Saturday, July 18, 2020

Phiếm: Ám ảnh mơ hồ !


Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội VN đăng tải nhiều bài viết về bác sĩ Trần Đông A. Có lẽ bắt đầu từ câu chuyện mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Thực ra thì mấy chục năm trước, ca mổ tách Việt - Đức năm 1988 của BS Đông A cũng đã gây rất nhiều sự ngạc nhiên của thế giới y khoa thời bấy giờ. Và rồi, cũng như lần trước, báo chí bắt đầu kể lể lại những câu chuyện xưa của BS Đông A, từng là sĩ quan quân y lính Dù của chế độ cũ với đầy thiện cảm. Nhiều người cũng nhắc lại câu chuyện ông Sáu Dân (Võ văn Kiệt) biết trọng người tài, khéo léo bảo kê cho BS Đông A về, chứ không cũng đã đi vượt biên mất tiêu rồi. Mà thời đó không phải chỉ có chuyện bs TĐA, ai cũng nghe những giai thoại về ông Sáu Dân đi bảo lãnh và giữ chân nhiều vị hiền sĩ, nhân tài, khoa học của chế độ cũ ở lại làm việc cho VN. Trong đó có những vị mà mình cũng đã từng may mắn được gặp sau này. Chắc chắn đó mãi là những câu chuyện hay, đầy tính nhân văn, thể hiện được sự thông cảm và tôn trọng nhau của những con người hiểu biết, cho dù đã có lúc không cùng chiến tuyến với nhau.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng bs Trần Đông A và nhiều vị trí thức nhân sĩ khác được ông Sáu Dân mời giữ lại, là hoàn cảnh có chút may mắn đặc biệt. Vì nếu như thời đó các vị ấy kém may mắn sống ở những địa phương khác chứ không phải SG, như các tỉnh miền Trung chẳng hạn, hoặc là tên tuổi tài năng chưa có cơ hội lọt đến tai ông Sáu Dân, thì cuộc đời họ chắc đã rất nhọc nhằn trên những lối rẽ khác !
Ví dụ như nói về binh chủng Dù và TQLC ngày xưa, mỗi binh chủng đều có một tiểu đoàn quân y, với hàng trăm bác sĩ nha sĩ dược sĩ tài năng, và hàng bao nhiêu đội ngũ nhân viên y tá, cứu thương, bệnh viện, trạm xá các cấp... Những người quân y sĩ đó đã không những cứu thương cho đồng đội của mình, mà nhiều lúc còn sẵn sàng cứu thương cho cả đối phương của họ và những ai còn nằm lại trên trận tuyến, khi hoàn cảnh cho phép. Trách nhiệm công việc, nguyên tắc nghề nghiệp, và lòng nhân đạo sẽ không cho phép họ làm khác hơn. Và dẫu biết rằng cuộc chiến tranh nào cũng vậy, nguyên nhân không nằm ở chỗ những người lính, đặc biệt là lính quân y. Nhưng cuối cùng khi cuộc chiến kết thúc thì bao nhiêu người trong số đó được trọng dụng như BS Đông A, và bao nhiêu người phải rơi vào những số phận bi thảm khác ?

Cho nên cũng hy vọng những câu chuyện như thế này sẽ là cơ hội tốt để nhìn lại những được mất của đất nước từng bị ảnh hưởng bởi tư duy hận thù, phân biệt đối xử dựa trên lý lịch nhân thân nhiều đời, "thành phần chính trị"..v.v. Nhất là trong bối cảnh cả gần nửa thế kỷ một đời người trôi qua, mà nhiều người nhìn đâu cũng còn thấy "ta" với "địch". Một nỗi ám ảnh mơ hồ !

Nhân nói đến chuyện ứng xử thời hậu chiến, mỗi khi nhắc về cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, nhiều người thường ca tụng sự cao thượng của tướng Grant (miền Bắc - bên thắng cuộc). Vì ông đã ra sức bảo vệ tướng Lee (miền Nam - bên thua cuộc) và cả binh sĩ đôi bên được an toàn trở về quê hương cùng nhau xây dựng đất nước. Thời đệ nhị thế chiến cũng thế, cả thế giới ca tụng sự cao thượng vĩ đại của tướng MacArthur (Mỹ) đã bảo vệ cho ngôi vị của Nhật Hoàng Hirohito (bên thua trận) và giúp đỡ xây dựng lại một đất nước Nhật Bản phồn thịnh. Mãi cho đến ngày hôm nay, đất nước Nhật vẫn tôn kính và biết ơn tướng Douglas MacArthur (bên thắng cuộc) như một anh hùng "dân tộc" của đất nước họ. Còn mình thì lúc nào cũng tự hào về anh hùng Nguyễn Trãi và câu chuyện Hội thề Đông Quan của nước Việt. Quả nhiên "một chiến thắng hoàn hảo nhất là chiến thắng không có kẻ chiến bại !"

Ngài Gandhi của Ấn độ có một câu nói rất nổi tiếng "The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong". (Tạm dịch: Kẻ yếu không thể tha thứ, bởi sự tha thứ là thuộc tính của kẻ mạnh). Mình thì không muốn lạm bàn về chuyện mạnh yếu ở đây, nhưng vẫn thường nghĩ rằng con người ai cũng mong muốn được phụng sự cho tổ quốc và đồng bào của họ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một thể chế tiến bộ và xã hội văn minh là xã hội tận dụng được sự đa dạng đó, chứ không phải là một xã hội phân biệt kỳ thị, mang nặng định kiến hận thù !


Wednesday, July 08, 2020

Làm gì dữ dzậy ?



Ở những nước dân chủ, thì các chức vụ thị trưởng, tỉnh trưởng, hội đồng thành phố, các cấp lãnh đạo quận hạt ...v.v.. là do dân chọn lựa và bầu lên. Còn ở VN thì giám đốc các sở ban ngành, các cấp lãnh đạo tỉnh thành phố, đặc biệt là bí thư & phó bí thư (vị trí này đặc biệt chỉ có ở vài quốc gia trên thế giới) .....đều do sự chỉ định phân bổ. Còn tại sao bố trí hoặc phân bổ người này mà không phải người khác, thì lại là những câu chuyện dài. Tóm lại, như cái ông phó bí thư Phú yên gì đấy, thì chắc chắn không phải là dân bầu lên. Nên chuyện mấy hôm nay mạng xã hội, báo chí, lôi ông ra mà dũa, chê trách trình độ, văn hoá ứng xử, thì cũng không công bằng cho ông ấy. Phương tây cũng có câu "You do not know what you do not know". Tư duy ông ta tới đâu, sự hiểu biết thế nào, thì ông ta ứng xử thế thôi. Nếu biết thế là sai chắc ông đã không làm. Đúng quy trình ! :-)

Mình ngày xưa mỗi lần đọc báo thấy các vị phát biểu ngớ ngẩn hoặc ứng xử không phù hợp với chức vụ, thường thắc mắc là cả một quãng đường sự nghiệp dài vậy, bằng cách nào họ lọt qua hết mà lên được tới vị trí đó ? Nhưng sau này mới nghiệm ra rằng quan niệm đúng sai cũng chỉ là sản phẩm tư duy của mỗi con người. Chắc gì quan điểm của mình là quan điểm của thiên hạ. Sự chủ quan nào cũng gây ra những hạn chế nhất định. Mà văn hoá ứng xử thì được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ, đạo đức, giáo dục gia đình, ý thức hệ, môi trường tiếp cận ..v.v. Cho nên ở đâu cũng vậy chứ chẳng là VN, nếu quan chức mà không được số đông chọn lựa, công khai đánh giá, minh bạch bầu bán... thì chỉ là chuyện hên xui, ai biết họ có làm việc được không, giỏi dỡ trúng trật gì đâu mà phê bình thắc mắc ? Giống như đang ngồi gặm củ khoai sùng mà phê bình Ace of Spades Champagne & Almas Caviar. Ai nói ai nghe ? và thay đổi được điều gì ?

Tuy nhiên có một điểm chung mà mình muốn nói, đó là "ảo giác quyền lực" của một số vị quan chức. Mình không muốn so sánh và phán xét điều gì, nhưng chỉ nói theo những kinh nghiệm bản thân đã gặp. Đại đa số quan chức ở các nước dân chủ Tây phương thì hoà đồng, bình đẳng, và trọng thị kẻ dưới hơn các quan chức những nước CS. Có lẽ họ trân quý vị trí do người dân tín nhiệm bầu lên, hoặc tôn trọng giá trị đóng góp của người dân cực khổ mỗi ngày. Cũng có thể là "ăn cây nào rào cây nấy". Khi người dân quyết định vị trí và quyền lợi của họ, thì họ trọng thị người dân. Còn nếu một tổ chức hoặc ông A bà B nào đó quyết định vị trí quyền lợi của họ, thì họ o bế người đó. Nguyên tắc đơn giản là thế, đâu cũng vậy !

Có một câu nói mà mình rất tâm đắc, đó là "Giá trị của con người là một phân số, mà tử số là giá trị có thực của họ, mẫu số là giá trị họ tưởng họ có. Mẫu số càng lớn, thì giá trị phân số càng nhỏ".
Mà nếu "mẫu số" đã lỡ lớn rồi, thì sợ gì mà không chơi lớn luôn, nên những chuyện như đem xe ra tận máy bay đón người nhà là cái đinh gì, có gì mà ghê gớm ầm ỉ ? Làm gì dữ dzậy :-)
Những câu chuyện tương tự như thế đã từng xảy ra, đang xảy ra, và sẽ còn mãi mãi xảy ra. Bởi văn hoá và tư duy không phải là thứ chửi rủa có thể làm thay đổi được !

Thôi nghe một bài nhạc đi cho nhẹ nhàng chút .....:-)



Monday, June 01, 2020

Phiếm: Bao giờ mới hết kỳ thị ?




Mấy hôm nay những người theo dõi tin tức đều biết đến vụ anh cảnh sát Mỹ trắng (Derek Chauvin) ở Minnesota đè cổ anh Mỹ đen (George Floyd) lâu quá, dẫn đến tử vong. Mới nhìn vô thì dường như ai cũng nhận ra là lỗi của người cảnh sát, đã hành xử quá đáng trong lúc thi hành công vụ. Nhưng đối với luật pháp ở Mỹ cũng như các nước dân chủ khác, nếu chưa được toà án xét xử, thì cũng chưa dám kết luận điều gì. Tất nhiên là sự việc này có thể chỉ là sai phạm cá nhân, chứ chẳng liên quan gì đến ông sếp hoặc ông thị trưởng, hoặc ông tổng thống, hay chính sách chủ trương gì cả. Cũng có khi chưa chắc là vì kỳ thị đen trắng, nhưng phản ứng đám đông thì bao giờ cũng dẫn dắt vấn đề đi theo những lối rẽ khác nhau, khó mà dự đóan được.

Thế là mấy ngày nay dân chúng Mỹ (đủ sắc dân, kể cả da trắng) biểu tình rầm rộ ở nhiều nơi đòi công lý và đòi chấm dứt tình trạng phân biệt màu da. Đây là việc làm đúng và hoàn toàn hợp pháp, thể hiện quyền tự do biểu đạt của người dân, đòi hỏi sự thoả đáng của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là những đám quá khích lưu manh, thừa gió bẻ măng, đập phá, hôi của, và xâm phạm tài sản người khác. Dĩ nhiên là thời đại nào, quốc gia nào, cũng có thành phần "tát nước theo mưa", "mượn gió bẻ măng "như thế, khó mà tránh khỏi. Đây là loại tội phạm nghiêm trọng, cần phải ngăn chận và trừng trị.

Hôm qua có anh bạn hỏi "Thế tình trạng kỳ thị này có được chấm dứt không ?" Theo thiển ý của mình thì cơn sốt biểu tình bạo loạn nào rồi cũng sẽ qua đi, xưa nay vẫn thế, nhưng sự kỳ thị trong lòng con người chắc chắn sẽ còn kéo dài. Bởi đó là thuộc tính của con người. Luật pháp chỉ là những lá chắn để bảo vệ sự bình đẳng cho xã hội thôi, nhưng không thể làm thay đổi được trí tuệ & tư duy của những con người nhỏ nhen thiển cận. Kỳ thị màu da, kỳ thị giới tính, kỳ thị địa vị, kỳ thị vùng miền, kỳ thị gốc gác....v.v... Đó là những ý niệm thuộc về tư duy và đạo đức của từng cá nhân, mà chỉ có giáo dục và sự tỉnh thức hiểu biết mới làm thay đổi được tư duy đó.

Mấy hôm nay cũng có nhiều người bình phẩm và phê phán về sự kỳ thị chủng tộc của Mỹ rất nặng nề. Mình thì quan niệm là thấy lỗi thiên hạ bao giờ cũng dễ hơn thấy lỗi của mình, phê phán thiên hạ bao giờ cũng dễ hơn thay đổi bản thân mình. Ở đâu cũng có sự phân biệt kỳ thị, chỉ là ít hay nhiều. Riêng nói về tư duy kỳ thị, thì VN ta cũng "không phải dạng vừa", có nguồn gốc xa xưa và kéo dài qua nhiều thế hệ. Từ thời phong kiến đã hình thành những sự phân biệt kỳ thị nặng nề, giàu nghèo, địa vị xã hội, gốc gác, ông sơ bà cố, bằng cấp, môn đăng hộ đối ..v.v. Ngay đến thời nay, cho dù có chấp nhận hay không, thì các hiện tượng ganh ghét, kỳ thị, phân biệt đối xử .... vẫn nhan nhản xảy ra hàng ngày đấy thôi. Nhiều người đến chết đi chôn vẫn còn bị kỳ thị mả to mồ lớn. Ngay cả ở những buổi tiệc họp mặt, bà con láng giềng gần gũi, họp tộc, họp làng, họp đồng hương, họp bạn bè chung trường chung lớp, thì chuyện kỳ thị vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Huống hồ chi là nói đến chuyện mấy anh tây trắng tây đen có lịch sử phân biệt kỳ thị chồng chất lâu đời. Mỹ là hợp chủng quốc, một đất nước được hình thành bởi dân di trú, có nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Đúng ra họ sẽ dễ dàng chấp nhận sự khác biệt hơn những quốc gia "thuần chủng" khác. Tuy nhiên thực tế không hẳn là như vậy, vì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội khác nhau và tư duy trình độ của mỗi con người. Nên cứ lâu lâu lại xảy ra một sự kiện đình đám, biểu tình la hét rầm rộ. Chủ yếu vẫn là nạn kỳ thị đen trắng, phân biệt đối xử, đánh đập bắn nhầm, cảnh sát da trắng, nghi phạm da đen da màu .v.v... Chỉ là lần này xảy ra trong lúc mọi người đang bị áp lực nặng nề về dịch bệnh kéo dài, nên phản ứng có vẻ bộc phát mãnh liệt và căng thẳng hơn. Và dĩ nhiên cũng không loại trừ khả năng có những bàn tay lông lá vẽ rồng vẽ rắn, lợi dụng thời cơ, mở đường truyền thông cho cuộc bầu bán tổng thống cuối năm hoặc những mục đích chính trị đảng phái khác. Who knows ?

