Showing posts with label Thơ văn. Show all posts
Showing posts with label Thơ văn. Show all posts

Thursday, December 29, 2016

Cuối năm nhớ nhà ....

Về quê

Đò ai neo bến xưa chưa cũ
nắng rọi hàng tre mới trổ lên
lững lơ con nước buồn tênh
ầu ơ ... sáo sậu chiều quên ngõ về

Xa nhà tự buổi hoa cau trắng
rụng rớt bờ môi tím nỗi đau
chỉ là đưa mắt nhìn nhau
buồn rơi đáy nước bấy lâu đợi chờ

Nay về trở lại giòng sông cũ
vẫn tiếng dầm khua mái nhẹ khoan
Đôi bờ xa lắc lo toan
bàn chân nhúng nước hai hàng rưng rưng

Ta, kẻ xa nhà theo cơm áo
hồn nhiên thơ vui kháo chuyện đời
sao rằng thấu nỗi chơi vơi  ?
Em, phù sa mặn lở bồi quanh năm

Nhìn về cửa Đại xa xăm
thương con bống lạc âm thầm trôi xa
nửa đời lưu lạc bôn ba
sông soi bến cũ nhạt nhoà chiêm bao ...

PN


Wednesday, December 28, 2016

Cuối năm

Lận đận năm chầy nữa
Sinh nhai ngọn gió rừng
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương

(Tuệ Sỹ)


Saturday, November 19, 2016

Tạ ơn ai ?



Cứ đến mùa lễ Tạ ơn, mình lại nhớ đến bài thơ này:


Tạ ơn ai ?

"Mẹ ơi, đừng đánh con đau ,
Để con bắt ốc, hái rau Mẹ nhờ....."

Ngọn roi nào Mẹ đánh
Con quên đã tự khi nào.
Chỉ còn những giấc chiêm bao
Nửa đêm con khóc, ngọt ngào Mẹ ru

Tô canh mướp đầu mùa hoa trổ
Vàng tuổi thơ nắng đổ sau hè
Chích choè thôi hót nằm nghe
Ầu ơ võng nhịp, chén chè bắp non

Một đời tần tảo nuôi con,
Ống cao ống thấp, bống còn đụt trôi !

Chén cơm Mẹ chưa từng con thổi
Huống chi là bắt ốc hái rau
Cuối mùa trái bắp khô râu,
Búi ai tóc bạc trổ màu nhớ thương

Cây roi không đánh mà đau
Ca dao ai hát, mà lau hạt buồn ?
Nồi cơm thơm phức nàng Hương,
Nhớ tô canh mướp mờ sương dụi hòai

Hôm nay, ngày lễ Tạ ơn
rưng rưng xứ lạ
chạnh lòng
... tạ ai ?

