Saturday, September 09, 2023

Tản mạn về một câu thơ ....

 


Ngày mai ông tổng thống Biden ghé thăm VN. Không biết có kịp ăn bún chả Hương Liên, bún đậu mắm tôm Ngõ Phất Lộc, đi dạo phố Nhật Tân hay không, hay là chỉ lo ký tá gì đó rồi lại về ngay. Lần thăm này nghe nói các cụ chỉ quan tâm đến phần hợp tác kinh kế, khoa học, môi trường gì đấy thôi, chứ không đặt nặng về vấn đề chính trị chính em. Mình thì cũng không quan tâm lắm chuyện của các cụ, nhưng chiều nay coi tin tức, trời lại mưa, bỗng nhớ đến hai câu Kiều mà năm nào cụ Biden nước Mỹ đọc tặng cho cụ Trọng nước Việt Nam:

Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
(Nguyễn Du)

Thực ra, đây mà một trong những câu thơ hay nhất của truyện Kiều. Cũng phải khen ngợi ông nào đã cố vấn cho cụ Biden chọn hai câu này vào năm đó. Quá hay và phù hợp. (Mình thì không nghĩ là Ted Osius lại hiểu Kiều đến mức như thế, mặc dù thời còn làm đại sứ ở VN vốn liếng tiếng Việt của Ted đã rất giỏi & lưu loát ). 

Nói đến hai câu thơ này, thì trước đây cũng đã có rất nhiều người bình phẩm và ca ngợi rồi chứ không phải đợi tới lúc cụ Biden ngâm nga cho cụ Trọng nghe. Nhiều trang mạng PG và Thiền học ngày xưa cũng thường nhắc đến 2 câu thơ này dưới nhiều cách diễn giải khác nhau. Nhớ có lần mình đọc đâu đó có cả sự lý giải về "chánh niệm" trong 2 câu thơ này. Thôi thì cứ đọc, ai phân tích hay thì cứ đọc, không bổ ngang cũng bổ dọc. Mình thường quan niệm như thế !

Còn nói đến Truyện Kiều mà dịch ra tiếng Anh thì rất nhiều. Bây giờ chắc cũng phải có đến hơn muời mấy bản dịch rồi, nên ai muốn đọc tây ta gì cũng có, cứ tha hồ. Bản dịch mà người VN biết đến nhiều nhất, mình nghĩ có lẽ là của Huỳnh Sanh Thông. Tuy nhiên có nhiều phiên bản dịch khác cũng rất hay. Cách đây mấy năm mình được một người quen tặng cho bản dịch của anh Vladislav Zhukov, người Úc. Đọc rất thú vị, vì cách dịch của anh rất sáng tạo, giữ được phần nào âm điệu của cụ Nguyễn Du.

Heaven has allowed us to meet again this day.
The fog had dissolved, the clouds had dispersed in the sky.
(Huỳnh Sanh Thông)

Cease-heaven still confers on us sweet days withal:
The frost hath gone before the gate, the sky's drawn pall presages blue,
(Vladislav Zhukov)

Mà thôi, chuyện dịch thuật thơ văn của xứ nào cũng chỉ là gượng gạo cho những người xứ khác đọc đỡ ghiền thôi. Chứ dân ta thì cứ đọc tiếng nước ta, chữ nghĩa quê nhà bao giờ cũng đậm đà và sâu sắc hơn. Nói tới đây mới nhớ hồi còn đi học có thằng bạn được đi Saigon một lần, về quê bắt đầu nói tiếng SG thôi. Hôm nọ, đi uống cà phê với bạn bè. Nó vô quán, nghạo nghễ gọi :

- Cho ly cà phê đăng đi ! 

Cả đám bạn bè và cô chủ quán ngẩn ngơ. Sau này nhiều năm mình gặp lại bạn ấy ở SG, lúc đó bạn đã bắt đầu nói tiếng Ăng lê rồi.

Trở lại chuyện hai câu Kiều ở trên. Đọc thấy hay, mường tượng hiểu được nghĩa, nhưng nếu ai kêu mình bình luận thì thực sự là không dám bình. Vì mình vốn không có khiếu này. (Lại nhắc chuyện xưa, nhớ hồi còn đi học có câu thơ rất ngắn, hình ảnh rõ ràng "Cô dân quân vai súng, tay cày", bà cô giáo dạy Văn bảo phân tích. Thế mà sao mình lại lỡ đọc nhầm thành câu "Cô dân quân tay súng, vai cày". Thế là cô giáo tức giận, tưởng mình châm chọc, đuổi ra khỏi lớp. Từ đó ám ảnh, không dám bình thơ cho đến bây giờ ). 

Thực ra, khi đọc 2 câu thơ “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, mình thấy toát lên ý nghĩa của chữ "Duyên" trong PG. Theo quan niệm của đạo Phật thì mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống này đều là tuỳ duyên, và do duyên. Nghĩa là luôn có một sự kết hợp nhất định nào đó để mọi thứ sinh ra và mất đi. "Tốt" cũng do duyên, mà "xấu" cũng do duyên. Chuyện hài lòng xảy ra cũng là duyên, và sự không hài lòng xảy ra cũng là duyên !

