Showing posts with label Chuyện quê người. Show all posts
Showing posts with label Chuyện quê người. Show all posts

Thursday, November 05, 2020

Phiếm: Dã tràng xe cát

 


Trong thời buổi dịch bệnh, chính trị dơ bẩn, xã hội phân hoá, ngày càng có nhiều người tìm đến tôn giáo như một cứu cánh để xoa dịu những nỗi niềm trong cuộc sống hoặc chiêm nghiệm lại những được mất trong cuộc đời của họ...

Mình có người bạn Mỹ, quen nhau cũng gần 30 năm rồi, từ đầu thập niên 90. Thời đó mình còn làm việc cho một trung tâm nghiên cứu viễn thông đa quốc gia (Bell Northern Research), còn anh ta thì bắt đầu khởi nghiệp bán bảo hiểm. Bẵng đi một thời gian khá lâu, ra nước ngoài làm việc, mấy năm trước mình mới trở lại Mỹ. Gặp lại nhau, thì anh đã trở thành ông chủ một công ty bảo hiểm nho nhỏ. Con cái đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, chuẩn bị tiếp tục sự nghiệp công ty bảo hiểm của anh. Nói chung không giàu có lắm, nhưng cũng có một sự nghiệp để tự hào và cuộc sống tương đối đầy đủ. Rất mừng cho anh ấy. 

Tuần rồi, anh bỗng hẹn mình đi ăn trưa. Đầy tâm trạng ưu tư, rồi hỏi thăm rất nhiều về đạo Phật. Có lẽ anh ấy nghĩ mình là người VN nên ít nhiều gì cũng biết chút đỉnh về Phật giáo. Hơi ngạc nhiên, nhưng rồi mình cũng giới thiệu cho anh ta một số trang mạng tiếng Anh nói về đạo Phật. Hy vọng anh ấy sẽ tìm được cái mà anh cần tìm.

Thực ra thì những năm sau này thỉnh thoảng cũng đọc được tin tức của nhiều CEO phương Tây tìm đến đạo Phật. Nào là Steve Jobs (Apple) đi tiên phong qua Ấn độ tầm sư học đạo. Sau đó đến Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Page (Google) cũng đi theo gót chân của Steve Jobs. Rồi Jack Dorsey, nhà sáng lập & CEO của Twitter , cũng qua Myanmar học thiền.  Đến Marc Benioff, nhà sáng lập & CEO của Salesforce cũng lặn lội đi tầm sư học nghệ, cuối cùng rước luôn một ông thiền sư về nhà để học. Còn những nhà tỉ phú CEO mà theo đạo Phật lâu nay như Christine Comaford ( First Professional Bank), Pierre Omidyar (Omidyar Network), Kazuo Inamori (KDDI Corp), Jack Ma (Alibaba TQ), Michael Dobbs-Higginson ... thì ai cũng biết, khỏi nói rồi. 

Mình thì luôn quan niệm rằng bất kỳ là ai, cho dù ông to bà  lớn nào, tỉ phú triệu phú hoặc CEO nào thì cũng là con người như tất cả mọi con người bình thường khác. Cho nên ai cũng có những lý do nhất định để có một đời sống tinh thần cần thiết hoặc tìm đến những tôn giáo phù hợp cho riêng họ. Tuy nhiên giới truyền thông và đầu tư thì rất nhạy bén, họ luôn thích săn lùng và thổi phồng những tin tức liên quan đến các ông CEO này. Nhớ năm nào đó Mark Zuckerberg (Facebook) nhà ta đi tầm sư học đạo bên châu Á, tờ báo "Wall Street Journal" chơi một cái tựa báo giựt gân làm chấn động giới võ lâm thời bấy giờ ...“Can Mark Zuckerberg Find Enlightenment? Facebook shareholders could benefit if the company’s CEO takes up Buddhism”. (Tạm dịch là: Liệu Mark Zuckerberg tìm thấy sự Giác ngộ ? Các nhà đầu tư FB hưởng lợi khi người điều hành đi theo đạo Phật). Làm cho biết bao nhiêu nhà đầu tư xôn xao.

Và đương nhiên là so với các cây đa cây đề kể trên, thì ông bạn chủ hãng bảo hiểm cỏn con của mình quá nhỏ bé, cho nên chuyện ông đi nghiên cứu đạo Phật, thì cũng quá ư bình thường, chẳng có gì cần phải ầm ĩ. Nhưng điều làm mình quan tâm là anh ta có vẻ quá lo lắng cho sự nghiệp rồi sẽ tan biến như "dã tràng xe cát" (sand bubbler crab). Ngồi lắng anh kể chuyện một lúc, thì mình cũng hiểu được phần nào nỗi niềm lo lắng ấy. Đúng ra, thì chữ "dã tràng" lâu nay cũng không lạ lẫm gì với người Á đông, được dùng rất nhiều để ví von những trường hợp phí công phí sức trong cuộc sống. Thường thì nó được xài như một danh từ, mà cũng có người xài như một trạng từ, hoặc tính từ ...

(Nhân nhắc về chữ dã tràng, mình nhớ đến anh LQA, người đã rất thành công diễn đạt ca khúc Dã Tràng Ca của nhạc sĩ TCS. Xin nói thêm là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết khúc ca này từ năm 1962, ban đầu có tên là "Trường ca tiếng hát dã tràng". Đây là bài nhạc dài nhất của TCS, và theo các bạn bè của ông, thì chính nhạc sĩ đã từng điều khiển hợp xướng ca khúc này nhiều lần, nhiều nơi khác nhau như Quy Nhơn, Bảo Lộc .... Nhưng mãi cho đến khi nhạc sĩ TCS qua đời, thì ca khúc thất lạc này mới được ai đó tìm lại, và sau đó được nhiều ca sĩ trình diễn. Một trong những người diễn đạt ca khúc này thành công nhất, sâu lắng và tình tự nhất là anh LQA, mặc dù anh ta không phải là ca sĩ chuyên nghiệp). 

Giờ trở lại cái vụ ông bạn bảo hiểm của mình. Thấy anh tâm tư quá, nhưng gặp mình thì cũng chẳng hiểu biết nhiều về đạo giáo và triết lý sống, lại càng chẳng có nghiệp vụ khả năng gì để an ủi và khuyên giải anh ta. Nên tạm thời chỉ biết chia sẻ một vài quan niệm cá nhân mà thôi. 

Lâu nay, theo cách nghĩ của mình thì chẳng có việc làm hoặc hành động nào trong cuộc sống này mà là "dã tràng" cả. Mọi ứng xử hành động đều có những tác động nhất định nào đó. Bởi có cái này thì tất sẽ có cái kia; tạo ra thứ này sẽ luôn ảnh hưởng đến một thứ khác. Có nhân thì có quả, cho dù con người có chấp nhận hay không !

Nói cho chi tiết chút, ai cũng biết xưa nay sinh lão bệnh tử là những quy luật tất nhiên không thể tránh khỏi. Có sinh tất có diệt. Thậm chí có nhiều người sinh ra và chết đi trong cùng một bệnh viện, cùng một ngôi nhà, hoặc trong cùng một nơi chốn, một làng quê, tỉnh thành đất nước nào đó. Và đoạn đời nằm giữa 2 thời khắc sinh tử đó của mỗi con người là những đoạn ngắn dài khác nhau. Họ tìm kiếm và mưu cầu những thứ khác nhau, vui buồn khác nhau. Có người dành hết quãng đời để mưu cầu danh vị, mưu cầu tiền tài, mưu cầu tình yêu, mưu cầu quyền lực ..v.v. hoặc đeo đuổi những thứ mà họ cho rằng thành đạt hoặc hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều những con người dành cả cuộc đời để tu tập sống buông bỏ, sống vì người khác, tập xa dần với những gắn bó (attachments) và ham muốn, thực hành sống đơn giản và tỉnh thức ..v.v.. Và dĩ nhiên càng không hiếm những mảng đời sinh ra chỉ để lam lũ kiếm sống, chịu đựng lo toan từng ngày từng khắc cho đến chết mà vẫn chưa hề có dịp để nghĩ đến những thứ rộng lớn hơn, những ý nghĩa hoặc mục đích sống xa hơn chén cơm manh áo. Đó là sự thật và thế gian này quả nhiên là đa dạng. Mỗi người mỗi cảnh !

Tuy nhiên, cho dù giàu nghèo hay sang hèn, bất kỳ ai cũng có một cái "tôi" riêng biệt dành riêng cho họ. Còn cái "tôi" đó lớn hay nhỏ, cao siêu hay thấp bé, ngạo nghễ hay khiêm tốn .... là tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau. Nhưng theo quan niệm của đạo Phật, cái "tôi" cái ngã đó vốn không có thực, chỉ là ảo tưởng do các thức tạo thành, nên mới có từ gọi là "vô ngã" ! Tiếng Pali gọi là Anatta, tiếng Sanskrit gọi là Anatman, còn tiếng Ăng lê thì gọi là “non-self” hoặc “substanceless”. Mà thôi, nói đến mấy chuyện này, cả đời nói chưa hết. Có khi không thấy "vô ngã", mà lại chỉ thấy "cãi vả nhau" :-) .

Nhớ mới cách đây mấy năm, Robert Wright cho ra cuốn sách “Why Buddhism is True" (tạm dịch: Tại sao đạo Phật là sự thật". Và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times năm đó. Thế là ôi thôi nhiều ông nhiều bà đăng đàn phân tích tranh cãi, phê phán, phỏng vấn tùm lum. Cũng may là cuối cùng cuốn sách vẫn chỉ là cuốn sách :-).

Thực ra thì dẫu có theo tôn giáo nào chăng nữa, hoặc tin theo văn minh khoa học, triết ta triết tây gì, cuối cùng thì ai cũng đồng ý với nhau là sự hiện hữu của con người vốn đơn giản được tạo ra bởi 2 thứ, đó là thân và ý (body & mind). Còn những chuyện linh hồn cao xa hơn nữa thì chưa thấy chưa biết, nên không dám bàn thảo ở đây.

Đại đa số các nhà khoa học và tôn giáo đều cho rằng mỗi con người sinh ra, cho dù đen trắng vàng đỏ gì thì cũng bình đẳng như nhau, đều được làm chủ một "doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn", gồm có 5 nhân viên và một giám đốc. Hoặc nói cách bình dân hơn là có 5 thợ 1 thầy. Năm nhân viên đó có chuyên môn cao, mỗi người phụ trách một lãnh vực, làm việc độc lập nhau, không ai thèm nói chuyện với ai. Đó là "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân". Còn ông giám đốc là "mind", chỉ đạo hết 5 anh kia. Năm nhân viên đó ra ngoài tiếp cận với thế giới chung quanh bằng cách nghe, nhìn, sờ nắm, ngửi, nếm .. xong về báo cáo cho lãnh đạo là anh giám đốc. Thế rồi lãnh đạo quyết hết, chỉ đạo cái nào ngon dở, nóng lạnh, sướng khổ, vui buồn, đẹp xấu, vinh nhục, hơn thua ....trong kiếp sống này.

Còn nếu có ai hỏi là đội ngũ nhân viên đó tài giỏi không ? tin tưởng được không ? Thì chắc chắn trả lời là nhất rồi. Đích thân sờ nắm tận chỗ, ngửi nếm tận nơi, thấy nhìn tận mắt, nghe ngóng tận tai, sao sai được ? Mặc dù khoa học đã từng chứng minh rằng giác quan con người không nhạy bén bằng con vật, mắt con người không nhìn rõ bằng mắt con diều hâu, tai con người thính không bằng con nai con báo, mũi con người không nhạy bằng con chó con chồn ....Nhưng không ăn thua, ta là nhất, lãnh đạo quyết thì phải đúng thôi :-).
Và cũng chính nhờ có 5 nhân viên giác quan này, và một ông sếp (ý - mind) mà con người mới có thể tương tác được với thế giới chung quanh, mới hình thành nên những sự cảm nhận, thụ hưởng, hoặc nhận thức về vũ trụ quan & thế giới quan. Rồi từ đó, tuỳ theo những hình thức tương tác và trạng thái thọ tưởng, cũng như các hệ quả phát sinh từ nghiệp lực của chính họ,  mỗi cá nhân lại tiếp tục xoay vòng tạo ra những duyên nghiệp khác. Người ta gọi những nhận thức, ý thức, và sự thọ tưởng đó bằng những danh từ khác nhau như giác quan, uẩn, ấm, căn, trần, thức (consciousness) .v.v. Nhiều vị cao siêu hơn nữa thì dùng cả tiếng Phạn, tiếng Anh, tiếng Hán, để giải thích cho rõ ràng, nhưng thực tế thì ngôn ngữ lúc nào cũng hạn chế, không diễn tả hết được, mà chỉ có mỗi người tự thân trải nghiệm. Nôm na thì cũng vẫn tạo ra bởi năm thợ và một thầy đấy thôi. (Đây là một đề tài tương đối sâu sắc của PG, với phạm vi một vài bài phiếm luận không thể nào nói hết được. Xin lỗi nếu có gây ra những hiểu lầm. Mình không biết nhiều, chỉ mạn phép bàn đến một vài ý nhỏ thôi, nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm, nên tra cứu về "Eight Consciousnesses").

Riêng anh giám đốc lãnh đạo (ý - mind) thì mới là ghê gớm. Cái "tôi" của mỗi con người khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ, thiên đường hay địa ngục, là cũng do anh lãnh đạo này. Không như 5 anh nhân viên quèn kia, phải ở cự ly gần hoặc tiếp xúc trực tiếp mới nhận biết sự việc. Anh giám đốc thì tài ba hơn nhiều, trên thông thiên văn dưới rành địa lý. Chuyện không anh có thể biến thành có, chuyện có anh có thể biến thành không. Chuyện lớn anh có thể hoá giải thành nhỏ, chuyện nhỏ anh có thể vẽ thành to. Tất cả đều do anh liên tưởng mà thành, thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng bắt đầu từ chỗ anh mà sinh ra. Ngồi VN mà biết chuyện ở Mỹ ở Tàu. Ngồi chùa Ba Vàng mà biết chuyện "oan gia trái chủ". Ngồi quán nhậu mà biết chuyện Trump chuyện Biden. Ngồi trong công ty mà biết thằng kia đang chửi lén mình bên ngoài. Cùng ngồi nhà đọc internet, nhưng biết đám kia đọc "fake news" hiểu bậy, còn mình đọc đúng hiểu đúng. Nằm ngủ mà biết ngày mai xổ số ra con gì. Thậm chí không cần nhìn, không cần nói chuyện, cũng biết thằng hàng xóm kia đang suy nghĩ chê mình cái nhà nhỏ, cái xe cùn. Hãy đợi đấy, tao sẽ làm cái lớn hơn cho mầy sợ chơi :-)...v.v.