PN

Tuesday, November 15, 2016

Tiến-bộ và Thơ

Con Suối Nhỏ từ nguồn xa uốn-éo, qua rừng qua đồi để xuống đây, thấm mát đất của nhiều làng-mạc, nhưng chỉ có làng Tân-Nhuận nầy là nhờ cậy nó nhiều.
Trên kia là những lâm-thôn, người dân sống nhờ rừng chớ không canh-tác như làng Tân-Nhuận.  Làng Tân-Nhuận lại canh-tác hai mùa, mùa khô, thiếu nước, làm ruộng không được, họ trồng thuốc lá, tỉa đậu-phộng, đậu xanh, những thứ nầy ít đòi hỏi nước hơn lúa, nên con Suối Nhỏ đáp-ứng được nhu-cầu của làng.
“Suối” là tên chung, “nhỏ” là tĩnh-từ, nhưng hai tiếng ấy nhập lại, biến thành tên riêng của con suối để phân-biệt với Suối Sâu ở xa mãi trong kia.
Ngày xưa, con Suối Nhỏ khảy đờn nghe hay lắm, nhưng từ năm xa-xôi là năm 1920 dân làng đâm ra siêng-năng hơn, canh-tác hai mùa thì tiếng đờn suối rỉ-rả bị tiếng xa-nước lấn-át đi.
Xa-nước là những bánh xe thô-sơ, đường trực-kính độ bốn thước, „ví“ của bánh xe nằm ngang trên hai cây đà lõm mặt và hai cây đà nầy lại nằm trên một cái giàn cao bốn chơn, có hai chơn trồng ở một bờ suối.
Bánh xe có gắn vĩ tre đan, mỗi vĩ kèm theo một ống tre dài độ hai gang tay.  Sức chảy của nước suối xô vĩ tre nói trên, làm quay bánh xe, nó quay được nhờ „ví“ của bánh xe lăn trên hai cái đà mặt lõm.
Bánh xe quay, những ống tre ngắn múc nước suối đem lên cao, rót vào một máng xối làm bằng nửa thân một cây lồ-ồ lớn, máng xối nầy do nhiều thân cây tre nối lại, chạy sâu vào các ruộng xa bờ và tưới đất một cách sương-sương vì ống tre múc nước ít lắm.
Ví bánh xe nghiến răng trèo-trẹo tối ngày sáng đêm vì xa-nước một khi đặt xong là hoạt-động liên-tục không ngừng được nữa, cho đến khi nào vật-liệu mục-nát mới thôi.
Ống tre múc nước lại được gắn nằm ngang từ mặt suối lên tới máng xối, nước rơi trở xuống hơn phân nửa, mà mỗi xa-nước mang ít lắm là hai mươi ống, nơi con suối chảy qua làng mọc lên hơn năm mươi xa, thì tiếng nước rơi với lại tiếng ví nghiến vào gỗ làm náo-động cả làng lên, con suối làm sao mà du-dương được nữa!
Thực-hiện kế-hoạch đặt xa-nước xong, dân làng chia ngay ra làm hai phe, một phe rất hài-lòng vì sanh-kế của họ được cải-thiện, phe thứ nhì bất-mãn lắm vì con suối kém vẻ thơ-mộng.
Chim-chóc thấy vật lạ khả-nghi, ngỡ đó là một loại bẫy mới, rất nguy-hiểm, lại thêm những tiếng động mà chúng mới nghe lần đầu trong đời chim, làm cho chúng hoảng-sợ, đào-ngũ, xa làng Tân-Nhuận.
Bấy giờ làng có vẻ sống hơn nhờ ruộng khô xám vào mùa nắng, lại nhuộm màu xanh mát, nhưng đồng-thời cũng có vẻ chết hơn vì không còn tiếng chim nữa.
Nhưng rồi họ quen lần với sự ồn-ào và chấp-nhận tình-trạng mất yên-tĩnh của cái thôn hẻo-lánh nầy.
Cho đến năm 1944 thì một biến-cố xảy ra.
Một đứa con hoang trong làng đi làm ăn ở Sàigòn và tưởng nó đi mất luôn, lại dẫn xác về quê để lánh-nạn bom.
Nó có một mảnh đất con, vốn là của phụ-ấm, mà nó bỏ-phế cho ai muốn làm gì thì làm, nhưng đất nó ở trên gò cao, nên cũng chẳng ai buồn làm gì hết, cứ để cho tranh mọc, và để cho đất “lợi” rừng.
Hình như nó không thành-công ở Sàigòn, nên về quê, là nó bay nhảy ngay để kiếm ăn, bởi không có dư.
Nó làm đủ thứ công-việc tranh với người Tàu để chiếm độc-quyền đậu xanh trong vùng, nhưng vốn nó ít quá, nó lại chiến-bại.
Một hôm, người ta thấy nó đi viếng từng nhà trong làng, nói đúng ra, viếng từng chủ xa-nước để thuyết-phục họ chung đậu với nó đặng đấp đập ngăn nước suối.
Theo lời “Cậu Ba” thì một cái đập bằng đá, giá không cao hơn năm mươi cái xa bằng gỗ tạp và bằng tre mà lại dùng đời đời không hư.
Đập lại không gây tiếng động như xa-nước, mà cũng không choán nhiều chỗ quá trên dòng suối như năm mươi cái xa trong làng.
Luận-điệu của „Cậu Ba“ rất vững nhưng không được ai hoan-nghinh hết.
Ngày xưa, cái ông bày ra cái vụ xa-nước, đi du-thuyết nghe cũng đê-mê như Cậu Ba bây giờ nhưng chừng xa-nước được thiết-lập xong, họ mới thấy là có cái gì không ổn trong việc đồi mới.  Chơn trời quen thuộc của họ khác đi, nó khác đi đôi chút cũng không sao, nhưng dân quê rất không ưa sự đổi mới: khác một chút xíu, họ cũng nghe khó chịu.
Phương-chi xa-nước rẻ tiền lại dễ phá-hủy, còn đập đá mắc lắm, mà phá rất khó-khăn, rủi nó gây chuyện không ổn nữa thì sẽ ra sao?
Cậu Ba không khác một Trương-Nghi, một Tô-Tần đời Chiến-Quốc, không nản-chí và cứ uốn ba tấc lưỡi để tranh-đấu cho cái đập của cậu, bởi có xây đập thì nước mới lên tới mảnh đất gò của cậu, chớ nước mà xa múc lên, nó bị các đám ruộng khao-khát dưới nầy uống ráo-nạo ngay tức-khắc.
Cậu Ba trổ tài hùng-biện trong một tháng là nên việc, nghĩa là góp đủ tiền để xây đập.
Đập nầy gồm hai trụ đá xanh có khe, trồng đứng hai bên bờ suối.  Người ta thả lọt vào khe những tấm bửng đá, mỗi tấm dài bằng bề rộng của con suối và cao bốn tấc.
Hơn một chục tấm bửng chồng-chất lên nhau, nhưng ba tấm bửng ở trên hết bằng gỗ da đá cho nhẹ, hầu dễ dở lên, khi nào nước ứ-đọng nhiều quá, cần tháo bớt ra.
Năm mươi xa-nước có sẵn cũng đã tới tuổi về hưu rồi và sắp được gầy-dựng lại, nên không ai tiếc mà phá-hủy để lấy gỗ làm củi chụm.
Cậu Ba làm to chuyện, mời hương-chức hội-tề và các bực kỳ-lão trong làng khánh-thành cái đập bằng nghi-lễ cúng-kiếng và sau đó thì yến-tiệc linh-đình không kém cúng kỳ-yên chút nào.
Và tấm bửng đầu-tiên được thả vào khe đá hồi năm giờ chiều, sau bữa tiệc giữa đồng.  Người ta muốn cho cái đập âm-thần làm việc ngăn nước ban đêm, để sáng ra thì một cảnh-tượng ngoạn-mục diễn ra dưới mắt dân làng là bao nhiêu đồng khô cỏ cháy trong làng vào mùa nắng nầy, đều biến thành biển nước, khi hừng đông ló dạng, và họ cho nước ngâm đất độ vài ngày là tha-hồ mà canh-tác, khi tháo nước ra.
Thỉnh-thoảng, độ một tuần một lần, họ lại chận đập bằng mấy tấm bửng gỗ ở trên, và nước lại tràn vào đồng khô, ruộng cháy.
Viễn-ảnh đất cháy biến thành viên-lang làm cho cả làng đều phấn-khởi, tuy-nhiên trong thâm-tâm, họ vẫn lo-lo, ngài-ngại, họ không ý-thức rõ-rệt tai-hại nào sẽ xảy ra, nhưng linh-cảm rằng sẽ có cái gì không được hay lắm.
Lần nầy, dân làng cũng chia ra làm hai phe, một phe đề-cao sáng-kiến của Cậu Ba như là một phát-minh vĩ-đại, phe thứ nhì cứ làm thinh, không phản-đối vì họ cũng chẳng biết cái gì sẽ xảy ra, nhưng không hoan-nghinh vì trực-giác của họ thì-thầm cho họ nghe những ức-doán không được tươi sáng lắm.
Suốt tuần-lễ đầu, phe theo mới reo hò đắc-thắng vì đất của ai cũng im mát và cây mới trồng, mọc lên gần như trông thấy, cứ đầu hôm sớm mai, là nó cao thêm hơn một phân tây.
Đám đất chó … ể của Cậu Ba cũng hóa ra đất trồng-trọt được, ngang hàng với bất-kỳ đất nào, và cậu trồng thuốc lá, giống An-Giê-Ri, là giống thuốc cho lá rất được giá.
Chim-chóc lại trở về, và có lẽ sự hồi-cư của loài có cánh mới đánh dấu thật-sự sự hồi-sinh của đất cháy.
*
*       *
Dân làng lại được thêm một “thắng-cảnh”.
Thắng-cảnh là danh-từ của Cậu Ba, chớ nông-dân không gọi “cái đó” bằng gì cả.
Đó là một cái thác.
“Thác” cũng là danh-từ của Cậu Ba, cậu phóng-đại-hóa cái giọt nước từ trên đầu bửng rơi xuống, khi mực nước đọng cao hơn cái bửng cuối-cùng.
Giọt nước nầy mỏng như một bàn tay, rộng ba thước, tức bằng bề ngang của con suối và cao một thước tám.  Nó rơi xuống nền đá xanh dùng làm mống cho hai cây trụ đá và cho tấm bửng đá nằm ở dưới hết, tấm bửng chịu đựng.
Chạm phải chất cứng, nước bắn lên, trắng xóa, xem cũng khá ngoạn-mục đối với những người cả đời không có gì hay-ho hơn để mà xem.
Thác cũng làm ồn thật đó, nhưng nó chỉ làm ồn có một nơi thôi, chớ không gây náo-động khắp làng, dài mấy cây-số, như năm mươi cái xa-nước trước kia.
Và điều nầy hay hơn hết là làng khô-cằn nầy đã có cá, lần đầu-tiên, từ thuở tạo-thiên lập-địa, mà lại là thứ cá ngon nhứt nước nữa là đằng khác.
Có vài loại cá nước ngọt, nhưng không thích ở sông, mà chỉ ưa các dòng nước chảy mạnh, tức là các con suối thôi.
Nước suối trong veo, và người ta thấy chúng lội ngược dòng suối, nhanh như cắt, và cả đời chúng, hình như chúng không có làm chuyện gì khác hơn là lội ngược dòng.
Cái đập – mà dân làng đặt tên là đập Cậu Ba –  tạo thêm một thứ hố nhỏ, trong đó nước chảy chậm lắm vì chỉ có lớp nước trên mặt là vượt bửng để rơi thành thác, còn khối nước ở dưới hóa thành nước đứng.
Hoàn-cảnh mới lạ ấy biến-đổi thói quen của loài cá lội ngược dòng, chúng không lội nữa, mà chỉ lượn thong-thả trong cái hồ ấy thôi.
Cá suối, tuy cũng là cá nước ngọt như cá sông, song lại ngon hơn nhiều, và dân của cái làng ven lâm nầy, cả đời không hề cầm đến cây cần câu lần nào, bỗng biến thành Lã-Vọng thối-thân hết ráo.
*
*       *
Phe nguội lạnh với cái đập đã bắt đầu khó chịu, mặc-dầu họ cũng hưởng những cái lợi do đập đem lại: nước tưới dồi-dào và cá ăn không muốn hết.  Nhưng họ không ý-thức được rõ-rệt nguồn-gốc của sự khó chịu ấy, và nhứt là không diễn-tả được cái “thấy” mơ-hồ của họ.
Có một người trong đám đó, đám thiểu-số, một hôm bỗng chợt nhận-định được chuyện không hay rồi giựt mình.
Hắn giựt mình rồi hắn buồn, rồi hắn băn-khoăn gần như đau-khổ.
Người đó là Cậu Ba.
Dĩ-vãng của Cậu Ba hoàn-toàn bí-mật đối với dân làng.  Cậu Ba bỏ làng đi Sàigòn tìm sanh-kế, nhưng sỡ-dĩ cậu chiến-bại vì cậu là một con người mơ-mộng viễn-vông, chớ không thực-tế chút nào.  Cái đập “Cậu Ba” có lẽ là một việc thực-tế đầu-tiên và cuối-cùng trong đời cậu.
Cậu Ba làm áp-phe, nhưng lại thích làm thơ đăng báo hơn, mà thơ đăng báo thì không có tiền nhuận-bút.  Cậu là thi-sĩ tối-tăm vì tài thơ non kém, tuy-nhiên hồn thơ của cậu cũng phong-phú như bất-kỳ hồn của nhà thơ lỗi-lạc nào.
Trước đây, bờ suối đất triềng và thấm nước suối nên cỏ non xanh mát trải thảm hai bên bờ.  Suối lại trong vắt suốt năm nhờ nước thoát, bao chất bẩn bị tống-khứ ra sông hết cả, dòm dưới đáy suối thấy sạn trắng khiêu-vũ trên sàn cát mịn mà mê.
Giờ con suối đã hóa thành ao tù, nước đục ngừ, cát đâu không thấy mà chỉ thấy dưới đáy rêu đặt xanh đậm đen.
Hai thảm cỏ ở hai bờ suối chìm mất từ lâu và thỉnh-thoảng vài tấm bửng phía trên được giở ra để tháo bớt nước thì bờ suối lại phơi bày hai bãi bùn đen vì đất bờ bị ngâm nước đục lâu ngày.
Con người văn-nghệ là Cậu Ba rất không ưa cái gì không đẹp.  Cậu dám bỏ cả hai, ba áp-phe ăn chắc trong tuần-lễ nào mà cậu say-sưa một tứ thơ, gieo vận mãi chưa tròn, thì được một con cá trong bữa ăn, được vài sào thuốc lá An-Giê-Ri không có nghĩa gì cả đối với con suối thần-tiên mà hình bóng được cậu mang theo xuống Sàigòn và vẫn giữ mãi trong lòng suốt mười mấy năm lăn-lóc trong một không-khí ngột-ngạt chất xăng cháy không hết, xông hơi lên đầy bầu trời.
Cậu Ba nhớ rõ là cậu đã bỏ làng vài năm sau khi người ta dựng lên những cái xa-nước phản thơ, nói là để đi kiếm ăn thì cũng đúng sự thật, mà trong những nguyên-do nó xui cậu bỏ làng, những cái xa-nước kém thẩm-mỹ ấy đã âm-thầm dự-phần rất lớn.
Cậu Ba băn-khoăn và hơi đau-khổ như vậy được một năm thì “họa” lại đến với cậu.
Danh-từ “họa” cũng là của cậu, chớ người khác không coi đó là một vấn-đề.
Ở hướng Đông miếng đất của cậu, còn hai cây me cổ-thụ trồng đâu hồi đời ông nội của cậu.  Ở miền Nam, có lẽ cây me là loại cây đẹp nhứt chăng ?  Không biết, nhưng riêng cậu Ba, cậu thấy rằng đó là hai nét thơ hiếm-hoi còn sót lại quanh cậu.
Chỉ phiền là hai nét thơ ấy nó che nắng sớm, làm cho đám thuốc của cậu èo-uột cả mùa.
Đốn hai cây me già mà tàng rất lớn ấy là việc canh-tác của cậu sẽ cho kết-quả rực-rỡ.
Cậu Ba lại băn-khoăn, lại đau-khổ.  Đó là hai người bạn đã chứng-kiến cậu lớn lên trong làng, và có lẽ ngày kia sẽ chứng-kiến người ta khiêng cổ hòm cậu ra bãi tha-ma.  Cậu đã làm thơ ca-ngợi hai người bạn ấy mà hằng năm thay lá như hai cô thôn-nữ đổi áo cũ, khoác áo mới may vào dịp Tết.
Cậu Ba chỉ còn có mỗi một sanh-kế nầy thôi nên cậu không thể phớt đi như đã “phớt ăng-lê” trước bao nhiêu vụ khác, và nghĩ-ngợi mãi, cậu chợt thấy cái sự thật nầy : là con người thời nay cứ đứng trước một tình-thế có lẽ xảy ra hằng ngày, là : lựa chọn.
Vâng, họ phải chọn một, giữa hai, bất-kỳ về vấn-đề nào cũng thế cả.  Cái thời yên-ổn ngày xưa mà con người muốn lươn-ưon mãi cả đời cũng cứ được, cái thời ấy đã qua rồi.
Bây giờ, hễ ta đứng yên thì bị những làn sóng người ở sau lưng ta xô tới, ta phải quyết-định mà quyết-định cấp-tốc nữa không thời chết.
Sở-dĩ cậu đã chiến-bại ở Sàigòn vì cậu không có can-đảm chọn : miệt-mài, chịu đói để thành thi-sĩ hữu-danh, hoặc bay nhảy để hốt bạc.  Cậu hoạt-động trong ngành nào cũng với rất ít tin-tưởng.
Phải chọn giữa thơ và cơm, không thể cả tham bắt cá hai tay, mà cũng không thể giỡn chơi, cầu vui với hai thứ đó.
Cậu Ba đã thấy con lươn “thơ” vuột khỏi tay cậu, cố nắm cũng không được, không phải vì con lươn có thân mình quá trơn, mà vì cậu bận nắm con cá thứ nhì, khả-năng của cậu bị phân-tán đi.
Phải chọn.  Cho đến việc lặt-vặt như là mua một hộp diêm mà còn phải chọn thì chuyện lớn không làm sao mà nhắm mắt làm bừa được.
Hộp diêm một đồng, hình xẹp, bỏ túi không cộm, nhưng số que diêm trong ấy lại không bằng phân nửa số que của hộp diêm hai đồng.
Mà loại nào, loại một đồng hay loại hai đồng gì, cũng nên mua trong hiệu vì chỉ trong đó người ta mới bán giá chánh-thức, còn mấy cô bán thuốc lẻ, luôn-luôn họ xin thêm năm hào.
Cậu Ba nhớ rằng lúc ở Sàigòn, cậu đã phải chọn như thế.
Thế-kỷ nầy không phải là thế-kỷ hai mưoì, thời-đại nầy không phải là thời-đại nguyên-tử.  Đây là kỷ-nguyên CHỌN.
Kể từ lúc bắt gặp sự thật trên đây, Cậu Ba nghe lòng thanh-thản lạ-kỳ.  Tuy cậu chưa biết nên chọn Thơ hay Cơm, nhưng ý-thức được rằng phải chọn một trong hai thứ, ý-thức ấy giản-dị-hóa bài toán bể đầu của cậu.
Cậu khỏi băn-khoăn gì nữa cả : chỉ có bỏ hai thứ lên một cái cân tưởng-tượng mà cân là xong.

