Saturday, July 24, 2021

Tản mạn về dịch thuật kinh sách

 


Nói đến chuyện dịch thuật, mình nghĩ một trong những lãnh vực khó nhất là dịch kinh sách. Tôn giáo nào cũng thế, cho nên ngày xưa nhiều nhà truyền giáo phải ráng học cho rành rẽ tiếng địa phương. Thậm chí nhiều vị còn góp phần tạo ra hoặc hoàn chỉnh một số ngôn ngữ để dễ dàng diễn giải hơn. Trong tiếng Anh có cụm từ "Lost in Translation" mang tính hài hước để nói đến sự sai lệch ý nghĩa trong dịch thuật, dịch gà ra cuốc. Nhưng đó chỉ là nói đến chuyện thông dịch, thông ngôn hàng ngày. Dịch kinh sách còn khó hơn nhiều, vì để dịch được sát nghĩa, người dịch phải hiểu đúng ý nghĩa bao hàm của từ ngừ đó. Nếu không rất dễ gây ra ngộ nhận, và dẫn đến nhiều hệ lụy phiền phức. Đó là còn chưa nói đến nhiều người vô tình hoặc cố ý lợi dụng sự lệch lạc trong dịch thuật, dẫn dắt bản thân họ và người khác vào con đường mê tín, dị đoan.

Ví dụ như câu kinh 6 âm trong PG (The Six syllables) "Om Mani Padme Hum", rất ngắn gọn và sâu sắc, tán dương khả năng tự tỉnh thức và tự giác ngộ của tất cả chúng sinh như đóa sen vượt lên từ chốn bùn dơ. Câu kinh còn mang hàm ý sâu sắc hơn là không nên tìm kiếm "ông Phật" ở bên ngoài, mà là từ “Phật tánh” sẵn có bên trong. (Mỗi chữ Om, Mani, Padme, Hum đều mang hàm ý sâu sắc khác nhau. Có rất nhiều tài liệu về câu kinh này từ nhiều ngôn ngữ khác nhau kể cả tiếng Việt trên mạng, nếu ai muốn tìm hiểu).

Thế nhưng phiên âm (chứ không phải phiên dịch) tới lui một hồi, sao lại thành ra câu tiếng Việt "Án ma ni bát rị hồng". Rồi một số ông thầy bùa, thầy chú, thầy cúng, thầy làng, bắt ma bắt hồn, oan gia trái chủ ...lại đem ra xử dụng với đầy màu sắc mê tín !

Giờ trở lại câu chuyện chữ "Bát Nhã" trong kinh sách nhà Phật. Lâu nay ai ở VN cũng ít nhiều nghe qua chữ này, đặc biệt là những người có đọc qua kinh sách PG hoặc có đi chùa chiền. Thỉnh thoảng mình còn thấy mấy ông làm thơ, viết truyện, và cả mấy ông "nhậu sĩ", đem "Bát Nhã" lên thớt của họ hoặc cho vào quán nhậu để mổ xẻ nữa, nên chắc chữ này thì cũng không lạ lẫm gì với nhiều người VN.

Thực ra chữ Bát Nhã có nguồn gốc từ tiếng Phạn, đó là chữ Prajna, được kết hợp bởi 2 chữ Pra- và -jna. Để giải thích chi tiết của 2 từ này thì hơi dài và trừu tượng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng nhé. Theo Wiki thì "Prajna" được nói đến như thế này (is used to refer to the highest and purest form of wisdom, intelligence and understanding. Prajna is the state of wisdom which is higher than the knowledge obtained by reasoning and inference). Nôm na là một trạng thái trí tuệ cao nhất bao gồm nhiều góc cạnh khác nhau, vượt qua các ngưỡng cửa của sự thông minh, hiểu biết, và kiến thức thông thường. Ví dụ như trí tuệ của một ông giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, na sa na séo, ha va ha viếc, chủ tịch, giám đốc, nhà phát minh ra đèn đom đóm, keo dính chuột..v.v.. đều là nhừng kiến thức chuyên môn, trí óc thông minh, kiến thức rộng rãi, nhưng đó không phải là trí tuệ "bát nhã". Bởi thế để dịch được chữ "Prajna" ra một ngôn ngữ khác cho đúng nghĩa thì quả là vô vàn khó khăn, mà có khi chẳng bao giờ diễn đạt cho trọn vẹn, thế nào cũng thiếu đầu thiếu đuôi. Thực tế là trong cuộc sống có những từ ngữ chỉ hiểu, “ngộ”, nhưng rất khó diễn đạt. Đặc biệt là trong các lãnh vực triết học, tôn giáo,  hoặc tâm linh. Cho nên các Ngài ngày xưa đã để nguyên chữ "Prajna" không dịch. Khi những tạng kinh này đến Trung quốc, cũng chỉ phiên âm ra tiếng địa phương na ná như “Pra-jna”, rồi qua đến Việt Nam thì trở thành “bát nhã" như ngày hôm nay.