Cuối cùng thì chắc chắn mọi chuyện xáo trộn cũng sẽ được giải quyết, lắng dịu. Nhưng sự kỳ thị thì sẽ còn dài dài, ít hay nhiều, lộ liễu hay kín đáo, công khai hay lén lút... là tuỳ vào luật pháp và thông điệp của xã hội đối với tệ nạn này. Sự kỳ thị sẽ không hoàn toàn biến đi vì đó là thuộc tính của con người. Chỉ hy vọng là với thời gian, giáo dục và luật pháp sẽ lần hồi xây dựng được những nếp suy nghĩ mới, để xã hội có cái nhìn công bằng hơn & ứng xử với nhau tử tế hơn. Rõ ràng là như ở Mỹ hiện nay, thế hệ con cái của mình có quan niệm bình đẳng hơn thế hệ mình và những thế hệ trước đây. Ví dụ ở nhà, đôi khi mình sơ ý dùng từ "Mỹ đen" thôi, chứ chưa nói đến tốt xấu gì cả, là đã bị 2 đứa con chỉnh sửa ngay. Điều đáng lưu ý hơn nữa là tụi nhỏ tôn trọng giá trị của bình đẳng và công bằng một cách chân thực, chứ không phải chỉ "diễn tuồng" như những thế hệ đi trước.

Nhớ lại vào thời cuối thập niên 70, đầu 80 ở VN, chính sách phân biệt thành phần chính trị và lý lịch gia đình được thi hành triệt để, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Nhiều gia đình và cá nhân phải gánh chịu những hậu quả đắng cay, mất mát. Rất nhiều người không được đi học, đi làm, một cách bình đẳng như những người khác. Đặc biệt là đối với những gia đình miền Nam, từng có người thân làm việc cho chính phủ VNCH ngày trước. Dĩ nhiên là bên cạnh đó cũng không hiếm những cán bộ địa phương hiểu biết hạn hẹp, ý thức sai lệch, đã lợi dụng luật pháp (như anh cảnh sát Minnesota hôm nay), mà trù dập thiên hạ vì những lý do khác nhau, hoặc mâu thuẩn vì quyền lợi cá nhân. Cho nên đã có rất nhiều người phải đau lòng, gạt nước mắt rời bỏ làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của họ, để ra đi tìm miền đất dung thân mới. Mình cũng có người bạn rất thân, đậu thủ khoa ĐHBK ĐN thời bấy giờ, nhưng địa phương không cho đi học, bắt phải đi nghĩa vụ lao động trên rừng núi cao nguyên. Đến khi mãn hạn về lại, thi đậu, đi học ở ĐHKT ở SG, cũng không xong. Thế là cuối cùng đành bỏ xứ ra đi, và chết trên biển cả mất xác !
Cũng nhớ vào thời đó, có quyển truyện dịch "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của Gerald Gordon (nguyên tác là Let The Day Perish), nói về nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi. Giới trẻ xôn xao, chuyền tay nhau đọc. Có lẽ họ cảm thấy gần gũi vì tìm được phần nào những cảm xúc tương đồng. Nhiều người đọc xong đã khóc sụt sùi như khóc cho chính bản thân của họ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, hy vọng đất nước VN ngày càng văn minh hơn, những lỗi lầm đó sẽ không còn tái diễn nữa.

Lâu nay mình vẫn luôn nghĩ rằng tôn giáo là giải pháp tốt nhất cho nạn kỳ thị và bất bình đẳng giữa người với người. Bởi lẽ tôn giáo nào cũng dạy dỗ sự chung sống hoà bình, và kêu gọi không phân biệt đối xử. Đúng là như vậy, nhưng thực tế thì không phải lúc nào thiên hạ cũng nghe theo, làm theo giáo lý của họ. Thậm chí nạn kỳ thị phân biệt còn xảy ra ngay cả giữa các tín đồ, giáo hữu với nhau, hoặc trong các giáo hội, ban đại diện, các tổ chức thiện nguyện, nhân đạo....v.v. Ở một số nơi, những phân biệt như chùa to chùa nhỏ, nhà thờ lớn nhà thờ bé, cúng nhiều cúng ít, đại gia tiểu gia, ông này bà nọ, đạo hữu quan chức, tín đồ doanh nhân, đệ tử thầy này sư nọ .v.v.... vẫn còn là những chuyện xảy ra mỗi ngày. Mà xảy ra ngay cả ở trên những đất nước văn minh, luật pháp hẳn hoi, chứ không phải chỉ có ở những làng quê nghèo nàn hẻo lánh, chậm lụt phát triển. Bởi vậy nói đến vấn nạn kỳ thị, thì có thể tìm thấy ở khắp nơi, ở mọi thành phần xã hội, mà chẳng ai có thể dự đóan và khẳng định được điều gì. Suy cho cùng, thì cũng chẳng có ông Phật, ông Chúa nào mà có thể bứng được cái cục vàng "kỳ thị phân biệt" trong lòng của mỗi con người, nếu như bản thân họ không tỉnh thức, hạn hẹp, cứ khư khư bảo thủ, giữ lấy làm của riêng để đem theo về chốn thiên đường  :-).

Còn trở lại chuyện dân thiểu số ở Mỹ, và nguồn gốc kỳ thị có từ đâu, thì lại là những câu chuyện khác nữa. Nói ra cho đủ thì cả một lịch sử dài từ thời khai quốc, mua bán nô lệ, giải phóng nhân quyền, phong trào đấu tranh, bình đẳng dân chủ .v.v.. Cho đến ngày nay những con số thống kê tội phạm dài đăng đẳng, cách ăn cách ở, nhảy múa sinh hoạt hàng ngày. Đó cũng là nguyên nhân ít nhiều gây ra những thành kiến nhất định ở một số người phân biệt, hoặc thiểu số cảnh sát có tầm nhìn hạn hẹp, có định kiến không tốt về dân da màu. Thực tế thì ở Mỹ, người da màu chiếm tỉ lệ rất cao trong hàng ngũ cảnh sát, và lãnh đạo các cơ quan công quyền của tiểu bang và liên bang. Tuy nhiên đó cũng không phải là số đông so với người da trắng. Còn nói về nhân viên công lực ở Mỹ, thì đại đa số là người tốt, họ tuân thủ lời thề chức trách công việc, bảo vệ luật pháp, bảo vệ người dân, gìn giữ trật tự an ninh xã hội. Thế nhưng làm sao tránh khỏi chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Cho nên chuyện "bad cop, good cop" thì ở đâu cũng có, chỉ là ít hay nhiều.

Tóm lại, rất mong mọi chuyện sớm được giải quyết. Mong toà án và chính quyền sớm xét xử thoả đáng, công lý sớm được thực thi, để cho người dân yên lòng hả dạ. Còn mấy anh hôi của ăn ké, tát nước theo nước, mong sớm bị tóm cổ hết, để trả lại sự bình an cho xã hội. Cũng cầu mong những con người chất chứa hận thù & nặng nề chuyện phân biệt kỳ thị, thì ngày mỗi trưởng thành hơn để công bằng với chính bản thân họ, và đối xử tử tế với kẻ khác, đặc biệt là đối với những kẻ nghèo hèn cô thế, thấp cổ bé miệng hơn họ....

Viết tới đây tự nhiên nhớ đến bài thơ "Mộng Ngày" của Thầy Tuệ Sỹ, mặc dù không liên quan gì đến nạn kỳ thị của xã hội, nhưng mình chép lại để các bạn thưởng thức:

Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ

Đầu cửa động đàn ong luân vũ
Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ
Thẹn hương sắc lau già vươn dậy
Làm tiên ông tóc trắng phất phơ

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
Ta trên lưng món nợ ân tình
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
Cũng tình chung tơ nắng mong manh

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi

Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian ta gặm hư vô 
(Tuệ Sỹ 1984)


PN (2020)












Thursday, May 21, 2020

Tản mạn: Yếu hay mạnh ?





Trước tiên phải nói là từ ngày dịch bệnh Vũ Hán xảy ra, thế giới xảy ra lắm chuyện. Con người và trật tự xã hội cũng thay đổi nhiều. Từ cách nhìn, cách giao tế, cách ăn, cách ở, cách suy nghĩ, cho đến cách sống, cách chết. Nhiều người ngày đêm sợ chết, sợ mất cái đài cái xe, thì bên cạnh đó cũng không hiếm người cho rằng đó chỉ là những chuyện bình thường xảy ra trong cuộc sống này. Có thịnh tất có suy, có sinh tất có diệt....

Còn trên chính trường, truyền thông, thì biết bao nhiêu là câu chuyện ngắn dài, thiệt giả khó phân. Người thì phê phán cái mạnh cái yếu của ông này bà kia, kẻ thì ca tụng cái đúng cái sai của nước này nước nọ. Thực tình mà nói thì tranh luận kiểu như khảo sát hàm số mà chẳng cùng hệ trục toạ độ, nên mạnh ai nấy phán. Tràn lan, ai nói được cứ nói, cuối cùng vẫn là hồn ai nấy giữ. Nhưng nhân nói đến chuyện yếu mạnh, mình lại nghĩ đến những khái niệm trong sách kinh nhà Phật ngày xưa. Rảnh rang tản mạn chút cho vui ....

Theo đạo Phật, cuộc sống luôn luôn tồn tại 3 bản chất tự nhiên, đó là vô thường (anicca), khổ (duḥkha), và vô ngã (anatta). Tiếng Anh gọi là "Three Marks of Existence", một số tu sĩ VN dịch là Tam Pháp Ấn. (Một só quan niệm PG đại thừa cho là Vô thường, Vô Ngã, và Niết bàn). Đây cũng là những triết lý cơ bản nhất của đạo Phật rút ra từ bản chất tự nhiên của cuộc sống. Cho nên dẫu không có Đức Phật giảng dạy những điều này, thì những bản chất đó vẫn tồn tại chung quanh ta mỗi ngày.

Cuộc sống thì đương nhiên là có "phiền khổ". Còn "vô thường" là quy luật tất nhiên của vũ trụ rồi. Nhà bác học Einstein khi nói về tôn giáo cũng nói "If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism". (Lưu ý là ở đây chỉ nói về bản chất nguyên thuỷ của PG. Còn thời buổi này nhiều nơi dẫn dắt đạo Phật đi theo nhiều hướng mê tín khác nhau, thì mình không bàn đến). Cho nên khi nói về 2 bản chất tự nhiên của "khổ" và "vô thường" thì ai cũng hiểu được, vì thực tế và rõ ràng. Nhưng để hiểu được "vô ngã" thì có vẻ khó khăn hơn, vì khái niệm trừu tượng hơn. Mà có hiểu được, thì cũng chưa chắc là thực hành được. Chứ nếu dễ dàng thực chứng được cái đạo lý "vô ngã" như vậy, thì thiên hạ này đã có lắm thánh nhân. Mà có khi lại chẳng có những ông sư chức sắc đình đám, hoặc những câu chuyện hấp dẫn như nhà sư Tam Đảo gạ tình, hay chùa Ba Vàng gọi hồn, trừ tà bắt ma, đuổi COVID 19 :-) ..v.v.

Nhớ hồi còn ở VN, đi chùa thỉnh thoảng cũng được nghe mấy Thầy thuyết giảng về "vô ngã". Còn ở ngoài đời thì ôi thôi vô vàn, muôn màu muôn sắc. Nhiều học giả giáo sư, trí thức, thiện nhân, đại tri thức, tiểu giáo chủ, tửu đồ lưu linh, hiền triết, ẩn sĩ vô danh, cà phê, quán nhậu ...v.v tha hồ mà bình loạn cái đạo lý này. Lâu lâu gặp mấy ông đồng hương cũng thế, gật gù triết lý, trầm ngâm "mặc khải", úp úp mở mở, cao siêu vời vợi.... quả nhiên là u u bất tận :-).
Mình thì không dám lạm bàn về khái niệm này. Tuy nhiên nhận thấy ngày càng nhiều nguời phương Tây đi sâu nghiên cứu vào triết lý PG, và dường như họ lãnh hội sâu sắc hơn. Có lẽ do họ đi thẳng vào bản chất nguyên thuỷ của PG, mà không bị chi phối bởi những hình thức cúng bái, ngôn từ, dịch thuật diễn giải, hoặc tục lệ hư cấu như ở các nước phương Đông. Nên thỉnh thoảng mình được đọc và nghe một số bài viết về bản chất vô ngã (no self) rất hay.

Nôm na nói về "ngã" là nói về cái bản ngã, cái bản thể, cái thuộc tính, cái sở hữu, cái có, cái "tôi" của con người, của sự vật ....v.v..(Xin lỗi, có những khái niệm PG phải dùng ngôn ngữ để giải thích nhưng thực ra ngôn ngữ bị hạn chế nên không diễn tả hết được. Chịu khó suy diễn ra vậy :-)). Đức Phật ngày xưa thuyết giảng về "vô ngã" và "tánh không" rất nhiều. Bạn nào muốn nghiên cứu sâu hơn nên tìm đọc ở các bản kinh sách. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu và tu sĩ cho rằng có cái "ngã" sinh ra là do tự nhiên (Sankhara), cũng có cái "ngã" tạo ra là do sự tương tác mà thành (Sankhata). Còn theo cách hiểu hạn hẹp của mình, thì có "ngã" kiểu nào cũng u đầu sứt trán, cũng khổ. Cứ cái gì không có thực, mà mình tưởng là thực, rồi cứ tôn thờ bám víu theo, hoặc cứ lo âu nơm nớp sợ mất, là khổ rồi. Đơn giản thế thôi. Ví dụ giữ cái chức to cũng mệt, mà giữ cái chùa lớn cũng khổ. Huống hồ chi lo sợ những thứ ảo giác mơ hồ, mà kết quả là do tự chính mình tưởng tượng ra !