Tài ba như thế, thông thái như thế, nên vui sướng hay khổ hạnh, mạnh mẽ hay yếu đuối, ngục tù hay thanh thản, hoang tưởng hay thực tế, huyễn mộng hay tỉnh thức ....của mỗi con người, đều do anh giám đốc có tên Ý thức (Mind) này quyết định tất cả. Và cũng theo quan niệm của Duy thức học, thì chính anh giám đốc "Mind" này dưới sự cố vấn tối cao của "manas consciousness" (Mạt na thức), mà tạo ra những ứng xử khác nhau trong đời sống hàng ngày. Đây cũng chính là nguồn gốc của nghiệp lực cho từng mỗi cá nhân. Cho nên mỗi con người luôn có tính cách hành xử khác nhau. Dẫu là cha con anh em ruột thịt, đồng bào đồng chí đồng rận, thì chắc gì tham ái hỉ nộ hoặc trí huệ lại giống nhau …? Thực ra mỗi người sinh ra đều có sẵn cho mình một anh "giám đốc lãnh đạo", tuyệt đối không anh nào giống anh nào. Nhưng giỏi hay dở, thông thái hay ù lì, mạnh hay yếu, ngạo nghễ hay khiêm tốn, thiện lương hay gian ác ... cũng đều nhờ vào sự tu dưỡng, và cái vốn liếng nhân duyên nghiệp lực của họ.

Một số người cho rằng cái "công ty trách nhiệm hữu hạn 6 thành viên" đó chết là hết, không cần khai phá sản. Nhưng các tôn giáo thì lại có những quan niệm về sự sống và cái chết khác nhau riêng biệt. Những khái niệm về linh hồn & đấng cứu rỗi, thiên đường & địa ngục, sự sống sau khi chết...v.v. luôn tồn tại ở thế gian lâu nay và là những đức tin cho con người dựa dẫm. Mình luôn cho rằng bất kỳ một đất nước hoặc thể chế chính trị nào, đức tin luôn đáng kính, và tự do tín ngưỡng của con người luôn phải được tôn trọng. 

Riêng đạo Phật, vốn đề cao sự tu tập và tỉnh thức của mỗi cá nhân để tìm ra sự giải thoát cho chính họ, chứ không dựa vào sự cứu rỗi. PG quan niệm rằng cuộc sống không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chỉ là biến đổi theo đạo lý vô thường, thành trụ hoại diệt. Cho nên những trình tự của sự sống và tái sanh (nếu có) là hoàn toàn tuỳ thuộc vào nguồn năng lượng sống cũng như những nghiệp lực của mỗi chúng sinh tự tạo ra. Đạo Phật có một quan niệm rất khác biệt so với một số tôn giáo khác. Đó là khái niệm về 8 Thức trong Duy Thức học (Eight Consciousnesses). Nói một cách chính xác hơn là khái niệm này được hình thành từ Phật giáo Đại thừa, để giải thích quá trình tái sanh của con người sau khi chết. Nôm na là con người sinh ra do nghiệp lực của sự vô minh (ignorance) từ tiền kiếp. Ngoài 6 thức "nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý" (6 consciousnesses) kể trên, con người còn có thức thứ 7 (Mạt-na thức) và thức thứ 8 (A-lại-da thức). Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, giải thích sự hiện hữu của "con người". Theo đó, các chủng tử, tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng và hành động. 

Nói một cách dễ hiểu nhất, A-lại-da thức được ví như một kho tàng của các loại hạt giống, gồm những thiện nghiệp và ác nghiệp mà mỗi chúng sinh đã tạo ra trước đó. Nên khi ra đời, mỗi chúng sinh đều đeo theo một bao hạt giống sau lưng, tạm ví như có cả đậu đen (xấu) và đậu trắng (tốt). Khi gặp thời cơ thuận lợi, đủ nắng đủ nước, thì hạt giống sẽ được nảy mầm, lên cây, và đơm hoa kết trái. Có những trái ngon trái ngọt, thì cũng có những quả đắng quả chua. Kết quả thu gặt được là "quả" do những "nhân" trong quá khứ đã làm ra, mà không thể trốn tránh, chối bỏ nó. Những hạt (chủng tử) này sẽ liên tục được thay đổi, thêm bớt mỗi ngày trong cuộc sống. Hoặc là thiện hơn (hoàn thiện), hoặc là ác hơn và tiếp tục lưu trữ lại vào kho tàng A-lại-da thức. Nhiều đậu đen hơn hay nhiều đậu trắng hơn, là do những hành động và ý thức của mỗi chúng sinh trong cuộc đời của họ tạo ra (karmic seeds). Người nào tu tâm dưỡng tánh, thực hành thiền định, chánh tâm, chánh nghiệp, chánh ngữ ...v.v.. cho đến khi túi hạt giống đó chỉ còn đậu trắng thôi, đậu đen đem ra nấu chè ăn hết, thì coi như ngon lành :-). Kinh sách PG cũng nói đến nhiều cách để tự thay đổi mình, để tu sửa bản thân, để học hỏi và thực chứng. Ai cũng có quyền bình đẳng chọn lựa cách sống, đức tin, và phương pháp học hỏi phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nhất thiết phải đi theo thuyết của ông sư tiến sĩ này, hoặc của bà thượng sư nọ thì mới giác ngộ được. Thời buổi này kinh sách, tài liệu chính thống có nhiều, nêm tìm hiểu thêm để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Còn đối với những bậc giác ngộ cao siêu hơn nữa, thì chắc cũng chẳng còn thấy đậu trắng đậu đen, chẳng hạt chẳng mầm, chẳng duyên chẳng nghiệp gì nữa. (Tất nhiên đây cũng chỉ là những quan điểm tôn giáo, mỗi người nên tự tìm hiểu và chọn lựa niềm tin cho riêng mình. Đạo Phật không chủ trương ‘blind faith’, tức là tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu bản chất sự việc). 

Nói đến đây mới nhớ đến sách Phật ngày xưa có câu chuyện như sau. Một nhà thông thái đi tìm ông sư đắc đạo mà hỏi: 

- Ngày xưa khi chưa đắc đạo, ông làm gì ?
- Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Vậy sau khi đắc đạo ông làm gì ?
- Thì cũng vậy thôi. Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Sao lạ vậy ? Vậy thì khác nhau chỗ nào ?
- Khác là hồi trước lúc gánh nước thì nghĩ tới chẻ củi. Lúc chẻ củi thì nghĩ tới nấu cơm. Giờ thì làm cái gì nghĩ cái nấy !

Cho nên mình cũng không ngạc nhiên lắm nếu có một ngày nào đó, ông bạn bảo hiểm của mình tới nói rằng:
- Hồi xưa chưa đọc sách Phật, thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Bây giờ đọc xong sách Phật, cũng thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Chỉ khác nhau là hồi đó buồn, giờ lại thấy vui !

Rất mong là vậy. Hì hì hì ...:-)

PN (11/2020)

Monday, September 21, 2020

Quan toà xứ Mỹ

Mình ra nước ngoài gần 40 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy nước Mỹ có nhiều chuyện ầm ỉ như năm nay. Từ đầu năm tới giờ liên tục là những câu chuyện "nặng ký". Từ dịch bệnh lớn nhất đến mức đóng cửa cả nước Mỹ, trường học công sở đóng cửa, cho đến biểu tình cướp phá, mâu thuẩn kỳ thị sắc dân, đàn hạch tổng thống, rồi con cháu trong gia đình, luật sư thân tín, nhân viên, phóng viên thay nhau ra sách khai xấu kể tội tổng thống đương nhiệm, rồi chuyện moi móc đấu đá tranh cử bầu cử ...Choáng ! Mấy hôm nay lại rộn ràng chuyện bà thẩm phán tối cao pháp viện Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. Những tranh luận sôi nổi xảy ra, và chắc chắn sẽ ác liệt hơn trong những ngày sắp tới về việc thay thế vị trí của bà Ginsburg tại SCOTUS (tối cao pháp viện Hoa Kỳ). Bà Ginsburg thuộc đảng dân chủ, và là người từng được quốc hội Mỹ chấp thuận với số phiếu kỷ lục 97/3 cách đây gần 30 năm trước. (Nên lưu ý được bầu vô đây là làm hoài cho đến chết hoặc từ chức thôi. Dĩ nhiên là nếu làm bậy thì lại bầu bán đuổi ra, nhưng chuyện này rất hiếm hoi). Nghĩa là cả Cọng hoà và Dân chủ đều chấp thuận bà. Và rõ ràng bà là người rất có lòng với đất nước, rất đáng kính trọng. Bịnh tật ung thư tàn phá, nhưng vẫn không từ chức và làm việc cho đến ngày chết. (Cũng có thể sợ ông Trump bổ nhiệm người khác, nên ráng sống !)

Nói sơ cho những người chưa hiểu rõ về cơ chế chính trị ở Mỹ. Đó là chế độ tam quyền phân lập - Lập pháp (quốc hội) - Hành pháp (chính phủ, đứng đầu là tổng thống) - Tư pháp (đứng đầu là Tối cao Pháp viện SCOTUS). Ba ngành này kiểm soát lẫn nhau để duy trì nền dân chủ cao nhất, tránh sự độc tài, phe cánh, và lợi dụng quyền lực làm phương hại đến quyền lợi người dân và đất nước.

Cho nên mặc dù SCOTUS là do tổng thổng bổ nhiệm, nhưng phải được quốc hội đồng thuận với đa số phiếu ở thượng viện Hoa kỳ. Và ngược lại thì SCOTUS sẽ vì quyền lợi quốc gia và người dân trên hết, nên có quyền phủ quyết những quyết định của quốc hội và tổng thống Mỹ nếu vi hiến. Đó là nơi tối cao để phán xét những quyết định thuộc về công lý và tư pháp. Mỗi tiểu bang cũng có tối cao pháp viện của họ, nhưng phán quyết cuối cùng của nước Mỹ thuộc về SCOTUS. Cho nên đôi khi chỉ cần thay đổi một vị thẩm phán ở SCOTUS cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến các chính sách và quyết định của chính phủ cũng như quốc hội Hoa kỳ.

Nói chung những vị thẩm phán ở SCOTUS phải rất là uy tín, học hành tới nơi tới chốn, thành tích dày cộm, và đạo đức phải trong sạch. Còn ông Chánh Án của SCOTUS thì dữ dằn hơn nữa vì coi như là vị cầm chịch nhóm này. Hiện nay số thành viên của SCOTUS là 9, nhưng không có nghĩa tương lai sẽ là 9 , trước đây cũng đã từng có nhiều thay đổi. Thông thường là các vị thẩm phán kể cả ông Chánh Án (Chief) đều được chỉ định bởi các tổng thống hoặc Dân chủ hoặc Cọng hoà, bởi bản thân họ cũng thuộc một trong 2 đảng. Tuy nhiên khi vào những vị trí này, thì hầu hết các vị thẩm phán đều ứng xử vì quyền lợi quốc gia trên hết, tuân phủ theo quy định của hiến pháp, chứ không phải quá lệ thuộc vào quyền lợi của đảng phái. Đặc biệt là vị chánh án tối cao, hiện nay là ông John Roberts (The chief justice of the United States is the chief judge of the Supreme Court of the United States and the highest-ranking officer of the U.S. federal judiciary). Vị trí này thường phải chí công vô tư, vì là người giữ gìn những giá trị cơ bản nhất của nền tư pháp và công lý cho đất nước. Bởi vậy thông thường quyền lợi của đảng phái không phải là những tiêu chí cao nhất đối với họ trong những ứng xử và phán quyết sự việc.

Nhưng đó là chuyện đã qua, chuyện của ngày xưa. Lâu nay, với những nền tảng luật pháp dân chủ, qui định của hiến pháp, giá trị của lòng tự trọng và nguyên tắc làm người của các vị SCOTUS, đã góp phần đưa nước Mỹ trở nên một quốc gia hùng mạnh nhất trong vòng 300 năm dựng nước. Còn hôm nay thì sao? Những năm gần đây dường như sự cạnh tranh quyền lợi của đảng phải trở nên khốc liệt và tiểu tiết hơn nhiều. Người ta nhận ra và e ngại rằng quyền lợi quốc gia đã không lớn bằng sự thắng thua của đảng phái (dân chủ & cọng hoà). Các luật lệ của quốc hội cũng đã trở nên già nua, theo thời gian và tuổi tác của các vị dân biểu kỳ cựu. Ranh giới của sự quyết đoán và sự bảo thủ cũng chỉ là những đường ranh rất nhỏ. Có lẽ cũng tới lúc đất nước Hoa Kỳ cần nên tu chính lại một số luật lệ. Có chiếc xe nào chạy mãi mà không phải tune-up đâu nhỉ ? Hy vọng đất nước Mỹ sớm có một vị tổng thống và ê kíp đủ mạnh mẽ, thông mình và tầm nhìn chiến lược để tune-up chiếc xe tuy đẹp đẽ mạnh mẽ nhưng đã hơi cũ kỹ này. Đặc biệt là phải hiểu rõ quyền lợi quốc gia và trách nhiệm an dân lớn hơn nhiều so với quyền lợi đảng phái. Hy vọng sẽ thấy được nhiều điều mới lạ trong những ngày sắp tới :-)

Với mình, người mà mình rất thích và tôn trọng nhất đó là ông John Marshall, người Chánh án Tối cao pháp viện đời thứ 4 của nước Mỹ. Người đã đưa khái niệm lương tâm vào trong việc thực thi pháp luật và công lý. Ông là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử toà Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ, và đặc biệt là ông không có bằng cấp luật nào. (Đại đa số mấy ông sau này ông nào cũng là tiến sĩ, giáo sư luật, hoặc những bằng cấp hoặc chức vụ, thành tích dày cộm liên quan tới luật hoặc ngành tư pháp).

Dĩ nhiên là nhiều người thắc mắc, sao ở đâu cũng vậy, nưóc nào cũng thế, sao tổ tiên giỏi quá, vĩ đại quá, mà con cháu thì lại kém cỏi, hùng hục hơn thua nhau, lén lút đâm thọc nhau.... lo cho cái riêng, mà không nghĩ cho cái đại cuộc? Vậy thì cuối cùng đất nước sẽ về đâu, đi lên hay đi xuống? 

Một câu hỏi mà những ai có lòng cũng thường ưu tư lâu nay !



Wednesday, September 09, 2020

Tản mạn: Nhớ quên




Người ta thường nói "Lớn tuổi hay quên". Mình thì lại nghĩ là lớn tuổi hay nhớ chuyện xưa . Cũng có thể mau quên, nhưng chỉ quên những chuyện mới xảy ra thôi, còn chuyện ngày xưa thì dễ gì mà quên, nhớ mồn một từng chi tiết nữa là ....

Hôm rồi nói chuyện với ông anh đồng hương về cái thời còn đi học. Anh ấy nhớ rõ ràng từ góc phố con đường, từ bờ rào khung cửa, từ cô bé hàng xóm anh lén nhìn mỗi tối, đến người cô giáo chủ nhiệm thướt tha mỗi ngày đến lớp. Anh ấy và mình lớn lên cùng một tỉnh lỵ nhỏ, có vài ngôi trường, vài con phố quen thuộc, vài quán cafe nổi tiếng .... nên thường là ai cũng "biết" nhau. Nhưng chỉ có chuyện tình yêu bồ bịch là dấu kín, có vợ con rồi càng dấu kỹ hơn. Đợi tới lúc về hưu con cháu đùm đề mới kể, mà kể một cách đam mê cuồng nhiệt như "lửa" yêu của thời mới lớn  :-).

