Saturday, July 16, 2022

Tản mạn cuối tuần .... Con đường tôi về !

 


Hôm đầu tháng, lễ Độc Lập HK, mình chở con đi núi. Asheville, một thành phố nhỏ nằm giữa rặng Appalachian Mountains, cạnh cung đường Blue Ridge Parkway nổi tiếng, trãi dài hơn 700 cây số đường đèo, xuyên qua những công viên quốc gia núi rừng trùng trùng điệp điệp. Hàng năm rất nhiều du khách đổ về đây để nghỉ dưỡng và thưởng thức cảnh sắc núi rừng, đặc biệt vào mùa Thu. Trong những thập niên vừa qua, ngày càng nhiều người xứ khác dọn về đây sinh sống hoặc về hưu. Nhiều thiền viện, trung tâm nghĩ dưỡng, resorts, khu hưu trí được mọc lên. Lý do đơn giản nhất là ở đây cuộc sống nhẹ nhàng, khí hậu mát mẻ, "college town" (có đại học trong phố), và có nhiều sự kiện âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật, thường xuyên được tổ chức. Đặc biệt nữa là có nhiều chỗ nấu bia ngon :-). Nhiều người gọi thành phố này là “the Paris of the South” (thành phố Ba Lê ở miền Nam), rồi cũng có người gọi là "Little bit of the West in the East" (một chút miền Tây ở miền Đông). Thực ra, muốn gọi gì cũng được, nhưng một thành phố mà phát triển nhanh chóng quá, thì bao giờ cũng có những mặt tốt xấu và hạn chế nhất định. Mấy chục năm qua, mình thường xuyên ghé lên đây, nên cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nó. Tất nhiên là hương đồng cỏ nội đã bay đi ít nhiều !


Đúng ra thì Asheville chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng ngày xưa rất nhiều người biết đến nơi này chỉ vì địa danh "the Cove", một lò đào tạo giáo sĩ nổi tiếng của nhà truyền giáo Billy Graham. Tên tuổi lẫy lừng của ông Billy Graham từng chiếm lĩnh nhiều năm trên những kênh truyền thông của đất nước Hoa Kỳ, ngay cả thời kỳ chiến tranh VN. Ông là bạn thân với nhiều đời tổng thống Mỹ, đặc biệt là Lyndon Johnson. Ông cũng từng giảng đạo chung với mục sư Mark Luther King và nhiều người nổi tiếng khác. Bởi vậy, những di sản mà ông để lại, cũng như sự ảnh hưởng của ông đối với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã vượt quá xa tầm với của một mục sư Tin Lành bình thường. Thế nhưng từ ngày ông mất đi, "The Cove" có vẻ im vắng hơn nhiều. Hôm rồi lúc xuống núi, chạy ngang "The Cove", mình thoáng chút ngậm ngùi, chạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan ...

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường !".

(BHTQ)

Mà nói đến tên tuổi của Billy Graham thì quá lớn rồi, ai cũng biết, khỏi cần nhắc lại nữa. Thời còn sống, ông thường có những phát biểu rất đình đám. Tất nhiên là vậy, từ nữ hoàng Anh cho đến bao đời tổng thống Mỹ như D. Eisenhower, J.F.Kennedy, L.B. Johnson, Richard Nixon, Bill Clinton ... đều rất lắng nghe ông. Ngày xưa, thỉnh thoảng mình cũng có nghe một vài bài nói chuyện của ông trên TV, rất thú vị. Có một câu nói của ông mà mình còn nhớ, đó là "When wealth is lost, nothing is lost; when health is lost, something is lost; when character is lost, all is lost". (Tạm dịch là: Khi mất đi sự giàu có là không mất gì cả, khi mất đi sức khoẻ là chỉ mất đi một phần, nhưng khi mất đi bản sắc của chính mình thì là mất tất cả). Thực ra chữ "character" bao gồm một phạm trù khá rộng, mình tạm dịch là "bản sắc" trong trường hợp này để dễ hiểu hơn. Nhiều người có thể dịch khác hơn, cái "tôi", cái bản sắc, cái tiêu biểu, cái đặc điểm, đặc tính, cái tính cách, tư cách, cái phẩm chất .v.v.. gì đó cũng được. Mình thì rất ngại chuyện dịch thuật, bởi ý nghĩa của từ ngữ luôn bị hạn chế, đôi khi không có quan hệ tương ứng, đặc biệt là những câu cú mang hàm ý sâu sắc. Nhưng không sao, viết cho vui, cũng chỉ là những phút tản mạn của ly cafe buổi sáng :-).


Không thể phủ nhận, đó là một câu nói rất hay. Nhưng thực tế xưa nay có nhiều người vẫn sống theo quan niệm đó chứ không phải đợi cho đến khi có câu nói của ông Billy Graham. Chỉ đáng tiếc là hiện nay vẫn còn một số quốc gia hoặc do phát triển mất cân đối, hoặc do tôn thờ chủ nghĩa vật chất quá mức, hoặc do nghèo đói thiếu thốn quá, nên vẫn tồn tại nhiều ngộ nhận tiêu cực về những giá trị cuộc sống. Có thể khi phải vật lộn với cái bao tử, nghiệt ngã sinh tồn với những nhu cầu tối thiểu của chén cơm manh áo, thì những giá trị nhân văn khác đều trở thành món hàng xa xỉ. Có lẽ vậy, nên cho đến nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới, giá trị vật chất luôn được coi là tuyệt đối (tất nhiên không phải ai cũng vậy). Từ việc đi học, chọn nghề, hôn nhân, giao tiếp, cho đến quan hệ bạn bè, gia đình, người thân …vật chất luôn nắm giữ vai trò tối quan trọng. Thậm chí ngay cả trong công việc phục vụ đất nước và nhân dân, nhiều người cũng bằng mọi giá sẵn sàng chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình. Họ nguỵ tạo bản thân, nguỵ tạo giá trị, nguỵ tạo "character", nguỵ tạo niềm tin .....để đạt được mục đích. Thắng thì huênh hoang tự đại, thua thì khóc lóc van xin. Tất nhiên ở những nơi chốn đó, thì những câu nói như của ông Billy Graham sẽ hoàn toàn vô nghĩa !

Mình có vài người bạn là mục sư. Thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, hẹn đi ăn uống, hoặc đến thăm viếng nhà thờ của bạn vào những dịp lễ hội. Hiểu nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng sự riêng tư cá nhân, nên cũng ít khi nào tụi mình bàn luận về những đề tài đức tin trong mỗi lúc gặp gỡ. Riêng bản thân mình là một người theo đạo Phật, nên có nhiều lý thuyết và quan điểm của một số tôn giáo khác không phù hợp với mình. Điều đó không có nghĩa là mình phê phán hoặc đả kích tôn giáo khác, mà ngược lại mình cảm thấy rất thú vị khi đọc và tìm hiểu được những sự khác biệt đó. Có lúc cuối cùng nhận ra là thiên hạ đang nói về một thứ giống nhau chỉ là khác nhau góc nhìn :-).

Trở lại câu nói nổi tiếng của ông Billy Graham, một câu nói rất có giá trị trong đời sống theo cách hiểu của nhiều người. Đó cũng là một cách diễn giải khác của quan niệm “hãy là chính mình và luôn giữ gìn giá trị bản thân”. Nhưng đối với những người theo thuyết nhà Phật, có lẽ quan niệm đó được hiểu đơn giản hơn, vì họ cho rằng mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. (Xin nhắc lại là hoàn toàn không có ý tranh chấp hoặc phê phán đúng sai ở đây, mà chỉ là ý kiến cá nhân). Như bản thân mình vốn tin vào thuyết “vô thường", “vô ngã", nên cho rằng mọi giá trị “được, mất” mà ông Billy Graham nhắc đến đều có mối liên quan mật thiết với nhau, có cái này mới có cái kia, luôn dựa vào nhau để tồn tại, và có thể mất đi bất cứ lúc nào. Không ai có thể thay đổi được quy luật đó. Ngay cả cái "character" mà ông Billy Graham nói đến cũng chỉ là những ảo giác hoặc tầm nhìn dựa vào các ý nghĩ (thoughts) hoặc các thức (consciousness) của riêng mỗi người. Nôm na đó chỉ là quan điểm cá nhân, hình thành do sự cảm nhận và tương tác với thế giới chung quanh, không định hình cụ thể mà cũng không tồn tại thường hằng. Ví dụ như như người này “hiểu” về người kia cũng chỉ là theo cách hiểu của riêng họ, chẳng có gì là đúng sai hoặc cố định cả. Cho nên nếu có thể nói được một điều gì đó "chắc chắn" hơn, thì mình sẽ nói là 3 thứ của cải, sức khỏe, và cái “bản sắc” của con người rồi cũng sẽ mất hết :-).

Thực ra nói đến mấy đề tài này thì chắc chắn là hơi "khó nuốt", chỉ là tản nạn cho vui thôi. Còn cuộc sống chung quanh ta thì mỗi ngày vẫn nhan nhản những chuyện gán ép nhau, gán ép "character" cho chính mình, gán ép "character" cho thiên hạ. Mới hôm rồi có ai gởi mình một bài thơ "Họp lớp" từ bên VN, thấy đi họp bạn cũ mà cũng có character Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở. Thị Nở Chí Phèo không được Bá Kiến cho ngồi chung bàn, tủi thân rủ nhau ra ngoài gốc cây ... :-). Tưởng là chuyện đùa, nhưng nhiều lúc ngay cả ở nhà thờ, chùa chiền, từ đường hoặc những nơi thờ cúng tâm linh, cũng xảy ra trường hợp như vậy. Chuyện bình thường thôi. Thời buổi này vẫn có nhiều người đi đến nhà thờ, chùa chiền, mà phân biệt hình tướng to nhỏ, sang hèn. Đệ tử cũng phân biệt hàng đệ tử đại gia, tiểu gia, đệ tử ruột, đệ tử gan… (Nên mới sinh ra chuyện tu sĩ mà móc nối được với mệnh phụ phu nhân, đại gia, quan chức, để chạy chức chạy tù). Thực ra cuối cùng là khác biệt gì giữa một đại phu nhân xu hào rủng rỉnh cúng tiền tỉ, và một cụ già lượm ve chai cúng từng bó rau dại mỗi ngày ? Tên tuổi ư ? Hay là một người hô to một tiếng có bao nhiêu người cống nộp, và một người cặm cụi mồ hôi hái lượm cả ngày ? Suy cho cùng đó chỉ là những hình thức tạm thời bên ngoài, đâu ai biết được tấm lòng thực sự của họ bên trong. Ông  Chúa thì chắc chắc là sẽ không quan tâm đến chuyện tài vật ít nhiều. Còn ông Phật thì lại càng không thể ngồi đó xét lý lịch ba đời coi ai địa vị hơn ai, ai nhà to xe đẹp hơn ai, hoặc ai cúng lạy nhiều hơn ai. Cho nên cái "character" thực sự của mỗi người chỉ có chính họ mới cảm nhận được. Còn cảm nhận và hiểu đúng được bản thân hay không lại là câu chuyện khác. Hiện nay ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngày càng nhiều người thực hành "meditation" (tạm dịch là thiền), với mục đính chính là để lắng nghe và hiểu đúng về bản thân của họ. Bởi lẽ cần phải biết con khỉ “monkey mind” ở đâu thì mới có thể mời nó ăn chuối được :-).

Hoàn toàn hợp lý. Bởi khi muốn buông bỏ hoặc thay đổi một điều gì đó, thì trước hết phải biết rõ điều đó là gì. Thiết nghĩ không biết mặt mũi cục bột ra sao mà đòi nắn ra hình này hình nọ thì mơ hồ quá, hoang tưởng quá. Cho nên có nhiều người hết sức cố gắng học tập hoặc làm theo một cái khuôn mẫu chuẩn mực nào đó, mà không biết mình là ai, cũng không biết người khác thực sự là ai, nên học cả đời mà cũng không hề có kết quả gì. Thậm chí học lộn còn bị tẩu hoả nhập ma :-).

Cũng không ngạc nhiên lắm, vì đối với những kẻ phàm phu tục tử như mình, chỉ để hiểu rõ bản thân cũng đã là chuyện khó khăn vô cùng. Huống hồ gì mơ mộng đến những chuyện cao siêu hơn. Tuy nhiên đối với các bậc thông thái, thiền sư, cao tăng đắc đạo thì lại khác. Họ chắc chắc không còn cái gọi là "bản sắc", bản thân, hoặc "characters" để hơn thua. Cũng chẳng có cái "tôi", cái "ngã" để tự hào. Càng không có cái mặt, cái mũi, để mất. Cho nên họ khoẻ re là vậy :-). Thực ra, ngày nay có rất nhiều kinh điển, tài liệu, sách vở nói về vô ngã, emptiness, non-self, substanceless, anatta (Pali), anatman (San) … Nhưng để đọc được, hiểu được, và thực chứng được điều đó là những chặng đường không dễ dàng chút nào !

Cũng nhân nói đến chuyện cái "không" cái "có", mình nhớ đến 2 câu nói của 2 nhân vật nổi tiếng, mà thời còn đi học tụi mình thường bàn luận đến. Đó là Các Mác (Karl Marx), một nhà xã hội học, một lý thuyết gia gốc Đức, được cho là ông tổ của lý thuyết cọng sản. Người thứ hai là vị tổng thống tài ba của Mỹ, Abraham Lincoln.

Ông Marx nói - "I am nothing, but I must be everything", (tạm dịch là: tôi không là gì cả, nhưng tôi phải là tất cả). Còn ông Lincoln thì nói - "I am nothing, truth is everything“, (tạm dịch: tôi không là gì cả, sự thật mới là tất cả). Chính 2 câu nói này đã từng gây ấn tượng sâu sắc cho mình thời con đi học, và mãi cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là một trong những chiêm nghiệm đáng quý nhất !

Thôi chúc mọi người cuối tuần an vui. Lâu quá không viết lách gì, gõ máy một lèo, mỏi tay quá :-).

PN (07/2022)

Saturday, April 09, 2022

Tản mạn cuối tuần - Dễ thở hơn !

 


Tuần qua có người bạn cũ ghé thăm mình, ở lại cả chục ngày. Tối nào hai đứa cũng thức khuya lai rai, nhắc lại chuyện xưa trên trời dưới đất. Tính ra cũng quen biết nhau gần mấy chục năm rồi. Jim, sinh ra và lớn lên ở miền bắc New York, tốt nghiệp hạng ưu ở Brown University, một trong những đại học Ivy League danh giá của Mỹ. Thế nhưng cậu ta đã không chọn con đường kiếm tiền, không đeo đuổi giấc mơ Mỹ (American Dream), để có nhà lớn xe đẹp, mà chọn con đường chông gai hơn, đi làm thiện nguyện giúp đỡ những người cùng khổ ở các trại tị nạn (refugee camps). Sau bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ, sống với những điều kiện thiếu thốn từ các vùng đất nước xa xôi, Jim trở về lại Mỹ, học tiếp chương trình hậu đại học, rồi đi dạy đại học ở vùng San Francisco. Mấy chục năm nay tụi mình vẫn giữ liên lạc, lễ lộc thỉnh thoảng a lô, hoặc đi công tác tiện đường ghé thăm nhau. Nhưng thường thì cũng chỉ có đủ thời gian để hẹn hò ăn uống, hoặc cafe điểm tâm ở đâu đó, rồi chia tay. Lâu lắm rồi, kỳ này ông bạn mình mới sắp xếp được để ghé thăm và ở lại dài ngày. Hàng ngày hai đứa xách xe đi lang thang qua các ngõ ngách những vùng thôn quê, tiểu bang lân cận, thăm các di tích lịch sử, thăm một số trường đại học lâu đời .... và tìm thử những món ăn địa phương. Tối về lại bày ra, nhậu lai rai :-).