Trở lại chuyện dịch Vũ Hán. Mấy tuần trước, khi dịch bệnh dồn dập, chính phủ khuyến cáo ở nhà, rãnh rỗi ngồi đọc nhiều bài viết trên mạng xã hội mà thấy tràn đầy cảm xúc. Nhiều vị nói tới lúc dịch bệnh mới nhận ra rằng lâu nay đã sống chỉ để giữ cái "mác" mà thiên hạ cài đặt cho mình. Nghe thiên hạ khen vài câu, sướng. Nghe thiên hạ chê vài câu, buồn. Chưa đủ, bắt cả con cái học theo thị hiếu của thiên hạ, cưới gả cũng theo "chuẩn ISO" của thiên hạ. Nhiều vị nhận ra lâu nay so đo chắt chiu từng đồng, đến khi thấy thiên hạ trước lúc chết rải tiền qua cửa sổ, mới tiếc hùi hụi sao lâu nay phải sống kiếp trùm sò. Nhiều vị thấy nhiều đại gia tắt thở trong BV, mà không có người thân nào được phép vào tiễn đưa, ngậm ngùi sao lâu nay chỉ lo cơm áo gạo tiền, mà không dành thời gian cho gia đình, bạn bè, người thân. Nhiều vị còn đi xa hơn, ưu tư về tình hình chính trị chính em, kêu gọi buông bỏ nạn tham quyền cố vị, tỉnh mộng Tào khê, buông bỏ cái "tôi", cái tư lợi cướp đất xưng vương, mà sống vì bá tánh nhân dân ..v.v...và v.v . Có nhiều vị vừa trãi lòng vừa lo lắng sao mình ủy mị mất quan điểm quá. Đọc thấy rất cảm động, nhưng mình cũng thắc mắc không hiểu đến khi hết dịch, đại dịch qua rồi, thì những nỗi niềm đó có còn đọng lại hay chăng. Hay đó chỉ là những phút yếu lòng tức thời của những con người đã từng "mạnh mẽ" ?

Thực ra cái quan niệm yếu, mạnh trong nhà Phật cũng có khác. PG cho rằng yếu hay mạnh cũng chỉ là những trạng thái tự nhiên bình thường, sản phẩm của ngũ uẩn. Mà ngũ uẩn thì vốn thay đổi liên tục tức là "vô thường", cũng không có tự tánh tức là "vô ngã". Vậy thì có gì đáng phải quan tâm cho mệt. Khi nào buồn cứ khóc, khi nào vui cứ cười cho đã. Mình vẫn thường nghĩ có mạnh tất có yếu, ai cũng có lúc này lúc nọ, cần gì phải "gồng" hoài cho nó cực. Ngài Dalai Lama cũng nói "Mạnh không phải ở chỗ nhấc lên, mà ở chỗ đặt xuống". Mạnh không phải ở chỗ hùng hổ la to, mà ở chỗ bình tĩnh điềm đạm. Mạnh không phải ở chỗ thị uy bức hiếp kẻ yếu, mà ở chỗ nhẫn nhục giúp người. Tài giỏi không phải ở chỗ bằng này cấp nọ, mà là ở chỗ giúp gì được cho xã hội, cho cuộc sống. Tư tưởng lớn không phải  ở chỗ cao siêu, nói không ai hiểu, tự mình nói tự mình khen, mà là ở chỗ giúp được cho người cho mình, sống ngày mỗi tốt hơn. Thỉnh thoảng đọc tin tức cũng thấy nhiều ông lớn bên VN hồi còn làm quan, mạnh mẽ, la hét, đến khi ra toà khóc thút thít, thấy mà mủi lòng. Nghe mấy đứa bạn kể nhiều ông bên VN bị vợ la mắng, vẫn mạnh mẽ cương quyết "giữ vững lập trường", không khóc. Lẳng lặng đi ra quán nhậu, nạt lại mấy em phục vụ đáng thương thôi ....:-).

Nhân tiện, lấn sân qua chuyện chính trường một chút cho mang tính thời sự. Cũng là do con cúm Vũ hán, truyền thông nhắc nhở lại duyên tình của Mỹ và TQ ngày xưa, rồi lan man qua tận nguồn gốc của chiến tranh VN.
Nhiều học giả cho rằng nguyên nhân chính của chiến tranh VN là bắt đầu từ sự sợ hãi của tổng thống Harry Truman. Họ cho rằng nếu tổng thống Franklin D. Roosevelt không bị chết bất ngờ, thì cuộc chiến VN chắc chắn sẽ không bao giỡ xảy ra. Bởi T/T Roosevelt là một người nhìn xa trông rộng, và luôn phản đối chính sách thực dân (anti-colonialism) của Pháp. Nhưng cũng bởi sự tài giỏi bao quát đó của FDR, mà hình ảnh phó T/T Truman đã từng như một bóng mờ trong chính trường khi Roosevelt còn sống. Cho nên khi T/T Roosevelt bất ngờ ra đi, phó T/T Truman lên làm tổng thống, đã có nhiều ứng xử và đường lối đi ngược lại với quan điểm của người tiền nhiệm của mình. T/T Truman đã bỏ qua sự thỉnh cầu của chủ tịch VNDCCH là HCM thời bấy giờ. Thực ra đó cũng là một trạng thái tâm lý dễ hiểu thôi. Tuy nhiên ông Truman vẫn giữ thế dè dặt trung lập, mãi cho đến năm 1950 khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Và khi nhận thấy sự hổ trợ của TQ và Liên Xô cho Việt Minh, thì chính phủ Mỹ mới thực sự sợ hãi sự bành trướng của chủ nghĩa CS. Thuyết Domino & Chiến tranh Lạnh (Cold War) ra đời. Còn diễn biến sau đó thì ai cũng biết hết rồi. Suy cho cùng, đó cũng là những nhân duyên tạo ra bởi cái "ngã", nỗi lo âu và sự sợ hãi !

Lâu nay nhiều người cho rằng nếu ngày đó tổng thống Truman đáp ứng lời thỉnh cầu xin trợ giúp của ông HCM, thì chắc cũng chẳng bao giờ có cuộc "chiến tranh thần thánh chống Mỹ" như lâu nay thường nghe. Nhiều nhà phân tích chính trị khẳng định nếu VN ngày đó không chạy theo Quốc tế CS, mà chọn những giải pháp đấu tranh khác để giành độc lập, thì dẫu có trăm ngàn cuộc kháng chiến chống Pháp của VN chăng nữa, cũng không là mối đe doạ đến thế giới. Chắc chắn Mỹ và đồng minh cũng chẳng bao giờ lo lắng đến sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở châu Á (Domino theory). Tất nhiên Mỹ cũng chẳng cần nhảy vào tham chiến ngăn chận CNCS ở VN, và cũng chẳng bao giờ có cuộc "chiến tranh Vietnam" đẫm máu kéo dài mấy chục năm.
Ông Archimedes Patti, trưởng toán OSS ở VN thời kỳ 1944-1945, người từng đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" của VN trước ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, trong cuốn "Why Vietnam" đã cho rằng cuộc chiến Vietnam War là hoàn toàn không cần thiết phải có. (Ref: Why Vietnam - Prelude To America's Albatross). Xin lưu ý OSS là tiền thân của CIA ngày nay, và là cơ quan huấn luyện cho lực lượng Việt Minh tại Tân Trào trước 2/9/1945.
Nhưng đó cũng là chuyện đã rồi. Ai muốn đoán già đóan non thế nào cũng không thay đổi gì. Chỉ thấy rõ ràng là đất nước và con người VN đã nhận lãnh những hệ quả tang thương nhất, kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay !

Rồi cho đến thời T/T Nixon và tên phù thuỷ Kissinger, cũng vì muốn chấm dứt cuộc chiến tranh VN & chiến tranh lạnh (Cold War), mà lân la đến với TQ, sẵn sàng bán đứng đồng minh VNCH mà họ đã từng xương máu hứa hẹn. Thế là ngàn năm một thưở, TQ mới có dịp nắm bắt cơ hội cọng tác cùng thế giới tư bản. Mặc kệ lý tưởng chuyên chính vô sản, bỏ Liên Xô theo Mỹ. Chạy theo triết lý "mèo trắng mèo đen" của họ Đặng, hợp tác với thế giới tư bản tự do để kéo đất nước TQ ra khỏi cơn đói nghèo của nền kinh tế XHCN. Trong khi đó Mỹ và các nhà tư bản phương Tây, từng một thời ám ảnh lo sợ chủ nghĩa cọng sản đến thế, nhưng khi tìm được một thị trường lao động giá rẻ TQ, vì lợi nhuận đã không ngần ngại ào ạt đổ vốn vào để đầu tư bất chấp hậu quả. Một TQ nghèo đói đã nhẫn nhịn chịu đựng, bằng tất cả những xảo thuật tinh vi nhất để trở thành công xưởng của thế giới, và cuối cùng đạt thành tựu như ngày hôm nay. Nhưng rồi cũng chính sự phát triển ào ạt đó và tham vọng bá quyền Đại hán của TQ lại là nỗi lo của các nhà tư bản phương Tây đã từng đóng góp tạo ra nó. Quả là thế sự xoay vòng, đạo lý nhân quả, vô thường. Còn trên chính trường tất nhiên là không có kẻ thù hoặc bạn bè nào vĩnh viễn !

Mấy tháng nay trên thế giới, mỗi lúc dân càng chết, người ta càng nghĩ đến TQ. Nhìn cách hành xử và thái độ của TQ trong thời dịch bệnh, cọng với những thành kiến lâu nay, không hiếm người đã lên án và chỉ trích TQ tận mạng. Nhiều báo nhiều đài, nhiều nhà phân tích, dân cư mạng xã hội ... tha hồ mà bàn tán, so sánh đến cái yếu và mạnh của Mỹ và TQ. Ngày nào cũng nghe cũng đọc, đến phát chán mà dịch vẫn chưa qua. Đạo lý "người mù sờ voi" thì chưa bao giờ lỗi thời. Cứ ngã mạn càng to, thì con voi càng lớn, sờ hoài không hết. Bên này cứ chửi bên kia ngu dốt miệt mài. Chuyện thị phi hơn thua trong cuộc sống thì ở đâu cũng thế !

Mình thì luôn tin vào nhân quả, tin vào đạo lý vô thường, và càng tin vào thuyết nhân duyên trong cuộc sống. Cho nên mình luôn nghĩ rằng sự yếu mạnh của một quốc gia, hay sự tồn vong của một thể chế chính trị, là kết quả của những nhân duyên trong đời sống xã hội của quốc gia đó. Tuỳ theo nhân quả của vấn đề và bản chẩt của sự việc mà sẽ thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Có khi đã đến lúc nước Mỹ cần tỉnh giấc và thay đổi. Cũng có khi lãnh đạo TQ cần tỉnh thức về tham vọng của mình. Rõ ràng là biết bao nhiêu máu và mạng sống của những người dân đen đã bỏ ra để khơi dậy sự tỉnh thức đó. Mong rằng đây không phải chỉ là một trò chơi của sự yếu mạnh hơn thua tức thời, mà là sự thay đổi để bình ổn cho xã hội và trật tự của thế giới.

Trong lúc mình ngồi viết bài này, thì lại thấy tin tức của Đài Loan và Hồng Kông. Thực ra mình cũng không hiểu một chế độ mà chỉ dùng bạo lực để bắt người ta tuân phục theo mình, hoặc cưỡng chiếm nhân tâm thiên hạ, thì liệu đến bao giờ mới có được giờ phút thảnh thơi cho chính họ và cho đất nước của họ ? Xưa nay ai cũng biết chỉ có những quốc gia an dân thì mới tạo được hạnh phúc.

Hong Kong từng là một trong những trung tâm tài chánh, dân chủ và phồn thịnh nhất thế giới. Từ lúc về tay Cọng sản TQ, chỉ có đi xuống với những bạo lực, máu và nước mắt. Thế mà lại lăm le tiếp đến Đài Loan. Nhưng đó là những câu chuyện tạo nghiệp bởi cái tham vọng, vô luân của nhà cầm quyền CS TQ. Bao giờ mới hết....?





Tuesday, April 28, 2020

Chiều tháng 4




Ngày xưa, 
nỗi buồn
là những chiếc lá bàng
lang thang
trên dòng sông quê Ngoại
chở nhớ về quên

Ngày nay, 
nỗi buồn
là vạt nắng trên sông
miên man
những con sóng bạc đầu
chở quên về nhớ 

Và ngày ấy, 
chiều tháng Tư
mưa đầu mùa
đến vội
rớt vô tình trên khoé mắt em cay
khóc sũng ướt tuổi thơ tôi mới lớn

Bàn tay nhỏ
vụng về sao đủ nắm ?
nên tình ta lem luốc chốn thiên đường
Ký túc xá vẫn hàng đêm đói bụng
con đường về chỉ có lá me bay 

Em và tôi, 
ôm câu hát của một thời mộng mị
đợi đêm về len lén ngủ quên ăn 
thời cúp điện lập loè thơ Vỡ đất (*)
đợi lả người chửa thấy chén cơm không (**)

Em không khóc,
nhưng lòng tôi se thắt
sách vở nào đắng nghét giảng đường xưa 
hờ hững khép bàn chân không trở lại
quay lưng đi hôn chẳng tạ từ môi



Tôi có ba mươi năm
để quên
nhưng không đủ cho một chiều
để nhớ. 
Ngày trở lại 
tháng Tư 
mắt em tròn ngấn lệ 
mặn phù sa bao thế kỷ rêu phong 
chợt vỡ nát đôi bàn chân nứt nẻ
bước ngập ngừng 
trên góc phố thân quen 

Chiều tháng Tư,
tôi nhìn em 
ngơ ngác 
lá me đầy 
trên tóc nhuộm rưng rưng
vẫn cứ ngỡ cầu Hiền lương nối lại 
sông Gianh buồn chia cắt đã hôm qua
sao níu bước nhạt nhoà chân dấu cũ 
tội tình nào 
lam lũ một quê hương ?

Chiều tháng Tư,
em nhìn tôi 
cuối mặt 
đếm nỗi buồn trên tuổi đá hư hao,
đời gió cát 
trĩu lòng ai thổn thức
đêm lở bồi 
rưng rức tiếng Mẹ ru ...