Rồi cũng chính vì ý nghĩa bao la của chữ "bát nhã", mà lôi cuốn không biết bao nhiêu vị tu sĩ, triết gia, trí thức, nhân sĩ  ...vào cuộc, tìm tòi, mổ xẻ, phân tích ra nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Cuối cùng có nhiều người bị lạc vô cái mê hồn trận chữ nghĩa đó, thành ra vô tình đi ngược lại với cái mục đích giải thoát mà họ đã tìm kiếm ban đầu. Tất nhiên cũng không hiếm những người hiểu biết và nhận ra được giá trị cốt lõi của cuộc sống và sự giác ngộ, nên lựa chọn con đường đi riêng cho họ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tuy nhận thức được vấn đề, nhưng lại bị những hệ lụy chằng chịt trong cuộc sống, những rào cản trói buộc của đời thường, nghiệp cơm áo gạo tiền quá nặng, hoặc tham vọng thành tựu quá lớn, mà không thoát ra nỗi. Rồi cuộc sống ngắn ngủi chóng qua đi, tháng ngày cứ quanh quẩn với những trách nhiệm và “thành tựu”, đầy rẫy những vướng mắc. Vướng vào hình thức thay vì nội dung, vướng vào lý thuyết suông thay vì thực hành, vướng vào ảo tưởng thay vì thực chứng, ráng kiếm thêm cho nặng chứ không phải bỏ đi cho nhẹ, ráng hiểu biết để hơn thua chứ không phải để nhẫn nhịn …v.v. Ham muốn (desires) và gắn bó (attachments) ngày càng nhiều, đời này chưa hết đã muốn lôi kéo đời khác. Cho nên cuối cùng là thuyền "bát nhã" của họ cứ quay vòng vòng trong bờ, hết xăng bao nhiêu lần rồi, mà vẫn còn chưa định hướng đi đuợc, chứ đừng nói tới chuyện bến bờ bên kia. Tất nhiên trong đám phàm phu đó có bản thân mình :-).

Và dĩ nhiên là mình không muốn bàn luận xa hơn về ý nghĩa và nội dung của chữ "Bát Nhã" trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này, mà chỉ muốn nói đến vấn đề dịch thuật kinh sách. Vì nếu không cẩn thận, đôi lúc sẽ làm mất đi cái ý nghĩa thâm diệu của chữ nghĩa, mà thậm chí còn dẫn đến những hiểm lầm đáng tiếc !

Ví dụ như bản kinh "Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh" ở VN. Theo mình, khi dịch cái tựa của kinh "Prajna-paramita Hrdaya Sutra" (The Heart Sutra of Perfect Wisdom) ra thành "Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh", mà không giải thích rõ ràng, là đã vô tình làm mất đi một số ý nghĩa vô cùng quan trọng của bản kinh ! 

(Còn tại sao như thế ? Trước hết xin nói rõ, đây chỉ là ý nghĩ cá nhân của mình. Tất nhiên đây là một vấn đề rất quan trọng, mà đã có biết bao nhiêu vị cao tăng tu sĩ VN, đức độ trí huệ cao cả, từng nghiên cứu dịch thuật trong bao nhiêu năm qua, nên mình không hề có ý dám xúc phạm hoặc phê phán.)

