Showing posts with label Thơ văn. Show all posts
Showing posts with label Thơ văn. Show all posts

Wednesday, June 30, 2021

Trở về trường cũ



Ngày ấy đã qua

thầy cô người già người mất

bạn bè biền biệt 

đứa ngược đứa xuôi

Long não cứ đến mùa thay lá

hàng phượng vĩ cỗi dần trên lối xưa 

vẫn cánh rụng rơi 

như tuổi thơ của một thời nuối tiếc


Anh trở lại,

dẫu chỉ là đứng đợi

một buổi nào 

của ngày ấy xa xưa

những vô lý của thời trai trẻ

chưa nắm tay đã mộng mị tơ hồng

môi mới khẽ đã chim lồng cá chậu


Anh trở lại,

chỉ bởi lòng tơ tưởng

nhớ một thời hoa bướm qua đi 

những ước mơ đội đá vá trời

những cổ tích của thời cơm gế củ

rưng rưng buồn chuyện kẻ ở người đi

"trèo lên cây bưởi hái hoa,

bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân"

nên u uẩn đời lưu lạc 

có nỗi buồn của người con gái 


Anh trở lại,

rồi một mình đứng lặng

giữa sân trường ngoài đám lá lao xao

tất cả đều xa lạ 

con đường hai buổi ngày xưa 

nay Từ Thức,

chân lạc loài từ những bước loanh quanh

khung cửa hẹp mái đầu xanh ngơ ngác

"Dạ, có nghe Mẹ kể chuyện ngày xưa

ngôi trường cháu cũng một thời như thế ...."


Hạt bụi vô tình 

rơi vào khoé mắt 

nhoè nhoẹt chân chim

lấm sân trường cũ

Anh trở lại, 

hay ngày xưa trở lại ?

thềm cũ ai ngồi 

vạt nắng miên man …


PN


Thursday, January 21, 2021

The Hill We Climb - Ngọn đồi ta leo


Ngày hôm qua, trong buổi lễ nhận chức của ông Biden, một cô gái da đen 22 tuổi, Amanda Gorman, đã được mời lên để đọc bài thơ do chính cô sáng tác. Bài thơ có tựa đề "The Hill We Climb", tạm dịch là Ngọn đồi ta leo ! 

Có thể có một số người không để ý đến cô bé & bài thơ, vì xen lẫn xu hướng chính trị và chuyện thắng thua của Trump/Biden vào. Nhưng quả nhiên đây là một bài thơ hay ! 

Xưa nay cũng không hiếm trường hợp các thế lực chính trị lợi dụng văn thơ âm nhạc làm công cụ tuyên truyền cho họ, xuyên tạc ý niệm của tác giả. Nhưng ở đây mình chỉ muốn nói về phạm trù thi ca. Đất nước Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào rồi cũng có những khúc quẹo lịch sử, những thăng trầm của dân tộc. Thời kỳ nào rồi cũng sẽ có những thành phần chính trị xôi thịt, cơ hội chủ nghĩa, lợi ích nhóm đảng phái, mị dân tư lợi, tham nhũng.... Đất nước nào rồi cũng có những kẻ quá khích, cuồng tín, tị hiềm, đố kỵ, a dua, kỳ thị, cậy mạnh hiếp yếu .v.v...Cũng như Mỹ đã có Antifa, KKK, QAnon, BLM, Proudboys ... Nhưng tâm hồn trong sáng & những bài thơ hay thì bao giờ cũng hiếm !

Mình rất tôn trọng những tài năng như thế này. Và tôn trọng những bài thơ viết lên từ chính tâm hồn của họ chứ không phải viết theo đơn kê đặt hàng hoặc xu nịnh sáo ngữ. Mời đọc. 

THE HILL WE CLIMB
By AMANDA GORMAN

When day comes we ask ourselves,
where can we find light in this never-ending shade?
The loss we carry,
a sea we must wade
We've braved the belly of the beast
We've learned that quiet isn't always peace
And the norms and notions
of what just is
Isn’t always just-ice
And yet the dawn is ours
before we knew it
Somehow we do it
Somehow we've weathered and witnessed
a nation that isn’t broken
but simply unfinished
We the successors of a country and a time
Where a skinny Black girl
descended from slaves and raised by a single mother
can dream of becoming president
only to find herself reciting for one
And yes we are far from polished
far from pristine
but that doesn’t mean we are
striving to form a union that is perfect
We are striving to forge a union with purpose
To compose a country committed to all cultures, colors, characters and
conditions of man
And so we lift our gazes not to what stands between us
but what stands before us
We close the divide because we know, to put our future first,
we must first put our differences aside
We lay down our arms
so we can reach out our arms
to one another
We seek harm to none and harmony for all
Let the globe, if nothing else, say this is true:
That even as we grieved, we grew
That even as we hurt, we hoped
That even as we tired, we tried
That we’ll forever be tied together, victorious
Not because we will never again know defeat
but because we will never again sow division
Scripture tells us to envision
that everyone shall sit under their own vine and fig tree
And no one shall make them afraid
If we’re to live up to our own time
Then victory won’t lie in the blade
But in all the bridges we’ve made
That is the promised glade
The hill we climb
If only we dare
It's because being American is more than a pride we inherit,
it’s the past we step into
and how we repair it
We’ve seen a force that would shatter our nation
rather than share it
Would destroy our country if it meant delaying democracy
And this effort very nearly succeeded
But while democracy can be periodically delayed
it can never be permanently defeated
In this truth
in this faith we trust
For while we have our eyes on the future
history has its eyes on us
This is the era of just redemption
We feared at its inception
We did not feel prepared to be the heirs
of such a terrifying hour
but within it we found the power
to author a new chapter
To offer hope and laughter to ourselves
So while once we asked,
how could we possibly prevail over catastrophe?
Now we assert
How could catastrophe possibly prevail over us?
We will not march back to what was
but move to what shall be
A country that is bruised but whole,
benevolent but bold,
fierce and free
We will not be turned around
or interrupted by intimidation
because we know our inaction and inertia
will be the inheritance of the next generation
Our blunders become their burdens
But one thing is certain:
If we merge mercy with might,
and might with right,
then love becomes our legacy
and change our children’s birthright
So let us leave behind a country
better than the one we were left with
Every breath from my bronze-pounded chest,
we will raise this wounded world into a wondrous one
We will rise from the gold-limbed hills of the west,
we will rise from the windswept northeast
where our forefathers first realized revolution
We will rise from the lake-rimmed cities of the midwestern states,
we will rise from the sunbaked south
We will rebuild, reconcile and recover
and every known nook of our nation and
every corner called our country,
our people diverse and beautiful will emerge,
battered and beautiful
When day comes we step out of the shade,
aflame and unafraid
The new dawn blooms as we free it
For there is always light,
if only we’re brave enough to see it
If only we’re brave enough to be it
(Amanda Gorman)

 

Tuesday, April 28, 2020

Chiều tháng 4




Ngày xưa, 
nỗi buồn
là những chiếc lá bàng
lang thang
trên dòng sông quê Ngoại
chở nhớ về quên

Ngày nay, 
nỗi buồn
là vạt nắng trên sông
miên man
những con sóng bạc đầu
chở quên về nhớ 

Và ngày ấy, 
chiều tháng Tư
mưa đầu mùa
đến vội
rớt vô tình trên khoé mắt em cay
khóc sũng ướt tuổi thơ tôi mới lớn

Bàn tay nhỏ
vụng về sao đủ nắm ?
nên tình ta lem luốc chốn thiên đường
Ký túc xá vẫn hàng đêm đói bụng
con đường về chỉ có lá me bay 

Em và tôi, 
ôm câu hát của một thời mộng mị
đợi đêm về len lén ngủ quên ăn 
thời cúp điện lập loè thơ Vỡ đất (*)
đợi lả người chửa thấy chén cơm không (**)

Em không khóc,
nhưng lòng tôi se thắt
sách vở nào đắng nghét giảng đường xưa 
hờ hững khép bàn chân không trở lại
quay lưng đi hôn chẳng tạ từ môi



Tôi có ba mươi năm
để quên
nhưng không đủ cho một chiều
để nhớ. 
Ngày trở lại 
tháng Tư 
mắt em tròn ngấn lệ 
mặn phù sa bao thế kỷ rêu phong 
chợt vỡ nát đôi bàn chân nứt nẻ
bước ngập ngừng 
trên góc phố thân quen 

Chiều tháng Tư,
tôi nhìn em 
ngơ ngác 
lá me đầy 
trên tóc nhuộm rưng rưng
vẫn cứ ngỡ cầu Hiền lương nối lại 
sông Gianh buồn chia cắt đã hôm qua
sao níu bước nhạt nhoà chân dấu cũ 
tội tình nào 
lam lũ một quê hương ?

Chiều tháng Tư,
em nhìn tôi 
cuối mặt 
đếm nỗi buồn trên tuổi đá hư hao,
đời gió cát 
trĩu lòng ai thổn thức
đêm lở bồi 
rưng rức tiếng Mẹ ru ...

PN 
(một chiều tháng Tư)


(*) Bài thơ Vỡ đất của HHT "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
(**) cơm không có độn 








Friday, January 24, 2020

Phiếm: Chiếc kẹp tóc thơm tho



Mùa hè vừa qua mình về VN. Đúng lúc, giáo sư E.H, một người bạn vong niên của mình cũng về. Không hẹn mà gặp ở Saigon. Ông là tiến sĩ của đại học Yale về ngôn ngữ Đông phương và từng dạy học ở đại học UNC- Chapel Hill, bang North Carolina. Lâu lâu ở Mỹ mình và ông ta cũng gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất cho vui. Dĩ nhiên là ông ta nói tiếng Việt, tiếng Hoa, lưu loát, không cần phải thông dịch. Mình với ông có cùng sở thích là thích lang thang đi đây đi đó, ăn uống đơn giản, quán xá vỉa hè bình dân... đặc biệt là món rau muống xào tỏi :-). Nhớ có buổi sáng, hai người uống cà phê ngoài bờ kè kênh Nhiêu Lộc, giáo sư E.H say sưa kể cho mình nghe câu chuyện gốc gác của bài hát "Chiếc kẹp Tóc Thơm Tho" mà nhạc sĩ Phạm Duy từng kể lại cho ông trước đây. Thực ra đó cũng là lần đầu tiên mình nghe đến bài hát này. Có lẽ đây không phải là một bài dễ hát và dễ nghe. Rồi cả hai cùng im lặng nhìn về phía con kênh Nhiêu Lộc chầm chậm lững lờ. Ngoài kia vẫn là những đứa bé chăm chỉ bán vé số trong giờ đi học, lầm lũi giữa giòng người qua lại như mắc cửi. Phía bên kia kênh, những toà nhà cao ốc mới sừng sững mọc lên, nghiêng mình soi bóng bên con nước đen ngòm mang đầy rác rưởi..... 

Đại khái nội dung của bài hát nói về một đứa bé (người thật việc thật) đã đem lại cảm xúc cho nhạc sĩ Phạm Duy viết lên ca khúc này. Một em bé gái nghèo, bán vé số dưới bến phà miền Tây, đã khẳng khái từ chối khoảng tiền biếu tặng của nhạc sĩ, mà chỉ muốn kiếm tiền sòng phẳng bằng chính công sức bán vé số của mình. Và sau đó, để trả ơn ông PD đã mua vé số nhiều, cô bé tặng ông chiếc kẹp tóc của chính mình. Thực ra đây không phải là câu chuyện hiếm hoi lắm, nhưng là một thái độ sống rất đáng trân quý giữa một xã hội đầy rẫy những chuyện phù phiếm, vô cảm, nặng về hình thức bên ngoài như VN hôm nay.

Tuần rồi mình cũng mới về miền Tây cùng với mấy người bạn. Dĩ nhiên bây giờ không còn phà nữa, và nhiều người bán vé số đã đi bằng xe máy. Nên chỗ nào dừng lại cũng có người chạy xe máy đến mời mua. Chiều cuối năm, bên đường rải rác hoa xuân bày bán, rau quả dập dìu sông nước ngược xuôi. Mình bỗng lan man nhớ đến cô bé bán vé số ngày xưa trong bài hát của nhạc sĩ PD. Không biết em bây giờ ra sao, đã sắm được chiếc xe máy để đi bán vé số chưa, hay đã bị cuộc sống khốn khổ vùi dập từ lâu rồi ?

Một cảm xúc miên man quen thuộc. Cuối năm về thăm nhà bao giờ cũng buồn vui lẫn lộn. Đôi lúc vô tình nghe lại một khúc hát cũ, hoặc chạy ngang một góc phố xưa, bao nhiêu cảm xúc bỗng ùa về. Chợt thèm được như cụ Vũ đình Liên để được đơn giản gặp lại những hình ảnh ông đồ "... bày mực Tàu, giấy đỏ, bên phố đông người qua". Hoặc chỉ để nhìn thấy " lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay", hay là để hoài niệm "những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?" .... 