PN 
(một chiều tháng Tư)


(*) Bài thơ Vỡ đất của HHT "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
(**) cơm không có độn 








Sunday, April 12, 2020

Những tiếng vỗ tay mùa đại dịch Vũ Hán




Hôm nay ngày lễ Easter (Phục Sinh). Hàng năm vào tuần này, nhiều nơi, nhiều khu phố, nhà thờ, hội đoàn ... tổ chức các trò chơi cho các em bé, ca hát nhảy múa vui chơi. Gia đình, bạn bè, sẽ có những buổi hội họp ăn uống, để chào mừng không khí mùa xuân bắt đầu. Nhưng năm nay thì không, không hội hè đình đám, không bạn bè thân hữu tập trung. Nhiều nhà thờ cũng không tổ chức hội họp. Đức Giáo hoàng Francis cũng làm lễ Thánh trong giáo đường St. Peter's Basilica lặng lẽ.

Tuy nhiên, những khoảng cách không gian, những social distancing trước đại dịch Vũ Hán đã không làm cho con người quên đi những khoảng lặng của tình người, lòng tri ân cuộc sống, và những giá trị nhân bản cần thiết của xã hội. Chiều nay 6g, nhiều người dưới thành phố mình đang sống, hẹn nhau cùng mở cửa vỗ tay tri ân những người y tá, bác sĩ, cảnh sát, nhân viên y tế xã hội ....v.v...đã không sợ nguy hiểm làm việc ở tuyến đầu chống dịch Vũ Hán. Trên thế giới, mấy tuần qua, nhiều quốc gia, nhiều địa phương, cũng đã làm như thế để tri ân, để tạ ơn, để cổ vũ những người "thiên thần áo trắng" ngày đêm chống dịch cứu người. Nhiều nơi, các nhà hàng, các khu phố còn đem những thức ăn thức uống, hoặc các dụng cụ bảo hộ trao tặng cho đội ngũ nhân viên ý tế coi như thay lời cảm tạ. Mình rất xúc động và trân trọng những ứng xử nhân văn như thế.

Nghĩ đến đôi lần mình coi tin tức bên VN, thấy các "đại gia" hay "đại ca anh chị" gì đấy, hoặc thành phần bất hảo ... vào tận bệnh viện chửi chém bác sĩ y tá, mà rùng mình ghê sợ. Dĩ nhiên là cũng có những người bác sĩ y tá tắc trách trong công việc hoặc tranh thủ cơ hội lợi dụng, chứ không thể hoàn hảo tuyệt đối được. Nhưng một nền giáo dục mà dẫn đến tình trạng đánh thầy cô, cướp sư sãi, chém thầy thuốc ... .v.v...thì có nhiều thứ phải đáng suy gẫm lại.

Những người thầy thuốc, đội ngũ y tá bác sĩ, trong xã hội nào cũng đáng được tôn trọng. Bởi nếu họ nhỏ nhen, đố kỵ, phân biệt chính trị, sang hèn, sướng khổ, màu da, chủng tộc ... thì xã hội này đã loạn từ lâu rồi. (Tất nhiên là ở đâu và thời nào cũng có những cá nhân lợi dụng cái nhãn mác bác sĩ, y tá, lương y, để làm những chuyện sai trái. Nhưng đó chỉ là thiểu số, và chuyện nên lưu ý nhận xét & phân tích để đề phòng luôn là cần thiết).

Xin mạn phép nhắc lại một ký ức tuổi thơ của mình. Thời mình còn nhỏ, Má mình làm y tá, trông coi một Trạm Xá ở một vùng chiến tranh ác liệt, "ngày quốc gia đêm cọng sản". Nhiều lúc nửa đêm, mờ sáng, cũng phải đi băng bó cứu thương cho đồng bào hay binh lính. Có đêm hoả châu, đại bác vang rần, Má đi mà cả nhà thấp thỏm đợi chờ lo lắng. Thời đó chiến tranh ngày càng khốc liệt, quanh vùng quê mình, cứ đêm về, bom mìn bẫy gài giăng đầy, đến sáng mới được gỡ. Hên xui may rủi, sống chết khó lường, nhưng rồi may mắn mọi chuyện cũng qua. Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn, và người dân luôn là kẻ bị thiệt thòi.
Nhớ nhiều lần mình đi theo Má trong những đợt phát thuốc sốt rét hay chích ngừa cho đồng bào ở miền núi, vùng sâu vùng xa, bán an ninh. Có khi có cả lính Mỹ đi theo, để bảo vệ nhân viên Hội chữ thập đỏ, tổ chức Y tế thế giới v.v... Ai cũng biết là trong số những người dân đen đó có cả những người cán bộ, du kích, kháng chiến quân. Nhưng đã làm ngành nghề này thì thấy ai chết cũng phải cứu. Cuộc sống ở vùng "bán an ninh" đều như thế, không thể biết ai là ai, nhưng người dân nào bịnh cũng phải được cứu chữa. Người dân nào cũng được quyền chăm sóc, phải được chích ngừa phát thuốc bình đẳng như nhau. Má mình cũng như bao nhiêu người làm công việc y tế cứu thương khác ở vùng chiến tranh, cho dù cận kề cái chết, đi sớm về khuya, cũng phải làm nghĩa vụ của mình. Cũng giống như những người y tá bác sĩ ngày nay, bất kể là gốc đen trắng vàng đỏ, giàu nghèo sang hèn, ai cũng phải được cứu trị. Thâm chí nhiều vị bác sĩ y tá chấp nhận rủi ro lây nhiễm, sống chết để cứu người khác, cũng là chuyện bổn phận bình thường mỗi ngày.
Nói đến đây, nhớ lại thời 1975, có mấy ông cán bộ địa phương đến kêu Má mình phải đi học tập cải tạo vì từng làm việc cho "Mỹ Nguỵ". Vừa buồn cười vừa xót xa !

Nhưng đó là chuyện đã xa rồi. Thời này, chắc chắn ai cũng văn minh hơn, nhân bản hơn. Xin hãy tri ân những người thầy thuốc ngày đêm tuyến đầu chống dịch bệnh cứu người. Nếu không có gì quý tặng nhau, không vỗ tay cổ vũ nhau, thì ít ra cũng xin đừng chửi chém nhau !

Cầu mong bệnh dịch Vũ Hán sớm qua. Chúc mọi người an lành. Và trân trọng ghi ơn những vị anh hùng áo trắng đã hy sinh cứu người trong cơn đại dịch khủng khiếp này.

Dưới đây là chương trình Hát cho Hy vọng của Andrea Bocelli, trình diễn hôm nay.
(Andrea Bocelli: Music For Hope - Live From Duomo di Milano)


Friday, March 20, 2020

Tia sáng cuối đường hầm



Hôm qua, Mark Zuckerberg (Facebook) đã có một cuộc phỏng vấn khá chi tiết với Dr. Anthony Fauci - người hiện nay được cho là chuyên gia bậc nhất về các dịch bệnh do virus gây ra. Nếu quý vị nào nghe được tiếng Anh, nên nghe. 

https://www.usatoday.com/story/tech/2020/03/19/mark-zuckerberg-facebook-anthony-fauci-coronavirus-covid-19/2881623001/

Nhiều vấn đề được đưa ra nhưng đa phần liên quan đến nước Mỹ. Riêng về dịch Vũ Hán đại khái có những điểm cần lưu ý như sau:

- Hiện tại thuốc ngừa (vaccin) của bịnh covid-19 đã tiêm chủng vào 45 người thiện nguyện tại Mỹ . Tuy nhiên theo BS. Fauci, sau vài tháng sẽ là đợt thử 2 trên diện rộng nếu có phản ứng tốt . Đó là quy định an toàn bắt buộc, nên sớm nhất để có vaccin cho dịch cúm Vũ Hán phải trên 1 năm . Ông cho rằng từ năm 2002 đến nay đã có mấy lần dịch coronavirus (SARs, MERs ...), nên ông nghĩ hợp lý hơn là nghiên cứu và sản xuất vaccin cho tất cả các chủng Corona thay vì chỉ tập trung vào COV-19. Vì nếu không, sẽ tiếp tục còn các chủng corona mới trong tương lai .

- Do vậy, nên giải pháp thay thế là tìm kiếm các loại thuốc đã có sẵn ngoài thị trường, hoặc sắp hoàn chỉnh, để xài cho tình hình hiện nay. Như thế sẽ nhanh hơn và giải quyết được tình trạng cấp bách. Ông có nhắc đến một số tên thuốc, trong đó có chủng loại chống sốt rét đã được sử dụng bao nhiêu năm nay, là ký ninh thần thánh .....

- Nói về các chủng loại thuốc ký-ninh thì VN ta quá quen thuộc rồi. Từ thời chiến tranh, nằm rừng chống muỗi, hoặc dân cư vùng quê vùng sâu vùng xa ....nhiều người đã từng nếm qua. Đến thời bình, hết sốt rét, dư đủ rủng rỉnh, thì lại xài ký-ninh để pha chế cafe, tẩm thực phẩm, nấu bánh ..... cho đậm đà hương vị, đẹp mắt, lâu hư ..v.v.. Gần gũi & quen thuộc.

- Một lưu ý rất đáng quan tâm, BS Fauci từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở các cuộc họp báo khác là : Giới trẻ (U30) sẽ rất ít bị ảnh hưởng bởi virus Vũ Hán. (Có thể bị nhiễm bệnh nhưng lướt qua được, và không có triệu chứng nguy hiểm bên ngoài) . Cũng bởi thế nên nhiều người trẻ không biềt mình nhiễm bệnh . Tuy nhiên họ vẫn là nguồn gây bệnh cho kẻ khác nguy hiểm nhất, nhất là với những người lớn tuổi và có tiền sử bệnh tật . Nên ông kêu gọi giới trẻ nên hiểu biết và giữ gìn cho người khác, cách ly để đừng phát tán cơn bịnh này )

- Còn nói đến yêu cầu thử nghiệm và điều kiện để chấp thuận một loại thuốc mới ở Mỹ thì rất là khắt khe, nên lúc nào cũng đòi hỏi những quy trình thử nghiệm (clinical trials) cẩn thận chi tiết. Đây là một chính sách và phương thức rất tốt, tôn trọng giá trị sinh mạng con người. Nhưng có thể là một yếu điểm trong những tình hình cấp bách như hiện nay. (Cho dù tổng thống Trump rất ủng hộ giải pháp thay thế này). Tuy nhiên, ở các nước châu Âu thì quy trình thử nghiệm dễ dàng hơn. Mấy hôm nay bên Pháp đã thử nghiệm lâm sàng phương thức dùng ký ninh kết hợp, rất hiệu quả & thành công. Mỹ cũng đang thử nghiệm áp dụng chloroquine (một chủng ký ninh dạng viên) để trị cúm Vũ Hán. Dĩ nhiên đây chỉ là giải pháp thay thế tạm thời, không phải trường hợp nào cũng ứng dụng được. Và ký ninh cũng không phải là thuốc dành để trị cúm, nhưng có còn hơn không, có còn hơn không .... Chỉ là một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi những điều tốt hơn xảy ra như vaccin chẳng hạn, nên sẽ không hứa hẹn sự hoàn hảo nhất. Mọi người không nên sử dụng tùy tiện các loại thuốc chống sốt rét này vì các phản ứng phụ rất nguy hiểm, phải cần có sự chỉ định của bác sĩ. Nhưng nói chung cũng là tin vui và là ánh sáng cuối đường hầm cho nhân loại lúc này.

(Mà nói tới đây, mình phải thành thật cảm phục những vị lãnh đạo của Mỹ, các vị thống đốc tiểu bang & tổng thống Mỹ. Ngày nào cũng xuất hiện trên TV để cập nhật thông tin chính xác và tìm các giải pháp hổ trợ cho người dân. Từ đề xuất giải pháp cho đến các gói hổ trợ, đến họp báo với các cơ quan ban ngành, quốc hội, CDC (cơ quan kiểm soát dịch tể), FEMA (cơ quan giải quyết tình trạng khẩn cấp), SBA (doanh thương nhỏ), Bộ tài chánh, Cơ quan thuế IRS .v.v... Đích thân ra mặt để điều hành giải cứu đất nước. Rất đáng trân trọng. Đây có lẽ là sự khác biệt rõ nhất giữa nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền !!!)

- Cũng mở ngoặt chút là dược chất Chloroquine phosphate kỳ này lên ngôi. Mà VN là một trong vài nước hiếm hoi trên thế giới có phosphate, cây nhà lá vườn và hoàn toàn có khả năng chế ra món này nghen.
Dưới đây là bản tin về thử nghiệm thành công dùng ký ninh trị cúm Vũ Hán và study của Mỹ . Chắc nay mai lại sẽ có nhiều thông tin khác liên quan đến đề tài "Hydroxychloroquine" này .


Cầu mong dại dịch sớm qua, và thế giới được an lành . Chúc tất cả bình an .

Monday, February 24, 2020

Opinion: If the coronavirus isn’t contained, a severe global recession is almost certain

By Rex Nutting
Published: Feb 24, 2020 1:32 p.m. ET

   
Economists try to estimate the impact of a pandemic, but we just don’t know how bad it could get



MIGUEL MEDINA/AFP via Getty Images - No virus can get past the Italian Guardia di Finanza!

The world woke up Monday to the reality that the coronavirus epidemic is going to have a much bigger impact on the global economy than investors and policy makers had assumed. Just how big, no one really knows.

Last week, it seemed as if financial markets believed that COVID-19 would be contained. But new cases in Italy, South Korea and Iran over the weekend undermined that belief. The World Health Organization tried to reassure the public on Monday, saying the disease was not yet a pandemic because it was not spreading in an uncontained way.

No matter, stock markets GDOW, -2.96% SPX, -3.22%  and other financial markets BUXX, -0.01% TMUBMUSD10Y, -7.34% GC00, +0.79%  were quickly recalibrating the worst-case scenario, one in which hundreds of millions of people would be infected, and millions would die.

Nasty, brutish and short !

Investors are just beginning to price in the possibility of a sharp and nasty global recession that would be followed by a rapid rebound once the disease has run its course. Whenever that will be. In the longer run, of course, a pandemic could have more far-reaching effects, including a smaller and less productive workforce and even a reordering of globalization.

A pandemic ‘could produce a short-run impact on the worldwide economy similar in depth and duration to that of an average postwar recession in the United States,’ the CBO found.