Trước hết nói sơ qua về ý nghĩa của kinh Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh. Là một trong những kinh căn bản và phổ thông nhất trong đạo Phật, thường dùng để đọc tụng. Nguyên gốc từ tiếng Phạn là "Prajna-paramita Hrdaya Sutra", dịch sang tiếng Anh là "The Heart Sutra of Perfect Wisdom". Gọi cho đơn giản là Tâm kinh. Kinh này ngắn, có khoảng chừng 260 chữ (bản ngắn tiếng TQ), hiện nay được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Có nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc và thời điểm ra đời của Tâm Kinh, không đồng nhất. Và toàn bộ bản gốc của bộ kinh lớn Đại Bát Nhã (Maha Prajna Paramita) cũng đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi họ đánh chiếm Đại học PG Nalanda Ấn độ vào thế kỷ 12.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh đọc tắt là Tâm kinh (The Heart Sutra), là tóm lược của bộ kinh Đại Bát Nhã Ba la Mật (Great Perfecton of Wisdom Sutra, tiếng Phạn gọi là Maha-prajna-paramita-sutra), gồm có 600 quyển. Tâm Kinh có nhiều bản dịch từ tiếng Phạn ra tiếng TQ. Trong đó bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập (402-412) và Ngài Huyền Trang (Tam Tạng) vào thế kỷ thứ 7 sau CN, là thông dụng nhất, được truyền qua VN và lưu hành cho đến ngày nay. Còn phiên bản tiếng Anh thì đến thế kỷ 19,  mới được Samuel Beal dịch ra. Ngày nay có rất nhiều sách vở tài liệu nói về Tâm Kinh của nhiều tác giả, nhiều tu sĩ khắp nơi trên thế giới . Tất nhiên là cũng không hiếm những tranh luận đối đáp gay gắt, bất đồng quan điểm, như bao vấn đề khác của tôn giáo và xã hội lâu nay. Có người đọc kinh sách để gom hết về một mối, rồi buông bỏ hết coi như không đọc chữ nào. Thì bên cạnh đó cũng có những người càng đọc, càng ôm, càng rối, càng lụy, sợi tóc chẻ làm năm làm bảy. Đọc để tranh luận hơn thua, đọc để trói chứ không phải để mở, đọc để chứng tỏ chứ không phải để thực hành, nên càng đọc càng nặng nề. Âu cũng là chuyện bình thường thôi. Như trong Tâm kinh có một câu rất nổi tiếng "Form is emptiness (śūnyatā), emptiness is form", mà nhiều nhà nghiên cứu, học giả phương Tây cũng thường nhắc đến. (Tạm dịch là: Sắc tức là không, không tức là sắc). Ai cũng nói được nhưng mấy ai thực chứng được điều này ?

Mở ngoặc chút, ngài Huyền Trang (Xuanzang), tức là ngài Đường Tăng Tam Tạng trong truyện hư cấu Tề thiên đại thánh của Ngô thừa Ân, đã tốn 3 năm đi bộ từ TQ qua Ấn độ để tìm học kinh Phật và thỉnh kinh đem về cho TQ. Rất nhiều người cũng đã từng đi như thế và bị chết trên đường vào thời kỳ đó. Tất nhiên là thực tế thì chẳng có Tề thiên, Trư bát giới .. nào đi theo cả, mà Ngài chỉ đi một mình. Sau khi đến nơi, ngài lưu lại Ấn độ 17 năm để học tiếng Phạn tiếng Ấn, rồi được vua Ấn độ mời làm "quốc sư" hiệu trưởng trường đại học Nalanda. Nhưng sau đó ngài xin hồi hương đem kinh sách về cho TQ. Về đến TQ, vua Đường cho lập khu dịch thuật rất lớn, tuyển dụng nhiều người phụ giúp Ngài. Với lực lượng hùng hậu như thế, mà phải tốn gần 5 năm sau, Ngài Huyền Trang mới dịch xong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Thế mà kinh Bát Nhã Ba la mật Tâm kinh, nói gọn là (Heart Sutra) tóm lược được ý nghĩa của bộ Đại Bát Nhã đó, thì cũng tưởng tượng ra ý nghĩa súc tích của Tâm Kinh đến mức độ nào. Tuy nhiên cho dù là thâm thuý và uy lực đến đâu, thì cũng không phải chỉ cần ngồi đó đọc tụng mà giác ngộ được !

Giờ trở lại nói về chuyện phiên âm dịch thuật cái tựa "Prajna paramita Hridaya Sutra" ra tiếng VN, vô tình làm mất đi một số ý nghĩa quan trọng. Khi phiên âm chữ Prajna thành ra "Bát Nhã", paramita phiên âm thành ra "Ba la mật” hoặc “ba la mật đa", Hrdaya (dịch ra thành"Tâm"), Sutra (dịch ra thành “Kinh"). Thì người VN đọc câu "Bát Nhã Ba la Mật tâm kinh" không có ý nghĩa gì đặc biệt, mà chỉ đơn giản là một cái tựa đề của 1 bài kinh, như bao nhiêu kinh sách khác, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Cú, kinh Hoa Nghiêm ...v.v..Thậm chí một số ít người nghe đến chữ ba-la-mật còn tưởng có liên quan gì đến mật tông mật pháp hoặc phương pháp bí mật nào đó. Điều này quả nhiên là không chính xác, và làm mất đi những ý nghĩa rất quan trọng của câu chữ "Prajna paramita Hridaya Sutra". Cũng tương tự như trường hợp đọc "Om mani padme hum" thành ra "Án ma ni bát rị hồng", không hiểu được hàm ý sâu sắc bên trong, mà chỉ mơ hồ hiểu được cái ý nghĩa “tâm linh” của nó !