Tuy nhiên sự chờ đợi và thực tế thường là khác nhau. Mong đợi thì nhiều, nhưng đến khi được đi qua phố "Ông đồ" ở Tao đàn, lại lầm lũi cố bước qua nhanh. Ngồi taxi nghe anh tài xế kể chuyện hết ông cựu bộ trưởng này đến ông thứ trưởng kia tham nhũng nhận hối lộ. Rồi đến khi ra toà lại khóc lóc van xin, đổ bịnh mất trí nhớ, sáng khai nắng chiều lại khai mưa. May nhờ luật pháp "nghiêm minh" cho trả tiền lại, khắc phục hậu quả, được tha bổng vì có lý lịch nhân thân tốt. Nghe đâu cứ tưởng chuyện đùa !
Uống cafe với đứa em quen, mặt buồn buồn kể chuyện "bị" sưu tra lý lịch vì sắp được lên chức. Vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ nợ nần gì (nếu có) thì 45 năm qua, đời cha, đời ông của họ cũng đã trả hết rồi. Thậm chí nhiều người đã phải chết đi để trả những món nợ thù hận thắng thua, thế sao còn liên luỵ đến đời con đời cháu dai dẳng đến vậy. "Trả" rồi sao chưa "tha" cho họ, cũng như đã từng tha cho ông bộ trưởng thứ trưởng nào đó "trả" lại thùng trái cây đô la ? Mà thực sự là cho đến nay mỗi khi nhắc đến chuyện lý lịch ba đời thì rất nhiều người vẫn còn thấy xót xa. Quả nhiên đó là những nỗi đau thế hệ mà lịch sử khó quên. Rồi sẽ còn kéo dài bao lâu ? Là nguyên cớ hay là nguyên nhân ? Hoà hợp hay ngăn cách ? Xưa này cũng chưa từng thấy một sự hòa hợp hoà giải nào lại được xây dựng bằng những hận thù và định kiến. 
Đi xe ôm Grab, cậu em trai tốt nghiệp đại học, thất nghiệp, chạy xe ôm đợi ngày về quê ăn tết. Vừa lạng lách tránh kẹt xe, vừa vanh vách kể cho mình nghe cả hơn nửa dàn lãnh đạo của TP HCM bị dính vụ đất cát kỷ luật vào cuối năm, ai cũng tiền tỷ như quân Nguyên... Nghe cứ như là những câu chuyện buồn tổng kết cuối năm, chuẩn bị đi theo ông Táo về trời :-). 
Cũng có tin vui. Chạy về nhà đi ngang Đồng Nai, Phú Túc, Gia Kiệm, Định quán, Phương lâm .... không còn gặp mấy anh CSGT làm luật ở đó nữa. Hỏi thăm chuyện lạ, thì ra tỉnh DN mới đổi ông sếp lớn. Mừng ghê, ai cũng mừng !

Nói chung là về quê hương thì bao giờ cũng thấy đầm ấm, gần gũi. Nhưng đôi lúc đọc nhiều tin tức, nghe nhiều câu chuyện, thấy nhiều cảnh tượng, lại thấy lòng mình hoang mang. Thực ra là nghe nhiều chuyện quá, nên cũng không nhớ hết được. Mấy tuần qua có câu chuyện Đồng Tâm ngoài Bắc là đình đám nhất. Mặc dù báo chí hầu như không đăng tải hoặc có quá ít về thông tin này, nhưng đi đâu, ngồi quán vỉa hè nào cũng nghe người ta nhắc đến chuyện này. Hình như có chút gì nghèn nghẹn trên môi và nhiều trắc ẩn đằng sau những câu chuyện giải bày. 

Còn nói đến chuyện hoa quả ngày Xuân của năm nay, SG & các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ cũng bày bán khá nhiều, như dường như ít nguời mua sắm hơn mọi năm. Hy vọng những ngày cận tết sức mua sẽ tăng hơn. Cầu mong mọi điều tốt đẹp với nhà vườn. Nếu không, lại khổ thân cho kiếp nhà nông, nuôi quân cả năm chờ đợi vài ngày, nhưng rồi lại phải dỡ bỏ bán tháo.

Nhìn lại đất nước VN sau 45 năm trôi qua. Một thời gian khá dài cho bất kỳ một sự thay đổi nào. Tưởng chừng như đất nước VN đã vượt qua những rào cản khó khăn của giai đoạn tạm thời, đã hoàn thiện những lỗ hổng của hệ thống pháp lý cũng như những căn bản về cấu trúc vận hành xã hội, để mạnh mẽ vươn lên hoà nhập với thế giới văn minh. Cũng tưởng chừng như VN đang bước vào giai đoạn phát triển công nghệ 4.0, phát triển công nông nghiệp phồn thịnh, giáo dục y tế ổn định. Nhưng ngược lại, cho đến nay VN dường như vẫn còn loay hoay với chính sách sở hữu đất đai, luật công tư, và những vấn đề như thu hồi, cưỡng chế, phân bổ, phê duyệt dự án ...v.v. Những đại án liên quan đến cán bộ tham nhũng đất đai vẫn nhan nhản xảy ra hàng ngày. Bắt bớ, tù tội, biểu tình, dân oan....vẫn là những đề tài nóng bỏng thời sự.

Mình không biết nhiều và cũng không hiểu được tại sao VN có quá nhiều vị lãnh đạo đất nước vướng vào vòng lao lý đất cát như vậy, nên không có ý kiến gì. Chỉ là trên thế giới hiện nay hiếm khi thấy một đất nước nào lại dễ dàng có nhiều vấn đề tội phạm liên quan đến đất đai như thế. Bên cạnh đó thì cũng có một số người lạc quan vì VN ngày càng nhiều tỉ phú. Nhưng thông thường một đất nước mà đại đa số tỉ phú hàng đầu đều liên quan đến địa ốc, các nguồn thu nhập khủng đều đến từ đất cát, chứ không phải do công nghệ sản xuất hoặc các đột phá về khoa học kỹ thuật, thì người ta thường nhìn nhận sự giàu có đó bằng cách nghĩ khác !

Hôm rồi xuống đèo B'lao, dừng lại mua sầu riêng, nhìn mấy em nhỏ bán vé số, tự dưng mình nghĩ nhiều đến cô bé có "chiếc kẹp tóc thơm tho" của nhạc sĩ PD năm nào. Giá như cuộc sống này có nhiều người mang tâm hồn trong sáng và lòng tự trọng như em, xã hội có thể đã được tốt đẹp hơn. Giá như những vị tham quan có lòng tri ân và công bằng với người khác như em, có lẽ đất nước VN đã được chắp cánh bay cao. Và biết đâu em cũng đã được hồn nhiên cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, mà không cần phải lam lũ bán từng tờ vé số !

Hôm nay chiều 30 Tết, lại một năm mới sắp đến, gần nửa thế kỷ trôi qua tính từ 1975. Nếu như lời chúc phúc có ứng nghiệm, thì mình xin chúc cho đất nước VN có nhiều câu chuyện như "Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho”. Cầu mong mọi chuyện thay đổi tốt đẹp, đất nước an bình hơn, con người đối đãi nhau tử tế hơn, buông bỏ hơn, và những người khổ cực được nhẹ nhàng hạnh phúc hơn. Cũng thân chúc các bạn hữu, anh em, và gia đình một năm mới an vui, vạn sự như ý.

PN

Friday, October 11, 2019

Ocean Vương - thế hệ VN mới ở hải ngoại

Ocean Vương - TÔI ĐÃ HỌC LÀM CON TẮC KÈ CÓ THỂ ĐỔI MÀU DA

Phỏng vấn : Khuê Phạm (ZEIT ONLINE Team)
Người dịch : Tôn Thất Thông

Read the English version of this article here - Đọc bài phỏng vấn tiếng Anh đăng trên trang ZEIT ONLINE ở đây




ND : Xin giới thiệu với độc giả một cuộc phỏng vấn lý thú. Trước hết, người được phỏng vấn là Ocean Vương, một người Mỹ gốc Việt thế hệ hai, vừa xuất bản cuốn sách trong năm nay, trở thành một bestseller của New York Times và nhanh chóng được dịch ra 24 thứ tiếng. Thứ hai, người phỏng vấn là nhóm ký giả của ZEIT ONLINE ở Hamburg, được hướng dẫn bởi Khuê Phạm, một người Đức gốc Việt thế hệ hai. Thứ ba, nội dung phỏng vấn xoay quanh chủ đề nhập cư, và dường như có một sự đồng cảm sâu sắc giữa người phỏng vấn và người trả lời.. Điều đáng mừng là cộng đồng trí thức Việt Nam hải ngoại không chỉ có chuyên gia trong các ngành nghề truyền thống, mà đã có những who-is-who trong văn học và truyền thông đại chúng.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương là một sự kiện văn học quan trọng trong năm nay [2019]. Sau đây là cuộc trò chuyện với tác giả về Việt Nam, về định kiến châu Á và sự cô đơn trong các chuyến xe buýt đến trường.

Ocean Vương đứng đó với nụ cười bẽn lẽn trong phòng khách sạn ở Berlin và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ. Người Mỹ 30 tuổi này sinh ra ở Sài Gòn và mới phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay On Earth, We’re Briefly Gorgeous, mang lại cho anh danh tiếng là một thần đồng văn học. Ở Berlin, anh xuất hiện trên bục đọc sách tại Liên hoan văn học quốc tế. Vào ngày thứ sáu cuối tháng 9 này, anh mặc một chiếc áo màu xanh, đội mũ lưỡi trai màu hồng và đeo một chiếc khuyên dài bằng vàng ở tai phải. Một nhà thơ tỏa ra một hỗn hợp của sự dễ bị tổn thương và niềm tự hào. Khi biết rằng, người phỏng vấn cũng có bố mẹ người Việt, mặt anh sáng bừng lên. Anh chuyển đổi dễ dàng từ tiếng Anh sang tiếng Việt trước khi quay lại tiếng Anh.

ZEIT ONLINE : Ông trốn khỏi Việt Nam cùng gia đình khi ông mới có hai tuổi. Ông có còn ký ức nào về thời gian trước đó không ?

Ocean Vương : Không còn một chút nào. Điều đó thật buồn cười, nhưng những ký ức đầu tiên của tôi là từ Mỹ. Dù sao, tôi vẫn còn bà con ở Việt Nam và thỉnh thoảng có về thăm. Năm 2009, tôi có mặt ở đám tang của bà tôi. Lúc ấy tôi thật bối rối: Trong đầu óc tôi, hình ảnh Việt Nam được tạo thành qua lời kể của những người bà con. Tuy nhiên, khi ở Sài Gòn, tôi cảm thấy như mình đang ở Times Square thành phố New York. Nó giống như một thế giới khác ! Văn hóa cũng đã thay đổi : trẻ con cởi mở và tự do hơn nhiều, gần như thiếu lễ độ. Tôi đã được giáo dục rất nghiêm ngặt ở nhà; khi tôi thấy chúng nói chuyện với bố mẹ, tôi cảm thấy mình như một bà già.

ZEIT ONLINE : Ông lớn lên cùng gia đình Việt Nam tại Hartford, Connecticut. Cuộc sống đó giống như thế nào ?

Vương : Chúng tôi bảy người sống cùng nhau trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ : bố mẹ tôi, bà tôi, chú tôi, hai dì và tôi. Họ từng là nông dân trồng lúa, không được học hành và cũng chưa hề có một chiếc TV ; khi bạn vào căn hộ đó, bạn có cảm giác như một cuộc hành trình vào quá khứ. Nhưng đồng thời, nơi đó thật vô cùng sinh động, giống như một ngôi làng nhỏ. Luôn luôn có một điều gì đó diễn ra, tiếng Việt luôn luôn được nói, không có một lúc nào yên lặng. Đối với một đứa trẻ như tôi không quen nói nhiều, điều đó thật tuyệt vời : tôi chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe và cảm nhận một phần của gia đình này.

ZEIT ONLINE : Điều gì đã xảy ra khi ông rời khỏi ngôi làng nhỏ này và bước ra ngoài ?

Vương : Chúng tôi sống ngay tại trung tâm thành phố, trong một cộng đồng người da đen và châu Mỹ La-tinh. Bởi vì chúng tôi không có xe hơi, nên chúng tôi phải đi bộ đến khắp mọi nơi. Tôi không biết rằng nước Mỹ chủ yếu là người da trắng, cho đến khi tôi lớn lên và lái xe đến trung tâm thương mại. Lúc ấy tôi nghĩ : Đợi đã, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy ?! Có huyền thoại là, nước Mỹ là một chiếc nồi dùng để nấu chảy mọi thứ, nhưng trong thực tế không có gì được hòa nhập với nhau, mọi thứ đều tách biệt. Bây giờ khi nghĩ về điều đó, tôi tin rằng thông qua những thế giới khác nhau này, tôi đã học được cách trở thành một con tắc kè hoa [có thể tự đổi màu] : tôi có thể điều chỉnh hành vi và cách nói chuyện của mình ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Đối với một nhà văn, đó là điều tuyệt vời nhất : tôi có thể biến mình trở thành bất kỳ tính chất nào, thành bất kỳ nhân vật nào.

ZEIT ONLINE : Có người Việt nào khác trong khu phố của ông không ?