Mình và anh ấy học chung trường trung học. Mình vô đệ thất thì anh đã gần ra trường. Nhưng chuyện yêu đương thì từ lớp Nhất trường Nam tiểu học, anh đã biết nhớ nhung, biết ngủ "chiêm bao" rồi. Nên cô nào dễ thương trong tỉnh, hoặc quán cafe nào có con gái xinh, bài thơ tình nào da diết, anh nhớ hết. Dĩ nhiên cô nào anh theo đuổi tán tỉnh, thì nhớ nhiều và chính xác hơn. Mình ngồi nghe say sưa như được ai nắm tay dẫn đi lại những con đường loanh quanh của thời cắp sách đến trường. Chợt nghiệm ra một điều cho dù tuổi tác đến đâu, trong từng mỗi con người luôn có một vùng trời trẻ trung & bất tử. Như những hạt giống nằm im sâu lắng trong tàng thức, chờ đợi nảy mầm !

Thành phố mình ở thời đó chỉ có vài con đường lớn chính như Quang Trung, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình, Duy Tân, Võ Tánh, Trần Thúc Nhẫn, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Ngô Quyền, Nguyễn Bá Loan  .... Có những cung đường đẹp, thơ mộng, phượng vĩ đỏ thắm mỗi lúc hè về. Cũng có những cung đường đầy phân ngựa, kẻ bán người buôn tấp nập, mùi thịt nướng thơm lừng, mùi đường phèn đường phổi bay ngào ngạt. Và dĩ nhiên hai bên đường là những hàng cột điện gầy guộc và cũng như bao thành phố khác "đi dăm phút đã về chốn cũ". Nhưng dẫu con đường có lồi lõm ổ gà ổ voi đến đâu, thì vẫn đẹp. Cái đẹp trong tâm tưởng, ký ức về một tuổi thơ bao giờ cũng ngọt ngào. Chỉ có điều lạ là hồi đó bồ bịch thì lại không tìm những cung đường đẹp, con đường chính, mà toàn kiếm những cung đường muỗi cắn, tối hù mà đi :-).

Mình nhớ thời còn đi học, mình có thằng bạn thân học trước mình một lớp, rất mê thơ Đinh Hùng, Nguyễn Tất Nhiên, và Nguyên Sa. Nó cũng mê luôn một cô kia học chung khối lớp mình. Sáng nào có tiền, cũng chạy xuống bánh mì Bà Được, rồi lên dựa cột điện đầu đường Duy Tân, thổi kèn "harmonica" nhìn cô em đi học, từ ngoài Ngã Tư chính vào. Dĩ nhiên là chả bao giờ dám nói, nhìn cho đã, rồi về tìm thơ mà đọc. Hôm nào cô đó ngủ nướng, thì nó cũng đi học trễ. Vô lớp thì mơ mơ màng màng, bị ông thầy lấy cục phấn ném vô đầu, về nhà bị bà nó chửi "nhỏ mà hượn (?) yêu". Mặc kệ, nó vẫn chờ vẫn đợi, vẫn gặm bánh mì, vẫn làm mòn trụ điện, và vẫn chưa bao giờ dám nói. Bao nhiêu năm qua, có lần mình vô tình gặp lại cô gái ấy ở Mỹ, tính nói cho cô ấy nghe, nhưng rồi lại thôi. Hắn đã có vợ, và cô ta cũng đã có chồng. Bây giờ gặp lại chắc gì đã nhận ra nhau. Nhưng những câu chuyện tương tự như thế chắc chắn sẽ ở mãi trong "vùng trời trẻ trung" của họ, làm sao quên được ? 

Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng sách chẳng cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
(Đinh Hùng)

Thực ra, thời đó quê mình trường trung học nhiều, nhưng trường công lập thì ít, nên thi vào trường công lập cũng hơi khó. Nhiều trường nam nữ phải học riêng. Con gái học bên Nữ tiểu học, Nữ trung học. Mấy cô con gái tỉnh lẻ, bên ngoài thường thẹn thùng kín đáo, nên mấy anh con trai tuổi mới lớn càng tò mò khám phá. Có dạo mấy cô học đến lớp đệ nhất (12) thì được chuyển qua trường nam (TQT). Và mọi chuyện trai gái phiền phức (hoặc tuyệt vời) đều bắt đầu xảy ra từ đó :-).

Ông anh đồng hương mình kể từ thời tiểu học đã bắt đầu biết "trộm nhìn em", từ ban công nhà nàng, biết "yêu vu vơ màu tím", biết hái trộm hoa phong lan từng bịch để dành, và biết hát những bài tình ca bất tử ... Nhưng Romeo đã không dám leo lên ban công nhà Juliet, và đợi hoài mà "con bướm trắng cũng chẳng thèm sang bên này", nên anh ấy giờ chỉ còn lại những câu chuyện tiếc nuối ngồi kể hôm nay. Còn lên trung học thì khỏi nói rồi, sách vở nào ghi cho hết thành tích của anh. Ưu điểm của anh là cô nào dễ thương hoặc nổi tiếng anh đều nhớ hết; khuyết điểm là khó quên. Cho nên từ vạt áo dài đến bờ tóc xoả, từ góc phố thân thương đến bờ rào đáng ghét, từ quán chè cho đến quán cafe , từ hẽm Tạ Từ đường cho đến xóm chợ Trời. Từ những đêm văn nghệ, những buổi diễn hành, cho đến những ngày nước lũ chợ mưa.... anh nhớ mồn một. Giá như anh ấy viết sách, thì mình nghĩ Nguyễn thị Hoàng gặp đối thủ nặng ký rồi. Nhà thơ nổi tiếng người Anh John Keats có nói “Touch has a memory” (tạm dịch: cái đụng có trí nhớ" ). Chắc là vậy, cho nên nghe nhiều người đi trước kể rằng thời đó chưa hề hôn nhau, chỉ cần nhìn nhau hoặc nắm tay nhau, đã lâng lâng hạnh phúc, sung sướng, và nhớ nhau suốt đời :-).

Quê mình thời đó có nhiều quán cafe, nhưng không phải quán nào cũng dành cho tình nhân hoặc cho mấy anh trồng cây si. Có khi quán lớn không ghé, mà lại chui vào quán nhỏ, bởi đâu phải người nào vào quán cũng để thưởng thức cafe. Nào là Diễm Xưa, Hoàng Gia, Bắc Sơn, La Rose, Hồng Diệp, 116, Cafe Uyên .... mà hình như quán nào cũng có những bóng hồng đáng nhớ một thời. 

Mở ngoặc chút, dạo trước đọc anh Luân Hoán kể về thời gian ở khu Trùng Khánh, với những nhân vật văn chương thi phú một thời ....như Phan Nhự Thức, Lê Văn Nghĩa, Huỳnh Bá Dũng, Đynh Hoàng Sa, Đinh Trầm Ca, Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh, Trần Thuật Ngữ, Nghiêu Đề,  Phạm Trung Việt, Phan Nhự Thức, Vũ Hồ, Vũ Quỳnh Bang ... Mình rất thích cái phong cách sống thời đó. Nhà trường và xã hội ở mỗi giai đoạn đào tạo ra những thế hệ thanh niên có quan niệm sống khác nhau. Qua đó ít nhiều cũng thấy được cái văn hoá và tư duy giáo dục của từng thời kỳ. Ngày ấy bên cạnh những lãng mạn của thi ca, của tình yêu cuộc sống, thì còn mang nặng lý tưởng quốc gia, quê hương dân tộc, và ước mơ phụng sự xã hội. Nhưng điều đó dường như ngày càng trở nên hiếm hoi hơn trong xã hội ngày nay.

Trở lại những cuộc tình của ông anh đồng hương mình. Thời còn đi học, mình học ban toán, ông anh học ban văn chương, rồi lên đại học anh ấy cũng học văn chương, nên cũng đã làm bao nhiêu cô khổ rồi, chứ mấy em đâu dám làm khổ ảnh ? Nhưng trong tình yêu nếu chỉ được thôi, không mất, thì cung bật cũng tẻ nhạt, đơn điệu :-). Cho nên phải có yêu thầm nhớ trộm mới thú vị, thất tình mới nhớ lâu. Lâu nay thường thấy mấy ông thi sĩ nhạc sĩ thất tình làm thơ làm nhạc mới hay. Đến khi cuộc sống dư đủ, ít trắc ẩn, thì dường như thơ nhạc cũng ít phong phú hơn. Nói tới đây nhớ đoạn này của Nguyễn Tất Nhiên:

Tình một hai năm chưa phải tình dài
Cũng không thể gọi là tình mới
Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi ...
(Nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người
Và cơ khổ như những lời thú tội!)

Tình sớm rụi bởi rơm tình sớm cháy
Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn?
Nên cuộc đời, cứ thế, run run
Gió thì lạnh – tay chẳng màng đánh lửa!
Tôi vẫn đợi, đợi người thêm chút nữa
Tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau
Tình một hai năm... chưa bạc mái đầu
Chưa tuyệt vọng (bởi vì chưa hy vọng)

Và hôm nay mưa nhiều trên tóc nhuộm
Xơ xác người, tôi thấy buồn chưa tôi?
(Biết làm sao cấm đoán được mưa trời?)

Cha mẹ sinh tôi: thằng con bất hiếu
Thề thốt thương người hơn cả song thân ...

Nói chung ký ức con người quả nhiên là kỳ diệu. Luôn chọn những gì ấn tượng nhất, lưu luyến nhất, và đẹp đẽ nhất để ghi lại. Như ông anh mình, bây giờ tới lúc tóc tiêu nhiều hơn muối, không quản khó nhọc, ráng làm cái vườn hoa, cái ao cá tuyệt đẹp. Chiều chiều ra ngắm, mở nhạc, mơ màng ngồi nhớ chuyện xưa. Khi nào vợ kêu, thì mới vào rửa chén ! Rau quả mọc lên rơi rụng nhiều quá, phải kiếm người mà cho. Mà vườn thì trồng toàn thứ "độc", toàn quốc hồn quốc tuý. Cũng không quên trồng thêm một cây phong lan, thoang thoảng hương thầm. Ở Mỹ mà có cây bồ kết chắc ảnh cũng trồng luôn. Nhưng mình nghĩ, với anh và cũng như bao nhiêu người VN tha phương khác, chắc là rau trái gì cũng không quan trọng, cá gì bơi lội cũng không quan trọng, hoa gì nở cũng không quan trọng, mà là hoài niệm hướng về đâu mới là quan trọng. Những niềm nhớ không quên... 

Mà thực ra giữa cuộc sống bon chen này, đầy rẫy những tranh chấp vô bổ, dễ gì ai cũng tạo được cho mình một góc riêng như thế. Cho nên đừng bao giờ nghĩ rằng lớn tuổi hay quên. Mà nhớ hay quên chỉ là câu chuyện của khu vườn ký ức trong mỗi con người. Không tưới nước bón phân thường xuyên thì cây nào mà lên cho nỗi ?

Còn mình thì thuộc loại phàm phu tục tử, không có nhiều chuyện xưa để nhớ, mà mỗi lần thấy vườn rau của anh lại nhớ đến món ruột của mình, lẩu mắm và bài "Rau đắng sau hè". Nào là đậu đũa, khổ qua, cà dái dê, đậu rồng, rau ngỗ, rau càng cua, rau đắng, lục bình .... chỉ tiếc là thiếu bông điên điển :-). 

PN (9/9/2020)
(When someone you love becomes a memory, that memory becomes a treasure.)




Wednesday, September 02, 2020

Nhân ngày 2/9

Những tài liệu rất quý giá về ngày 2/9/1945. Đọc & nghe để chiêm nghiệm thân phận của một đất nước. (Ở video dưới cùng, người nói là H.R. McMaster, sau này là trung tuớng, cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.)






Friday, August 21, 2020

Phiếm - Chuyện xưa khó quên

 


Nhớ trong điển tích của nhà Phật, có một câu chuyện nôm na như thế này. Một ông thương gia giàu có, làm ăn giỏi giang, có mấy đứa con tài giỏi. Ông luôn mong đợi những đứa con sẽ nối nghiệp, điều hành doanh nghiệp, làm giàu để vẻ vang cho gia tộc. Ai dè mấy đứa con lại đi theo tăng đoàn đức Phật nghe Pháp. Tức quá ông vô rừng coi thử. Thấy quá vô lý, ở nhà làm ăn, nổi tiếng giàu có, kẻ hầu người hạ cung phụng mà không chịu, lại đi theo ông thầy tu chẳng có tài sản gì, tối ngày ngồi đôi mắt nhắm nghiền, sao thấy trời thấy đất, biết phú quý vinh quang ? Thế là ông sấn tới chửi cho ông Phật một trận, cho biết thế nào là uy lực của một đại gia. Ông Phật vẫn cười như thường lệ, và thiền định tiếp. Ngài thương gia nhìn quanh, cũng nhận ra ít ai có phản ứng gì về thái độ hung hăng của mình, nên rồi cũng từ từ nguội dần và đi về .

Về đến nhà, ông ám ảnh nghĩ hoài vì xưa nay chưa bao giờ gặp người nào mà lại phản ứng như vậy với cơn thịnh nộ của ông, ông Phật mà cũng chỉ mỉm cười ngồi im chịu trận. Nên cũng cảm thấy hối hận chút chút, hôm sau ghé lại nói tiếng xin lỗi với ông Phật. Ông Phật trả lời : "Ta không chấp nhận lời xin lỗi của ông !".

Ông ngạc nhiên, và cả tăng đoàn đều bất ngờ, thấy lạ, vì lâu nay đức Phật thưòng tha thứ cho tất cả mọi người, chấp nhận và đối xứ bình đẳng với mọi tầng lớp, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, quan chức đại gia hay dân thường khốn khổ. Nhưng tại sao hôm nay Ngài lại cố chấp với người thương gia như vậy ?

Người thương gia hỏi tại sao. ĐỨc Phật mỉm cười trả lời - Bởi vì ông hiện không làm gì sai. Ông đang là người tốt hoàn hảo, không có lỗi gì. Nên ta không thể chấp nhận lời xin lỗi của ông được. Người đàn ông hôm qua không có ở đây. Và người bị ông ấy xúc phạm cũng không có ở đây !

Câu chuyện đó được nhiều sách vở sau này trích dẫn, để giảng giải về nhiều khái niệm khác nhau trong cuộc sống, trong đó có nói đến thế nào là một sự tha thứ đúng nghĩa. Một số sách báo lại phân tích xa hơn về khái niệm biến đổi vô thường tất yếu trong tự nhiên, và sự phiền não khi cố bám víu vào những điều đã cũ, không buông bỏ được. Nhưng sách vở nào viết thì cứ viết, ai đọc được thì cứ đọc, còn làm được hay không thì lại là chuyện khác. Thực tế thì thế giới này không hiếm những người thù hận ghen tức cả đời. Dễ gì quên, mà tại sao lại phải quên ? Nhiều người còn sợ quên, năm nào cũng nhắc nhở lại hoặc làm lễ tưởng niệm để nhớ. Có khi đời ta thù một mình chưa đủ, nhét vô đầu con cái kêu nó thù dùm đời tới luôn !