Nhắc đến, mình gặp Jim ở Indonesia vào thập niên 80. Lúc đó Jim làm giám thị (supervisor) của chương trình C.O (Cultural Orientation), do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Mình cũng có một thời gian làm thiện nguyện cho chương trình này nên quen biết nhau. Chương trình C.O chuyên giúp đỡ những người tị nạn đã được chính phủ Mỹ nhận vào, nhằm mục đích giúp họ học hỏi văn hoá mới và định hướng nghề nghiệp trước khi đi định cư. Theo mình, đây là một chương trình rất hay, vì ngoài việc dạy dỗ chút vốn liếng tiếng Anh giao tiếp, còn giúp đỡ cho người tị nạn biết được đời sống thực tế ở nước Mỹ, nơi mà họ sẽ bắt đầu cho một hành trình mới. Giúp họ không bị bay bổng trên mây, không bị những cú sốc văn hoá, cũng như không hiểu lầm về những ảo vọng thiên đường sai lệch. Mặt khác, chương trình còn có mục đích sâu sắc hơn (và rất cần thiết), đó là truyền tải một thông điệp rõ ràng về nguyên tắc hội nhập giữa các nền văn hoá khác nhau. Ở đó bao giờ cũng có những cái chung và cái riêng, có những thứ dễ dàng hội nhập nhưng cũng có những thứ vô cùng khó khăn. Có những thứ đặc thù cần được giữ gìn và tôn trọng, ví dụ như nguồn gốc và phong tục đặc thù của mỗi dân tộc. Tất nhiên là trong một hợp chủng quốc đa chủng tộc đa văn hoá như Hoa kỳ, thì một người Mỹ gốc lúa mạch, mắt xanh mũi lõ, có thể có nhiều điểm khác biệt với một người Mỹ gốc rạ, da vàng mũi tẹt. Cho nên không nhất thiết là phải ráng copy để cho giống nguời khác, cũng không chờ đợi người khác phải sống giống mình hoặc phải hiểu mình, mà hãy nên tôn trọng sự khác biệt của nhau, để thông cảm, để hội nhập, học hỏi lẫn nhau để chung sống hoà đồng. Tất nhiên, tôn chỉ mục đích của chương trình là như thế, còn lãnh hội được hay không, hoặc thực hành được bao nhiêu là do .... người đối diện :-)

Nói đến ông bạn này thì có nhiều kỷ niệm. Nhớ lần đầu tiên mình trở về VN sau bao nhiêu năm xa cách. Liên lạc Jim, lúc đó ông bạn làm ở Thái Lan, lập tức bay qua Saigon đón mình. Bước xuống sân bay TSN lần đầu, ngỡ ngàng trước những thay đổi và cái nắng hầm hập của SG. Giữa đám đông xa lạ, đã thấy cái đầu lêu nghêu của ông bạn rồi, buồn cười. Đợi thêm thằng bạn VN nối khố nữa bay về từ Gia Lai, rồi kéo nhau vô quán Tib của nhạc sĩ TCS ăn gỏi mít, gỏi vả, và gỏi rau muống trộn... Chỉ đơn giản là vì Jim mê nhạc Khánh Ly :-). Hôm sau hai đứa theo xe về Lâm Đồng thăm ông bà già. Tối đến chó sủa vang trời không ngủ được. May quá, có mấy ông công an địa phương gọi điện thoại vào nhà nói chính sách của tỉnh thời đó chưa cho phép người nước ngoài ở nhà dân, nên Jim phải ra khách sạn ngủ. Đỡ phải kê ghế bố, mừng quá. Thực ra nhờ đi qua nhiều nước, và làm việc ở châu Á khá lâu, nên ông bạn rất quen thuộc với văn hoá của nhiều gốc dân bản địa, đặc biệt là kinh nghiệm ứng xử cũng như tâm tình của người tị nạn.

Mà cũng thật là trùng hợp, mấy tuần nay câu chuyện tị nạn đang làm thế giới xôn xao, nên cũng thêm chuyện để nói. Nói chung Putin của nước Nga đã "có công" tạo nên làn sóng tị nạn kỷ lục trong lịch sử cận đại. Cụ thể là chỉ trong vòng vài tuần lễ ngắn ngủi, cuộc xâm lược của Putin đã làm cho gần 3 triệu người Ukraine, kể cả phụ nữ, người già, con nít vô tội, bỗng chốc mất tất cả. Họ sống vất vưởng, loạn lạc, tản mác khắp nơi, ngay chính trên quê mảnh đất quê hương của họ và lan đến những quốc gia lân cận. Chết chóc, sợ hãi, lo âu, đã bao trùm lên khắp đất nước Ukraine. Bao nhiêu người mất nhà, mất mạng, mất quê hương, xin tị nạn để tìm đất sống. Khởi đầu hành trình lưu vong của một dân tộc, mà những ảnh hưởng và tổn thương sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Xin mở ngoặc chút, có lần mình coi trên chương trình PBS, một đoạn phim tài liệu nói về tuổi thơ của Putin ở Saint Petersburg (Leningrad). Ông ta sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khó. Thưở nhỏ Putin thường cô độc, có lúc chỉ chơi với những con chuột, và ông trả lời phỏng vấn là đã học được nhiều bài học quý giá từ việc chơi chung với những con chuột đó. Lúc đó, mình cứ nghĩ một người từng sống trong hoàn cảnh nghèo khổ như thế, từng biết được những bài học thiết thực như dồn chuột vào ngõ bí, thì cho dù có xuất thân từ KGB, Putin cũng phần nào thấu hiểu đời sống hơn. Có thể ông sẽ nhạy cảm hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn, và biết thương cảm đối với những người dân đen vô tội. Thế nhưng đến bây giờ, thì biết chắc chắn là mình đã suy nghĩ sai. Có những loại người họ chỉ biết thương yêu cái tôi và tham vọng của họ, sống bám víu vào những ảo vọng quyền lực có được từ sự bất công đối với những kẻ yếu. Mà nhắc đến mới nói, mấy ngày qua cả thế giới đều phải rùng mình rúng rộng trước sự tàn sát man rợ của quân đội Putin tại vùng Bucha !

Cũng rất may mắn là trong thời gian qua, Ba Lan và các nước phương Tây đã mở rộng vòng tay cứu giúp những người tị nạn Ukraine một cách chân thành. Đó là những món quà vô giá đầy tình người của cuộc sống dành riêng cho họ. Tất  nhiên trong những hoàn cảnh khẩn cấp, éo le như thế thì bao giờ cũng có một vài mặt trái hạn chế hoặc thiếu sót. Nhưng nhìn chung là một kỳ tích của lòng nhân đạo và tình người, đặc biệt là đất nước Ba Lan. Mình luôn ngưỡng mộ và trân trọng tấm lòng nhân ái của những con người đã ngày đêm không quản khó nhọc, thiện nguyện hy sinh, cứu giúp kẻ khốn cùng. Trong số đó có nhiều thiện nguyện viên là đồng bào VN đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Nhưng hôm nay mình không muốn nói nhiều đến chuyện tàn sát người vô tội của Putin ở đây. Cũng không muốn kể nhiều về Jim, nhưng nhân dịp ông bạn mình nhắc về những thế hệ học sinh của bạn, những cái nhìn khác biệt của thế hệ sinh viên hôm nay so với thời kỳ làn sóng tị nạn VN, làm mình cũng băn khoăn đôi điều. Tất nhiên những suy nghĩ tản mạn của mình viết ở đây chỉ thuần tuý mang tính chất cá nhân, không tranh chấp đúng sai, lại càng không có ý phê phán hoặc chỉ trích, mà chỉ nói về một số điểm khác biệt. 

Nhớ cách đây không lâu, một người bạn cũ hỏi mình ý kiến tư vấn về việc con đi học đại học ở Mỹ. Sau khi nói chuyện một lúc, hiểu thêm nguyện vọng của bạn, mình lại càng cảm thấy rất thông cảm và quý mến sự hy sinh lo lắng cho con cái của bạn mình. Trong câu chuyện của bạn, mình tìm thấy sự tương đồng của thế hệ cha mẹ mình ở VN, và thế hệ bạn bè, anh em của mình cũng vậy. Ai cũng thương yêu lo lắng, hết lòng hy sinh cho con. Đại đa số ai cũng mong muốn cho con mình thành đạt, giàu có, tên tuổi, ông này bà nọ, làm rạng rỡ cho gia đình giòng họ. Mặc dù hiểu thấu điều đó, nhưng cuối cùng mình đành phải xin lỗi không giúp được. Bởi quan niệm đi học, chọn nghề của mình có nhiều điểm khác biệt, ngại ý kiến cá nhân của mình sẽ không phù hợp với bạn. Thế nhưng người bạn vẫn không chịu, cuối cùng mình khuyên hãy để con bạn gọi điện thoại cho mình, hỏi những câu hỏi mà cháu thắc mắc, sẽ tiện hơn. Nếu câu hỏi nào mình biết, sẽ cố gắng trả lời, hoặc tìm tài liệu gởi cho cháu đọc. (Mình nghĩ rằng ở Mỹ, các tài liệu về trường học chính thống và các ngành học đều rất rõ ràng minh bạch. Hàng năm các cơ quan thẩm định có uy tín như US News, Forbes ... có cập nhật thông tin rõ ràng trên mạng. Cho nên không cần thiết phải nghe tin tức từ ông chú Viettel, ông anh Cali, ông bạn Harvard, hoặc bà chị NASA :-). Mấy hôm sau, con của bạn mình gọi, nói chuyện rất lễ phép, ngoan ngoãn dễ thương. Câu đầu tiên cháu hỏi - "Ngành nào bây giờ học ra kiếm tiền nhiều nhất vậy chú ?". Mình sững người một chặp. Rất ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cố gắng tìm cách giải thích cho cháu ấy trong khả năng hiểu biết của mình. Hy vọng cháu chọn được ngành nghề mà mình đam mê, mơ ước. Còn chuyện kiếm nhiều tiền, thì thực tế cuộc sống này có rất nhiều đại gia rủng rỉnh tiền bạc mà không cần thiết phải học hành khổ cực như cháu :-) .

Mấy ngày trước, mình và Jim đi lên thăm trường Duke ở Durham và trường Wake Forest ở Winston-Salem. Trên đường đi, ông bạn kể rằng rất tâm đắc và thường chia xẻ với sinh viên về quan niệm sống của Ralph Waldo Emerson - "To know even one life has breathed easier because you have lived, this is to have succeeded." (Tạm dịch: Chỉ cần làm cho một người khác dễ thở hơn, nghĩa là bạn đã thành công rồi). Mình đùa - "Vậy các sinh viên du học sinh nghĩ gì khi họ đang xử dụng điện thoại thông minh đời mới nhất, còn ông giáo sư của họ thì không có cái điện thoại di động ?". Jim cười khì, ông bạn không xài smart phone, không chơi FB và  mạng xã hội như mình, mà ráng tranh thủ thời gian đi và về trên phương tiện xe công cọng mỗi ngày để đọc thêm vài trang sách hoặc bài dạy. Vì bạn nói khi về đến nhà, lại bận rộn gia đình con cái, e không có nhiều thời gian để đọc.


Hỏi đùa vậy thôi, nhưng mình biết Jim cũng như nhiều người Mỹ khác, đặc biệt là trong môi trường giáo dục, rất ít khi để ý và quan tâm đến các hình thức vật chất bên ngoài. Có lẽ vật chất hoặc hình thức không phải là đấu trường hơn thua của họ, càng không phải là mục đích sống của các vị "scholar". Mình thì luôn quan niệm rằng trong đời sống, con người thường sẽ tự chọn lựa cho mình một lẽ sống mà họ cảm thấy phù hợp nhất, tương ứng với tư duy của họ. "Thành công" hay “thất bại" cũng chỉ là những định nghĩa và quan niệm mang tính chủ quan của riêng từng người. Bằng cấp tất nhiên không phải lúc nào cũng là tờ giấy bảo chứng cho trí tuệ và sự hiểu biết của một con người. Có rất nhiều người suốt đời đeo đuổi cái "có", có tiền, có nhà, có xe, có chức, có quyền ... Rồi đến cuối đời lại chạy đi tìm cái "không", không bịnh, không già, không tai nạn, không lo âu, không phiền phức... Có vẻ như khôi hài nhưng lại là sự thật !

Mình và Jim đều may mắn được đi làm ở một số quốc gia khác nhau. Nên có những tâm trạng giống nhau mà cũng có những kinh nghiệm khác nhau. Mình vốn rất ngưỡng mộ những người có quan niệm sống như Jim, sống đơn giản, đề cao lối sống tư duy, đề cao sự cống hiến, luôn bảo vệ môi trường, bảo vệ lẽ phải, và bảo vệ kẻ yếu hơn mình. Đi làm ở nước ngoài, may mắn là cũng thường gặp được nhiều người như thế. Cho nên mình thỉnh thoảng nói đùa với bạn bè và người thân là - "Có nhiều đất nước PG, ai cũng lý thuyết một bụng, nhưng họ lại ít thực hành đạo Phật. Trái lại ở nhiều quốc gia PG chưa hề được phát triển, nhưng con người ở đó lại thực hành đạo Phật mỗi ngày". Âu đó cũng là những duyên nghiệp tự nhiên của đời sống vậy.

Nói đến đây nhớ đến một câu chuyện mà ngày xưa Thầy Ahbinyana kể cho mình thời ở Indonesia. Thầy nói có người tị nạn kia giữa lúc tuyệt vọng trên biển đã thành khẩn van vái Đức Phật phù hộ cho họ đến được bến bờ bên kia, họ sẽ cạo đầu ăn chay mấy tháng để tạ ơn. Khi đến nơi an toàn rồi, cô suy nghĩ lại cạo đầu hơi bị xấu, nên khấn vái ông Phật, xin nấu cúng mâm cơm, hương hoa thịnh soạn để bù lại thay vì phải cạo đầu. Nhớ lúc đó ông Thầy cười, nói đùa với mình - "Thắc mắc là không biết ông Phật lấy đầu tóc mấy ngày không tắm đó về để làm gì ?". Quả nhiên là vậy, những lời khấn nguyện chân thành thường mang giá trị sâu sắc đối với việc thay đổi bản thân, chứ không phải là một sự ngã giá. Còn theo thiển ý của mình nếu như ông Phật mà phải đợi cho đến lúc con người van vái, hối lộ cái đầu tóc, cái mâm cơm, cái bìa thư, cái tượng Phật lớn nhất, cái ngôi chùa to nhất, cái chuông đồng đẹp nhất..v.v.. hoặc phải phân biệt đứa này Phật tử, đứa kia Công giáo, đứa nọ đảng viên, đứa kia chủ tịch, rồi mới ra tay cứu giúp thì ông ta đâu còn là Phật nữa :-). 

Nhưng cuộc sống này nhiều người vốn tin như vậy. Trong khi đó thì mọi thứ chung quanh chúng ta luôn thay đổi không thể ngăn cản được, kể cả tâm nguyện và ước mơ của mỗi người. Tâm tình của một người tị nạn ở White Head, Bidong, Palawan, Phanat Nikhom, Galang ... ngày xưa, hoặc ở Dortmund, Warsaw hôm nay, chắn chắn sẽ có những điểm tương đồng. Những lời hứa hẹn của họ với bản thân, với thượng đế, với quê hương, với tổ quốc, rất có thể là giống nhau. Nhưng rồi biết đâu lại cũng như mái tóc huyền của người phụ nữ năm xưa, khi đến được bến bờ bên kia họ sẽ không còn cạo nữa. Cuộc sống tự do ở California, không khí thoải mái ở New York, cung đường tráng lệ ở Paris, giòng sông lững lờ ở London ... hoặc là những giấc mơ Mỹ, mơ Tây, mơ Úc, mơ Canada, mơ Anh quốc…nào đó ít nhiều đã làm thay đổi những tâm nguyện ngày xưa của họ. Con người rồi sẽ phải thay đổi, sẽ tìm kiếm những thứ khác nhau, sẽ thích ứng với những tiêu chuẩn giá trị mới, kể cả việc chi phối người khác hoặc thế hệ sau bằng quan niệm sống của họ !

Nhưng đó không phải chỉ là câu chuyện của những người tị nạn bỏ xứ ra đi, mà là sự thay đổi thông thường của quy luật tạo hoá. Trong nước cũng vậy. Ngồi nói chuyện với một bà mẹ kháng chiến nuôi quân năm xưa, một người thương binh vá xe bên đường, một người lính trận đi B về hưu, một người cựu giám đốc vừa mới ra tù.... về những người đồng đội “thành đạt” của họ, mới hiểu ra nhiều vấn đề. Nhiều người phê phán sự xa hoa, ăn trên ngồi trước, tham nhũng hối lộ, tham quyền cố vị của một số vị quan chức, nhưng mấy ai hiểu được rằng ngày xưa chính những con người đó cũng đã từng dễ thương, từng hứa hẹn, và từng mang đầy nguyện ước cao cả. Nhưng khi hoàn cảnh sống thay đổi, địa vị thay đổi, vật chất thay đổi, đã làm cho con người có nhu cầu kiếm tìm những thứ khác nhau !

Mình không rành lắm về số liệu đăng ký ngành nghề của sinh viên VN hôm nay trong nước. (Nhớ đọc đâu đó nói cao nhất năm rồi là ngành Hàn quốc, ngành công an, quân đội ...gì đó, nhưng không rõ lắm). Riêng mỗi lúc thấy số lượng của các bậc trí thức VN ở quê nhà tăng nhanh đột biến, hoặc đầy rẫy danh xưng trên báo trên đài ở hải ngoại, mình thường thắc mắc bao nhiêu người trong số đó lấy bằng là do yêu cầu công việc, hoặc do nhu cầu lương bổng ? Tất nhiên thực tế thì cũng không hiếm những người học hành để trang bị dấn thân, và làm việc để cống hiến, phục vụ xã hội. Hôm rồi đọc qua số liệu đăng ký ngành học của sinh viên Á châu tại các trường đại học ở Mỹ, mình lại cảm thấy khâm phục những người nhiệt huyết dấn thân như Jim, bạn mình. May mắn là ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, những ngành nghề kiếm tiền ít, vẫn còn nhiều người đeo đuổi theo học và chọn lựa. Thực ra đa số các bậc phụ huynh ở nước ngoài thường rất tôn trọng nguyện vọng của con cái. Họ cổ vũ việc sống có mục đích ý nghĩa và có trách nhiệm xã hội, chứ không đề cao lắm chuyện giàu nghèo. Nên đa số những đứa trẻ thường nhẹ nhàng hơn trong việc chọn lựa nghề nghiệp & định hướng lối đi riêng cho bản thân. Sự chọn lựa của họ thông thường không phải bắt đầu từ những danh xưng ông này bà nọ, cái thắng cái thua, cái giàu cái nghèo, mà thường bắt đầu bằng những điều đơn giản nhất. Ví dụ như mong muốn được là chính họ, theo đuổi những công việc mà họ thích, hoặc đóng góp được một phần nhỏ bé nào đó giúp cho cuộc sống chung quanh tốt đẹp hơn. Hoặc biết đâu đơn giản hơn nữa, chỉ là mong muốn làm cho người khác dễ thở hơn như Jim bạn mình :-) ?

PN 
(Tặng Jim - April 2022)



Monday, March 21, 2022

Lại chuyện Ukraine & Putin !



Vậy là đã gần một tháng trôi qua, cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin vẫn chưa kết thúc. Hàng ngàn binh lính Nga đã chết, gần chục tướng lĩnh đã bỏ mạng, xe tăng quân cụ bị phá hủy, với đủ các loại vũ khí tấn công, quân đội Nga vẫn chưa làm chủ được các thành phố chính của Ukraine. Kế hoạch chiếm đoạt Ukraine trong 3 ngày của Putin chỉ là một giấc mơ hoang tưởng. Cái mà Putin gặt hái được cho đến thời điểm này là sự đổ nát của đất nước Ukraine, xác chết của những người vô tội, kể cả đàn bà con nít, hàng triệu người dân Ukraine phải bỏ nhà ly tán. Bên cạnh đó là nền kinh tế nước Nga khốn đốn, bị cấm vận nặng nề, và sự khinh bỉ căm phẩn của thế giới dân chủ dành cho Putin.

Thực ra đây không phải là cuộc chiến giữa đất nước Nga và đất nước Ukraine, mà chỉ là cuộc chiến của Putin và ảo giác quyền lực của ông ta. Người dân Nga cũng là nạn nhân của sự tuyên truyền dối trá của chính phủ Putin. Mấy tuần qua, truyền thông độc lập trong nước Nga đã bị cấm đóan. Những từ khoá như "war", "invasion", cũng trở thành từ ngữ nhạy cảm, bị theo dõi kiểm soát trên mạng. Nhiều người dân Nga phản đối chiến tranh đã bị bắt bớ và đánh đập. Hàng chục ngàn người Nga cũng đã rời bỏ đất nước ra đi. Những người ở lại phải đối chọi với những khó khăn nhiều mặt về kinh tế xã hội và các phong toả khác của các nước phương Tây. Sân bay của Nga vắng lặng như tờ. Các siêu thị hàng quán Nga đóng cửa. Nhiều người cho rằng Putin đã đưa đất nước họ trở về những thời kỳ đầu của Xô Viết. Tính ra từ ngày liên bang Xô Viết sụp đổ (1991), các nước nhỏ độc lập tách ra, nhanh chóng hội nhập vào thế giới dân chủ và phát triển đất nước, trong đó có Ukraine. Mặc dù nền dân chủ ở Ukraine còn non trẻ, nhiều thế hệ lãnh đạo trước đây đã phạm nhiều khiếm khuyết, nhưng họ luôn cải cách để tiến lên. Còn đất nước Nga thì cũng không thay đổi mấy, vần ì ạch về xã hội và kinh tế. Putin đã lên ngôi và độc tài thống trị hơn 20 năm qua. Ngoài việc thanh trừng nội bộ, ám toán những phe đối nghịch, và thiết lập mạng lưới tài phiệt oligarchs siêu giàu dựa trên quyền lực, Putin đã không thành công trong việc phát triển đất nước Nga như mong đợi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với một hệ thống chính trị độc tài, được bao bọc và tung hô bởi những cận thần xu nịnh, khiếp nhược, vô tình tạo cho Putin một ảo giác quyền lực rất nguy hiểm. Trước đây ông cũng đã từng vài lần xua quân đánh những nước nhỏ như Geogia, Crimea, thành công, càng làm cho Putin tự tôn với cái "quyền lực tối thượng" của mình. Chỉ tiếc cho Putin là dù cao ngạo và mang nặng ảo giác quyền lực cho đến đâu, thì ông vẫn không đủ khả năng để nói rõ sự thực với người dân Nga, mà phải dựa vào các biện pháp tuyền truyền dối trá, và bạo lực đàn áp để tồn tại !

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược lần này đối với Putin là "Winning a battle but losing the war" (tạm dịch: thắng một trận đánh, nhưng thua một cuộc chiến tranh". Quả nhiên là vậy, mặc dù chưa ai thấy được cái "thắng” của Putin như thế nào, nhưng cái "thua" của đất nước Nga thì quá rõ ràng. Putin đã làm tan nát đất nước láng giềng của ông, bao nhiêu sinh mạng ngã xuống, bao nhiêu mảng đời lưu lạc khốn khổ, bao nhiêu tài sản di tích đổ nát ... và chắc chắn là bao nhiêu hận thù phải trả sau này. Còn đất nước Nga của ông, ngoài những hy sinh oan uổng và mất mát hiện nay, chắc chắn sẽ còn phải trả giá rất đắt để phục hồi và hàn gắn những thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội trong nhiều năm tới. Đó là còn chưa nói đến những khả năng rất lớn về sự lệ thuộc của Nga đối với TQ hoặc một số quốc khác sau này. Bởi vậy cái mà thế giới đang lo ngại không phải là tài năng và trí tuệ của Putin, mà là ở sự liều lĩnh của một bạo chúa mang nặng ảo giác quyền lực, không chấp nhận thua cuộc ! 

Cho nên mấy hôm nay nhiều người quen cứ nhắc đến chuyện nguyên tử. Đúng ra là những món đồ chơi "nguyên tử" cần phải được thế giới dẹp bỏ lâu rồi, bởi đụng đến thứ này thì cả nhân loại sẽ bị huỷ diệt. Thử nghĩ từ mẫu bom "little boy" (cậu bé) năm 1945 đã có sức công phá đến thế, thì đến ngày nay những trái bom nguyên tử hiện đại phát triển đến mức độ nào ? Sức tàn phá của B83, Tsar Bomba ... đã tới mức người ta không dám nghĩ bàn, cho nên mỗi khi nói đến chiến tranh nguyên tử, những người hiểu biết và tỉnh táo ít khi đem chuyện này ra đe doạ lẫn nhau. Vì thực tế sẽ không có ai là kẻ  thắng cuôc trong cuộc chơi này. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn nghe được những lời hù doạ từ Triều Tiên, Nga .... Và thế giới cũng không ngạc nhiên lắm về điều này !

Hôm qua, có ông anh gởi cả cuốn phim "The Day After" của Nicholas Meyer (1983) cho mình coi. Nhưng theo thiển ý của mình, thì cũng không nên lo lắng thái quá về vấn đề này. Thế giới tự nhiên có những quy luật riêng của nó, và sự tồn tại của con người cũng vậy. Cuộc sống có quá nhiều thứ tốt đẹp hơn, thương yêu hơn, cần được quan tâm và thưởng thức. Còn khi đã nói đến sự nguy hiểm của những kẻ côn đồ, tội phạm, thì một gã trộm cướp ở quê nhà cũng không khác mấy so với một Hitler, một Putin, hoặc một chú Ủn ....v.v... Bởi họ đều có tư duy và khả năng làm hại người khác bởi những lý do vô cùng điên rồ, khó lường. Đức Phật ngày xưa có nói  "Anger is the punishment we give ourselves for someone else's mistake". (Tạm dịch: Nóng giận là sự trừng phạt tạo ra cho bản thân bởi lỗi lầm của kẻ khác). Quả nhiên là vậy, lo lắng và suy đoán mơ hồ chỉ là những hình phạt vô ích cho bản thân !

Hôm rồi coi tin tức, thấy người Ukraine tổ chức buổi hoà nhạc ngoài đường giữa lúc đạn pháo của quân đội Nga nã vào thành phố. Mình nghĩ rằng dân tộc này đã thắng, họ không những thắng Putin về lòng can đảm mà cả trí tuệ, biết đoàn kết để bảo vệ và xây dựng đất nước của mình. Chắc chắn trong tương lai gần điều đó sẽ được chứng minh.

Mấy hôm nay ở Mỹ trời đã vào xuân, nắng ấm, hoa lá đâm chồi nở nụ. Cuối tuần này sẽ là đỉnh điểm của mùa hoa anh đào ở Washington D.C. Những cây hoa Sakura của người Nhật tặng cho Mỹ năm nào, nay đã trở thành tâm điểm của mùa lễ hội Cherry Blossom Festival hàng năm. Nước Nhật, đất nước duy nhất trên thế giới từng là nạn nhân của bom nguyên tử thời kỳ thế chiến thứ hai. Và thật kỳ diệu, trong một thời gian ngắn, họ đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ kể từ thập niên 70, 80. (Những năm gần đây họ đã nhường ngôi vị thứ 2 cho TQ). Thế nhưng mãi cho đến ngày hôm nay, Nhật vẫn chưa hề sở hữu một trái bom nguyên tử nào. Trong khi đó thì những nước nghèo hơn nhiều như Triều Tiên, Nga, Iraq ... lại cố gắng đầu tư khủng về vũ khí nguyên tử, bất chấp sự đói nghèo của người dân. Đó cũng là một quan niệm sống rất đáng ngưỡng mộ của người Nhật .

Thôi, mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến và chúc mọi người một tuần an vui !





Sunday, February 27, 2022

Phiếm: Ông Putin ở nước Nga

 


Mấy hôm nay cả thế giới náo động và bức xúc vì Putin xua quân đánh chiếm Ukaine. Những chuyện tội ác, đúng sai, thành bại, tốt xấu ... thì báo đài trên thế giới đã bình luận và lên án nhiều lắm rồi, mình không muốn nhắc lại ở đây. 

Sáng nay chủ nhật, mưa phùn lắc rắc như mưa Xuân ở quê nhà. Ngồi trong nhà uống cà phê nhìn ngoài trời những cành Jane Magnolia hé nụ, thật đẹp. Hồi nãy mới coi tin tức thấy ông thị trưởng của thành phố Kyiv, cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko, bảo quân đội Nga "hãy về nhà đi" (go back home), mà thấy bùi ngùi cho thân phận của họ. Hôm qua cũng coi đoạn clip ngắn của một người phụ nữ Ukraine tặng những hạt hoa hướng dương cho người lính Nga đang xâm chiếm quê hương của bà, mà thấy xúc động. Nhớ đến tuần trước có người bạn nói với mình là "dân Nga quý ông Putin lắm", mình thắc mắc không biết cái quý mến của người dân Nga đối với Putin hôm nay có giống cái “quý mến” của người dân quê mình đối với nước Nga ngày trước chăng ? Tự nhiên muốn phiếm bàn một chút về câu chuyện này. 

Nhớ lại thời mình còn đi học ở VN, có nhiều thơ văn ca tụng về đất nước Nga và các lãnh đạo của họ. Ví dụ như ông thần đồng thi sĩ Trần đăng Khoa (không biết giờ còn sống không) có viết mấy câu thơ rất thần đồng - "Ông Lê Nin ở nước Nga. Mà em lại thấy rất là Việt Nam". Rồi đến ông Tố Hữu thì càng ác liệt hơn - "Yêu biết mấy, nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin..."

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi !
Hỡi ơi, Ông mất ! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười ...

Cho nên ông Bút Tre lại phán:

Ông Lê Nin ở nước Nga
Nhưng ông lại đứng vườn hoa nước mình
Ông Lê Nin ở nước mình
Nhưng ông lại đúng dân tình nước Nga...

Nói chung thơ văn ca tụng thời ấy thì nhiều, nhưng thử nghĩ, chưa đến nước Nga, chưa gặp Lê Nin, chưa hiểu Stalin, mà đã yêu thương tràn đầy như thế, huống hồ chi là thời nay người dân Nga, dân Ukraine, thấy mặt Putin suốt ngày. Không những chỉ thấy mặt mũi của ông, mà cả thế giới còn thấy ngực, thấy bụng sexy của Putin thường xuyên, vì ông là lãnh đạo quốc tế duy nhất thích cởi áo, khoe ngực, khoe bụng trên báo trên đài TV. Cho nên biết đâu mai mốt lại nghe "Ông Putin ở nước Nga. Mà sao em thấy rất là Ukraine". Đùa thôi, hy vọng là dân Ukraine không tới nỗi như vậy :-).

Nôm na nói đến vụ xâm lược Ukaine lần này, thì Putin đưa ra vài nguyên cớ, nhưng khôi hài nhất là ông viện dẫn lý do để "De-nazify" (chống phát xít) ở Ukraine. Một đất nước có tổng thống gốc Do Thái (nạn nhân của chủ nghĩa phát xít), và một xứ sở mà người đân được quyền bầu bán dân chủ, chính thức và công khai người lãnh đạo của họ. Thậm chí Ukraine có thể bầu một người từng làm "hề" để trở thành tổng thống điều hành đất nước, một võ sĩ trở thành đô trưởng của thủ phủ Kyiv. Trong khi đó thì các nước như Nga, TQ, hoặc Triều tiên, khó có thể làm được điều này. Sáng nay ông thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, khẳng định người dân Ukraine ủng hộ chính phủ của họ, lên án cái "nguyên cớ" chiến tranh vô lý của Putin dẫn đến những tàn phá đau thương cho đất nước Unkraine, kể cả sự đổ máu hy sinh của người dân hai nước, thậm chí là sinh mạng của đàn bà và con nít. Đúng vậy, chiến tranh chết chóc không phải là trò đùa của những tham vọng hoặc ảo tưởng bệnh hoạn, xuẩn ngốc. Chữ nghĩa "De-nazify" của Putin mấy hôm nay đã là đề tài làm trò cười ở mấy đài truyền thông các nước khác, nhất là mấy kênh hài. Nhưng tất nhiên, tin tức chính trị chính em thì bao giờ cũng có những góc khuất của nó. Không phải ở bất kỳ quốc gia nào, thì người dân cũng có quyền được biết thông tin một cách minh bạch và chính xác. Thậm chí ở những quốc gia dân chủ nhất, minh bạch nhất như ở Hoa Kỳ, thì cũng chưa chắc người đọc hoặc người nghe có được những thông tin khách quan. Suy cho cùng thì mọi tri thức hoặc kiến thức cá nhân đều có liên quan trực tiếp đến khả năng nhận thức và kỹ năng phân tích vấn đề của riêng từng người. Trong đó bao gồm và lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như quan điểm cá nhân, trình độ hiểu biết, hoặc cơ hội tiếp cận với ai, coi đài TV nào, đọc báo nào, bạn bè với ai, theo đảng nào, phe nào, quê ở đâu ...v.v. Đó là còn chưa nói đến hiện trạng bưng bít ở một số quốc gia, nạn thông tin tin tức bị kiểm soát có chủ trương, thì sự khách quan trong nhận thức của người dân lại càng hiếm hoi. Tất nhiên trong chúng ta ai cũng vậy, sẽ không biết những thứ mà chúng ta không biết (we don't know what we don't know). Cho nên có nhiều cãi vả thường xuyên xảy ra trên mạng, hoặc mâu thuẫn bất ngờ giữa những người thân quen biết với nhau ngoài đời, cũng là chuyện bình thường. Lắm khi còn quyết liệt và bi hài hơn cả câu chuyện ngụ ngôn 6 người mù sờ voi ở quê ta :-).

Nhớ người xưa thường nói "bạo chúa nghĩ đến việc thắng thua, minh quân nghĩ đến việc ích nước lợi dân, còn thánh nhân nghĩ đến lợi ích của thiên hạ". Không biết người dân Nga nghĩ Putin thuộc loại nào. Nhưng chắc chắn là ông đã độc quyền làm lãnh đạo Nga 20 năm qua, la cà từ thủ tướng sang tổng thống, thậm chí có khi ông còn dự định làm tới chết mới thôi. Ngay cả lúc ông làm thủ tướng, thì tổng thống Nga cũng chẳng hề dám trái ý. Ai nghịch ý hoặc phe đối nghịch là ông xử ngay. Còn nói đến Nga, là một đất nước rộng lớn nhất thế giới, có đến 11 múi giờ (Mỹ chỉ có 4 múi giờ), và nằm trên đống tài nguyên dầu mỏ. Nhưng lợi tức chính của Nga lâu nay chủ yếu là hút dầu khí lên bán. GDP của Nga bao năm qua vẫn thấp hơn so với những nước nhỏ như Ý, Pháp, Hàn quốc, Brazil ...v.v. Còn so với Mỹ thì GDP của cả nước Nga chỉ bằng một nửa (1/2) GDP của California, một tiểu bang của Mỹ. Thế nhưng khi nói đến vũ khí nguyên tử thì các nước như Nga, Triều Tiên, TQ lại có thừa. Cho nên thành tích làm cho đất nước giàu mạnh, hoặc khả năng phát triển kinh tế xã hội của Putin thì thế giới cũng không lạ lẫm gì. Bởi vậy nhiều người vẫn còn đang thắc mắc là nếu Putin chiếm đoạt được Ukraine, rồi ông sẽ làm gì với nó ? Nhớ có lần đứa con mình hỏi "Tại sao ông Putin làm lãnh đạo nước Nga hoài vậy ?". Mình chỉ biết cười, nói đùa với nó rằng "Tại nước Nga thiếu nhân tài". Thời này đã hết thời phong kiến, cũng không còn chuyện thiên tử bề tôi, mà một đất nước rộng lớn đến thế lại không thể tìm ra được một người hiền tài để thay thế Putin làm lãnh đạo đất nước trong vòng mấy chục năm qua. Thì quả nhiên không biết đất nước Nga thiếu người tài, hay là người dân quá "yêu quý" Putin, hoặc có thể biết đâu Putin đúng là thiên tài như ông Trump nói :-) ?

Lâu nay, nhiều người cho rằng để biết người dân trong một đất nước có quý mến và ủng hộ "lãnh đạo" của họ không, thì cách chính xác nhất và văn minh nhất là cho mọi người dân có quyền bình đẳng thể hiện ý kiến của chính họ bằng lá phiếu một cách công bằng. Còn nếu như một chính quyền chưa dám thử thách hoặc chưa đủ khả năng để chấp nhập sự thật, thì mọi tuyên bố về lòng dân đều phỏng đoán hoặc hư cấu, thậm chí hài hước. Ông Putin hoặc bất kỳ một lãnh đạo nào trên thế giới cũng đều hiểu rõ nguyên tắc này. Tuy nhiên họ có dám minh bạch trưng cầu dân ý hay không lại là câu chuyện khác. Với thực tế hiện nay thì không biết có bao nhiêu phần trăm dân số Nga ủng hộ Putin đi xâm lược Ukraine, nhưng hôm qua bà Ursula von Der Leyen, chủ tịch khối châu Âu EU Commission đã nói rằng “Putin is destroying the future of his own country” (tạm dịch: Putin đang phá hoại tương lai của chính đất nước ông). 

Nhìn lại thế giới, dịch bệnh mới vừa tạm thời lắng dịu (có nhiều nơi dịch vẫn còn đang hoành hành). Đất nước nào cũng có nhiều khó khăn trở ngại trước mắt. Người dân ở đâu cũng cần thời gian để phục hồi và chuẩn bị ứng phó với những thay đổi mới. Còn nói đến chiến tranh, thì ở thời buổi này đại đa số ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa "nguyên cớ" và "nguyên nhân" trong các cuộc xung đột chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh xâm lược. Cho nên cũng không mấy ai nhầm lẫn mà tin tưởng vào các luận điệu tuyên truyền dối trá. Thế giới đang đồng thanh lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của chính quyền Putin, vì không muốn Putin tạo nên một tiền lệ xấu, cậy mạnh hiếp yếu, giết người vô tội, xâm lược chủ quyền của các quốc gia lân cận. Hầu hết các quốc gia dân chủ hiện nay coi Putin như một bạo chúa. Nhiều người còn nghi ngờ rằng ông bị bịnh tâm lý. Riêng mình thì chỉ đơn giản mong muốn chiến tranh mau chóng kết thúc, để người dân Ukraine và Nga, cũng như cả thế giới sớm trở lại cuộc sống an bình. 

Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ:
....
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
....
Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng ...

PN (2/27/2022)



Thursday, February 03, 2022

Phiếm: Cafe đầu năm,


Mấy tuần qua bão tuyết giá rét liên tục, không khí lạnh bao phủ nhiều nơi ở miền Đông Hoa Kỳ. Nhưng ngày tết chỗ thành phố mình ở, lại nắng ấm và trời đẹp lạ thường. Có thể báo hiệu một năm mới chấm dứt dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường và nhiều điều mới lạ sẽ đến chăng ? Thôi thì cứ mong là như vậy :-) 

Ngày đầu năm, mùng một Tết, ông bạn già rủ mình đến quán cafe ở ngoại ô khá xa, có món bánh kẹp của Ý rất lạ, để tán gẫu chuyện "tết nhứt" của thời trai trẻ. Ông là người Mỹ, nhưng từng làm việc ở VN. Những mẫu chuyện rất thú vị. Là người đi nhiều, trãi nghiệm nhiều, được mất cũng nhiều, nên cái nhìn của ông rất thông thoáng và hài hước. Làm cho ly cafe đầu năm cũng thấy ngon hơn :-).

Tất nhiên đầu năm thì ai cũng muốn nói đến những câu chuyện vui, chuyện mới. Nhưng nói riết một hồi, nhắc đến chuyện Tết nhứt ở xứ này xứ nọ, chuyện cố hương quê nhà.... rồi có lúc cũng chạnh lòng. Mà có lẽ ai tha hương hoặc xa nhà cũng đều có những giây phút như vậy vào những ngày đầu Xuân. 

Có một câu hỏi vô tình của ông bạn, tưởng chừng như đơn giản lắm, nhưng lại làm mình băn khoăn cả buổi: "Tại sao có những xứ sở, con người luôn yêu chuộng hoà bình và chung sống trong hạnh phúc, nhưng lại có những nơi luôn xảy ra chiến tranh và đầy rẫy những hận thù, đố kỵ, lừa dối, và hơn thua ?”

Không thể trả lời được câu hỏi đó, nhưng mình nhớ đến một câu chuyện cũ và kể lại cho ông bạn già nghe.... "Có một người phụ nữ ngoan đạo, hành thiện làm lành, sống theo lời dạy của Chúa. Một hôm được thiên thần đến viếng và hỏi muốn ước nguyện điều gì ? Cô ta nói muốn được đi tham quan để biết 2 nơi địa ngục và thiên đường khác nhau như thế nào. Thiên thần vui vẻ đưa cô đi ngay.
Đầu tiên là đến địa ngục, cô nhìn thấy rất nhiều người ngồi quanh một cái bàn lớn, có vô số món ngon vật lạ, không thiếu món gì. Nhưng không ai ăn được món nào cả, vì hai tay của người nào cũng bị luồn trong một cái ống bằng vàng 4 số 9, dài và thẳng. Nên không ai có thể gấp tay lại để tự bỏ thức ăn vào miệng được. Mọi người ngồi đó đau khổ, đói khát, chửi bới nhau, la ó nhau ... và dòm chừng nhau, vì ai cũng lo sợ người khác sẽ lấy hết phần của mình. Thấy nơi này quả nhiên là đau khổ, đúng là địa ngục. Cô ta nói với thiên thần hãy mau đưa cô rời khỏi chốn này, và dẫn cô lên cõi thiên đàng. Thiên thần lập tức nghe lời, đưa cô bay lên chốn thiên đàng.
Đến nơi, cô cũng thấy cảnh tượng giống như ở dưới địa ngục. Cũng nhiều người ngồi quanh một cái bàn dài lớn nhiều thức ăn, của ngon vật lạ, và đôi tay của ai cũng bị luồn trong một cặp ống bằng vàng thẳng và dài, như dưới địa ngục. Chỉ khác nhau là ai cũng cười đùa vui vẻ, chuyện trò rôm rả, và ăn uống ngon lành. Cô nhìn kỹ lại, thì ra họ giải quyết nạn ống vàng khoá tay bằng cách người này đút cho người kia ăn. Họ biết nghĩ cho người khác & tử tế với nhau. Cô ta chợt hiểu ra rằng giữa thiên đường và địa ngục chỉ đơn giản là khác nhau như vậy !"

Ông bạn già cười khì khì, thì ra ông cũng từng nghe qua câu chuyện này. Tất nhiên là vậy. Còn mình thì lâu nay vẫn luôn nghĩ rằng không ai có thể chọn lựa được quê hương mà họ sinh ra, nhưng họ có thể chọn lựa cách sống của riêng họ. Ngôn từ có thể đánh tráo, danh xưng có thể ngụy tạo, nhưng tự do và hạnh phúc thì chỉ có người trong cuộc mới tự cảm nhận được. Một câu hỏi rất hay của ngày đầu năm. Một buổi sáng nắng đẹp, một ly cafe ngon bắt đầu cho một năm mới !

Hôm qua, mùng một Tết âm lịch, Đức Dalai Lama cũng nhắn nhủ đôi dòng trên trang FB của ông, mình xin ghi lại ở đây :"It is important to focus on bringing compassion into our everyday lives. This will strengthen our confidence, which in turn will help us deal with the challenges we face. We must adopt a broader approach to how we view others. We need to be motivated by a vivid sense of the oneness of humanity. Wherever I go and whoever I meet I regard as just another human being like me: a brother or sister. There are differences between us—-differences of nationality, colour, faith and social status—but to focus only on these, to the exclusion of what we have in common, is to create problems for ourselves."

Đầu năm, thân chúc tất cả quý bằng hữu, anh em bạn bè, một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc, thân tâm an lạc.

PN



Monday, January 31, 2022

Tống cựu nghinh tân !

 


Ngày mai là Tết rồi. Hôm qua mới vừa dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Đúng ra ở xứ này cuối tuần nào cũng vậy, công việc giặt đồ, dọn nhà, hút bụi ... được coi như thường lệ. Nhưng tuần này thì khác, mình nói với mấy đứa con là “tống cựu nghinh tân". Dọn dẹp nhà cửa xong, hớt tóc cạo râu, chuẩn bị ăn Tết :-) .

Thật ra bên Mỹ nói đùa vậy để tiếu lâm cho vui, nhưng bên nhà, "tống cựu nghinh tân" là chuyện có thực. Không biết bắt đầu từ đâu, khi nào, nhưng mỗi khi Tết về ai cũng mong muốn tống tiễn những lo âu, buồn bực, áp lực, khó khăn trong năm cũ. Nhà nhà náo nức, mọi chuyện dĩ hoà vi quý, lo dọn dẹp nhà cửa, hớt tóc cạo râu, làm móng làm chân, chùi lư sơn nhà, rửa xe rửa cộ, tân trang lên đời ... chuẩn bị đón Xuân. Mà cũng chính vì tục lệ đó, nên mấy ngày Tết mới trở nên rộn ràng, hấp dẫn, rạo rực, và thiêng liêng đối với mọi người. Ba ngày Tết vô cùng quan trọng với người Việt vì ngoài việc đón năm mới, gia đình sum họp, ăn chơi lễ hội, thì còn có tâm linh, tài lộc, hên xui, gắn liền với từng nụ hoa, cái bánh, dĩa mứt, câu chúc, lời chào ...Cho nên ông nào mà khuyên người Việt bỏ ăn tết ta thì chắc là khó lắm đấy, mặc dù hiện nay VN là nước nghỉ Tết nhiều nhất trên thế giới. Nhiều nhà sản xuất ngoại quốc muốn vô VN làm ăn cũng phải biết qua cái văn hoá này, rồi rùng mình ba cái, kiểu như vào ba ra bảy trong "quy trình" uống rượu của quê nhà. Đó là chưa nói đến nạn về quê ăn Tết vui quá, đợi hết tháng giêng là tháng ăn chơi, rồi mới vô lại. Sợ gì ? Bịnh gì mà kiêng ? Cho nên mấy anh cai, anh chủ, qua VN làm việc một thời gian dễ bị hư răng vì lầm bầm, cắn răng, nghiến răng ....nhiều quá :-).

Mà đã nói đến Tết thì phải nói đến phần chuẩn bị “tống cựu nghinh tân". Ở quê ta chuyện sắm Tết kéo dài nhiều ngày có khi hết cả tháng Chạp. Ngoài những chuyện như sửa nhà sửa ngõ, sơn mới, tỉa lá gọt cây, chùi lư chùi tách, ngâm rượu, làm mứt, lựa nếp gói bánh, giả cốm rang nổ, trả nợ đòi nợ .… nhiều địa phương còn tổ chức lễ hội tưng bừng như lễ ban sóc, phất thức, tảo mộ, cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép, hoá vàng, dựng nêu, cúng đình hoàng, tất niên khu phố, lô tô bài chòi …v.v. Mỗi địa phương mỗi khác. Đối với bà con xóm giềng, dù trong năm cũ có điều gì xích mích cũng xí xóa hết. Dầu không thực lòng cũng tỏ ra ôn tồn hòa nhã, không ai nói khích bác hoặc bóng gió ác ý trong ngày đầu năm, với ai cũng tay bắt mặt mừng. Quét nhà cũng không dám quét. Ví dụ như trước Tết có bàn luận chuyện anh hùng lao động Việt Á, hoặc chuyến bay nhân đạo giải cứu ngạo nghễ gì gì đó thì cứ nói thoải mái, chứ đầu năm những chuyện như thế sẽ được coi như điều cấm kị :-).

Nhưng chuyện chuẩn bị thì lâu vậy thôi, chứ thời khắc quan trọng vẫn chỉ là giờ G. Giờ khắc để tống tiễn cái cũ và nghinh đón cái mới là giờ Giao thừa. Nhớ hồi xưa mỗi lúc đón giao thừa là mình nhớ đến bài Đêm Trừ Tịch của Nguyễn Trãi. Cứ thắc mắc lúc thay ca, ông thần nào trắng ông thần nào đen ? Nhưng phải nói đọc bài thơ đó thấy thương cảm cho cái cô độc và cốt cách của một ẩn sĩ thiên tài như Nguyễn Trãi. Mở ngoặc chút Nguyễn Trãi là một trong các vị anh hùng dân tộc mà mình tôn kính nhất. Rất khâm phục sự nhẫn nại, cam chịu thiệt thòi, hy sinh bản thân, sẵn lòng vì nước vì dân của ông. Cái tâm của một kẻ sĩ thực thụ. Còn thế hệ mình thời nay quá may mắn, đầy rẫy công nghệ gục gờ, FaceTime, Facebook…Cũng chẳng cần phải là ẩn sĩ thiên tài gì, cứ bấm máy là chuyện gì cũng biết. Như năm nay không có google thì cũng chẳng biết bao giờ là đêm trừ tịch giao thừa. Cũng may là không có em nào để đến thăm đêm 30, chứ nếu có thì lại bị bom hàng vì năm nay chỉ có ngày 29 :-).

Mười hai tháng lọn mười hai,

Hết tấc đông trường sáng mai.

Hắc đế Huyền minh đà đổi ấn,

Sóc phong bạch tuyết hãy đeo đai.

Chong đèn chực tuổi cay con mắt,

Đốt trúc khua na đắng lõ tai.

Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi,

Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.

(Nguyễn Trãi)

Kỳ thực là nói cho vui vậy thôi, chứ tục lệ là cứ xưa bày nay làm, “tống cựu nghinh tân" thì năm nào cũng tống, cũng nghinh. Nhưng đó chỉ là những tống tiễn hình thức bên ngoài. Tất nhiên là đưa đón phải có chọn lựa, cái nào không thích thì mới “tống”, cái nào thích thì mới “nghinh”, chứ còn những cái ở trong lòng thì dễ dầu gì :-). Đã bảo là quê ta có truyền thống "trước sau như một", cớ sao lại dễ dàng đổi thay như vậy ? Cho nên nghinh tân (đón nhận cái mới) đã khó, tống cựu (buông bỏ cái cũ) lại càng khó hơn. Có những quan niệm hoặc tập tục được hình thành từ thời xa lắc xa lơ, từ thời đèn bấc lúa sạ, nhưng vẫn còn giữ cho đến thời kỳ công nghệ bốn năm chấm. Có nhiều người cho rằng đi xa bao nhiêu năm về quê gặp lại, vẫn cái cũ ấy, vẫn câu chuyện ấy, vẫn định kiến ấy, vẫn phán xét ấy .... tống đi đâu cho được ?

Sơn cái nhà là xong, chùi cái lư là mới, còn cái tư duy cố hữu đâu dễ gì sơn phết được ? Tất nhiên không "tống cựu" được, thì cũng khó "nghinh tân" được. Như ly nước đầy, rót vào cũng chỉ tràn ra thôi. Mà hạnh phúc thực sự vốn đến từ bên trong, chứ không phải đến từ bên ngoài. Cho nên những chuyện vui buồn bởi ngoại cảnh rồi cũng chóng qua đi. Hết ba ngày Tết, lại đâu vào đấy !

Đức Phật ngày xưa nói rằng "The root of suffering is attachment". Ngài Dalai Lama cũng thường nói "Attachment constrains our vision so that we are not able to see things from a wider perspective". Những tu sĩ hoặc những người nghiên cứu đạo Phật ở phương Tây thường chú trọng vào những phương thức thực hành mỗi ngày để giảm thiểu những "desire and attachment" (ham muốn và gắn bó) nơi chính bản thân họ. Thực tập để bỏ đi những định kiến cố hữu hoặc những cố chấp gắn bó nhiều năm, vì đó chính là cái nguyên nhân sâu xa của mọi sự phiền não và cũng chính là những rào cản lớn nhất của sự tỉnh thức. Đó cũng là việc "tống cựu nghinh tân", nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉnh thức mỗi ngày, thật không dễ chút nào. Mình cũng có quen biết vài ông VK, thực tập "tu hành" buông bỏ nhiều năm, nhưng tới mùa bầu cử Mỹ hoặc mấy ngày lịch sử đặc biệt của VN, thì phải “đình chiến” một thời gian, để chửi phe bên kia cho đã, rồi lại "tu tập" buông bỏ tiếp :-).

Trong sách nhà Phật có một câu chuyện mà chắc nhiều người cũng đã từng nghe qua, nói về 2 ông sư huynh sư đệ cõng một cô gái qua suối. Nhắc lại chút cho những ai chưa biết. Hai ông thầy tu đi ngang qua một con suối, nước sâu. Có một cô gái (có sách nói là sexy, hấp dẫn) đang đợi ở đấy nhờ cõng qua suối. Ông sư huynh không ngần ngại cõng cô gái qua suối, rồi đi tiếp. Ông sư đệ lẽo đẽo theo sau, đầu óc cứ thắc mắc chịu không nỗi "Tại sao sư huynh mình lại đụng chạm xác thịt với cô gái sexy kia như vậy ?". Gần đến chùa, chịu hết nỗi, phải hỏi "Tại sao sư huynh làm như vậy ?". Ông sư huynh cười ha hả: "Cô gái ấy cần giúp, ta đã cõng cô gái ấy rồi bỏ lại bên kia bờ suối lâu rồi. Còn đệ thì cõng cô ta về đến chùa cho tới bây giờ !".

Câu chuyện có vẻ khôi hài, nhưng trong thực tế cuộc sống, biết bao nhiêu người trong số chúng ta cũng từng "cõng" nhiều chuyện cho đến hết cuộc đời. Nhớ nhiều năm trước, mình có dịp quen biết một vị đồng hương rất thông thái, từng nắm giữ nhiều chức vụ ngày xưa. Ông kể cho mình nghe vanh vách nhiều mẫu chuyện cách đây 6, 7 chục năm về trước. Nhưng đến chuyện của con cái đang ở chung nhà mấy chục năm nay thì ông lại “không nhớ” gì. Tương tự, thỉnh thoảng về quê mình cũng gặp nhiều trường hợp, nhiều tuồng tích chỉ phán xét dựa vào một vài thông tin nghe đi nghe lại ở đâu đó, hoặc dựa vào những định kiến từ thời lâu lắc lâu lơ để kết luận cho thì hiện tại. Cho nên tính ra thì ông sư đệ chỉ mới “cõng” cô gái từ suối đến chùa thôi cũng là ngon lành rồi :-). Nói đùa cho vui chứ riêng mấy vụ định kiến hoặc bảo thủ, thì nhiều người cả ngàn cái Tết cũng không "tống cựu nghinh tân" nỗi huống hồ gì một vài cái mùa Xuân !

Lan man chút về chuyện tống cựu nghinh tân của ngày Tết, lại nhớ đến thơ phú. Mình vốn không phải dân văn chương thi ca, nên đọc thơ thì chỉ nhớ những bài nào có sự đồng cảm hoặc những câu thơ hay theo cách hiểu của riêng mình. Mình cũng không thích loại thơ "đặt hàng", hoặc loại thơ mà ráng gượng ép ghép chữ cho ra bằng ra trắc nhưng lại không có cảm xúc gì. Thực ra làm thơ Tết cũng không dễ, cho nên số lượng thì có nhiều nhưng bài hay lại hiếm hoi. Mà những bài đã hay rồi, thì vượt thời gian, vượt không gian, năm nào đọc cũng thấy hay. Như bài Ông Đồ của VDL, năm nào đọc cũng thấy man mác. Nôm na là ngoài những nhân vật nổi tiếng như Đổ Phủ, Thôi Hiệu, Vương Duy, Lý Bạch, Lý Hạ, Vương Bột ... hoặc các thiền sư nổi tiếng như Chân Không, Mãn Giác, Giác Hải, Vạn Hạnh, Tiêu Dao ... thì mình thích nhất là thơ Tết của Nguyễn Trãi. Còn mấy vị thi sĩ đương đại sau này thì thích cách làm thơ của Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Vũ Hữu Định .... Có lẽ hợp với cái đời sống lang bạt tha phương của mình. Nhắc đến Nguyễn Bính mới nhớ là ông cũng ra đi vĩnh viễn vào ngày 29 tết của một năm không có ngày 30 như năm nay. 

Còn nói đến chuyện làm thơ, thì đâu phải ông thi sĩ nào lựa chữ ghép vần hay cũng có tâm hồn phóng khoáng. Như ông Tố Hữu ghép chữ ghép vần hay, nhưng thơ đầy máu lửa và mang nặng tính tuyên truyền. Ở VN lạng quạng làm thơ mà gặp trúng ông sếp "thi sĩ" có tư tưởng thuộc loại "tống cựu" không đi, tư duy bảo thủ giáo điều, thì cũng khổ. Như ông Vũ Hoàng Chương làm bài thơ Xuân dưới đây, chỉ vì một chữ "Về" mà bị Chế Lan Viên trù dập thê thảm. Mấy vụ này thì những nhà thơ nổi tiếng như Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần .. kinh nghiệm đắng cay đầy mình. Ngay cả mấy ông nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn ...cũng từng ít nhiều được trải nghiệm những cay đắng này :-) ...

Mười năm qua, đến bây giờ

Nhìn nhau thấy cả giấc mơ thưở nào ..

Xuân về nhớ thưở ngát chiêm bao

Giòng nước trôi xuôi chợt nghẹn ngào


Mười phần xuân có gầy hao

Tấm lòng xuân vẫn dạt dào như xưa.

Mấy phen biếc đón hồng đưa

Dẫu rằng xong vẫn là chưa thoả nguyền

...

Cảm thông giữa lúc hàn huyên

Ta nghe cặp mắt u huyền nao nao

Vũ Lăng nhớ chuyện suối Đào

Chia tay chẳng biết phương nào tìm quê.


Có nghĩa gì đâu một chữ “về”

Nếu không ngàn dặm ngược sơn khê

Nếu không ngược cả mười năm ấy

Về tận kinh đô của Ước Thề!


Mùa xuân quạt gởi thơ đề

Bảo giùm ta – chúa Xuân hề! – còn không?

Hỡi ơi, một phút mơ mòng

Đã tan rồi, mấy phương lòng sầu lên!

...

(VHC)

Thôi lan man chút cuối năm, bên này đã gần trưa. Giờ này bên VN chắc đã chuẩn bị đón giao thừa, tống cựu nghinh tân. Thân chúc quý bằng hữu, anh chị em, một năm mới an vui hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ, công việc thuận lợi. Chúc những gì không tốt sẽ được tống tiễn đi xa, để nghinh đón cái an lạc về với bản thân, với gia đình, và những người thân yêu !

PN
(Ngày 29 Tết)



Wednesday, January 05, 2022

Phiếm: Chuyện trên trời



Đầu năm dương lịch, truyền thông và báo giới các nước Tây phương thường đăng tải nhiều tin tức, bài viết rất hay về những dự đoán hoặc kế hoạch phát triển trong năm mới ở nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, tài chánh, khoa học, xã hội, công nghệ kỹ thuật.... Mở những trang mạng quê nhà, cũng thấy nhiều chuyện lạ, tin lạ. Nhưng có nhiều tin tức đọc xong không biết phải nói như thế nào ? Thôi thì "mạng" của ta ta cứ đọc, tin của ta ta cứ tin. Hy vọng mai này VN có cái mạng xã hội riêng, thì cứ tha hồ mà đăng tin trên trời dưới đất. Nhớ cách đây mấy năm, ông bộ trưởng 4T của VN tuyên bố đến năm 2020 số người dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ đạt 90 triệu. Năm nay bước sang 2022 rồi, trễ chút nhưng chắc là cũng đã sắp tới đích. Hãy kiên nhẫn đợi thôi !

Cũng nhân nói đến những chuyện ở tương lai, mình bỗng nhớ đến vài cơ duyên cũ. Mấy chục năm trước mình may mắn được nghe 2 buổi nói chuyện khoa học về "thì tương lai", mà tới giờ này vẫn còn nhớ. Một là của ông T/S Nguyễn Hoàng Phương, nói về trường Sinh Học (chữ "trường" ở đây giống như trường điện từ, từ trường trong vật lý, chứ không phải là trường sinh bất tử). Nghe nói ông T/S NHP từng học ở đại học Lô-mô-nô-xốp ( Lomonosov Moscow State University). Đó là vào đầu thập niên 80, ông NHP vào SG và có buổi nói chuyện với giới SV về đề tài "trường Sinh học". Thực ra hồi đó nghe đề tài này, ai cũng mắt mũi tròn xoe, lạ quá và hấp dẫn quá. Nhớ là đến cuối buổi nói chuyện, ông ta còn nhắc nhở đây là những chuyện khoa học có thực, tuy nhiên còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, cho nên không phù hợp phát tán ở môi trường đại chúng. Dạo đó, mình cũng rất quan tâm theo dõi đề tài này, nhưng rồi nhiều năm trôi qua, cũng không nghe tin tức gì thêm. Sau này về lại VN đi làm, nghe tin ông đã qua đời. Còn đề tài trường Sinh Học của ông cũng không nghe nói đến nhiều nữa, ngoài những chuyện của các nhà ngoại cảm đi tìm mộ, hoặc chuyện cầu hồn lên đồng ở các tỉnh miền Bắc. Nhớ là khoảng năm 2006 hoặc 2007 gì đó, mình có cơ hội gặp được ông T/S V.T.K là sếp lớn của ngành "vật lý ứng dụng" tại VN. Có hỏi thăm ông về sự phát triển của lãnh vực trường Sinh Học, nhưng chắc có lẽ đây là những chuyện "bí mật quốc gia" của VN, nên ông cũng không tiết lộ gì.

Buổi nói chuyện thứ 2 thì rộng lớn hơn nhiều, truyền thông truyền hình các kiểu. Đó là buổi nói chuyện của T/S Carl Sagan vào khoảng năm 1990 tại trường NC State University (Mỹ). Thực ra mình cũng không biết phải gọi ông Carl Sagan như thế nào cho đúng. Nhà bác học, nhà khoa học, nhà thiên văn học, nhà vũ trụ học ... hay là tác giả, học giả nổi tiếng chăng ? Tóm lại, tên tuổi không quan trọng lắm, nhưng ông là một người mà mình rất kính trọng. Và có lẽ rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. Cái mình nể trọng nhất ở ông là ông có thể biến những câu chuyện trên trời thành những câu chuyện dưới đất, cho những con người bình thường nhất như mình có thể hiểu được về cái vũ trụ chung quanh. Đúng là nhiều đề tài ông nói vào thời đó còn quá xa lạ với người nghe, ngay cả với giới khoa học. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, nhiều vấn đề lần hồi được sáng tỏ và xác thực hơn, từ chuyện biến đổi khí hậu cho đến những khám phá vũ trụ, sao Kim, sao Hoả. Ông cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi dự đóan đúng về cách thức ứng xử của con người trong xã hội tương lai. Điều mà gần đây, trong thời kỳ "fake news" và dịch bệnh hoành hành, nhiều người và báo chí thường nhắc nhở đến. Carl Sagan luôn cho rằng khoa học không phải chỉ là kiến thức mà còn là phương cách suy nghĩ, tư duy ứng xử. Chính tư duy, cách hiểu, và sự cảm nhận của con người đã tạo ra thế giới chung quanh. Rất thú vị vì đây cũng là điểm tương đồng với quan niệm của Duy thức học (Consciousness-only school) trong PG. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những quan điểm này, nhất là ở một số tôn giáo có những đức tin khác biệt hơn. Ví dụ như đoạn trích một phát biểu của Carl Segan mà gần đây nhiều báo đài thường nhắc đến, vì có vẻ phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. 

“I have a foreboding of an America in my children’s or grandchildren’s time — when the United States is a service and information economy; when nearly all the key manufacturing industries have slipped away to other countries; when awesome technological powers are in the hands of a very few, and no one representing the public interest can even grasp the issues; when the people have lost the ability to set their own agendas or knowledgeably question those in authority; when, clutching our crystals and nervously consulting our horoscopes, our critical faculties in decline, unable to distinguish between what feels good and what’s true, we slide, almost without noticing, back into superstition and darkness.”

Nhưng dĩ nhiên không phải chỉ có Carl Sagan, mà còn có bao nhiêu nhà khoa học, bác học, thiên văn học khác cũng nổi tiếng không kém. Ai cũng có những di sản nghiên cứu quan trọng để lại cho đời sau. Tất nhiên nhiều dự đóan hoặc công trình nghiên cứu của họ ở vào thời điểm nào đó, có thể cũng chỉ là những chuyện trên trời, những điều chưa hề được khám phá trước đó. Nhưng rồi lần hồi những lý thuyết này đã được thế giới khẳng định và ứng dụng, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội loài người hôm nay. Nào là Einstein, Nikola Tesla, Neil deGrasse Tyson, Payne-Gaposchkin, Stephen Hawking, Clyde Tombaugh, Harlow Shapley ...v.v.. ai cũng để lại những công trình nghiên cứu mà ngày nay NASA cũng như các cơ quan vũ trụ khác, các nhà nghiên cứu, khoa học, bác học, hoặc các trường đại học đều rất trân trọng.

Nhưng đó là những chuyện trên trời có thực của thế giới. Còn ở quê ta khi nói đến "chuyện trên trời" là để ám chỉ những câu chuyện không đâu vào đâu. Quả thực nhiều khi coi báo coi đài, thấy nhiều tuyên bố hùng hồn, nghe cứ tưởng như thực, nhưng rồi một thời gian sau chuyện trước mắt lại trở thành những câu "chuyện trên trời". Bao năm trôi qua, vẫn là điệp khúc "vũ như cẩn", nói cho có nói, nói hết hồi thì thôi. Còn những câu chuyện thành tích to nhất, dài nhất, giỏi nhất, nhiều nhất, lớn nhất, hay nhất, ngon nhất ..v.v..thì gặp hoài. Thỉnh thoảng lại được nghe, được thấy, được nhắc trên báo trên đài. Đặc biệt là phát biểu của một số chư vị quyền cao chức trọng. Theo mình thì kiểu tuyên bố tự sướng, thiếu trách nhiệm như vậy sẽ lợi bất cập hại, làm mất lòng tin đối với người dân. Thời buổi này dân trí cũng khác, thông tin cũng dễ dàng kiểm chứng hơn. Tuy nhiên có thể là vì những lý do đặc biệt nào đó, mà cho đến nay vẫn còn tình trạng nói gà nói vịt. Mới đây nhất là vụ bộ kit thử Việt Á, tuyên bố kết quả chính xác 100%. Trong khi đó những chuyện đơn giản hơn như là sản xuất ở đâu, từ nhà máy nào ở VN ? ai là chủ nhân thực sự của nó ? Không xưởng, không công nhân mà sao vẫn được huân chương lao động ...v.v...thì đến nay vẫn chưa biết ! Còn chuyện chất lượng chính xác mà đến 100% thì thế giới đã xin chào thua VN rồi :-).

Công bằng mà nói thì những câu chuyện “trên trời” ở bàn nhậu hoặc chém gió trong giới bình dân thường ít được thiên hạ quan tâm như những câu chuyện ở chốn quan trường, hoặc những đề tài quốc gia đại sự. Và ngay cả trong thế giới tâm linh của tôn giáo, nơi đức tin được gởi gắm một cách tôn nghiêm, vẫn nhiều lúc bắt gặp những câu chuyện hoặc bài thuyết giảng rất “trên trời”. Thỉnh thoảng có nghe được một số bài nói chuyện của các vị “sư phụ” trên YouTube về các vấn đề như thế giới cõi âm, oan gia trái chủ…rất ư là hoang đường. Nhiều ông “sư” còn đem cả ông "Phật" ra để giảng kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoặc chuyện ứng dụng tâm linh ma quỷ vào tình báo quốc tế ..v.v.. Thú thật là không biết những chuyện hoang đường như thế đã dựa trên cơ sở nào, và sẽ giúp ích được gì cho người tu tập? Còn nói đến những chuyện hoang tưởng về thành tích ảo, chính trị chính em vô căn cứ, với mục đích chỉ để lai chim lai chuột, "câu view" trên mạng thì nhiều vô vàn, khỏi bàn cãi. Mà đó không phải chỉ là chuyện ở trong nước, ra đến nước ngoài cũng gặp nhiều câu chuyện “trên trời” như vậy, nhản nhản khắp nơi, không ngoại lệ. Chỉ cần vô YouTube rảo bước một vòng biết bao nhiêu kênh tin tức nói chuyện trên trời :-). Ai nghe được cứ nghe. Ví dụ cách đây không lâu, gặp nhiều đồng hương hoặc kênh tin tức tiếng Việt khẳng định như đinh đóng cột, bầu cử ở Mỹ đã bị đánh tráo. Rồi nào là thuyết này thuyết nọ, thu giữ máy đếm phiếu, thiết quân lực, đảo chính, thiên sứ sẽ xuống trần tát cạn đầm lầy ..v.v.. Đến hôm nay gần cả năm trôi qua, thậm chí ngày mai là kỷ niệm một năm ngày bạo loạn ở quốc hội Mỹ, mà "thiên sứ" vẫn còn kẹt ở trên trời, chưa xuống trần gian được. Nhiều ông VK còn tuyên bố chính mắt thấy số phiếm đếm bị thay đổi trên TV, nhưng đến nay, ban điều tra kiếm người ra làm nhân chứng thì lại không thấy ai lên tiếng cả :-) .

Tất nhiên thực tế thì ai muốn phán cứ phán, tự do ngôn luận, còn mọi việc thì vẫn cứ đổi thay, vũ trụ vẫn cứ tuần hoàn theo cách vận hành của nó. Có những quy luật tự nhiên của tạo hoá mà không ai có thể thay đổi được. Nói đâu xa, mới cuối tuần rồi ở miền Đông nước Mỹ, đêm giao thừa tết Tây ấm áp lạ thường, ngày hôm sau tuyết rơi phủ trắng, xe cộ bị kẹt đầy xa lộ. Nói xa hơn chút nữa, cách đây không lâu, con người cho rằng phân tử (molecule) là dạng vật chất nhỏ nhất. Nhưng sau đó không lâu lại tìm ra nguyên tử (atom), và khẳng định đó là phần tử nhỏ nhất. Rồi bây giờ thì loài người lại tìm ra những thứ khác nhỏ hơn nữa, như là hạt lượng tử Quark, Neutrino v.v... Ngày mai này ra sao, đâu ai dám chắc điều gì ? Một năm nữa lại trôi qua, đầu năm dương lịch, cũng là cuối năm âm lịch. Cả thế giới vẫn còn gian nan đối phó dịch bệnh, chưa biết bao giờ mới hết. E rằng sẽ còn nhiều diễn biến mới lạ xảy ra. Bên cạnh đó thì công nghệ vẫn cứ phát triển ào ạt, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Mà thay đổi nào thì cũng có tính hai mặt của nó, tốt có xấu có. Chỉ mong thế giới sẽ có nhiều chuyện vui hơn. Cũng mong là sẽ đọc được nhiều tin vui ở quê nhà, thực tế hơn, gần gũi hơn, và ít bay bổng ảo tưởng như những "chuyện trên trời" nữa :-). 

Chợt nhớ đến một mẫu chuyện vui nho nhỏ. Có chú muỗi con lần đầu được bay solo (một mình) vào một hội trường rộng lớn. Về nhà tự hào, chân thật kể cho gia đình bạn bè nghe:

- “Mọi người có biết không, hôm nay tôi bay vào tham quan một đại hội toàn những quan chức tai to mặt lớn. Vậy mà bay tới đâu, cũng được mọi người vỗ tay hoan hô chào đón !”. 

Trong khi đó, muỗi cha muỗi mẹ và những con muỗi khác hiểu chuyện, vừa nghe kể mà vừa hú hồn sợ hãi :-). 

Thôi phiếm chút cho vui, chúc mọi người một tuần an lành!

PN

Tuesday, December 28, 2021

Tản mạn - Món quà Noel ..

 


Mấy tuần qua ai cũng bận rộn lễ lộc. Trang hoàng, dọn dẹp, quà cáp, tiệc tùng, ăn uống với bạn bè đồng nghiệp … cũng đủ lu bu, hết ngày hết giờ. Vào mùa này ở Mỹ thiên hạ náo nức xôn xao giống như tháng Chạp bên VN. Chỉ khác nhau chút là bên này vào những ngày cuối năm, tiệc tùng quà cáp, thì nhân viên hoặc cấp dưới không cần phải cho quà cáp, hoặc biếu bìa thư cho cấp trên, sếp lớn. Mà ngược lại, làm sếp thì phải dẫn nhân viên đi ăn đi uống, hoặc cho quà. Nhưng đó cũng chỉ là số ít thôi. Năm nào ngon lành (như "trúng số đề", trúng cổ phiếu, tiền thưởng rủng rỉnh) thì sếp mời cả gia đình của nhân viên, khách khứa đối tác, bạn bè. Còn năm nào làm ăn xìu xìu, kinh tế khó khăn, thì cứ nhóm nào chơi theo nhóm đó, ăn uống nhanh gọn, trao quà trao thiệp cho nhau, hoặc ôm nhau cái rồi thôi, mạnh ai nấy về. Chứ chẳng có tăng hai tăng ba gì :-).

Nói chung mùa lễ Noel ở mấy nước phương Tây chủ yếu là gia đình bạn bè người thân gặp mặt, tận hưởng không khí lễ hội ấm áp, thân thiện và cởi mở với nhau. Chứ ngày Noel không nhất thiết mang ý nghĩa tôn giáo, và không chỉ dành riêng cho người có đạo. Tuy nhiên có một số ít tôn giáo hoặc gốc dân di trú khác như Do Thái giáo, Hồi giáo ...họ không ăn mừng Giáng sinh, mà coi mùa này như một kỳ nghỉ phép thường niên, hoặc có những ngày lễ hội riêng của họ như Hanukkah chẳng hạn. Một lý do nữa là vì Noel cận với Tết Tây, nhiều gia đình hoặc công ty thường sắp xếp nghỉ ngơi dài ngày để đi chơi hoặc thăm viếng gia đình bạn bè, nên càng làm cho không khí lễ hội rộn ràng hơn.

Cũng vào mấy dịp này, thì các bà các cô tha hồ đi shopping mua sắm, còn cánh đàn ông thì ngược lại, đa số ngán ngẩm, bị nhiều áp lực vì chẳng biết phải mua quà cáp gì cho đúng. Rất may là những thập niên gần đây, có người phát mình ra "gift card”, nhất là gift card online. Quả là một phát minh vĩ đại, cũng không thua kém gì "keo dính chuột" bên nhà :-).
Còn nói đến quà cáp Noel, thì ôi thôi, cứ đến hẹn lại lên, muôn màu muôn vẻ. Năm nay dịch bệnh hoành hành, chủng mới Omicron phát tán mạnh mẽ, nhưng vẫn không làm yếu đi sức mua sắm của người dân Mỹ. Hàng năm cứ vào dịp này, có nhiều nhà sản xuất, công ty thương mại bị "cháy hàng", còn nhiều người đi mua thì ngược lại, bị "cháy túi". Gần đây dịch bệnh kéo dài, cả thế giới bị khủng hoảng vận chuyển, chuỗi cung ứng, và nhân sự. Cho nên năm nay nhiều công ty thương mại và dịch vụ, đã rối lại càng thêm rối. Có nơi nhận đơn mà không kịp giao hàng hoặc không có hàng để giao. Nhưng đành chịu thôi, con người rồi cũng phải tập quen dần với những biến động của xã hội, và phải biết học cách nhẫn nại hơn ... để khỏi bị "chét" (stress) :-) . 

Nhắc chuyện cũ, nhớ đến cái thị xã ngày xưa mình ở, vỏn vẹn chỉ có 2 cái nhà thờ Roman Catholic, cái cũ cái mới. Thêm cái nhà thờ Tin Lành có trường trung học đệ nhất cấp. Đi ngang mỗi ngày, nhưng cả năm chỉ đến dịp Noel mới có dịp dừng lại, hoặc đi vào bên trong ngắm đèn ngắm hoa, ngắm Chúa Hài đồng trong hang đá máng lừa. Trong xóm mình, có cụ ông tên T làm "ông Trùm" cho cái nhà thờ Cũ. Ngày ngày hai buổi ông ăn mặc nghiêm túc chỉnh chu, cần mẫn chăm lo công việc giáo xứ. Bất kể nắng mưa, ông đúng giờ như một chiếc đồng hồ Thuỵ sĩ. Cả xóm mình ai cũng quen thuộc với tiếng chuông báo lễ nhà thờ. Sớm chiều hai buổi, nhiều người dựa theo tiếng chuông để thức dậy, đi làm, đi học, mở cửa hàng quán, cho heo ăn, cho gà ăn ...v.v. Tuổi thơ của mình luôn coi Cụ T. là một biểu tượng cho đức tin, dâng hiến, và sự tận tụy. Sau năm 75, cả xóm tản mác, kẻ ở người đi, hàng xóm không còn gặp nhau từ dạo ấy. Cụ T có mấy người con làm sĩ quan lớn cho chế độ cũ, có lẽ gia đình đã phải trãi qua nhiều biến động. Còn phần ông ấy chắc hôm nay cũng đã về với Chúa !

Và đó cũng là những gì mình biết về "đạo Chúa" ngày xưa. Bởi vậy những chuyện như tổ chức Giáng sinh, Réveillon, quà cáp Noel...v.v... là những thứ xa lạ đối với tuổi thơ của mình. Mãi cho đến khi lên SG đi học, thì mới bắt đầu làm quen với những điều này. Mình có người bạn học, gia đình đạo gốc, mấy anh em đều chơi đàn cho nhà thờ ở Tăng Nhơn Phú, gần trường sĩ quan Thủ Đức cũ. Mình cũng thường về đó chơi, nên lần hồi biết được thêm nhiều nghi lễ và giáo lý trong đạo. Thời đó mình cũng có nhóm bạn rất thân ở SG. Đứa sinh viên, đứa đạp xích lô, đứa học nghề, đứa kinh doanh, đứa thất nghiệp, đứa công nhân, đứa chờ thời .... nói chung là đủ ngành nghề, nhưng lại rất gắn bó với nhau. Cả đám thường xuyên gặp mặt mỗi tuần. Đặc biệt là những dịp lễ lộc như Noel hoặc tết nhứt, thì hẹn hò la hét thâu đêm suốt sáng. Những quãng ngày đầy ắp kỷ niệm đó dễ gì quên được !

Còn nói đến quà Noel, nhớ lần đầu tiên nhận được tấm thiệp của người cô từ bên Mỹ gởi về. Rất quý, mình giữ mãi, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn còn nhớ rõ như in cái hình ảnh đó. Một món quà nữa là vào dịp Noel đầu tiên trên đất Mỹ. Mùa Đông năm đó, gần lễ Giáng sinh, và cũng là lần đầu mình nếm mùi "bão tuyết". Vốn chưa có kinh nghiệm, đến trường vô tình đậu xe ở chỗ trũng. Ra khỏi lớp, tuyết phủ ngập gần hết chiếc xe, không lấy xe ra được. Lội bộ đi đến chỗ làm. Đến nơi, hai lỗ tai lạnh cóng, tím tái không còn cảm giác. Mấy hôm sau, nhân ngày Noel, ông chú làm việc chung, một cựu sĩ quan VNCH, tặng mình chiếc nón len "thầy chùa" có hình logo của đội Redskins. Rất xúc động và vô cùng trân quý, cho dù món quà không đáng là bao. Ở thời buổi chân ướt chân ráo mới đến Mỹ, vui buồn lẫn lộn, tình người là những thứ vô cùng cần thiết và quý báu. Hàng năm vẫn có những món quà Noel khác từ bạn bè và người thân, dẫu có nhiều món giá trị hơn nhiều về mặt vật chất, nhưng rồi vẫn không sao quên được 2 món quà đầu tiên đó. Quả nhiên trong cuộc sống có những điều rất ư là giản dị, nhưng lại đi mãi với chúng ta suốt cả hành trình cho dù vật đổi sao dời !

Mấy hôm nay gia đình mình nghỉ lễ Giáng Sinh ở Savannah, tự nhiên lại lan man nghĩ đến chuyện quà cáp của ngày xửa ngày xưa. Chắc có lẽ vì bản thân thành phố Savannah cũng là một món quà Noel rất đặc biệt của lịch sử nước Mỹ. Nhắc lại chút, nhưng những ai có đọc qua lịch sử nước Mỹ, chắc cũng từng nghe qua câu chuyện này. Chuyện xảy ra vào thời Civil War, chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Vào năm 1864, quân đội miền Bắc (Union) do tướng William T. Sherman chỉ huy, đánh chiếm Atlanta thuộc tiểu bang Georgia ngày nay. Sau đó, một chiến dịch bạo lực và thần tốc nổi tiếng của tướng Sherman, gọi là "March to the Sea", được chính ông dẫn quân bắt đầu từ thành phố Atlanta kéo ra bờ biển Đại Tây dương. Đi tới đâu tàn phá và hủy diệt đến đó. Ý định của tướng Sherman là thị uy biểu dương sức mạnh để uy hiếp quân đội miền Nam (Confederates), hòng chấm dứt chiến tranh sớm. Gần 6 tuần vừa di chuyển vừa tàn phá, thiêu hủy, không thèm đếm xỉa và liên lạc với ai. Cuối cùng quân đội của tướng Sherman đã đến thành phố Savannah vào trước ngày Noel (22/12/1864). Nhưng chính nơi đây, vẻ đẹp thanh bình của thành phố này đã làm ông chùn tay, không đốt phá nữa. Và đích thân tướng Sherman đã viết lá thư dâng tặng thành phố Savannah cho tổng thống Lincoln như một món quà Noel vào năm đó. Nguyên tác bức thư là “I beg to present you as a Christmas gift the city of Savannah with 150 heavy guns & plenty of ammunition & also about 25000 bales of cotton”. (Tạm dịch là: Tôi xin trân trọng dâng lên Ngài một món quà Giáng Sinh, thành phố Savannah với 150 súng pháo hạng nặng và đạn dược cùng với 25,000 thùng vải sợi). Bức thư được chuyển bằng tàu chiến lên Fort Monroe ở bang Virginia, để đánh dây thép cho kịp đến tay T/T Lincoln vào ngày lễ Giáng sinh năm đó. Một sự trân trọng của kẻ thắng cuộc, và cũng là sự lãng mạn bất ngờ của một vị tướng kiêu ngạo đầy bạo lực ! (Xin coi bản copy nguyên gốc của lá thư nằm ở phần đầu của bài viết này)

Dĩ nhiên là trong lịch sử chiến tranh thế giới, những kiểu ứng xử tương tự như tướng William T. Sherman cũng không phải là hiếm lắm. Thực tế xưa nay có nhiều vị danh tướng đánh đấm giỏi nhưng chưa hẳn là biết cách trị quốc an dân. Ngược lại có những người chưa hề đánh đấm lâm trận, chưa hề biết “thắng thua”, giết chóc là gì, nhưng lại có khả năng trị kỹ đất nước, có tâm có tầm trong công việc điều hành và lãnh đạo. Lòng thương dân yêu nước của họ khiến cho người đời kính phục. Ông Lincoln được coi là một trong số đó. Bởi vậy, khi đọc lá thư trả lời của T/T Lincoln gởi cho tướng Sherman, và thái độ ứng xử của ông về vụ việc tặng "quà cáp" này, mới hiểu thêm tại sao người Mỹ luôn kính trọng và coi ông là vị tổng thống hàng đầu của đất nước Hoa Kỳ. Tất nhiên, xưa nay chuyện ứng phó với nạn kiêu binh của bên “thắng cuộc”, bất kỳ là ở nơi đâu, cũng không hề dễ dàng chút nào. Đặc biệt là đối với những quốc gia hoặc vùng miền có thực trạng dân trí còn thấp kém. Thái độ ứng xử như thế nào để vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tại, lại vừa có thể giáo hóa được đám binh tướng đang say men chiến thắng một cách điên dại, trở nên hiểu biết hơn về tình người, về đạo lý gần xa, về lợi ích ngắn dài của dân tộc v.v.. càng là những thứ thách vô cùng khó khăn.

Thực ra trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào rồi cũng có bên "thắng", bên "thua". (Mặc dù suy cho cùng thì chính người dân cả đôi bên mới là kẻ thua thực sự). Trong nhiều trường hợp, kẻ “thắng" chưa hẳn là đúng là tốt; mà kẻ "thua" chưa hẳn là sai là xấu. Bởi kết quả cuối cùng của một cuộc chiến còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời cuộc, chính trị, xã hội, con người, biến động trên thế giới, hoặc sự can thiệp và sự tác động chính trị của các thế lực ảnh hưởng khác. Ai có đọc qua lịch sử đều hiểu rõ những điều này. Tuy nhiên, chính thái độ ứng xử và cách giải quyết vấn đề của bên "thắng cuộc" sau khi cuộc chiến kết thúc mới là phần quan trọng. Một chiến thắng sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc có thể tồi tệ hơn trước, nếu như không tạo ra được sự đoàn kết dân tộc, không đem lại sự phồn thịnh cho đất nước, và hạnh phúc cho người dân. Giá trị mong đợi thực sự của cuộc nội chiến không phải là giết chóc tàn sát lẫn nhau, đánh đổi xương máu để “được làm vua thua làm giặc" như một số người quan niệm. Mà nguyện vọng chính là hóa giải được những mâu thuẫn bất đồng (nổi trội nhất là quan điểm về chính sách nô lệ), đem lại hòa bình thống nhất, cơm no áo ấm cho người dân, tạo dựng được một xã hội bình đẳng dân chủ, dân giàu nước mạnh. T/T Lincoln là người có tầm nhìn, hiểu được điều đó và có khả năng hoá giải được những mâu thuẩn nội bộ, những ảo giác “hơn thua" vô bổ của một số quan binh hám danh, háo thắng thời bấy giờ. Đáng tiếc, lắm khi những con người vĩ đại lại phải chết dưới tay của những kẻ tiểu nhân rất ư tầm thường !

Noel năm nay, thời tiết ở miền Đông nước Mỹ ấm lạ. Đêm đến, làm ly rượu ngồi nhìn con sông Savannah lững lờ trôi về phía Đại Tây dương, thật đẹp. Nghĩ đến những thời gian gần đây, nước Mỹ bị phân hoá trầm trọng, quốc hội hơn thua, coi chuyện đảng phái quan trọng hơn chuyện nước nhà. Bao nhiêu mưu hèn kế bẩn đều đem ra thi thố, ngày càng chia rẽ ngăn cách. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa thì bao giờ cũng lợi dụng niềm tin và sự ngây thơ của người lương thiện. Những lá cờ Confederate bao nhiêu năm im ắng, nay lại được đem ra. Antifa, QAnon ... nhóm nọ nhóm kia, những cuộc đập phá, hôi của, hôi chính trị, cơ hội a dua, đạp đổ tượng đài lịch sử. Hết cớ này tìm cớ khác, dựng chuyện đổ lỗi cho nhau. Có nhiều người chưa bao giờ đọc qua trang lịch sử, chỉ nghe đầu này nói lại đầu kia, bị kích động biểu tình đập phá, dèm pha kỳ thị, phi dân chủ mà cứ ngỡ là đang mang trọng trách yêu nước. Ủng hộ, chửi bới, dèm pha, thuyết này thuyết nọ … đầy rẫy trên mạng. Nhiều người do tính chất công việc rảnh rang, suốt ngày copy những tin tức lá cải hoặc thuyết âm mưu hợp với ý mình, rồi cứ thế phát tán cho bạn bè mà không hề kiểm chứng đúng sai. Thậm chí có người chỉ xem qua cái tựa chứ chưa hề đọc hết nội dung đã chuyển đi rồi. Bởi vậy đôi khi có những nhầm lẫn là do truyền thông tin giả từ FB, Youtube, Twitter… nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn là do bạn bè người thân phao tin lệch lạc mà ra. Có nhiều người vì cả tin, không tìm hiểu rõ ràng mà phải vướng vào con đường lao lý, tù tội. Mấy tháng nay, nhóm quốc hội điều tra vụ nổi loạn ngày 6/1, cứ lần hồi lôi hết chuyện này đến chuyện khác. Càng coi càng ngán ngẫm cho những tấm lòng "yêu nước thương dân" của một số vị quan chức quốc hội HK. Cuối cùng ai thắng ai thua, vẫn chưa biết. Nhưng có một điều chắc chắn họ không phải là những con người có khả năng làm cho đất nước này đoàn kết và tốt đẹp hơn !

Còn Savannah, món quà Noel năm nào, khi màn đêm buông xuống, vẫn cứ lung linh sóng nước, đèn hoa như thường lệ. Uống gần hết chai rượu bỗng nghe tiếng đàn piano từ một quán bar hay nhà thờ nào đó văng vẳng bài ca Noel quen thuộc, như đón chào một đêm Giáng sinh tràn đầy hồng ân Thiên chúa. Cũng mong vậy. Cầu cho dịch bệnh sớm qua, và cuộc sống khắp nơi sớm trở lại bình thường. Chúc tất cả các bạn bè thân hữu một năm mới an vui và hạnh phúc.

PN
"Be with a leader when he is right, stay with him when he is still right, but leave him when he is wrong.”

 (A. Lincoln)







Sunday, November 21, 2021

Phiếm: Nhiều chức để làm gì ?


 

Mấy năm gần đây, người VN thường có câu hỏi "Nhiều tiền để làm gì?". Có người hỏi thật lòng, có người hỏi với ý trêu ghẹo, và cũng có người hỏi vì đã ngộ ra một điều gì đó sâu sắc hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó tất nhiên là vẫn còn bao nhiêu người khác miệt mài đeo đuổi tiền bạc danh vọng mỗi ngày, mà không ai có thể đoán được khi nào mới là điểm dừng của họ. Và trong lúc có những người nhiều tiền không biết làm gì, thì xã hội chung quanh vẫn nhan nhản bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra. Những mảng đời lây lất bên lề xã hội, trong bệnh viện, dưới gầm cầu, bên bãi rác…. Những đứa bé nghèo khó trông chờ từng manh áo ấm từng bữa cơm no, ấp ủ từng ước mơ được cắp sách đến trường. Những kẻ bất hạnh vẫn mỏi mòn chờ đợi từng ngày để qua đi kiếp sống khốn cùng kém phần may mắn. Nói đâu xa, ngay cả ở TP HCM, một nơi được cho là " Singapore thứ hai", vẫn còn không ít người dân ở ngoại thành đến nay vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất, lây lất không nhà không cửa, bữa đói bữa no. Nhiều gia đình vẫn chưa có được cái nhà vệ sinh kín đáo để che dấu cái bàn dân thiên hạ mỗi lúc cần giải bày tâm sự … !

Nhưng đó là chuyện nhiều tiền nhiều gạo, nói bao giờ cho hết ? Nói sang đến chuyện nhiều chức. Mới tuần rồi, ngồi đọc tin tức bên nhà, lướt qua một vụ án tham nhũng quen quen, có thấy nhắc đến một vị cựu "sư thầy" chạy án. Nhìn cái danh mục chức sắc của ông ta mà mình choáng. Tự nhiên, loé lên câu hỏi “Nhiều chức để làm gì ?". Một câu hỏi mà chắc chắn lâu nay nhiều người cũng đã từng băn khoăn nghĩ đến rồi. 

Tất nhiên đây không phải lần đầu mình được nghe, được thấy một vị tu sĩ VN có nhiều chức sắc như vậy. Chỉ hơi ngạc nhiên là chức tước cùng lúc nhiều đến thế, thời gian đâu nữa để mà tu hành ? Mà để trả lời câu hỏi “Nhiều chức để làm gì?” thì từ một ông quan chức nhỏ cho đến một lãnh đạo cao cấp, chắc cũng phải khó khăn lắm mới trả lời đúng được, huống hồ chi là một bậc tu hành. Dĩ nhiên ở đây chúng ta đang nói đến câu trả lời cho chính lương tâm của họ, chứ còn trả lời cho thiên hạ trên báo trên đài thì bao giờ cũng dễ hơn nhiều.

Thực ra lâu nay ai cũng biết "chức sắc" chỉ là hình thức, là phương tiện để cơ cấu sắp xếp, hoặc phân bố tổ chức của một đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, đơn vị hành chánh, hoặc chính quyền nhà nước, tổ chức quốc tế ...v.v. Mỗi chức vụ thường sẽ có những trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự, và quyền lợi tương ứng với chức vụ đó. Hầu hết trên thế giới, người ta thường chỉ quan tâm đến việc làm, sự cống hiến, trách nhiệm, hoặc vai trò thực hiện của người mang chức sắc. Làm công ăn lương thì có đúng người đúng việc không ? Làm quan chức thì có làm đúng trọng trách công việc không, có làm được việc gì hữu ích cho người khác, cho xã hội, cho dân cho nước hay không? Vì đó mới là mục đích chính, là phần hồn, và là điều quan trọng nhất đối với một chức vụ. Nhưng rồi cũng không biết cái văn hoá mê chuộng chức sắc này bắt nguồn từ đâu, mà lần hồi ở một số nơi trở thành nạn “loạn” chức sắc. Trong nước ngoài nước gì cũng gặp. Có chức được lãnh lương, có chức chỉ lãnh nợ. Ví dụ như ở nước ngoài làm chủ tịch chủ tiếc cộng đồng VN ở những địa phương có người Việt, chỉ là công việc tự nguyện ăn cơm nhà vác ngà voi, chủ yếu giúp bà con đồng hương tổ chức Tết nhứt, hội hè cho vui. Vậy mà có nơi cũng tranh giành nhau đến bốc khói, rồi lại có nhiều chỗ năn nỉ không ai chịu làm. Thật ra cũng có người hết lòng phục vụ đồng hương, nhưng cũng có người chỉ muốn tranh nhau cái chức hoặc khoái cái tên. Nên nhiều lúc dở khóc dở cười, vừa khôi hài vừa chua chát !

Nhiều người cho rằng văn hoá ham hố chức sắc này hình thành từ thời phong kiến xa xưa, vì "chức" có liên quan đến quyền hành và bổng lộc. Có thể vậy mà cho đến ngày nay vẫn còn một số nơi trên thế giới tồn tại quan niệm này, đặc biệt là ở những quốc gia có nạn tham nhũng và cửa quyền lộng hành. Tuy nhiên không phải ở đất nước nào cũng như vậy, cho nên đôi lúc gây ra một số hiểu lầm không nhỏ. Ví dụ như có nhiều người quen ở VN hiểu lầm về công việc của những nhân viên hoặc quan chức trong chính phủ Mỹ. Thông thường thì làm công chức nhà nước, chính phủ, cũng là một công việc bình thường, có trách nhiệm nghĩa vụ hẳn hoi tùy theo vị trí. Công việc chính phủ nhà nước thì thường không phải là những công việc có lương cao so với các công ty tư nhân bên ngoài. Tuy nhiên làm việc cho chính phủ thì các quyền lợi khác như tính ổn định việc làm cao hơn, tiền hưu, bảo hiểm sức khoẻ, thời gian nghỉ phép, nghỉ bịnh .v.v... tốt hơn. Nói đến lương bổng hoặc các khoản khen thưởng, thì các công ty tư nhân bên ngoài thường phong phú và rộng rãi hơn, đặc biệt là những công ty tư nhân lớn có các khoản đãi ngộ khác như tiền thưởng, stock options (cổ phiếu/cổ tức)... Còn nói về quyền hạn của các quan chức chính phủ Mỹ, thì chức vụ nào có nhiệm vụ nấy, ít ai dám lạm quyền lấn sân, cũng như ít chuyện hối lộ tham nhũng (ít chứ không phải là không có nghen). Chuyện lại quả hoặc cục sắt ném đi cục chì ném lại càng hiếm, vì lạng quạng dễ vô tù. Nên làm ông giám đốc sở, thị trưởng, nghị viên, thượng viện hạ viện, thống đốc, thậm chí tổng thống... thì cũng bình thường thôi. Lương của họ còn thấp hơn nhiều người khác, mà "lậu" thì cũng chẳng có bao nhiêu. Trời mưa lội nước thì cũng tự che dù mà đi, chẳng ai phải cõng họ bao giờ. Ngay cả những vị lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, nếu tư cách đàng hoàng, năng lực tốt, gặp nhau người ta còn chào hỏi, kính trọng. Ngược lại, lỡ khi ra đường, vô quán ăn, đi quán nhậu ... để dân bắt gặp, bị kêu tên chửi thẳng hoặc la ó um sùm cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên vì thông tin không đầy đủ, nên nhiều người VN có bạn bè hoặc người thân ở Mỹ, mỗi khi nghe ai nói đến làm việc cho chính phủ, lại cứ tưởng là họ giàu có hoặc quyền lực gì ghê gớm lắm. Rồi cũng có những trường hợp ngược lại, nhiều vị VK lại tô vẽ thêm cho cái “uy lực” của họ nơi xứ người. Nên lần hồi bà con ở quê nhà cứ ngỡ quyền hành của họ to lớn giống như ông công an khu vực, ông trưởng thôn, anh chủ tịch xã, hoặc chị bí thư phường bên nhà :-). 

Nôm na thì phần việc công chức nhà nước cũng chỉ có vậy, có ngạch có cấp hẳn hoi, khó mà có được những bước "quá độ" hoặc “đột phá” như ở bên nhà. Còn đối với công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân (DN tư nhân chiếm đại đa số việc làm ở Mỹ), thông thường thì cũng theo nguyên tắc chức càng to lương càng lớn. Nhưng vì đa số công ty tư nhân không có quy chế ngạch trật, nên có nhiều khoản thu chi linh động hơn, bất ngờ hơn. Một ông tổng giám đốc công ty lớn lãnh vài chục triệu đô một năm, cũng không phải chuyện hiếm. Thậm chí nhiều người chức vụ nhỏ hơn trong công ty tư nhân vẫn có thu nhập cao hơn tổng thống, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng tá ở Mỹ, là chuyện bình thường. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là ở các lãnh vực chuyên môn đặc thù hoặc công nghệ tân tiến. Nhiều người tài giỏi đi sâu vào các lãnh vực chuyên môn, có nghiệp vụ đặc biệt, thì cũng chẳng cần phải làm giám đốc giám điếc gì, nhưng lương bổng cao hơn hẳn các ông sếp hoặc giám đốc của họ. Điều đó cũng hợp lý thôi, vì với một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người làm hưởng theo giá trị mà họ tạo ra, chứ không phải hưởng theo "chức sắc" hoặc theo phe cánh. Mặt khác, khoảng cách về lương bổng giữa những người "cổ trắng" (làm bàn giấy) và "cổ xanh" (lao động tay chân) ở nhiều quốc gia tư bản không khác xa lắm. Cho nên nhiều người mặc dù chức vụ nhỏ hơn hoặc làm ít lương hơn, nhưng siêng năng làm thêm giờ thêm việc, cuối ngày "cổ xanh" lại nhiều tiền hơn "cổ trắng". Ngoài ra cũng có rất nhiều người tự làm doanh nghiệp tư nhân, tự mở tiệm mở quán, muốn đeo cổ nào thì đeo, lúc bình thường thì cổ xanh cổ trắng, lúc nhậu vào thì cổ đỏ cổ đen. Chẳng cần chức sắc gì, nhưng họ lại giàu có, ai “chơi” tới đâu họ “chơi” tới đó. Dám có lúc cũng bị lăn tăn nỗi khổ "nhiều tiền để làm gì" chứ chẳng đùa :-).

Nhưng đó là những chuyện đời thường, còn chuyện ham muốn "chức sắc" trong đạo, trong tôn giáo, lại càng khó hiểu hơn. Nhiều chức để làm gì ?

Tất nhiên là ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa "phương tiện" và "mục đích" trong đời thường. Tôn giáo cũng vậy, mỗi tôn giáo đều có những mục đích và phương tiện khác nhau. Do vậy, cách tổ chức và sinh hoạt của mỗi tôn giáo thường thì cũng khác nhau, mặc dù mục đích cuối cùng có thể là không khác nhau lắm. Có những tôn giáo quan tâm phần hình thức, nặng về việc tổ chức hành chánh. Có tôn giáo lại quan trọng đến phần phát triển tín đồ, gây dựng cơ sở vật chất. Có tôn giáo lưu ý chuyện truyền thừa hơn, rồi cũng có tôn giáo đề cao chuyện an dân, sống tử tế thiện lành hơn..v.v. Muôn màu muôn vẻ. Và nhiều khi ngay cả trong cùng một tôn giáo, cũng phân chia ra nhiều chi nhánh, nhiều kinh sách, hoặc nhiều pháp môn tu tập khác nhau để phù hợp cho từng hoàn cảnh con người và địa phương. Đó cũng là chuyện bình thường thôi. Thế giới này quá nhiều người có trình độ khác nhau, tư duy khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, cá tính khác nhau, đức tin khác nhau…Không thể nào có một cái bánh mà mọi người ăn vào cùng thấy ngon như nhau cả !

Nói thêm về vấn đề này, xưa nay ở bất kỳ một quốc gia nào, cho dù văn minh hay lạc hậu, độc tài hay dân chủ, thì cũng không hiếm những trường hợp tôn giáo bị các thế lực chính trị lợi dụng. Từ cá nhân, phe nhóm, cho đến chính quyền đảng phái lạm dụng để phục vụ cho những mục đích riêng tư của họ. Khác nhau là nhiều hay ít. Ngày xưa chỉ có một số ít trường hợp núp bóng tôn giáo, trà trộn giả danh để hoạt động chính trị, thì ngày nay vấn nạn đó lại càng phát triển đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Không những chỉ giả danh để làm chính trị tuyên giáo, mà còn giả danh để làm kinh tế, lợi dụng đức tin của thiên hạ để phục vụ cho nhiều mục đích khác. Ví dụ như có một số giáo hội trên thế giới ngày càng phải đối diện với nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em, tư tưởng cực đoan, khủng bố cuồng tín...v.v. Dĩ nhiên là cách ứng xử và thay đổi của mỗi tổ chức tôn giáo đều phải bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng rất lớn của văn hoá địa phương và quyền hành của chính phủ sở tại. 

Riêng ở VN, thì ai cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của các sinh hoạt tôn giáo trước kia so với hôm nay, đặc biệt là đối với mảng PG quốc doanh. Ngày càng nhiều những sinh hoạt nghiêng về hình thức vật chất, nghi lễ bên ngoài, và các rao giảng nặng về mê tín tâm linh, tài lộc, buôn may bán đắt. Tu "tỉnh thức" một cách mơ hồ :-). Trong khi đó, nguyên thuỷ xưa nay đạo Phật chỉ có một mục đích tối thượng là hướng dẫn con người đến chỗ tỉnh thức, sáng suốt hơn (chứ không phải mê tín hơn). PG chỉ giúp con người hiểu rõ bản thân, để họ tự học hỏi và tu tập, thay đổi bản thân, tự chuyển hóa, tự thực chứng, để có trí tuệ tìm đến sự giác ngộ. Chùa chiền, kinh sách, tăng đoàn, pháp môn ..v.v.. cũng chỉ là những phương tiện hỗ trợ cho mục đích đó. Sư thầy thì cũng phải tự tu, tự học cho bản thân. Có hiểu đúng tu đúng, mới có thể giúp ích & hướng dẫn đúng cho người khác được. Nói tới đây mới nhớ, mới hôm bữa nói chuyện với một chị bạn chuyên nghiên cứu kinh sách và giáo lý PG bên Mỹ. Thắc mắc là "Sao các vị tu sĩ PG ở phương Tây, cũng như các kênh nghiên cứu đạo Phật ở nước ngoài, rất ít khi nói đến những chuyện như cõi âm, ma quỷ, hoặc chuyện sau khi chết. Trong khi đó ở VN quá nhiều bài thuyết giảng về loại đề tài này? ". Thực ra, mình không phải là các vị đó nên không dám đoán những dụng ý của họ. Tuy nhiên cũng thắc mắc không hiểu là ai có thể kiểm chứng được những chuyện ở cõi âm mà họ nói như thế ? Mình thì luôn luôn tin vào quy luật nhân quả, nên quan niệm rất đơn giản như ban ngày ăn mặn thì ban đêm khát nước; ngày hôm nay nhậu say bí tỉ thì ngày mai nhức đầu. Còn chuyện chết chóc thì cũng chỉ là là một phần của sự sống, có ai tránh được đâu. Vậy thôi, có gì lạ ? 

Thiết nghĩ sẽ rất hữu ích khi đi nghe giảng thuyết một vấn đề nào, hoặc nghe thiên hạ đồn đãi chuyện độc lạ gì, mà có thói quen không vội vàng tin theo một cách mù quáng. Mình cho rằng dù người thuyết giảng là ai, “chức to quyền trọng” thế nào, chùa to nhà thờ lớn tới đâu, hoặc có là giáo sư tiến sĩ gì đó, thì người nghe cũng cần phải tìm hiểu để phân biệt được điều đó đúng sai, hoặc có phù hợp với bản thân mình hay không ? Hiểu đúng vấn đề, chính việc làm đó cũng là một bước tu tập rất quan trọng và cần thiết. Phải qua lớp một mới đến được lớp hai, không ai có thể leo lên trung học mà chưa biết đọc biết viết !

Suy cho cùng, thì mọi chuyện trong vũ trụ này đều không thể tự nó sinh ra và tự tồn tại được, mà phải dựa vào nhau để có. Cho nên chuyện thuyết giảng một giáo lý, hoặc rao giảng một chủ nghĩa, cũng như tôn xưng chức nọ chức kia cũng vậy, là phải do quan hệ song phương (hoặc đa phương). Bên này cảm thì bên kia mới ứng. Có người nghe, thì mới có ngưòi nói. Có người này nể, thì người kia mới xưng. Có người này phục, thì người kia mới “nổ”. Có kẻ tin, thì mới có người “thuyết”…Còn "đúng, sai" lại là chuyện khác, tuỳ theo cái biết của mỗi người. Mấu chốt của vấn đề vẫn là ở chỗ mục đích của nó. Một lý thuyết hoặc chủ nghĩa dẫu từ ngữ to lớn cho đến đâu, thì quan trọng là có làm cho đất nước giàu mạnh, con người văn minh hạnh phúc hơn không ? Một ông quan dẫu chức to quyền lớn đến đâu, quan trọng là có làm được việc gì để ích nước lợi dân hay không ? Một người tu sĩ dẫu chức sắc cả gánh, quan trọng là có làm được việc gì để giúp mình giúp người trên con đường tu tập dẫn đến sự tỉnh thức hay chăng ? Không khéo, có khi nhiều chức quá lại trở nên nặng nề hơn, rồi phiền khổ giống như mấy anh nhiều tiền, lâu lâu lại phải băn khoăn tự hỏi: "Nhiều chức để làm gì ?" :-).

Cũng nhân nhắc đến chuyện phúc đức cõi âm, mình nhớ đến một câu chuyện trong sách kể lại thời Đức Phật còn tại thế. Một vị phú gia có cha vừa mới chết, bèn vội tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài giúp làm phép cho cha ông ta được về cõi thiên đường. Ông ta nói:

- Có nhiều vị pháp sư nói có thể làm phép giúp cha tôi vãng sanh về chốn thiên đàng, nhưng tôi tin tưởng nơi Ngài, nhờ Ngài cứu giúp. Tốn kém bao nhiêu cũng được.

Đức Phật nói:

- Ông hãy ra chợ mua hai cái hủ sành, một hủ bỏ dầu ăn vào, và một hủ bỏ đá quý vào, rồi đậy kín đem về đây.

Người phú gia nghe lời ra chợ mua hai hủ sành bỏ dầu, và đá quý mang về. Đức Phật bảo ông ta hãy bỏ 2 hủ sành ấy xuống giòng sông phía trước, và đợi cho đến khi chìm hẳn, rồi lấy một khúc cây thọt bể hai hủ sành đó ra. Hai hủ sành bể, dầu nổi lên trên mặt nước, còn đá quý thì chìm sâu dưới đáy sông.

Đức Phật bảo rằng:

- Ta chỉ giúp ông được tới đây. Chuyện nghiệp lực của thân phụ ông là do chính ông ấy tạo ra bao lâu nay khi ông ấy còn sống. Còn bây giờ thì ông hãy đi nhờ các vị pháp sư kia cúng, làm phép cho dầu kia chìm xuống và đá quý nổi lên. Nếu họ làm được chuyện như thế, thì họ có thể giúp được cho cha ông. Vị phú gia chợt hiểu ra đạo lý và từ giã quay về.

Ngay cả Đức Phật ngày xưa cũng chỉ dừng lại ở đó. Thế mà ngày nay có nhiều vị sư thầy có thể làm nên những điều kỳ diệu hơn, thì quả nhiên là điều đáng kinh ngạc !

Trở lại câu chuyện chức sắc dày cộm và sự giàu có của một số vị tu sĩ VN ngày nay. Mình vốn không hiểu biết lắm về cách tu học của các vị ấy, nên không dám lạm bàn về triết lý tôn giáo của họ. Vả lại đối những kẻ phàm phu còn đầy rẫy ham muốn, ngụp lặn trong tham sân si, cơm áo gạo tiền như mình, thì cũng còn nhiều giới hạn để phân tích sâu xa hơn. Tuy nhiên theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, trên thế giới mỗi khi nói đến PG, ngay cả những người không phải tu hành, đều biết đến 3 khái niệm cơ bản nhất của đạo Phật (Fundamentals of Buddhism). Đó là Vô thường (impermanence), Vô ngã (non-self), và Khổ (unsatisfactoriness or suffering). Trong tiếng Anh gọi đó là "Three Marks of Existence", hoặc "Three Universal Characteristics". Những vị nào tu tập thực sự, hiểu biết đúng về vô thường, vô ngã, thì chắc chắn là họ rất ít khi quan tâm đến những chức sắc danh xưng phù du, hoặc tài sản sổ đỏ sổ xanh, xe hơi nhà bự, sớm nắng chiều mưa trong cõi tạm này. Thường thấy như vậy !

PN