Vương : Có một gia đình Trung Quốc, nhưng họ không bao giờ rời khỏi nhà. Nhưng cũng có một siêu thị châu Á. Nó rất nhỏ và được nhồi nhét từ trên xuống dưới bằng ấm trà, đũa và những chiếc chăn đỏ kiểu Việt Nam. Mẹ tôi thường mua sắm ở đó một cách chậm rãi đặc biệt, để có nhiều thời gian hơn ở đó. Mẹ tôi chỉ vào các thứ và nói, "Đây là nước mắm, nước tương. Con làm Phở như thế." Khi còn bé, tôi ghét nó, nhưng bây giờ tôi nghĩ nó rất đẹp, một sự giáo dục tuyệt vời.

Vương ăn nói nhỏ nhẹ với dáng trầm tư. Anh đến với văn học qua thơ. Những bài thơ của anh đã xuất hiện trong các báo lớn như New Yorker hay New York Times, tập thơ Night Sky with Exit Wounds được Giải thưởng T. S. Eliot và sẽ được Hanser (ND : Nhà xuất bản Đức) xuất bản vào mùa xuân năm sau trong phiên bản song ngữ (Nachthimmel mit Austrittswunden). Cuốn tiểu thuyết On Earth, We’re Briefly Gorgeous có một hình thức trữ tình khác thường : Nó được viết như một lá thư ; người kể chuyện về „Tôi“ viết cho người mẹ Việt Nam của mình, một người không biết đọc.

Trong từng mảnh vỡ, Vương kể về cuộc đời của một cậu bé tên là Little Dog, cũng sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Hartford và yêu một cậu bé da trắng, người sau này đã rơi vào nghiện ngập ma túy. Từ bản phác thảo của anh, người ta đọc được nỗi đau của một người ngoại cuộc, người đấu tranh để thoát khỏi quá khứ chiến tranh của gia đình và giới hạn của môi trường sống chung quanh. Vương nói, tất cả các nhân vật đều dựa trên những con người thật. Anh chủ ý quyết định không viết như một cuốn hồi ký hoặc sách phi hư cấu : các nhân vật của anh nên có một cuộc sống của riêng họ.

Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi !

ZEIT ONLINE : Little Dog, nhân vật chính trong cuốn sách của ông, đón xe buýt đến trường mỗi buổi sáng và đau khổ với sự thật rằng, không ai muốn ngồi bên cạnh mình. Ông thường có trải nghiệm này không ?

Vương : Vâng, điều đó thường xuyên xảy ra với tôi. Trong phiên bản đầu tiên, tôi đã viết một phiên bản trung thực hơn của cảnh này trên xe buýt, nhưng sau đó lại lấy nó ra vì nó quá hoàn hảo, giống như một cảnh trong phim ảnh.

ZEIT ONLINE : Câu chuyện thực sự như thế nào ?

Vương : Một hôm, một cô gái da trắng thấy tôi ngồi đó và khóc. Cô cũng bị người khác trêu chọc vì cô có niềng răng và đeo kính. Cô ấy ngồi xuống cạnh tôi và làm một điều tuyệt vời. "Bạn có bảng tính nhân ở đó không?", cô ấy hỏi tôi. "Một lần một là 1. Hai lần hai là 4." Chúng tôi cùng nhau nói như thế. Sau khi tôi viết ra cảnh này, tôi đọc lại một lần nữa và tự nhủ : Khoảnh khắc này có giá trị thật tuyệt vời đối với tôi, tôi không muốn biến nó thành văn học. Dường như tôi đã sai. Trong cuốn sách, Little Dog sau đó được người ông da trắng cứu thoát.

ZEIT ONLINE : Có vấn đề gì không, khi ông luôn phải ngồi một mình trong xe buýt đến trường ?

Vương : Mẹ của Little Dog khuyên hắn là nên làm kẻ vô hình để không ai chú ý đến. "Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi", bà nói. Bà ấy đến từ một thế giới khác, từ chiến tranh, vì vậy bà ấy muốn bảo vệ đứa con của mình : ai tỏ ra lộ liễu quá, sẽ có nguy cơ bị làm tổn thương. Đứa bé nghe lời mẹ. Một mặt, cuốn sách là một cuốn tiểu thuyết giáo dục, nhưng mặt khác cũng là cuốn tiểu thuyết nghệ thuật. Làm thế nào mà người này trở thành một nghệ sĩ ? Làm thế nào mà đứa trẻ này, luôn cố gắng làm ra vẻ vô hình, rồi cuối cùng bắt đầu nói và tìm kiếm sự thỏa mãn trong tình dục của mình ?

ZEIT ONLINE : Những cảnh ân ái giữa Little Dog và người bạn da trắng của anh ta, Trevor, thật vô cùng mạnh mẽ. Thật hiếm khi người ta đọc được một điều như vậy. Có khó không để viết như thế ?

Vương : Những cảnh này rất khó, nhưng tôi muốn viết ra vì chúng nói lên khía cạnh của sự đồng tính luyến ái, chuyện mà mọi người sợ nhất. Chúng ta học được lạc thú tình dục khi gặp thất bại. Ở trường, họ không dạy bạn bất cứ điều gì về tình dục đồng tính trong giáo dục giới tính. Cha mẹ không hề nói điều đó với con cái. Không có gì hết. Người ta vấp ngã trong bóng tối, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, và đó là một phần của trải nghiệm bản thân. Tôi muốn tôn vinh truyền thống lâu đời của những người đồng tính.

ZEIT ONLINE : Bằng cách viết những cảnh ân ái này một cách cởi mở, ông cũng đã phá vỡ định kiến của người đàn ông châu Á vốn thường là ức chế.

Vương : Người châu Á thường được cho là nhỏ bé, ít nói và có nữ tính – những phẩm chất được coi là yếu đuối ở Mỹ. Điều khuôn mẫu là, chúng tôi làm như thể người khác luôn luôn có lý, và thể hiện một bản sắc "theo sau quí vị !". Chúng tôi làm việc trong ngành dịch vụ, trong tiệm giặt ủi và tiệm nail, chúng tôi dọn dẹp khách sạn và chăm sóc người bệnh. Tôi rất quan tâm đến những gì sẽ xảy ra, khi một người Mỹ gốc Á chấm dứt việc cố gắng làm hài lòng người khác và bắt đầu tự chú ý tới bản thân mình.

Sẽ như thế nào khi ta thuộc về một thiểu số đang dần dần trở nên hữu hình ? Vương giơ tay lên không trung và làm một vòng bán nguyệt, để tưởng tượng một đống tuyết cao. Anh nói, là một nghệ sĩ châu Á có nghĩa là chạy qua đống tuyết này. Ban đầu không có gì hết, nhưng cuối cùng còn một dấu vết ở đó.

ZEIT ONLINE : Năm ngoái có một bộ phim Hollywood đã được ra mắt trong các rạp chiếu bóng. Tất cả diễn viên đều là người gốc Á, không có ngoại lệ, đó là phim Crazy Rich Asians. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, phim đó đã giành vị trí số một trên bảng xếp hạng điện ảnh Mỹ. Ông đã xem chưa ?

Vương : Crazy Rich Asians là một bộ phim hài lãng mạn vốn không lý giải sâu sắc các chủ đề của người Mỹ gốc Á. Nhưng nó đã chạm vào cánh cửa và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi không đặc biệt thích thể loại này, nhưng tôi đã xem vì nó quan trọng. Đó là một buổi sáng lúc mười một giờ và phòng chiếu phim đầy những khán giả da trắng. Cảnh đầu tiên bắt đầu với một bài hát opera tiếng Hoa. Tôi ngồi đó và ứa nước mắt. Bất kể nội dung phim thế nào – ở đây toàn những người da trắng, lúc mười một giờ sáng, nghe một bài hát opera tiếng Hoa ! Chỉ riêng điều đó thật là quan trọng !

Bà rất tự hào, rằng con bà đã làm được chuyện như thế

ZEIT ONLINE : Ông có nghĩ rằng bây giờ công chúng quan tâm hơn đối với những câu chuyện thuộc loại đó không ? Ông có được lợi ích từ điều đó không ?

Vương : Hoàn toàn đúng. Nếu tôi viết cuốn sách của mình vào năm 1970, sẽ không có ai biết gì về nó. Tôi thậm chí sẽ không dám đặt chân vào một tòa nhà xuất bản ! May mắn thay, đã có một vài nhà văn mở đường : người đấu tranh cho nữ quyền Maxine Hong Kingston, người đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn, tiểu thuyết gia Monique Truong. Trong thời gian qua, ý thức đã mạnh hơn... Câu hỏi là, liệu nó sẽ giữ như vậy hay không.

ZEIT ONLINE : Sách của ông đã được dịch sang 23 ngôn ngữ. Có ai dịch ra Việt ngữ chưa ?

Vương : Cho đến bây giờ thì chưa. Việt Nam thật khó khăn, vì có rất nhiều kiểm duyệt và cuốn sách thì nói về Việt Nam. Nhưng sách đã được bán ở Trung Quốc, nơi nó cũng bị kiểm duyệt một chút.

ZEIT ONLINE : Gần đây, tôi có về Sài Gòn và nghe một số trí thức đang nói về ông. Họ biết ông qua kênh YouTube.

Vương : Có một sự khác biệt lớn giữa nhà nước Việt Nam và các nghệ sĩ trong bóng tối. Ở Việt Nam từ trước vẫn luôn như vậy, nhưng bây giờ chúng ta biết được nhiều hơn thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Khi họ bảo tôi nên về đó, trái tim tôi thật xao xuyến. Tôi cũng muốn thế, nhưng nhiều người bạn của tôi gặp vấn đề về thị thực nhập cảnh khi họ muốn du lịch đến đó, hoặc họ bị rơi vào danh sách của bộ máy an ninh quốc gia. Tôi đang chờ đợi một cơ hội tốt để đi. Nhưng tôi biết rằng, có nhiều điều tuyệt vời trong đời sống ngầm, cũng như việc đọc thơ.

ZEIT ONLINE : Ông đã dịch vài đoạn văn từ cuốn sách của mình để đọc cho gia đình nghe chưa ?

Vương : Tôi không thể dịch nó. Tiếng Anh quá phức tạp và vốn tiếng Việt của tôi chưa đủ tốt. Trước đây, tôi muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình vì tôi nghĩ về việc sẽ làm nghề phiên dịch. Rồi tôi học nhiều từ mới, đem về nhà và sử dụng chúng. Gia đình tôi không hiểu gì hết. Tôi tự nhủ : Tôi quả thật đã ở rất xa họ vì tiếng Anh của tôi, tôi không thể để bản thân mình bị tách xa hơn khỏi gia đình chỉ vì vốn tiếng Việt. Có lẽ tôi sẽ học lại, khi họ không còn nữa. Nhưng bây giờ, tôi cứ để tiếng Việt của mình ở tình trạng này, tức ở trình độ lớp ba.

ZEIT ONLINE : Cuốn sách của ông là một lá thư gửi mẹ của người kể chuyện về „tôi“. Mẹ của ông nói gì về chuyện đó?

Vương : Tôi nói với mẹ tôi những gì tôi đang viết, nhưng hơi giống như tôi đang kể cho mẹ về chuyện ở Sao Hỏa. Đó không phải là thế giới của mẹ tôi. Những người trong gia đình tôi làm việc trong các nhà máy và tiệm làm móng, đọc chữ là một thứ hàng xa xỉ tư sản mà họ chưa bao giờ có. Tại sao tôi nên yêu cầu họ phải quan tâm? Bằng cách nào đó, tôi thích thế này: Khi tôi về nhà, tôi chỉ là một đứa con trai, không phải là nhà văn Ocean Vương. Tuy nhiên, mẹ tôi lại thích đến những buổi đọc sách của tôi, bà trang điểm thật hợp thời trang và nhìn khán giả vì bà không hiểu tôi đang nói gì. Bà muốn nhìn thấy khuôn mặt của họ, và nghiên cứu họ như một nhà nhân chủng học. Bà rất tự hào rằng, con trai mình đang làm điều như thế.

ZEIT ONLINE : Rằng con bà đạt được điều đó.

Vương : Chính xác. Bây giờ tôi có thể hỗ trợ mẹ. Trước đây, người ta phải gọi điện khắp bà con nếu ai đó cần một chiếc răng mới hoặc khi chiếc xe bị hỏng. Cả làng chìm trong sự rộn ràng. Sau đó, chúng tôi phải đến siêu thị châu Á nhỏ kia để vay tiền. Điều đó thật khủng khiếp và vô cùng căng thẳng. Bây giờ tôi có thể xử lý nó khi điện thoại đổ chuông, thật giống như trò ảo thuật. Đôi khi tôi nói đùa về nó. Khi mẹ tôi gọi, tôi nhấc máy và chỉ hỏi : bao nhiêu ? (Cười)

ZEIT ONLINE : Nhiều người nhập cư thế hệ một hy sinh rất nhiều để con cái họ được tốt hơn. Mẹ ông hiện đang bị ung thư. Ông có cảm thấy rằng thành công của ông là một sự bù đắp cho sự đau khổ của bà ? Rằng ông có thể trả lại cái gì đó cho bà ?

Vương : Điều đó có thể đúng, nhưng tôi cũng sẽ hỗ trợ mẹ tôi ngay cả khi tôi không trở thành nhà văn. Khi tôi học cấp ba, tôi làm việc tại Panera Bread (ghi chú BBT: một chuỗi cửa hàng bánh của Mỹ). Tôi lo chuyện nhập đơn đặt hàng cho các bánh sandwich trên máy tính. Những người khác đã làm tốt điều đó, nhưng tôi vẫn không thể xử lý nổi chiếc máy tính. Anh chàng làm bánh sandwich lúc nào cũng la mắng tôi, "Ocean, bạn đã làm sai!" Tôi xin mọi người cho tôi đi dọn dẹp nhà vệ sinh, họ hết sức ngạc nhiên. Ông chủ chạy theo tôi vì ông nghĩ rằng tôi đang tính làm điều gì đó cấm kị. Nhưng tôi chỉ muốn ở một mình, điều đó tốt hơn cho tôi rất nhiều. Ngay cả thời đó, tôi cũng đã hỗ trợ mẹ và gia đình tôi.

Đăng trên ZEIT ONLINE ngày 1 tháng 10 năm 2019

Saturday, February 02, 2019

Thơ: Chiều vỉa hè cuối năm



Em,
Xấp vé số dày hơn thường nhật,
bàn chân non tất bật hơn nhiều,
rảo từng góc phố hắt hiu
môi khô thấm lạnh tím chiều cuối năm...

Anh,
lốc cốc gõ đều đêm hủ tíu
Năm qua đi túng thiếu vẫn còn
quê nhà thấp thỏm đàn con,
giấc mơ áo mới mỏi mòn đợi cha

Chị,
mai gói ghém về quê ăn Tết
nhọc nhằn nào dấu hết, quên đi.
Bầy con biết mấy mùa thi ?
lo toan sao hết xuân thì sắp qua !

Còn tôi,
vẫn cứ thế, 
chiều nay tháng Chạp
góc vỉa hè ngồi hát nghêu ngao
xứ người Tết đã xôn xao 
ngẩng đầu mây trắng nơi nào cố hương ?


PN





Friday, February 01, 2019

Tản mạn chiều cuối năm



Hôm qua, nhiều tiểu bang miền trung nước Mỹ đã phải vất vả đối chọi với một cơn lạnh kỷ lục, mấy chục độ âm. Nhiều thành phố, chính phủ và cơ quan thiện nguyện tìm cách giúp đỡ những người vô gia cư và những gia đình khốn khó có nơi tạm trú ấm áp hơn. Một người vô danh tại Chicago đã thanh toán tiền khách sạn dùm cho 70 người vô gia cư trong nhiều ngày. Không ai biết thông tin gì về con người ấy. Nhiều người thắc mắc họ là ai. Đó là những tấm lòng vàng vô danh trong cuộc sống đời thường. Và câu chuyện đấy cũng không phải là một chuyện hiếm hoi trên đất nước này, hàng ngày vẫn có nhiều đóng góp thầm lặng khác, chẳng cần phải tên tuổi hay sự hồi đáp gì cả, mà chỉ mong cho xã hội ngày mỗi tốt đẹp hơn .....

Trong khi đó, nửa vòng trái đất bên kia, trời vào xuân, không khí ngọt ngào ấm áp. VN chuẩn bị đón Tết dân tộc. Sân bay, ga tàu, phố xá tấp nập, kẹt cứng. Người vui kẻ buồn. Người mong mỏi chờ đợi, kẻ đôn đáo lo toan. Nụ cười hớn hở của người Việt Kiều bước xuống sân bay, và giọt nước mắt của người con gái co ro trong gác trọ không tiền về quê đón tết, có cái chung mà cũng có cái riêng. Đó là những mùa xuân khác nhau trong cuộc sống đời thường !

Đã qua đã tới đã về
Tết từ bao bận tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về
(Bùi Giáng)

Ừ, lâu nay chuyện đi, về, tưởng chừng như rất ư là đơn giản trong thời đại này, nhưng thực ra không phải như thế. Thời sinh viên, mình đã từng ở lại ký túc xá cho đến chiều 30 cùng với những người bạn không về quê được. Cũng mới mấy năm trước đây, tối 30 Tết, mình có dịp gặp gỡ với nhiều người ở trọ khu bờ kè Kỳ Đồng, tha phương không về quê được. Hai thời điểm cách xa nhau, nhưng nỗi buồn giống nhau, cũng nhớ, cũng thương, cũng mong, cũng chếch choáng để quên đi một cái tết không vui ...

Còi khuya vọng mãi tiếng ngân
Lao đao núi thẳm cây gần tương tư
Tha phương đã réo mong chờ
Con tàu luân lạc đêm mờ còn say
Rượu ngon chở mấy toa đầy
Bánh xe muôn dặm còn ngây hương rừng
Giữa đêm cây núi chập chùng
Non sông chếnh choáng biết dừng nơi nao!
(Vũ Hoàng Chương)

Chiều cuối năm, về lại Kỳ Đồng, về lại Dòng Chúa Cứu Thế ... chỉ đơn giản là để nhớ đến một người bạn cũ đã mất. Chiều 30 cuối cùng trước khi rời VN, mình và hắn xin người chủ quán cho ngồi vỉa hè uống rượu đến tận Giao Thừa. Vẫn như cũ, hắn đọc thơ Nguyễn Bính, Quang Dũng cho mình nghe. Vẫn như cũ, hai đứa say sưa nói về Eric M. Remarque, về Chiến Hữu (Three Comrades), về Tình yêu & Vực Thẳm (Arc de Triomphe), về những ly rượu Calvados "huyền thoại", để rồi cả đêm nốc cạn từng ly đế Gò đen đợi chờ tết đến !
Ngày đó mỗi lúc lang thang, mình lại nghĩ đến Vũ Hữu Định. Thích thơ ông hơn, có lẽ tìm thấy ở đó môt sự đồng cảm. Nhớ hoài bài thơ ông viết cho bạn ngày tết:
.....
Duận ơi ! cuộc sống có bao giờ dễ nhớ
Ai có bạc chi mình cứ níu xóm làng
Tau vẫn nhớ hoài năm tháng lang thang
Mầy cứ nhắc làng quê Nam Phổ Hạ

Năm năm rồi tau giậm chân tại chỗ
Cũng thèm đi nhưng đi để mà về
Ta đã từng lang bạt
Nên hiểu hồn quê
Ôi cái hồn quê ngày tết
Nó cứ dật dờ hành mình dở chết
Ăn không ngon mà ngủ cũng không ngon
Trong thơ mầy khao khát quê hương
Hoà bình lại xa mất Huế

Thôi thì ở đâu cũng vậy
Con chim còn biết tập quen với lồng
Con cá còn tập quen với chậu
Con người cũng phải tập long đong ...
(Vũ Hữu Định)

Chạnh lòng ! Chạnh lòng mỗi khi xuân về. Chạnh lòng nghĩ đến bao nhiêu người đang có một mùa xuân khác. Thời đó có những người tự nguyện bỏ xứ ra đi để tìm đất sống, nhưng cũng có người bị bắt buộc phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Mỗi độ xuân về, đau đáu những nỗi lòng bên kia bờ đại dương mờ mịt, những ánh mắt thiết tha mong đợi từ những vùng kinh tế mới xa xăm, những ly rượu đắng nghét từ gánh hàng rong vất vả tha phương cầu thực, những cái nhìn u uẩn tuyệt vọng từ trại tù tận vùng biên giới heo hút buốt giá, những tờ thư mỏi mòn của người bộ đội biển đảo hay từ nước bạn xa xăm...v.v...đều có chung một nỗi lòng trắc ẩn. Trong đó có cả những ước mơ đơn giản nhỏ nhoi của những đứa trẻ học sinh nghèo lên thành phố học, những thanh niên mới lớn lên tận rừng thiêng nước độc "nghĩa vụ lao động", xẻ rừng đốn gỗ, xây dựng quê hương. Nhưng không phải chỉ có lời nhắn nhủ, hoặc nỗi lòng thổn thức của những đứa con "Xuân này con không về", mà còn rất nhiều giọt nước mắt của những người cha người mẹ khóc con. Những đứa con không bao giờ trở lại, những người vợ mất chồng, nhưng đứa trẻ mất cha. Có đứa vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương, có đứa mất tích trong rừng sâu thẳm, có đứa chết trong trại tù, có đứa ngã xuống ở Gạc Ma, có đứa nằm lại ở Tây Bắc, và có cả những đứa bỏ xác trên xứ người vì "nghĩa vụ quốc tế"... Có những người cha khắc khoải mong ngóng tin con, có những người vợ ngày đêm dõi mắt đợi chồng. Có những nhu cầu tưởng chừng vô cùng đơn giản như manh áo mới ngày xuân, nồi thịt kho, chén cơm không độn khoai ... lại trở thành ước mơ vời vợi. Nhưng đó cũng là mùa Xuân, những mùa Xuân khác !

Ngày mai lại tiết Xuân
Từ đầu rừng cuối biển
Qua trùng dương mấy bận
Chúng ta dù cách biệt
Cùng chung một mùa Xuân
Cùng chung một thế kỷ
Cùng đau khổ vô ngần ...
(Quang Dũng)



Và ngày đó qua rồi. Hôm nay đất nước đã đổi thay. Mùa xuân cũng khác đi, đầy đủ hơn, vui nhộn hơn, dĩ nhiên cũng ít nhọc nhằn hơn. Nhưng bao giờ cũng thế, xã hội luôn có quy luật hai mặt của nó. Mặt trái hôm nay cũng đa dạng hơn, nạn tham nhũng nhiều hơn, phạm pháp bắt bớ nhiều hơn, lạm dụng chức quyền nhiều hơn, đạo đức xã hội tha hoá hơn, con người chạy theo vật chất, vô cảm hơn. Khoảng cách tầng lớp xã hội ngày nay cũng cách xa hơn. Người giàu không hiếm, nhưng những người nghèo khốn khổ trong xã hội cũng nhiều. Người ta có cảm giác đất nước giàu có hơn, nhưng chính vì điều đó càng làm cho những người nghèo, buôn thúng bán bưng, công nhân, nông dân, phải vất vả hơn nhiều để tồn tại trong một xã hội có khoảng cách vật chất quá cách biệt.
Nhiều lần được gặp gỡ chuyện trò cùng một số người VN, du học sinh cũng có, VK cũng có, trong nước cũng có. Ai cũng nói có nghe, có đọc về những người dân khốn khổ ở quê nhà, nhưng thực ra ít có người tận mắt tiếp xúc và thấy được nỗi khổ sở lo toan của họ trong mỗi dịp xuân về !

Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa Xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu, xưa chính ở chỗ này.
(Bùi Giáng)

Hôm nay, chiều cuối năm. Lại một mùa xuân sắp đến. Nghe nói sân bay TSN năm nay đông nghẹt người về, nhiều nhất lâu nay. Kiều hối gởi về quê hương lên đến mức 16 tỉ Mỹ kim. Tự nhiên nghĩ đến những mùa Xuân khác mà mình đã trãi qua. Nhớ người bạn cũ, nhớ những câu thơ xưa đã một thời ám ảnh .....

Em trải áo trên hoa rừng man dại
Ðể hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau
Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi
Ðể hoa rừng phong nhụy với ngàn lau.
(Tuệ Sỹ)

Không biết ngày mai trời có trong
Đường xa xa nắng có mông mênh
Đêm đêm mơ thấy làm khăn gói
Để sớm mai rồi vẫn quẩn quanh
(Quang Dũng)

Mấy hôm nay, mình được tặng mấy đòn bánh tét bánh chưng, đã ăn tết sớm rồi :-). Có người hỏi mình xuân về mong gì. Chỉ cầu mong một đất nước an lành hơn, cơ chế xã hội văn minh dân chủ hơn, con người tôn trọng nhau hơn. Những thứ cần thay đổi sẽ thay đổi, những người tham lam ít tham lam hơn, những người tham nhũng biết nghĩ cho người khác hơn, và quan trọng nhất là những người hữu trách biết nghĩ cho đại cuộc hơn. Bên cạnh đó cũng mong ước những người có mùa Xuân an vui hạnh phúc nên dành chút thời gian nghĩ về những con người ngoài kia đang có một mùa Xuân khác không may mắn, để cùng sống với nhau tử tế hơn !

Một thời mây biếc đã trôi qua ,
Nay tưởng cây vàng lại nở hoa .
Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói ,
Đôi hồn không biết có nhìn xa ?
(Đinh Hùng)

PN
Chiều 27 Tết 




Thursday, November 22, 2018

Ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving)

"Mẹ ơi, đừng đánh con đau ,
Để con bắt ốc, hái rau Mẹ nhờ"
(Ca dao VN)

Ngọn roi nào
Mẹ đánh,
Con quên đã tự khi nào

Chỉ còn những giấc chiêm bao
Nửa đêm
con khóc,
ngọt ngào Mẹ ru.

Tô canh mướp
đầu mùa hoa trổ.
Vàng tuổi thơ nắng đổ sau hè
Chích choè thôi hót nằm nghe
Ầu ơ võng nhịp
chén chè bắp non.
Một đời tần tảo
nuôi con,
Ống cao ống thấp,
bống còn, đụt trôi !

Chén cơm Mẹ
chưa từng con thổi
Huống chi là bắt ốc hái rau
Cuối mùa 
trái bắp khô râu,
Búi ai tóc bạc
trổ màu nhớ thương

Cây roi không đánh
mà đau,
Ca dao ai hát
mà lau hạt buồn
Nồi cơm thơm phức
nàng Hương,
Nhớ tô canh mướp
mờ sương dụi hòai

Hôm nay, ngày lễ Tạ ơn
rưng rưng xứ lạ,
chạnh lòng
...
Tạ ai ?


PN

Sunday, June 17, 2018

Hai chữ nước nhà !

Hôm nay ngày lễ Cha (Father's Day), nghĩ đến Nguyễn Phi Khanh & bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải .





Hai chữ Nước Nhà
(Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyên Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đoạ tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi ! Hai chữ nước nhà !

(Nguồn: Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, NXB Văn học, 1984)

Thursday, April 26, 2018

Đợi phà ở Fort Fisher


Hoàng hôn buông tiếng thở dài
Lao xao con sóng đùa dai mạn thuyền
Rán chiều dấu nỗi buồn riêng
Vòm lau tắt nắng sầu nghiêng mái đầu

Phà ơi, còn đợi bao lâu ?
Ghềnh xa chiếc bóng giăng câu lạc loài
Chân trời dăm cánh chim bay
Vàng trơ bãi vắng đổi thay dã tràng

Công hầu sớm hợp chiều tan
Tang bồng chưa thoả luống tàn tháng năm !

PN


Tuesday, April 10, 2018

Nhớ Phạm Duy

Nhớ ngày đó nghe người bạn kể lại trong đám tang của nhạc sĩ Phạm Duy, không có một vòng hoa phúng điếu nào của hội nhạc sĩ Vietnam hoặc nhạc sĩ TP đem đến để tiễn biệt ông, mình cảm thấy thất vọng vô cùng. Một cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam ra đi, một gia tài văn nghệ đồ sộ để lại, những lời ca tiếng nhạc còn vang vọng mãi trên mọi nẻo đường ngõ ngách quê hương hôm qua, hôm nay, và mai sau ... Thế mà không một lời tri ân, không một vòng hoa tiễn biệt cho một người đã chết ? Thật là một sự khôi hài cho những danh từ hoa mỹ vẫn thường nghe như cái tâm, cái tầm, cái sĩ, cái dũng, cái nghĩa, cao thượng, vị tha, trí thức, văn hoá...v.v. Đáng buồn !

Cuộc sống này bao giờ cũng thế, một khi nổi tiếng, hay có những thành đạt nhất định, bên cạnh những vinh quang, người ta thường phải đối diện với cái mặt trái nhất định của nó. Đó là những tin đồn, hẹp hòi, định kiến, ghen tị, đố kị, thù ghét, nhỏ nhen .....từ người khác. Nhiều hay ít là do bản chất văn hoá và tính nhân văn, cũng như sự hiểu biết của từng con người, từng địa phương, từng đất nước. Nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như bao nhiêu con người thành đạt khác đều không ngoại lệ, bởi họ cũng chỉ là con người. Nhiều người thậm chí còn chính trị hoá, đạo đức hoá, thần tượng hoá, nhân cách hoá những câu chuyện đời thường của những người nổi tiếng để tôn sùng hoặc để phỉ báng, dèm pha họ. Dĩ nhiên là cũng có những câu chuyện thực, cũng có những câu chuyện giả, cũng có những câu chuyện chỉ là "câu chuyện làm quà", nghe đi nghe lại, tiếng được tiếng mất, bên lề cuộc sống ... Để rồi cuối ngày người ta quên mất những thành tựu, những công ơn lớn lao của các nhà văn nghệ sĩ đã cống hiến cho xã hội.

Văn nghệ là văn nghệ. Cho dù có thêm thắt là vị nghệ thuật, vị nhân sinh, vị chủ nghĩa, vị chế độ ... thì cũng thế. Cho dù có thêm thắt chuyện đời tư, chuyện cá nhân, chuyện quan điểm chính trị .... thì âm hưởng của lời ca, của tiếng hát, của dòng thơ, của cuốn sách, của những tác phẩm văn nghệ giá trị vẫn cứ còn đọng lại trong lòng mỗi người, bất kể dòng thời gian hay bất kỳ thể chế chính trị nào. Và dĩ nhiên là cho dù ở đất nước nào, thời đại nào, chính phủ nào, ít nhiều cũng có những tay bồi bút văn nô, xử dụng khả năng của mình để tạo dựng những tác phẩm hoặc bài viết mang tính phiếm diện, tuyên truyền, phản bác, để cổ suý và phục vụ cho mục đích chính trị hoặc thương mại nào đó. Cũng có nhiều văn nghệ sĩ không vượt qua nỗi cái giới hạn kiểm soát của chính quyền từ đất nước họ bởi những lý do khác nhau, nên có xu hướng sáng tác gói gọn trong một phạm vi hạn hẹp nhất định. Nhưng điều đó không khó lắm để thiên hạ nhận ra, thông thường những tác phẩm đó chỉ mang giá trị giai đoạn, và càng không phải là điều muốn nói ở đây. Mặt khác, cũng không phải cứ ông nhạc sĩ thi sĩ nào nổi tiếng thì làm bài nào cũng hay. Có ông nhà thơ làm cả vài trăm bài, mới được vài bài thành danh là qúy rồi. Cho nên xưa nay những tác phẩm văn học nghệ thuật nào được phổ biến rộng rãi, tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ, đủ để chứng minh thuyết phục nhất về giá trị thực của nó .

Công bằng với giá trị văn hoá nghệ thuật chân chính là công bằng với chính tri thức và lương tâm của mình. Trên thế giới, có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ nghiện ngập, nghèo đói, tình cảm phóng khoáng, lưu vong trôi nổi, tù đày... Nhưng họ đã để lại cho đời sau những tác phẩm bất hủ, đáng trân trọng. Họ không phải là nhà đạo đức, càng không phải là nhà chính trị, mà chỉ là những con người bình thường, có ưu có khuyết, tài hoa, cần ngẫu hứng, cần sự tự do để sáng tác những gì họ muốn nói, muốn nghe. Thật là nghịch lý và buồn cưòi khi cố áp đặt những khuôn khổ, định kiến nhỏ nhen lên những sáng tạo phi khuôn khổ !

Nhớ hồi xưa còn bé, những bài ca ê a đầu đời là tình tự quê hương man mác. Từ Quê Nghèo, Tôi yêu tiếng nước tôi, Việt nam nghe tự vào đời, Em bé quê, Ông trăng xuống chơi .... Rồi cho đến khi lớn lên, đi học, sinh viên, ra nước ngoài, đi làm, đi xa .... những bài tình ca của Phạm Duy cứ đi theo suốt hành trình của mình, vui buồn mỗi lúc. Thỉnh thoảng cũng có nghe báo đài, bàn nhậu, đồn đóan râm ran chuyện đời tư, chuyện nhà cửa con cái, đi về ....của ông, mình cũng ít khi quan tâm mấy. (Thực ra thì lâu nay mình cũng không thưởng thức lắm cái tư duy chỉ cần coi được đoạn phim 2 phút là đủ để thao thao bất tuyệt phán xét nội dung một cuốn phim dài :-)). Mình chỉ yêu âm nhạc của ông, yêu cái ca từ mang nặng tình tự quê hương dân tộc, và tôn trọng tài năng của ông.

Những năm tháng còn ở Sài gòn, thỉnh thoảng có gặp ông ngoài Trần Cao Vân (Hồ Con Rùa). Vẫn thích cái phong thái lãng tử, phóng khoáng của ông. Cuộc sống này mà làm được cái mình thích làm, sống được với chính mình, thì cũng là một khí khái và bản lĩnh rồi. Mới tuần rồi ăn tối với một ông giáo sư người Mỹ, từng viết nhiều bài nghiên cứu về âm nhạc Phạm Duy bằng tiếng Anh, được nghe ông chia xẻ nhiều câu chuyện thú vị. Nhớ hôm tháng rồi có một người quen tặng mình đĩa nhạc "Nhớ Phạm Duy", thâu âm vào dịp 5 năm tưởng niệm ngày mất của cố NS Phạm Duy. Phải cảm ơn những con người như các anh chị ấy, đã bỏ công sức để duy trì, để tuởng nhớ, và công bằng tri ân những đóng góp giá trị của một người nhạc sĩ VN tài hoa.
Sáng nay mở ra nghe, tự nhiên nhớ quê nhà ghê. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng vẫn còn đâu đó .....  những cánh đồng cát dài, có lũy tre già tả tơi, ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày.....






Saturday, March 24, 2018

Đêm bên bờ Trà Khúc



Gió bấc ngàn xưa về đây chớm lạnh
Rờn rợn trăng tàn lấp lánh trên sông
Ly rượu cuối năm cay nồng khoé mắt
Rát mặt môi cười hiu hắt phố đông

Bến cũ rêu phong rỉ máu Hàm Rồng (*)
Trắng đêm đầu sóng nẫu lòng Thiệu Khôi (**)
Đoản kiếm lọc lừa trên ngôi tuẫn tiết
Nước mắt thật thà chảy miết quanh đây

Cuộc rượu đêm nay rót đầy trắc ẩn
Cổ tích một thời cứ vẫn nợ nhau
Ai nợ Giao Châu bên bờ Nam Chiếu
Ai nợ quần thần để thiếu minh quân ?

Nhớ tiếng gươm xưa cờ lau xao xác
Nửa đời phiêu bạt ngơ ngác chim Di
Non thế kỷ đám con lì chinh chiến
Mẹ quê nhà đau điếng đói rưng rưng ...

Đêm thấm lạnh, mắt trừng soi phương bắc
Chuyện nghìn năm quay quắt một đêm say !

(*) Long đầu hý thuỷ
(**) Điển tích Mẹ vua Nam Chiếu & Cao Biền

PN

Sunday, March 12, 2017

Vô thường !

Sáng chiều hai buổi xuống lên
Một vòng mộng mị nhớ quên buổi nào ?
PN



Wednesday, March 08, 2017

Dấu xưa

Nắm tay,
chốn cũ tìm về,
cỏ may đan lối đam mê muộn màng

Như loài chim biển đi hoang
tương tư ốc đảo, ngỡ ngàng phố xa ...
Bay về,
mặc,
bão phong ba,
chết,
trong đáy mắt
thật thà
dấu xưa !

Tiếc gì
nửa kiếp sáng trưa
Tiếc gì
năm tháng nắng mưa lở bồi  ?

Chỉ cần một đóa hoa môi,
em cười khúc khích, ta ngồi trăm năm !
Bờ vai tóc nhuộm,
lâm râm
mưa trên cố quận
âm thầm vết chân
Bên đời,
khinh bạc phù vân,
lần mò đi mãi, mấy lần đã yêu ?

PN (Chúc 8/3 hạnh phúc)



Monday, January 16, 2017

Mùa thơ

Mùa Thơ, ơi hỡi mùa thơ .... (*)

Mùa thơ em gặt dùm ta,
lẫy năm, bảy chữ trãi ra bát tràng
Trương Ba lỡ hẹn hồn hoang
nhớ quê gốc rạ
biết đàng mà đi

Mùa thơ,
em khóc làm chi
niềm tin đánh mất có gì trao nhau ?
ví rằng có đợi ngày sau
Cổ Loa lông ngỗng nỗi đau lại về !

Mùa thơ,
nửa tỉnh nửa mê
cứ đi gánh củi, cứ về gánh rau
mấy đời dừa trổ hoa cau
mấy đời thơ thẩn trả màu tóc em ?

Mùa thơ,
ta đứng bên thềm
chiều đông cố quận nỗi niềm trôi xa ...
mưa rơi,
thơ cũng nhạt nhoà
Nỡ nào mớ chữ cũng là dối nhau !

PN
(*) Bài viết cho ngày "Hội thơ" ở quê nhà




Tuesday, January 10, 2017

Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu

Khi Huyền Quang được Pháp Loa chính thức trao truyền y bát, làm tổ thứ 3, kế thừa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1330), năm ấy, Huyền Quang đã 77 tuổi. Tuổi cao cùng với cá tính vốn thích sống trong cô độc của ông, nên ta có thể chắc rằng, Huyền Quang đã phải miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm nặng nề này.
Vì đối với Huyền Quang, dường như chỉ có một khát vọng thôi – đó là được rút, lui trở về núi rừng, để tìm lại một non nước xa xôi mà chính ông (hay cả chúng ta nữa) đã đánh mất giữa cuộc đời này.

Đúc bạc thẹn mình nối tổ đăng,
Học theo Hàn, Thập dứt đa đoan.
Hãy đi với bạn về non vắng,
Rừng núi bao quanh mấy vạn tầng (1).
(Nhân sự đề Cứu Lan tự – Nguyễn Lang dịch)

Như vậy, tại sao Pháp Loa lại chọn Huyền Quang? Vì sự uyên bác của Huyền Quang chăng? Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn Huyền Quang không những là nhà thơ lớn mà còn là nhà Phật học lỗi lạc, có thể nói là lỗi lạc nhất trong các học giả của núi Yên Tử thời bấy giờ. "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi, thì không thể thêm hay bớt một chữ nào…" Trần Nhân Tông đã phải hạ bút phê một câu đầy xúc động như vậy khi duyệt lại bản thả?ích khoa giáo mà chính Trần Nhân Tông đã giao cho Huyền Quang biên soạn.

Nhưng lãnh đạo một giáo hội không có nghĩa là chỉ lo thuần túy về chuyện giáo hội không thôi, mà ở vị trí ấy, dù muốn hay không, cũng phải giữ luôn cả vai trò Quốc sư nữa, nghĩa là phải cố vấn cho vương triều Trần cả về chính sách đối nội cũng như đối ngoại, vì Phật giáo lúc bấy giờ đã hiển nhiên là một tôn giáo đang chi phối mọi sinh hoạt của quốc gia Đại Việt. Như vậy, nếu người lãnh đạo chỉ có uyên bác không chưa đủ, mà còn cần nhiều đức tính khác nữa, như tinh thần nhập thế tích cực chẳng hạn. Nhưng tinh thần này Huyền Quang hoàn toàn không có, ông chỉ muốn rút lui ra khỏi cuộc đời. Nói một cách chính xác hơn, thì Huyền Quang muốn rút lui ra khỏi những trò chơi vô nghĩa của cuộc đời.

Theo Huyền Quang, sở dĩ con người chạy theo quyền lực, lợi danh và giàu sang không biết mệt mỏi, vì con người quên mất rằng mình chẳng là gì cả, mà thực ra chỉ là một sinh vật nhỏ bé đáng thương đang băng hoại một cách nhanh chóng giữa dòng thời gian vô tận.

Huyền Quang muốn đánh thức giấc ngủ mê của con người dậy, chỉ khi nào con người từ bỏ những trò chơi vô nghĩa và phù phiếm này, thì mới có một cái nhìn khác về cuộc đời:

Giàu sang đến chậm như mây nổi,
Năm tháng trôi vèo tựa nước sa.
Rừng suối chi bằng về ẩn quách,
Gió thông một sập, chén đầy trà (2).
(Tặng sĩ đồ từ đệ – Huệ Chi dịch)

Có lẽ chính tinh thần có vẻ như tiêu cực triệt để ấy đã khiến Pháp Loa và các nhà lãnh đạo giáo hội Yên Tử phải chọn Huyền Quang chăng?

Trần Nhân Tông xuất gia năm 1299, nhưng trước đó ông đã là một ông vua anh hùng từng lãnh đạo toàn dân đánh tan hai cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông (1285-1288); và cũng là ông vua duy nhất trong các triều đại phong kiến của nước ta đã có một hành vi thiết thực biểu thị sự tôn trọng ý dân khi đất nước lâm nguy. Chẳng phải từ lâu rồi, Hội nghị Diên Hồng đã trở thành một biểu tượng trong tâm linh dân tộc, một giấc mơ còn rọi sáng mãi đến nay đó hay sao?

Một ông vua như vậy mà đi tu, rồi trở thành người đứng đầu giáo hội Trúc Lâm Yên Tử thì chắc chắn phải được sự hỗ trợ tích cực không những của vương triều Trần mà cả toàn thể dân tộc nữa. Nhưng sau hơn một phần tư thế kỷ Phật giáo liên hệ quá mật thiết với triều đình – đã đến lúc Pháp Loa và các Thiền sư núi Yến Tử thấy cần phải đưa sinh hoạt của giáo hội mình tránh xa khỏi chốn triều đình chăng?

Dù sao thì việc các nhà sư thân cận với giới quý tộc – hoặc giới này thường lui tới chốn Thiền môn – có được giải thích thế nào đi nữa, thì vẫn hại nhiều hơn là có lợi-nhất là với Phật giáo, mà mục đích tối hậu vẫn là làm một cuộc giải phóng toàn triệt, mà bước đầu là mỗi cá nhân phải tự mình chặt đứt những hệ lụy của mình với trần gian. Huyền Quang cũng đã từng làm quan, rồi lại xin từ chức mà đi tu, thì chắc chắn Huyền Quang phải xem thường những nơi quyền thế đó rồi. Ta có thể kết luận mà không sợ lầm rằng, đó là lý do đã khiến các Thiền sư núi Yên Tử đưa Huyền Quang lên kế thừa.

Tất cả những người viết sử đều xem giai đoạn Huyền Quang lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm Yên Tử là khởi đầu sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam. Điều đó đúng nếu ta nhìn trên hình thức tổ chức, vì dưới sự lãnh đạo của Huyền Quang, những hình thức để củng cố cơ sở của giáo hội như đắp tượng Phật, đúc chuông, xây chùa tháp, phát triển kinh tế tự túc cho các Thiền viện, đều gần như ngưng trệ, nếu ta so sánh với thời gian trước, nghĩa là dưới thời Trần Nhân Tông và Pháp Loa lãnh đạo.

Nhưng chính sự phát triển hình thức quá mạnh trước đó buộc Huyền Quang phải gánh lấy tai tiếng trên hai vai gầy yếu của mình. Thực ra, những hình thức tổ chức thì không có gì hại cả, mà còn là một phương tiện cần thiết để truyền bá đạo pháp nữa. Nhưng thời nào cũng vậy, cũng đầy những con người có tâm địa xấu xa, chính những người này đã lợi dụng những hình thức tổ chức đó để mưu đồ bất chính cho bản thân mình. Một số tu sĩ thời đó đã khoác áo tu chắc chắn vì thời thế nhiều hơn là vì lý tưởng giải thoát. Một nhà Nho đã viết: "… Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm áo vàng tụ tập ở đấy không cày mà ăn, không dệt mà mặc; những người thất phu thất phụ thường bỏ nhà cửa, bỏ làng xóm lũ lượt đi theo …" (3). Những lời trên có thể đã phản ánh rất đúng về thực trạng của Phật giáo Việt Nam đang trong thời kỳ cực thịnh đó. Nhưng điều cần bàn ở đây là thái độ bài bác Phật giáo của Trương Hán Siêu – chắc chắn Trương Hán Siêu không phải lên tiếng trong tinh thần:

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dầu thấy bất bằng mà tha.

Mà lên tiếng chỉ vì lòng ganh tị hẹp hòi của một Nho sĩ đối với Phật giáo. Nhưng nói cho cùng, các nhà Nho ganh tị với Phật giáo cũng là một điều dễ hiểu, vì suốt cả đời họ, việc đeo đuổi đèn sách chỉ có mỗi một đích duy nhất: kiếm cho được một địa vị, trở thành ông quan để hưởng vinh hoa phú quý! Đó là kết quả tất nhiên của cái học từ chương, cái học cứng nhắc, quá lắm cũng chỉ tạo ra được một Tô Hiến Thành hay một Chu Văn An, tức là những ông quan liêm chính, mẫu mực của triều đình. Nhưng khi những nhà Nho ganh tị với Phật giáo mà họ lại quên mất điều quan trọng này, rằng những con người ngoại lệ, những kẻ khai sơn phá thạch đều xuất thân từ những nền văn hóa từ chối giáo điều, có nghĩa là nền văn hóa đó phải khuyến khích tự do sáng tạo, tự do tư tưởng, và nhất là không chấp nhận những công thức đã có sẵn từ trước. Bởi vậy, chính Vạn Hạnh Thiền sư đã mách bảo Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (thủ đô Hà Nội hiện nay). Phải từ kinh đô mới này mà ý thức tự chủ và tự cường của dân tộc mới phát triển đến cao độ. Chính cái ý thức này đã làm cho đất nước hùng mạnh trong gần 5 thế kỷ, và ý thức đó chỉ tàn lụi vào cuối đời Trần, nghĩa là khi Phật giáo đã mất dần ảnh hưởng, để nhường chổ lại cho ý thức hệ Nho giáo.

Nhưng dù sao, thì việc Trương Hán Siêu và các Nho sĩ đời Trần lên tiếng bài bác Phật giáo cũng đã để lại cho ta một bài học vô cùng giá trị. Bài học đó, theo thiền ý người viết, giản dị như thế này: Phật giáo nên rút lui sau khi đã hoàn thành sứ mạng cứu giúp cuộc đời, và không nên tìm một chỗ đứng trong chính sự để củng cố và phát triển tôn giáo của mình.

Huyền Quang dù bấy giờ đã là người đứng đầu giáo hội Trúc Lâm Yên Tử vẫn không đến ở và làm việc tại chùa Quỳnh Lâm và Báo Ân, như Pháp Loa trước đó đã làm. Trái lại, Huyền Quang về ẩn cư luôn ở núi Thanh Mai và Côn Sơn cho đến khi mất, bởi lẽ khi đọc lại các sử liệu, ta thấy Quỳnh Lâm và Báo Ân là những chùa quá giàu có, vì được sự hỗ trợ tích cực của vương triều Trần. Có phải Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua? Đồng thời ông muốn vạch một hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng? Vì với những con người đang đeo đuổi giấc mộng giải thoát thì núi rừng và những ocn đường mịt mù đầy cát bụi ở những nơi chốn xa xôi kia mới chính là chỗ tới lui đích thực của đời mình.

Khi đã về với núi rừng rồi. Huyền Quang đã tự bày tỏ: Bào chuyết vô dư sách (Giữ thói vụng về, không có mưu chước gì).

Câu thơ ấy, Huyền Quang làm khi đã về ở trên núi Yên Tử, và bộc lộ rõ trong bài Yên Tử sơn am cư.

Am bức thanh tiêu lãnh (Am sát trời xanh lạnh,
Môn khai vân thượng tằng. Cửa mở trên tầng mây.
Dĩ can Long Động nhật, Động Rồng trời sáng bạch,
Do xích Hổ Khê băng. Khe Hô lớp băng dày.
Bão chuyết vô dư sách, Vụng dại mưu nào có,
Phù suy hữu sấu đằng Già nua gậy một cây.
Trúc lâm đa túc điểu, Rừng tre chim chóc lắm,
Quá bán bạn nhàn tăng Quá nửa bạn cùng thầy) (4).
(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Những ai đã từng sống trên núi cao, hay nói một cách khác đang nuôi dưỡng ngọn núi cao ngất ngưởng trong hồn mình, thì niềm vui đến với họ cũng rất giản dị. Bởi vì niềm vui đó được trào vọt ra từ chính đời sống nội tâm tràn đầy của họ. Sở dỉ đời sống của chúng ta trở thành rối rắm và phức tạp, kể cả việc tranh giành và sát phạt lẫn nhau, cũng chỉ vì chúng ta cứ đuổi bắt hoài những niềm vui đến từ bên ngoài đó thôi.

Đối với những kẻ chỉ biết vui vật dục tầm thường thì ngồi nhìn cuộn khói tỏa ra từ bếp lửa trong đêm sắp tàn, thấy có gì vui đâu? Vậy mà Huyền Quang cùng với chú tiểu đồng dường như bắt gặp được niềm vui chứa chan trong lòng:

Củi hết, lò còn vương khói nhẹ,
Sơn Đồng hỏi nghĩa một chương kinh.
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo,
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình (5).
(Địa lô tức sự – Nguyễn Lang địch)
Nhưng khi một người đã can đảm vứt bỏ hết tất cả những hệ lụy của cuộc đời, thì người ấy sẽ sống bằng cách nào? Sống bằng chính sức mạnh nội tâm của họ. Chính sức mạnh kỳ lạ này, mà đã biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt tự bao đời, đã lên đường để đến những nơi thâm sơn cùng cốc, tìm kiếm cho được sự thanh bình trong chính họ.

Huyền Quang đã lên đường, và chắc là ông đã bước vào được cõi ấy rồi! Vì tiếng thơ của ông như tỏa ra một niềm bình an vô hạn:

Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh nhà xanh nượp mấy hàng cây.
Ngoài song, cành quế chim cưu vắng,
Gió mát, tiền miên giấc ngủ ngày (6)
(Trú Miên – Kiều Thu Hoạch dịch)

Phản quan trần thế giới,
Khai nhãn túy mang mang.
(Ngoảnh nhìn lại cõi đời bụi bặm,
Mở mắt, mà dường như say choáng váng) (7).
Hai câu thơ trên được xem như sự bày tỏ quan niệm của Huyền Quang về cuộc đời. Theo ông cuộc đời dù đau khổ, nhưng cuộc đời vẫn đẹp, đó chính là sức quyến rũ kỳ lạ của nó. Dù có đau khổ, nhưng chẳng phải mỗi năm bông cúc vàng vẫn cứ nở để báo mùa thu mênh mông đang trở về cùng với sương mù và giá lạnh:

Niên niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyện đạm phong quang thiếp thốn hoài.
(Cúc hoa)

(Thu về, móc nhẹ cúc đơm bông,
Gió mát trăng thanh dịu nỗi lòng) (8)
(Băng Thanh dịch)

Và trên những nẻo đường của trần gian, dù vẫn đầy cát bụi nhưng những nàng con gái đôi tám xinh đẹp vẫn cứ ngồi dệt mộng yêu đương, khi mùa xuân chợt đến:

Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Xuân nhật tức sự)

(Người đẹp tuổi vừa đôi tám ngồi thêu gấm chậm rãi,
Dưới lùm hoa tử kinh đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng
Thương biết bao nhiêu cái ý thương xuân của nàng,
Cùng dồn lại ở một giây phút dừng kim và im phắc) (9)
Dù đó là bài thơ Thiền thuộc đời Tống của Trung Quốc, như một bài báo gần đây nhất đã tìm được xuất sứ, nhưng bài thơ vẫn là bài thơ của thế giới Thiền. Như vậy ta có thể đoán rằng, khi Huyền Quang ghi lại bài thơ này vào trong tập thơ của mình, Huyền Quang chỉ muốn dùng bài thơ đó để phát biểu một điều mà ngôn ngữ bình thường không thể diễn đạt được.

Huyền Quang muốn nói lên điều gì qua bài thơ đó? Sự chuyển hóa nội tâm chăng? Có thể xem đó như là một biến cố quan trọng, mà bất cứ một Thiền sư nào cũng đều phải trải qua. Khi cái giây phút mầu nhiệm ấy đến rồi, thì một thế giới mới sẽ hiện ra; và kể từ đây cuộc đời các Thiền sư sẽ không còn tù túng, chật hẹp, không còn cũ kỹ, nhàm chán và vô vị nữa. Một đời sống mới vừa bắt đầu.

Phải chăng, các Thiền sư muốn tạm ví cái giây phút đó giống như cái giây phút mà người con gái lần đầu chợt biết rung động, cái giây phút mà trong bài thơ đã gọi là Tận tại đình châm bất ngữ thì (Cùng dồn lại ở một giây phút dừng kim và im phắc).

Có một số ngươì từ lâu vẫn ngạc nhiên không ít về nội dung của bài thơ ấy. Sự thắc mắc này chỉ đúng đối với chúng ta, những người còn đang muốn chinh phục và chiếm hữu cái đẹp về riêng cho mình. Bởi vì còn muốn chiếm hữu nên ta mới phân biệt cái đẹp này tốt và cái đẹp kia xấu, nên chọn cái này và không nên chọn cái kia.

Các Thiền sư thì đã vượt qua được giới hạn ấy, vì họ trực nhận được rằng, tất cả cái đẹp bên ngoài chỉ là sự phóng hiện cái đẹp từ bên trong. Nếu trong ta có vạn đóa hoa và vạn cánh bướm đang bay chập chờn, thì vũ trụ lúc ấy cũng tràn ngập hoa và bướm. Vậy thì, có ích không nếu ta cứ tiếp tục đi tìm hoa và bướm ở bên ngoài?

Một bữa nọ, chắc là Huyền Quang vừa rời am Thiền để đi dạo, chợt gặp mấy cô gái đang hái hoa cúc và cài lên mái tóc của mình, Huyền Quang như muốn trách nhẹ với họ:

Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ,
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.
(Thật đáng cười kẻ không hiểu về huyền diệu của hoa,
Đến đâu là hái hoa dắt đầy đầu mà về (10)
Khi ta không còn phân chia giữa ta và thế giới nữa thì mọi sự chung quanh ta không phải là cái gì đối nghịch, hay xa lạ với chính ta, thực ra là bạn bè đã cùng rong chơi từ muôn thuở trước:

... Chủ nhận dữ vật hồn vô cạnh

(Người và vật hồn nhiên không tranh cạnh) (11)

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà có được cái đẹp trọn vẹn như vậy, mà phải trải qua biết bao là khổ luyện mới thành tựu được:

Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuệ vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
(Cúc hoa, bài III)

(Quên mình, quên đời, đã quên tất cả,
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.
Cuối năm ở trong núi không có lịch,
Thấy cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương) (12)
Khi một nhà hiền triết lánh đời để sống ẩn dật trong rừng sâu, một lãnh tụ xuất chúng hy sinh quên mình để cải hội, một nhà thơ miệt mài làm thơ để ca tụng vẻ đẹp của cuộc đời, hay một Thiền sư tịch cốc để đối mặt với khoảng vắng lặng mênh mông, tất cả những việc làm đó của họ, không ngoài mục đích nào khác hơn là phá cho được một con đường đề tự cứu mình và từ đó, giải phóng luôn những thống khổ muôn đời của kiếp người.

Thu phong nhọ phất thiềm nha,
Sơn vũ tiêu nhiên chầm lục la.
Dĩ hỹ thành Thiền tâm nhất phiến,
Cùng thanh tức tức vị thùy đa.
(Sơn vũ)

(Gió thu khuya khoắt thoảng hiên ngoài,
Quạch quê nhà non lấp ruổi gai.
Thôi đã theo Thiền lòng lặng tắt,
Nỉ non tiếng dễ vẫn vì ai?) (13)
(Huệ Chi dịch) Khi tấm lòng họ đã hiến dâng trọn vẹn cho sự thống khổ của con người, thì bất cứ tiếng rên la kêu cứu nào, họ cũng đều lắng nghe:

Chích máu thành thư gửi mấy dòng,
Lẻ loi nhạn lạnh, ai mây phong.
Mấy nhà ngóng nguyệt đêm nay nhỉ?
Góc bể chân mây, một mảnh lòng.
(Ai phù lô – Huệ Chi dịch)

Bởi vậy, lý thuyết nào không giải quyết được sự đau khổ của con người thì nhất định lý thuyết đó sẽ bị con người loại bỏ, và đương nhiên cũng sẽ trở thành lỗi thời. Dường như cuối cùng chỉ còn có tình thương, vì sự thông khổ của con người (chứ không phải lý thuyết) mới không bao giờ lỗi thời mà thôi.

(Bài viết của HT Thích Phước An)




Ghi chú:

Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1. Nxb. Lá bối, Paris, 1977; tr. 369.

Thơ văn Lý Trần tập II, Q.thượng. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989; tr. 697.

Trương Hán Siêu: Văn Bìa chùa Khai Ngiêm. Thơ văn Lý Trầ⮮ Sđd; tr. 748.

Thơ văn Lý Trần. Sđd; tr. 684.

Việt Nam Phật giáo sử luận. Sđd; tr. 370.

6,7,8. Thơ văn Lý Trần. Sđd; tr. 691, 682 và 702.

Thơ văn Lý Trần. Sđd; tr. 681. Bài này, theo khảo cứu của ông Lê Mạnh Thát, vốn là một bài thơ đời Tống. Xem Tạp chí Văn học số 1-1984.

10,11,12,13. Thơ văn Lý Trần. Sđd; tr. 701, 700, 692 và 693.

Sunday, January 08, 2017

The Refugees (Những người tị nạn)

Nguyễn Thanh Việt - tác giả của Sympathizer, từng đọat giải Pulitzer 2016, mới cho ra lò cuốn sách mới "The Refugees" (Những người tị nạn).
Nhớ năm ngoái nghe có nhà sách nào ngoài Hà Nội định dịch cuốn Sympathizer ra tiếng Việt, không biết đã có chưa ?


Thơ Bíck Khê - Bàn về thơ tượng trưng

(Tác giả : Tam Ích)

Nhân nhớ Bích Khê và đọc thơ Bích Khê - Bàn về thơ tượng trưng
(Kính tặng Cụ bà Lê Mai Khê, thân mẫu Bích Khê, Và mến tặng bạn Lạc Nhân – Nguyễn Quí Hương, anh rể Bích khê.)

Hồi tiền chiến, có hai người viết về Bích Khê như sau này " ...mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc...” .Người ấy là Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam. Hồi đó, chiếu thi nhân nhiều người ngồi: Có đến mấy chục người - kể cả những người làm thơ ngồi vào đó cho đông mà thôi! Trong cuốn sách ấy, mỗi người làm thơ chiếm mấy trang phê bình của Hoài Thanh và Hoài Chân. Riêng Bích Khê có mấy dòng...
Có ai ngờ vài ba dòng ấy lại là vài ba dòng rất đúng - đúng vì thơ Bích Khê đọc một lần chưa phải là đọc. Hoài Thanh và Hoài Chân có ngờ đâu đó gần là lời "thú tội" đối với người hiện đã là người thiên cổ cũng như đối với văn thi giới hai ba chục năm sau đọc lại Bích Khê và hiểu Bích Khê... nhất là hiểu thơ Bích Khê và cảm thông với Bích Khê. Tôi nói cảm thông, vì người ta cảm thông với thơ với tranh. Người ta cảm thông với nghệ phẩm, cùng với nghệ phẩm là một rồi yên lặng trong phi thời gian và phi không gian: cái đẹp không trần truồng trong t¬ưng bừng cũng như không loã lồ trong những cõi thiếu thông minh, thiếu tế vi... chẳng hạn là thế ! Người đề tựa thơ của chàng là Hàn Mạc Tử và người đề bạt thơ của chàng là Hoàng Trọng Miên: hai người này ngày đó say mê thơ Bích Khê thật đã không lầm.
Chỉ tiếc rằng thơ Bích Khê sắp ra đời thì chiến tranh lớn lần thứ hai sắp xảy ra: khí hậu nhân sinh bắt đầu thiếu thăng bằng. Lẽ tự nhiên, người ta quên thi nhân và quên thơ. Có chiến tranh là có quên: văn nghệ thiệt thòi nhiều nhất...
Tôi thường nói Xuân Diệu và Huy Cận tiền chiến là thi nhân tượng trưng, thuộc thi phái tượng trưng. Kể cũng hơi ép: vì đây là hai người đi vay mượn của những người làm thơ ở xa xôi lắm: Mallarmé, Verlaine... là những thi nhân của những chân trời mù mù mịt mịt đối với nước non này . . . Đã là kẻ vay mượn thì dù có tài người làm thơ chỉ có quyền hãnh diện một cách tương đối...
Có mấy người không hề vay mượn mà vẫn là những thi nhân có vị trí riêng biệt trong thi giới: vị trí của những người làm khuôn thuộc cho mai sau... những người dệt gấm Á Đông cho thanh niên tiền bán thế kỷ và những thi nhân làm thơ như chạm trổ đồ trang sức của những đời vư¬ơng giả đã khuất trên sử xanh: Quách Tấn, Đông Hồ...
Chúng ta thêm vào đó hai người có kích thước: Hàn Mạc Tử, Bích Khê, hai người làm thơ tượng trưng và gần như không vay mượn của chân trời mới âu tây một mẩu âm thanh nào. Đất Á Đông vốn là đất phong phú về nhạc tính: nhạc tính là vốn liếng Á Đông có từ ngàn năm từ muôn thuở: người làm thơ chỉ cần nuôi dưỡng tình ý và nuôi dưỡng tài làm thơ nhạc tính từ đó vang lên, vang lên...
Ngôn ngữ Á Đông vốn là ngôn ngữ đơn âm và chứa rất nhiều thanh... tượng trưng bắt đầu từ đó ...
Thơ tượng trưng ?
Ngừơi ngàn năm sau thường bội bạc với người đời trước và phủ nhận chất tri thức của kẻ đã có mặt trong sử xanh; đôi khi họ cứ tưởng cái họ tìm ra là cái mới nhất. Họ có biết đâu rằng cách đây bảy tám trăm năm, Dante đã nói về nhạc tính trong thơ: một bài thơ chỉ là một giai âm (ùn poème est composition de mots disposés d'une manière musicale). Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn, thiếu duyên. MÔ phật! Văn học Việt Nam nếu rất phong phú thì có lẽ chúng ta đã chẳng cần mượn cái Bà Huyện Thanh Quan để hãnh diện mà cũng chẳng phải mời chàng Lê Thánh Tôn lên làm "nguyên súy" của cả một hội Tao đàn: cái ông này chễm chệ lên ngồi đó rồi ngày sau con cháu vẫn rộng lượng như rộng lượng với bất kỳ một người đã chết nào...
Lom khom dưới núi tiều vài chú.
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Thật quả tình chưa làm rung động được bất kỳ một hồn thơ nào! Một Bích Khê mới gần hai m¬ơi tuổi làm thơ Đường luật vịnh Đèo Hải Vân cho Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng đăng cách đây hàng gần thế kỷ, còn làm lòng người bâng khuâng và thê thê buồn đìu hiu hơn nhiều...
Bỗng nhiên, đời nhà Đường bên Tàu xưa, có một ông Trẩm Dự đem cái mớ bằng trắc ra ngăn mọi hướng của lòng người, của tình người... rồi gọi nó là âm luật. Ở đời, thật không có ai dại dột hơn là người lấy khuôn thước để do tình người, lòng người, ý người? Trong thơ có cả một vạn nẻo và một ngàn lẻ một... lối và hướng. Cái ông Trẩm Dự ấy có ngờ đâu những bài thơ hay nhất lại là ngoài một số thơ Đường luật, những bài Cổ phong và bài Từ. Và có ai ngờ thơ tự do ngày nay lại cũng chỉ là một loại... từ.
Tôi có một ông bạn ở lâu năm bên Pháp mới về, và vốn lại là người yêu thơ, mơ thơ, hay hỏi tôi về thơ và... thơ. Tôi nghịch ngợm chép bài Tống biệt và đưa cho xem, nói dối rằng đó là của Đông Hồ và Thanh Tâm Tuyền cùng chung làm. Đọc xong anh cho rằng không ngờ thơ tự do mà lại có bài hay đến vậy. Tuyệt tác! Tuyệt tác! Đến lúc tôi nói rằng tác giả bài ấy là Tản Đà và bài ấy đã có từ một thuở xa xôi lắm và là một bài Từ ngắn, ông bạn mới ngã cả cái con người ra, rồi ông đâm ra thẩn thờ và không hiểu giữa Từ và thơ tự do, biên giới ở đâu? Kể ra tôi có một ông bạn thơ cũng hơi quá đáng! Nhưng biết làm sao!
Sự thật chỉ có vấn đề hay và dở? Và nhạc tính trong thơ.