Mà cuộc sống vốn vậy, có nhiều chuyện mâu thuẩn đến vô lý nhưng vẫn cứ tồn tại. Ví dụ như nhiều người gặp lại bạn bè hoặc con cháu ngày xưa, năm bảy chục năm qua đi, cũng không cho bạn bè được quyền thay đổi hoặc con cháu được quyền lớn khôn, chỉ có bản thân họ mới được quyền thay đổi đó :-). 

Dông dài chút, nhưng cái mà mình muốn phiếm hôm nay là những câu chuyện rôm rả, moi móc đời tư ngày xửa ngày xưa, của các ứng viên vào những mùa bầu cử, đặc biệt là bầu cử ở Mỹ. Thực ra thì ở xứ nào cũng vậy, khi trở thành hoặc sắp trở thành người của công chúng, thì phải chấp nhận đời tư bị moi móc, thiêu dệt. Còn chuyện đó thật giả thế nào cũng khó ai mà biết được. Nhiều người không phải là người của công chúng, mà vẫn bị soi ngắm dệt chuyện, huống hồ chi là nhừng ứng viên mà cả thiên hạ chỉa mũi dùi vào. Tính ra ở những xứ sở mà lạng quạng là phạt nóng mấy triệu liền, hoặc mời lên phường làm việc, thì thiên hạ còn sợ chút. Chứ ở những xứ tự do ngôn luận như Mỹ thì ôi thôi thượng vàng hạ cám, tin thiệt tin giả, tin vịt tràn lan, cứ thế mà tuôn trào. Nhiều ông còn đem lên youtube, lên radio, TV mà bình luận. Cứ phán nghe y như thật, ghét bên nào thì dập bên đó, ai tin được thì tin. Còn chuyện đấu đá thì cứ nhắm dưới thắt lưng mà đánh, từ dưới đáy đánh lên, cho nên những thập niên sau này cũng thưa dần những người tài ba thực sự ra tham gia chính trường. Dĩ nhiên có nhiều lý do, trong đó có lý do họ không muốn gia đình con cái và bản thân bị quấy nhiễu phiền phức, và càng không muốn cạnh tranh với nhau bằng cái xấu chứ không phải bằng cái tốt, đo lường nhau bằng thủ đoạn chứ không phải bằng tài năng !

Bởi vậy, cứ mỗi mùa bầu cử là báo chí, thiên hạ lại lôi ra đủ thứ vấn đề, trai gái, rượu chè, cờ bạc, gian lận... đủ cả. Rồi khi mùa bầu cử qua đi, cũng chính những người "xấu xa" đó lại điều hành xã hội, đất nước của họ. Xong mọi chuyện lắng đọng ít lâu, đợi đến kỳ bầu cử sau, lại lôi ra nói xấu tiếp. Nhiều câu chuyện cũ rích cũ rơ, cũng lôi ra để dìm hàng nhau, để phán xét lẫn nhau. Nhiều người có nghiên cứu sách vở, hiểu và quan niệm cuộc sống vốn "vô thường", nhưng khi đụng đến chuyện phán xét người khác, thì nó phải "thường" mới được. Nhiều người gắn bó sâu sắt quá với cái quá khứ nên cũng khó buông bỏ để nhận ra chân tướng của hiện tại. Nên lỡ thương thì trái ấu cũng tròn, lỡ ghét thì bồ hòn cũng méo. Dĩ nhiên cũng có nhiều người thấy bạn bè ghét thì ghét theo, thấy anh em thương thì mình bầu, chứ cũng chẳng rõ tốt xấu ra sao. Đúng sai thì miễn bàn ở đây, nhưng quả nhiên là muốn có những sự đánh giá công bằng, buông bỏ khách quan trong xã hội này thực không phải là chuyện dễ dàng chút nào. Mà ai cũng vậy thôi, tây tàu gì cũng thế, định kiến cá nhân bao giờ cũng khó thay đổi nhất.

Đôi khi mình có cảm giác là thiên hạ cứ săm soi vào những chuyện "ngày ấy xa rồi", hoặc những lỗi lầm nhất thời ngày xửa ngày xưa .... của các vị  ứng viên, mà xao lãng đi chuyện ghi nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại, họ đã thay đổi như thế nào, và họ đang đóng góp được điều gì trong công việc hiện tại. Nhớ lại hồi đó mình còn ở VN, nhiều lúc nghe người ta nói về lý lịch dĩ vãng "oai hùng" của ông lớn này hoặc bà lớn nọ, mình cứ thắc mắc không biết cả nhiệm kỳ (hoặc vài nhiệm kỳ) họ đã làm được điều gì và thay đổi được điều gì ? Đặc biệt là mấy ngài bộ trưởng. Cuối cùng mới nghiệm ra rằng đi họp, ký giấy, phát bằng khen, phát lương, và giữ cho không bị đi tù, cũng là những công việc không nhẹ nhàng tí nào !

Còn như ở Mỹ, khi nói đến chuyện T/T Trump thì vô vàn bất tận. Trước hết phải công nhận là trong lịch sử nước Mỹ chưa có một vị tổng thống nào từ khi chưa lên chức cho đến khi tại chức, mà có nhiều chuyện, nhiều đề tài để nói và xỉa xói đến như vậy. Báo chí công kích hầu như mỗi tuần mỗi ngày. Bao nhiêu chuyện đời tư, thói ăn cách mặc, đạo đức ứng xử, em út gái gú, vợ con bạn bè, thói hư tật xấu gì lôi ra hết. Rồi ai nói cứ nói, ai phán cứ phán, ông cứ tiến lên, cứ tweet, ai phang ông là ông phang lại. Thế thôi .... :-)

Nhưng nhiều lúc coi TV hoặc tin tức, thấy những chuyện cần thiết hơn như là phân tích khách quan và ghi nhận ông đã làm được những gì lâu nay và kế hoạch sắp tới, cũng như phân tích khả năng hiện thực cho những chọn lựa khác của nước Mỹ, hoặc kế hoạch đổi thay cụ thể như thế nào ... thì lại ít nghe người ta nói đến. Mới đây cô cháu gái của T/T Trump xuất bản cuốn sách lôi hết đời tư lý lịch ba đời của cô và gia đình ra, dĩ nhiên chừa phần lớn nhất cho ông chú ở Nhà Trắng. Mới tháng trước đây, ông cố vấn an ninh từng thận cận viết sách kể tội, rồi tháng 9 tới đây ông luật sư riêng cũng sẽ cho ra cuốn sách mới nữa ...chắc chắn cũng chẳng phải là tin tốt đẹp gì. Nói chung toàn là chuyện nói xấu, soi từng tơ răng kẻ tóc. Mình luôn quan niệm ông T/T nào cũng có cái hay cái dở nhất định của họ. Muốn ông nhà buôn làm tổng thống thì phải khác ông chính khách. Muốn ăn bún bò Huế thì phải chịu cay, muốn hương vị đậm đà thì làm tô bún mắm. Cũng may là ông T/T có sức khoẻ, không rượu chè nhậu nhẹt, cafe thuốc lá, chứ gặp ai yếu yếu, bị đả kích xỉa xói cỡ đó, chịu áp lực không nỗi, dám tiêu rồi :-). Không binh ai ghét ai, không phán xét ai, cũng không biết ai thắng ai thua, nhưng mình luôn mong mỏi rằng người dân lúc nào cũng đủ sáng suốt để có một sự chọn lựa khách quan đúng đắn cho đất nước của mình. Đó cũng là một đặc ân mà không phải dân tộc nào cũng may mắn có được !

Và lâu nay cứ mỗi lần mà cảm thấy quá tải với những câu chuyện "dĩ dãng", hận thù đố kị dai dẳng, thì mình lại nhớ đến câu chuyện của ông Phật và ngài đại gia năm nào .....


Saturday, July 18, 2020

Phiếm: Ám ảnh mơ hồ !


Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội VN đăng tải nhiều bài viết về bác sĩ Trần Đông A. Có lẽ bắt đầu từ câu chuyện mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Thực ra thì mấy chục năm trước, ca mổ tách Việt - Đức năm 1988 của BS Đông A cũng đã gây rất nhiều sự ngạc nhiên của thế giới y khoa thời bấy giờ. Và rồi, cũng như lần trước, báo chí bắt đầu kể lể lại những câu chuyện xưa của BS Đông A, từng là sĩ quan quân y lính Dù của chế độ cũ với đầy thiện cảm. Nhiều người cũng nhắc lại câu chuyện ông Sáu Dân (Võ văn Kiệt) biết trọng người tài, khéo léo bảo kê cho BS Đông A về, chứ không cũng đã đi vượt biên mất tiêu rồi. Mà thời đó không phải chỉ có chuyện bs TĐA, ai cũng nghe những giai thoại về ông Sáu Dân đi bảo lãnh và giữ chân nhiều vị hiền sĩ, nhân tài, khoa học của chế độ cũ ở lại làm việc cho VN. Trong đó có những vị mà mình cũng đã từng may mắn được gặp sau này. Chắc chắn đó mãi là những câu chuyện hay, đầy tính nhân văn, thể hiện được sự thông cảm và tôn trọng nhau của những con người hiểu biết, cho dù đã có lúc không cùng chiến tuyến với nhau.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng bs Trần Đông A và nhiều vị trí thức nhân sĩ khác được ông Sáu Dân mời giữ lại, là hoàn cảnh có chút may mắn đặc biệt. Vì nếu như thời đó các vị ấy kém may mắn sống ở những địa phương khác chứ không phải SG, như các tỉnh miền Trung chẳng hạn, hoặc là tên tuổi tài năng chưa có cơ hội lọt đến tai ông Sáu Dân, thì cuộc đời họ chắc đã rất nhọc nhằn trên những lối rẽ khác !
Ví dụ như nói về binh chủng Dù và TQLC ngày xưa, mỗi binh chủng đều có một tiểu đoàn quân y, với hàng trăm bác sĩ nha sĩ dược sĩ tài năng, và hàng bao nhiêu đội ngũ nhân viên y tá, cứu thương, bệnh viện, trạm xá các cấp... Những người quân y sĩ đó đã không những cứu thương cho đồng đội của mình, mà nhiều lúc còn sẵn sàng cứu thương cho cả đối phương của họ và những ai còn nằm lại trên trận tuyến, khi hoàn cảnh cho phép. Trách nhiệm công việc, nguyên tắc nghề nghiệp, và lòng nhân đạo sẽ không cho phép họ làm khác hơn. Và dẫu biết rằng cuộc chiến tranh nào cũng vậy, nguyên nhân không nằm ở chỗ những người lính, đặc biệt là lính quân y. Nhưng cuối cùng khi cuộc chiến kết thúc thì bao nhiêu người trong số đó được trọng dụng như BS Đông A, và bao nhiêu người phải rơi vào những số phận bi thảm khác ?

Cho nên cũng hy vọng những câu chuyện như thế này sẽ là cơ hội tốt để nhìn lại những được mất của đất nước từng bị ảnh hưởng bởi tư duy hận thù, phân biệt đối xử dựa trên lý lịch nhân thân nhiều đời, "thành phần chính trị"..v.v. Nhất là trong bối cảnh cả gần nửa thế kỷ một đời người trôi qua, mà nhiều người nhìn đâu cũng còn thấy "ta" với "địch". Một nỗi ám ảnh mơ hồ !

Nhân nói đến chuyện ứng xử thời hậu chiến, mỗi khi nhắc về cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, nhiều người thường ca tụng sự cao thượng của tướng Grant (miền Bắc - bên thắng cuộc). Vì ông đã ra sức bảo vệ tướng Lee (miền Nam - bên thua cuộc) và cả binh sĩ đôi bên được an toàn trở về quê hương cùng nhau xây dựng đất nước. Thời đệ nhị thế chiến cũng thế, cả thế giới ca tụng sự cao thượng vĩ đại của tướng MacArthur (Mỹ) đã bảo vệ cho ngôi vị của Nhật Hoàng Hirohito (bên thua trận) và giúp đỡ xây dựng lại một đất nước Nhật Bản phồn thịnh. Mãi cho đến ngày hôm nay, đất nước Nhật vẫn tôn kính và biết ơn tướng Douglas MacArthur (bên thắng cuộc) như một anh hùng "dân tộc" của đất nước họ. Còn mình thì lúc nào cũng tự hào về anh hùng Nguyễn Trãi và câu chuyện Hội thề Đông Quan của nước Việt. Quả nhiên "một chiến thắng hoàn hảo nhất là chiến thắng không có kẻ chiến bại !"

Ngài Gandhi của Ấn độ có một câu nói rất nổi tiếng "The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong". (Tạm dịch: Kẻ yếu không thể tha thứ, bởi sự tha thứ là thuộc tính của kẻ mạnh). Mình thì không muốn lạm bàn về chuyện mạnh yếu ở đây, nhưng vẫn thường nghĩ rằng con người ai cũng mong muốn được phụng sự cho tổ quốc và đồng bào của họ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một thể chế tiến bộ và xã hội văn minh là xã hội tận dụng được sự đa dạng đó, chứ không phải là một xã hội phân biệt kỳ thị, mang nặng định kiến hận thù !


Monday, June 01, 2020

Phiếm: Bao giờ mới hết kỳ thị ?




Mấy hôm nay những người theo dõi tin tức đều biết đến vụ anh cảnh sát Mỹ trắng (Derek Chauvin) ở Minnesota đè cổ anh Mỹ đen (George Floyd) lâu quá, dẫn đến tử vong. Mới nhìn vô thì dường như ai cũng nhận ra là lỗi của người cảnh sát, đã hành xử quá đáng trong lúc thi hành công vụ. Nhưng đối với luật pháp ở Mỹ cũng như các nước dân chủ khác, nếu chưa được toà án xét xử, thì cũng chưa dám kết luận điều gì. Tất nhiên là sự việc này có thể chỉ là sai phạm cá nhân, chứ chẳng liên quan gì đến ông sếp hoặc ông thị trưởng, hoặc ông tổng thống, hay chính sách chủ trương gì cả. Cũng có khi chưa chắc là vì kỳ thị đen trắng, nhưng phản ứng đám đông thì bao giờ cũng dẫn dắt vấn đề đi theo những lối rẽ khác nhau, khó mà dự đóan được.

Thế là mấy ngày nay dân chúng Mỹ (đủ sắc dân, kể cả da trắng) biểu tình rầm rộ ở nhiều nơi đòi công lý và đòi chấm dứt tình trạng phân biệt màu da. Đây là việc làm đúng và hoàn toàn hợp pháp, thể hiện quyền tự do biểu đạt của người dân, đòi hỏi sự thoả đáng của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là những đám quá khích lưu manh, thừa gió bẻ măng, đập phá, hôi của, và xâm phạm tài sản người khác. Dĩ nhiên là thời đại nào, quốc gia nào, cũng có thành phần "tát nước theo mưa", "mượn gió bẻ măng "như thế, khó mà tránh khỏi. Đây là loại tội phạm nghiêm trọng, cần phải ngăn chận và trừng trị.

Hôm qua có anh bạn hỏi "Thế tình trạng kỳ thị này có được chấm dứt không ?" Theo thiển ý của mình thì cơn sốt biểu tình bạo loạn nào rồi cũng sẽ qua đi, xưa nay vẫn thế, nhưng sự kỳ thị trong lòng con người chắc chắn sẽ còn kéo dài. Bởi đó là thuộc tính của con người. Luật pháp chỉ là những lá chắn để bảo vệ sự bình đẳng cho xã hội thôi, nhưng không thể làm thay đổi được trí tuệ & tư duy của những con người nhỏ nhen thiển cận. Kỳ thị màu da, kỳ thị giới tính, kỳ thị địa vị, kỳ thị vùng miền, kỳ thị gốc gác....v.v... Đó là những ý niệm thuộc về tư duy và đạo đức của từng cá nhân, mà chỉ có giáo dục và sự tỉnh thức hiểu biết mới làm thay đổi được tư duy đó.

Mấy hôm nay cũng có nhiều người bình phẩm và phê phán về sự kỳ thị chủng tộc của Mỹ rất nặng nề. Mình thì quan niệm là thấy lỗi thiên hạ bao giờ cũng dễ hơn thấy lỗi của mình, phê phán thiên hạ bao giờ cũng dễ hơn thay đổi bản thân mình. Ở đâu cũng có sự phân biệt kỳ thị, chỉ là ít hay nhiều. Riêng nói về tư duy kỳ thị, thì VN ta cũng "không phải dạng vừa", có nguồn gốc xa xưa và kéo dài qua nhiều thế hệ. Từ thời phong kiến đã hình thành những sự phân biệt kỳ thị nặng nề, giàu nghèo, địa vị xã hội, gốc gác, ông sơ bà cố, bằng cấp, môn đăng hộ đối ..v.v. Ngay đến thời nay, cho dù có chấp nhận hay không, thì các hiện tượng ganh ghét, kỳ thị, phân biệt đối xử .... vẫn nhan nhản xảy ra hàng ngày đấy thôi. Nhiều người đến chết đi chôn vẫn còn bị kỳ thị mả to mồ lớn. Ngay cả ở những buổi tiệc họp mặt, bà con láng giềng gần gũi, họp tộc, họp làng, họp đồng hương, họp bạn bè chung trường chung lớp, thì chuyện kỳ thị vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Huống hồ chi là nói đến chuyện mấy anh tây trắng tây đen có lịch sử phân biệt kỳ thị chồng chất lâu đời. Mỹ là hợp chủng quốc, một đất nước được hình thành bởi dân di trú, có nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Đúng ra họ sẽ dễ dàng chấp nhận sự khác biệt hơn những quốc gia "thuần chủng" khác. Tuy nhiên thực tế không hẳn là như vậy, vì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội khác nhau và tư duy trình độ của mỗi con người. Nên cứ lâu lâu lại xảy ra một sự kiện đình đám, biểu tình la hét rầm rộ. Chủ yếu vẫn là nạn kỳ thị đen trắng, phân biệt đối xử, đánh đập bắn nhầm, cảnh sát da trắng, nghi phạm da đen da màu .v.v... Chỉ là lần này xảy ra trong lúc mọi người đang bị áp lực nặng nề về dịch bệnh kéo dài, nên phản ứng có vẻ bộc phát mãnh liệt và căng thẳng hơn. Và dĩ nhiên cũng không loại trừ khả năng có những bàn tay lông lá vẽ rồng vẽ rắn, lợi dụng thời cơ, mở đường truyền thông cho cuộc bầu bán tổng thống cuối năm hoặc những mục đích chính trị đảng phái khác. Who knows ?

Cuối cùng thì chắc chắn mọi chuyện xáo trộn cũng sẽ được giải quyết, lắng dịu. Nhưng sự kỳ thị thì sẽ còn dài dài, ít hay nhiều, lộ liễu hay kín đáo, công khai hay lén lút... là tuỳ vào luật pháp và thông điệp của xã hội đối với tệ nạn này. Sự kỳ thị sẽ không hoàn toàn biến đi vì đó là thuộc tính của con người. Chỉ hy vọng là với thời gian, giáo dục và luật pháp sẽ lần hồi xây dựng được những nếp suy nghĩ mới, để xã hội có cái nhìn công bằng hơn & ứng xử với nhau tử tế hơn. Rõ ràng là như ở Mỹ hiện nay, thế hệ con cái của mình có quan niệm bình đẳng hơn thế hệ mình và những thế hệ trước đây. Ví dụ ở nhà, đôi khi mình sơ ý dùng từ "Mỹ đen" thôi, chứ chưa nói đến tốt xấu gì cả, là đã bị 2 đứa con chỉnh sửa ngay. Điều đáng lưu ý hơn nữa là tụi nhỏ tôn trọng giá trị của bình đẳng và công bằng một cách chân thực, chứ không phải chỉ "diễn tuồng" như những thế hệ đi trước.

Nhớ lại vào thời cuối thập niên 70, đầu 80 ở VN, chính sách phân biệt thành phần chính trị và lý lịch gia đình được thi hành triệt để, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Nhiều gia đình và cá nhân phải gánh chịu những hậu quả đắng cay, mất mát. Rất nhiều người không được đi học, đi làm, một cách bình đẳng như những người khác. Đặc biệt là đối với những gia đình miền Nam, từng có người thân làm việc cho chính phủ VNCH ngày trước. Dĩ nhiên là bên cạnh đó cũng không hiếm những cán bộ địa phương hiểu biết hạn hẹp, ý thức sai lệch, đã lợi dụng luật pháp (như anh cảnh sát Minnesota hôm nay), mà trù dập thiên hạ vì những lý do khác nhau, hoặc mâu thuẩn vì quyền lợi cá nhân. Cho nên đã có rất nhiều người phải đau lòng, gạt nước mắt rời bỏ làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của họ, để ra đi tìm miền đất dung thân mới. Mình cũng có người bạn rất thân, đậu thủ khoa ĐHBK ĐN thời bấy giờ, nhưng địa phương không cho đi học, bắt phải đi nghĩa vụ lao động trên rừng núi cao nguyên. Đến khi mãn hạn về lại, thi đậu, đi học ở ĐHKT ở SG, cũng không xong. Thế là cuối cùng đành bỏ xứ ra đi, và chết trên biển cả mất xác !
Cũng nhớ vào thời đó, có quyển truyện dịch "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của Gerald Gordon (nguyên tác là Let The Day Perish), nói về nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi. Giới trẻ xôn xao, chuyền tay nhau đọc. Có lẽ họ cảm thấy gần gũi vì tìm được phần nào những cảm xúc tương đồng. Nhiều người đọc xong đã khóc sụt sùi như khóc cho chính bản thân của họ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, hy vọng đất nước VN ngày càng văn minh hơn, những lỗi lầm đó sẽ không còn tái diễn nữa.

Lâu nay mình vẫn luôn nghĩ rằng tôn giáo là giải pháp tốt nhất cho nạn kỳ thị và bất bình đẳng giữa người với người. Bởi lẽ tôn giáo nào cũng dạy dỗ sự chung sống hoà bình, và kêu gọi không phân biệt đối xử. Đúng là như vậy, nhưng thực tế thì không phải lúc nào thiên hạ cũng nghe theo, làm theo giáo lý của họ. Thậm chí nạn kỳ thị phân biệt còn xảy ra ngay cả giữa các tín đồ, giáo hữu với nhau, hoặc trong các giáo hội, ban đại diện, các tổ chức thiện nguyện, nhân đạo....v.v. Ở một số nơi, những phân biệt như chùa to chùa nhỏ, nhà thờ lớn nhà thờ bé, cúng nhiều cúng ít, đại gia tiểu gia, ông này bà nọ, đạo hữu quan chức, tín đồ doanh nhân, đệ tử thầy này sư nọ .v.v.... vẫn còn là những chuyện xảy ra mỗi ngày. Mà xảy ra ngay cả ở trên những đất nước văn minh, luật pháp hẳn hoi, chứ không phải chỉ có ở những làng quê nghèo nàn hẻo lánh, chậm lụt phát triển. Bởi vậy nói đến vấn nạn kỳ thị, thì có thể tìm thấy ở khắp nơi, ở mọi thành phần xã hội, mà chẳng ai có thể dự đóan và khẳng định được điều gì. Suy cho cùng, thì cũng chẳng có ông Phật, ông Chúa nào mà có thể bứng được cái cục vàng "kỳ thị phân biệt" trong lòng của mỗi con người, nếu như bản thân họ không tỉnh thức, hạn hẹp, cứ khư khư bảo thủ, giữ lấy làm của riêng để đem theo về chốn thiên đường  :-).

Còn trở lại chuyện dân thiểu số ở Mỹ, và nguồn gốc kỳ thị có từ đâu, thì lại là những câu chuyện khác nữa. Nói ra cho đủ thì cả một lịch sử dài từ thời khai quốc, mua bán nô lệ, giải phóng nhân quyền, phong trào đấu tranh, bình đẳng dân chủ .v.v.. Cho đến ngày nay những con số thống kê tội phạm dài đăng đẳng, cách ăn cách ở, nhảy múa sinh hoạt hàng ngày. Đó cũng là nguyên nhân ít nhiều gây ra những thành kiến nhất định ở một số người phân biệt, hoặc thiểu số cảnh sát có tầm nhìn hạn hẹp, có định kiến không tốt về dân da màu. Thực tế thì ở Mỹ, người da màu chiếm tỉ lệ rất cao trong hàng ngũ cảnh sát, và lãnh đạo các cơ quan công quyền của tiểu bang và liên bang. Tuy nhiên đó cũng không phải là số đông so với người da trắng. Còn nói về nhân viên công lực ở Mỹ, thì đại đa số là người tốt, họ tuân thủ lời thề chức trách công việc, bảo vệ luật pháp, bảo vệ người dân, gìn giữ trật tự an ninh xã hội. Thế nhưng làm sao tránh khỏi chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Cho nên chuyện "bad cop, good cop" thì ở đâu cũng có, chỉ là ít hay nhiều.

Tóm lại, rất mong mọi chuyện sớm được giải quyết. Mong toà án và chính quyền sớm xét xử thoả đáng, công lý sớm được thực thi, để cho người dân yên lòng hả dạ. Còn mấy anh hôi của ăn ké, tát nước theo nước, mong sớm bị tóm cổ hết, để trả lại sự bình an cho xã hội. Cũng cầu mong những con người chất chứa hận thù & nặng nề chuyện phân biệt kỳ thị, thì ngày mỗi trưởng thành hơn để công bằng với chính bản thân họ, và đối xử tử tế với kẻ khác, đặc biệt là đối với những kẻ nghèo hèn cô thế, thấp cổ bé miệng hơn họ....

Viết tới đây tự nhiên nhớ đến bài thơ "Mộng Ngày" của Thầy Tuệ Sỹ, mặc dù không liên quan gì đến nạn kỳ thị của xã hội, nhưng mình chép lại để các bạn thưởng thức:

Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ

Đầu cửa động đàn ong luân vũ
Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ
Thẹn hương sắc lau già vươn dậy
Làm tiên ông tóc trắng phất phơ

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
Ta trên lưng món nợ ân tình
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
Cũng tình chung tơ nắng mong manh

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi

Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian ta gặm hư vô 
(Tuệ Sỹ 1984)


PN (2020)












Sunday, April 12, 2020

Những tiếng vỗ tay mùa đại dịch Vũ Hán




Hôm nay ngày lễ Easter (Phục Sinh). Hàng năm vào tuần này, nhiều nơi, nhiều khu phố, nhà thờ, hội đoàn ... tổ chức các trò chơi cho các em bé, ca hát nhảy múa vui chơi. Gia đình, bạn bè, sẽ có những buổi hội họp ăn uống, để chào mừng không khí mùa xuân bắt đầu. Nhưng năm nay thì không, không hội hè đình đám, không bạn bè thân hữu tập trung. Nhiều nhà thờ cũng không tổ chức hội họp. Đức Giáo hoàng Francis cũng làm lễ Thánh trong giáo đường St. Peter's Basilica lặng lẽ.

Tuy nhiên, những khoảng cách không gian, những social distancing trước đại dịch Vũ Hán đã không làm cho con người quên đi những khoảng lặng của tình người, lòng tri ân cuộc sống, và những giá trị nhân bản cần thiết của xã hội. Chiều nay 6g, nhiều người dưới thành phố mình đang sống, hẹn nhau cùng mở cửa vỗ tay tri ân những người y tá, bác sĩ, cảnh sát, nhân viên y tế xã hội ....v.v...đã không sợ nguy hiểm làm việc ở tuyến đầu chống dịch Vũ Hán. Trên thế giới, mấy tuần qua, nhiều quốc gia, nhiều địa phương, cũng đã làm như thế để tri ân, để tạ ơn, để cổ vũ những người "thiên thần áo trắng" ngày đêm chống dịch cứu người. Nhiều nơi, các nhà hàng, các khu phố còn đem những thức ăn thức uống, hoặc các dụng cụ bảo hộ trao tặng cho đội ngũ nhân viên ý tế coi như thay lời cảm tạ. Mình rất xúc động và trân trọng những ứng xử nhân văn như thế.

Nghĩ đến đôi lần mình coi tin tức bên VN, thấy các "đại gia" hay "đại ca anh chị" gì đấy, hoặc thành phần bất hảo ... vào tận bệnh viện chửi chém bác sĩ y tá, mà rùng mình ghê sợ. Dĩ nhiên là cũng có những người bác sĩ y tá tắc trách trong công việc hoặc tranh thủ cơ hội lợi dụng, chứ không thể hoàn hảo tuyệt đối được. Nhưng một nền giáo dục mà dẫn đến tình trạng đánh thầy cô, cướp sư sãi, chém thầy thuốc ... .v.v...thì có nhiều thứ phải đáng suy gẫm lại.

Những người thầy thuốc, đội ngũ y tá bác sĩ, trong xã hội nào cũng đáng được tôn trọng. Bởi nếu họ nhỏ nhen, đố kỵ, phân biệt chính trị, sang hèn, sướng khổ, màu da, chủng tộc ... thì xã hội này đã loạn từ lâu rồi. (Tất nhiên là ở đâu và thời nào cũng có những cá nhân lợi dụng cái nhãn mác bác sĩ, y tá, lương y, để làm những chuyện sai trái. Nhưng đó chỉ là thiểu số, và chuyện nên lưu ý nhận xét & phân tích để đề phòng luôn là cần thiết).

Xin mạn phép nhắc lại một ký ức tuổi thơ của mình. Thời mình còn nhỏ, Má mình làm y tá, trông coi một Trạm Xá ở một vùng chiến tranh ác liệt, "ngày quốc gia đêm cọng sản". Nhiều lúc nửa đêm, mờ sáng, cũng phải đi băng bó cứu thương cho đồng bào hay binh lính. Có đêm hoả châu, đại bác vang rần, Má đi mà cả nhà thấp thỏm đợi chờ lo lắng. Thời đó chiến tranh ngày càng khốc liệt, quanh vùng quê mình, cứ đêm về, bom mìn bẫy gài giăng đầy, đến sáng mới được gỡ. Hên xui may rủi, sống chết khó lường, nhưng rồi may mắn mọi chuyện cũng qua. Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn, và người dân luôn là kẻ bị thiệt thòi.
Nhớ nhiều lần mình đi theo Má trong những đợt phát thuốc sốt rét hay chích ngừa cho đồng bào ở miền núi, vùng sâu vùng xa, bán an ninh. Có khi có cả lính Mỹ đi theo, để bảo vệ nhân viên Hội chữ thập đỏ, tổ chức Y tế thế giới v.v... Ai cũng biết là trong số những người dân đen đó có cả những người cán bộ, du kích, kháng chiến quân. Nhưng đã làm ngành nghề này thì thấy ai chết cũng phải cứu. Cuộc sống ở vùng "bán an ninh" đều như thế, không thể biết ai là ai, nhưng người dân nào bịnh cũng phải được cứu chữa. Người dân nào cũng được quyền chăm sóc, phải được chích ngừa phát thuốc bình đẳng như nhau. Má mình cũng như bao nhiêu người làm công việc y tế cứu thương khác ở vùng chiến tranh, cho dù cận kề cái chết, đi sớm về khuya, cũng phải làm nghĩa vụ của mình. Cũng giống như những người y tá bác sĩ ngày nay, bất kể là gốc đen trắng vàng đỏ, giàu nghèo sang hèn, ai cũng phải được cứu trị. Thâm chí nhiều vị bác sĩ y tá chấp nhận rủi ro lây nhiễm, sống chết để cứu người khác, cũng là chuyện bổn phận bình thường mỗi ngày.
Nói đến đây, nhớ lại thời 1975, có mấy ông cán bộ địa phương đến kêu Má mình phải đi học tập cải tạo vì từng làm việc cho "Mỹ Nguỵ". Vừa buồn cười vừa xót xa !

Nhưng đó là chuyện đã xa rồi. Thời này, chắc chắn ai cũng văn minh hơn, nhân bản hơn. Xin hãy tri ân những người thầy thuốc ngày đêm tuyến đầu chống dịch bệnh cứu người. Nếu không có gì quý tặng nhau, không vỗ tay cổ vũ nhau, thì ít ra cũng xin đừng chửi chém nhau !

Cầu mong bệnh dịch Vũ Hán sớm qua. Chúc mọi người an lành. Và trân trọng ghi ơn những vị anh hùng áo trắng đã hy sinh cứu người trong cơn đại dịch khủng khiếp này.

Dưới đây là chương trình Hát cho Hy vọng của Andrea Bocelli, trình diễn hôm nay.
(Andrea Bocelli: Music For Hope - Live From Duomo di Milano)


Friday, March 20, 2020

Tia sáng cuối đường hầm



Hôm qua, Mark Zuckerberg (Facebook) đã có một cuộc phỏng vấn khá chi tiết với Dr. Anthony Fauci - người hiện nay được cho là chuyên gia bậc nhất về các dịch bệnh do virus gây ra. Nếu quý vị nào nghe được tiếng Anh, nên nghe. 

https://www.usatoday.com/story/tech/2020/03/19/mark-zuckerberg-facebook-anthony-fauci-coronavirus-covid-19/2881623001/

Nhiều vấn đề được đưa ra nhưng đa phần liên quan đến nước Mỹ. Riêng về dịch Vũ Hán đại khái có những điểm cần lưu ý như sau:

- Hiện tại thuốc ngừa (vaccin) của bịnh covid-19 đã tiêm chủng vào 45 người thiện nguyện tại Mỹ . Tuy nhiên theo BS. Fauci, sau vài tháng sẽ là đợt thử 2 trên diện rộng nếu có phản ứng tốt . Đó là quy định an toàn bắt buộc, nên sớm nhất để có vaccin cho dịch cúm Vũ Hán phải trên 1 năm . Ông cho rằng từ năm 2002 đến nay đã có mấy lần dịch coronavirus (SARs, MERs ...), nên ông nghĩ hợp lý hơn là nghiên cứu và sản xuất vaccin cho tất cả các chủng Corona thay vì chỉ tập trung vào COV-19. Vì nếu không, sẽ tiếp tục còn các chủng corona mới trong tương lai .

- Do vậy, nên giải pháp thay thế là tìm kiếm các loại thuốc đã có sẵn ngoài thị trường, hoặc sắp hoàn chỉnh, để xài cho tình hình hiện nay. Như thế sẽ nhanh hơn và giải quyết được tình trạng cấp bách. Ông có nhắc đến một số tên thuốc, trong đó có chủng loại chống sốt rét đã được sử dụng bao nhiêu năm nay, là ký ninh thần thánh .....

- Nói về các chủng loại thuốc ký-ninh thì VN ta quá quen thuộc rồi. Từ thời chiến tranh, nằm rừng chống muỗi, hoặc dân cư vùng quê vùng sâu vùng xa ....nhiều người đã từng nếm qua. Đến thời bình, hết sốt rét, dư đủ rủng rỉnh, thì lại xài ký-ninh để pha chế cafe, tẩm thực phẩm, nấu bánh ..... cho đậm đà hương vị, đẹp mắt, lâu hư ..v.v.. Gần gũi & quen thuộc.

- Một lưu ý rất đáng quan tâm, BS Fauci từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở các cuộc họp báo khác là : Giới trẻ (U30) sẽ rất ít bị ảnh hưởng bởi virus Vũ Hán. (Có thể bị nhiễm bệnh nhưng lướt qua được, và không có triệu chứng nguy hiểm bên ngoài) . Cũng bởi thế nên nhiều người trẻ không biềt mình nhiễm bệnh . Tuy nhiên họ vẫn là nguồn gây bệnh cho kẻ khác nguy hiểm nhất, nhất là với những người lớn tuổi và có tiền sử bệnh tật . Nên ông kêu gọi giới trẻ nên hiểu biết và giữ gìn cho người khác, cách ly để đừng phát tán cơn bịnh này )

- Còn nói đến yêu cầu thử nghiệm và điều kiện để chấp thuận một loại thuốc mới ở Mỹ thì rất là khắt khe, nên lúc nào cũng đòi hỏi những quy trình thử nghiệm (clinical trials) cẩn thận chi tiết. Đây là một chính sách và phương thức rất tốt, tôn trọng giá trị sinh mạng con người. Nhưng có thể là một yếu điểm trong những tình hình cấp bách như hiện nay. (Cho dù tổng thống Trump rất ủng hộ giải pháp thay thế này). Tuy nhiên, ở các nước châu Âu thì quy trình thử nghiệm dễ dàng hơn. Mấy hôm nay bên Pháp đã thử nghiệm lâm sàng phương thức dùng ký ninh kết hợp, rất hiệu quả & thành công. Mỹ cũng đang thử nghiệm áp dụng chloroquine (một chủng ký ninh dạng viên) để trị cúm Vũ Hán. Dĩ nhiên đây chỉ là giải pháp thay thế tạm thời, không phải trường hợp nào cũng ứng dụng được. Và ký ninh cũng không phải là thuốc dành để trị cúm, nhưng có còn hơn không, có còn hơn không .... Chỉ là một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi những điều tốt hơn xảy ra như vaccin chẳng hạn, nên sẽ không hứa hẹn sự hoàn hảo nhất. Mọi người không nên sử dụng tùy tiện các loại thuốc chống sốt rét này vì các phản ứng phụ rất nguy hiểm, phải cần có sự chỉ định của bác sĩ. Nhưng nói chung cũng là tin vui và là ánh sáng cuối đường hầm cho nhân loại lúc này.

(Mà nói tới đây, mình phải thành thật cảm phục những vị lãnh đạo của Mỹ, các vị thống đốc tiểu bang & tổng thống Mỹ. Ngày nào cũng xuất hiện trên TV để cập nhật thông tin chính xác và tìm các giải pháp hổ trợ cho người dân. Từ đề xuất giải pháp cho đến các gói hổ trợ, đến họp báo với các cơ quan ban ngành, quốc hội, CDC (cơ quan kiểm soát dịch tể), FEMA (cơ quan giải quyết tình trạng khẩn cấp), SBA (doanh thương nhỏ), Bộ tài chánh, Cơ quan thuế IRS .v.v... Đích thân ra mặt để điều hành giải cứu đất nước. Rất đáng trân trọng. Đây có lẽ là sự khác biệt rõ nhất giữa nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền !!!)

- Cũng mở ngoặt chút là dược chất Chloroquine phosphate kỳ này lên ngôi. Mà VN là một trong vài nước hiếm hoi trên thế giới có phosphate, cây nhà lá vườn và hoàn toàn có khả năng chế ra món này nghen.
Dưới đây là bản tin về thử nghiệm thành công dùng ký ninh trị cúm Vũ Hán và study của Mỹ . Chắc nay mai lại sẽ có nhiều thông tin khác liên quan đến đề tài "Hydroxychloroquine" này .


Cầu mong dại dịch sớm qua, và thế giới được an lành . Chúc tất cả bình an .

Thursday, November 28, 2019

Phiếm: Ăn gà tây, nhớ gà ta :-)

Nhân ngày tạ ơn nói chuyện không tạ ơn ..... của các bác "trí thức" quê nhà :-)

Mấy hôm nay, báo chí mạng xã hội lại rần rần chuyện mấy nhà "trí thức" quê ta bừng bừng khí thế đấu tranh giành quyền không đặt tên đường cho mấy ông giáo sĩ phương Tây đã tìm ra chữ quốc ngữ năm xưa. Cụ thể là 2 ông Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina. Nhiều nhà "trí thức" cho rằng mấy ông giáo sĩ đặt ra chữ Quốc ngữ là để đô hộ VN, chứ chẳng công trạng gì. Có ông "trí thức" khác nêu lý do không đồng ý, là vì ông Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Quốc ngữ nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo, và sử dụng câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo). Amen !

Thực ra, mấy bữa trước có coi qua rồi, nhưng hoải quá, rồi cũng chẳng có ý kiến ý cò gì . Hôm nay lễ Tạ ơn, nãy giờ phụ vợ ướp con gà tây để chiều cho vô lò. Hoàn thành nghĩa vụ rồi, rảnh rỗi lại sinh nông nỗi, dài chuyện trong lúc đợi chờ...

Nói vòng vo cho xa một chút, ví dụ như những con dao ngày nay đã có nguồn gốc từ  thời đồ đá của người tiền sử (Homo sapiens). Rồi 2.5 triệu mùa lá rụng trôi qua, người ta hôm nay dùng dao để nấu ăn, đâm chém, múa may, biểu diễn, làm quà biếu tặng, phòng thân, phong thần ..v.v.... Dao có thể dùng để giết người, mà cũng có thể dùng để cứu người. Chuyện đơn giản vậy ai cũng hiểu, không lẽ cứ thấy ai xách dao đi rượt thiên hạ, lại đổ tội lên mấy ông xài Oldowan ngày xưa ?

Giờ nói sơ qua chuyện nguồn gốc của chữ quốc ngữ VN. Thì cũng như bao nhiêu giai thoai lịch sử khác, nhiều nguồn, nhiều sách, nhiều giả thuyết, làm sao trọn vẹn hết được ? Nhưng lâu nay, có lẽ nguồn được thuyết phục nhất là nguồn cho rằng bộ chữ Quốc ngữ ra đời khoảng năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625). Ông Francisco De Pina là giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong năm 1617. Vốn giỏi tiếng Nhật và chữ Hán, nên ông dễ dàng học nói tiếng Việt và đọc chữ Nôm. Và sau đó, ông cũng nhận thấy các giáo sĩ khác gặp quá nhiều khó khăn trong việc học hỏi ngôn ngữ đọc và viết của người Việt, nên đã nghĩ ra cách dựa vào bảng mẫu tự La Tinh để ghi âm theo tiếng bản xứ.
Năm 1624, sau khi tương đối hoàn thành hệ thống tiếng Việt mới, ông mở lớp dạy lại cho các giáo sĩ khác đến truyền giáo tại Việt nam. Ông cũng tự viết những bài giảng và đi truyền đạo bằng thứ chữ Việt mới này từ đó (nay là Quốc ngữ). Cho đến tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng. Sau khi ông chết, thì có những giáo sĩ đã từng học chữ quốc ngữ VN của ông, đứng ra tiếp tục công việc hoàn chỉnh hệ thống chữ mới đó, nhưng chủ yếu là do giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646), giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647), và giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) mà người VN gọi là cha Đắc Lộ. Ba vị giáo sĩ này cũng là tác giả của những cuốn tự điển Việt Nam - Bồ Đào Nha thời đó. Tuy nhiên, chỉ có ông Alexandre De Rhodes là gốc Pháp, nên sau này đã có nhiều dư luận và tranh cãi về động lực phát triển chữ Quốc ngữ của ông.
Có lẽ mục đích ban đầu của chữ Quốc ngữ cũng chỉ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với người bản xứ dễ dàng hơn. Về sau, khi thực dân Pháp đến Việt Nam, họ cũng bị những bế tắc về ngôn ngữ như những nhà truyền giáo trước đó, cả Hán và Nôm. Nên giải pháp tốt nhất là buộc người Việt Nam phải sử dụng chữ Quốc ngữ. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes nổi bật và được nhắc đến nhiều sau này. Cho nên công bằng mà nói chính người Bồ Đào Nha đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ, và người Pháp đã "ép" dân VN ta dùng chữ Quốc ngữ.

Dĩ nhiên là buổi ban đầu chữ Quốc Ngữ đã từng bị giới sĩ phu VN tẩy chay, vì được cho là sản phẩm của bọn 'Tây lông", là công cụ của thực dân Pháp cai trị đất nước ta. Mấy cụ đồ, nhà Nho của ta dễ dàng gì cho cái thứ "Tây học" đó lấn sân chữ Nôm đơn giản vậy. An Nam ta mờ, đâu dễ "mất gốc" như thế :-). Nên chắn chắn hành trình phát triển chữ Quốc ngữ ngày xưa cũng rất gian nan. May mắn là hồi đó còn chưa có các vị "trí thức", giáo sư, tiến sĩ, viện nghiên cứu văn hoá lịch sử, các nhà Huế học, Đà Nẵng học ... như bây giờ. Nhưng cuối cùng thì do sự tiện ích và những động lực khác nhau, chữ Quốc ngữ đã thắng thế và tồn tại được.
Tuy nhiên, khi nói đến công ơn truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ có được như ngày hôm nay, thì không thể không nhắc đến các vị tiền nhân như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can .... và những đội ngũ tân học nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm của những thế hệ trước. Thế nhưng những người con VN ưu tú đó đã được tri ân đúng mức chưa ? Con đường nào đã mang tên họ để tri ân cho việc xây dựng một nền tảng ngôn ngữ dân tộc ?