 BÌNH-NGUYÊN LỘC

Monday, November 14, 2016

Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khốn


Đối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên. Không nhắc đến bọn tục, bọn tỉnh, bọn khôn suốt cả đời chẳng một giây nào thèm "thơ" đến tuyệt vọng, nói ngay những người quí ông - nhìn được ông như một thiên tài, thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt nam hiện đại - nhiều khi cũng né tránh, chẳng dám bước hẳn vào cõi thơ ông, hoặc có bước vào thì cũng theo cái lối "chân trong chân ngoài", "mắt trước mắt sau", cười cợt vui đùa hay nghiêm trọng lố bịch, tưởng như thế là làm thuận ý, vui lòng nhà thơ - người bầy trận nghiêm trọng và ta nên chiều người.

Chính thái độ của những kẻ yêu ông, những kẻ ghét ông chẳng đáng nói, càng khiến ông phát "bẳn", càng khiến ông phát "điên" (điên tiết), càng khiến nhà thơ thêm lạc lõng, "một mình một cõi", càng đẩy ông tới chốn hoang vu bờ bãi, chơi với mọi với beo, với gấu, với châu chấu, chuồn chuồn.

Không. Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ "ngộ". Đừng hiểu chữ "ngộ" trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo, Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hoà ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy "phiêu bồng" từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có: (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc...)

Từ buổi đầu Bùi Giáng đã nói :

Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em

Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thuỷ
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là uỷ mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh

Em đứng mũi chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
(Phụng Hiến)

Bùi Giáng đó, Bùi Giáng của Mưa Nguồn "bát ngát" mặc dù những "đảo điên" không ngớt, còn nguyên vẹn đến giờ nếu chúng ta gặp Ông đúng lúc.

*

Muốn gặp Bùi Giáng hãy ngao du theo dấu chân Ông để lại, hãy đánh mất mình trong cuộc Lữ, hãy chịu cuồng si để sáng suốt. Nghĩa là hãy "thơ mộng" như Ông.

Chẳng khó khăn lắm đâu.

Hầu như Ông đã mở sẵn những cửa mời gọi kẻ đồng điệu.

"Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luân lý, không được "bốc đồng" vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy."

"Thơ tôi làm (...) trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác.
Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cách tay mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm bay về Sương Hy Lạp, nghé Calvaire viến thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao..."

"Hãy để yên cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hoài vọng. Một mai tôi chết. Nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống... Người yêu đừng bén mảng đến, bạn bè hãy đi xa. Để tôi một mình tha hồ tôi điên tôi dại. Ai có đến gần thì hãy thử điên dại cho như tôi..."

"...Ông Whitman ôi. Tại hạ làm thơ nửa phần giống thơ ông, nửa phần giống thơ ông Dylan Thomas, nhưng giống theo một thể thái bê bối đười ươi, chứ không có được cái phong đọ tiên thiên cốt cách. Vậy bây giờ tôi cố gắng làm một bài thơ rất mực cốt cách tiên thiên để tặng ông chơi một trận. Tuy nhiên càng hì hục bắt chước tiên thiên càng lộ ra cái nết na đười ươi phong thói. Vậy tôi xin ngậm ngùi dừng bút, chẳng dám ký tên dưới tờ thư cay đắng."

Không có ai có thể nói về thơ Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, bởi chẳng ai ở đây đã sống thảm hoạ trần gian thu trong thảm hoạ thơ hơn ông. "Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài ấy là đạo vậy".

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Đó là mở phơi hào hứng một thời - như Whitman, "kẻ rỡn như ông già bơi đua cùng lũ trẻ và chịu thua lũ trẻ"

Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua
Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu giao suốt cõi mù sa trên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô

Đây là phiêu bông "thơ dại nhất và sầu u nhất" - như Dylan Thomas.

Whitman kẻ mở, Dylan Thomas kẻ đóng, một chân trời. Kẻ say với "lá cỏ", với "phố thi", với "ta"; kẻ say với cơn chết, giọt sầu, với huyễn hoặc.

*

Nhưng còn chúng ta? Chúng ta nghĩ gì về thơ ông?

Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc bảo nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông.

Hãy để ông nghĩ cho chúng ta về những gì chúng ta có thể nghĩ tới và cả những gì chúng ta không thể nghĩ tới.

"Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuổi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ."

"Cái thói học đòi vá víu thông thái đã âm thầm giết chết mất máu me thân thể chúng ta. Hết chạy theo đuổi ông Camus, tới chạy theo đít bà Simone Weil, rồi xô ùa chạy theo giò cẳng ông Krishnamurti... Đó chính là cái cõi của lai rai thượng thừa, của bê bối tối hậu. Tới bao giờ mới chịu đi về giũ áo đười ươi? Hỡi những thằng trung niên thi sĩ, và hỡi những đứa chẳng thi sĩ trung niên..."

