông tiến sĩ này bà giáo sư nọ nói là tin, hoặc cứ ông quan chức này bà đại gia nọ nói thì đúng, mà không cần kiểm chứng. Thậm chí trong làm ăn, giao tế, tuyển chọn nhân sự, nhiều người còn đem cả giòng họ, nhân thân (đã mất), quan hệ bạn bè quen biết vào cuộc để tăng phần khả tín. Có thể hiểu được phần nào, nhưng phàm đã là hình thức danh xưng, thì bao giờ cũng có thật có giả. Ngay cả những ông quan chức lãnh đạo cao cấp thì cũng có trường hợp lựa chọn nhầm lẫn hoặc mua quan bán chức. Vả lại bằng cấp chuyên môn hoặc lý lịch nhân thân, đảng phái, càng không phải là những chiếc chìa khoá vạn năng hoặc giấy bảo chứng trí tuệ của họ. Tóm lại là Tây ta gì cũng thế thôi, càng chú trọng vào hình thức bên ngoài, thì càng dễ bị giả mạo. Ngay cả trong đức tin tôn giáo cũng vậy chứ không phải chỉ có ở lãnh vực chính trị, văn hoá, học thuật, hoặc quản lý điều hành.... Bởi thế cho nên có nhiều trường hợp lạm dụng, giả mạo, hoang tưởng cố chấp, gây ra bao nhiêu ngộ nhận bi hài, hệ lụy phiền phức cho người khác và cho xã hội. Nhưng âu đó cũng là những đạo lý riêng của thiên hạ. Ai dám nói đúng nói sai ? Hên xui :-) 

Tất nhiên đó không phải là những nguyên tắc hiểu biết, học hỏi và thực hành trong Duy thức học của PG. Sự cảm thụ và ý thức của con người luôn có những giới hạn nhất định của nó, ngay chính cả những điều tai nghe mắt thấy. Nên những người tu tập chân chính thường thực hành bằng nhiều phương pháp khác nhau, để tránh không bị tác động bởi những “ảo giác” tạo ra do các yếu tố bên ngoài. Đức Phật ngày xưa cũng khuyên chúng sinh đừng cuồng tín (blind faith) tin vào lời giảng dạy của Ngài, mà hãy tự thực chứng những điều ấy rồi hãy tin. Còn tại sao như thế, thì mình nghĩ rằng mỗi người sẽ tự tìm hiểu và có những cách giải thích riêng cho bản thân họ. Có một điều chắc chắn là tất cả mỗi chúng ta đều cảm nhận cuộc sống và hiểu biết về thế giới chung quanh thông qua 6 cửa ngõ "căn, thức" của chính mình. Mỗi người mỗi khác, đâu ai giống ai. Đâu ai đúng hết, mà cũng đâu ai sai cả bao giờ. Chỉ là ly nước càng đầy thì càng khó rót thêm. Đầy rồi thì rót vào cũng tràn ra thôi :-).

Nói tới đây mới nhớ đến điển tích của Tô Đông Pha và nhà sư Phật Ấn ngày xưa, với câu thơ nổi tiếng "Bát phong truy bất xuất. Nhất thí mã quá giang". Thời nay thì quá nhiều câu chuyện tương tự như thế. Nên mỗi năm đầu xuân đi lễ chùa, cứ thấy "Mừng Xuân Di Lặc", là mình lại thấy lòng bình an thanh thản, và nghĩ đến câu chuyện mấy đứa trẻ chọc ngoáy của Ngài. Mình thuộc loại phàm phu tục tử, nên dẫu có đọc qua kinh sách và từng nghe giảng giải nhiều lần, nhưng cứ nghe ai nói nghịch lỗ tai chút là đã thấy khó chịu rồi. Tự nhắc nhở hoài mà vẫn chưa thay đổi được. Có ông anh đi chùa phóng sinh hoài, nhưng thử ai dám tới lấy tay thọt ngoáy lỗ tai lỗ mũi ảnh coi :-). Cũng có nhiều người đi làm từ thiện quanh năm, nhưng lỡ nghe ai chê trách hoặc phê bình chút, thì lại khác ngay. Có nhiều ông tuyên bố cả đời hy sinh vì dân vì nước, nhưng đâu đứa nào dám tới xin cái sổ gạo của ông. Cho nên thấy vậy mà không phải vậy, từ bi hỉ xả và buông bỏ, không phải là những chuyện nói suông dễ làm.

Cũng nhân dịp Xuân về, mình cầu chúc bạn bè thân hữu an vui, thân tâm an lạc. Mỗi năm học được một chiêu "miễn nhiễm" của Ngài Di Lặc là ngon lành rồi. Mà biết đâu đó mới là Xuân đích thực, chứ không phải Xuân đến Xuân đi như trong bài thơ "Cáo Tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác :-)

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mãn Giác Thiền Sư )

PN (đầu năm Tân Sửu)

Thursday, November 05, 2020

Phiếm: Dã tràng xe cát

 


Trong thời buổi dịch bệnh, chính trị dơ bẩn, xã hội phân hoá, ngày càng có nhiều người tìm đến tôn giáo như một cứu cánh để xoa dịu những nỗi niềm trong cuộc sống hoặc chiêm nghiệm lại những được mất trong cuộc đời của họ...

Mình có người bạn Mỹ, quen nhau cũng gần 30 năm rồi, từ đầu thập niên 90. Thời đó mình còn làm việc cho một trung tâm nghiên cứu viễn thông đa quốc gia (Bell Northern Research), còn anh ta thì bắt đầu khởi nghiệp bán bảo hiểm. Bẵng đi một thời gian khá lâu, ra nước ngoài làm việc, mấy năm trước mình mới trở lại Mỹ. Gặp lại nhau, thì anh đã trở thành ông chủ một công ty bảo hiểm nho nhỏ. Con cái đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, chuẩn bị tiếp tục sự nghiệp công ty bảo hiểm của anh. Nói chung không giàu có lắm, nhưng cũng có một sự nghiệp để tự hào và cuộc sống tương đối đầy đủ. Rất mừng cho anh ấy. 

Tuần rồi, anh bỗng hẹn mình đi ăn trưa. Đầy tâm trạng ưu tư, rồi hỏi thăm rất nhiều về đạo Phật. Có lẽ anh ấy nghĩ mình là người VN nên ít nhiều gì cũng biết chút đỉnh về Phật giáo. Hơi ngạc nhiên, nhưng rồi mình cũng giới thiệu cho anh ta một số trang mạng tiếng Anh nói về đạo Phật. Hy vọng anh ấy sẽ tìm được cái mà anh cần tìm.

Thực ra thì những năm sau này thỉnh thoảng cũng đọc được tin tức của nhiều CEO phương Tây tìm đến đạo Phật. Nào là Steve Jobs (Apple) đi tiên phong qua Ấn độ tầm sư học đạo. Sau đó đến Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Page (Google) cũng đi theo gót chân của Steve Jobs. Rồi Jack Dorsey, nhà sáng lập & CEO của Twitter , cũng qua Myanmar học thiền.  Đến Marc Benioff, nhà sáng lập & CEO của Salesforce cũng lặn lội đi tầm sư học nghệ, cuối cùng rước luôn một ông thiền sư về nhà để học. Còn những nhà tỉ phú CEO mà theo đạo Phật lâu nay như Christine Comaford ( First Professional Bank), Pierre Omidyar (Omidyar Network), Kazuo Inamori (KDDI Corp), Jack Ma (Alibaba TQ), Michael Dobbs-Higginson ... thì ai cũng biết, khỏi nói rồi. 

Mình thì luôn quan niệm rằng bất kỳ là ai, cho dù ông to bà  lớn nào, tỉ phú triệu phú hoặc CEO nào thì cũng là con người như tất cả mọi con người bình thường khác. Cho nên ai cũng có những lý do nhất định để có một đời sống tinh thần cần thiết hoặc tìm đến những tôn giáo phù hợp cho riêng họ. Tuy nhiên giới truyền thông và đầu tư thì rất nhạy bén, họ luôn thích săn lùng và thổi phồng những tin tức liên quan đến các ông CEO này. Nhớ năm nào đó Mark Zuckerberg (Facebook) nhà ta đi tầm sư học đạo bên châu Á, tờ báo "Wall Street Journal" chơi một cái tựa báo giựt gân làm chấn động giới võ lâm thời bấy giờ ...“Can Mark Zuckerberg Find Enlightenment? Facebook shareholders could benefit if the company’s CEO takes up Buddhism”. (Tạm dịch là: Liệu Mark Zuckerberg tìm thấy sự Giác ngộ ? Các nhà đầu tư FB hưởng lợi khi người điều hành đi theo đạo Phật). Làm cho biết bao nhiêu nhà đầu tư xôn xao.

Và đương nhiên là so với các cây đa cây đề kể trên, thì ông bạn chủ hãng bảo hiểm cỏn con của mình quá nhỏ bé, cho nên chuyện ông đi nghiên cứu đạo Phật, thì cũng quá ư bình thường, chẳng có gì cần phải ầm ĩ. Nhưng điều làm mình quan tâm là anh ta có vẻ quá lo lắng cho sự nghiệp rồi sẽ tan biến như "dã tràng xe cát" (sand bubbler crab). Ngồi lắng anh kể chuyện một lúc, thì mình cũng hiểu được phần nào nỗi niềm lo lắng ấy. Đúng ra, thì chữ "dã tràng" lâu nay cũng không lạ lẫm gì với người Á đông, được dùng rất nhiều để ví von những trường hợp phí công phí sức trong cuộc sống. Thường thì nó được xài như một danh từ, mà cũng có người xài như một trạng từ, hoặc tính từ ...

(Nhân nhắc về chữ dã tràng, mình nhớ đến anh LQA, người đã rất thành công diễn đạt ca khúc Dã Tràng Ca của nhạc sĩ TCS. Xin nói thêm là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết khúc ca này từ năm 1962, ban đầu có tên là "Trường ca tiếng hát dã tràng". Đây là bài nhạc dài nhất của TCS, và theo các bạn bè của ông, thì chính nhạc sĩ đã từng điều khiển hợp xướng ca khúc này nhiều lần, nhiều nơi khác nhau như Quy Nhơn, Bảo Lộc .... Nhưng mãi cho đến khi nhạc sĩ TCS qua đời, thì ca khúc thất lạc này mới được ai đó tìm lại, và sau đó được nhiều ca sĩ trình diễn. Một trong những người diễn đạt ca khúc này thành công nhất, sâu lắng và tình tự nhất là anh LQA, mặc dù anh ta không phải là ca sĩ chuyên nghiệp). 

Giờ trở lại cái vụ ông bạn bảo hiểm của mình. Thấy anh tâm tư quá, nhưng gặp mình thì cũng chẳng hiểu biết nhiều về đạo giáo và triết lý sống, lại càng chẳng có nghiệp vụ khả năng gì để an ủi và khuyên giải anh ta. Nên tạm thời chỉ biết chia sẻ một vài quan niệm cá nhân mà thôi. 

Lâu nay, theo cách nghĩ của mình thì chẳng có việc làm hoặc hành động nào trong cuộc sống này mà là "dã tràng" cả. Mọi ứng xử hành động đều có những tác động nhất định nào đó. Bởi có cái này thì tất sẽ có cái kia; tạo ra thứ này sẽ luôn ảnh hưởng đến một thứ khác. Có nhân thì có quả, cho dù con người có chấp nhận hay không !

Nói cho chi tiết chút, ai cũng biết xưa nay sinh lão bệnh tử là những quy luật tất nhiên không thể tránh khỏi. Có sinh tất có diệt. Thậm chí có nhiều người sinh ra và chết đi trong cùng một bệnh viện, cùng một ngôi nhà, hoặc trong cùng một nơi chốn, một làng quê, tỉnh thành đất nước nào đó. Và đoạn đời nằm giữa 2 thời khắc sinh tử đó của mỗi con người là những đoạn ngắn dài khác nhau. Họ tìm kiếm và mưu cầu những thứ khác nhau, vui buồn khác nhau. Có người dành hết quãng đời để mưu cầu danh vị, mưu cầu tiền tài, mưu cầu tình yêu, mưu cầu quyền lực ..v.v. hoặc đeo đuổi những thứ mà họ cho rằng thành đạt hoặc hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều những con người dành cả cuộc đời để tu tập sống buông bỏ, sống vì người khác, tập xa dần với những gắn bó (attachments) và ham muốn, thực hành sống đơn giản và tỉnh thức ..v.v.. Và dĩ nhiên càng không hiếm những mảng đời sinh ra chỉ để lam lũ kiếm sống, chịu đựng lo toan từng ngày từng khắc cho đến chết mà vẫn chưa hề có dịp để nghĩ đến những thứ rộng lớn hơn, những ý nghĩa hoặc mục đích sống xa hơn chén cơm manh áo. Đó là sự thật và thế gian này quả nhiên là đa dạng. Mỗi người mỗi cảnh !

Tuy nhiên, cho dù giàu nghèo hay sang hèn, bất kỳ ai cũng có một cái "tôi" riêng biệt dành riêng cho họ. Còn cái "tôi" đó lớn hay nhỏ, cao siêu hay thấp bé, ngạo nghễ hay khiêm tốn .... là tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau. Nhưng theo quan niệm của đạo Phật, cái "tôi" cái ngã đó vốn không có thực, chỉ là ảo tưởng do các thức tạo thành, nên mới có từ gọi là "vô ngã" ! Tiếng Pali gọi là Anatta, tiếng Sanskrit gọi là Anatman, còn tiếng Ăng lê thì gọi là “non-self” hoặc “substanceless”. Mà thôi, nói đến mấy chuyện này, cả đời nói chưa hết. Có khi không thấy "vô ngã", mà lại chỉ thấy "cãi vả nhau" :-) .

Nhớ mới cách đây mấy năm, Robert Wright cho ra cuốn sách “Why Buddhism is True" (tạm dịch: Tại sao đạo Phật là sự thật". Và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times năm đó. Thế là ôi thôi nhiều ông nhiều bà đăng đàn phân tích tranh cãi, phê phán, phỏng vấn tùm lum. Cũng may là cuối cùng cuốn sách vẫn chỉ là cuốn sách :-).

Thực ra thì dẫu có theo tôn giáo nào chăng nữa, hoặc tin theo văn minh khoa học, triết ta triết tây gì, cuối cùng thì ai cũng đồng ý với nhau là sự hiện hữu của con người vốn đơn giản được tạo ra bởi 2 thứ, đó là thân và ý (body & mind). Còn những chuyện linh hồn cao xa hơn nữa thì chưa thấy chưa biết, nên không dám bàn thảo ở đây.

Đại đa số các nhà khoa học và tôn giáo đều cho rằng mỗi con người sinh ra, cho dù đen trắng vàng đỏ gì thì cũng bình đẳng như nhau, đều được làm chủ một "doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn", gồm có 5 nhân viên và một giám đốc. Hoặc nói cách bình dân hơn là có 5 thợ 1 thầy. Năm nhân viên đó có chuyên môn cao, mỗi người phụ trách một lãnh vực, làm việc độc lập nhau, không ai thèm nói chuyện với ai. Đó là "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân". Còn ông giám đốc là "mind", chỉ đạo hết 5 anh kia. Năm nhân viên đó ra ngoài tiếp cận với thế giới chung quanh bằng cách nghe, nhìn, sờ nắm, ngửi, nếm .. xong về báo cáo cho lãnh đạo là anh giám đốc. Thế rồi lãnh đạo quyết hết, chỉ đạo cái nào ngon dở, nóng lạnh, sướng khổ, vui buồn, đẹp xấu, vinh nhục, hơn thua ....trong kiếp sống này.

Còn nếu có ai hỏi là đội ngũ nhân viên đó tài giỏi không ? tin tưởng được không ? Thì chắc chắn trả lời là nhất rồi. Đích thân sờ nắm tận chỗ, ngửi nếm tận nơi, thấy nhìn tận mắt, nghe ngóng tận tai, sao sai được ? Mặc dù khoa học đã từng chứng minh rằng giác quan con người không nhạy bén bằng con vật, mắt con người không nhìn rõ bằng mắt con diều hâu, tai con người thính không bằng con nai con báo, mũi con người không nhạy bằng con chó con chồn ....Nhưng không ăn thua, ta là nhất, lãnh đạo quyết thì phải đúng thôi :-).
Và cũng chính nhờ có 5 nhân viên giác quan này, và một ông sếp (ý - mind) mà con người mới có thể tương tác được với thế giới chung quanh, mới hình thành nên những sự cảm nhận, thụ hưởng, hoặc nhận thức về vũ trụ quan & thế giới quan. Rồi từ đó, tuỳ theo những hình thức tương tác và trạng thái thọ tưởng, cũng như các hệ quả phát sinh từ nghiệp lực của chính họ,  mỗi cá nhân lại tiếp tục xoay vòng tạo ra những duyên nghiệp khác. Người ta gọi những nhận thức, ý thức, và sự thọ tưởng đó bằng những danh từ khác nhau như giác quan, uẩn, ấm, căn, trần, thức (consciousness) .v.v. Nhiều vị cao siêu hơn nữa thì dùng cả tiếng Phạn, tiếng Anh, tiếng Hán, để giải thích cho rõ ràng, nhưng thực tế thì ngôn ngữ lúc nào cũng hạn chế, không diễn tả hết được, mà chỉ có mỗi người tự thân trải nghiệm. Nôm na thì cũng vẫn tạo ra bởi năm thợ và một thầy đấy thôi. (Đây là một đề tài tương đối sâu sắc của PG, với phạm vi một vài bài phiếm luận không thể nào nói hết được. Xin lỗi nếu có gây ra những hiểu lầm. Mình không biết nhiều, chỉ mạn phép bàn đến một vài ý nhỏ thôi, nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm, nên tra cứu về "Eight Consciousnesses").

Riêng anh giám đốc lãnh đạo (ý - mind) thì mới là ghê gớm. Cái "tôi" của mỗi con người khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ, thiên đường hay địa ngục, là cũng do anh lãnh đạo này. Không như 5 anh nhân viên quèn kia, phải ở cự ly gần hoặc tiếp xúc trực tiếp mới nhận biết sự việc. Anh giám đốc thì tài ba hơn nhiều, trên thông thiên văn dưới rành địa lý. Chuyện không anh có thể biến thành có, chuyện có anh có thể biến thành không. Chuyện lớn anh có thể hoá giải thành nhỏ, chuyện nhỏ anh có thể vẽ thành to. Tất cả đều do anh liên tưởng mà thành, thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng bắt đầu từ chỗ anh mà sinh ra. Ngồi VN mà biết chuyện ở Mỹ ở Tàu. Ngồi chùa Ba Vàng mà biết chuyện "oan gia trái chủ". Ngồi quán nhậu mà biết chuyện Trump chuyện Biden. Ngồi trong công ty mà biết thằng kia đang chửi lén mình bên ngoài. Cùng ngồi nhà đọc internet, nhưng biết đám kia đọc "fake news" hiểu bậy, còn mình đọc đúng hiểu đúng. Nằm ngủ mà biết ngày mai xổ số ra con gì. Thậm chí không cần nhìn, không cần nói chuyện, cũng biết thằng hàng xóm kia đang suy nghĩ chê mình cái nhà nhỏ, cái xe cùn. Hãy đợi đấy, tao sẽ làm cái lớn hơn cho mầy sợ chơi :-)...v.v.

Tài ba như thế, thông thái như thế, nên vui sướng hay khổ hạnh, mạnh mẽ hay yếu đuối, ngục tù hay thanh thản, hoang tưởng hay thực tế, huyễn mộng hay tỉnh thức ....của mỗi con người, đều do anh giám đốc có tên Ý thức (Mind) này quyết định tất cả. Và cũng theo quan niệm của Duy thức học, thì chính anh giám đốc "Mind" này dưới sự cố vấn tối cao của "manas consciousness" (Mạt na thức), mà tạo ra những ứng xử khác nhau trong đời sống hàng ngày. Đây cũng chính là nguồn gốc của nghiệp lực cho từng mỗi cá nhân. Cho nên mỗi con người luôn có tính cách hành xử khác nhau. Dẫu là cha con anh em ruột thịt, đồng bào đồng chí đồng rận, thì chắc gì tham ái hỉ nộ hoặc trí huệ lại giống nhau …? Thực ra mỗi người sinh ra đều có sẵn cho mình một anh "giám đốc lãnh đạo", tuyệt đối không anh nào giống anh nào. Nhưng giỏi hay dở, thông thái hay ù lì, mạnh hay yếu, ngạo nghễ hay khiêm tốn, thiện lương hay gian ác ... cũng đều nhờ vào sự tu dưỡng, và cái vốn liếng nhân duyên nghiệp lực của họ.

Một số người cho rằng cái "công ty trách nhiệm hữu hạn 6 thành viên" đó chết là hết, không cần khai phá sản. Nhưng các tôn giáo thì lại có những quan niệm về sự sống và cái chết khác nhau riêng biệt. Những khái niệm về linh hồn & đấng cứu rỗi, thiên đường & địa ngục, sự sống sau khi chết...v.v. luôn tồn tại ở thế gian lâu nay và là những đức tin cho con người dựa dẫm. Mình luôn cho rằng bất kỳ một đất nước hoặc thể chế chính trị nào, đức tin luôn đáng kính, và tự do tín ngưỡng của con người luôn phải được tôn trọng. 

Riêng đạo Phật, vốn đề cao sự tu tập và tỉnh thức của mỗi cá nhân để tìm ra sự giải thoát cho chính họ, chứ không dựa vào sự cứu rỗi. PG quan niệm rằng cuộc sống không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chỉ là biến đổi theo đạo lý vô thường, thành trụ hoại diệt. Cho nên những trình tự của sự sống và tái sanh (nếu có) là hoàn toàn tuỳ thuộc vào nguồn năng lượng sống cũng như những nghiệp lực của mỗi chúng sinh tự tạo ra. Đạo Phật có một quan niệm rất khác biệt so với một số tôn giáo khác. Đó là khái niệm về 8 Thức trong Duy Thức học (Eight Consciousnesses). Nói một cách chính xác hơn là khái niệm này được hình thành từ Phật giáo Đại thừa, để giải thích quá trình tái sanh của con người sau khi chết. Nôm na là con người sinh ra do nghiệp lực của sự vô minh (ignorance) từ tiền kiếp. Ngoài 6 thức "nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý" (6 consciousnesses) kể trên, con người còn có thức thứ 7 (Mạt-na thức) và thức thứ 8 (A-lại-da thức). Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, giải thích sự hiện hữu của "con người". Theo đó, các chủng tử, tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng và hành động. 

Nói một cách dễ hiểu nhất, A-lại-da thức được ví như một kho tàng của các loại hạt giống, gồm những thiện nghiệp và ác nghiệp mà mỗi chúng sinh đã tạo ra trước đó. Nên khi ra đời, mỗi chúng sinh đều đeo theo một bao hạt giống sau lưng, tạm ví như có cả đậu đen (xấu) và đậu trắng (tốt). Khi gặp thời cơ thuận lợi, đủ nắng đủ nước, thì hạt giống sẽ được nảy mầm, lên cây, và đơm hoa kết trái. Có những trái ngon trái ngọt, thì cũng có những quả đắng quả chua. Kết quả thu gặt được là "quả" do những "nhân" trong quá khứ đã làm ra, mà không thể trốn tránh, chối bỏ nó. Những hạt (chủng tử) này sẽ liên tục được thay đổi, thêm bớt mỗi ngày trong cuộc sống. Hoặc là thiện hơn (hoàn thiện), hoặc là ác hơn và tiếp tục lưu trữ lại vào kho tàng A-lại-da thức. Nhiều đậu đen hơn hay nhiều đậu trắng hơn, là do những hành động và ý thức của mỗi chúng sinh trong cuộc đời của họ tạo ra (karmic seeds). Người nào tu tâm dưỡng tánh, thực hành thiền định, chánh tâm, chánh nghiệp, chánh ngữ ...v.v.. cho đến khi túi hạt giống đó chỉ còn đậu trắng thôi, đậu đen đem ra nấu chè ăn hết, thì coi như ngon lành :-). Kinh sách PG cũng nói đến nhiều cách để tự thay đổi mình, để tu sửa bản thân, để học hỏi và thực chứng. Ai cũng có quyền bình đẳng chọn lựa cách sống, đức tin, và phương pháp học hỏi phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nhất thiết phải đi theo thuyết của ông sư tiến sĩ này, hoặc của bà thượng sư nọ thì mới giác ngộ được. Thời buổi này kinh sách, tài liệu chính thống có nhiều, nêm tìm hiểu thêm để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Còn đối với những bậc giác ngộ cao siêu hơn nữa, thì chắc cũng chẳng còn thấy đậu trắng đậu đen, chẳng hạt chẳng mầm, chẳng duyên chẳng nghiệp gì nữa. (Tất nhiên đây cũng chỉ là những quan điểm tôn giáo, mỗi người nên tự tìm hiểu và chọn lựa niềm tin cho riêng mình. Đạo Phật không chủ trương ‘blind faith’, tức là tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu bản chất sự việc). 

Nói đến đây mới nhớ đến sách Phật ngày xưa có câu chuyện như sau. Một nhà thông thái đi tìm ông sư đắc đạo mà hỏi: 

- Ngày xưa khi chưa đắc đạo, ông làm gì ?
- Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Vậy sau khi đắc đạo ông làm gì ?
- Thì cũng vậy thôi. Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Sao lạ vậy ? Vậy thì khác nhau chỗ nào ?
- Khác là hồi trước lúc gánh nước thì nghĩ tới chẻ củi. Lúc chẻ củi thì nghĩ tới nấu cơm. Giờ thì làm cái gì nghĩ cái nấy !

Cho nên mình cũng không ngạc nhiên lắm nếu có một ngày nào đó, ông bạn bảo hiểm của mình tới nói rằng:
- Hồi xưa chưa đọc sách Phật, thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Bây giờ đọc xong sách Phật, cũng thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Chỉ khác nhau là hồi đó buồn, giờ lại thấy vui !

Rất mong là vậy. Hì hì hì ...:-)

PN (11/2020)

Sunday, September 27, 2020

Ăn mặn khát nước



Hôm tuần rồi nói chuyện với ông anh, anh ấy có đề cập đến chuyện nhân quả bên nhà Phật "đời cha làm, đời con chịu". Lâu nay, thỉnh thoảng mình cũng thường nghe một số người nói như vậy. Hôm nay, rảnh rang, xin đóng góp chút ý kiến cá nhân về đề tài này.

Trước hết phải nói khái niệm "nhân quả" không phải của nhà Phật, mà là quy luật chung của vũ trụ này,  và không hề là sản phẩm riêng của một tôn giáo nào. Các trường học trên thế giới lâu nay vẫn dạy nguyên tắc nhân quả (cause and effect) như một quy luật tất yếu của xã hội tự nhiên. Dĩ nhiên là mỗi tôn giáo có cách diễn đạt và giảng giải riêng về những nguyên tắc này theo cách hiểu riêng của họ. Đạo Phật cũng thế !

Xưa nay luật nhân quả luôn đúng, gieo nhân nào gặt quả ấy. Trồng ớt đương nhiên phải ra trái ớt, trồng cà đương nhiên phải ra trái cà. Từ ngàn xưa, trước khi Đức Phật xuất hiện, trước khi Chúa Jesus ra đời, thì quy luật này vẫn xảy ra như thế. Tuy nhiên, cuộc sống ngắn ngủi, mà hạt giống nào thì cũng cần phải có những điều kiện "nắng gió" nhất định để nảy mầm. Có hạt nảy mầm ngay, có hạt đợi đến những điều kiện phù hợp khác. Cho nên có nhiều lúc người ta không nhìn thấy những kết quả hiện tiền, mà sinh ra ngờ vực về đạo lý của nó. Đạo Phật thì tuyệt đối tin vào thuyết nhân quả, và tin rằng quá trình gieo gặt nhân quả không những chỉ xảy ra trong đời sống hiện tiền, mà còn xảy ra trong quá trình tái sinh, tuỳ vào nhân duyên của sự việc. Những hạt giống chủng tử tốt xấu (karmic seeds) do mỗi con người tạo ra luôn nằm sâu trong tạng thức (alaya-consciousness) của chính họ, đến khi có đủ điều kiện thì sẽ sinh sôi nẩy nở. Đơn giản là vậy, và mình luôn luôn tin vào đạo lý này. 

Chính xác hơn là hầu hết những điều giảng giải của Đức Phật đều dựa vào những gì thực tế xảy ra chung quanh trong đời sống này. Quan niệm của PG chú trọng đến sự nhận thức và thực hành của tự mỗi bản thân, chứ không dựa dẫm vào những hứa hẹn cứu rỗi từ bên ngoài. Tuy nhiên, trãi qua bao thời gian thăng trầm và phát triển, ngày nay ai cũng thấy được PG đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những hình thức và màu sắc văn hoá dân tộc khác nhau. Có một số nơi PG bị biến tướng, lý giải đạo pháp thành những câu chuyện mê tín dị đoan, hoang tưởng hơn, chứ không đem lại sự tỉnh thức cho con người. Thậm chí có nhiều nơi còn ngộ nhận, giảng dạy những điều đi ngược lại với giáo lý cơ bản nhất của PG. Cho nên xưa nay nhiều người vẫn quan niệm rằng "cái áo không làm nên ông thầy tu". Trong việc chùa chiền và tín ngưỡng, nếu tin mà không hiểu, không những đi ngược lại với giáo lý nhà Phật, mà còn dễ gây ra tổn thương cho chính mình và cho những người thân chung quanh.
Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều những câu chuyện lạm dụng của các sư thầy quốc doanh. Lợi dụng đức tin (chưa thấu hiểu) của tín đồ để vụ lợi, gây rối xã hội và lũng đoạn niềm tin tôn giáo. Tất nhiên là bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều vị tu sĩ chân chính, cha đạo, tăng ni, sư thầy, đức độ dấn thân dẫn dắt người khác tu tập đạo pháp. Cho nên mình nghĩ việc sáng suốt nhận định và tìm hiểu thấu đáo trước khi gởi gắm niềm tin, bao giờ cũng là rất cần thiết trong lãnh vực tâm linh.