Còn cái ông "trí thức" giáo sư tiến sĩ của viện nghiên cứu gì đó cho rằng ông cha Đắc Lộ viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Việt để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo), cũng nên coi lại vì tư duy này cũng hơi lạ :-) !
Thực ra thì ông Alexandre de Rhodes cũng là một giáo sĩ bình thường, và chuyện ông ta ca tụng Thiên chúa giáo, không đồng ý với quan niệm Tam giáo cũng là chuyện bình thường thôi. Nhìn lại ngày xưa, với điều kiện sách vở và những tư tưởng thời ấy, thì cũng không ai chờ đợi ông ta hiểu biết hết cái thâm diệu của một tôn giáo khác. Mình không nghĩ ông ta có ý phỉ báng. Ngay cả đến thời buổi này, sách vở tràn ngập, phương tiện truyền thông rộng rãi, đại chúng hơn nhiều, mà cũng không hiếm lắm những chuyện tôn giáo hiểu lầm nhau. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có những vị tu sĩ hoặc tín đồ hiểu biết lý lẽ, tôn trọng sự khác biệt, luôn dành sự tôn kính cho nhau và tôn trọng các tôn giáo khác. Nhưng bên cạnh đó cũng không hiếm những người tư duy hạn chế, cực đoan, chia rẽ, chê bai hoặc phỉ báng những ai có đức tin khác mình. Thậm chí nhiều người cuồng tín, tin rằng trong vũ trụ này chỉ có giáo chủ của họ là vĩ đại, và tôn giáo của họ là duy nhất. Cũng bình thường thôi ngài "trí thức" ạ. Cũng như tìm đâu ra được một ông giảng dạy triết Mác Lê mà đi khen ngợi chủ nghĩa "dẫy chết" tư bản :-) ? Bởi vậy, thiết nghĩ không nên chỉ vì cái quan điểm khác nhau, kiến thức khác biệt, hoặc đức tin riêng của họ, mà quên đi cái công trạng đã kiến tạo & hình thành nên một hệ thống "Quốc ngữ" mà chính ngài "trí thức" và tất cả chúng ta đã và đang xử dụng hôm nay.

Nói tới đây mới nhớ, hồi mình còn đi làm bên London, có lần đi đến thư viện Các-Mác (Marx Memorial Library) ở Farringdon với một người bạn trẻ từ bên Pháp qua. Măc dù có ít người đến viếng, nhưng thư viện vẫn luôn được chăm sóc. Anh bạn trẻ của mình thắc mắc là tại sao trải qua nhiều sự phản đối như thế mà thư viện ấy vẫn được tồn tại. Chỉ đơn giản bởi vì đó thuộc về lịch sử, cho dù có khác biệt nhau về quan điểm. Nước Anh chưa từng là quốc gia cọng sản, cũng chưa từng tin vào lý thuyết của Mác. Nhưng ông Mác đã từng xin tá túc tại đây, và người ta tôn trọng điều đó như một sự kiện lịch sử. Sách vở, hình ảnh, tài liệu, đều được trưng bày minh bạch và không cần dấu diếm điều gì !

Hôm nay là ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving) của Mỹ. Đây là một tục lệ văn hoá rất hay, là ngày lễ lớn nhất trong năm, để mọi người có thể tạ ơn những ân điển trong cuộc sống đã dành cho bản thân và cho gia đình của họ. Xưa nay nhiều người cho rằng việc biểu hiện lòng biết ơn và tạ ơn một cách đúng đắn trong đời sống là những ứng xử và tư duy cần thiết, chứng tỏ sự trưởng thành của con người.

Thôi tới giờ đi nướng gà, chào tất cả các bạn. Chúc tất cả ngày lễ Tạ ơn an lành, hạnh phúc.







Wednesday, November 20, 2019

Tản mạn ngày 20/11 - Cảm ơn những Người có công dạy dỗ người khác !

Love is a better teacher than duty. (Albert Einstein)





Hàng năm cứ đến ngày nhà giáo Việt nam, hắn lại ngồi nghĩ về những quãng ngày đã cũ...
Bao nhiêu thầy cô giáo đã đi qua cuộc đời hắn, dạy dỗ những bài học cần thiết nào đó, rồi lại đi xa. Không phải chỉ là những thầy cô giáo trên bục giảng, hoặc những nhân vật thành công tên tuổi, hoặc bằng này cấp nọ, mà có khi họ chỉ là những con người bình thường nhất, thậm chí còn rất nghèo hèn và khốn khổ. Như một thứ duyên hội ngộ, đến rồi đi, nhưng những bài học họ để lại là kim chỉ nam cần thiết cho đời sống của hắn. Không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc lúc nào, cũng không có một tiêu chuẩn nào để thẩm định giá trị của những bài học cuộc sống, nhưng hắn đã trưởng thành từ đó. Vâng, chính họ là những bậc thầy cô giáo mà suốt đời hắn luôn phải tri ân .
....
Nước giếng khơi từ đáy thẳm mang tên
Nuôi dưỡng những cuộc đời thả nổi
Mặc cát đảo nghìn năm gió thổi
Bỗng Việt nam từ một dấu chân người ...
(Mai Thảo)

Rồi hắn đi xa, thật xa. Có những lúc ở một phương trời nào đó, hắn lại nhìn về chốn cũ, mà nhớ đến những bài học đầu đời. Nhớ đến những bạn bè, đàn anh, đàn chị, những thầy cô đã lần lượt ra đi. Trong cuộc sống, dĩ nhiên không phải bài học nào cũng ngọt ngào thơ mộng như ... "Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ ". Mà có những bài học đầy cay đắng ngậm ngùi, nhưng đó lại là những thứ ngậm ngùi cần thiết .
....
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đoạ đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
(Thầy Tuệ Sỹ)

Có những ngày thơ thẩn bên giảng đường ĐH với những bài xã hội học đương đại của Daniel Bell, Michel Foucault, Max Weber, C. Wright Mills.... Hắn lại miên man nghĩ về những ngày lang thang, trốn học, chăn bò, tắm sông... của thời mới lớn.
...
Thưở đầu đời chú bé ôm phao,
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước ... ( Nguyễn Tất Nhiên)

Những người thầy đã dạy hắn từng sãi bơi đầu tiên, từng cách bám chân gánh phân trên đường làng lầy lội ..." trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen". Những bước chân đứng lên sau bao lần ngã qụy với gánh mía, bó rơm, trên vai nặng trĩu. Những lần gượng đứng lên giữa bất công của xã hội và nghịch lý của cuộc sống. Những điều đáng quý, đáng làm, và những điều không đáng khóc. Rồi những kinh nghiệm đạp xích lô, sửa máy, cày cấy bón phân, hái trà trồng cafe, kẹp hom đánh rạ, đường cày luống thẳng, rải mạ ngay hàng ... cho đến cách nướng bắp giữa đồng, tát cá đìa, đặt lờ ống tre, đắp bùn nướng rạ ..vv. Đó là những bài học tồn tại đáng qúy nhất, và cũng là những điều cần thiết đã khắc sâu vào tâm thức của hắn -  một đứa trẻ nhà quê tập tễnh vào đời !
....
Trên vắt vẻo một chiếc cầu tre cũ
Sớm trưa chiều lặng lẽ đón người qua
Dắt tuổi thơ anh tập tễnh vào đời
Khi anh lớn, thì chiếc cầu đã gãy ... (PN)

Rồi có những ngày hắn từng thất bại, chạy trốn cả chính bản thân mình. Bên cạnh những đêm lang thang, vũ trường, rượu chè be bét. Một cô gái bán bar đã dạy hắn bài học lạc quan hơn cả Emile Durkheim. Lúc hắn lao đầu vào công việc như một thứ tham vọng thiêu thân, một nhà sư đã dạy hắn ý nghĩa vô thường, cái có cái không, cái thực cái ảo, để hắn chợt nhận ra những gì cần thiết. Lúc hắn bị áp lực nặng nề bởi những ước mơ, trách nhiệm, người phu quét đường dạy hắn giá trị đơn giản của quãng đường sạch sẽ mỗi buổi sớm mai ... Hắn đã học hỏi từ những người thầy cô giáo vô danh như thế. Họ đến rồi đi, mà có khi cả đời không bao giờ gặp lại.
Một mớ kiến thức học đường, giúp hắn tậu đươc một tấm bằng nho nhỏ. Nhưng chính những bài học cuộc đời đã giúp hắn tồn tại và trưởng thành hôm nay. Có một lần ngày 20/11, hắn mua một bó hoa và hộp bánh tặng cho bà giáo người nước ngoài. Bà hỏi tại sao, hắn trả lời ..." Hôm nay là ngày tri ân thầy cô giáo ở quê tôi". Bà giáo ngạc nhiên cảm ơn, chớp mắt cảm động. Còn hắn thì quay lưng đi để che dấu nỗi xúc động khi nghĩ đến bao nhiêu người dạy dỗ hắn vẫn còn khốn khổ ở quê nhà.

Hôm nay, nhìn đứa con hớn hở ôm gói quà trao tặng cho thầy cô giáo, hắn thấy vui lây. Trên đường về, con hỏi " Hôm nay Ba có đến trường tặng quà cho thầy cô của Ba không? ". Hắn khựng lại thật lâu, tìm câu trả lời.... "Con ơi, Ba không còn được đến trường nữa, nhưng Ba đã có rất nhiều thầy cô giáo. Thầy Cô trong trường và cả Thầy Cô ngoài đời. Họ đã dạy Ba những điều vô cùng cần thiết, nhưng giờ họ đang ở rất xa. Sau này lớn lên con sẽ hiểu ."
Từ đâu một câu nói xa xưa của Aristotle chợt trở về trong hắn "A true disciple shows his appreciation by reaching further than his teacher" (Tạm dịch - Trò hơn thầy là cách đền đáp công ơn dạy dỗ tốt nhất.)

Một ngày 20/11,
PN
(Chân thành cảm ơn những Người đã có công dạy dỗ người khác .)



Friday, October 11, 2019

Ocean Vương - thế hệ VN mới ở hải ngoại

Ocean Vương - TÔI ĐÃ HỌC LÀM CON TẮC KÈ CÓ THỂ ĐỔI MÀU DA

Phỏng vấn : Khuê Phạm (ZEIT ONLINE Team)
Người dịch : Tôn Thất Thông

Read the English version of this article here - Đọc bài phỏng vấn tiếng Anh đăng trên trang ZEIT ONLINE ở đây




ND : Xin giới thiệu với độc giả một cuộc phỏng vấn lý thú. Trước hết, người được phỏng vấn là Ocean Vương, một người Mỹ gốc Việt thế hệ hai, vừa xuất bản cuốn sách trong năm nay, trở thành một bestseller của New York Times và nhanh chóng được dịch ra 24 thứ tiếng. Thứ hai, người phỏng vấn là nhóm ký giả của ZEIT ONLINE ở Hamburg, được hướng dẫn bởi Khuê Phạm, một người Đức gốc Việt thế hệ hai. Thứ ba, nội dung phỏng vấn xoay quanh chủ đề nhập cư, và dường như có một sự đồng cảm sâu sắc giữa người phỏng vấn và người trả lời.. Điều đáng mừng là cộng đồng trí thức Việt Nam hải ngoại không chỉ có chuyên gia trong các ngành nghề truyền thống, mà đã có những who-is-who trong văn học và truyền thông đại chúng.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương là một sự kiện văn học quan trọng trong năm nay [2019]. Sau đây là cuộc trò chuyện với tác giả về Việt Nam, về định kiến châu Á và sự cô đơn trong các chuyến xe buýt đến trường.

Ocean Vương đứng đó với nụ cười bẽn lẽn trong phòng khách sạn ở Berlin và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ. Người Mỹ 30 tuổi này sinh ra ở Sài Gòn và mới phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay On Earth, We’re Briefly Gorgeous, mang lại cho anh danh tiếng là một thần đồng văn học. Ở Berlin, anh xuất hiện trên bục đọc sách tại Liên hoan văn học quốc tế. Vào ngày thứ sáu cuối tháng 9 này, anh mặc một chiếc áo màu xanh, đội mũ lưỡi trai màu hồng và đeo một chiếc khuyên dài bằng vàng ở tai phải. Một nhà thơ tỏa ra một hỗn hợp của sự dễ bị tổn thương và niềm tự hào. Khi biết rằng, người phỏng vấn cũng có bố mẹ người Việt, mặt anh sáng bừng lên. Anh chuyển đổi dễ dàng từ tiếng Anh sang tiếng Việt trước khi quay lại tiếng Anh.

ZEIT ONLINE : Ông trốn khỏi Việt Nam cùng gia đình khi ông mới có hai tuổi. Ông có còn ký ức nào về thời gian trước đó không ?

Ocean Vương : Không còn một chút nào. Điều đó thật buồn cười, nhưng những ký ức đầu tiên của tôi là từ Mỹ. Dù sao, tôi vẫn còn bà con ở Việt Nam và thỉnh thoảng có về thăm. Năm 2009, tôi có mặt ở đám tang của bà tôi. Lúc ấy tôi thật bối rối: Trong đầu óc tôi, hình ảnh Việt Nam được tạo thành qua lời kể của những người bà con. Tuy nhiên, khi ở Sài Gòn, tôi cảm thấy như mình đang ở Times Square thành phố New York. Nó giống như một thế giới khác ! Văn hóa cũng đã thay đổi : trẻ con cởi mở và tự do hơn nhiều, gần như thiếu lễ độ. Tôi đã được giáo dục rất nghiêm ngặt ở nhà; khi tôi thấy chúng nói chuyện với bố mẹ, tôi cảm thấy mình như một bà già.

ZEIT ONLINE : Ông lớn lên cùng gia đình Việt Nam tại Hartford, Connecticut. Cuộc sống đó giống như thế nào ?

Vương : Chúng tôi bảy người sống cùng nhau trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ : bố mẹ tôi, bà tôi, chú tôi, hai dì và tôi. Họ từng là nông dân trồng lúa, không được học hành và cũng chưa hề có một chiếc TV ; khi bạn vào căn hộ đó, bạn có cảm giác như một cuộc hành trình vào quá khứ. Nhưng đồng thời, nơi đó thật vô cùng sinh động, giống như một ngôi làng nhỏ. Luôn luôn có một điều gì đó diễn ra, tiếng Việt luôn luôn được nói, không có một lúc nào yên lặng. Đối với một đứa trẻ như tôi không quen nói nhiều, điều đó thật tuyệt vời : tôi chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe và cảm nhận một phần của gia đình này.

ZEIT ONLINE : Điều gì đã xảy ra khi ông rời khỏi ngôi làng nhỏ này và bước ra ngoài ?