"Nghĩ cũng dị kỳ thật. Người Việt nam vốn là người thơ mộng thi sĩ nhất thế giới (chỉ riêng cái màu da vàng Việt nam thôi cũng đã thơ mộng hơn mọi màu da đen hay trắng) thì người Việt nam lại chẳng bao giờ đọc thơ Việt nam, lại luôn luôn chút hết cõi lòng thơ mộng của mình cho những thứ sách vở hổ lốn tạp pí lù ở đâu đâu. Lại chạy đi si mê những da trắng Marilyn, những da đen Phi châu chiêm bao bờ cỏ. Làm bao nhiêu câu thơ thơ mộng lại đem gán hết cho châu chấu chuồn chuồn. Ẩn ngữ gì mà đoạn trường ra như thế".

"Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn".

Chúng ta hãy chịu chói lọi trong tan nát giữa trận đồ của Bùi Giáng. Mọi điều Bùi Giáng đều nói, chẳng bao giờ hết, nhưng chẳng thể ngậm miệng, nên chúng ta cứ việc ngậm miệng, si mê và chúng ta sẽ được nghe. Nghe bát ngát, nghe phiêu bồng, nghe tới cõi im ông trốn lảng, lượn vòng.

*

Đừng tưởng Bùi Giáng điên, cũng đừng tưởng Bùi Giáng rỡn, mặc dầu có lần ông tuyên bố là ông thích bày "cuộc vui".

Bùi Giáng là một nhà thơ trầm trọng:

"...Như Lai rỡn từ bi, Jesus Christ rỡn bác ái, Sophocles rỡn trang nhã, Thâm trầm kỳ nguyệt, Euripide rỡn ẩn ẩn hiện hiện, Ngoạ Long Sinh rỡn u rùng, Kim Dung rỡn bất tuyệt, Hồ Dzếnh rỡn nên thơ chân thiết, Tú Mỡ rỡn như đười ươi, Shakespeare rỡn như Phượng Hoàng, Nietzsche rỡn tan tành xương máu, Gide rỡn lúc giật lúc buông lúc chùng lúc thẳng, Tô Man Thu rỡn não nùng đốt cháy máu tim."

Còn Bùi Giáng?

"Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn và cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài, đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy... chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh..."

Rỡn trầm trọng là Bùi Giáng, rỡn đầy thảm hoạ, rỡn khắp mặt thế giới như Tôn Ngộ Không - Ngộ Không nhảy trên bàn tay của Quan Âm (Quan Âm biến thành Phùng Khánh, Trì Hải, Marilyn, Brigitte, Kim Cương, ba cô mọi bên bờ Phi Châu...) chỉ vì "Người tư tưởng không còn dám viết gì về tư tưởng nữa."

Bởi rỡn trầm trọng nên:

"Chúng ta phải để cho thơ Xuân Diệu rúc vào trong tuỷ xương mình. Vì y đủ thói bông lông thắm thiết của con người thượng đạt. Y trẻ dại, y lăng nhăng, y nói tới nỗi đời rồi y xoá đa đoan dâu biển. Y hồn nhiên giũ áo, nắm lấy cung cầm Tăng Điểm đánh lên giữa mùa Xuân..."

Nói vậy nhưng Bùi Giáng chẳng bao giờ là Xuân Diệu. "Tây Phương, Đông Phương cổ kim không có một nguồn thơ sánh kịp". Cứ chịu khó theo ông "đi vào cõi thơ", đi vào "thi ca tư tưởng" mà nghe ông bình thơ, mà nghe ông "Ngàn thu rớt hột" nghe "Sa mạc trường ca". Và hãy nhớ lời dặn dò này:

"Đi vào cõi tư tưởng, chúng ta luôn luôn phải lưu ý tới cái lối ăn nói nghịch lý của người tư tưởng. Họ nói một đường để ta suy ra một ngả."

Sở dĩ Bùi Giáng trầm trọng, bởi nơi ông cả cái kiếp hoạ của thơ đang diễn: hồn thơ đang bị vây khổn. Bị vây khổn bởi "tư tưởng", bởi "văn". Thơ muốn bay thoát, chấp chới như những cánh chuồn chuồn giữa trời. Nhưng đâu là tổ chuồn chuồn đây? Nào ai biết. Bùi Giáng cố muốn biết, cố săn đuổi tới cùng.

Nhưng chuồn chuồn báo hiệu trời sắp mưa. Một trận mưa nguồn thuở cũ, Bùi Giáng mơ màng chăng? Ông Bùi Giáng ơi, Tang Phượng đâu? Trang Phượng đâu? Sau trận mưa nguồn kiếm nàng giáp cúng trận đồ ông chẳng thấy. Chỉ thấy trở đi trở lại hoài đây đó hai câu của Hồ Dzếnh:

Thơ về nắng sáng lừng bay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra.

Đến đây coi như tạm đủ, nói thêm đến bao nhiêu nữa rồi cũng vẫn là tạm. Tạm với Bùi Giáng. Tạm với chúng ta. Tạm hết.

Chỉ mong một lúc nào bạn "ngộ" cõi thơ kia.

"Đi vào cõi thơ". Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín..."

"Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai."

"Anh lùa bò vào đồi sim trái chín? Một mặt anh lưu tâm đến trái chiếu cố cho những con bò, đừng để chúng lạc lối vào sâu trong rú rậm rồi mất lối trở ra... Anh thong dong ngồi xuống một gốc cây sim. Anh có thể chọn một gốc cây sim già, hoặc sim trẻ, hoặc một cây sim sử lịch nào vốn đã từng chứng giám một u tình của một Hoàng hậu Phèdre xưa kia."

"Rồi anh dần dần mở cõi. Đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là... tránh cái lối bưng bít..."

"Đó là điều kiện cần và đủ, không ai buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh."

"Ta ngồi dưới gốc cây sim, lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi."

"Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm với một trái sim riêng rẽ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng. Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền".

(Thanh Tâm Tuyền)

Sunday, November 13, 2016

Người Thầy Học Cũ

Y gặp lại người thầy học cũ một ngày mưa lớn. Con đê chạy dọc hữu ngạn sông Đáy chỗ đó là giữa quãng Ba Thá, Vân Đình. Đường lầy. Kẻ đi ngược, người về xuôi. Cuộc kháng chiến gian khổ thu lại trong giây phút gặp gỡ bất thình lình một nỗi tủi mừng rưng rưng và cái hình ảnh buốt lạnh của con đường dài thẳm, trùng điệp hầm hố dưới mưa bụi trắng xóa. Xa xa dấu vết những làng xóm tiêu hủy còn lại.
Hai thầy trò nắm chặt tay nhau, mưa vẫn đổ lớn – cùng chạy đến trú dưới một gốc cây. Nhiều năm tháng qua đi từ ngày bỏ trường lăn mình vào cuộc đời, bây giờ Y đã lớn, đứng cạnh thầy cao hơn thầy hẳn một cái đầu. Thầy thì tuổi già đã làm cho thân hình nhỏ lại. Nhưng giữa hai người vẫn không có sự thay đổi. Người thầy vẫn vững chãi và tự tin hơn. Thái độ gương mẫu và che chở bên trong cửa lớp ngày nào Y vẫn nhận được.

“Thầy ở đâu xuống?”

“Tôi ở Ba Thá xuống”.

“Thầy vẫn dạy học”.

Người thầy học cười hiền lành:

“Phải, tôi vẫn dạy học nhưng trường làng vừa bị bom đốt cháy chiều hôm qua. Hôm nay tôi phải về Ty báo cáo. Ty ở dưới Vân Đình. Tôi mất hết, chỉ chạy được những cái này.

Những cái này: một cái bị cói, mấy bộ quần áo nâu và một cái gậy trúc.

Y nhìn cái cơ nghiệp nhỏ nhoi vô nghĩa, những đồ tùy thân cuối cùng còn sót lại của một cuộc đời đạo đức và liên tưởng tới hai hình ảnh: vị chân tu của một thời đại nào đi truyền bá trong khổ hạnh những tư tưởng đẹp cho nhân loại và hình ảnh một con đường mưa bay, buổi chiều xuống trên liên khu rộng lớn, người thầy học cũ lại một mình bước đi trên con đường đó mang trên mớ tóc bạc cái nghề đạm bạc cao quý, mang nặng nó trong đêm tối và mưa bão.

Mưa vẫn đổ lớn. Hai thầy trò đứng sát vào nhau hơn. Thầy nhìn trò, gật đầu:

“Các anh đổi thay nhiều lắm. Trưởng thành cả rồi. Nhưng mà ở đâu và bao giờ các anh vẫn nhận ra tôi, tôi vẫn nhận ra các anh. Anh thì vẫn còn nguyên vẹn cái nhìn lơ đãng ra ngoài cửa lớp những buổi trưa mùa hạ”.

Y trả lời:

“Vâng, con vẫn thế. Con vẫn nhớ con như thế”.

Giọng thầy trầm trầm trong tiếng mưa đổ rào rào:

“Chúng ta vẫn thế”.

Đôi mắt sâu của thầy nhìn xuôi theo con đường dài, qua màn mưa về tận cuối đường, xa hơn cái xa của cuối đường:

“Chiến tranh đổi thay hình thể những ngả đường trên đó chúng ta đi. Tất cả trở nên khó khăn cực nhọc và chua xót hơn cũ. Những ụ đất. Những hầm hố. Những chiếc cầu đổ. Hình như mưa bão cũng nhiều hơn”.

Và thầy thở dài:

“Chúng ta là những con người cũ đang tập đi trên những con đường mới”.

Rồi thầy quay lại hỏi:

“Còn anh, bây giờ anh làm gì?”

“Thưa thầy con đi buôn”.

“Đi buôn?”

“Con bỏ học từ sau Cách mạng tháng Tám. Thuyền hàng của con chắc bây giờ đang ngược dòng đi lên ở giữa khoảng Rót Rét. Con sẽ đón thuyền ở vùng Bương Cấn và nếu đêm nay ngớt mưa sẽ đi thẳng tới Phú Thọ”.

Người thầy “Thế à” một tiếng nhỏ rồi không nói gì nữa. Tính thầy vẫn ít nói. Mưa ào ào trên đầu. Trước mắt họ dòng sông Đáy đục đỏ chảy đi hung dữ. Bãi xa mịt mùng bên kia. Người học trò đứng lùi lại phía sau và nhìn thấy sát tầm mắt, những sợi tóc bạc gió thổi lay tạt trên khuôn mặt mà trông nghiêng vẫn đựng đầy cái vẻ trầm lặng cũ, những ngày xưa nhìn xuống Y trên một nền bảng đen. Những kỷ niệm những hình ảnh của một lớp học vừa trở về lướt thướt và buốt lạnh trên khoảng đường này. Những chùm hoa mùa hạ đỏ chói chang trên góc cửa sổ, sự hé mở của những giấc mộng ban đầu nở từ những chùm hoa rực rỡ ấy, nhịp bồng bềnh đẩy đưa của tâm hồn chạy đến những chân trời những thế giới hoang vu. Cánh bướm mỏng của niềm rung động mới. Những tấm kính sáng trong. Tiếng giảng bài trầm trầm đi giữa hàng ghế. Tà áo thâm và cái đỉnh mũ trắng. Những bực gạch mưa làm mòn cạnh đi lên từng cửa lớp. Lối kiến trúc cổ kính của một mái trường xây cất trên nếp thành đổ nát cũ lượn vòng giữa những hàng cây và những ao đầm. Thành phố ở dưới với tiếng hú dài của một tiếng còi tàu kéo theo những vệt khói còn treo lâu trên nền trời. Ý niệm thứ nhất về không gian trong chuyến đi tưởng tượng. Vụ hè sắp tới thấp thoáng hình ảnh con đường mất hút dưới nắng.

°
Y nhớ thầy đã về sau một buổi tựu trường có nhiều thuyên chuyển. Cũng một buổi sáng mưa lớn. Có tiếng giày từ ngoài hành lang đi tới. Thầy vào, đứng lại một giây nhìn mọi người, nói: “Chào các anh”, đoạn đi thẳng lên bục cao. Giờ học thứ nhất được dành cho sự làm quen nhau. Người thầy bày tỏ nỗi vui riêng sau mười mấy năm ở rừng được đổi về một trường thành phố.
Thầy nói: “Trường cũ ở sát biên giới Hoa – Việt, học trò nửa Kinh nửa thiểu số. Trên ấy đêm rừng dài và buổi sáng nào cũng dầy đặc sương trong lớp học vừa mở cửa. Rừng thì trùng điệp ở chung quanh. Sân trường đôi khi còn in những dấu chân thú dữ. Và rét thì rét ghê rét gớm. Các học trò chân tay cũng cóng buốt và mặt mũi xám tái lại. Phải đóng kín cửa cho hơi nóng truyền đi một lúc sau mới làm việc được”.

Hình ảnh của một lớp học biên giới được gợi lên bằng giọng nói đặc biệt trầm trầm. Cái lối kể chuyện của thầy cũng khác. Và ngay lập tức, trong số bốn mươi lăm học trò chăm chú lắng nghe, từ một chỗ ngồi tận đáy lớp nhìn lên, Y cảm thấy mến yêu ngay người thầy học mới. Một nỗi mến yêu đặc biệt chưa từng có. Tưởng như một khám phá, một đổi thay lớn.

Trong một cuộc đời học trò, từng năm học đi lên, mỗi năm lại gặp một người thầy, nhưng trong tất cả những người thầy đó, thường vẫn chỉ có một người mà về sau lúc đã giã từ cửa lớp, ở mãi chỗ sâu xa cách biệt trong cuộc đời, mỗi lần nhớ lại là người học trò lại nhớ trước nhớ ngay đến người thầy ấy. Tại sao? Có thể vì một nét mặt, một giọng nói, được khắc sâu hơn vào dĩ vãng. Có thể vì một sự bắt buộc nào đó, trừu tượng và siêu hình, khiến cho tương quan tình cảm vượt khỏi mức bình thường, chứa đựng một ý nghĩa rộng lớn hơn.

Bài luận đầu tiên của Y được nhiều điểm nhất lớp. Một sự lạ. Ba hôm sau khi thầy trả bài, gọi đến tên, ngợi khen và mỉm cười bảo Y hãy đọc cho cả lớp nghe một đoạn văn hay, Y đứng dậy, tờ giấy trên tay run run và giây phút đó đã là cả một dấu son rực rỡ trong cái lịch sử học trò của Y từ trước đến nay vốn rất tầm thường tăm tối.

Y lười và lơ đãng. Trên tất cả các môn học, điểm số bao giờ cũng ở dưới cùng. Một sự đội sổ toàn diện. Suốt đời Y nhớ mãi cái giờ học lịch sử ấy của một tên học trò đội sổ ngồi tối tăm ở cuối lớp, lần đầu đứng lên ngượng nghịu, hồi hộp đọc cho cả một lớp im sững thán phục cái thành công thứ nhất của đời mình. Ngồi xuống còn cảm động.

Cả lớp không tìm hiểu được nguyên nhân sự đổi thay đột ngột này. Chính Y cũng không hiểu. Y đã viết bài luận ấy cho một người xem, nó là cái biểu tỏ cụ thể của một tình cảm chân thật và tốt đẹp gửi đến cho một người thầy đã tả được một cái trường học biên giới bằng “những dấu chân thú dữ” và “sương trắng dầy đặc cửa lớp buổi sớm”.

°
Mưa vẫn đổ lớn.
Buổi chiều như đã muốn đến từ bãi sông bên kia. Trời thấp và xám. Con thuyền đầy hàng ngược dòng ở giữa khoảng Rót Rét bồng bềnh trong ướt lạnh còn là điểm vui ấm bé nhỏ so với tâm sự của người thầy mất trường, không biết sẽ về một nơi nào trong mưa bay.

Hai người cùng cúi đầu suy nghĩ. Thầy nói:

“Anh vừa nói hiện anh đi buôn đấy nhỉ?”

“Dạ”.

“Các anh làm thật nhiều nghề. Mỗi người một đường. Cuối tháng trước tôi có gặp một anh không rõ đã học tôi năm nào, làm khẩn hoang ở một đồn điền Nho Quan. Vùng ấy lam chướng, nước độc, rất có hại cho sức khỏe. Trông anh ta xanh yếu đáng ngại. Cứ như anh đi đây đi đó trên một con thuyền, có lẽ lại hay hơn”.

“Kể thì mấy năm nay, từ ngày ra trường con chưa từng có dịp được đi nhiều, thấy nhiều như bây giờ. Nhưng nghề buôn không phải là một chí hướng thích hợp. Nhiều lúc con vẫn cảm thấy đang làm một việc vô ích”.

Người thầy đáp:

“Tôi biết. Nhưng chúng ta bây giờ thường vẫn phải làm ngay cái việc nhìn thấy trong tầm tay với mà không có quyền từ chối, lựa chọn. Thế hệ các anh biết bao nhiêu người hiện đang đứng lạc vị trí, băn khoăn tìm đường. Ở tuổi các anh thật đau đớn. Chúng tôi thì không nói làm gì. Nhiều lúc cực nhọc vất vả, tôi vẫn thầm cảm ơn trời còn cho mình được cầm cái thước kẻ giảng bài. Tôi làm gì khác được nếu thôi dạy học?”

Thầy cười khẽ:

“Thói quen của nghề nghiệp đấy: Thấy các anh là hỏi về dự định vào đời. Không thích đi buôn, anh muốn làm gì?”

“Có một lần trong giờ luận, thầy nói đùa con có thể trở thành nhà văn, con vẫn ao ước thực hiện được câu nói đùa ấy”.

“Thế ư! Tôi không nhớ nữa, nhưng nếu có nói thì nói thực đâu phải đùa. Phải rồi, Việt văn là môn học xưa kia anh ham thích nhất”.

Giọng thầy trở nên ân cần:

“Cố gắng đi. Biết đâu chẳng một ngày tôi được đọc văn của một người học trò cũ là anh. Niềm an ủi lớn nhất của một người thầy vẫn là được thấy người học trò cũ của mình đi vào tương lai trên lối đi đã được phác định từ trong cửa lớp”.

Mưa bỗng ngớt đi, tiếng đổ ào ạt dừng lại. Mé sông bên kia, bờ bãi mịt mùng ban nãy nổi lên dần dần. Nhưng vòm trời thì vẫn thấp nặng và nghi ngút hơi nước. Trận mưa lớn vừa ngớt chỉ để sửa soạn cho một trận mưa lớn khác sắp đổ xuống.