1. Prajna (bát nhã) được ghép từ 2 chữ : Pra-jna ; Pra là Tối thượng và duy nhất, Jna là hiểu biết, là trí tuệ 

2. Paramita (sự hoàn hảo) được ghép lại từ Parama (the other shore, tức là bờ bên kia) , và Ita (that which has arrived tức là đến, sẽ đến, hoặc đã đến ...)

3. Hrdaya (là tâm, là chính yếu, trọng tâm, điểm chính), chứ không phải nghĩa đen của trái tim, nhịp đập trong cơ thể.

Có những vị cao tăng, thiện tri thức ngày xưa chỉ giảng giải câu "Prajna paramita Hrdaya Sutra" mà tốn tới hàng tháng, hàng năm mới nói hết ý nghĩa của nó. Trong khi đó chúng ta chỉ đọc lướt qua câu "Bát nhã ba-la-mật tâm kinh" như một cái tựa đề thì uổng phí quá.

Chỉ cần qua cái tựa đề, Tâm Kinh đã giải thích cho người ta thấy được cái ý nghĩa quan trọng tối thượng của trí huệ Bát Nhã trong việc tìm đến sự tỉnh thức & giác ngộ. Đó là phải tự mình học hiểu và thực chứng mới đi đến được bờ bên kia. Không nên chờ đợi ở bất cứ ai và cũng không ai có thể ban bố sự giác ngộ được cho mình. Những đạo lý vô thường, vô ngã, có, không, được, mất ....trong bản kinh là những diễn giải, chỉ ra cho con người hiểu thấu và thực hành để thực chứng, để đạt được trí huệ Bát Nhã, chứ không chỉ để đọc và cầu nguyện. Các vị Bồ Tát xưa nay cũng đã phải đi theo con đường đó mà tìm đến giác ngộ, chứ không hề có ngoại lệ hoặc phải nhờ đến thân thế, quen biết, hay lý lịch tốt :-).
Thực tế, thì cũng có rất nhiều người loay hoay nhầm nhẫn giữa các phương pháp tu tập, cũng như các loại trí tuệ và kiến thức thông thường trong cuộc sống với cái trí tuệ "bát nhã" được nhắc đến trong kinh sách. Nên xã hội vẫn thường xảy ra ngộ nhận về những giá trị có liên quan đến địa vị, bằng cấp, chức tước, giàu nghèo, sang hèn, hình thức (tu sĩ, trí thức..) ..v.v.. trong đời sống tâm linh, và trên con đường tìm kiếm những giải đáp cho bản thân của họ. Ví dụ: Một nhà khoa học sáng chế ra bom nguyên tử, ra vũ khí sinh học ...có thể rất thông minh, kiến thức chuyên môn tuyệt đỉnh, tuy nhiên đó không phải là loại trí tuệ Bát Nhã, mà có thể là một dạng u mê. Một nhà độc tài đi tới đâu người ta cũng vỗ tay, chào đón khóc lóc như điên dại, cũng có thể là một dang thông minh biết cách mị dân, trấn áp xã hội. Nhưng chắc chắn đó không phải là trí tuệ Bát Nhã mà trong Tâm kinh nói đến…(Cho nên cũng không nên mù quáng tin vào lý thuyết hoặc danh xưng của bất kỳ ai, cho dù họ có quyền lực, chức tước, hình thức, ông này bà nọ, hoặc chùa to chùa lớn, mà phải tự thực chứng đạo lý đó với chính bản thân. Đạo Phật không chủ trương “blind faith”, tức là tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu. Đức Phật thời còn tại thế cũng đã dạy dỗ như vậy).