Vương : Chúng tôi sống ngay tại trung tâm thành phố, trong một cộng đồng người da đen và châu Mỹ La-tinh. Bởi vì chúng tôi không có xe hơi, nên chúng tôi phải đi bộ đến khắp mọi nơi. Tôi không biết rằng nước Mỹ chủ yếu là người da trắng, cho đến khi tôi lớn lên và lái xe đến trung tâm thương mại. Lúc ấy tôi nghĩ : Đợi đã, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy ?! Có huyền thoại là, nước Mỹ là một chiếc nồi dùng để nấu chảy mọi thứ, nhưng trong thực tế không có gì được hòa nhập với nhau, mọi thứ đều tách biệt. Bây giờ khi nghĩ về điều đó, tôi tin rằng thông qua những thế giới khác nhau này, tôi đã học được cách trở thành một con tắc kè hoa [có thể tự đổi màu] : tôi có thể điều chỉnh hành vi và cách nói chuyện của mình ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Đối với một nhà văn, đó là điều tuyệt vời nhất : tôi có thể biến mình trở thành bất kỳ tính chất nào, thành bất kỳ nhân vật nào.

ZEIT ONLINE : Có người Việt nào khác trong khu phố của ông không ?

Vương : Có một gia đình Trung Quốc, nhưng họ không bao giờ rời khỏi nhà. Nhưng cũng có một siêu thị châu Á. Nó rất nhỏ và được nhồi nhét từ trên xuống dưới bằng ấm trà, đũa và những chiếc chăn đỏ kiểu Việt Nam. Mẹ tôi thường mua sắm ở đó một cách chậm rãi đặc biệt, để có nhiều thời gian hơn ở đó. Mẹ tôi chỉ vào các thứ và nói, "Đây là nước mắm, nước tương. Con làm Phở như thế." Khi còn bé, tôi ghét nó, nhưng bây giờ tôi nghĩ nó rất đẹp, một sự giáo dục tuyệt vời.

Vương ăn nói nhỏ nhẹ với dáng trầm tư. Anh đến với văn học qua thơ. Những bài thơ của anh đã xuất hiện trong các báo lớn như New Yorker hay New York Times, tập thơ Night Sky with Exit Wounds được Giải thưởng T. S. Eliot và sẽ được Hanser (ND : Nhà xuất bản Đức) xuất bản vào mùa xuân năm sau trong phiên bản song ngữ (Nachthimmel mit Austrittswunden). Cuốn tiểu thuyết On Earth, We’re Briefly Gorgeous có một hình thức trữ tình khác thường : Nó được viết như một lá thư ; người kể chuyện về „Tôi“ viết cho người mẹ Việt Nam của mình, một người không biết đọc.

Trong từng mảnh vỡ, Vương kể về cuộc đời của một cậu bé tên là Little Dog, cũng sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Hartford và yêu một cậu bé da trắng, người sau này đã rơi vào nghiện ngập ma túy. Từ bản phác thảo của anh, người ta đọc được nỗi đau của một người ngoại cuộc, người đấu tranh để thoát khỏi quá khứ chiến tranh của gia đình và giới hạn của môi trường sống chung quanh. Vương nói, tất cả các nhân vật đều dựa trên những con người thật. Anh chủ ý quyết định không viết như một cuốn hồi ký hoặc sách phi hư cấu : các nhân vật của anh nên có một cuộc sống của riêng họ.

Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi !

ZEIT ONLINE : Little Dog, nhân vật chính trong cuốn sách của ông, đón xe buýt đến trường mỗi buổi sáng và đau khổ với sự thật rằng, không ai muốn ngồi bên cạnh mình. Ông thường có trải nghiệm này không ?

Vương : Vâng, điều đó thường xuyên xảy ra với tôi. Trong phiên bản đầu tiên, tôi đã viết một phiên bản trung thực hơn của cảnh này trên xe buýt, nhưng sau đó lại lấy nó ra vì nó quá hoàn hảo, giống như một cảnh trong phim ảnh.

ZEIT ONLINE : Câu chuyện thực sự như thế nào ?

Vương : Một hôm, một cô gái da trắng thấy tôi ngồi đó và khóc. Cô cũng bị người khác trêu chọc vì cô có niềng răng và đeo kính. Cô ấy ngồi xuống cạnh tôi và làm một điều tuyệt vời. "Bạn có bảng tính nhân ở đó không?", cô ấy hỏi tôi. "Một lần một là 1. Hai lần hai là 4." Chúng tôi cùng nhau nói như thế. Sau khi tôi viết ra cảnh này, tôi đọc lại một lần nữa và tự nhủ : Khoảnh khắc này có giá trị thật tuyệt vời đối với tôi, tôi không muốn biến nó thành văn học. Dường như tôi đã sai. Trong cuốn sách, Little Dog sau đó được người ông da trắng cứu thoát.

ZEIT ONLINE : Có vấn đề gì không, khi ông luôn phải ngồi một mình trong xe buýt đến trường ?

Vương : Mẹ của Little Dog khuyên hắn là nên làm kẻ vô hình để không ai chú ý đến. "Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi", bà nói. Bà ấy đến từ một thế giới khác, từ chiến tranh, vì vậy bà ấy muốn bảo vệ đứa con của mình : ai tỏ ra lộ liễu quá, sẽ có nguy cơ bị làm tổn thương. Đứa bé nghe lời mẹ. Một mặt, cuốn sách là một cuốn tiểu thuyết giáo dục, nhưng mặt khác cũng là cuốn tiểu thuyết nghệ thuật. Làm thế nào mà người này trở thành một nghệ sĩ ? Làm thế nào mà đứa trẻ này, luôn cố gắng làm ra vẻ vô hình, rồi cuối cùng bắt đầu nói và tìm kiếm sự thỏa mãn trong tình dục của mình ?

ZEIT ONLINE : Những cảnh ân ái giữa Little Dog và người bạn da trắng của anh ta, Trevor, thật vô cùng mạnh mẽ. Thật hiếm khi người ta đọc được một điều như vậy. Có khó không để viết như thế ?

Vương : Những cảnh này rất khó, nhưng tôi muốn viết ra vì chúng nói lên khía cạnh của sự đồng tính luyến ái, chuyện mà mọi người sợ nhất. Chúng ta học được lạc thú tình dục khi gặp thất bại. Ở trường, họ không dạy bạn bất cứ điều gì về tình dục đồng tính trong giáo dục giới tính. Cha mẹ không hề nói điều đó với con cái. Không có gì hết. Người ta vấp ngã trong bóng tối, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, và đó là một phần của trải nghiệm bản thân. Tôi muốn tôn vinh truyền thống lâu đời của những người đồng tính.

ZEIT ONLINE : Bằng cách viết những cảnh ân ái này một cách cởi mở, ông cũng đã phá vỡ định kiến của người đàn ông châu Á vốn thường là ức chế.

Vương : Người châu Á thường được cho là nhỏ bé, ít nói và có nữ tính – những phẩm chất được coi là yếu đuối ở Mỹ. Điều khuôn mẫu là, chúng tôi làm như thể người khác luôn luôn có lý, và thể hiện một bản sắc "theo sau quí vị !". Chúng tôi làm việc trong ngành dịch vụ, trong tiệm giặt ủi và tiệm nail, chúng tôi dọn dẹp khách sạn và chăm sóc người bệnh. Tôi rất quan tâm đến những gì sẽ xảy ra, khi một người Mỹ gốc Á chấm dứt việc cố gắng làm hài lòng người khác và bắt đầu tự chú ý tới bản thân mình.

Sẽ như thế nào khi ta thuộc về một thiểu số đang dần dần trở nên hữu hình ? Vương giơ tay lên không trung và làm một vòng bán nguyệt, để tưởng tượng một đống tuyết cao. Anh nói, là một nghệ sĩ châu Á có nghĩa là chạy qua đống tuyết này. Ban đầu không có gì hết, nhưng cuối cùng còn một dấu vết ở đó.

ZEIT ONLINE : Năm ngoái có một bộ phim Hollywood đã được ra mắt trong các rạp chiếu bóng. Tất cả diễn viên đều là người gốc Á, không có ngoại lệ, đó là phim Crazy Rich Asians. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, phim đó đã giành vị trí số một trên bảng xếp hạng điện ảnh Mỹ. Ông đã xem chưa ?

Vương : Crazy Rich Asians là một bộ phim hài lãng mạn vốn không lý giải sâu sắc các chủ đề của người Mỹ gốc Á. Nhưng nó đã chạm vào cánh cửa và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi không đặc biệt thích thể loại này, nhưng tôi đã xem vì nó quan trọng. Đó là một buổi sáng lúc mười một giờ và phòng chiếu phim đầy những khán giả da trắng. Cảnh đầu tiên bắt đầu với một bài hát opera tiếng Hoa. Tôi ngồi đó và ứa nước mắt. Bất kể nội dung phim thế nào – ở đây toàn những người da trắng, lúc mười một giờ sáng, nghe một bài hát opera tiếng Hoa ! Chỉ riêng điều đó thật là quan trọng !

Bà rất tự hào, rằng con bà đã làm được chuyện như thế

ZEIT ONLINE : Ông có nghĩ rằng bây giờ công chúng quan tâm hơn đối với những câu chuyện thuộc loại đó không ? Ông có được lợi ích từ điều đó không ?

Vương : Hoàn toàn đúng. Nếu tôi viết cuốn sách của mình vào năm 1970, sẽ không có ai biết gì về nó. Tôi thậm chí sẽ không dám đặt chân vào một tòa nhà xuất bản ! May mắn thay, đã có một vài nhà văn mở đường : người đấu tranh cho nữ quyền Maxine Hong Kingston, người đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn, tiểu thuyết gia Monique Truong. Trong thời gian qua, ý thức đã mạnh hơn... Câu hỏi là, liệu nó sẽ giữ như vậy hay không.

ZEIT ONLINE : Sách của ông đã được dịch sang 23 ngôn ngữ. Có ai dịch ra Việt ngữ chưa ?

Vương : Cho đến bây giờ thì chưa. Việt Nam thật khó khăn, vì có rất nhiều kiểm duyệt và cuốn sách thì nói về Việt Nam. Nhưng sách đã được bán ở Trung Quốc, nơi nó cũng bị kiểm duyệt một chút.

ZEIT ONLINE : Gần đây, tôi có về Sài Gòn và nghe một số trí thức đang nói về ông. Họ biết ông qua kênh YouTube.

Vương : Có một sự khác biệt lớn giữa nhà nước Việt Nam và các nghệ sĩ trong bóng tối. Ở Việt Nam từ trước vẫn luôn như vậy, nhưng bây giờ chúng ta biết được nhiều hơn thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Khi họ bảo tôi nên về đó, trái tim tôi thật xao xuyến. Tôi cũng muốn thế, nhưng nhiều người bạn của tôi gặp vấn đề về thị thực nhập cảnh khi họ muốn du lịch đến đó, hoặc họ bị rơi vào danh sách của bộ máy an ninh quốc gia. Tôi đang chờ đợi một cơ hội tốt để đi. Nhưng tôi biết rằng, có nhiều điều tuyệt vời trong đời sống ngầm, cũng như việc đọc thơ.

ZEIT ONLINE : Ông đã dịch vài đoạn văn từ cuốn sách của mình để đọc cho gia đình nghe chưa ?

Vương : Tôi không thể dịch nó. Tiếng Anh quá phức tạp và vốn tiếng Việt của tôi chưa đủ tốt. Trước đây, tôi muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình vì tôi nghĩ về việc sẽ làm nghề phiên dịch. Rồi tôi học nhiều từ mới, đem về nhà và sử dụng chúng. Gia đình tôi không hiểu gì hết. Tôi tự nhủ : Tôi quả thật đã ở rất xa họ vì tiếng Anh của tôi, tôi không thể để bản thân mình bị tách xa hơn khỏi gia đình chỉ vì vốn tiếng Việt. Có lẽ tôi sẽ học lại, khi họ không còn nữa. Nhưng bây giờ, tôi cứ để tiếng Việt của mình ở tình trạng này, tức ở trình độ lớp ba.

ZEIT ONLINE : Cuốn sách của ông là một lá thư gửi mẹ của người kể chuyện về „tôi“. Mẹ của ông nói gì về chuyện đó?

Vương : Tôi nói với mẹ tôi những gì tôi đang viết, nhưng hơi giống như tôi đang kể cho mẹ về chuyện ở Sao Hỏa. Đó không phải là thế giới của mẹ tôi. Những người trong gia đình tôi làm việc trong các nhà máy và tiệm làm móng, đọc chữ là một thứ hàng xa xỉ tư sản mà họ chưa bao giờ có. Tại sao tôi nên yêu cầu họ phải quan tâm? Bằng cách nào đó, tôi thích thế này: Khi tôi về nhà, tôi chỉ là một đứa con trai, không phải là nhà văn Ocean Vương. Tuy nhiên, mẹ tôi lại thích đến những buổi đọc sách của tôi, bà trang điểm thật hợp thời trang và nhìn khán giả vì bà không hiểu tôi đang nói gì. Bà muốn nhìn thấy khuôn mặt của họ, và nghiên cứu họ như một nhà nhân chủng học. Bà rất tự hào rằng, con trai mình đang làm điều như thế.

ZEIT ONLINE : Rằng con bà đạt được điều đó.

Vương : Chính xác. Bây giờ tôi có thể hỗ trợ mẹ. Trước đây, người ta phải gọi điện khắp bà con nếu ai đó cần một chiếc răng mới hoặc khi chiếc xe bị hỏng. Cả làng chìm trong sự rộn ràng. Sau đó, chúng tôi phải đến siêu thị châu Á nhỏ kia để vay tiền. Điều đó thật khủng khiếp và vô cùng căng thẳng. Bây giờ tôi có thể xử lý nó khi điện thoại đổ chuông, thật giống như trò ảo thuật. Đôi khi tôi nói đùa về nó. Khi mẹ tôi gọi, tôi nhấc máy và chỉ hỏi : bao nhiêu ? (Cười)

ZEIT ONLINE : Nhiều người nhập cư thế hệ một hy sinh rất nhiều để con cái họ được tốt hơn. Mẹ ông hiện đang bị ung thư. Ông có cảm thấy rằng thành công của ông là một sự bù đắp cho sự đau khổ của bà ? Rằng ông có thể trả lại cái gì đó cho bà ?

Vương : Điều đó có thể đúng, nhưng tôi cũng sẽ hỗ trợ mẹ tôi ngay cả khi tôi không trở thành nhà văn. Khi tôi học cấp ba, tôi làm việc tại Panera Bread (ghi chú BBT: một chuỗi cửa hàng bánh của Mỹ). Tôi lo chuyện nhập đơn đặt hàng cho các bánh sandwich trên máy tính. Những người khác đã làm tốt điều đó, nhưng tôi vẫn không thể xử lý nổi chiếc máy tính. Anh chàng làm bánh sandwich lúc nào cũng la mắng tôi, "Ocean, bạn đã làm sai!" Tôi xin mọi người cho tôi đi dọn dẹp nhà vệ sinh, họ hết sức ngạc nhiên. Ông chủ chạy theo tôi vì ông nghĩ rằng tôi đang tính làm điều gì đó cấm kị. Nhưng tôi chỉ muốn ở một mình, điều đó tốt hơn cho tôi rất nhiều. Ngay cả thời đó, tôi cũng đã hỗ trợ mẹ và gia đình tôi.

Đăng trên ZEIT ONLINE ngày 1 tháng 10 năm 2019