Trở lại vấn đề là có hay không chuyện PG cho rằng "đời cha làm thì đời con sẽ chịu". Thực ra thì tới giờ này mình cũng chưa bao giờ đọc được cuốn kinh sách PG nào nói như vậy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là kinh sách VN không có nói, vì bản thân mình cũng chỉ đọc được và hiểu biết trong một phạm vi rất nhỏ. Có một điều cần phải làm rõ là - Không phải kinh sách PG nào hôm nay cũng được diễn dịch từ nguồn chính thống mà ra, hoặc diễn đạt đúng ý nghĩa của những bản kinh nguyên thuỷ hoặc lời giảng dạy của Đức Phật ban đầu. Bởi vì có rất nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Dĩ nhiên là trãi qua gần 2600 năm, ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá, xã hội phân hoá, tư tưởng dị biệt, quan điểm cá nhân, văn hoá khác nhau, ngôn ngữ dịch thuật  .v.v... Ngày dài tháng rộng chắc chắn sẽ có những thêm bớt vô tình, hoặc diễn giải bị sai lệch. Cho nên kinh điển PG hiện nay chắc sẽ không tránh khỏi ít nhiều một số quan điểm khác biệt tồn tại, mặc dù có cùng xuất phát điểm, từ một giáo lý chung ban đầu. Mà cũng không phải chỉ riêng PG, các tôn giáo khác cũng đều gặp những vấn đề tương tự trong quá trình phát triển. Nguyên nhân chính là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau, như thời gian, xã hội, nhân văn, và địa lý...v.v.. Điều này cũng bình thường thôi, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục thay đổi nữa trong tương lai sau này.

Nhìn chung, kinh sách PG ở VN ngày nay đa phần là được dịch ra từ các phiên bản của tiếng Hán, Nôm ngày xưa. Các phiên bản kinh sách bên TQ thì được dịch ra từ tiếng Phạn qua rất nhiều thời kỳ, bởi những bậc tri thức cao tăng như Sư Pháp Hiển (Faxian), Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), Ngài Huyền Trang (Xuanzang) ...v.v. Sau đó được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua tiếng Việt, nên dĩ nhiên có nhiều từ ngừ cũng rất khó hiểu. Bởi vậy nếu người nào quá chú trọng vào từ ngữ thì nội việc nhớ cho đúng những chữ nghĩa ấy cũng đã là một vấn đề rồi. (Nhiều vị nhớ xong là cũng không còn thời gian để thực hành nữa, mà chỉ đem ra bàn nhậu bàn loạn hoặc để dành làm thơ :-) ) 

Ngược lại đối với phương Tây thì những nhà học giả như Max Muller (Đức), Edward Conze (Anh), dịch thẳng kinh sách PG từ tiếng Pali hoặc Sanskrit, nên diễn đạt vấn đề đơn giản hơn và gần gũi hơn. Cho nên nếu ai đọc được tiếng Anh, thì những kinh sách PG tiếng Anh thường diễn giải trực tiếp hơn. Ngày nay có rất nhiều tu sĩ phương Tây thực hành PG. Đại đa số đều hiểu biết PG như một nguyên tắc sống và thực hành cách sống tỉnh thức an lạc dựa vào tự bản thân họ, chứ không mang màu sắc mê tín, hoặc dựa vào các đấng quyền năng. (Mở ngoặc chút, nhớ hồi xưa đọc "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, từng đoạt Nobel Văn chương 1946. Lúc đó mình cứ thắc mắc tại sao một người Đức lại có thể hiểu biết đạo Phật tới mức sâu sắc như vậy, mà chưa chắc nhiều vị chư tăng Á đông khác hiểu thấu như thế. Sau này mới hiểu thì ra các nhà dịch thuật phương Tây đã dịch rất nhiều kinh sách PG từ tiếng Sanskrit/Pali trước đó lâu rồi).

Bởi vậy, thiết nghĩ khi nói với những vị tu sĩ PG phương Tây quan niệm "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" thì chắc có lẽ rất xa lạ với họ. Đạo Phật vốn cho rằng mỗi người tự chịu trách nhiệm với nghiệp lực của mình tạo ra, và cũng chính họ là người duy nhất có thể thay đổi được nghiệp lực đó, thông qua những trí huệ và thực hành họ đang làm mỗi ngày. Còn nếu ai đó làm bậy bạ, mà ông Phật ông Chúa nào đó bắt con cái họ phải chịu thay, thì kiểu như là chính sách chứng lý lịch ba đời rồi còn gì :-) .

Tuy nhiên, mình nhớ là có nghe qua một số diễn giải về việc "nhân quả" na ná như ý này từ thời còn ở VN. Nhiều ý kiến cho rằng nhân quả được chia ra làm 3 trường hợp :

- Hiện báo: là xảy ra trực tiếp, ngay và liền - Như hôm nay nhậu quá, sáng mai nhức đầu. Trưa làm mấy tô bún mắm, chiều khát nước. Hôm nay lười học, mai bị điểm xấu. Hoặc cao kiến hơn "Nhân bất học bất tri lý, nhỏ không học lớn làm đại úy :-) ...v.v..

- Sinh báo: Gieo nhân kiếp này, kiếp sau mới hái quả.

- Hậu báo: Tức là tạo nghiệp bây giờ, sau này phải trả. Cũng không hiểu là "hậu báo" khác nhau với "sinh báo" chỗ nào, có thể là nhiều kiếp sau mới trả nợ chăng ? Mình không hiểu lắm, nhưng đóan có thể là vì khái niệm này mà dẫn đến quan niệm "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" chăng ?

Không rõ sự phân loại như trên xuất phát từ đâu, nhưng mình không thấy kinh sách PG phương Tây đề cập đến vấn đề này, mà chỉ nhấn mạnh rất rõ về "Karmic Seeds", tạm dịch là hạt giống nghiệp lực, và quan niệm ai làm nấy chịu. Gieo hạt giống nào thì lên cây ấy, không phải bây giờ thì ngày sau sẽ hái gặt. Khi nào đủ nước, đủ đất, đủ nắng gió, thì hạt nẩy mầm, thế thôi. Ai ăn mặn thì tự họ khát nước thôi. Chứ không ai có khả năng bắt người khác lãnh nợ dùm mình cả. Có muốn cũng không được. Có trăm sư thầy tiến sĩ giáo sư, hoặc có ngàn chùa lớn nhất Vietnam, lớn nhất thế giới, cũng không làm được !

Còn tin vào đạo lý này hay không lại là chuyện khác. Quan niệm PG không kêu gọi ngưòi khác phải tin mù quáng, Đức Phật cũng bảo vậy, đừng máy móc tin vào Ngài mà hãy tự thực chứng dựa vào bản thân chính mình. Riêng đề tài này, nếu qúy vị nào hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì mình nghĩ nên tìm đọc sách Duy Thức học nói về "A lại da thức". Hoặc sách tiếng Anh thì nên đọc về "Alaya Consciousness" hoặc "Alaya-Vijnana".

Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày, mọi sự việc đều có mối liên hệ tương quan với nhau, bởi không có chuyện gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi. Cho dù có tin "nhân quả" hay không, thì những chuyện như "gần mực thì đen gần đèn thì sáng" vẫn cứ xảy ra hiển hiện. Ví dụ như ông cha bất hiếu với bố mẹ, đứa con thấy vậy làm theo, không kính trọng ông bà cha mẹ. Bà mẹ mưu mô hại người, đứa con thấy vậy học theo, vướng luỵ vào vòng lao lý. Cha mẹ sống ảo, tham vọng ích kỷ, ảnh hưởng con cái khó sống buông bỏ, vị tha, nhẹ nhàng. Cha mẹ hối lộ tham nhũng, làm tiền dễ, con cái thấy vậy, tiêu xài hoang phí ..v.v. Âu cũng là những chuyện bình thường. Tất nhiên bên cạnh đó, xã hội cũng không hiếm những trường hợp cha mẹ gây ra nhiều oán nghiệp nhưng con cái lại rất thiện lương. Hoặc ngược lại cha mẹ đạo đức hiền lương, nhưng con cái lại gian tham ác độc. Cuộc sống này vốn đầy rẫy những câu chuyện nghịch lý như thế !

Và dẫu có sinh sống ở xứ sở nào thì cũng vậy, thỉnh thoảng cũng sẽ gặp những chuyện vô lý, bất công, giận cá chém thớt, thù đời cha hận đời con.... Suy cho cùng, nhiều hệ lụy lâu dài trong cuộc sống vốn tạo ra từ tư duy và hành động của mỗi cá nhân hoặc quan niệm thiển kiến của xã hội chung quanh, nhưng lại ngộ nhận là do "cha ăn mặn con khát nước". Quả nhiên có rất nhiều câu chuyện ân oán, tốt xấu trong cuộc sống này chỉ đơn giản là tuân theo nguyên lý tự nhiên thôi, chứ cũng chẳng dính dáng gì tới tôn giáo hoặc quyền hạn của bất kỳ ai. Nhưng nếu cho rằng đó là "nhân quả" thì cũng ok thôi. Bởi cho dù có tin hoặc không tin, có gọi là "nhân quả" hay "báo ứng", hoặc có thể gán ghép bằng một mỹ từ nào khác nữa, thì bản chất cuối cùng của vấn đề cũng không thay đổi. Có cái này thì tất có cái kia. Nhưng mình thì luôn tin chắc rằng sẽ không có một tôn giáo hoặc đấng tạo hoá nào lại vô lý đến nỗi bắt đứa con vô tội phải "khát nước" dùm cho người cha "ăn mặn" của nó. Nếu có, thì lâu nay ai muốn lên thiên đường đã bị thiên lôi thiên tướng bắt đi ủy ban chứng lý lịch rồi :-).

Nhân tiện cũng xin nói là mình không hề có ý dám qua mặt các tăng ni, bạn hữu, và những anh chị hiểu biết hơn, tu học cao kiến hơn. Mà chỉ là trao đổi với anh em bạn bè, mạn phép nêu ra vài ý kiến cá nhân. Đọc cho vui thôi !