Nhưng Bích Khê không phải chỉ là người làm thơ Đường luật, thơ Cổ phong và từ một cách rất tượng trưng. Một hôm, chàng ly khai với thơ cũ và trưởng thành trong những nhịp thơ mới: nhịp của những Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... Ngùơl của thời mới có nhịp mới. Bích Khê, thi nhân tượng trưng của thơ Đường trở nên thi nhân tượng trưng của Thơ Mới. Thời làm sao, ngâm làm sao, nhịp làm vậy: Câu thơ chỉ là phản ảnh của cá tính nhìn qua một thứ quang tuyến... Mariane Moore, một thi bá của Mỹ, nói đúng lắm: "Le rythme est la personne, la phrase n'est que la radiographie de la personnalité". Cùng với những thi nhân tiền chiến, chàng sáng tạo lại (recréation) âm thanh của chàng trong một số thi tiết mới . Tôi chưa hiểu mấy câu thơ sau đây là thơ mới hay thơ tự do, hay thơ siêu tự do:
Mâm vàng đây, đũa ngọc đây
Tiệc hoa sang
Rượu chung đầy
Trông ra mây nước muôn trùng biếc
Nước ái non tình bóng nguyệt rây
Tiếp ly cạn, cạn ly đầy.
Năm con một vợ ngồi vòng xây
Nhạc chim thanh tước rót về đây
Đổ cành vàng lá lục
Nâng chén tình ròng
Ca một khúc
Tiệc hoa hề chén ngọc hề
Giang hồ vút cánh say chung rượu
Năm vẻ rồng bay, ánh sắc mây
Tiền ròng bạc tốt trong tay trắng
Danh nghĩa cao sang tợ mặt trời
Tiếng xe rốn rản sau bờ trúc
Bóng vợ bóng con lẩn bóng cây
Đông liễu tây đào ngồi khép nép
Nẻo xuân rủ gấm phủ hon đay
Mình ơi !
Rót chén này
Nu cười Bao Tự điểm xuân ngây
Rạng màu yến tiệc ngọc lung lay
Xa xa đường thoảng tiếng châu reo
Dặm cỏ
Ven đồi
Hoa lác đác
Ngực ai ai rung lạc tiếng trong veo .

Đó là thơ
Và là thơ Bích Khê - trong bao nhiêu bài thơ như vậy của con người tài hoa bạc mệnh: thơ là sự phối hợp của âm thanh: thơ là sự tràn trề của tình ái, nhiều nhịp, nhiều khúc, nhiều hướng, một ngàn lẻ một đêm nhiều trăng sao, thiếu trăng sao buồn như nước mắt, buồn như những nỗi, những mối, những ngổn ngang, buồn như tha ma mà không buồn như tang, buồn như rượu nồng, buồn hề, buồn đũa ngọc mâm vàng... buồn như một bài nhạc buồn đầy nhạc tính... buồn không ủy mị; buồn một thứ thê thê không gây đam mê, buồn của kẻ ngắm cái đẹp, thưởng ngoạn rồi một đi trên một ngàn lẻ một hướng dũng trong nhân sinh.
Ngàn năm mới thừơng có một thuở. . . thơ như thế. Cũng nh¬ư ngàn năm một thuở Nguyễn Du trong Truyện Kiều; một thuở Tình quê của Hàn Mạc Tử; một thuở Tống biệt và Cảm thu của Tản Đà cũng như ngàn sau về ngàn xưa có Hoàng Hạc lâu của thi bá họ Thôi... chẳng hạn
Những nghệ sĩ - theo cái nghĩa chân chính của nó - của cả loài người cũng như của riêng một dân tộc nào đó , đều có một nếp sống, một tác phong tư tưởng và tưởng tượng. . . một mình một cõi, không giống ai. Họ sống khác người mà khi buông xuôi hai tay, họ cũng không giống thiên hạ. Cummings gọi nó là "unicité". Có người gọi tác phong ấy là độc đáo. Tôi thì tôi gọi nó là cái một. Ai đã gần Bích Khê đều thấy chàng có cái một ấy. Cả một đời Bích Khê chàng trung thành với cái một ấy, và không muốn ai chạm đến cái một của chàng - cho đến ngày chàng nằm xuống, một đi... Tôi xin nói lại: cái một ấy, chàng nâng niu nó, nuôi dưỡng nó... đến cái trình độ người ta nhìn chàng như nhìn một ngôi sao lẻ tránh một ngàn lẻ một ngôi sao khác để đi con đường hành tinh riêng của mình. Thi nhân họ bướng bỉnh và ngửa nghiêng như vậy: ai lại gần được Bích Khê thì lại gần đuốc Edward Cummings, một nhà thơ trứ danh của Mỹ hiện thời. Không ai hiểu được Cummings, không ai chịu nổi Cummings vì không ai dám chạm đến cái một trong đời sống cơ thể, tinh thần và trí thúc ngược với tất cả những công thức giả dối của đời sống; không ai thương Cummings... Nhưng hiện thời Cummings đứng hàng đầu trên chiếu thi nhân âu Mỹ . . . Về cái một Cummings, chàng thường nói: “Être un individu c'est surtout reconnaitre une valeur sacrée à Iunicité de tout être humain, sauvegarder cette unicité ét se battre sans cesse pour l’affirmer". Ý Cummings muốn nói rằng cái độc đáo của một cá nhân có một giá trị thiêng liêng, đã là con người thì phải bảo vệ cái độc đáo ấy và tranh dấu để cho nó phát hiện. Cummings nói về con người như vậy, như¬ng ông áp dụng vào ông nhiều nhất, và trước hết...
Và chúng ta thêm vào đó một nguồn: Bích Khê.
Ai đã gần Bích Khê đều biết: mỗi bài thơ của chàng là mỗi một và cả tập thơ là cả một cái một toàn diện. Ngày nay Bích Khê đã khuất để lại cho chúng ta một sự nghiệp làm Hoài Thanh, Hoài Chân chưa kịp đọc... Chị ruột chàng là bà Ngọc Sương vẫn đọc; anh rể chàng là Lạc Nhân Nguyễn Quí Hương vẫn đọc; bạn chàng là tôi vẫn đọc; cháu chàng là Nguyễn Lê Thu An, một thiếu nữ tuổi đôi mươi đương làm thơ chờ ngày ra đời và có mặt trong thi giới, cũng vẫn đọc... nhiều lần.
Nhung tượng trưng là gì?
Cũng mãi vài chục năm nay, người ta mới hay nói đến danh từ tượng trưng. Thực ra, danh từ ấy là dịch chữ "Symbolisme" của văn học âu Mỹ. vậy tượng trưng trong văn thơ là gì? Nói cho đúng, thật khó nói: có người cho rằng tượng trưng là một thực thể thần bí và tượng trưng vọng từ cõi thông minh của Á Đông... Có người cho rằng vấn đề tượng trưng chỉ là một vấn đề kỹ thuật trong thơ: một vấn đề bằng trắc và thi tiết . . . Có người nữa lại cho rằng thi nhân tượng trưng là người đi "lột" ngôn ngữ của họa, nhạc, điêu khắc... để áp dụng vào thơ và nhà thơ tượng trưng tìm nguyên lý của vận văn trong tinh hoa của âm nhạc. Nói một cách khác: nhạc tính là căn bản của thơ. . . còn có người khác nữa lại cho rằng thơ tượng trưng là một thứ thẩm mỹ siêu hình (esthétique métaphysique)...
Ấy đấy! Những người nói về thơ tượng trưng như vậy đều là những thế lực trong thi giới âu mỹ; và đã vậy thì chúng ta cũng khó mà tổng hợp được một ý tưởng về tượng trưng trong thơ.
Nhưng dù khó mà nói cho ra thế nào là tượng trưng, chúng ta cũng nhận thấy mấy điều. Một là nguyên lý của thơ tượng trưng là nhạc tính - hơn thế: tinh tuý của âm thanh. Hai là phải có tài mới làm được thơ tượng trưng. Remy de Gourmont, một nhà văn và là một nhà tư tưởng hiện đại kích thước cỡ âu châu đã nói: "II y a deux classes d écrivains, ceux qui ont du talent - les symbolistes ; ceux qui n’en ont pas - les autres". Ý ông muốn nói rằng chỉ có hai hạng văn thi nhân: một hạng có tài là văn thi phái tượng trưng, còn một hạng nữa là hạng không có tài: hạng không phải là văn thơ tượng trưng. Ý tưởng ấy là một ý t¬ởng hơi quá đáng, nhưng nó cũng phản ánh được thái độ của văn giới đối với thi phái tượng trưng.
Có tượng trung Âu - Mỹ. Cũng có tượng trưng Á Đông. Tôi nghĩ rằng về thi phái tượng trưng Á Đông - thuần túy Á Đông - chúng ta có hai đại diện: Bích Khê và Hàn Mạc Tử.
Tự thuở rất xa xưa, người làm thơ đã làm nhạc. Ngày nay những ngày rất mới này, những nhà thơ tự do bây giờ cũng vẫn tạo cho họ một nếp nhạc tính mới. Nhạc không phải là một thực thể thẩm mỹ (entité esthétique) cố định muôn đời chỉ có một, mà là một thục thể tiến hóa theo thông minh của con người: nhạc không phải là âm thanh bằng trắc của cuối thế kỷ thứ 19 trở về trước, mà cũng chẳng phải là âm thanh riêng trong những thính đường âm nhạc của một địa phương nào bây giờ.
Lịch sử vẫn đi cái nhịp của nó: người của thế hệ sắp tới sẽ đòi hỏi cho thính giác một thứ nhạc tính mà hiện thời rất có thể là chúng ta đương... từ chối: Chứ sao!
Chỉ có người làm thơ giỏi và người làm thơ dở mà thôi. Cũng như chỉ có thơ hay và thơ không hay. Có lẽ Remy de Gourmont muốn nói rằng chỉ có một thứ thơ có nhạc tính và một thứ thơ khô khan - nghĩa là một thứ thơ thiếu sáng tạo (création). Và ý tưởng ấy là một ý tưởng nói cho cả muôn thuở, cho cả ngàn năm... Cứ nghe thi bá Dante là người của thuở rất xa xư¬a nói thì rõ, và chúng ta có thể kết luận với Dante rằng: thơ tượng trung có từ thuở có thơ Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu. . . đã là thi nhân tượng trưng, vì thơ của các thi bá ấy đọc lên nghe như những giai âm: những câu thơ. . . Bạch vân thiên tải không du du. Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ. Phương thảo thê thê Anh Vũ châu là gì, nếu không phải là nhạc trước thính giác người đời xưa, người ngày nay và cả người mai sau...
Chẳng có Baudelaire . . . thì chẳng có Valéry và Valéry vẫn hãnh diện rằng mình là đứa con lộng lẫy cuối cùng của dòng họ tượng trưng bên âu Mỹ. Còn Jacques Prévert không bao giờ từ chối thơ ông là nhạc. Từ ngày Bích Khê làm thơ, chàng đã chú trọng đến nhạc tính: bài thơ Đường xưa nhất và bài thơ dài dài ngắn ngắn hay loạn nhất của Bích Khê sau này vẫn là những bản dàn quen tai và lạ tai.
Chiến tranh thường vạch biên giới, cho nên bỗng nhiên Bích Khê đứng ra một bên. Thực ra đừng có việc những người gây lộn với những ng¬ười, thực ra nếu ai cũng rủ nhau đi tắm mát, lên nền Vũ Vu hóng gió rồi hát mà về . . . như ở một thời thịnh trị thái bình nào đó và ở trong giấc mơ của thầy Tăng Điểm thi những thi nhân như Bích Khê, đương có mặt đâu đây, sẽ có mặt đâu đây...
Nhất là bên chàng có một người rất có thế lực cũng làm thơ đầy nhạc tính Á Đông - tôi nói lại: nhạc tính Á Đông - cho người Việt Nam là người Á Đông đọc: Hàn Mạc Tử.