Hai người ra khỏi gốc cây. Người thầy nhìn lên trời:

“Đã có thể đi được rồi. Tôi phải đi xuống Ty bây giờ cho kịp”.

Thầy quay lại, cánh tay gầy yếu đặt lên vai người học trò cũ:

“Lâu lắm mới gặp nhau tôi cám ơn các anh còn nhớ đến tôi. Các anh bây giờ đã khôn lớn cả, đã tự trưởng thành trong những kinh nghiệm, tôi cũng không có điều gì phải khuyên bảo nữa. Thôi anh ở lại”.

Giây phút giã từ này thật là cảm động.

“Con ân hận không được gặp thầy lâu. Con theo thuyền độ nửa tháng bán hàng xong rồi sẽ trở lại vùng này. Xin thầy địa chỉ để con được lại thăm trường mới”.

Người thầy gạt đi:

“Chính tôi hiện giờ cũng không biết rồi sẽ được thuyên chuyển đi đâu. Liên khu trong, một trường mới mở trong núi hay là nghỉ dạy vĩnh viễn không chừng. Chắc khó gặp lại, anh còn nhớ đến tôi là đủ và đừng băn khoăn về vấn đề tìm thăm tôi”.

Người thầy bước đi, cái bị cói nằm trên bờ vai gầy, gậy trúc chống xuống đường lầy. Y chạy theo thầy:

“Con đi buôn cũng không đến nỗi túng thiếu lắm. Thật tình không dám nghĩ đến chuyện trả ơn, nhưng con có giúp thầy được điều gì không?”

Người thầy lắc đầu mỉm cười:

“Tôi một thân một mình cũng không cần gì. Cám ơn anh. Thôi anh trở lại”.

Y đứng sững giữa con đê nhìn theo bóng dáng cổ kính của người thầy. Cái bị cói, cái gậy trúc, những sợi tóc bạc cứ nhỏ dần mãi. Rồi những cái điểm bé nhỏ ấy nhòa đi sau màn mưa.

Y gặp lại người thầy học cũ của Y lần ấy là lần cuối cùng. Bán xong chuyến hàng, Y lên bộ về thẳng Vân Đình. Hỏi thăm Ty Học chính ở đó, Y được biết người ta đã nói với thầy là các trường bị phá hủy gần hết, phải đợi một thời gian để lập trường mới và người thầy đã bỏ đi không để lại địa chỉ.

°
Đến nay đã mười tám năm.
Viết văn, tôi thực hiện được cái ước vọng duy nhất của thuở nhỏ. Trong số những nguyên nhân thầm kín thúc đẩy tôi, tôi ghi nhận lời thầy khuyên nhủ cố gắng ngày nào trên quãng đường lầy.

Sự đổi thay quyết định một đời người thường vì những nguyên nhân nhỏ. Ở đây có thể vì lời khuyên của một người tôi kính yêu.

Từ đó tôi không gặp lại thầy, cũng không trở lại một cửa lớp nào nữa. Nhưng kỷ niệm còn giữ được của buổi học ấy, nỗi cảm động đứng giữa hàng ghế đọc bài luận ấy cho cả lớp nghe – nhớ lại – vẫn đưa tôi trở về được với cái thế giới học trò. Nó nằm trong chu vi một lớp học, nhưng rộng và riêng biệt đúng như một thế giới. Chùm hoa phượng, những phiến kính sáng trong, cái đỉnh mũ trắng, những ngày hè chói nắng. Câu văn đầu tay vụng dại, bỡ ngỡ. Trên tất cả, khuôn mặt trầm lặng của thầy ngó xuống như một nỗi bình yên.

Bây giờ đôi khi ngừng tay trên một trang bản thảo, lúng túng trước một danh từ, một ý tưởng diễn đạt khó khăn, tôi lại thấy những hàng chữ dập dập xóa xóa trước mắt bỗng phảng phất giống với trang giấy nháp của bài luận cũ. Hình ảnh người thầy lúc đó lại hiện lên. Tôi muốn được gặp lại, để nói, ít nhất cũng một lần, với thầy:

“Những trang giấy này có được một phần lớn nhờ thầy”.

Nhưng mà những dòng chữ tôi viết bây giờ chắc không bao giờ được biết tới những dòng mực đỏ phê điểm ấy nữa. Buổi gặp mặt cuối cùng. Con đường xa hút dưới mưa trắng. Số tuổi chất nặng lên cuộc đời đã xế chiều. Giọng nói trầm trầm ấy đã chìm lặng, tôi linh cảm như vậy. Cái gậy trúc ấy chắc đã rời khỏi cánh tay gầy yếu, rơi xuống một nơi nào đó, ở ngoài kia.

Mai Thảo

Tự do là gì ?

Tự do là ung dung trong ràng buộc

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau

Viên Minh


 Người hỏi: Tự do là gì?


Jiddu Krishnamurti: Có nhiều triết gia viết về sự tự do. Chúng ta nói về sự tự do – Tự do làm những gì chúng ta thích, có được bất kỳ nghề nghiệp nào mà chúng ta thích, tự do lựa chọn người phụ nữ hoặc người đàn tự do được đọc sách, hoặc tự do không đọc gì cả. Chúng ta tự do, và chúng ta làm gì với sự tự do đó? Chúng ta sử dụng sự tự do đó để diễn đạt chúng ta, để làm bất cứ những gì mà chúng ta muốn. Sự sống càng ngày càng trở nên bi quan hơn – Bạn có thể hành dục trong một công viên hoặc hoa viên.
Chúng ta có đủ thứ tự do và chúng ta đã làm gì với nó. Chúng ta nghĩ rằng nơi nào có sự lựa chọn thì chúng ta có sự tự do. Tôi có thể tìm đến Ý quốc, hoặc Pháp Quốc: Một sự lựa chọn. Nhưng sự lựa chọn đó có liệu có đem đến sự tự do hay không? Tại sao chúng ta phải lựa chọn? Nếu bạn rất rõ ràng, nhận thức thuần khiết, thì không có sự lựa chọn. Phát xuất từ đó là chánh mạng. Chỉ khi nào ở đó có hoài nghi và bất ổn thì chúng ta bắt đầu lựa chọn. Vì thế, sự lựa chọn, nếu bạn thứ lỗi tôi đã nói như vậy, ngăn chặn tự do.
Các chính thể chuyên chế không hề có tự do, bởi vì họ có ý tưởng rằng tự do mang lại sự thoái hóa cho con người. Do đó, họ điều khiển, áp bức – Bạn biết điều gì đang xảy ra.
Nếu vậy thì tự do là gì? Nó căn bản dựa trên sự lựa chọn? Chính xác làm được những gì mà chúng ta thích? Có một vài nhà phân tâm học bảo là, nếu bạn cảm giác một cái gì, đừng ức chế, cản trở hoặc điều khiển nó, nhưng hãy diễn đạt nó ngay. Và chúng ta đã làm việc này rất hay, quá hay. Và việc này cũng được gọi là sự tự do. Ném bom có phải là sự tự do hay không? Hãy xem xét những gì mà chúng ta đã làm và giảm thiểu sự tự do của chúng ta!
Tự do nằm ở đây, hoặc ngoài kia? Ở đâu bạn bắt đầu truy tìm tự do? Thế giới bên ngoài, nơi mà bạn diễn đạt bất cứ những gì bạn thích, cái gọi là tự do cá nhân, hoặc sự tự do bắt đầu từ bên trong, có thể tự nó diễn đạt bên ngoài một cách thật trí tuệ? Bạn hiểu câu hỏi của tôi không? Tự do tồn tại chỉ khi không còn sự hỗn loạn bên trong tôi, khi tâm lý và sự tín ngưỡng không bị mắc kẹt trong bất kỳ cái bẫy nào – Bạn hiểu không? Có vô số bẫy sập; đạo sư, Đấng Cứu Thế, người giảng đạo, những tác phẩm hay, bác sĩ tâm lý và phân tâm lý; Tất cả đều là những cái bẫy.
Và nếu tôi rối loạn thì tôi mất trật tự, chắc chắn là tôi phải ly thoát sự rối loạn đó trước khi tôi đề cập đến sự tự do. Nếu tôi không có mối quan hệ với vợ của tôi, với chồng của tôi hoặc ai khác – bởi các mối quan hệ của chúng ta đều dựa trên hình ảnh – sự xung đột không thể tránh được nơi có sự phân biệt. Cho nên, tôi không bắt đầu ở đây, bên trong tôi, trong tâm trí của tôi, trong trái tim tôi, hoàn toàn ly thoát tất cả mọi sự sợ hãi, xốn xang căng thẳng, tuyệt vọng, tổn thương và những vết thương mà ta đã thụ nhận qua sự hỗn loạn tâm lý? Hãy quan sát tất cả điều đó cho chính chúng ta và hãy ly thoát nó!
Nhưng rõ ràng chúng ta thiếu năng lực. Chúng ta phải tìm đến kẻ khác cho chúng ta năng lượng. Qua sự trao đổi với bác sĩ tâm lý, chúng ta cảm thấy dễ chịu – Sự tự thú và tất cả những điều còn lại. Luôn luôn lệ thuộc trên một ai khác. Và sự lệ thuộc đó mang đến xung đột và hỗn loạn không thể nào tránh được. Cho nên, ta phải bắt đầu thấu hiểu chiều sâu và tính cách vĩ đại của sự tự do; Ta nhất định phải bắt đầu với những gì gần gũi nhất, bản thân ta. Tính chất vĩ đại của sự tự do, tự do thật sự, danh dự, vẻ đẹp của nó, nằm trong bản thân ta khi hoàn toàn trật tự. Và sự trật tự đó chỉ đến khi chúng ta là ánh sáng cho chính chúng ta.


Nguồn: trungtamhotong.org

Friday, November 11, 2016

Vươn Ra Ngoài Cuộc Sống

Võ Phiến 

Sự thất vọng bắt đầu sau chuyến đi thăm mặt trăng về. Người về chỉ mang theo mớ đá: Tuyệt không có dấu vết sinh vật nào. Từ ấy, những thám hiểm khác không khá hơn. Nơi bấy lâu chúng ta vẫn đặt nhiều mơ tưởng là hỏa tinh: Hỏa tinh rốt cuộc cũng làm cụt hứng giới “tìm bạn bốn phương”. Cuối thiên niên kỷ thứ II dấy lên một nghĩ ngợi: Phải chăng chúng ta là sinh vật duy nhất trong vũ trụ vô cùng? Cô đơn đến thế thật là cô đơn. Hãi hùng quá. Con người khiêm tốn, xưa nay vẫn dành cho mình một vị trí thấp. Bên trên, bao nhiêu hạng tôn quí: ông Trời, bà Đất, tiên, thánh, thần, ma vương, thượng đế v.v...; xưa nay nó vẫn quen thờ phụng, lạy lục, lạy từ hòn đá cục đất lạy đi. Bỗng nhiên không còn gì còn ai để lạy nữa, con người hoảng hốt, hoang mang. Trước, con người không thực sự nghĩ tới việc mình có thể rời khỏi quả đất. Nó yên phận ở một nơi này, và yên trí là đó đây cũng có những giống sinh vật như mình. Ai có cõi sống nấy. Như thế, nó yên tâm. Năm 1969 — mới cách đây hơn ba chục năm — lần đầu tiên nó đặt chân lên một thiên thể ngoài quả đất. Thấy mặt trăng trống trơ. Từ ấy nó tìm kiếm lung tung. Đem máy móc tiến gần, rình rập hỏa tinh: thấy khô ráo, lạnh ngắt. Lại tiến lên mộc tinh rình xem cái vệ tinh Europa chạy quanh: cũng không mảy may dấu hiệu sinh sống nào. Chỉ trong khoảng năm năm cuối thế kỷ vừa qua, ít nhất đã có 22 thiên thể bị dò xét. Sự hối hả thấy rõ, còn gì nữa. Cái tìm kiếm lục soát càng ngày càng ráo riết, mà mức kỳ vọng mỗi lúc mỗi thấp. Thuở xưa, người ta mơ tưởng sẽ gặp trên thượng giới những sinh vật giống như mình: cũng những cô gái xinh đẹp với đầy đủ xiêm y, biết ca xướng đàn địch, cũng những cụ già tóc râu khả kính, thích chơi cờ thích ngâm thơ v.v... Về sau, con người địa cầu không còn đòi ai kia phải giống hệt mình. Chỉ mong đây đó may ra có những giống loài dù khác lạ dù dị hợm, nhưng vẫn có trí thông minh vẫn tài giỏi, đây đó may sao có thể khám phá ra những nền văn minh bất ngờ, xuất sắc, rải rác trong vũ trụ. Người vũ trụ, riết rồi hình ảnh ấy thật mơ hồ: nó nhỏ bằng nắm tay chăng? lớn bằng tòa nhà chăng? nó di chuyển bằng cách trườn mình oằn oèo trên đất chăng? bằng cách vỗ cánh trên không trung chăng? nó có được một vài cái tai để nghe, dăm ba con mắt để trông chăng? v.v... Mãi không thấy gì, hết mong “người”, chỉ ao ước bắt gặp đôi giống bạn hữu có liên hệ xa xôi: bất cứ loài sinh vật nào cũng quí, thậm chí một manh nha thảo mộc nào cũng được. Vẫn chưa thấy. Về một phương diện, hoàn cảnh con người địa cầu thật là tệ hại. Tệ hại hơn bao giờ cả, kể từ thuở “khai thiên lập địa”. Chưa bao giờ nó bơ vơ đến thế. Mặc dù nó là... chúa tể. (Thì khắp nơi tuyệt nhiên không có sinh vật nào khác, nó phải là chúa tể chứ còn gì nữa?) Một đấng chúa tể không biết từ đâu đến, đến để làm gì, rồi đi về đâu! Tức thị là một chúa tể ngẩn ngơ. Cái sống, cả vũ trụ không có, ta có: thích ghê. Chỉ mình ta có: quí ghê. Giữa hai bên — sống và chết — chỉ có cái sống là đáng suy nghĩ. Còn cái chết, đáng gì mà xem là vấn đề triết lý căn bản (như có kẻ từng bảo). Chết là định luật chung: trăng sao ngời ngời đều chết, thiên địa bát ngát toàn chất liệu chết cả, cho đến mọi sinh vật cũng chỉ sống có hạn kỳ rồi cùng chết ráo trọi. Chết là tất nhiên, sống không tất nhiên. Sống là biệt lệ bất thường, tối bất thường. Thế mà lúc này ta lại đang sống. Chao ôi! Cái chết không tự ý thức về nó; cái sống ý thức được về cái sống. Trong thế giới chết, mọi hiện tượng xảy ra, tự xảy ra, ngẫu nhiên. Trong thế giới các sinh vật, mỗi động tác mỗi biến cố diễn ra là có chủ định chủ ý. Big Bang tha hồ hùng vĩ, nhưng nó xảy ra không tự biết. Một trận đá lông nheo vụng trộm giữa cặp sinh vật hai chân cao chừng thước rưỡi, hoạt động ấy diễn ra âm thầm mà rạo rực. Diễn ra sau bao nhiêu mơ tưởng, ngần ngại, đắn đo, xếp đặt, bố trí v.v... Ơ kìa! Ý thức, cái gì kỳ vậy? Từ đâu, tại sao nảy sinh xuất hiện ra cái món lạ ấy, quí hóa ấy? Cái sống, tưởng chừng nó tự đánh giá tầm quan trọng lớn lao của mình. Phút lâm chung là đau đớn cùng cực. Đau đớn đâu phải vì là bắt đầu cái chết? mà là vì chấm dứt sự sống. Hư vô vẫn chết tự bao giờ, và còn chết mãi mãi. Cái chết không đầu không cuối. Vật chết, không vật chết nào có sự cố gắng duy trì cái chết. Cái chết không thiết tự duy trì, không thiết phát triển. Nhưng muôn vật đã sống đều cố duy trì cái sống. Sinh vật đều có bản năng sinh tồn. Từ vật vô cùng nhỏ đến vật vô cùng lớn đều ráo riết cạnh tranh, phát triển, giành nhau, giết nhau để bành trướng, lớn thêm, cao thêm, sinh sôi nẩy nở thêm v.v.... Muôn loài có sống là bám lấy cái sống. Không một bộ phận nào trên cơ thể sinh vật mà không có vai trò cần thiết cho sự sống, không có hoạt động nào của sinh vật được phát khởi ngoài lợi ích cho sự sống. Ăn, uống, thở ra hít vào, ngủ nghê, âm dương thèm muốn nhau, gần gũi nhau, chiếc lá vươn ra ánh sáng, cái rễ chúi xuống đất đen..., thảy thảy đều vì cái sống. Muôn loài đã sống đều bám hết mình vào sự sống. Bám hết cả mình mẩy, và cả tâm trí (nếu có) vào cuộc sống. Muôn loài sinh vật đều thế, duy có loài người không thế. Loài người như thể không thuộc hẳn vào muôn loài: chúa tể không thuộc muôn loài. Chúa tể thuộc loài muôn-lẻ-một. Muôn loài ăn uống để sống, loài muôn-lẻ-một còn hì hục làm ra rượu, để uống thêm. Rượu, uống vào đã rõ không cốt để sống. Cũng như thuốc lá với á phiện, hít vào không cốt để sống. Vậy mà loài người khắp nơi đều hâm mộ. Con người còn làm bao nhiêu cái kỳ quặc, vô bổ, vô cớ khác nữa. Đánh cờ, đá bóng, thả diều, thổi kèn, làm thơ...cũng đều không nhằm củng cố, vun bồi, phát huy cái sống. Đều là những hoạt động “chơi”, không phải hoạt động hữu ích. Hoạt động linh tinh ấy không phải là hoạt động họa hoằn: nó nhiều lắm. Nhiều một cách khiêu khích. Con người càng văn minh càng lắm sáng kiến kỳ quặc, và càng đưa những hoạt động ấy lên địa vị cao, địa vị tiêu biểu của mức độ văn minh. Giọt nước mắt cô Kiều khóc cho số phận Đạm Tiên, La Joconde với nụ cười không đâu, hạt lệ rơi lặng lẽ vì một khúc nhạc tình phụ mà ngẫu nhiên tai bắt được trong đêm khuya, niềm khoái thích về một câu pha trò thông minh, những tra vấn khúc mắt mà đau đớn, những ám ảnh suy tưởng miệt mài, vật vã, đời này sang đời khác về ý nghĩa của cuộc sống... Những cái đó đánh dấu từng trình độ văn minh mà không đóng góp vào sự duy trì cuộc sinh tồn. Các nghệ sĩ và trí thức sẽ phản đối: Vẽ nụ cười cũng là phát huy sự sống (tinh thần), sao không? Thổi điệu sáo buồn cũng có thể như thế. — Đã đành là vậy. Nhưng ở đây, khi nói về vấn đề sống chúng ta chỉ giới hạn vào cái nghĩa hạn hẹp, thích hợp với cái sống của cả muôn loài: cầm thú, cỏ cây. Tức sự sống còn của thể xác vật lý mà thôi. Nhìn chung, cứ như thể muôn loài sống đều hết mình vào cái sống, còn con người — loài muôn-lẻ-một — thì muốn vươn cả ra ngoài sự sống. Trong số những thứ hoạt động “vươn ra” ấy, nên kể một thứ đặc biệt: là tự tử. Trương Quỳnh Như tự treo cổ trong ngày cưới, đó chắc chắn không phải một phát biểu1 để vun bồi cái sống. Nếu là phát biểu, chẳng qua cô ta vùng vằng ngúng nguẩy phát biểu về một nồng độ yêu đương thôi. Hoạt động ấy là một can thiệp táo tợn của con người vào định luật thiên nhiên. Là quá xá. Lại nên kể thêm một hoạt động “vươn ra” thật ồ ạt. Là giết nhau. Loài người giết nhau liên miên không ngừng. Lịch sử loài người là lịch sử chiến tranh. Gì còn chừa bỏ được; giết đồng loại không chừa được, không bỏ được. Có khi không cần một khung cảnh chiến trường, người ta có thể xây lò lên đốt luôn sáu triệu dân Do Thái chẳng hạn. Muôn loài khác, có khi con này cắn con kia, bầy này đánh nhau với bầy nọ, đàn này cắn nhau với đàn khác, nhưng không dữ dằn, qui mô bằng loài muôn-lẻ-một. Thú vật quá bận vì cái ăn, không thể lao vào những cuộc chiến đấu qui mô với đồng loại. Trong muôn loài thú, được tạo hóa trang bị cho nanh vuốt dữ nhất là những loài ăn thịt. Nhưng con thú ăn thịt, hễ cứ sau mấy giờ đồng hồ, tiêu hóa ngót bụng thịt là phải vội vàng đi tìm ngay con mồi khác để săn để giết; nếu không, chính nó kiệt sức bỏ mạng cấp kỳ. Con người trồng trọt được, có vựa có kho để tích trử thực phẩm, không bị cái đói đuổi theo sát sạt, nên có thì giờ tổ chức những cuộc giết nhau dài ngày. Đánh nhau riết, loài người trau dồi kỹ thuật và trang cụ chiến tranh đến chỗ tuyệt vời. Đã lâu, loài người có thừa phương tiện khí giới để giết trọn loài người, giết đi giết lại nhiều lần. — Giết làm chi vậy? — Tất nhiên không phải vì sự sinh tồn của nhân loại. Có thể cũng không vì lợi ích thiết thực của một bên nào. — Vậy giết nhau làm chi? — Vì một thứ gì đó, vượt ra ngoài cái cần thiết cho sự sinh tồn. — Một thứ gì? — Thí dụ một quan niệm, một chủ thuyết, một tín ngưỡng... — Trời đất! — Là những thứ không thể khoan nhượng. — Trời đất! — Muôn loài sinh vật giành nhau miếng ăn, giành nhau khu vực săn mồi, là những thứ liên quan trực tiếp đến sự sống còn. Tranh giành như thế có thể tương nhượng thỏa hiệp để cứu lấy mạng sống. Phía yếu xin nhường vài miếng mồi. Chưa được? Thêm một miếng nữa nhé. Vẫn chưa? Thế thì nửa miếng nữa vậy, được chứ gì? Tranh giành rừng núi, để nới rộng khu vực săn mồi? Thì bên yếu có thể thuận cắt đất mảnh này, mảnh nữa, nhượng bộ lần lần. Miếng ăn bớt được, đất đai bớt được; chứ quan niệm, chủ nghĩa, tín ngưỡng thì cắt giảm từng miếng để mặc cả thế nào được? Kẹt cứng thôi. Giết nhau vì cạnh tranh sinh tồn còn có cách giải quyết; giết nhau bên ngoài chuyện sinh tồn thì vô phương can thiệp. Muôn loài răm rắp theo định luật tạo hóa: Luôn luôn bám dính vào sự sống, để rồi cuối cùng lăn ra chết cả. Loài muôn-lẻ-một thì trong khi chờ chết lại lắm trò linh tinh. Chút cá tính của nó gây nhiều rắc rối, mệnh số của nó đầy bất trắc. Trong nghìn năm tới đây, nó thêm khả năng, thử xem còn linh tinh tới đâu.
 4 - 2000

Đọc thơ Tuệ Sỹ

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
(Tuệ Sỹ)

Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều: Nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ: hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ. Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề: hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có “ cá tính”. Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm “cá tính” của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái “không có cá tính” trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật: ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavaf cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự: ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI – XVII của Ana John Donne, gọi là nhà thơ “siêu hình” nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ , đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt: còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh: Hai bài thì đều không chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất: Chẳng một lần lầm lỡ không ư? Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm: Một lần định như sao ngàn đã định Chúng ta hãy để ý hai chữ “một lần” trong câu trên và trong câu hỏi; mấy chữ một lần mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức “Einmai” (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ “một lần” trong bài thơ A (trong câu 5 câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng một lần trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên “một lần” nữa…Xin đọc một lần nữa: Một lần định như sao ngàn đã định Lại một lần nông nổi vết sa cơ (câu 5 và câu 6) Một lần ngại trước thông già cung kỉnh Chẳng một lần lầm lỡ không ư? (câu 11 và câu 12) Chúng ta cũng cần để ý những chữ “định”, “nông nổi”, “lầm lỡ” đi theo sau mấy chữ “một lần”. Một lần định, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ…như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. “Định” chỉ có nghĩa là định mỗi khi “định” được thực hiện bi tráng giữa những nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lỡ vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối về chân lý như là “xác thực tính”, tức là “certitudo” trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý Descates, nghĩa là “Fundamentum Absolutum Inconcussum Ventatis” (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo diện đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descarites và tuyệt đối nhất là của Hegel. Xin trở lại bài thơ A và xin đọc lại hai câu mở đầu: Này đêm rộng như khe rừng của biển Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ: Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: Tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A (“vén lại tóc xa xưa”) và một lần trong bài B (“Treo gót hài trên mái tóc vào thu”). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ tóc ra làm tư và gọi là tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của Long Thọ “ Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế” thì phải cần đến “Tục đế hay Thế đe”, vì “Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi”, tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với sáu câu mở bài: Này đêm rộng như khe rừng của biển Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ Một lần định như sao ngàn đã định Lại một lần nông nổi vết sa cơ Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa,…ồ…iễn,…inh) chữ “Này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt; gọi sự hiện diện. thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt thành có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày. Này đêm rộng như khe rừng cửa biển “Đêm rộng” ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng có nghĩa là như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển: đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu 13 trước câu thơ cuối: Và câu cuối: Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: “Hai bàn tay” chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi vén có một tay chỉ có tráng sỹ tóc dài theo điệu “thử địa biệt Yên Đan” mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết “nhất khứ bất phục hoàn”…Mấy chữ “xa xưa” cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là “xa xưa của tương lai”, vì chính mấy chữ “ngày mai nhé” đã được mấy chữ “xa xưa” mở rộng chân trời như “cửa biển”, hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như “khe rừng” hay “sao ngàn”: mỗi “một lần” mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy “vĩnh viễn” (không phải vĩnh viễn theo điệu “cái hiện tại dừng ở lại” của thần học thánh Augustin “Nuno Stans” mà theo nghĩa “hiện tại thu phối vĩnh cửu” của thuật ngữ Heidegger. Augenblick-Augenblitz”: tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, Cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh “một lần” bao dung tất cả lần”). Quan niệm “Nuno Stans” xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn “Vĩnh Viễn” của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn các thi sĩ thích làm thơ “thiền”, dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi tay trái là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra, ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ).Mấy chữ “không như” và “không hư” trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ “không” và “không tính” của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó. Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi: nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 (“một lần định như sao ngàn đã định”) và hai câu cuối(“Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến, Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa”) cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều. Như trong bài B (…”một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần”) đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã “trừu tượng hoá” nhân vật tân văn thường mang tên là “Monsieur Teste” Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ của Tuệ Sỹ. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đang được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết giữa điêu tàn vờ vĩnh” để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng…”. đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương…

 NGUYÊN TÁNH - Phạm Công Thiện
California, ngày 18 tháng 11 năm 1988