Bởi thế, mới có một Huệ Năng nhà nghèo, không biết chữ, chỉ cần một câu "Ưng vô sở trụ, sinh nhi kỳ tâm" mà trở nên tỉnh thức. Trong khi đó, một Thần Tú, tu sĩ, con nhà giòng dõi, kiến thức uyên bác, học sâu hiểu rộng, tên tuổi vang lừng, nhưng vẫn chưa đạt đến cái trí tuệ “bát nhã” của sự giác ngộ. Cho nên bài thơ rất hay của Ngài Thần Tú vẫn chưa "thấy” ra được cái "có" và cái "không" trong việc tu học. (Tất nhiên là còn nhiều yếu tố duyên nghiệp trong đây nữa. Câu chuyện này cũng nói đến khái niệm tiện ngộ và đốn ngộ trong PG).

Thân thị bồ đề thọ             
Tâm như minh cảnh đài     
Thời thời cần phất thức     
Vật sử nhạ trần ai.             

Tạm dịch:

Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám.

Thôi, cuối tuần, tản mạn một chút về cái tựa đề của một bài kinh quen thuộc. Chỉ là ý kiến cá nhân, không có ý dám múa rìu qua mắt thợ. Tất nhiên thời này thông tin tin tức không thiếu, quý vị nào muốn kiểm chứng hoặc nghiên cứu sâu hơn đều có thể tìm đọc dễ dàng. Mình thì luôn quan niệm rằng, ai cũng có thể sai lầm, cho dù là người tài giỏi hoặc là tiền nhân đi trước. Mạnh dạn trao đổi trong khiêm tốn cũng là một đức hạnh của "kiến hoà đồng giải" vậy. Còn nếu cứ khư khư quan niệm "áo mặc không qua khỏi đầu", cái biết của mình là luôn luôn đúng, chủ nghĩa của mình là luôn luôn vô địch, thì có thể là đang đi ngược lại với đạo lý vô thường của vũ trụ. Và cũng coi chừng là đang đi ngược lại với cái đạo lý vô ngã, cái tánh không “emptiness" thâm diệu mà Bát Nhã Ba la Mật đa Tâm kinh (Prajna paramita Hrdaya Sutra) đang nói đến.

Chúc tất cả bình an mùa dịch bệnh !

PN 

p.s: Nếu quý vị nào nghe được tiếng Anh, mình trích dẫn đường link dưới đây của tu sĩ Guan Cheng bên Canada giảng về "Tâm Kinh". Vị này giảng tương đối đơn giản, dễ hiểu, dễ theo dõi đối với những người mới bắt đầu tìm tòi. Thực ra thời nay có rất nhiều chư vị tăng ni, cư sĩ trí thức nói về Tâm Kinh, hoặc thuyết giảng trên mạng. Quý vị nào rảnh rang muốn tìm hiểu, nên tìm kiếm những ai có cách diễn giải phù hợp với mình, thì sẽ dễ dàng theo dõi hơn .



6 comments:

  1. Dịch kinh sách Phật Giáo ra tiếng Việt để mọi người có thể hiểu được quả thật gian nan nhưng đó là một công trình để đời có công đức vô lượng. Chúc Phước thành công!

    ReplyDelete
  2. Hay lắm Phước! Minh chuyển bài này đến một người bạn người QN mấy mươi năm nay chỉ ăn rồi dịch kinh Phật để bạn ấy cùng xem nh2.
    Thật trùng hợp khi mình đang đọc đề tài này của tác giả Đổ Hồng Ngọc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ, cảm ơn Anh. Đọc cho vui thôi anh. Mùa dịch bệnh này cũng là dịp để ngồi đọc lại những điều muốn đọc, và làm cho mình nhẹ nhàng hơn. Cầu mong mọi điều tốt đẹp với anh và gia đình.

      Delete
  3. Chú phê bình anh nghẹn,"nhậu sĩ"( ngũ chai giai không, độ nhất thiết khổ ách, bất tăng bất giảm.: Beer sometimes gives me some positive impact.) Với tui, Phật pháp là Ngũ giới, là hít vào thở ra, là biết mình đang thở. Hết. Rồi hiểu, rồi ngộ, như mấy ông thấy trái táo rơi, ngồi tắm trong bồn nước.Một cá nhân, một xã hội nếu theo Ngũ Giới thì loài người hạnh phúc. Con người muốn bớt khổ thì cứ hít vào thở ra, biết mình đang thở thì sẽ bớt buồn đau. Em viết sâu sắc lắm, để anh in,print, rồi đọc lại. Cuối tuần vui nghẹn em.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn anh N. Dịch bệnh có vẻ căng thẳng. Cẩn trọng anh.

      Delete

Comments: