Showing posts with label Chuyện quê nhà. Show all posts
Showing posts with label Chuyện quê nhà. Show all posts

Saturday, October 16, 2021

Nobel hoà bình & sự thật

 


Năm nay, giải Nobel Hoà bình được trao cho 2 nhà báo người Phi luật Tân và Nga, có tên là Maria Ressa và Dmitry Andreyevich Muratov. Thông thường, giải Nobel Hoà bình về tay nhà báo là trường hợp rất hiếm hoi. Lần cuối cùng và duy nhất là gần 90 năm trước (1935), Carl von Ossietzky, một nhà báo người Đức đoạt được giải thưởng cao quý đó. Vậy tại sao năm nay hội đồng Nobel có quyết định như vậy ? Nhiều người cho rằng ngoài việc vinh danh sự hy sinh & lòng dũng cảm đấu tranh cho tự do ngôn luận tự do báo chí, Hội đồng giải Nobel Hoà bình năm nay còn đặc biệt hướng đến một giá trị vô cùng quan trọng trong xã hội hiện tại. Đó là giá trị của sự thật trong đời sống !

Quả nhiên trong đời sống hàng ngày của chúng ta, sự thật luôn nắm giữ một vai trò tối quan trọng. Từ tin tức thời sự cho đến các dữ kiện, số liệu thống kê, cũng như thông tin tin tức trong mọi quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa chính quyền với người dân. Tất nhiên là không phải cho đến bây giờ, "sự thật" mới trở thành một vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Xưa nay, "sự thật" bao giờ cũng là nền tảng chính của mọi niềm tin và quan hệ xã hội, thương mại, ngoại giao…Tuy nhiên, cho dù ở quốc gia nào, thể chế chính trị nào, thì cũng đều tồn tại những vấn đề nan giải về "sự thật". Nạn tuyên truyền, bóp mép lịch sử, tin tức dối trá, luận điệu vu khống, hoặc bưng bít sự thật, cấm đoán cưỡng ép, vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chế độ nào càng kém văn minh dân chủ, thì thông tin càng dễ bị che đậy lấp liếm. Có những cơ chế chính trị đặc thù, mang tính hệ thống, thì dẫu muốn nói thật cũng không thể, thậm chí còn có thể bị loại trừ hoặc buộc tội. Cũng không phải vấn nạn thông tin dối trá chỉ xảy ra ở những quốc gia độc tài, mà ngay cả ở những nước dân chủ hàng đầu trên thế giới cũng tồn tại điều đó, chỉ là nhiều hay ít, hình thức khác nhau, hoặc động cơ khác nhau. Tất nhiên mỗi quốc gia đều có những cơ chế luật pháp nhất định để bảo vệ hoặc tố tụng những vi phạm làm phương hại đến quyền lợi người dân.

Nhìn lại trong những thập niên gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông và phương thức liên lạc ngày càng đa dạng hơn. Con người cũng tiến bộ hơn và tinh vi hơn trong những cách thức dối gạt nhau, gây nhiễu loạn tin tức, hoặc làm lũng đoạn "sự thật". Ví dụ như thông tin nguồn gốc dịch bệnh covid từ TQ thì đừng hòng ai có thể tìm ra sự thật. Ngay cả ở những quốc gia tương đối dân chủ và minh bạch như Mỹ, mà lùm xùm vụ bầu cử từ năm ngoái đến nay vẫn còn chưa dọn dẹp sạch sẽ được. Mấy tuần qua nhiều vị cựu quan chức cao cấp của chính phủ, từng là thân tín của tổng thống tiền nhiệm, cũng bị trát toà kêu ra điều trần. Chưa biết diễn biến trong những ngày tới sẽ ra sao. Sự thật bị đánh tráo, còn tin hay không là tuỳ ....... người đối diện :-). Chuyện “đúng sai” cũng còn tuỳ thuộc vào việc chơi với ai, nghe đài nào, coi kênh you tube nào, đọc báo nào, bạn bè theo phe nào, theo đảng nào..v.v. Mấy hôm trước nước Mỹ cũng xôn xao về vụ một cựu nhân viên của Facebook, cô Frances Haugen, ra điều trần khai báo các thủ thuật của FB trong việc xử lý thông tin của họ. FB bị cáo buộc chạy đua theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức. Ngay hôm sau đó FB đã có sự cố trong một khoảng thời gian dài, chưa rõ nguyên nhân, và cổ phiếu bị tụt dốc đáng kể. Nhưng chắc hẳn là sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Và đây cũng là một câu chuyện liên quan đến sự thật của thông tin tin tức.

Tất nhiên lâu nay ai cũng biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube ... là những sân chơi không tốn mặt bằng, để người ta tương tác với nhau. Thật có, giả có, muôn kiểu hoá thân. Bên cạnh việc nhiều người coi đó là một công cụ để liên lạc với bạn bè người thân, thì cũng có rất nhiều người coi đó là một môi trường kép bên đời sống thực, để sống ảo với nó, hoặc để phô diễn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả thương mại và chính trị. Rồi dần dà một số người vô tình bị lệ thuộc hoặc bị nghiện sâu không thể sống thiếu nó được. Đơn giản là ở nơi đó họ có thể tự do biến thành những "hình tượng" khác nhau để thoả mãn cảm xúc hoặc nhu cầu cá nhân. Để gặp gỡ, để hẹn hò, để chia xẻ trong những phạm vi tự chọn, hoặc có thể biến bất kỳ ai trở thành những thiên thần hay quái vật theo ý riêng của họ. Và mặt trái của nó còn ghê gớm hơn. Không hiếm những trường hợp mượn gió bẻ măng, bóp mép sự thật, vu khống mạ lị, nhan nhản xảy ra mỗi ngày. Chuyện chính trị chính em trên mạng cũng vậy, như một bữa tiệc buffet, xào qua xào lại, nấu tới nấu lui, món nào thấy ngon, hợp khẩu vị thì lấy ra để dành. Siêng thì xào nấu lại, không siêng thì bê nguyên gói, gởi cho bạn bè người thân cùng ăn. Có món ngon thật, nhưng cũng có món bị bội thực cả đời. Ngay cả nhiều người có bằng này cấp nọ, tự hào là thông thái rồi cũng bị lôi cuốn vào cái mê hồn trận đó. Cũng cay đắng, cũng chiêu trò, cũng lệch lạc tin tức một chiều, khuya sớm lục lọi tìm tòi những trang mạng, những kênh tin tức "vịt bầu" hợp ý, để vừa coi vừa phát tán rộng rãi. Ai cũng cho mình là hiểu biết hơn người khác, tin tức của mình là đúng, tin tức của bên kia là sai. Cuối cùng rồi ai cũng trở thành người "yêu nước thương dân" được, ai cũng trở thành người tốt được, và ai cũng trở thành "kẻ xấu xa" được. Lần hồi, tính công bằng trong ứng xử, tính logic trong nhận định vấn đề, và thông tin "sự thật" trong đời sống đã trở thành những món hàng xa xỉ, hiếm hoi. Đáng sợ hơn là nhiều lúc thiên hạ cũng chẳng còn cần thiết quan tâm đến chân tướng của vấn đề, mà chỉ cần họ và những người thân quen tin rằng đó là "sự thật" là đủ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đành nhắm mắt đưa chân, sống chung với lũ, vì muốn tìm hiểu sự thật cũng chẳng biết đâu mà mò !

Quả nhiên là vậy, và các nhà mạng xã hội cũng như giới truyền thông đã nắm bắt điều đó rõ hơn ai hết. Bởi chính họ là nhân chứng của sự truy tìm "kiến thức" thông qua những từ khoá, còm men, xì ta xì tút, "like", "subscribed", "views", lai chim lai chuột .v.v... Cũng chính họ là kẻ có thể "lèo lái" con tàu kiến thức chạy theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Anh nào thích mắm tôm có mắm tôm, thích bồ hóc có bồ hóc, thích Trump có Trump, thích Biden có Biden. Ví dụ như nhiều lúc truy tìm cùng một từ khoá, nhưng ở hai nơi khác nhau, hai máy tính khác nhau, hai "đảng" khác nhau, có khi lại nhận được đường dẫn về hai cõi thiên thai khác nhau. Như cô kia tố cáo Facebook có những công cụ để phát hiện ra và "đổ dầu vô lửa” đối với những đề tài nào còm nhiều, cãi lộn nhiều, hoặc thu hút được đám đông, bằng cách tung chiêu kết nối thêm người xử dụng có cùng sở thích hoặc cùng “chí hướng”, bơm bong bóng cho các anh hùng mạng “điếc không sợ súng”… Bởi vậy, một số người có tầm nhìn xa hơn về một thế giới AI (trí tuệ nhân tạo) trong tương lai, cũng không khỏi có chút ngậm ngùi lo lắng !

Trở lại vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là liệu có một phương pháp nào, công nghệ nào, hay luật pháp nào có thể bảo vệ và duy trì "sự thật" trong thông tin tin tức chăng ? Mình nghĩ là không. Đơn giản là không thể nào hoàn toàn được. Ngay cả ngồi lục lại mớ kiến thức hoặc cái "biết" mà mỗi chúng ta đang có, thì trong đó có bao nhiêu là sự thật ? 

Tính đến nay, thì cho dù là theo khoa học hay theo tôn giáo, nhiều người cũng đồng ý với nhau là kiến thức con người có được là do sự cảm thụ (perceived) và tương tác với thế giới chung quanh thông qua cửa ngõ của ngũ quan (tai, mắt mũi, lưỡi, thân) và ý thức (mind). Mà nói đến kho tàng kiến thức của con người, thì cho dù là thiên tài hay ngờ nghệch, ông nghè ông tổng hay ông nông dân, ông bí thư chủ tịch hay kẻ trộm cướp ăn mày... cũng đều được hình thành từ 4 nguồn giống nhau dưới đây. Không ai ngoại lệ cả, tiếng Anh gọi đó là "Modes of Knowledge". (Vì hơi súc tích nên mình cố gắng dịch ý thôi, hy vọng là không sai lệch nhiều quá :-)

1. Knowledge from Direct Veridical Perception: Là kiến thức được ghi nhận trực tiếp bằng ngũ quan. Ví dụ như thấy trái cam, nghe tiếng chim hót, ngửi bông hoa, đọc cuốn sách..v.v.. là những gì xảy ra tức thời ngay tại thời điểm đó. Thấy sao, nghe sao, biết vậy, không đánh giá, không phán xét gì thêm.

2. Knowledge from Inference (true or false): Là kiến thức sau khi các giác quan ghi nhận, đã có gắn mác thêm phần xử lý của con người. Có sự so sánh, phân tích, đánh giá dựa vào tư duy, suy nghĩ, kinh nghiệm và kiến thức của bản thân họ. Nên chắc chắn là có đúng, có sai, không còn giống như sự ghi nhận nguyên thủy ban đầu nữa. Ví dụ như: thấy trái cam đó mỏng vỏ nghĩ chắc ngọt, nghe tiếng chim đó hót nghĩ là hoạ mi, thằng đó hách dịch chắc là nhà mặt phố bố làm quan, cuốn sách này nói đúng, cuốn phim kia rất hay, bà này bị khùng, ông kia hoang tưởng..v.v...Đây cũng là trường hợp thường gặp và đa dạng nhất trong cuộc sống.

3. Knowledge from fallacious reasoning: Là kiến thức có được từ sự tưởng tượng, hoang tưởng, hoặc nằm mơ. Ví dụ như dưới địa ngục chắc là ghê lắm, phải đốt đô la xuống cho bạn mình hối lộ. Đế quốc Mỹ dữ lắm chuyên ăn thịt người. Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ. Thế giới đại đồng sướng như thiên đường ..v.v...
(Khác với hai cách ghi nhận (1) và (2) ở trên, sự cảm nhận luôn có chủ thể (subject) và sự vật (objects) . Nghĩa là có cái để tương tác, để nghe, ngắm, ngửi, nếm, trực tiếp. Còn hai cách ghi nhận phía dưới (3) và (4) chủ yếu chỉ là nghe đi nghe lại, hoặc tưởng tượng, hoặc nằm mơ, hoặc hư cấu hoang tưởng mà tạo thành kiến thức.

4. Knowledge from Saints and/or Trust-worthy Source: Là kiến thức có được do đức tin, niềm tin, hoặc nghe được từ nguồn nào mà họ cho là đáng tin cậy. Ví dụ như những câu chuyện, giáo lý nghe từ trong kinh sách tôn giáo, hoặc nghe từ các bậc tu hành phẩm hạnh, tri thức đáng kính ..v.v. Còn kiến thức có được từ nguồn "đáng tin cậy" thì cũng không đơn giản chút nào, vì ngay cái chữ "đáng tin cậy" cũng là một sự thật khác cần được kiểm chứng. Ví dụ như có thằng em ở NASA nói vậy, có thằng bạn làm cho chính phủ nói thế, hoặc nghe ông chú làm ở Viettel có tin nội bộ, hoặc đi họp lớp nghe chị bạn VK giải thích vậy, hoặc nghe ông trưởng thôn bảo thế, hoặc nghe dư luận nói rằng anh ấy thế nọ thế kia, hoặc báo nói thế này, ông ts gs nói thế kia .v.v..

(Nói mới nhớ hôm bữa có ai gởi cho mình đọan YouTube video của bác Phạm Tuân kể về chiếc máy bay B-52 của Mỹ, dài 600m rộng 60m. Thấy thiên hạ phê phán quá. Mình thì nghĩ chắc bác ấy lớn tuổi nhầm lẫn thôi, hoặc là bác mê Kiều, học theo cách của Nguyễn Du tả Từ Hải. Nhưng nếu lỡ ai mà nghe được, tưởng tượng ra B-52 to như một cái hàng không mẫu hạm trên không, thì đó lại trở thành một kiến thức khác :-))

Nôm na, toàn bộ kiến thức của loài người có được đều đến từ 4 nguồn kể trên. Cho dù tây hay ta, văn minh hay lạc hậu, dân chủ hay độc tài gì cũng thế. Ai nghĩ ra được thêm nguồn nào nữa thì cho mình biết :-). Còn chuyện xử lý thông tin, khả năng nhận định, phân tích vấn đề, chủ quan hoặc khách quan ...là vốn riêng của từng người dựa vào nhiều yếu tố duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai. Ai cũng có cái bộ lọc trí tuệ và cặp kính râm “ego” của riêng mình. Nói tới đây thì dễ dàng nhận ra là cho dù nhiều người cùng đọc một cuốn sách, nghe cùng một câu chuyện, ở cùng một ngôi nhà, ăn cùng một món ăn, thấy cùng một món đồ vật, cũng chắc gì đã có cùng những kiến thức giống nhau. Vậy nghiệm lại với cách hình thành kiến thức như thế, thì mớ kiến thức của chúng ta có được là bao nhiêu phần trăm sự thật ? Cái gì mới là bản chất thực thể của vấn đề ? Đây là điều đáng để suy gẫm. Nên có nhiều người học Thiền, thường cố gắng thực hành để đầu óc họ chỉ dừng lại ở Mode thứ nhất (Direct veridical perception), đó cũng là cách sống với hiện tại trong khoảnh khắc đó.

Trở lại chuyện đời thường, trong những năm gần đây, hiện tượng "fake news" (tin giả) trở thành vấn nạn của cả thế giới. Mạng xã hội càng phát triển thì nạn "tin giả" càng thăng hoa. Nước Mỹ cũng vậy, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua và kỳ bầu cử năm 2020. Quá nhiều vấn đề về "sự thật" dẫn đến những phân hoá trầm trọng, mà cho đến nay vẫn còn đang diễn ra. Không những chỉ xảy ra trên chính trường, mà ngay cả trong bạn bè thân hữu với nhau, ngày càng bộc lộ nhiều tư duy cực đoan đáng sợ. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì tự do ngôn luận vẫn còn bị hạn chế. Những vấn nạn tuyên truyền, hư cấu, định hướng dư luận vẫn thường xuyên xảy ra, nên mức độ khả tín của nguồn thông tin chính thống ngày càng mơ hồ, không còn là điều quan tâm của người dân nữa. Mạng xã hội lề trái nhanh chóng trở thành những sân chơi sôi động cho đủ mọi thành phần, đủ mọi hình thức, thiệt giả khó phân, nên nhu cầu tìm kiếm "sự thật" lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vậy "sự thật" là gì ? Sự thật dưới mắt của người này có là "sự thật" của người kia ? Và công cụ nào có thể gạn lọc được "sự thật" cho riêng họ ? Chắc ai cũng có cách tự trả lời cho riêng mình.

Mặt khác, trong cuộc sống này không phải ai cũng có đủ can đảm hoặc khả năng để chấp nhận được sự thật cho dù nó có hiển hiện ngay trước mắt họ. Nên có những câu hỏi sẽ không bao giờ có lời giải đáp, và có những sự thật sẽ mãi mãi nằm im. Lịch sử xưa nay vẫn thế !

Thôi. chúc tất cả cuối tuần an vui.

PN 


Monday, October 04, 2021

Ý nghĩ và đích đến ! (Thoughts & Destiny )

 


Mấy tháng nay quê nhà dịch bệnh nặng nề. Chết chóc đói khổ nhiều nơi, nhất là ở SG. Phong toả, đóng chốt, rượt đuổi, bao vây ... SG không còn nữa những "con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", mà thay vào đó là hình ảnh những cung đường lặng lẽ, lạnh lùng, người lạy nhau trên phố. Những đoàn người lũ lượt trốn đi trong đêm như hành trình thập tự chinh của người Do Thái. Mùng, mền, chiếu, gối và những ước mơ đổi đời được gói gọn sau những chiếc ba ga gầy guộc. Những em bé vẫn còn bồng bế trên tay chưa biết gì, và những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác quấn khăn quàng đỏ, lở dở tương lai. Những người nghèo khó đùm bọc nhau, chia xẻ từng gói mì chai nước, giúp nhau từng đồng bạc đổ xăng về quê. Những giọt nước mắt đã nhỏ xuống ngậm ngùi và cái ngoái đầu nhìn lại. Những thân thể cuộn tròn bên lề đường chợp mắt ru con. Những bàn tay nhỏ bé bất lực chào nhau lần cuối, rồi quay nhanh dấu nỗi nghẹn ngào... Còn bao nhiêu cảnh tượng đáng thương nữa, nhìn những hình ảnh đó ai lại chẳng đau lòng ? 

Ở nước ngoài, những người con xa quê cũng đau lòng không kém. Nhiều người đau đáu hướng về quê nhà. Mấy ông bạn, ông anh bên Đức, bên Mỹ, bên Tây, thỉnh thoảng lại email, ai cũng mong dịch bệnh chóng qua, để về thăm lại quê nhà, ai còn ai mất. Nhiều người gởi cho nhau những bài thơ khúc nhac. Cũ có, mới có, chia xẻ nỗi buồn. Có những câu, những chữ, dường như đã qua đi lâu lắm rồi, giờ nghe lại, thấy buồn man mác !

Mẹ tôi em có gặp đâu không ?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em bé nhỏ
Bao năm rồi xác trẻ trôi sông !
(Quang Dũng)

Tuần trước, ngồi xem lại mấy cuốn phim tài liệu của thời kỳ dịch cúm năm 1918 (Spanish Flu) và các giai đoạn phục hồi sau năm 1920. Rồi nghĩ đến cơn dịch của ngày hôm nay, có những điểm tương đồng mặc dù đã hơn 100 năm trôi qua. Bỗng nhớ đến Erich Maria Remarque. Nhớ "Bia mộ đen và bầy diều hâu gãy cánh" (The Black Obelisk), nhớ "Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống" (Flotsam)..... Rồi cả một thời sinh viên hoang dại trở về !

(Ngoài lề chút, cho đến nay mình vẫn cảm thấy may mắn được sinh ra trong buổi giao thời của đất nước. Để được thấy sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, để sống với những đổi thay của con người và xã hội, để được tận mắt chứng kiến những biến động cũng như bao sự kiện lịch sử quan trọng của thế giới và quê nhà. Trong đó, có cả cơn đại dịch Vũ Hán lần này. Tất nhiên một số người quan niệm khác, cho rằng đây là một thế hệ bất hạnh và đầy hệ luỵ khổ đau. Cũng có một số người cho rằng đây là một thời kỳ rực rỡ, hãnh tiến chưa từng có. Mình tôn trọng những quan niệm đó, riêng mình vẫn nghĩ rằng khi nhìn nhận vấn đề với một thái độ tích cực và công bằng sẽ giúp cho cái nhìn trung thực hơn).

Nhớ lại thời mình còn đi học, cả một đất nước khó khăn nghèo đói. Bên cạnh đó là những biến cố xã hội xảy ra liên tục và bất ngờ, nhiều người hoảng loạn, bối rối, và sợ hãi. Thời kỳ "quá độ", cơ chế bao cấp, chuyên chính vô sản, hợp tác xã, kinh tế mới, đi cải tạo, đánh tư sản, đánh địa chủ, đổi tiền, điều tra lý lịch, chiến tranh Tây Nam, chiến trường Tây Bắc .v.v... Cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng lần đầu. Còn hạnh phúc hay đau khổ, hân hoan hay cay đắng, là tuỳ vào vị trí và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng đại đa số người miền Nam nói chung và người Sài gòn nói riêng, đã sống cam chịu và nhẫn nhịn, cố hy vọng và chờ đợi sự thay đổi ở ngày mai để làm động lực vượt qua những tháng ngày khốn khổ. Cũng có nhiều người chịu đựng không nỗi, đã liều chết ra đi, và hàng trăm ngàn người đã ngã xuống giữa rừng sâu hoặc vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương.

Rồi mấy chục năm trôi qua, cuộc sống đất nước có thay đổi chăng ? Chắc chắn là có. Quy luật vô thường của vũ trụ, tất cả mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, không ai có thể làm ngược lại. Có những thứ thay đổi tốt hơn, cũng có thứ thay đổi xấu hơn. Ngày hôm nay phải khác ngày hôm qua. Ngày mai sẽ khác hơn ngày hôm nay. Đó là chuyện tất nhiên, nhưng khác thế nào mới là quan trọng. Rồi cho đến ngày hôm nay, cuộc sống của người dân có còn phải cam chịu và nhẫn nhịn nữa không ? Ai cũng có thể dễ dàng tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình !

Có nhiều người thường dùng yếu tố thời gian để so sánh sự đổi thay hoặc tiến bộ của một đất nước. Mình nghĩ là sự so sánh nào cũng khập khiễng, vì sự thay đổi luôn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Quả nhiên là vậy. Chỉ cần 30 năm, một quốc gia thất trận, bị tàn phá như Nhật đã có thể vươn lên trở thành một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh thứ hai trên thế giới thời bấy giờ. Chỉ cần 35 năm Singapore trở thành một đất nước có nền kinh tế phồn thịnh hàng đầu thế giới. Đài Loan, Hàn Quốc cũng vậy, không cần đến 30 năm đã trở thành cường quốc về kinh tế và dân trí trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể đem Liên Xô, Triều Tiên hoặc Cuba mà so sánh với họ được. Những nước Đông Âu cho đến ngày nay vẫn còn vất vả để đuổi kịp các nước Tây Âu láng giềng của họ. Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất cho sự thay đổi và phồn thịnh không phải là thời gian, càng không phải là thành tích chiến tranh, mà là ở tư duy, ở trong từng ý nghĩ của mỗi con người.

Thời đại hôm nay, các ngành tâm lý học hoặc xã hội đương đại, ai cũng biết đến nguyên tắc chung “Thoughts become actions. Actions become habits. Habits become character. Character becomes destiny”. Tạm dịch là: “Ý nghĩ dẫn đến hành động. Hành động dẫn đến thói quen. Thói quen dẫn đến tính cách. Tính cách dẫn đến vận mạng”. Cá nhân cũng thế mà đất nước cũng vậy. Điều này thì rõ ràng quá, lại dễ dàng chứng minh, nên cũng chẳng ai tranh cãi gì nhiều. Có chăng là nhiều người lâu lâu vẫn còn tranh cãi ai là tác giả câu này. Người thì cho là của Lão Tử, người thì cho là của Gandhi, người thì bảo là của bà Thatcher. Thực ra người nào có đọc hoặc nghiên cứu về Yogacara (tên khác là Yogachara, Vijnanavada, Vijnaptimatra, Consciousness Only, Duy thức ....) thì những điều này đã được nói đến từ hơn 2500 năm trước rồi. 

Xin mở ngoặc chút, một số người xưa nay vẫn thường ngộ nhận quy chụp nhiều quy luật tự nhiên là của đức Phật tạo ra, hoặc là sở hữu của đạo Phật. Ví dụ như vô thường, nhân quả, hoặc đạo lý đang nói đến ở đây. Thực ra Đức Phật không phải là đấng tạo hoá, Ngài cũng không phải là Thượng đế như theo quan niệm ở một số tôn giáo khác. Cho nên những gì trong kinh sách mà Ngài đã giảng dạy truyền lại đều là những quan sát thực tế, trãi nghiệm và thực chứng dưới con mắt trí tuệ (prajna, wisdom) của một đấng giác ngộ, chứ Ngài không tạo ra những quy luật đó, và càng không muốn tranh giành công lao, lập thành tích, hoặc đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền :-).

Nói thêm chút, đạo Phật vốn cho rằng mọi thứ trên cuộc đời này đều xuất phát từ ý nghĩ (thoughts). Không những chỉ là số phận, mà cái tôi, cái tớ, cái "bố mày", cái chủ tịch, cái giám đốc, cái cu li, cái nô lệ, cái tự chủ, cái có, cái không, cái hạnh phúc, cái khổ đau....v.v.. nôm na đều bắt nguồn từ sự tương tác của thân và ý (body & mind) với môi trường chung quanh mà tạo thành. Ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì mình nghĩ nên đọc tài liệu nói về 8 thức (consciousness), và 5 uẩn (skhandas). Còn đối với dân thường sửa máy tính như mình, thì đơn giản coi "body" như là phần cứng (hardware), coi "mind” như là phần mềm (software). Cho nên anh nào muốn thay đổi tư duy, thì kiếm phần mềm khác bỏ vào chạy thử xem sao :-).

Tuy nhiên nói vậy chứ không dễ chút nào. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi quốc gia mỗi cách. Rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hằng ngày nổ lực tìm kiếm và cổ vũ những tư duy sáng tạo, đề cao những lối suy nghĩ mới lạ. Bởi họ cho rằng đó là động lực chính để nâng cao giá trị đời sống con người, canh tân đất nước, cải tiến xã hội, thay đổi thế giới (changing the world). Những đứa trẻ đi học từ nhỏ đã được thầy cô, cha mẹ, khuyến khích nên suy nghĩ độc lập, tư duy rộng rãi, đa phương đa chiều, và luôn đeo đuổi giấc mơ "thay đổi thế giới". Thế nhưng bên cạnh đó, thì cũng còn một số quốc gia, giáo dục tư tưởng đi theo những khuôn mẫu nhất định, không dám phản biện lại hoặc đi theo lối khác. Thử hình dung nếu như sự đào tạo, tuyển chọn nhân sự, bao năm qua vẫn duy ý chí bằng một cách thức giống nhau, vẫn hồng hơn chuyên, vẫn hạt giống vẫn nguồn giống nhau, vẫn lựa chọn tư duy và cách nghĩ giống nhau, thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là khó có thể mong đợi những đột phá về tư duy hoặc phương cách ứng xử khác biệt. Hãy nhìn vào hiện trạng thực tế của năng lực nhân sự ngày nay (nhất là qua đợt chống dịch vừa rồi) để có những nhận định cụ thể hơn. Thỉnh thoảng chắc cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đó là thiểu số rất ít.

Nhớ có lần ngồi nói chuyện với một người quen, anh ta nói mấy đứa nhân viên của anh bây giờ "phản động" lắm. Nghe nghiêm trọng quá, nhưng hỏi ra mới biết là mấy đứa trẻ có những tư duy mới mẻ, khác với lối suy nghĩ cổ xưa của các bậc trưởng bối. Mình góp ý với anh ta nên phân biệt được chữ "phản biện" và "phản động", không nên cứ nghe người ta nói bậy rồi nói theo, mà không hiểu được cái nghĩa của chữ "động" là gì. Rất nhiều trường hợp xưa nay vì không hiểu thấu vấn đề, hoặc thiển cận, hoặc sợ hãi mơ hồ, mà bóp chết nhiều tư tưởng và ý kiến cải cách có thể đem lại sự phồn thịnh cho quốc gia dân tộc. Ngày xưa thời phong kiến đã đành, ngày nay thời văn minh cũng không hiếm. Mình thì vốn nghĩ rằng một quốc gia có chính quyền, có quân đội, có quan to quan lớn, có luật pháp, sao lại sợ hãi một vài tư tưởng khác biệt ?  Chắc có lẽ chỉ là một vài cá nhân địa phương kém hiểu biết, hoặc chưa biết cách chấp nhận sự khác biệt, nên không xử dụng được cái hay cái mới của người khác thôi. Ngoài ra cũng có thể một số người ngộ nhận cho rằng phải có bằng này cấp nọ, hoặc con ông này cháu bà kia mới có khả năng suy nghĩ “đúng”. Buồn cười là những vị lãnh đạo quốc gia tên tuổi và thành công trên thế giới lâu nay, đại đa số chẳng có học vị cao, cũng chẳng ông nào có trình độ chính trị cao cấp trung cấp gì cả. Nhưng họ đều có điểm chung là suy nghĩ đúng và dám vì quốc gia hy sinh quyền lợi cá nhân !

Nói đến đây mình nhớ đến một câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế. Hàng năm vào những mùa mưa lũ lớn, các tăng đoàn thường xin vào tá túc ở nhà dân vài ngày rồi đi tiếp. Lần đó, tăng đoàn xin trú chân tại một ngôi làng nhỏ. Sau khi tất cả mọi người sắp xếp được nơi trú ngụ, chỉ còn lại Ananda, đệ tử của đức Phật, và một ngôi nhà thổ của cô gái điếm trong làng. Mọi người trong đoàn đều cảm thấy bối rối và lo lắng, Ananda cũng vậy, bèn kéo nhau đến hỏi ý kiến đức Phật là có nên vào đó ở chăng ?

- Cô ta có mời ngươi vào ở không ? Đức Phật hỏi .

- Dạ có. Ananda trả lời .

- Vậy thì tại sao không ?

Nghe Đức Phật nói thế, cả tăng đoàn xôn xao, ồn ào thắc mắc tại sao đức Phật lại để cho đệ tử của Ngài, Ananda, vào nhà thổ ở dài ngày. Nhiều người cho rằng Ananda sẽ bị cô gái ấy (thế lực thù địch) dụ dỗ mất thôi. Nhưng Đức Phật từ tốn trả lời :

- “Ta đã khổ công tìm tòi học hỏi và thực chứng được con đường tu tập này. Ta cho rằng đây là phương pháp tối thượng để giúp các ngươi cùng chúng sanh tu tập, giác ngộ và thoát khỏi khổ đau. Nếu bây giờ cô gái đó có phương pháp còn hay hơn ta, có thể khiến Ananda bỏ pháp của ta mà đi theo cô ấy. Thì các ngươi cũng không nên theo ta nữa, mà nên đi theo cô ta. Bởi nếu các người thực sự là những người muốn tìm kiếm sự thật, cầu tiến, và luôn mong muốn đạt tới cảnh giới cao hơn của trí tuệ, thì hãy nên mạnh dạn đi theo những gì tốt đẹp hơn”.

Quả nhiên là vậy, xưa nay vẫn thế. Nếu ta đúng, ưu việt, thì ngại gì người bỏ ta đi. Còn nếu không, thì dẫu mọi cố gắng chiêu trò cũng gượng ép được bao lâu ? Mà nếu người không đủ khả năng phân biệt tốt xấu đúng sai, thì lo lắng có thay đổi được gì chăng ? Cả tăng đoàn lắng nghe theo Ngài, nhưng cũng còn nhiều bậc trí giả ấm ức, hậm hực. Một số người trong tăng đoàn vẫn không đồng ý để Ananda ở chung nhà với "thế lực thù địch", vì e sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ, nên đã âm thầm theo dõi, để về báo cáo :-).

Khi đó, chiếc y của Ananda đã cũ, mỏng manh quá. Cô ấy may cho Ananada một tấm y mới bằng lụa quý, đắp lên người của Ngài. Mấy anh theo dõi nghĩ rằng "thôi rồi lượm ơi" !

Khi đó, mùa giá lạnh, cô ta nấu những chén cháo nóng dâng lên cho Ananda. Ngài Ananda ăn ngon lành, mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị thế lực thù địch dụ dỗ rồi" !

Đêm đến, cô ta múa cho Ananda coi. Mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị văn hoá đồi truỵ ảnh hưởng rồi" !

.... Và cứ thế, ngày nọ đến ngày kia, nhiều báo cáo “tối mật” đồn đãi trong tăng đoàn là Ananda đã bị thế lực thù địch âm mưu mua chuộc rồi. Cho đến cuối cùng, khi những ngày mưa gió qua đi, tăng đoàn tập trung lại để cùng với Đức Phật tiếp tục cuộc hành trình. Ananda cũng trở về với tăng đoàn, đi sau lưng Ngài là một vị ni sư mới, đó chính là cô gái điếm của "thế lực thù địch" :-).

Một câu chuyện đáng cho đời sau suy ngẫm, đặc biệt là những người luôn đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu, và luôn quy chụp những gì khác biệt đối với cách nghĩ của bản thân. Mà cũng không phải chỉ có trong PG mới đề cập đến tầm quan trọng của tư duy và ý nghĩ (thoughts). Thực ra khi ngành tâm lý học bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ 19, thiên hạ cũng đã tranh luận rất nhiều về những quan điểm này. Nhiều nhà tâm lý học đã lục lại những di sản quan trọng của Aristotle, Descartes, Jean-Jacques Rousseau ...để làm tiền đề cho các nghiên cứu thời bấy giờ. Một câu nói nổi tiếng của Descartes là "I Think Therefore I Am" cũng được nhắc đến thường xuyên, và mãi cho đến ngày hôm nay. Vào đầu thế kỷ 20, James Allen, có cho ra cuốn sách ngắn có tên là "As a Man Thinketh", nói đến sức mạnh thực sự về sự suy nghĩ của con người. Và nó đã nhanh chóng trở thành một tác phẩm đình đám thời bấy giờ. Tác phẩm có những điểm tương đồng rất hay giữa triết học hiện đại và PG cổ đại, đó là nghiệp lực, năng lượng, và hậu quả sinh ra bắt đầu từ trong ý niệm.

Lan man quá, giờ trở lại chuyện dịch bệnh ở quê nhà. Rất không may mắn, VN từ một đất nước tự hào về cách chống dịch giỏi nhất, nhưng chỉ một năm sau cũng với cách chống dịch đó, lại đưa đất nước VN, đặc biệt là SG, vào con đường bế tắc, rớt xuống cuối bảng xếp hạng của thế giới. Đại đa số các quan chức và giới hữu trách đã nổ lực hết sức của họ. Nhưng nổ lực nhất chưa hẳn là hiệu quả nhất. Nhiều sự hy sinh của các nhà hảo tâm, các bác sĩ, y tá, các lực lượng tuyến đầu đã làm rung động lòng người, nhưng kết quả thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Và mãi cho đến hôm nay, cả nước vẫn còn loay hoay giữa phương cách vừa sống chung với dịch vừa phục hồi kinh tế. Tất nhiên, chưa bao giờ ngoại lệ, và còn hơn bao giờ hết, VN cần những suy nghĩ tỉnh táo và đúng đắn để cứu dân cứu nước trong giai đoạn khó khăn này. 

Thiết nghĩ lối mòn suy nghĩ thường không phải là cách nghĩ dẫn ta ra khỏi lối mòn. Rất cần những tư duy mới, ý nghĩ mới, để có được cách làm mới hơn, hiệu quả hơn. Rất mong dịch bệnh chóng qua, đời sống người dân và xã hội trở lại an bình. Cũng mong VN ngày càng mạnh dạn thay đổi, từ cách bầu bán tuyển chọn nhân sự cho đến cách điều hành nhất quán, quan tâm hơn đến những suy nghĩ độc lập có chính kiến, cũng như tôn trọng hơn những ý kiến đóng góp chân chính, để góp phần tạo dựng đời sống xã hội an vui hơn, đất nước giàu mạnh hơn. Và tất nhiên là mọi hành động dẫn đến sự thay đổi lớn lao nào cũng đều bắt đầu bằng một cách nghĩ mới !

PN


Friday, September 17, 2021

Phiếm: Câu chuyện hai mũi tên !


Trong sách nhà Phật, có câu chuyện "2 mũi tên" kể về thời Đức Phật còn tại thế. Một ngày kia, có người đến xin Ngài dạy dỗ cách nào để vượt qua nỗi đau khổ tuyệt vọng của anh ta, rồi kể lể ra nhiều tình tiết dông dài. Cuối cùng đức Phật giải thích cho anh ta rằng, sự đau khổ của con người giống như bị 2 mũi tên bắn vào cùng một chỗ. Mũi thứ nhất bắn vào tất nhiên là bị đau (pain), nhưng mũi thứ 2 càng làm cho đau đớn hơn, đó là khổ (suffering). Trong cuộc sống hàng ngày, thông thường chúng ta khó có thể tránh được mũi tên thứ nhất, vì nó tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể liên quan đến nghiệp lực mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Ví dụ như bị mất đi người thân yêu, bị thất bại, mắc bịnh nan y, tuổi già, bị tai nạn, bị vu oan giá họa, bị covid ...v.v.. và chúng ta phải chịu đựng những nỗi đau đó. Còn mũi tên thứ 2, chính là những phản ứng (reaction) và thái độ của chúng ta đối với mũi tên thứ nhất, ví dụ như than thân trách phận, so sánh, tiếc nuối, phán xét, đổ thừa đổ lỗi, giận dữ, căm ghét, hận thù, hổ thẹn...v.v...Chính những điều này mới làm cho con người phiền não khổ lụy hơn. Mũi tên thứ nhất, thường là không tránh được vì chúng ta không hề làm chủ được nó, nhưng mũi tên thứ hai thì con người hoàn toàn có khả năng tránh được !

Câu chuyện này rất nổi tiếng và được nhắc đến rộng rãi lâu nay, đặc biệt là ở các nước Tây phương trong các lãnh vực trị liệu tâm lý (y khoa), therapy, hoặc giáo dục, văn hoá, nguyên tắc ứng xử, tư duy logic ..v.v... 

Tất nhiên khi nghe đến câu chuyện này thì ai cũng hiểu là đức Phật muốn nói đến cái "thọ", cái "tưởng", cái “hành”, cái "thức"…sự cảm nhận và trạng thái ứng xử xuất phát từ bên trong của mỗi con người trước những biến cố thay đổi chung quanh. Tuy nhiên, riêng đối với mình thì nhận thấy câu chuyện này cũng có thể được hiểu theo nghĩa đen đơn giản của nó, và là bài học đáng quý cho những vấn đề đất nước xã hội.

Như xưa nay nhìn lại bản thân, gia đình, và đất nước thì có biết bao nhiêu câu chuyện để nói, dài như những thước phim nhiều tập của quê nhà. Thực ra thì trong cuộc sống ai cũng có những kinh nghiệm bản thân, hạnh phúc hoặc khổ đau, dù ít hay nhiều, mắt thấy tai nghe những biến cố đã từng xảy ra chung quanh. Nên ai cũng có thể tự suy gẫm, "ôn cố tri tân", và tự rút ra kết luận cho riêng mình. Từ chuyện chiến tranh cho đến hậu chiến tranh. Từ chuyện "dùng người" cho đến "không dùng người". Từ chuyện thời bao cấp cho đến thời đổi mới. Từ chuyện nói và làm, từ chuyện hứa hẹn và thực hiện, từ chuyện lý thuyết đến thực hành, từ chuyện đày tớ đến ông chủ, từ chuyện "hồng" đến "chuyên" ..v.v.. Và mới đây nhất là chuyện chống dịch covid 19. Thực ra nói bao nhiêu cho hết, mà nói cũng bằng thừa, vì thời gian và thực tế đã quá dư đủ cho bất cứ ai để hiểu nhau và tin nhau (nếu có). Mình thì vốn không hề có ý đổ thừa đổ lỗi cho ai, vì đổ thừa đổ lỗi cũng là mũi tên thứ 2 :-). Tuy nhiên trong cuộc sống này, thiết nghĩ cho dù ở bất kỳ quốc gia nào, nếu như chúng ta không nhận ra được nguyên nhân của những sai phạm đã từng xảy ra trong quá khứ và hiện tại, thì nói gì cho đến tương lai? Đặc biệt là những sai phạm đó đều có cùng những tính chất giống nhau, nghịch lý giống nhau, và lập đi lập lại dai dẳng giống nhau. Cứ rút kinh nghiệm, cứ cảnh cáo, cứ kiểm điểm, cứ xin lỗi, cứ doạ nạt, cứ hình thức, rồi lại cứ tiếp diễn những quy trình sai phạm như cũ, thì khác nào bắn hàng trăm hàng ngàn mũi tên vào cũng một chỗ, chứ sá gì chỉ có 2 mũi tên !

Xin nói chút về chuyện chống dịch ở quê nhà. VN ta từ lúc tự hào chống dịch giỏi nhất thế giới đến lúc bị đánh giá xuống hàng thấp nhất, là cả một quá trình dài đầy nổ lực và kịch tính, làm sao kể hết. Ở đó, có biết bao nhiêu sự hy sinh cao quý của những nhân viên y tế, bác sĩ y tá, cán bộ công nhân viên tuyến đầu, đồng bào đồng hương trong và ngoài nước, đã tương trợ giúp đỡ nhau, ngày đêm cùng nhau đối đầu dịch bệnh. Nhiều người đã ngã xuống, đã hy sinh cả tính mạng, gia đình, tài sản, ước mơ, để góp sức cứu nguy giúp đỡ đồng bào đồng loại trong cơn khốn khó. Quả nhiên không thể nào tỏ bày đầy đủ hết được lòng biết ơn đối với sự hy sinh của họ. Xưa nay mỗi lúc trãi qua những biến cố to lớn như vậy, quốc gia nào cũng đều bộc lộ rõ nét điểm mạnh và yếu của đất nước họ, VN cũng không ngoại lệ. Điểm mạnh lớn nhất của đất nước VN là tình người, sự chia xẻ và đồng cảm của người dân với nhau, đặc biệt là những người đã từng có cùng hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói. Rất cảm động và trân quý !

Bên cạnh đó thì cũng phải hoan hô sự nhiệt tình đóng góp sức lực và tư duy “chống giặc” của chính quyền trong sự nghiệp chống dịch lần này. Nhiều vị chỉ trong một thời gian ngắn mà tiều tụy hẳn ra, không còn được dáng vẻ đầy đặn như xưa. Hôm trước có người bạn quen nói với mình là "chính quyền đã cố gắng hết mức". Mình cũng đồng ý như vậy, và rất trân trọng những sự cố gắng đó. Tuy nhiên trên thực tế thì nhiều khi dẫu "cố gắng hết mức" cũng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn và hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ cái "mức" của mỗi người khác nhau, vả lại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khách quan khác nhau nữa. Người Tây phương cũng quan niệm "work hard" khác với "work smart". Cho nên sự duy ý chí trong nhiều trường hợp rất cần thiết phải được thay đổi, cần mở lòng và khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, đặc biệt là những nước có kinh nghiệm khống chế dịch bệnh thành công. Đó cũng là một trong những cách làm hiệu quả. Nhớ trong Tạp chí Tuyên giáo VN từng trích câu nói của Lê Nin "Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”. Tất nhiên thời nay không còn ai "ngu dốt" như thời ông ấy nữa rồi, nhưng có lẽ câu nói này cũng còn có một giá trị nhất định nào đó nên vẫn được nhắc lại chăng ?

Theo thiển ý của mình thì mỗi quốc gia đều có những phương cách ứng xử với dịch bệnh khác nhau tuỳ vào điều kiện của đất nước họ. Mỗi giai đoạn mỗi tình huống, đều có những thay đổi khác nhau để cho phù hợp. Tất nhiên có cách làm đúng thì cũng có cách làm sai, và kết quả cuối cùng bao giờ cũng là thước đo trung thực nhất cho những cách làm đó. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, cũng từng có những sai phạm nghiêm trọng buổi ban đầu, nhưng họ nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm và thay đổi để tốt hơn. Đâu ai tuyệt đối bao giờ, đặc biệt là trong lúc phải đối đầu với cơn đại dịch thế kỷ như lần này. Cho nên chưa hề thấy quốc gia nào lại duy ý chí, khư khư giữ lấy những cách làm đầy nghịch lý và sai trái trong thời gian dài mà không thay đổi, bởi hậu quả khó lường !

Nhiều người mỗi khi thấy những ứng xử lạ thường hoặc việc làm trái cách ở một số quốc gia, thường thắc mắc về năng lực  nhân sự của nước này nước kia. Mình thì quan niệm rằng ở đâu cũng có những người tài giỏi đức độ. Suy cho cùng cho dù sinh ra và lớn lên ở bất kỳ quốc gia nào, thì những giá trị chuẩn mực của xã hội như đạo đức, tư duy, kiến thức, và kinh nghiệm, đều luôn được tôn trọng. Tuy nhiên nếu như nguyên tắc tuyển chọn nhân sự ở quốc gia đó không tôn trọng những chuẩn mực chung, cũng không dựa vào bầu cử công khai của dân, mà chỉ bố trí sắp đặt dựa vào một vài tiêu chí “đặc biệt”, thì giá trị của tư duy, của khoa học, của kinh nghiệm, của chuyên môn, của sự cầu thị, của sự khiêm tốn....đều trở thành vô nghĩa. Tất nhiên mỗi người đều có một khả năng nhất định nào đó, nhưng trong công việc thì chắc chắn có người này phù hợp hơn người kia. Nhìn lại lịch sử dân tộc VN, thì xưa nay chưa bao giờ thiếu người tài giỏi và hiền đức, chỉ là cần phải có cách chọn lựa và bầu bán như thế nào cho công bằng hợp lý thôi !

Nhân nói đến chuyện người "người tài giỏi", mới tối qua đọc mấy bài báo nói về kế hoạch sắp tới của SG, sống chung với dịch và khôi phục kinh tế như thế nào. Mình thấy tên các vị chuyên gia quen quen, lục lại báo cũ ra coi, thì ra cũng là mấy vị cách đây mấy tháng đã phân tích và dự đóan "dịch ở SG sẽ nhẹ thôi, mấy con covid sẽ sớm khăn gói ra đi trong tháng 8". Thoáng nghĩ qua không biết thân nhân của hơn chục ngàn người chết và bạn bè anh em của họ, cũng như bao nhiêu người công nhân, nông dân, dân nghèo, lao động đường phố đang vất vưởng mong cầu sự sống mỗi ngày, có cảm nhận được dịch bệnh lần này là "nhẹ" không ? Mình thì nghĩ rằng đại dịch cúm Vũ Hán chính là “mũi tên thứ nhất” đã bắn vào đất nước VN, không thể tránh né được. Phần quan trọng còn lại là mũi tên thứ 2, đang nằm trong tay của con người VN, đặc biệt là giới lãnh đạo điều hành đất nước hôm nay. Cho nên hơn bao giờ hết, người dân cả nước ai ai cũng mong muốn được thấy “đúng người đúng việc” phen này !

Chợt nhớ đến câu chuyện tiếu lâm đã được nghe lâu rồi. Có anh VK áo vest về làng, phải đi qua một con sông. Ngồi trên ghe rãnh rỗi, đang thưởng thức trời mây non nước, bỗng hỏi anh chèo đò :

- Anh có biết gì về khoa học không ?

- Dạ thưa không. Người chèo đò ngạc nhiên trả lời.

- Vậy anh đã mất đi 30% cuộc đời. Thế anh có biết gì về âm nhạc nghệ thuật không ?

- Dạ cũng không ! 

- Vậy là anh lại đánh mất thêm 30% phần trăm nữa của cuộc đời. Chắc là anh biết qua chính trị thời sự chứ ?

- Dạ cũng không. Em chỉ biết chèo đò mỗi ngày.

- Vậy thì phí phạm quá. Coi như anh mất cả 90% cuộc đời rồi.

Lúc đó trời đang có cơn giông, sóng gió hơi lớn. Anh lái đò thật thà hỏi anh "trí thức" VK:

- Dạ thưa anh biết bơi không ?

- Không 

- Thế thì anh sắp mất hết cả cuộc đời rồi !

Đó là chuyện tiếu lâm, nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì cũng không hiếm những câu chuyện khôi hài như thế. Dĩ nhiên kiến thức phải được xử dụng đúng lúc đúng nơi mới phát huy hết vai trò của nó. Nhưng ngay cả bên Tây bên Mỹ cũng không hiếm cảnh lấy râu ông kia cắm cằm bà nọ. Ví dụ như mấy đài tin tức cây nhà lá vườn, hết người, nhờ mấy ông ts gs chuyên môn kỹ thuật mà đi phân tích chuyện chính trị chính em, cũng là chuyện thường. Bên VN thì càng không hiếm trường hợp mời các ông nghè ngành nghề không liên quan ra làm cố vấn chuyên môn, cứ có danh xưng là được. Ví dụ như hành chánh, kinh tế, giáo dục, ra làm tư vấn chống dịch, rượt đuổi F0, F1. Mà cũng thật là bất công, khi đoán đúng thì hoan hô, đóan sai lại phê phán người ta "ếch nằm đáy giếng". Chắc gì là lỗi của họ, biết đâu chính sự tung hô quá trớn của đám đông đã làm cho nhiều người bị ảo giác đa năng ? Nhớ hồi còn nhỏ ở dưới quê, bạn bè tụi mình đi thả trâu, chăn vịt. Đứa nào cũng biết là cách rượt bắt vài con vịt lẻ bầy chạy lạc khác xa với chuyện rượt đuổi vài trăm con sổng chuồng chạy rông. Mà đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt vịt gà, huống hồ chuyện đại sự dịch bệnh mạng người, đâu phải chuyện đùa !

Cũng là chuyện mới hôm qua, ngồi coi những tấm hình và clip ngắn mùa dịch SG mà ai đó đã đăng trên mạng. Nào là, cả xóm đem thau ra để trước nhà, nào là những bà mẹ bò lết chui qua những hàng rào tấm chắn với túi đồ ăn rách nát, nào là người mẹ ngồi canh con ngủ trong ống cống, nào là những người y tá bác sĩ lả người nằm bệt xuống sàn, nào là những đứa bé mồ côi ngơ ngác sụt sùi, nào là những đứa con quỳ lạy trên vỉa hè đưa tiễn người thân.... Thế rồi lại vô tình nhìn thấy cái cơ ngơi chôn cất của một vị cựu quan chức vừa mới qua đời ở VN. Thực ra, mình cũng thuộc loại may mắn đi qua nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa từng được thấy ở đất nước nào lại có những miếng đất chôn cất, hoặc lăng tẩm mồ mả của quan chức to lớn đến như thế. Bỗng nghĩ đến bao nhiêu người ngoài kia còn đang chờ đợi từng đồng trợ cấp, thuốc men, miếng sống mỗi ngày. Nghĩ đến nhiều vị quan chức dãi dầu đường xa vạn dặm "ngoại giao" từng mũi thuốc ngừa. Nghĩ đến còn bao nhiêu người dân vô tội sắp sửa ra đi ? … Chạnh lòng ! 

Rồi ngồi đó thẩn thờ cả lúc, mà cũng không biết mũi tên nào đã bắn trúng tim mình ? Thôi, chúc mọi người luôn may mắn và một cuối tuần bình an. Cầu mong dịch bệnh chóng qua, nước nhà sớm an lành.

PN 




Saturday, September 11, 2021

Phiếm: Con đường tơ lụa và chiếc chiếu rách của Ngài Huyền Trang !

 


Xưa nay nếu có ai hỏi mình nhân vật nào vĩ đại nhất của TQ, thì mình sẽ không chút đắn đo nói ngay rằng đó là Ngài Huyền Trang (Xuanzang). Quả nhiên đối với mình nhân vật lịch sử đáng kính nhất của TQ chẳng phải là Lưu Bang, Lý Thế Dân, Chu nguyên Chương, Hạng Võ, Tần Thuỷ Hoàng .....càng không phải là Mao Trạch đông, Đặng tiểu bình, mà là nhà sư Tam Tạng. Nhân hôm nay nhắc đến chuyện "con đường tơ lụa" của TQ, lại nghĩ đến Ngài. 

Trước hết phải nhắc sơ qua về con đường tơ lụa (Silk Road) để nhiều người tiện theo dõi. "Con đường tơ lụa" (Silk Road) của TQ đuợc cho rằng đã có từ thời nhà Hán, người TQ tạo ra như những con đường mòn để đem tơ lụa và các hàng hoá khác qua bán cho các nước, chủ yếu là Trung Đông và Châu Âu. Những con đường mòn này ngày càng được mở rộng và dài hơn. Từ sau thế kỷ 12,13 trở đi các nhà thám hiểu châu Âu cũng đã sử dụng Silk Road để trao đổi hàng hoá ngược lại với TQ. Rồi đến thời kỳ cận đại, khi các phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ thì vai trò của những con đường đó không còn quan trọng nữa. Thế nhưng trong những năm gần đây, thì nhà cầm quyền TQ lại rầm rộ đưa ra những chiến thuật và kế hoạch đầy tham vọng "một vành đai một con đường", với dụng ý thiết lập hệ thống thuỷ bộ bao trùm cả thế giới, dựa theo lý thuyết của con đường tơ lụa ngày xưa. Nhiều kế hoạch đã được triển khai như xây dựng tuyến xe lửa tốc hành kết nối đa quốc gia, ngang ngược cưỡng chiếm vùng biển của các nước nhỏ, thiết lập bẫy nợ ở các nước nghèo, vay mướn đặc khu kinh tế trên các trục lộ trọng điểm .... v.v.. Bởi vậy gần đây có nhiều thuyết âm mưu cho rằng TQ đã gây ra dịch bệnh covid tạo ra suy thoái kinh tế thế giới, rồi dùng "ngoại giao thuốc ngừa", "cây gậy và si-rô", hoặc "âm mưu ràng buộc" để khống chế các nước khác, thực hiện mưu đồ bá chủ. Tuy nhiên thuyết âm mưu thì vẫn chỉ là "thuyết" thôi, không nên tin hết cho đến khi có bằng chứng hẳn hoi. Và tất nhiên là để tìm được bằng chứng ở TQ thì cũng không đơn giản chút nào. Ví dụ như đợt dịch vừa qua, gần cả năm sau, đợi dọn dẹp xong hết, mới cho phái đoàn thế giới vô Vũ Hán, thì cho dù có mời mấy nhà ngoại cảm VN qua cũng phải đành chịu thua. Ráng đợi thôi :-) !

Trở lại câu chuyện của Ngài Huyền Trang. Thực ra, do ông Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký quá hay, nên đã xây dựng nên một hình ảnh của nhà sư Tam Tạng hoàn toàn khác với thực tế. Viết truyện hay đến nỗi mà nhiều người cứ tin rằng Tây Du Ký là có thực. Nhớ mấy năm trước có ông quan chức gì ở Quảng Nam Đà Nẵng còn tưởng rằng núi Non Nước Ngũ Hành Sơn là chỗ Phật tổ nhốt Tề thiên năm xưa, nên kêu gọi đầu tư xây dựng du lịch về "vùng đất vàng" đó. Tất nhiên thực tế thì không phải vậy, cũng chẳng có vua Đường nào mà kêu ngự đệ đi thỉnh kinh rồi cho cái bát vàng và tấm y quý giá đem theo làm của. Cũng chẳng có ma nữ nào mà thèm thịt của nhà tu hành Tam tạng, và cũng chẳng có Tề thiên, Trư bát giới nào đi theo. Lại càng không có vụ Đường Tăng phải hối lộ cái bình bát bằng vàng nơi đất Phật để đổi lấy kinh Phật. Nhưng ngẫm lại thì đôi khi những sự hiểu lầm cũng có cái hay riêng của nó :-) .

Trên thực tế thì Ngài Huyền Trang cũng chỉ là con nhà lương dân bình thường ở TQ vào thời Tuỳ/Đường. Trước Ngài Huyền Trang cũng có nhiều bậc tu hành khác từng đi qua Ấn độ để học Phật, như nhà sư Pháp Hiển (Faxian) rất nổi tiếng. Nhưng khi Ngài Huyền Trang tu học, thì thấy trong kinh sách thời đó có nhiều mâu thuẩn nghịch lý, nên Ngài quyết chí ra đi học hỏi cứu nước cứu dân. (Cứu nước ở đây không phải là để đánh nhau, mà để đem kinh sách về dạy dỗ cho người dân hiểu đúng, tu đúng, chung sống hiền hoà hạnh phúc, tạo phúc cho đất nước dân tộc). Thời đó Đường thái Tông mới giành được nước từ nhà Tuỳ nên còn nhiều luật lệ cấm đoán, ngăn sông cấm chợ. Ngài Huyền Trang phải trốn đi vượt biên theo con đường tơ lụa để sang Ấn độ học Phật. Thời gian đi và về tốn hết 7,8 năm trên đường bộ giữa Ấn-Trung. Còn lại 10 năm ở trên đất Ấn, Ngài vừa học ngôn ngữ, vừa học đạo pháp, và sau đó đi dạy ở đại học PG Nalanda. Tính ra, ngài Huyền Trang chỉ cần 10 năm có thể học và hiểu thấu những ngôn ngữ tiếng Phạn (Pali, Sanskrit..) và những đạo lý kinh điển PG sâu sắc đến mức như vậy. Ngài có thể sáng lập ra Pháp Tướng tông, và sau đó khi trở về nước, dịch ra rất nhiều tạng kinh điển giá trị của PG Bắc tông, từ Đại Niết bàn cho tới Bát Nhã Ba La Mật, từ Duy Thức tông cho đến Tịnh độ đông ..v.v..Ngài thông hiểu cả 3 phần quan trọng nhất của kinh sách PG (Kinh tạng, Luật tạng, Luận Tạng), nên thiên hạ gọi ngài là Tam Tạng chứ không phải là do ăn được thịt Ngài thì trường sanh bất tử :-). Nhờ vậy mà còn có nhiều tạng kinh điển giá trị được lưu truyền cho nhân loại đến ngày hôm nay, trong đó có PG VN. Tất nhiên là để dịch giải được bao nhiêu kinh sách đó trong một thời gian hữu hạn thì cũng không thể tránh được những khó khăn và hạn chế nhất định.

Mà nói tới đây mình cũng cảm thấy hổ thẹn. Ngài chỉ có 10 năm mà làm ra bao nhiêu thành tựu vĩ đại cho thiên hạ. Còn kẻ phàm phu như mình ra nước ngoài đã mấy chục năm nay, tiếng Anh tiếng U còn chưa rành, chỉ quanh quẩn mấy chuyện cơm áo gạo tiền, mà cũng chưa xong. Hơn thua nhau cái đài cái xe, cái phone, chai rượu, món này món kia, ăn nhà hàng này ghé quán ăn nọ, so đo chuyện làm mướn làm thuê cho hãng này hãng khác, hết đời mình đến đời con ....lẩn quẩn. Ngồi nhậu chút, khoe tới khoe lui, uống nhiều uống ít, hơn thua chuyện tào lao, rồi cãi nhau chí choé. Chính trị, chính em thì cứ như những người mù sờ voi, sờ đưọc khúc đầu chê người khúc đuôi, cả ngày chính sự ra rả, mà không thay đổi được điều gì. Thậm chí có nhiều ông mình quen đã mấy chục năm nay mà sự nghiệp chửi vẫn còn chưa xong. Làm hết chức chủ tịch, qua đến chức hội trưởng, xuống chức hội phó, lớn tuổi trở lại chức hội viên, rồi ra đi trong nuối tiếc. Ước mơ "to tát" vẫn còn nguyên một gói chưa kịp mở ra. Đó là chuyện ngoài nước, còn trong nước thì cũng nhiều thứ lòng vòng hơn. Như hiện nay chuyện dịch bệnh thì đã mấy tháng nghĩ bàn đủ chiêu đủ kế, chống dịch như chống giặc, mà giặc thì còn chưa biết mặt mũi ra sao, người thân quen thì cứ chết rụng rơi mỗi ngày. Bằng này cấp nọ, chữ nghĩa một bụng, cũng chỉ để chê nhau, hơn thua là chính. Nói ra thì lắm người buồn. Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch ngày xưa mà nhà thơ Tản Đà đã dịch lại:

....
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan,
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.

Phỏng dịch:
...
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà,
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đến nay than thở ắt là chưa nguôi !

Mà ngẫm nghĩ lại thì quả nhiên lịch sử cũng có nhiều chuyện thú vị. Lâu nay người TQ rất tự hào về vua Đường Thái Tông, khen nhà Đường thịnh, biết trọng nhân tài, thông hiểu đạo pháp. Nhưng mình nhớ là khi Ngài Tam tạng về lại TQ, ông vua Đường hỏi Ngài có muốn làm quan không, đem chức quan ra mà ban thưởng. Mình thì không nghĩ Đường Thái Tông thông hiểu đạo pháp khi xách chức quan ra chiêu mộ Ngài Huyền Trang. May là hồi đó chưa có quốc hội, chứ có dám cho Ngài Huyền Trang làm đại biểu quốc hội luôn rồi :-).

Trong truyện của Ngô Thừa Ân, thấy ông không chú trọng đến đường về của Ngài Huyền Trang. Đó cũng là thắc mắc của mình. Có lẽ NTA cho rằng khi Đường Tăng thỉnh được kinh sách là viên mãn rồi, mission accomplished. Hoặc là đoạn đường về không còn bị kiếp nạn nữa chăng ? 

Mình thì có suy nghĩ khác, cho rằng đoạn đường về mới là quan trọng. Nếu không thì cũng tương tự như ráng cho dữ vào, cực khổ để kiếm được cái bằng, rồi chỉ để được lên chức, để in cạc visit, để đi ăn giỗ hoặc họp lớp, giới thiệu chút rồi xong, thì quả nhiên uổng phí. Cũng như làm quan, chiêu này chiêu kia leo lên được chức này chức nọ rồi chỉ để ký giấy và đi họp thì cũng uổng. Bởi ăn thua là có làm gì được cho dân cho nước, mới là quan trọng. Tất nhiên là Ngài Huyền Trang đã không chọn con đường về dễ dàng như vậy. Ngài đã từ chối những ân huệ và sủng ái đoàn tuỳ tùng tiền hô hậu ủng của vua Harsha ban cho, mà chọn đi về bằng một "con đường tơ lụa" khác, để có cơ hội giảng giải những điều đã học được cho nhiều người khác biết, cũng như giúp khám phá ra những lối đi mới. Thời đó trên những con đường tơ lụa này, biết bao nhiêu thương nhân đã bỏ mạng, ra đi không có ngày về. Nên kinh nghiệm và kiến thức càng là những điều cần thiết. Và chắc chắn sự chọn lựa này của Ngài không thể sánh bàn với những chuyện phàm phu như áo gấm về làng, tiền bạc, chức sắc bổng lộc, danh xưng vô nghĩa, hoặc vài ngôi chùa to chùa lớn. Tuy nhiên, mình vẫn có chút thắc mắc là thời đó Ngài có nghĩ ra được những kẻ hậu bối có thể lạm dụng con đường đó để làm ra những chuyện xấu xa trong tương lai chăng ? Nói vậy thôi, chứ đương nhiên là sự vật vô tội, con đường vô tội, biển đảo vô tội, chỉ là do bị con người lợi dụng thôi !

Nói đến chuyện những ngày cuối đời của Ngài, Ngài Huyền Trang căn dặn người thân chung quanh gói ông trong chiếc chiếu nhỏ, rồi đem chôn chỗ nào xa xa, vắng vẻ, đừng để thiên hạ bị ô uế mùi hôi. Nhưng tất nhiên là mấy ông vua quan, và hàng ngàn Phật tử đạo hữu, đâu dễ gì để Ngài yên ổn và toại nguyện như vậy. Chắc hẳn cũng là cờ xí rình rang cho xứng tầm. Nhưng thực ra với những bậc trí huệ như Ngài Huyền Trang thì có lẽ chiếc chiếu rách hoặc nghi lễ quốc tang cũng giống nhau, bởi đó chỉ là công cụ chôn cất. Cái còn lại của Ngài chính là những kiến thức và phẩm hạnh cho nhân loại hôm nay và mai sau, còn nghi lễ quốc táng hay cư tang rình rang, thì thiên hạ này cũng đã quên đi từ lâu lắm rồi. Ngày nay bên Nalanda Ấn độ vẫn còn khu tưởng niệm của Ngài (Xuanzang Memorial Hall), nhưng không biết TQ có ngày nào để tưởng niệm Ngài không ? Một kẻ độc tài tham vọng như Mao Trạch Đông, từng đưa ra quốc sách giết chết 45 triệu người TQ trong thời kỳ Great Leap Forward (Đại nhảy vọt/Bước quá độ); buộc 2 triệu người tự sát và bị giết, 20 triệu người bị cuỡng bức bắt bớ, và hàng trăm triệu người đói khát trong cuộc Cách mạng Văn hoá (Cultural Revolution); lại có ngày tưởng niệm to lớn. Trong khi đó một người truyền bá tư tưởng hoà bình, dịch giải đạo pháp đem lại sự giải thoát, sự an lạc và hạnh phúc cho nhân loại như Ngài Huyền Trang, mà lại không có ngày để người dân TQ ghi nhớ, thì quả là nghịch lý !

PN





Sunday, July 18, 2021

Vài ý nghĩ vụn … về dịch cúm Vũ hán

 (Chú Đại Bi, do Ani Choying Drolma trình bày)


Năm ngoái nước Mỹ dịch bệnh nặng về, anh em bạn bè bên VN quan tâm thăm hỏi, mình cảm ơn rất nhiều. Nay nghe tin VN, nhất là SG ngã bệnh, không biết làm gì hơn, mạn phép tóm tắt vài điều đã biết, hy vọng là hữu ích (mặc dù rất nhiều người đã biết rồi).

1. Covid có đáng ngại không ?

Có !
Tuy nhiên không phải tới mức ghê gớm như người ta đồn đoán. Thực tế, rất nhiều quốc gia khốn đốn là vì quá tải các cơ sở phương tiện tiếp nhận bệnh nhân như bệnh viện, khu cách ly, cấp cứu (ICU) …và thiếu thốn các công cụ y tế như máy trợ thở, giường bệnh, dịch truyền, oxy ..v.v.. Bên cạnh đó là sự bối rối, vụng về, thiếu kinh nghiệm trong các phương thức dự phòng, cung ứng, và cách ứng xử đối phó với dịch bệnh cỡ lớn như đại dịch lần này. Kể cả những quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ấn ..... đều bị vướng mắc những sai lầm như thế trong giai đoạn đầu, dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng. Ví dụ như dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, mà số lượng máy thở dự phòng cho cả nước với dân số gần trăm triệu dân chỉ dừng lại ở mức dưới 5 ngàn cái, thì quá nguy hiểm !

2. Phòng bị như thế nào ?

- Cho tới nay cách phòng bị hữu hiệu nhất vẫn là dựa vào từng cá nhân, và ý thức tự giác giữ gìn chung cho cộng đồng như giãn cách xã hội, cách ly, tuân thủ các quy cách phòng bị cá nhân, khẩu trang, bao tay .v.v. Thường xuyên tẩy rửa, rửa tay rửa mặt, tránh va chạm, tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, tránh hao tâm tổn lực, giữ gìn vệ sinh chung. Đừng ứng xử kiểu "điếc không sợ súng, hoặc anh hùng rơm" rồi đi lung tung, gây nhiễm cho người khác. Đặc biệt là giới trẻ, những người trẻ tuổi, sức khoẻ tốt, hệ miễn dịch tốt, bị nhiễm bệnh nhưng không biết, hoặc có thể lướt qua, hoặc không có triệu chứng, gọi là (asymptomatic). Tuy nhiên những người bị nhiễm bịnh không có dấu hiệu (asymptomatic) vẫn có thể lây lan cho người khác. Nên nếu chủ quan hoặc không hiểu biết để cẩn thận, thì thành phần này có thể trở thành lực lượng phát tán dịch mạnh nhất !

3. Bị nhiễm rồi thì sao ?

Bình tĩnh đối phó thôi. Không phải ai bị nhiễm bịnh covid thì cũng trở bịnh nặng, hoặc chết đi. Tỉ lệ tử vong rất thấp, dĩ nhiên là tuỳ thuộc vào các yếu tố khác của xã hội, trong đó có yếu tố phòng bị và chiến lược đối phó, ứng xử của chính quyền và sự hợp tác của người dân cũng rất là quan trọng. Ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tử vong không phải trực tiếp bởi covid-19 mà là những người có bệnh nền nặng hoặc các bệnh khác, nhưng đã không được chữa trị đúng mức, kịp thời, vì bị quá tải nguồn lực và nhân lực do dịch bệnh, cộng với tiêu chí ưu tiên dành cho các bịnh nhân covid, nên dẫn đến các biến chứng phức tạp.

- Thực tế thì có rất nhiều người bị nhiễm bịnh vẫn chữa trị tại nhà, ăn uống, nghĩ dưỡng, xài thuốc cảm cúm hạ sốt như tylenol, motrin, patadol, paracetamol.... rồi vài tuần sau đó bình phục hoàn toàn. Chỉ có những trường hợp bị trở bịnh nặng mới được chuyển vào bệnh viện để trợ giúp bằng các biện pháp hổ trợ nặng đô hơn như máy trợ thở, truyền dịch, kháng sinh, huyết tương ...v.v. Số lượng người tự chữa trị tại nhà và khỏi bịnh sau một thời gian ngắn là rất cao so với số lượng người trở bịnh nặng phải nhập viện. Tuy nhiên báo đài thì ít nói đến số liệu này, làm bà con không nắm bắt được thực trạng càng hoang mang, lo lắng.

- Các chuyên gia khuyên rằng nên cố gắng bình tĩnh, và ráng giữ tinh thần mạnh mẽ, đừng lo lắng thái quá trong trường hợp nhiễm bệnh. Ăn uống bình thường, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, xử dụng các loại thuốc hạ sốt, hổ trợ cảm cúm sẵn có. Nếu có điều kiện, nên uống thêm nguồn vitamin trợ giúp. Hỏi thăm bác sĩ tư vấn những loại vitamin nào phù hợp với bản thân và cách ứng phó tại nhà. Đừng nghe theo lời mấy ông lang băm, thầy cúng, thầy đề, mê tín, cúng tế oan gia trái chủ, uống bùa chú bậy bạ .... mà bị mạng mất tật mang ! 

4. Thuốc men như thế nào ?

- Cho đến thời điểm hiện nay, thì thế giới vẫn chưa có thuốc nào trị bịnh cúm hiệu quả hoàn toàn. Đó là mới nói về những bệnh cảm cúm thông thường chứ chưa nói đến covid-19. Nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm nhừng thuốc như tylenol, motrin, aspirin, patadol ..... là "thuốc cảm cúm". Không phải vậy, đó chỉ là thuốc làm giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm như nóng, sốt, ho hen, nhức mỏi thôi. Đây là một hiểu lầm rất thường gặp, nên nhiều người cứ nghĩ là thuốc "cảm cúm" có thể “giết” được con vi rút cúm. Ở Mỹ và nhiều nước khác, hàng năm thiên hạ vẫn phải đi chích ngừa cúm mùa, vì chưa có thuốc nào "giết" được nó cả. Có một số loại thuốc chuyên trị các bịnh do virus gây ra, gọi là "antiviral" như Tamiflu (oseltamivir phosphate), Relenza (zanamivir), Rapivab (peramivir), Xofluza (baloxavir marboxil) v.v... Các loại thuốc này bên Mỹ muốn mua phải có toa bác sĩ, thế nhưng đối với covid-19 thì những em này không xi nhê lắm. Từ lúc dịch cúm Vũ Hán (covid-19), có một số thuốc “antiviral” nổi bật lên như Remdesivir được dùng để trị bịnh theo cách truyền dịch. Bên cạnh đó cơ quan FDA cũng cho phép xử dụng một số thuốc antiviral khác trong những trường hợp khẩn cấp như loại Sotrovimab (monoclonal antibodies). Dưới đây là tên một số loại thuốc “antiviral” khác đang được các cơ quan chức năng như NIH, CDC, FDA theo dõi và thẩm định để điều trị cho những người bị nhiễm covid nặng. Ví dụ như Ivermectin, Nitazoxanide, Lopinavir, Hydroxychloroquine, Chloroquine, Azithromycin…v.v. Mình sẽ đính kèm đường link phía dưới cho bạn nào rành tiếng Anh theo dõi nhé. Vì các loại thông tin này thường xuyên được cập nhật trên các trang mạng của chính phủ như FDA hoặc NIH.

Bấm vào đây coi hướng dẫn điều trị COVID-19 của cơ quan y tế NIH Hoa Kỳ

(Cho đến nay thì những loại thuốc trên vẫn nằm trong danh sách để xử dụng khẩn cấp điều trị cho các bệnh nhân covid nhập viện. Tất nhiên về khoảng này các bạn trong ngành y dược chắc chắn sẽ biết nhiều hơn. Ở đây mình chỉ tóm tắt cho các bạn tham khảo thôi. Ai muốn biết sâu hơn, tốt nhất nên hỏi thăm bác sĩ của các bạn, thông tin sẽ được cập nhật hơn)

Hiện nay, có nhiều hãng thuốc tại Mỹ được sự ủng hộ của chính phủ, chạy đua nghiên cứu dạng thuốc viên uống, dành cho những ngừời mới bị covid-19, hoặc mức độ bịnh nhẹ đến bịnh vừa. Có vài loại dự kiến sẽ được ra đời vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là thuốc Molnupiravir của hãng Merck và Ridgeback Biotherapeutics. Hiện đang ở giai đoạn thử cuối cùng. Nếu thành công thì đó sẽ là loại thuốc uống “antiviral” đầu tiên trị được bịnh cúm Vũ Hán. Và chắc chắn là sau đó sẽ còn nhiều loại thuốc uống trị covid khác ra đời.

Xin lưu ý là thuốc antiviral khác với thuốc antibiotics (trụ sinh) nghen. Thuốc trụ sinh thì không trị được các bịnh gây ra bởi "viral infection" như cúm, ban trái, rubella, measles, rhinovirus, coronavirus (tổ tiên của covid-19), adenovirus ..v.v.  Mặc dù ra tiệm thuốc tây ở VN thì các vị cứ phán, cứ trụ sinh mà chơi tới bến. Kệ, trật gà thì cũng trúng chim. Xin lỗi mấy cô bạn dược sĩ nghen. Chỉ nói đến một số ít "cược sĩ" bán thuốc liều thôi :-) . 

- Còn nói đến thuốc ngừa (vaccin) cho dịch cúm Vũ Hán thì hiện nay trên thế giới cũng có nhiều loại. Công nghệ khác nhau, hiệu quả khác nhau, ảnh hưởng phụ cũng khác nhau. Cho nên cũng cần tìm hiểu trước khi chích, để không bị hoang mang vì các tin đồn thất thiệt. Đương nhiên là lâu nay ai cũng biết chích ngừa vaccin là phương pháp hiệu quả nhất dành cho tất cả các căn bịnh gây ra do "virus". Tuy nhiên tính hiệu quả của mỗi loại thuốc tiêm chủng và các ảnh hưởng phụ do nó gây ra, là những điều cần thiết phải biết vì không phải loại thuốc nào cũng giống nhau. Một số loại thuốc ngừa có hiệu quả rất thấp hoặc có những ảnh hưởng phụ phức tạp, nhưng do nhu cầu cấp thiết, nên vẫn được đem ra xử dụng. Trong khi đó có một số người đã được chích ngừa, chủ quan không bị mắc bệnh hoặc ỷ y tiếp xúc với nhiều người khác, nên có thể vô tình trở thành nguồn dịch lây lan.

Thứ tự hiệu quả của các loại thuốc ngừa hiện nay trên thế giới là Pfizer, Moderna, J&J, AstraZeneca, Sputnik, Sinovac ...v.v.. Tuy nhiên đây chỉ là đánh giá dựa trên số liệu thu thập được của một số cơ quan chuyên môn. Số liệu có tính tương đối của nó. Còn đối với thuốc ngừa của Nga (Sputnik) và Trung quốc (Sinovac) thì cũng như những vấn đề thường lệ khác của họ lâu nay, có thể sẽ không bao giờ có một số liệu minh bạch và chính xác được. Cho nên tuỳ vào cảm tính và vận may của đất nước vậy !

==> Có hai loại thuốc vaccin nữa sắp ra mắt, cần lưu ý:

* Novavax của Mỹ (mã số cổ phiếu là NVAX), rất tiềm năng, đang ở những bước cuối cùng để xuất xưởng trong quý tới.

* Thuốc thứ hai đặc biệt có tên gần giống Novavax của Mỹ, đó là Nano Covax của Vietnam. Hôm trước có đăng báo là sắp ra đời, tính hiệu quả trên 99%, và chi phí chỉ tốn $120,000 đồng VN cho một liều, tương đương với usd $5.2. Nghĩa là khi ra mắt sẽ trở thành loại thuốc chống covid hiệu quả nhất thế giới và rẻ nhất ! (Xin lỗi, thông tin này là mình đọc trên báo Vietnam News chính thống nghen. Hy vọng không phải nói cho vui kiểu kéo đám mây điện tử về VN)

- Cũng xin nhắc lại, chích ngừa xong không có nghĩa là sẽ không bị dịch và không lây lan cho người khác. Cho nên những người đã được chích ngừa vẫn cần phải giữ gìn, quan tâm dùm cho người chưa được chích ngừa. Nhiều người chích ngừa xong, vẫn có khả năng bị nhiễm bịnh, nhưng có thể không có triệu chứng rõ rệt, nên thường chủ quan, vô tình lây lan cho người khác. Nên biết thêm là những người đã chích ngừa thì vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng thấp hơn, và nếu có mắc bịnh thì khả năng bịnh nặng, hoặc nguy hiểm đến tính mạng cũng thấp hơn. Còn các bác theo thuyết âm mưu hoặc theo quan điểm không chích ngừa covid, thì mình cũng rất tôn trọng, và không dám nói đến ở đây.

Tuy nhiên để đạt đến mức độ "miễn dịch cộng đồng" (Herd immunity) thì cần phải đạt đến một số lượng tiêm chủng nhất định. Nhiều người cho rằng cần khoảng 70% tổng dân số cộng đồng có tiêm chủng mới tạo ra được tình trạng miễn dịch công đồng. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, không phải là tuyệt đối, đặc biệt trong các biến chủng sinh học phức tạp. Bên cạnh đó, ý thức con người, trình độ dân trí, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia, cũng là những biến số rất quan trọng trong việc dập tắt dịch bệnh. Cho nên không ai bảo đảm được điều gì. Hy vọng các loại thuốc ngừa kết hợp cùng với các loại thuốc uống đang nghiên cứu hiện nay, sẽ dẫn đến những kết quả khả quan hơn. Và cũng hy vọng qua kinh nghiệm lần đại dịch này, giúp cho giới khoa học đi gần hơn với những phương cách đối phó dịch bệnh phù hợp và hữu hiệu hơn trong tương lai. 

5. Truyền thông mùa dịch ?

- Đây là một vấn đề rất quan trọng trong mùa dịch bệnh, vì ai cũng hoang mang, lo lắng vì bối cảnh mới mẻ và tin tức loạn xạ. Đám tin vịt thừa cơ thả vịt câu view, rồi nhiều người đọc tin không kiểm chứng, không phân tích, cứ thế gởi ra, truyền tải, càng làm rối loạn xã hội, gây hoang mang cho bà con anh em bạn bè. Dạo trước bên Trung đông có kẻ còn sợ quá, uống cả thuốc rầy vào để diệt covid. Phải cảnh giác chứ nghe tin vịt, rồi uống cả lá ngón, thuốc sâu, ngọc linh, ngầu pín… trị bệnh thì không tốt chút nào !

- Thông thường ở các nước phát triển đều lập ra một ban chỉ đạo toàn quốc (tập trung và duy nhất, cập nhật tin tức hàng ngày). Mọi thông tin chính thống đều do ban này thông báo. Ban bệ đó sẽ bao gồm các vị lãnh đạo đứng đầu quốc gia và những vị đại diện các ngành chính liên quan mật thiết đến tình hình đất nước như là tài chánh, y tế, an ninh, lương thực, phòng bị, cứu hộ ...v.v... Bên Mỹ bên Châu Âu, thời kỳ cao điểm, tổng thống thủ tướng ngày nào cũng lên TV họp báo cùng với ban chỉ đạo chống dịch, cập nhật tin tức trong ngày và trực tiếp thông báo các kế hoạch cụ thể, để cho người dân không bị bối rối hoặc hiểu lầm.

Còn nếu không tuân theo nguyên tắc tập trung và duy nhất, mạnh ai nấy phán, hoặc chuyện gì cũng đợi ý kiến từ một vài người không chuyên môn, e rằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, khó đồng nhất, tạo điều kiện cho bọn xấu tung tin giả. Cũng dễ bị đám gian thương, tham quan lợi dụng cơ hội để trục lợi, hoặc làm phiền phức rối loạn lòng dân, thực giả khó phân. Ở đất nước nào thì vấn nạn này cũng có thể xảy ra !

- Nên lưu ý chính những người thừa hành chống dịch kém hiểu biết, hoặc các kế hoạch phân bổ và cách triển khai thực hiện không đồng bộ là những nguyên nhân góp phần làm nhiễu loạn trật tự xã hội. Cho nên có một phương án truyền thông hợp lý và đồng nhất trong thời kỳ đại dịch là tối quan trọng. 

6. Ăn uống gì, làm sao sống, tiền đâu ?

- Phần này thì hoàn toàn dựa vào chính phủ nước sở tại, mình không biết và cũng không dám ý kiến. Chỉ là rất quan tâm vì hoàn cảnh kinh tế đất nước VN khác với nhiều nước khác. Số lượng lao động hè phố, buôn gánh bán bưng, công nhân, nông dân nghèo ... lượng người dân kiếm sống từng bữa ở VN rất nhiều. Không biết nhà nước VN có phương cách nào giúp đỡ cho họ vượt qua kiếp nạn này không ?

(Mở ngoặc chút, trong đợt dịch bệnh vừa qua, chính phủ Mỹ sẵn sàng hổ trợ cho người dân của họ bằng mọi cách, không phải chỉ vì họ giàu có, mà là họ quan niệm rằng đó là những  kiếp nạn "không phải do người dân gây ra". Người dân đen là nạn nhân đáng thương của cơn dịch bệnh quái ác, mà nguyên nhân còn chưa biết là do con người cố ý hay do tự nhiên gây ra.)

Tóm lại, xin có vài ý kiến vụn dựa vào cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Các bạn nào muốn có thông tin cập nhật hơn nên tham khảo với các bác sĩ dược sĩ chuyên môn nhé. Phần còn lại, chính yếu vẫn là do các bạn, tự tìm hiểm & ứng biến dựa vào hoàn cảnh của từng người. Mỗi người mỗi cảnh. Xin cầu chúc tất cả các bạn cùng gia đình nhiều may mắn, thân tâm an lạc. Mong kiếp nạn sớm qua đi và cuộc sống bình an sớm trở lại !

PN

Wednesday, June 30, 2021

Trở về trường cũ



Ngày ấy đã qua

thầy cô người già người mất

bạn bè biền biệt 

đứa ngược đứa xuôi

Long não cứ đến mùa thay lá

hàng phượng vĩ cỗi dần trên lối xưa 

vẫn cánh rụng rơi 

như tuổi thơ của một thời nuối tiếc


Anh trở lại,

dẫu chỉ là đứng đợi

một buổi nào 

của ngày ấy xa xưa

những vô lý của thời trai trẻ

chưa nắm tay đã mộng mị tơ hồng

môi mới khẽ đã chim lồng cá chậu


Anh trở lại,

chỉ bởi lòng tơ tưởng

nhớ một thời hoa bướm qua đi 

những ước mơ đội đá vá trời

những cổ tích của thời cơm gế củ

rưng rưng buồn chuyện kẻ ở người đi

"trèo lên cây bưởi hái hoa,

bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân"

nên u uẩn đời lưu lạc 

có nỗi buồn của người con gái 


Anh trở lại,

rồi một mình đứng lặng

giữa sân trường ngoài đám lá lao xao

tất cả đều xa lạ 

con đường hai buổi ngày xưa 

nay Từ Thức,

chân lạc loài từ những bước loanh quanh

khung cửa hẹp mái đầu xanh ngơ ngác

"Dạ, có nghe Mẹ kể chuyện ngày xưa

ngôi trường cháu cũng một thời như thế ...."


Hạt bụi vô tình 

rơi vào khoé mắt 

nhoè nhoẹt chân chim

lấm sân trường cũ

Anh trở lại, 

hay ngày xưa trở lại ?

thềm cũ ai ngồi 

vạt nắng miên man …


PN


Saturday, June 26, 2021

Thơ của bạn,


Năm đó, lần đầu tiên về quê họp mặt với bạn bè cùng khoá sau mấy chục năm ra trường. Thực ra trường to nhiều lớp, có rất nhiều người ngày xưa mình chưa bao giờ biết, hoặc chưa bao giờ gặp mặt, hoặc chỉ nghe tên. Mà dẫu ngày xưa có biết nhau thì mấy chục năm cũng nhìn không ra. (Mấy ông tập kết xa quê nhà thời gian ngắn hơn mình, mà năm 75 về còn nhận vợ con không ra, huống chi mình :-)). Nhưng về trường cũ rồi thì gặp ai cũng tay bắt mặt mừng, như đã thân nhau từ muôn kiếp nào ....

Có thằng bạn rủ về dưới Thu Xà nhậu đặc sản cá bống kho, mực cơm nướng, cá cồi hấp ... Trời mưa, ngồi bên hiên quán lá dột nước, nghe nó kể chuyện "ôn tập" cả đêm, vừa mày tao, vừa tiếng đệm, tiếng lóng, tiếng Đan Mạch ... nghe đã tai lâu ngày. Viết bài này tặng bạn bè năm đó. Năm nay, đúng mười năm sau, lẽ ra đến hẹn lại lên, nhưng dịch bệnh lây lan, thôi đành hẹn bạn bè khi hết dịch nhé :-).

PN

Thơ của bạn,


Có những bài thơ
không bắt đầu bằng chữ nghĩa
mà tiếng "mày, tao" bên vỉa hè xưa

Bao nhiêu năm,
trời mưa bỗng dột
rớt vô tình như một lời ru
Trong góc tối tao thu mình rất khẽ
chợt vỡ òa ngày rất trẻ đầu xanh

Ở nơi đó,
tao đã từng lỗi hẹn
Nợ tình ai ngày hôn lén bờ môi
Nay trở lại bâng khuâng chiều chửa tối
Giữa quê mình lạc lối chạy loanh quanh

Nên cứ rót,
tao không đành để cạn
say ngọt ngào,
con bống sạn nằm queo,
Ðêm sao đủ cho nửa đời ấp ủ
Thế là thơ, cần giấy bút làm chi ?

Hôm nay,
còn lại tiếng ve
không xác phượng đỏ, không tre đằng ngà 
Một mình ngồi ở phương xa
bỗng dưng lại nhớ
hôm qua
.... thơ mày !

PN (2011)



Thursday, June 17, 2021

Tản mạn về "Từ thiện" ...

 


Gần đây trên mạng xã hội VN rầm rộ những câu chuyện đấu tố "từ thiện". Xấu có tốt có, đúng sai chưa biết, nhưng cứ đem ra khai tội lẫn nhau dưới nhiều hình thức, trần trụi và a dua. Và đây cũng không phải là chuyện mới mẻ gì đối với mạng xã hội. Tất nhiên đại đa số những chuyện đấu đá thị phi, hơn thua trên mạng lâu nay cũng chỉ là nghe đi nói lại, phán xét dựa theo cảm tính hoặc đám đông, chứ chẳng phải là quan toà có đầy đủ chứng cớ, nên không ai bảo đảm được điều gì. Nếu là nạn nhân thì cũng chẳng được quyền bào chữa công bằng, mà cho dù có cơ hội thanh minh thanh nga thì lý lẽ cũng chưa chắc có được giá trị gì trước đám đông hùng hậu và a dua của mạng xã hội. Cho nên mỗi khi nghe thấy những chuyện như thế này, mình thường liên tưởng đến câu chuyện người đàn bà bị ném đá trong kinh Thánh :-)

Thực tế thì kết quả cuối cùng của “đấu tố”, “sao kê”, lai chim lai chuột, ăn chặn ăn bớt, vụ oan giá họa, đúng sai ra sao còn chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ làm cho nhiều người ngán ngẩm, và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho các hoạt động "từ thiện" về sau, đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ. Mình thì nghĩ rằng những người có quan niệm đúng đắn về việc “hành thiện bố thí”, sẽ không dễ bị lôi cuốn vào những thị phi như vậy !

Nhân đây mình cũng có vài ý nghĩ tản mạn về chuyện "làm thiện". Tất nhiên cũng chỉ là những suy nghĩ cá nhân, đúng sai tuỳ người cảm nhận. Đọc cho vui thôi :-)

Xưa nay có nhiều người cho rằng động cơ của hoạt động từ thiện có liên quan đến tôn giáo, đức tin về nhân quả báo ứng hoặc phước báu công đức .v.v.. Điều này thì mình không rõ lắm, và cũng không hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, có một điểm chung là tôn giáo nào cũng dạy tín đồ của họ sống tử tế, làm thiện làm lành. Nhưng làm thiện làm lành thì không nhất thiết là có liên quan đến tôn giáo. Còn quy luật nhân quả là của vũ trụ, không do ai tạo ra, cũng không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ một tôn giáo nào. Và cũng chính vì quy luật nhân quả, nên những người sống tử tế, hành thiện làm lành chắc chắn sẽ gặp được những điều thiện lành, tốt đẹp đến với họ trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng tin vào đạo lý nhân quả hoặc có cùng quan niệm nhân sinh. Thiên hạ vốn có tư duy và trình độ hiểu biết khác nhau, nhiều nguồn đa dạng, nên tồn tại những dị biệt và mâu thuẫn, cũng là chuyện thường tình. Nhìn chung thì đại đa số cá nhân và tổ chức từ thiện ở VN đều hoạt động rất tốt, ngày càng phát triển và có nhiều ảnh hưởng tich cực đối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có những mặt trái tiêu cực, liên quan đến mê tín dị đoan, cúng bái nghi lễ, lạm dụng quyền hạn, vụ lợi cá nhân, ganh ghét đố kỵ …. Tuy không nhiều nhưng cũng tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động từ thiện chung của xã hội.

Ngoài ra cũng không hiếm những trường hợp quan niệm lệch lạc về ý nghĩa và mục đích của việc bố thí, từ thiện. Ví dụ như có một số ít người coi chuyện làm từ thiện như một sự ban phát, khai ân, nên mong đợi những sự hồi báo, như quyền lực, đặc ân hoặc sự tôn vinh từ kẻ khác, kể cả sự xưng tụng từ những người nghèo khó hoặc cộng đồng xã hội. Khi không được như ý, lại sinh ra bức xúc, bất mãn, thậm chí còn cắt đứt dây chuông, hoặc chửi bới doạ nạt đòi lại… Một số người khác có quan niệm giá trị của việc “từ thiện” quy ra "thóc", nên tính toán hơn thua, so đo giá trị đóng góp, chê bai cúng nhiều cúng ít, phúc nhiều phúc ít … vô tình làm tổn thương nhiều người khác. Thậm chí có nhiều người còn chờ đợi Phật, Chúa, Trời, Diêm vương, thần linh … sẽ ghi nhận công đức “lớn lao” của họ, mà đáp ứng những lời khấn nguyện hoặc ban bố ân điển cho họ. Đến khi không được “lại quả” như ý, thì lại kể lể, sân si, sinh ra lắm phiền toái cho bản thân và nhiều người liên quan. 

Trong cuộc sống đời thường, có nhiều người nhận thấy các việc làm sai trái, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và khả năng để nói lên sự thật, hoặc ngại đụng chạm, ngại phê bình thẳng thắn, ngại góp ý chân thành về các ứng xử lệch lạc của người thân quen, nên những ngộ nhận ngày càng nhiều. Xã hội ngày càng nhiều những hiện tượng tung hô quá đáng, đầy rẫy những ứng xử kệch cỡm, lạm dụng danh nghĩa trá hình như tôn giáo, cộng đồng, văn hoá dân tộc, yêu nước thương dân..v.v… Làm cho nhiều người có cái nhìn phiếm diện về công việc từ thiện, nghi ngờ lòng tốt của người khác, dẫn đến những phán xét không công bằng, vơ đũa cả nắm, hoặc đổ thừa đổ lỗi cho nhau. Và cứ thế, lần hồi những công việc từ thiện cao cả đáng quý lại trở nên phức tạp, đầy những nghi ngờ và đố kỵ, làm cho một số cá nhân và tổ chức tham gia gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người có thiện tâm trong sáng muốn làm từ thiện cũng dè dặt hơn. Cho nên những suy nghĩ chín chắn về các hệ lụy gây ra do các tranh chấp hơn thua hoặc nhu cầu câu view trên mạng xã hội bao giờ cũng rất cần thiết.

Một yếu tố quan trọng nữa trong việc làm từ thiện bố thí, đó là bản sắc văn hoá đặc thù của từng địa phương. Có nhiều quốc gia và một số vùng miền trên thế giới, chuyện làm từ thiện hoặc đóng góp cho cộng đồng xã hội được coi như là những nhu cầu cần thiết và trở thành các sinh hoạt bình thường tự nhiên trong đời  sống. Cho nên không phải chỗ nào cũng có những cách làm từ thiện và ứng xử ồn ào như nhau.

Nhắc đến việc làm thiện làm lành, trong PG có một khái niệm rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người nghiên cứu đi sâu vào con đường thực hành đạo pháp. Đó là hạnh bố thí trong sáu pháp tu học ba-la-mật. Tiếng Anh gọi đó là "Six Paramitas", hoặc "Transcendent perfections", tiếng Việt dịch ra là Lục Ba la mật (có một số sách dịch là Lục độ Ba la mật). Chữ mật ở đây không liên quan gì đến bí mật hoặc phù phép pháp thuật nào cả. Có thể chỉ là cách phiên âm từ tiếng Phạn ra TQ, rồi TQ sang VN từ thời xa xưa. Dĩ nhiên ở các nước Á đông, vốn có truyền thống PG lâu đời, nên được thuyết giảng về nhiều phương tiện tu tập khác nhau. Ngôn từ cũng đa dạng phong phú, và khó hiểu hơn, vì được diễn giải theo nhiều cách riêng khác nhau. Còn bên Tây phương, thì kinh sách viết theo tiếng Anh (English) nên chữ nghĩa trực tiếp hơn, đơn giản hơn, phù hợp với những người có ít vốn liếng kiến thức PG như mình. Tóm lại, Lục Ba la Mật (Six paramitas) là 6 tiêu chí tu tập cần thiết nhất cho một người muốn tìm đến sự giác ngộ của bản thân. Nhiều người cũng cho rằng đó là tu theo hạnh bồ tát. Thực ra chỉ là cách nói, dùng từ ngữ thế nào cho người khác hiểu đúng là tốt rồi. Bên PG Nam truyền (Theravada) quan niệm là có 10 paramitas, thay vì là 6. Suy cho cùng thì cũng chỉ là những phương pháp thực hành có cách gọi khác nhau, nhiều con đường cùng dẫn đến một mục đích. Tuy nhiên đây là một trong những lý thuyết căn bản nhất của PG, mặc dù đơn giản nhưng là mấu chốt trọng tâm nhất của việc tu tập. Bạn nào muốn đọc thêm, thì có rất nhiều tài liệu trên mạng. Các trường đại học lớn trên thế giới đều có nhiều tài liệu về lý thuyết PG này. Ví dụ như đại học lâu đời nhất của Anh, Oxford, trong thư khố Oxford Bibliographies, luôn có những tài liệu hoặc bài viết về "Six Paramitas". 

Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ muốn nói đến cái ba-la-mật đầu tiên (1st paramita), đó là nói về Bố thí ba-la-mật-đa (tiếng Sankrit là danaparamita; tiếng Anh tạm dịch là perfection of giving, hoặc là generosity). 

Nôm na thì bố thí được định nghĩa là khả năng mở lòng để cho đi hoặc thiện chí để dâng hiến, mà không chờ đợi sự hồi báo. (Chứ nếu bố thí mà chờ đợi sự “lại quả”, kể cả lại quả công đức phúc báu, thì khác gì vừa bỏ ra một cục lại rinh về một cục khác nặng hơn:-). Bố thí được chia ra thành 3 loại:

1. Tài thí: là cho đi bằng tiền của, hiện vật, công sức... (như đại đa số các vị làm từ thiện ngày nay)

2. Pháp thí: là đem sở học sở đắc của mình mà hướng dẩn, giáo dục, thuyết pháp, truyền giáo, giảng giải đạo pháp, đạo làm người…cho kẻ khác.

3. Vô uý thí: là che chở hoặc bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp các sinh linh yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, bất lực ... trước những bạo lực, cường quyền, sự sợ hãi và những chết chóc tai ương. Hy sinh và sẵn sàng cam chịu thiệt thòi bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, giúp sinh linh thoát cảnh sợ hải, lo âu ...

Một số kinh sách cho rằng đó là 3 loại bố thí có cấp bậc từ thấp đến cao. Mình thì không nghĩ vậy. Có lẽ không có sự đo lường nào về công đức, nhưng có sự khác biệt khó dễ trong việc thực hành hạnh bố thí. Xưa nay mình thường nghe nhiều vị giảng giải về thực hành Bố thí Ba-la-mật-đa là vừa làm lợi ích cho người, vừa làm lợi ích cho mình. Theo thiển ý của mình thì chuyện làm lợi cho người, cho xã hội, cho nhân loại, thì ai cũng dễ dàng nhìn ra được. Nhưng nói chuyện làm thiện sẽ đem lại lợi ích cho chính bản thân thì khó nhận ra hơn, mặc dù đây mới là điều quan trọng mà những người tu học chân chính muốn hướng tới. Bởi vì chính sự bố thí đúng nghĩa mới là liều thuốc hoá giải mọi sự chiếm hữu và tham lam, bủn xỉn và bần tiện, kiêu ngạo và ích kỷ ...Đưa họ từng bước tiến đến gần hơn với sự giác ngộ và tỉnh thức !

Tất nhiên là trong mọi vấn đề, mọi lý thuyết đều có tính hai mặt của nó. Tỉnh hay mê, thiện hay ác, nặng hay nhẹ, có khi cũng chỉ là những đường ranh rất mỏng. Vượt quá giới hạn đó lại trở thành một ý nghĩa khác. Mình không phải là những nhà tu hành, càng không phải là các nhà nghiên cứu đạo pháp, hoặc các bậc cao nhân tri thức ... nên một lần nữa, đây chỉ là những hiểu biết trong giới hạn hiểu biết nhỏ bé của mình.

Giờ xin nói chi tiết chút. Thứ nhất nói về "Tài thí", quả nhiên là đơn giản nhất. Có công, có của, có lòng ... cho đi. Làm từ thiện, đi cứu trợ, quỹ tình thương, quỹ hổ trợ, quỹ học bổng, làm nhà tình thương, làm cầu, làm trường, bữa cơm có thịt, cái mền, cái áo, xây chùa, xây miểu ...v.v.. Tuy nhiên, đối với hạnh bố thí, thì sự "cho đi” không phải chỉ dựa trên sự dư đủ của vật chất tiền bạc, mà còn dựa trên khía cạnh tinh thần, sự thiện chí, sự buông bỏ, hy sinh, đức tính khiêm cung, và quan trọng nhất là lòng yêu thương. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có những thứ để cho, để hiến dâng cho kẻ khác. Bố thí Ba-la-mật không tùy thuộc vào giá trị vật chất quy ra "thóc”, mà chính là khả năng mở lòng cho đi, sự thấu hiểu và đồng cảm, lòng thương yêu chia xẻ với những kẻ khốn cùng hoặc nỗi đau lâm nạn. Cho người nhưng thực sự là giúp chính bản thân mình. Bởi vậy vài chục tỉ của một đại gia (làm giàu chính đáng hoặc không chính đáng) so với vài ổ bánh mì của người nghèo hoặc bữa ăn cuối cùng của người ăn xin, đâu thể đem ra so sánh giá trị được. Người có nhiều cho đi nhiều, có ít cho đi ít, cần được ghi nhận và tôn trọng như nhau. Mà có lẽ cũng chẳng có ông Phật ông Chúa nào lại đi đo lường giá trị tài vật như thế, nếu có thì chỉ có thể là lòng thành hoặc năng lượng tích cực của việc bố thí tạo ra, và cũng chính bản thân của người đã “cho đi” mới biết. Thời nay rất nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu khoa học cũng đồng ý rằng chính sự thấu hiểu bản thân, tìm được sự an lạc từ bên trong mới chính là hạnh phúc đích thực. Đó là giá trị lớn nhất và cũng là những hạt giống karma seeds quý báu mà họ vừa gieo trồng trong mảnh vườn A-lại-da-thức của họ. Còn dẫu có lên đài, lên TV, lên youtube khoe khoang, thì chắc cũng không đem lại cho họ lợi ích gì, ngoài những phiền toái thị phi, hoặc những xưng tụng có tính chất tạm thời, phe phái. Có những người rất nghèo khó, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, khuân vác hàng ngày, không có vốn liếng, không học thức, nhưng họ có thể bật khóc thông cảm trước cảnh khổ đau và cơ hàn của kẻ khác. Ngoài tình thương ra, họ chỉ có gói mì, ly nước, hoặc thậm chí không có tài vật gì để hiến dâng, nhưng chính lòng yêu thương đó cũng là sự bố thí đáng kính vậy.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống thì bố thí không phải chỉ đơn giản cho đi là xong việc. Nhiều người phát tâm " tài thí" đôi khi còn phải chịu đựng những thị phi, đố kị, ganh ghét, của thiên hạ chung quanh. Cũng là lẽ thường, thậm chí có lúc còn phải bị mang họa vào thân, hoặc nhận lãnh cả sự thù hận, mới hoàn thành được ý nguyện thiện lành của họ. Chưa hết, nhiều người làm từ thiện mà phải dấu diếm vì sợ người đời đánh đồng cá mè một lứa, nghi kị hiểu lầm động cơ từ thiện của họ. Bởi vậy cũng không hiếm những trường hợp có người chịu đựng không nổi những áp lực nghịch lý, hoặc không vượt qua được ải "thị phi" của thiên hạ chung quanh, đành ngậm ngùi gác kiếm không làm từ thiện nữa. Tức là chính họ đã thua cuộc trước cái mục đích hạnh trì cao cả của họ. Rớt từ vòng gởi xe :-). Bên cạnh đó, cũng có một số người động cơ chính của việc làm từ thiện là mong được hồi báo phúc đức, cho con cho cháu, kiếp này hoặc kiếp sau. Vô tình họ lại làm mất đi cái ý nghĩa cốt lõi của việc bố thí, vừa được nhẹ đi lại mưu cầu thêm những gắn bó mới (attachments). Nói tới đây mới nhớ tới thời mình về VN đi làm, gặp những ông anh cùng quê, rất nặng lòng với quê hương. Bao nhiêu năm qua, không hề mệt mỏi, bền bĩ, thầm lặng giúp đỡ quê nhà, chẳng mong gì sự hồi báo. Cho gạo, cho tiền, lập quỹ hổ trợ, xây trạm xá, xây trường học, giúp đỡ đồng bào, ngư dân. Chắc hẳn cũng có những lúc họ phải trãi qua nhiều thị phi, khó nhọc, nhưng chưa hề dừng bước. Rất khâm phục tấm lòng của các anh ấy.

Ở một số quốc gia đang phát triển, có nhiều nhà tỉ phú nổi lên nhanh chóng do các khe hở của luật pháp và chính sách. Bên cạnh sự giàu có của họ, đôi khi phải trả giá bằng những thiệt hại và khổ đau của nhiều người dân lương thiện khác. Một số người khôn khéo trích khoản phần nhỏ ra để làm “từ thiện”, để xoa dịu lương tâm bản thân, để bù đắp hoặc trấn an bàn dân thiên hạ, hoặc để đánh bóng tên tuổi. Đó không phải là ý nghĩa của bố thí trong paramitas. 

Ngoài ra cũng có nhiều sự bố thí khác cao cả hơn, như hiến dâng một phần thân thể, hoặc hy sinh cả mạng sống của họ vì sự an vui và tồn vong của kẻ khác gọi là Đại Bố thí. Trong lịch sử nhân loại, không hiếm những cá nhân, các chư vị tăng ni tu sĩ PG, hoặc các vị thánh tử đạo của Thiên chúa giáo ... đã từng hy sinh bản thân để giúp đời, truyền bá đạo pháp, thử thuốc cứu người, tự thiêu để đánh thức lương tâm của kẻ khác trước những ý đồ vô minh đen tối…v.v. Nhưng bên cạnh đó, thì cũng có nhiều trường hợp tuy hành động giống nhau nhưng mục đích lại hoàn toàn khác nhau. Nhiều người do xuất phát từ lòng hận thù, cuồng tín, vô minh, hoặc vì những mục đích chính trị khác nhau, cũng tự hy sinh hoặc xúi giục người khác hy sinh, gây ra bao thiệt hại, giết chết bao sinh mạng vô tội khác, làm rối loạn xã hội để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc tổ chức đảng phái, ví dụ như các tổ chức khủng bố. Đó không phải là hạnh bố thí. Cho nên có nhiều hành vi hoặc hành động hoàn toàn giống nhau nhưng xuất phát từ những động lực khác nhau, thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. 

Thứ hai, nói về Pháp thí. Nghĩa là nói đến sự cống hiến, tri thức cho đi của các bậc truyền giáo, thuyết pháp, giáo dục, khai ngộ cho kẻ khác. Đây là một việc làm khó khăn, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Đồng nghĩa với khái niệm nước có thể nâng thuyền thì cũng có thể đắm thuyền. Truyền bá đạo pháp không đúng có thể huỷ diệt đạo pháp, đưa xã hội vào thời kỳ mạt pháp. Cho nên nói về Pháp thí là nói về những mục đích và phương tiện khác nhau. Thuyết giảng và truyền bá đạo pháp hoàn toàn lệ thuộc vào trí tuệ, khả năng, và duyên nghiệp của người giảng và người nghe. Chữ "duyên nghiệp" ở đây nói cho đơn giản một chút là sự kết hợp của những điều kiện "cần và đủ" như trong toán học, bao gồm cả cái Ngã, cái vô minh của đôi bên. Mình không dám nói nhiều về phạm vi này, vì đây là một vấn đề tế nhị, khó diễn đạt. Nếu nói không đủ ý, nhất là trong phạm vi của một vài phiếm luận ngắn, dễ gây ra sự hiểu lầm và trịch thượng. Và đó cũng chính là một thứ duyên nghiệp của mình vậy :-) . 

Đại khái, nhiều người khi đến với tôn giáo thì đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng đôi khi có sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, nên bị cuốn hút vào những giá trị ảo thuộc về hình thức nghi lễ bên ngoài, mà không có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về bản chất thực sự của tôn giáo nên dẫn đến nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng không hiếm các trường hợp hiểu lầm về đạo pháp do sự giảng giải và hướng dẫn lệch lạc của một số chư vị tu tập dưới màu áo tu sĩ nhưng lại không hiểu biết thấu đáo giáo lý hoặc có những mục đích riêng tư khác. Nhiều vị có thể là do khả năng hoặc kiến thức, hoặc do ngã chấp nặng nề, hoặc do bị chỉ phối bởi các yếu tố đời thường, mà vô tình hay cố ý dẫn dắt đức tin của thiên hạ đi vào chỗ mê tín dị đoan, bùa phép ma thuật, hối lộ thần thánh, hủ tục vô lý…v.v. Và cũng chính vì ngộ nhận chánh pháp nên mưu cầu và hứa hẹn những điều không có thực. Thậm chí còn bị lôi cuốn và quay cuồng trong những chuyện hơn thua tên tuổi danh vị, vọng tưởng công đức, so đo công trạng .v.v..Vô tình ngày càng đưa mình đưa người vào những ngõ rẽ vọng tưởng, càng xa rời chánh pháp và sự giác ngộ. Tất nhiên trong cuộc sống này thì vẫn luôn có nhiều chư vị tăng ni, nhiều bậc tri thức, cư sĩ, thiện nam tín nữ đầy đủ phẩm chất, trí huệ sáng suốt, đạo đức khiêm cung, kiến thức rộng lớn, sẵn sàng dạy dỗ và hướng dẫn kẻ khác đi theo con đường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, con người thường sẽ không biết cái mà mình không biết. Ai cũng có những bộ lọc riêng, nên thường có xu hướng tìm nghe những gì họ thích nghe, tìm thấy những gì họ thích thấy. Không ai ngoại lệ cả, trừ khi sự hiểu biết và tu tập của họ đã được thực chứng trải nghiệm và vượt qua những nấc thang trở ngại đời thường này rồi. Nhưng đó cũng là những câu chuyện dài trong cuộc sống!

Thứ ba, nói về "Vô úy thí" (abhayadana). Nghĩa là nói đến sự che chở và bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp những sinh linh (người & vật) yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, không phương tiện tự vệ trước những bạo lực, lo âu, sợ hãi và chết chóc. Nhiều người dùng trí tuệ, tài lực, và ngôn ngữ của họ khuyên bảo an ủi động viên kẻ khác vượt qua những thời khắc khổ đau nhất hoặc khó khăn nhất. Đại khái là như thế, nhưng theo thiển ý của mình, đây là cấp bậc bố thí cao hơn và là sự kết hợp của hai dạng bố thí trước. Nhiều chùa chiền Bắc truyền ở VN đều thờ cúng Bồ Tát Quan Âm "cứu khổ cứu nạn". Có lẽ là biểu tượng của hình thức bố thí "vô úy thí" này. Để che chở hoặc bảo vệ cho sinh linh thoát khỏi cảnh khổ đau và sợ hãi cùng cực, có lẽ không còn ranh giới giữa "tài thí" hoặc "pháp thí" nữa, mà cần có một hành vi hoặc trạng thái tự nhiên hơn. Có thể phải đòi hỏi một khả năng kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để thực hiện công việc hiệu quả. Mặt khác cho dù nhiều người rất có thiện tâm, nhưng “vô úy thí” đôi khi không phải là những việc làm dễ dàng như cho đi một món đồ. Thậm chí có thể phải hy sinh cả cuộc đời hoặc bị ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ. Như trong đời sống hàng ngày, có lúc chúng ta nhìn thấy những nghịch lý gây ra biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau phiền muộn cho người khác, nhưng không phải ai cũng có đủ dũng khí, bản lĩnh, để lên tiếng bảo vệ lẽ phải và bênh vực cho kẻ yếu. Ngoài ra, bên cạnh tình thương, lòng kiên nhẫn và sự hy sinh, nhiều lúc còn đòi hỏi phải có trí tuệ và bản lĩnh mới thay đổi được những nghịch lý trong cuộc sống để bảo vệ kẻ yếu. Cho nên có lẽ vậy mà nhiều người đành lực bất tòng tâm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp biết sai nhưng chỉ vì một ít quyền lợi riêng tư, hoặc vì sự yên ổn của bản thân và gia đình, mà nhiều người đành phải chọn lựa giải pháp quay lưng với sai phạm, mà đúng ra họ phải đấu tranh để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng. Đó là một vài ví dụ thường gặp trong cuộc sống đời thường. Bản thân chữ Abhayadana có nhiều ý nghĩa sâu sắc trong các ngôn ngữ cổ xưa như Jainism, Prakrit, Hinduism, Sanskrit, Marathi. Bạn nào muốn tìm hiểu nên đọc thêm nghen. Thực ra, ngày càng già đi, mình mới hiểu ra rằng có nhiều thứ càng nói càng thiếu (hoặc càng sai). Chỉ có sự im lặng, suy gẫm, và tự nhiên cái hiểu sẽ đến !

Cũng không biết có phải vì sự hạn chế của ngôn ngữ mà nhiều vị thiền sư ngày xưa không chọn con đường thuyết giảng để truyền thừa đạo pháp cho các thế hệ sau ? Nhiều vị còn chọn phương cách “vô ngôn”. Nhìn lại lịch sử PG VN hôm nay, rất nhiều tổ đình lớn như Từ Hiếu, Từ Đàm, Thiên Ấn ..cũng như các vị cao tăng tên tuổi như Ngài Tịnh Khiết, Huyền Quang, Nhất Hạnh ... đều xuất phát từ tông Lâm Tế. Mà ngài tổ sư của tông Lâm Tế là Lâm tế Nghĩa Huyền có một câu nói rất nổi tiếng..."Đừng có bị lôi cuốn vì những cái áo. Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sanh, áo bồ đề, áo niết bàn, áo Tổ, áo Phật. Các ông có biết cái người mặc áo không? ”. Tất nhiên ai cũng hiểu điều mà Ngài muốn nói đến là - Chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái áo bên ngoài mà không biết “người” mặc áo. Thấy được chân tướng vấn đề mới là điều mà Ngài muốn chúng ta hướng đến. Thế nhưng thời nay biết bao nhiêu người làm được chuyện đó. Và làm "từ thiện" cũng là một chiếc áo đẹp !

Dông dài thêm một chút, VN mình lâu nay luôn cảm thấy may mắn và tự hào về tông thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Trúc Lâm Yên tử đã trở thành một biểu tượng tôn giáo và văn hoá hàng đầu của PG VN. Còn Tết nhất lễ hội, cúng mâm cúng quả, cầu phúc cầu tài thì khỏi nói rồi. Cả nước hiện nay có biết bao nhiêu chùa chiền thuộc nhánh Trúc Lâm, và có rất nhiều chư vị tăng ni, thiền sư khả kính, trí tuệ uyên bác. Và khi nói đến dòng thiền Trúc Lâm, ai ai cũng nói đến công lao của vị vua khả kính Trần Nhân Tông sáng lập ra. Tuy nhiên ít người nhắc đến Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh cả của Đức Thánh Trần Trần Hưng Đạo, và là người đã dẫn dắt, dạy dỗ vua Trần Nhân tông vào con đường tu học đạo pháp. Ông có viết quyển "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", do chính vua Trần Nhân Tông đích thân ghi lại. Rất hay, nhưng sau này cũng ít khi nghe người ta nhắc đến !

Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ là học trò của nhà sư Tiêu Dao. Trong cuốn "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", ông có kể lại rằng khi ngài Tiêu Dao (thầy của ông) đến nước ta để truyền giảng đạo pháp, Ngài ở trần không mặc áo, tay cầm cần câu không lưỡi, ngang nhiên đi vào kinh thành nhà vua. Hồi trước đọc tới đó, mình nghĩ cũng may mắn cho VN ta là Ngài Tiêu Dao sinh vào thời đó. Chứ nếu Ngài xuất hiện ở thời này mà không mặc áo, đi chân đất, lại không có chức danh, không trụ trì chùa nào, làm sao có cửa vào phủ chủ tịch ?

Biết ơn duyên lành !

PN

Friday, June 04, 2021

Giàn thiên lý đã xa .....


Mấy hôm nay nghe anh D kể lại thời thơ ấu, tự nhiên mình cũng đâm ra nhớ nhà. Hai thế hệ cách nhau khá xa, thời ảnh đi du học bên Tây thì mình mới vô mẫu giáo. Vậy mà vẫn còn đó
như in những địa danh, những con đường, và ngày tháng của một thời đã xa ...

Nào là Ngã Tư chính, nhà máy nước, phòng đọc sách, trường Mai Xưa, Tạ Từ đường, chợ Trời, cây xăng trong, cây xăng ngoài, tiệm giặt ủi, tiệm bán vé máy bay bà K, trường Chấn Hưng, Bồ đề, TQT .....cho đến những trò chơi xập xám, các-tê, bài cào ăn bao thuốc lá. Đúng là trí nhớ của anh giỏi thiệt. Chứng tỏ mấy cô gái châu Âu tóc vàng mắt xanh và "...chốn thành đô nhà cao cửa rộng" không đủ khả năng làm cho anh quên được hủ mắm cái quê nhà :-). Khâm phục !

Nhìn lại, quả nhiên thời gian qua nhanh thậtNhững câu chuyện anh kể nghe mới như hôm qua mà nay đã hơn nửa thế kỷ. Cũng nhân nhắc đến chuyện xa nhà nhớ quê, nhớ làng, nhớ bạn bè, nhớ người "em gái hậu phương", mình nhớ tới bài hát "Giàn thiên lý đã xa". 

Thời còn đi học, ở ký túc xá. Tối tối nhớ nhà, vài ba đứa rủ nhau ôm đàn ra ngoài hiên hoặc leo lên sân thượng, chuyền tay nhau từng điếu thuốc củi, ngồi đàn hát vu vơ .... Thời đó nhạc vàng thì phải nghe lén, nhưng nhạc tây 70+ thì vẫn còn thịnh hành. Vẫn còn Eagles, Abba, Bee Gees, Queen, Boney M, Carpenters, Lobo...v.v...Nhưng da diết và "nẫu ruột" nhất vẫn là bài "Giàn thiên lý đã xa" !

Mà nói tới thì phải ngã mũ khâm phục ông nhạc sĩ Phạm Duy. Từ một bài "Scarborough Fair" xa lơ xa lắc như vậy mà làm sao ông có thể đặt ra những lời nhạc "đốn tim" như thế ? Mình đã từng nghe đi nghe lại bao nhiêu lần Simon & Garfunkel hát Scarborough Fair. Hay thì có hay, nhưng đối với mình thì không thể "phê" bằng Thanh Lan hát "Giàn Thiên lý đã xa" được :-)....

Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà

Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa 

Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi 

Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi ...

Còn chuyện "nhớ thương mãi quê nhà", thì có khi chưa hẳn là nhớ mẹ nhớ cha, mà chỉ nhớ vu vơ vài em nào đó. Thời đó ai rời trường trường trung học mà lại chẳng từng “yêu” một đôi lần ? Có thể chỉ là thương thầm trộm nhớ ai đó, có "đồ chơi mang đến lại mang về". Hoặc mỗi ngày lớ ngớ thấy nhau chút, đứng bên dãy lớp này mà ngóng dãy bên kia là hạnh phúc rồi. Ngon lành hơn thì rủ nhau hẹn hò đi ăn chè ăn sinh tố coi phin, ghé Thanh Hương ăn chè ỉ, lục tàu xá... :-). Còn ngon hơn nữa thì nắm tay nắm chưng, ôm eo ôm iếc, đèo nhau đi sông Vệ, Mỹ Khê, Phú thọ ... hoặc đâu đó. Còn mấy anh ngoại hạng hơn nữa thì chắc cũng có, nhưng mình không biết hoặc chưa được nghe kể. Nôm na chỉ là thế, nhưng đi xa chút thì ôi thôi ướt át lãng mạn vô cùng. Còn như anh D đi ra nước ngoài, xa hơn nửa vòng trái đất thì còn "tan nát lòng nhau" đến dường nào. Cũng may là hồi đó chưa có phone, facetime, viber, zalo ....như bây giờ :-) .

Nhưng phải cảm ơn âm nhạc, vì chỉ có âm nhạc mới đưa chúng ta trở về chốn cũ một cách nhanh chóng nhất. Không có phi thuyền, tên lửa, máy bay supersonic...nào mà nhanh bằng âm nhạc. Chỉ cần một bài hát cũ cất lên hay một điệu nhạc quen thuộc trỗi dậy, là đủ để kéo theo cả một vùng trời ký ức ! 

Và tất nhiên là trong mỗi chúng ta ai cũng có một ngăn kéo tuổi thơ riêng biệt. Cho dù mỗi người có trãi qua khác nhau những khổ cực nhọc nhằn vật chất hoặc bất công bất hạnh của gia đình & xã hội, thì trong ngăn kéo đó đều có những kỷ niệm ấm áp và trân quý dành riêng cho chính họ. Nhớ có ông nhà văn nào đó nói là "Ký ức tuổi thơ là những giấc mơ còn đọng lại sau khi thức giấc", cho nên mấy anh mơ nhiều thì ký ức tuổi thơ sẽ còn đọng lại nhiều hơn :-).

"It's never too late to have a happy childhood". Thôi chúc mấy anh chị luôn bình an hạnh phúc. Mong mùa dịch chóng qua, lại rủ nhau về quê ôn tập chuyện ngày xửa ngày xưa.

Ôi, giàn thiên lý đã xa, tội nghiệp (những) thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà.... 

PN