We’d like to think that we can know the worst that could happen, but there is still so much that isn’t known about COVID-19, the disease caused by the new coronavirus that emerged in China and now spreading around the world. Most of the economic analysis is based on past pandemics, such as the 1918 global influenza pandemic, and more recent bouts with avian flu, SARS and MERS.

Nothing like it in recent history

But none of those examples fit the current situation perfectly. For one thing, unlike the flu, no one in the world has any natural immunity to this disease, nor is there a vaccine. The coronavirus is quite contagious, and many more people are likely to get COVID-19 than is assumed in these generic pandemic simulations.

The more recent pandemics weren’t nearly as widespread or deadly as this one seems to be. People who don’t appear to be sick can transmit the virus, making efforts to contain its spread magnitudes more difficult.

What’s more, the 1918 flu pandemic occurred in a different world, the world before airlines shrank the world, the world before globalization knitted our economies closer than ever, and the world before the internet, a technology that can spread misinformation and fear virally around the globe in an instant.

For example, the 1918 pandemic didn’t seem to have much impact on global trade or financial markets. Compare that to what we’ve already seen with COVID-19. Here’s what Apple, Procter & Gamble, Walmart and other U.S. companies are saying about the coronavirus outbreak.

That means the economic impact of a global pandemic of these proportions could be much larger than what investors and policy makers have assumed.

Could GDP contract 4.5%?

Many economists have tried to model the economic consequences of a pandemic. CBO did a study in 2005 and 2006, modeling the impact of a 1918-sized flu pandemic on the economy. They found that a pandemic “could produce a short-run impact on the worldwide economy similar in depth and duration to that of an average postwar recession in the United States.” Specifically, a severe pandemic could reduce U.S. gross domestic product by about 4.5%, followed by a sharp rebound.

The CBO assumed that 90 million people in the U.S. would get sick, and 2 million would die. There would also be demand-side effects, with an 80% decline in the arts and entertainment industries and a 67% decline in transportation. Retail and manufacturing would drop 10%.

The U.S. wasn’t prepared for a flu pandemic then, the CBO said, and it isn’t now.

“If a pandemic were to occur in the near term, the options for the United States would be limited to attempts to control the spread of the virus and judicious use of limited medical facilities, personnel, and supplies,” the bipartisan agency concluded. “In the longer term, more tools are potentially available, including an increased treatment capacity, greater use of vaccines and antiviral drug stockpiles, and possible advances in medical technology.”

Other simulations of the U.S. and non-U.S. economies have found similar economic impacts, although that research came at an earlier stage of globalization, when our economy was not quite so reliant on far-flung supply chains.

Quarantining the economy

Much of the immediate economic impact of a pandemic can be traced to the efforts to contain it, rather than from the effects of the disease itself. As we attempt to quarantine those who might spread the disease, we shut down a lot of economic activity.

The quarantines might be the only way to slow the spread of COVID-19, but they could also hamper our response. Our health-care system also relies on vital inputs for medicines, supplies and equipment produced all over the world, including China and other hard-hit Asian economies. And of course we rely on the free flow of thousands of other goods and services.

The potential for disaster is sobering. The economies of the world are extraordinarily resilient, yet extraordinarily dependent upon each other in a crisis. Sadly, the things we need most to get us through this — wise leadership, global cooperation and clear thinking — are harder to find than a surgical mask.

Monday, February 17, 2020

Tưởng niệm 17/2

17/2/1979 -
Nhớ ngày Đảng Cọng sản Trung quốc xua quân đánh chiếm Việt Nam, gây ra bao chết chóc tang thương cho người dân 2 nước.
Một cuộc chiến tàn nhẫn chứng minh cho giá trị của "tình hữu nghị núi liền núi sông liền sông", mà mãi cho đến nay nhiều người vẫn còn tin rằng đó chỉ là một bài học của đàn anh dạy dỗ !








Friday, January 24, 2020

Chúc mừng năm mới


Thân chúc quý bạn hữu cùng gia đình một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý .







Phiếm: Chiếc kẹp tóc thơm tho



Mùa hè vừa qua mình về VN. Đúng lúc, giáo sư E.H, một người bạn vong niên của mình cũng về. Không hẹn mà gặp ở Saigon. Ông là tiến sĩ của đại học Yale về ngôn ngữ Đông phương và từng dạy học ở đại học UNC- Chapel Hill, bang North Carolina. Lâu lâu ở Mỹ mình và ông ta cũng gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất cho vui. Dĩ nhiên là ông ta nói tiếng Việt, tiếng Hoa, lưu loát, không cần phải thông dịch. Mình với ông có cùng sở thích là thích lang thang đi đây đi đó, ăn uống đơn giản, quán xá vỉa hè bình dân... đặc biệt là món rau muống xào tỏi :-). Nhớ có buổi sáng, hai người uống cà phê ngoài bờ kè kênh Nhiêu Lộc, giáo sư E.H say sưa kể cho mình nghe câu chuyện gốc gác của bài hát "Chiếc kẹp Tóc Thơm Tho" mà nhạc sĩ Phạm Duy từng kể lại cho ông trước đây. Thực ra đó cũng là lần đầu tiên mình nghe đến bài hát này. Có lẽ đây không phải là một bài dễ hát và dễ nghe. Rồi cả hai cùng im lặng nhìn về phía con kênh Nhiêu Lộc chầm chậm lững lờ. Ngoài kia vẫn là những đứa bé chăm chỉ bán vé số trong giờ đi học, lầm lũi giữa giòng người qua lại như mắc cửi. Phía bên kia kênh, những toà nhà cao ốc mới sừng sững mọc lên, nghiêng mình soi bóng bên con nước đen ngòm mang đầy rác rưởi..... 

Đại khái nội dung của bài hát nói về một đứa bé (người thật việc thật) đã đem lại cảm xúc cho nhạc sĩ Phạm Duy viết lên ca khúc này. Một em bé gái nghèo, bán vé số dưới bến phà miền Tây, đã khẳng khái từ chối khoảng tiền biếu tặng của nhạc sĩ, mà chỉ muốn kiếm tiền sòng phẳng bằng chính công sức bán vé số của mình. Và sau đó, để trả ơn ông PD đã mua vé số nhiều, cô bé tặng ông chiếc kẹp tóc của chính mình. Thực ra đây không phải là câu chuyện hiếm hoi lắm, nhưng là một thái độ sống rất đáng trân quý giữa một xã hội đầy rẫy những chuyện phù phiếm, vô cảm, nặng về hình thức bên ngoài như VN hôm nay.

Tuần rồi mình cũng mới về miền Tây cùng với mấy người bạn. Dĩ nhiên bây giờ không còn phà nữa, và nhiều người bán vé số đã đi bằng xe máy. Nên chỗ nào dừng lại cũng có người chạy xe máy đến mời mua. Chiều cuối năm, bên đường rải rác hoa xuân bày bán, rau quả dập dìu sông nước ngược xuôi. Mình bỗng lan man nhớ đến cô bé bán vé số ngày xưa trong bài hát của nhạc sĩ PD. Không biết em bây giờ ra sao, đã sắm được chiếc xe máy để đi bán vé số chưa, hay đã bị cuộc sống khốn khổ vùi dập từ lâu rồi ?

Một cảm xúc miên man quen thuộc. Cuối năm về thăm nhà bao giờ cũng buồn vui lẫn lộn. Đôi lúc vô tình nghe lại một khúc hát cũ, hoặc chạy ngang một góc phố xưa, bao nhiêu cảm xúc bỗng ùa về. Chợt thèm được như cụ Vũ đình Liên để được đơn giản gặp lại những hình ảnh ông đồ "... bày mực Tàu, giấy đỏ, bên phố đông người qua". Hoặc chỉ để nhìn thấy " lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay", hay là để hoài niệm "những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?" .... 

Tuy nhiên sự chờ đợi và thực tế thường là khác nhau. Mong đợi thì nhiều, nhưng đến khi được đi qua phố "Ông đồ" ở Tao đàn, lại lầm lũi cố bước qua nhanh. Ngồi taxi nghe anh tài xế kể chuyện hết ông cựu bộ trưởng này đến ông thứ trưởng kia tham nhũng nhận hối lộ. Rồi đến khi ra toà lại khóc lóc van xin, đổ bịnh mất trí nhớ, sáng khai nắng chiều lại khai mưa. May nhờ luật pháp "nghiêm minh" cho trả tiền lại, khắc phục hậu quả, được tha bổng vì có lý lịch nhân thân tốt. Nghe đâu cứ tưởng chuyện đùa !
Uống cafe với đứa em quen, mặt buồn buồn kể chuyện "bị" sưu tra lý lịch vì sắp được lên chức. Vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ nợ nần gì (nếu có) thì 45 năm qua, đời cha, đời ông của họ cũng đã trả hết rồi. Thậm chí nhiều người đã phải chết đi để trả những món nợ thù hận thắng thua, thế sao còn liên luỵ đến đời con đời cháu dai dẳng đến vậy. "Trả" rồi sao chưa "tha" cho họ, cũng như đã từng tha cho ông bộ trưởng thứ trưởng nào đó "trả" lại thùng trái cây đô la ? Mà thực sự là cho đến nay mỗi khi nhắc đến chuyện lý lịch ba đời thì rất nhiều người vẫn còn thấy xót xa. Quả nhiên đó là những nỗi đau thế hệ mà lịch sử khó quên. Rồi sẽ còn kéo dài bao lâu ? Là nguyên cớ hay là nguyên nhân ? Hoà hợp hay ngăn cách ? Xưa này cũng chưa từng thấy một sự hòa hợp hoà giải nào lại được xây dựng bằng những hận thù và định kiến. 
Đi xe ôm Grab, cậu em trai tốt nghiệp đại học, thất nghiệp, chạy xe ôm đợi ngày về quê ăn tết. Vừa lạng lách tránh kẹt xe, vừa vanh vách kể cho mình nghe cả hơn nửa dàn lãnh đạo của TP HCM bị dính vụ đất cát kỷ luật vào cuối năm, ai cũng tiền tỷ như quân Nguyên... Nghe cứ như là những câu chuyện buồn tổng kết cuối năm, chuẩn bị đi theo ông Táo về trời :-). 
Cũng có tin vui. Chạy về nhà đi ngang Đồng Nai, Phú Túc, Gia Kiệm, Định quán, Phương lâm .... không còn gặp mấy anh CSGT làm luật ở đó nữa. Hỏi thăm chuyện lạ, thì ra tỉnh DN mới đổi ông sếp lớn. Mừng ghê, ai cũng mừng !

Nói chung là về quê hương thì bao giờ cũng thấy đầm ấm, gần gũi. Nhưng đôi lúc đọc nhiều tin tức, nghe nhiều câu chuyện, thấy nhiều cảnh tượng, lại thấy lòng mình hoang mang. Thực ra là nghe nhiều chuyện quá, nên cũng không nhớ hết được. Mấy tuần qua có câu chuyện Đồng Tâm ngoài Bắc là đình đám nhất. Mặc dù báo chí hầu như không đăng tải hoặc có quá ít về thông tin này, nhưng đi đâu, ngồi quán vỉa hè nào cũng nghe người ta nhắc đến chuyện này. Hình như có chút gì nghèn nghẹn trên môi và nhiều trắc ẩn đằng sau những câu chuyện giải bày. 

Còn nói đến chuyện hoa quả ngày Xuân của năm nay, SG & các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ cũng bày bán khá nhiều, như dường như ít nguời mua sắm hơn mọi năm. Hy vọng những ngày cận tết sức mua sẽ tăng hơn. Cầu mong mọi điều tốt đẹp với nhà vườn. Nếu không, lại khổ thân cho kiếp nhà nông, nuôi quân cả năm chờ đợi vài ngày, nhưng rồi lại phải dỡ bỏ bán tháo.

Nhìn lại đất nước VN sau 45 năm trôi qua. Một thời gian khá dài cho bất kỳ một sự thay đổi nào. Tưởng chừng như đất nước VN đã vượt qua những rào cản khó khăn của giai đoạn tạm thời, đã hoàn thiện những lỗ hổng của hệ thống pháp lý cũng như những căn bản về cấu trúc vận hành xã hội, để mạnh mẽ vươn lên hoà nhập với thế giới văn minh. Cũng tưởng chừng như VN đang bước vào giai đoạn phát triển công nghệ 4.0, phát triển công nông nghiệp phồn thịnh, giáo dục y tế ổn định. Nhưng ngược lại, cho đến nay VN dường như vẫn còn loay hoay với chính sách sở hữu đất đai, luật công tư, và những vấn đề như thu hồi, cưỡng chế, phân bổ, phê duyệt dự án ...v.v. Những đại án liên quan đến cán bộ tham nhũng đất đai vẫn nhan nhản xảy ra hàng ngày. Bắt bớ, tù tội, biểu tình, dân oan....vẫn là những đề tài nóng bỏng thời sự.

Mình không biết nhiều và cũng không hiểu được tại sao VN có quá nhiều vị lãnh đạo đất nước vướng vào vòng lao lý đất cát như vậy, nên không có ý kiến gì. Chỉ là trên thế giới hiện nay hiếm khi thấy một đất nước nào lại dễ dàng có nhiều vấn đề tội phạm liên quan đến đất đai như thế. Bên cạnh đó thì cũng có một số người lạc quan vì VN ngày càng nhiều tỉ phú. Nhưng thông thường một đất nước mà đại đa số tỉ phú hàng đầu đều liên quan đến địa ốc, các nguồn thu nhập khủng đều đến từ đất cát, chứ không phải do công nghệ sản xuất hoặc các đột phá về khoa học kỹ thuật, thì người ta thường nhìn nhận sự giàu có đó bằng cách nghĩ khác !

Hôm rồi xuống đèo B'lao, dừng lại mua sầu riêng, nhìn mấy em nhỏ bán vé số, tự dưng mình nghĩ nhiều đến cô bé có "chiếc kẹp tóc thơm tho" của nhạc sĩ PD năm nào. Giá như cuộc sống này có nhiều người mang tâm hồn trong sáng và lòng tự trọng như em, xã hội có thể đã được tốt đẹp hơn. Giá như những vị tham quan có lòng tri ân và công bằng với người khác như em, có lẽ đất nước VN đã được chắp cánh bay cao. Và biết đâu em cũng đã được hồn nhiên cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, mà không cần phải lam lũ bán từng tờ vé số !

Hôm nay chiều 30 Tết, lại một năm mới sắp đến, gần nửa thế kỷ trôi qua tính từ 1975. Nếu như lời chúc phúc có ứng nghiệm, thì mình xin chúc cho đất nước VN có nhiều câu chuyện như "Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho”. Cầu mong mọi chuyện thay đổi tốt đẹp, đất nước an bình hơn, con người đối đãi nhau tử tế hơn, buông bỏ hơn, và những người khổ cực được nhẹ nhàng hạnh phúc hơn. Cũng thân chúc các bạn hữu, anh em, và gia đình một năm mới an vui, vạn sự như ý.

PN

Tuesday, December 24, 2019

Merry Christmas & Happy New Year 2020


Thân chúc quý bạn hữu cùng gia đình một mùa Giáng Sinh an lành, và năm mới 2020 thịnh vượng.











Thursday, December 12, 2019

Có gì đẹp trên đời hơn thế ?

"Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người, sống để yêu nhau"

Những câu thơ mượt mà đầy tính nhân văn của Tố Hữu, nhà thơ từng nổi tiếng một thời về những bài thơ ca tụng Liên Xô, Lenin, và Stalin vĩ đại. Mình thuộc loại kém may mắn chưa được sinh ra vào cái thời ông Tố Hữu ca tụng "Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người, sống để yêu nhau". Nhưng cho đến hôm nay, cũng cảm nhận được phần nào cái ý nghĩa "yêu người & sống để yêu nhau" của ông nhà thơ ấy !

Từ những phiếu xét nghiệm giả, thuốc ung thư giả (có thể còn nhiều thứ thuốc khác giả mà chưa bị lộ), que thử nghiệm cắt đôi .... cho đến những bệnh viện quá tải, bệnh nhân la liệt, chen chúc nhau để chờ đợi sự sống, chờ đợi "người yêu người", chờ đợi lòng nhân của các bậc lương y tá, lương y sĩ, và giới chức hữu trách. Những câu chuyện đau lòng tắc trách, thiếu trách nhiệm vẫn xảy ra mỗi ngày.  Nén bạc đâm toạc tình người, bao thư đi trước đói nghèo chạy sau. Người nhà đâm chém bác sĩ, bệnh nhân rượt y tá ...v.v.. Bên cạnh đó là bao nhiêu câu chuyện tham quyền cố vị, hám danh gây hại. Không năng lực, kém nghiệp vụ, bám víu danh xưng, mua bán chức vụ, giả mạo bằng cấp, hồn nhiên tạo ra biết bao nhiêu hệ lụy bi thương cho những người dân đen đã đặt hết niềm tin vào họ. (Xin lỗi mình không có ý vơ đũa cả nắm, bên cạnh những câu chuyện tiêu cực, vẫn có rất nhiều tấm gương y tá, bác sĩ rất đáng trân trọng. Họ tuân thủ với lời thề Hippocrates, đêm ngày dấn thân hy sinh phục vụ tha nhân).

Còn nói về sự vô cảm của xã hội, thì không phải chỉ dừng lại ở lãnh vực y tế cộng đồng. Cũng không phải chỉ trong bệnh viện cơ quan, mà ngoài xã hội cũng không thiếu những chuyện đau lòng. Hoá chất độc hại tràn lan vô tội vạ mỗi ngày trong sinh hoạt, trong thức ăn, trong đời sống, chỉ vì những món lợi nhuận "không phải do công sức mình". Nguyên nhân thì nhiều nhưng giải pháp thì ít. Dân trí cũng có, nghèo đói làm liều cũng có, mà lòng tham cũng có ... Thế thì những người giàu có hơn, quyền lực hơn, không phải chạy gạo mỗi ngày, có tình người nhiều hơn chăng ? Họ có "người yêu người, sống để yêu nhau" ? 
Những câu hỏi mà ai cũng có sẵn câu trả lời. Hãy cứ nhìn vào sự tương phản của cuộc sống xa hoa và nghèo đói. Hãy nhìn vào những công trình lớn nhỏ mỗi ngày, từ xa lộ, cầu đường, chung cư, căn hộ, dự án, công trình, đền đài, chùa miếu ... cho đến những câu chuyện tham nhũng bất hợp lý. Hãy nhìn vào những tai nạn, sự cố, những vụ án đau lòng, những cái chết tức tưởi, những bạo lực cộng đồng... để chiêm nghiệm bằng chính tư duy của mình rằng "người với người có sống để yêu nhau" ?

Nhiều, rất nhiều những câu chuyện đắng lòng đã và đang xảy ra đến mức thường lệ. Quan trọng nhất vẫn là câu hỏi tư duy và sự vô cảm đó đã được hình thành từ đâu, và làm thế nào để phục hồi tính nhân bản của xã hội ? Mọi lý thuyết và biện mình đều vô nghĩa nếu như không có một kết quả cụ thể !

Tất nhiên là ai cũng nhìn ra được xã hội ngày càng vô cảm hơn. Có lẽ vật chất lên ngôi đột biến, con người ngày càng quan tâm đến những ứng xử bề ngoài. Cuộc sống hời hợt hơn, sự chân tình và tình người hiếm dần. Tuy nhiên vì cuộc sống bề bộn, vất vả mưu sinh cơm áo gạo tiền, nên dẫu có nhận ra chân tướng của vấn đề, cũng lực bất tòng tâm, nên nhiều ngưòi lặng im mà sống, mưu cầu sự yên ổn cho bản thân và gia đình. Cũng không hiếm người nhận ra cuộc sống đạo đức suy đồi, xã hội xôi thịt, nhiễu nhương phức tạp, nhưng tự an ủi ai sao mình vậy, sống chung với lũ, "lâu rồi đời mình cũng qua". Vô tình chạy trốn chính lương tâm mình. Tìm vui trong những cuộc vui chóng vánh, hơn thua, rượu chè, đi bão, hát ca... Tự hào về những cây bánh tét dài nhất, nồi phở to nhất, tượng đài lớn nhất. Sống an phận và gởi gắm niềm tin vào những thứ mơ hồ. Ráng tin mà sống. Vào công ty, biết ông sếp bất tài, chuyên cậy quyền ỷ thế, không có khả năng chỉ đạo, nhưng vẫn lặng lẽ làm theo, hy vọng rồi sẽ tốt đẹp hơn. Đi chùa, biết ông thầy làm sai giới luật, không thực hành chánh pháp, nhưng kệ vẫn lạy cho qua, nghĩ là tạo phúc..v.v...Và cứ thế, từng ngày qua đi, sống và tồn tại như một thứ bản năng cố hữu !

Suy cho cùng thì ai cũng có những nỗi niềm riêng trong cuộc sống này. Rồi cho dù có thực sự hạnh phúc hoặc cố gắng an phận mà sống, thì sớm hay muộn gì cũng có những khoảnh khắc để nhìn lại. Nhìn lại để chiêm nghiệm bản thân, để chiêm nghiệm cuộc sống, và chiêm nghiệm hành trình của người dân Việt ngay trên quê hương của mình. Liệu có phải chúng ta đang sống ở thời đại "người yêu người, sống để yêu nhau", hay đó chỉ mãi mãi là một điều mơ ước ? Và xã hội này sẽ đưa ta về đâu, cho dù mỗi ngày ta cứ hồn nhiên chọn một niềm vui !

“From the beginning men used God to justify the unjustifiable.” -  Salman Rushdie, The Satanic Verses






Thursday, November 28, 2019

Phiếm: Ăn gà tây, nhớ gà ta :-)

Nhân ngày tạ ơn nói chuyện không tạ ơn ..... của các bác "trí thức" quê nhà :-)

Mấy hôm nay, báo chí mạng xã hội lại rần rần chuyện mấy nhà "trí thức" quê ta bừng bừng khí thế đấu tranh giành quyền không đặt tên đường cho mấy ông giáo sĩ phương Tây đã tìm ra chữ quốc ngữ năm xưa. Cụ thể là 2 ông Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina. Nhiều nhà "trí thức" cho rằng mấy ông giáo sĩ đặt ra chữ Quốc ngữ là để đô hộ VN, chứ chẳng công trạng gì. Có ông "trí thức" khác nêu lý do không đồng ý, là vì ông Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Quốc ngữ nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo, và sử dụng câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo). Amen !

Thực ra, mấy bữa trước có coi qua rồi, nhưng hoải quá, rồi cũng chẳng có ý kiến ý cò gì . Hôm nay lễ Tạ ơn, nãy giờ phụ vợ ướp con gà tây để chiều cho vô lò. Hoàn thành nghĩa vụ rồi, rảnh rỗi lại sinh nông nỗi, dài chuyện trong lúc đợi chờ...

Nói vòng vo cho xa một chút, ví dụ như những con dao ngày nay đã có nguồn gốc từ  thời đồ đá của người tiền sử (Homo sapiens). Rồi 2.5 triệu mùa lá rụng trôi qua, người ta hôm nay dùng dao để nấu ăn, đâm chém, múa may, biểu diễn, làm quà biếu tặng, phòng thân, phong thần ..v.v.... Dao có thể dùng để giết người, mà cũng có thể dùng để cứu người. Chuyện đơn giản vậy ai cũng hiểu, không lẽ cứ thấy ai xách dao đi rượt thiên hạ, lại đổ tội lên mấy ông xài Oldowan ngày xưa ?

Giờ nói sơ qua chuyện nguồn gốc của chữ quốc ngữ VN. Thì cũng như bao nhiêu giai thoai lịch sử khác, nhiều nguồn, nhiều sách, nhiều giả thuyết, làm sao trọn vẹn hết được ? Nhưng lâu nay, có lẽ nguồn được thuyết phục nhất là nguồn cho rằng bộ chữ Quốc ngữ ra đời khoảng năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625). Ông Francisco De Pina là giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong năm 1617. Vốn giỏi tiếng Nhật và chữ Hán, nên ông dễ dàng học nói tiếng Việt và đọc chữ Nôm. Và sau đó, ông cũng nhận thấy các giáo sĩ khác gặp quá nhiều khó khăn trong việc học hỏi ngôn ngữ đọc và viết của người Việt, nên đã nghĩ ra cách dựa vào bảng mẫu tự La Tinh để ghi âm theo tiếng bản xứ.
Năm 1624, sau khi tương đối hoàn thành hệ thống tiếng Việt mới, ông mở lớp dạy lại cho các giáo sĩ khác đến truyền giáo tại Việt nam. Ông cũng tự viết những bài giảng và đi truyền đạo bằng thứ chữ Việt mới này từ đó (nay là Quốc ngữ). Cho đến tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng. Sau khi ông chết, thì có những giáo sĩ đã từng học chữ quốc ngữ VN của ông, đứng ra tiếp tục công việc hoàn chỉnh hệ thống chữ mới đó, nhưng chủ yếu là do giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646), giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647), và giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) mà người VN gọi là cha Đắc Lộ. Ba vị giáo sĩ này cũng là tác giả của những cuốn tự điển Việt Nam - Bồ Đào Nha thời đó. Tuy nhiên, chỉ có ông Alexandre De Rhodes là gốc Pháp, nên sau này đã có nhiều dư luận và tranh cãi về động lực phát triển chữ Quốc ngữ của ông.
Có lẽ mục đích ban đầu của chữ Quốc ngữ cũng chỉ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với người bản xứ dễ dàng hơn. Về sau, khi thực dân Pháp đến Việt Nam, họ cũng bị những bế tắc về ngôn ngữ như những nhà truyền giáo trước đó, cả Hán và Nôm. Nên giải pháp tốt nhất là buộc người Việt Nam phải sử dụng chữ Quốc ngữ. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes nổi bật và được nhắc đến nhiều sau này. Cho nên công bằng mà nói chính người Bồ Đào Nha đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ, và người Pháp đã "ép" dân VN ta dùng chữ Quốc ngữ.

Dĩ nhiên là buổi ban đầu chữ Quốc Ngữ đã từng bị giới sĩ phu VN tẩy chay, vì được cho là sản phẩm của bọn 'Tây lông", là công cụ của thực dân Pháp cai trị đất nước ta. Mấy cụ đồ, nhà Nho của ta dễ dàng gì cho cái thứ "Tây học" đó lấn sân chữ Nôm đơn giản vậy. An Nam ta mờ, đâu dễ "mất gốc" như thế :-). Nên chắn chắn hành trình phát triển chữ Quốc ngữ ngày xưa cũng rất gian nan. May mắn là hồi đó còn chưa có các vị "trí thức", giáo sư, tiến sĩ, viện nghiên cứu văn hoá lịch sử, các nhà Huế học, Đà Nẵng học ... như bây giờ. Nhưng cuối cùng thì do sự tiện ích và những động lực khác nhau, chữ Quốc ngữ đã thắng thế và tồn tại được.
Tuy nhiên, khi nói đến công ơn truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ có được như ngày hôm nay, thì không thể không nhắc đến các vị tiền nhân như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can .... và những đội ngũ tân học nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm của những thế hệ trước. Thế nhưng những người con VN ưu tú đó đã được tri ân đúng mức chưa ? Con đường nào đã mang tên họ để tri ân cho việc xây dựng một nền tảng ngôn ngữ dân tộc ?

Còn cái ông "trí thức" giáo sư tiến sĩ của viện nghiên cứu gì đó cho rằng ông cha Đắc Lộ viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Việt để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo), cũng nên coi lại vì tư duy này cũng hơi lạ :-) !
Thực ra thì ông Alexandre de Rhodes cũng là một giáo sĩ bình thường, và chuyện ông ta ca tụng Thiên chúa giáo, không đồng ý với quan niệm Tam giáo cũng là chuyện bình thường thôi. Nhìn lại ngày xưa, với điều kiện sách vở và những tư tưởng thời ấy, thì cũng không ai chờ đợi ông ta hiểu biết hết cái thâm diệu của một tôn giáo khác. Mình không nghĩ ông ta có ý phỉ báng. Ngay cả đến thời buổi này, sách vở tràn ngập, phương tiện truyền thông rộng rãi, đại chúng hơn nhiều, mà cũng không hiếm lắm những chuyện tôn giáo hiểu lầm nhau. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có những vị tu sĩ hoặc tín đồ hiểu biết lý lẽ, tôn trọng sự khác biệt, luôn dành sự tôn kính cho nhau và tôn trọng các tôn giáo khác. Nhưng bên cạnh đó cũng không hiếm những người tư duy hạn chế, cực đoan, chia rẽ, chê bai hoặc phỉ báng những ai có đức tin khác mình. Thậm chí nhiều người cuồng tín, tin rằng trong vũ trụ này chỉ có giáo chủ của họ là vĩ đại, và tôn giáo của họ là duy nhất. Cũng bình thường thôi ngài "trí thức" ạ. Cũng như tìm đâu ra được một ông giảng dạy triết Mác Lê mà đi khen ngợi chủ nghĩa "dẫy chết" tư bản :-) ? Bởi vậy, thiết nghĩ không nên chỉ vì cái quan điểm khác nhau, kiến thức khác biệt, hoặc đức tin riêng của họ, mà quên đi cái công trạng đã kiến tạo & hình thành nên một hệ thống "Quốc ngữ" mà chính ngài "trí thức" và tất cả chúng ta đã và đang xử dụng hôm nay.

Nói tới đây mới nhớ, hồi mình còn đi làm bên London, có lần đi đến thư viện Các-Mác (Marx Memorial Library) ở Farringdon với một người bạn trẻ từ bên Pháp qua. Măc dù có ít người đến viếng, nhưng thư viện vẫn luôn được chăm sóc. Anh bạn trẻ của mình thắc mắc là tại sao trải qua nhiều sự phản đối như thế mà thư viện ấy vẫn được tồn tại. Chỉ đơn giản bởi vì đó thuộc về lịch sử, cho dù có khác biệt nhau về quan điểm. Nước Anh chưa từng là quốc gia cọng sản, cũng chưa từng tin vào lý thuyết của Mác. Nhưng ông Mác đã từng xin tá túc tại đây, và người ta tôn trọng điều đó như một sự kiện lịch sử. Sách vở, hình ảnh, tài liệu, đều được trưng bày minh bạch và không cần dấu diếm điều gì !

Hôm nay là ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving) của Mỹ. Đây là một tục lệ văn hoá rất hay, là ngày lễ lớn nhất trong năm, để mọi người có thể tạ ơn những ân điển trong cuộc sống đã dành cho bản thân và cho gia đình của họ. Xưa nay nhiều người cho rằng việc biểu hiện lòng biết ơn và tạ ơn một cách đúng đắn trong đời sống là những ứng xử và tư duy cần thiết, chứng tỏ sự trưởng thành của con người.

Thôi tới giờ đi nướng gà, chào tất cả các bạn. Chúc tất cả ngày lễ Tạ ơn an lành, hạnh phúc.







Wednesday, November 20, 2019

Freedom is not free !





Tản mạn ngày 20/11 - Cảm ơn những Người có công dạy dỗ người khác !

Love is a better teacher than duty. (Albert Einstein)





Hàng năm cứ đến ngày nhà giáo Việt nam, hắn lại ngồi nghĩ về những quãng ngày đã cũ...
Bao nhiêu thầy cô giáo đã đi qua cuộc đời hắn, dạy dỗ những bài học cần thiết nào đó, rồi lại đi xa. Không phải chỉ là những thầy cô giáo trên bục giảng, hoặc những nhân vật thành công tên tuổi, hoặc bằng này cấp nọ, mà có khi họ chỉ là những con người bình thường nhất, thậm chí còn rất nghèo hèn và khốn khổ. Như một thứ duyên hội ngộ, đến rồi đi, nhưng những bài học họ để lại là kim chỉ nam cần thiết cho đời sống của hắn. Không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc lúc nào, cũng không có một tiêu chuẩn nào để thẩm định giá trị của những bài học cuộc sống, nhưng hắn đã trưởng thành từ đó. Vâng, chính họ là những bậc thầy cô giáo mà suốt đời hắn luôn phải tri ân .
....
Nước giếng khơi từ đáy thẳm mang tên
Nuôi dưỡng những cuộc đời thả nổi
Mặc cát đảo nghìn năm gió thổi
Bỗng Việt nam từ một dấu chân người ...
(Mai Thảo)

Rồi hắn đi xa, thật xa. Có những lúc ở một phương trời nào đó, hắn lại nhìn về chốn cũ, mà nhớ đến những bài học đầu đời. Nhớ đến những bạn bè, đàn anh, đàn chị, những thầy cô đã lần lượt ra đi. Trong cuộc sống, dĩ nhiên không phải bài học nào cũng ngọt ngào thơ mộng như ... "Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ ". Mà có những bài học đầy cay đắng ngậm ngùi, nhưng đó lại là những thứ ngậm ngùi cần thiết .
....
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đoạ đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
(Thầy Tuệ Sỹ)

Có những ngày thơ thẩn bên giảng đường ĐH với những bài xã hội học đương đại của Daniel Bell, Michel Foucault, Max Weber, C. Wright Mills.... Hắn lại miên man nghĩ về những ngày lang thang, trốn học, chăn bò, tắm sông... của thời mới lớn.
...
Thưở đầu đời chú bé ôm phao,
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước ... ( Nguyễn Tất Nhiên)

Những người thầy đã dạy hắn từng sãi bơi đầu tiên, từng cách bám chân gánh phân trên đường làng lầy lội ..." trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen". Những bước chân đứng lên sau bao lần ngã qụy với gánh mía, bó rơm, trên vai nặng trĩu. Những lần gượng đứng lên giữa bất công của xã hội và nghịch lý của cuộc sống. Những điều đáng quý, đáng làm, và những điều không đáng khóc. Rồi những kinh nghiệm đạp xích lô, sửa máy, cày cấy bón phân, hái trà trồng cafe, kẹp hom đánh rạ, đường cày luống thẳng, rải mạ ngay hàng ... cho đến cách nướng bắp giữa đồng, tát cá đìa, đặt lờ ống tre, đắp bùn nướng rạ ..vv. Đó là những bài học tồn tại đáng qúy nhất, và cũng là những điều cần thiết đã khắc sâu vào tâm thức của hắn -  một đứa trẻ nhà quê tập tễnh vào đời !
....
Trên vắt vẻo một chiếc cầu tre cũ
Sớm trưa chiều lặng lẽ đón người qua
Dắt tuổi thơ anh tập tễnh vào đời
Khi anh lớn, thì chiếc cầu đã gãy ... (PN)

Rồi có những ngày hắn từng thất bại, chạy trốn cả chính bản thân mình. Bên cạnh những đêm lang thang, vũ trường, rượu chè be bét. Một cô gái bán bar đã dạy hắn bài học lạc quan hơn cả Emile Durkheim. Lúc hắn lao đầu vào công việc như một thứ tham vọng thiêu thân, một nhà sư đã dạy hắn ý nghĩa vô thường, cái có cái không, cái thực cái ảo, để hắn chợt nhận ra những gì cần thiết. Lúc hắn bị áp lực nặng nề bởi những ước mơ, trách nhiệm, người phu quét đường dạy hắn giá trị đơn giản của quãng đường sạch sẽ mỗi buổi sớm mai ... Hắn đã học hỏi từ những người thầy cô giáo vô danh như thế. Họ đến rồi đi, mà có khi cả đời không bao giờ gặp lại.
Một mớ kiến thức học đường, giúp hắn tậu đươc một tấm bằng nho nhỏ. Nhưng chính những bài học cuộc đời đã giúp hắn tồn tại và trưởng thành hôm nay. Có một lần ngày 20/11, hắn mua một bó hoa và hộp bánh tặng cho bà giáo người nước ngoài. Bà hỏi tại sao, hắn trả lời ..." Hôm nay là ngày tri ân thầy cô giáo ở quê tôi". Bà giáo ngạc nhiên cảm ơn, chớp mắt cảm động. Còn hắn thì quay lưng đi để che dấu nỗi xúc động khi nghĩ đến bao nhiêu người dạy dỗ hắn vẫn còn khốn khổ ở quê nhà.

Hôm nay, nhìn đứa con hớn hở ôm gói quà trao tặng cho thầy cô giáo, hắn thấy vui lây. Trên đường về, con hỏi " Hôm nay Ba có đến trường tặng quà cho thầy cô của Ba không? ". Hắn khựng lại thật lâu, tìm câu trả lời.... "Con ơi, Ba không còn được đến trường nữa, nhưng Ba đã có rất nhiều thầy cô giáo. Thầy Cô trong trường và cả Thầy Cô ngoài đời. Họ đã dạy Ba những điều vô cùng cần thiết, nhưng giờ họ đang ở rất xa. Sau này lớn lên con sẽ hiểu ."
Từ đâu một câu nói xa xưa của Aristotle chợt trở về trong hắn "A true disciple shows his appreciation by reaching further than his teacher" (Tạm dịch - Trò hơn thầy là cách đền đáp công ơn dạy dỗ tốt nhất.)

Một ngày 20/11,
PN
(Chân thành cảm ơn những Người đã có công dạy dỗ người khác .)



Friday, October 11, 2019

Ocean Vương - thế hệ VN mới ở hải ngoại

Ocean Vương - TÔI ĐÃ HỌC LÀM CON TẮC KÈ CÓ THỂ ĐỔI MÀU DA

Phỏng vấn : Khuê Phạm (ZEIT ONLINE Team)
Người dịch : Tôn Thất Thông

Read the English version of this article here - Đọc bài phỏng vấn tiếng Anh đăng trên trang ZEIT ONLINE ở đây




ND : Xin giới thiệu với độc giả một cuộc phỏng vấn lý thú. Trước hết, người được phỏng vấn là Ocean Vương, một người Mỹ gốc Việt thế hệ hai, vừa xuất bản cuốn sách trong năm nay, trở thành một bestseller của New York Times và nhanh chóng được dịch ra 24 thứ tiếng. Thứ hai, người phỏng vấn là nhóm ký giả của ZEIT ONLINE ở Hamburg, được hướng dẫn bởi Khuê Phạm, một người Đức gốc Việt thế hệ hai. Thứ ba, nội dung phỏng vấn xoay quanh chủ đề nhập cư, và dường như có một sự đồng cảm sâu sắc giữa người phỏng vấn và người trả lời.. Điều đáng mừng là cộng đồng trí thức Việt Nam hải ngoại không chỉ có chuyên gia trong các ngành nghề truyền thống, mà đã có những who-is-who trong văn học và truyền thông đại chúng.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương là một sự kiện văn học quan trọng trong năm nay [2019]. Sau đây là cuộc trò chuyện với tác giả về Việt Nam, về định kiến châu Á và sự cô đơn trong các chuyến xe buýt đến trường.

Ocean Vương đứng đó với nụ cười bẽn lẽn trong phòng khách sạn ở Berlin và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ. Người Mỹ 30 tuổi này sinh ra ở Sài Gòn và mới phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay On Earth, We’re Briefly Gorgeous, mang lại cho anh danh tiếng là một thần đồng văn học. Ở Berlin, anh xuất hiện trên bục đọc sách tại Liên hoan văn học quốc tế. Vào ngày thứ sáu cuối tháng 9 này, anh mặc một chiếc áo màu xanh, đội mũ lưỡi trai màu hồng và đeo một chiếc khuyên dài bằng vàng ở tai phải. Một nhà thơ tỏa ra một hỗn hợp của sự dễ bị tổn thương và niềm tự hào. Khi biết rằng, người phỏng vấn cũng có bố mẹ người Việt, mặt anh sáng bừng lên. Anh chuyển đổi dễ dàng từ tiếng Anh sang tiếng Việt trước khi quay lại tiếng Anh.

ZEIT ONLINE : Ông trốn khỏi Việt Nam cùng gia đình khi ông mới có hai tuổi. Ông có còn ký ức nào về thời gian trước đó không ?

Ocean Vương : Không còn một chút nào. Điều đó thật buồn cười, nhưng những ký ức đầu tiên của tôi là từ Mỹ. Dù sao, tôi vẫn còn bà con ở Việt Nam và thỉnh thoảng có về thăm. Năm 2009, tôi có mặt ở đám tang của bà tôi. Lúc ấy tôi thật bối rối: Trong đầu óc tôi, hình ảnh Việt Nam được tạo thành qua lời kể của những người bà con. Tuy nhiên, khi ở Sài Gòn, tôi cảm thấy như mình đang ở Times Square thành phố New York. Nó giống như một thế giới khác ! Văn hóa cũng đã thay đổi : trẻ con cởi mở và tự do hơn nhiều, gần như thiếu lễ độ. Tôi đã được giáo dục rất nghiêm ngặt ở nhà; khi tôi thấy chúng nói chuyện với bố mẹ, tôi cảm thấy mình như một bà già.

ZEIT ONLINE : Ông lớn lên cùng gia đình Việt Nam tại Hartford, Connecticut. Cuộc sống đó giống như thế nào ?

Vương : Chúng tôi bảy người sống cùng nhau trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ : bố mẹ tôi, bà tôi, chú tôi, hai dì và tôi. Họ từng là nông dân trồng lúa, không được học hành và cũng chưa hề có một chiếc TV ; khi bạn vào căn hộ đó, bạn có cảm giác như một cuộc hành trình vào quá khứ. Nhưng đồng thời, nơi đó thật vô cùng sinh động, giống như một ngôi làng nhỏ. Luôn luôn có một điều gì đó diễn ra, tiếng Việt luôn luôn được nói, không có một lúc nào yên lặng. Đối với một đứa trẻ như tôi không quen nói nhiều, điều đó thật tuyệt vời : tôi chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe và cảm nhận một phần của gia đình này.

ZEIT ONLINE : Điều gì đã xảy ra khi ông rời khỏi ngôi làng nhỏ này và bước ra ngoài ?

Vương : Chúng tôi sống ngay tại trung tâm thành phố, trong một cộng đồng người da đen và châu Mỹ La-tinh. Bởi vì chúng tôi không có xe hơi, nên chúng tôi phải đi bộ đến khắp mọi nơi. Tôi không biết rằng nước Mỹ chủ yếu là người da trắng, cho đến khi tôi lớn lên và lái xe đến trung tâm thương mại. Lúc ấy tôi nghĩ : Đợi đã, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy ?! Có huyền thoại là, nước Mỹ là một chiếc nồi dùng để nấu chảy mọi thứ, nhưng trong thực tế không có gì được hòa nhập với nhau, mọi thứ đều tách biệt. Bây giờ khi nghĩ về điều đó, tôi tin rằng thông qua những thế giới khác nhau này, tôi đã học được cách trở thành một con tắc kè hoa [có thể tự đổi màu] : tôi có thể điều chỉnh hành vi và cách nói chuyện của mình ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Đối với một nhà văn, đó là điều tuyệt vời nhất : tôi có thể biến mình trở thành bất kỳ tính chất nào, thành bất kỳ nhân vật nào.

ZEIT ONLINE : Có người Việt nào khác trong khu phố của ông không ?

Vương : Có một gia đình Trung Quốc, nhưng họ không bao giờ rời khỏi nhà. Nhưng cũng có một siêu thị châu Á. Nó rất nhỏ và được nhồi nhét từ trên xuống dưới bằng ấm trà, đũa và những chiếc chăn đỏ kiểu Việt Nam. Mẹ tôi thường mua sắm ở đó một cách chậm rãi đặc biệt, để có nhiều thời gian hơn ở đó. Mẹ tôi chỉ vào các thứ và nói, "Đây là nước mắm, nước tương. Con làm Phở như thế." Khi còn bé, tôi ghét nó, nhưng bây giờ tôi nghĩ nó rất đẹp, một sự giáo dục tuyệt vời.

Vương ăn nói nhỏ nhẹ với dáng trầm tư. Anh đến với văn học qua thơ. Những bài thơ của anh đã xuất hiện trong các báo lớn như New Yorker hay New York Times, tập thơ Night Sky with Exit Wounds được Giải thưởng T. S. Eliot và sẽ được Hanser (ND : Nhà xuất bản Đức) xuất bản vào mùa xuân năm sau trong phiên bản song ngữ (Nachthimmel mit Austrittswunden). Cuốn tiểu thuyết On Earth, We’re Briefly Gorgeous có một hình thức trữ tình khác thường : Nó được viết như một lá thư ; người kể chuyện về „Tôi“ viết cho người mẹ Việt Nam của mình, một người không biết đọc.

Trong từng mảnh vỡ, Vương kể về cuộc đời của một cậu bé tên là Little Dog, cũng sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Hartford và yêu một cậu bé da trắng, người sau này đã rơi vào nghiện ngập ma túy. Từ bản phác thảo của anh, người ta đọc được nỗi đau của một người ngoại cuộc, người đấu tranh để thoát khỏi quá khứ chiến tranh của gia đình và giới hạn của môi trường sống chung quanh. Vương nói, tất cả các nhân vật đều dựa trên những con người thật. Anh chủ ý quyết định không viết như một cuốn hồi ký hoặc sách phi hư cấu : các nhân vật của anh nên có một cuộc sống của riêng họ.

Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi !

ZEIT ONLINE : Little Dog, nhân vật chính trong cuốn sách của ông, đón xe buýt đến trường mỗi buổi sáng và đau khổ với sự thật rằng, không ai muốn ngồi bên cạnh mình. Ông thường có trải nghiệm này không ?

Vương : Vâng, điều đó thường xuyên xảy ra với tôi. Trong phiên bản đầu tiên, tôi đã viết một phiên bản trung thực hơn của cảnh này trên xe buýt, nhưng sau đó lại lấy nó ra vì nó quá hoàn hảo, giống như một cảnh trong phim ảnh.

ZEIT ONLINE : Câu chuyện thực sự như thế nào ?

Vương : Một hôm, một cô gái da trắng thấy tôi ngồi đó và khóc. Cô cũng bị người khác trêu chọc vì cô có niềng răng và đeo kính. Cô ấy ngồi xuống cạnh tôi và làm một điều tuyệt vời. "Bạn có bảng tính nhân ở đó không?", cô ấy hỏi tôi. "Một lần một là 1. Hai lần hai là 4." Chúng tôi cùng nhau nói như thế. Sau khi tôi viết ra cảnh này, tôi đọc lại một lần nữa và tự nhủ : Khoảnh khắc này có giá trị thật tuyệt vời đối với tôi, tôi không muốn biến nó thành văn học. Dường như tôi đã sai. Trong cuốn sách, Little Dog sau đó được người ông da trắng cứu thoát.

ZEIT ONLINE : Có vấn đề gì không, khi ông luôn phải ngồi một mình trong xe buýt đến trường ?

Vương : Mẹ của Little Dog khuyên hắn là nên làm kẻ vô hình để không ai chú ý đến. "Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi", bà nói. Bà ấy đến từ một thế giới khác, từ chiến tranh, vì vậy bà ấy muốn bảo vệ đứa con của mình : ai tỏ ra lộ liễu quá, sẽ có nguy cơ bị làm tổn thương. Đứa bé nghe lời mẹ. Một mặt, cuốn sách là một cuốn tiểu thuyết giáo dục, nhưng mặt khác cũng là cuốn tiểu thuyết nghệ thuật. Làm thế nào mà người này trở thành một nghệ sĩ ? Làm thế nào mà đứa trẻ này, luôn cố gắng làm ra vẻ vô hình, rồi cuối cùng bắt đầu nói và tìm kiếm sự thỏa mãn trong tình dục của mình ?

ZEIT ONLINE : Những cảnh ân ái giữa Little Dog và người bạn da trắng của anh ta, Trevor, thật vô cùng mạnh mẽ. Thật hiếm khi người ta đọc được một điều như vậy. Có khó không để viết như thế ?

Vương : Những cảnh này rất khó, nhưng tôi muốn viết ra vì chúng nói lên khía cạnh của sự đồng tính luyến ái, chuyện mà mọi người sợ nhất. Chúng ta học được lạc thú tình dục khi gặp thất bại. Ở trường, họ không dạy bạn bất cứ điều gì về tình dục đồng tính trong giáo dục giới tính. Cha mẹ không hề nói điều đó với con cái. Không có gì hết. Người ta vấp ngã trong bóng tối, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, và đó là một phần của trải nghiệm bản thân. Tôi muốn tôn vinh truyền thống lâu đời của những người đồng tính.

ZEIT ONLINE : Bằng cách viết những cảnh ân ái này một cách cởi mở, ông cũng đã phá vỡ định kiến của người đàn ông châu Á vốn thường là ức chế.

Vương : Người châu Á thường được cho là nhỏ bé, ít nói và có nữ tính – những phẩm chất được coi là yếu đuối ở Mỹ. Điều khuôn mẫu là, chúng tôi làm như thể người khác luôn luôn có lý, và thể hiện một bản sắc "theo sau quí vị !". Chúng tôi làm việc trong ngành dịch vụ, trong tiệm giặt ủi và tiệm nail, chúng tôi dọn dẹp khách sạn và chăm sóc người bệnh. Tôi rất quan tâm đến những gì sẽ xảy ra, khi một người Mỹ gốc Á chấm dứt việc cố gắng làm hài lòng người khác và bắt đầu tự chú ý tới bản thân mình.

Sẽ như thế nào khi ta thuộc về một thiểu số đang dần dần trở nên hữu hình ? Vương giơ tay lên không trung và làm một vòng bán nguyệt, để tưởng tượng một đống tuyết cao. Anh nói, là một nghệ sĩ châu Á có nghĩa là chạy qua đống tuyết này. Ban đầu không có gì hết, nhưng cuối cùng còn một dấu vết ở đó.

ZEIT ONLINE : Năm ngoái có một bộ phim Hollywood đã được ra mắt trong các rạp chiếu bóng. Tất cả diễn viên đều là người gốc Á, không có ngoại lệ, đó là phim Crazy Rich Asians. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, phim đó đã giành vị trí số một trên bảng xếp hạng điện ảnh Mỹ. Ông đã xem chưa ?

Vương : Crazy Rich Asians là một bộ phim hài lãng mạn vốn không lý giải sâu sắc các chủ đề của người Mỹ gốc Á. Nhưng nó đã chạm vào cánh cửa và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi không đặc biệt thích thể loại này, nhưng tôi đã xem vì nó quan trọng. Đó là một buổi sáng lúc mười một giờ và phòng chiếu phim đầy những khán giả da trắng. Cảnh đầu tiên bắt đầu với một bài hát opera tiếng Hoa. Tôi ngồi đó và ứa nước mắt. Bất kể nội dung phim thế nào – ở đây toàn những người da trắng, lúc mười một giờ sáng, nghe một bài hát opera tiếng Hoa ! Chỉ riêng điều đó thật là quan trọng !

Bà rất tự hào, rằng con bà đã làm được chuyện như thế

ZEIT ONLINE : Ông có nghĩ rằng bây giờ công chúng quan tâm hơn đối với những câu chuyện thuộc loại đó không ? Ông có được lợi ích từ điều đó không ?

Vương : Hoàn toàn đúng. Nếu tôi viết cuốn sách của mình vào năm 1970, sẽ không có ai biết gì về nó. Tôi thậm chí sẽ không dám đặt chân vào một tòa nhà xuất bản ! May mắn thay, đã có một vài nhà văn mở đường : người đấu tranh cho nữ quyền Maxine Hong Kingston, người đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn, tiểu thuyết gia Monique Truong. Trong thời gian qua, ý thức đã mạnh hơn... Câu hỏi là, liệu nó sẽ giữ như vậy hay không.

ZEIT ONLINE : Sách của ông đã được dịch sang 23 ngôn ngữ. Có ai dịch ra Việt ngữ chưa ?

Vương : Cho đến bây giờ thì chưa. Việt Nam thật khó khăn, vì có rất nhiều kiểm duyệt và cuốn sách thì nói về Việt Nam. Nhưng sách đã được bán ở Trung Quốc, nơi nó cũng bị kiểm duyệt một chút.

ZEIT ONLINE : Gần đây, tôi có về Sài Gòn và nghe một số trí thức đang nói về ông. Họ biết ông qua kênh YouTube.

Vương : Có một sự khác biệt lớn giữa nhà nước Việt Nam và các nghệ sĩ trong bóng tối. Ở Việt Nam từ trước vẫn luôn như vậy, nhưng bây giờ chúng ta biết được nhiều hơn thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Khi họ bảo tôi nên về đó, trái tim tôi thật xao xuyến. Tôi cũng muốn thế, nhưng nhiều người bạn của tôi gặp vấn đề về thị thực nhập cảnh khi họ muốn du lịch đến đó, hoặc họ bị rơi vào danh sách của bộ máy an ninh quốc gia. Tôi đang chờ đợi một cơ hội tốt để đi. Nhưng tôi biết rằng, có nhiều điều tuyệt vời trong đời sống ngầm, cũng như việc đọc thơ.

ZEIT ONLINE : Ông đã dịch vài đoạn văn từ cuốn sách của mình để đọc cho gia đình nghe chưa ?

Vương : Tôi không thể dịch nó. Tiếng Anh quá phức tạp và vốn tiếng Việt của tôi chưa đủ tốt. Trước đây, tôi muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình vì tôi nghĩ về việc sẽ làm nghề phiên dịch. Rồi tôi học nhiều từ mới, đem về nhà và sử dụng chúng. Gia đình tôi không hiểu gì hết. Tôi tự nhủ : Tôi quả thật đã ở rất xa họ vì tiếng Anh của tôi, tôi không thể để bản thân mình bị tách xa hơn khỏi gia đình chỉ vì vốn tiếng Việt. Có lẽ tôi sẽ học lại, khi họ không còn nữa. Nhưng bây giờ, tôi cứ để tiếng Việt của mình ở tình trạng này, tức ở trình độ lớp ba.

ZEIT ONLINE : Cuốn sách của ông là một lá thư gửi mẹ của người kể chuyện về „tôi“. Mẹ của ông nói gì về chuyện đó?

Vương : Tôi nói với mẹ tôi những gì tôi đang viết, nhưng hơi giống như tôi đang kể cho mẹ về chuyện ở Sao Hỏa. Đó không phải là thế giới của mẹ tôi. Những người trong gia đình tôi làm việc trong các nhà máy và tiệm làm móng, đọc chữ là một thứ hàng xa xỉ tư sản mà họ chưa bao giờ có. Tại sao tôi nên yêu cầu họ phải quan tâm? Bằng cách nào đó, tôi thích thế này: Khi tôi về nhà, tôi chỉ là một đứa con trai, không phải là nhà văn Ocean Vương. Tuy nhiên, mẹ tôi lại thích đến những buổi đọc sách của tôi, bà trang điểm thật hợp thời trang và nhìn khán giả vì bà không hiểu tôi đang nói gì. Bà muốn nhìn thấy khuôn mặt của họ, và nghiên cứu họ như một nhà nhân chủng học. Bà rất tự hào rằng, con trai mình đang làm điều như thế.

ZEIT ONLINE : Rằng con bà đạt được điều đó.

Vương : Chính xác. Bây giờ tôi có thể hỗ trợ mẹ. Trước đây, người ta phải gọi điện khắp bà con nếu ai đó cần một chiếc răng mới hoặc khi chiếc xe bị hỏng. Cả làng chìm trong sự rộn ràng. Sau đó, chúng tôi phải đến siêu thị châu Á nhỏ kia để vay tiền. Điều đó thật khủng khiếp và vô cùng căng thẳng. Bây giờ tôi có thể xử lý nó khi điện thoại đổ chuông, thật giống như trò ảo thuật. Đôi khi tôi nói đùa về nó. Khi mẹ tôi gọi, tôi nhấc máy và chỉ hỏi : bao nhiêu ? (Cười)

ZEIT ONLINE : Nhiều người nhập cư thế hệ một hy sinh rất nhiều để con cái họ được tốt hơn. Mẹ ông hiện đang bị ung thư. Ông có cảm thấy rằng thành công của ông là một sự bù đắp cho sự đau khổ của bà ? Rằng ông có thể trả lại cái gì đó cho bà ?

Vương : Điều đó có thể đúng, nhưng tôi cũng sẽ hỗ trợ mẹ tôi ngay cả khi tôi không trở thành nhà văn. Khi tôi học cấp ba, tôi làm việc tại Panera Bread (ghi chú BBT: một chuỗi cửa hàng bánh của Mỹ). Tôi lo chuyện nhập đơn đặt hàng cho các bánh sandwich trên máy tính. Những người khác đã làm tốt điều đó, nhưng tôi vẫn không thể xử lý nổi chiếc máy tính. Anh chàng làm bánh sandwich lúc nào cũng la mắng tôi, "Ocean, bạn đã làm sai!" Tôi xin mọi người cho tôi đi dọn dẹp nhà vệ sinh, họ hết sức ngạc nhiên. Ông chủ chạy theo tôi vì ông nghĩ rằng tôi đang tính làm điều gì đó cấm kị. Nhưng tôi chỉ muốn ở một mình, điều đó tốt hơn cho tôi rất nhiều. Ngay cả thời đó, tôi cũng đã hỗ trợ mẹ và gia đình tôi.

Đăng trên ZEIT ONLINE ngày 1 tháng 10 năm 2019