Chuyện cụ Biden gặp cụ Trọng năm đó cũng là duyên. "Trời còn để có hôm nay", để hai cụ còn sống đứng đó lẫy Kiều cũng là do duyên. Chuyện hai cựu thù Mỹ - Việt, sau bao năm chửi nhau ra rả, rồi lại gặp nhau tay bắt mặt mừng cũng là duyên. Nhưng đó chỉ là cái duyên gặp gỡ bên ngoài, còn cái "duyên" nhận thức bên trong thì chỉ có trời mới biết. Nhưng dẫu sao, lần đó cũng là một chuyện vui, là một dấu mốc lịch sử quan trọng. Đặc biệt là không những trời cho gặp nhau, mà còn mở ra một cảnh quan trời cao đất rộng của thế giới bên ngoài. "Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Câu thơ rất hay. Thực ra, có nhiều hôm ngủ dậy sương mù phủ kín, mình cũng không nhìn xa được ra tới cổng. Nhiều đêm trăng rằm mà bị mây che phủ thì cũng chẳng nhìn thấy trăng sao. Trong cuộc sống này cũng vậy, có nhiều người vì lý do này hoặc hoàn cảnh nọ, hoặc không may mắn, hoặc không gặp được duyên lành, bao nhiêu năm tháng trôi qua mà vẫn bị "sương phủ, mây che" một cách nặng nề. Thời gian qua đi, chắc chắn mọi thứ điều sẽ phải thay đổi. Vật đổi sao dời vốn là chuyện tất nhiên của tạo hoá xưa nay. Tuy nhiên, bất kỳ là ai cũng vậy, sẽ không ai bảo đảm được sự giàu sang, quyền uy danh vọng, ở Tây ở Tàu, hoặc bằng này cấp nọ, hoặc đi đây đi đó, là có thể dễ dàng thay đổi được tư duy và quan niệm của một con người. Điều đó thì cũng không lạ lẫm gì. Thế nhưng trong thế giới này, dù có sống ở bất kỳ nơi đâu, thì sương cũng không thể phủ kín hoài đầu ngõ, mà mây cũng không thể che kín hoài trời xanh. Đó là khái niệm "vô thường" trong PG, mà cũng là quy luật tất yếu của tự nhiên. Nên chắc là sớm muộn gì rồi mỗi người chúng ta ai cũng sẽ nhìn thấy những thứ đẹp đẽ hơn, sáng suốt hơn, sau khi "tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" mà thôi !

Nói đến đây lại nhớ đến câu chuyện trà dư tửu hậu với mấy ông bạn già năm xưa, nói về Đặng tiểu Bình, TQ. Nhiều người lúc đó cho rằng họ Đặng được Trời cho may mắn hơn các vị lãnh đạo tiền nhiệm của Trung Cọng, được "tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" kể từ khi qua Pháp, qua Mỹ, qua Nhật, trở về. Và cũng chính những cơ hội đó đã giúp họ Đặng thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào đất nước TQ đang đói nghèo vào những năm tháng đó. Mình thì luôn quan niệm rằng chẳng có ông Trời nào cho họ Đặng cơ hội cả, mà chỉ là cơ duyên đến, và ông biết tận dụng thời cơ đó mà thôi. Những câu chuyện này thì thực ra ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng bàn thì vẫn cứ bàn cho vui, coi như là những lời an ủi cho số phận của quê nhà !

Thôi tản mạn chút, lâu quá không viết lách gì. Giờ này chắc dân HN cũng đang tưng từng chào đón cụ Biden rồi. Nghe nói cụ thích ăn kem, kem Tràng tiền cũng đã chuẩn bị rồi. Nghe nói cụ hay té, các băng ghế quanh Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, cũng đã sửa chữa đóng đinh kỹ rồi. Còn câu hỏi nữa của giới bình luận chính trị mạng xã hội VN và các kênh Youtube trong mấy ngày qua, đó là không biết lần này cụ Biden có lẫy Kiều không? Mình thì nghĩ có khi lần này mấy ông cố vấn của cụ lại đổi sang thơ của bà HXH:

Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mấn mó nhựa ra tay !
(Vịnh Quả Mít - thơ Hồ Xuân Hương)

Chỉ đoán cho vui vậy thôi. Xin chúc tất cả một cuối tuần an vui :-)

PN


4 comments:

  1. Câu kết thiệt là hay cho lần tái ngộ.
    Chắc anh Bảy chỉ mân mó thôi, vì nàng chẳng chịu nghe theo.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Anh đã ý kiến. Thực ra không nhất thiết phải là anh 5 anh 7 nào, mà ai cũng vậy. Vọc trái mít già nào, mấn mó hoài đều bị dính mủ. Em là dân nhà quê nên rành vụ này. Cho nên lâu nay em rất ngưỡng một tài năng của Bà Hồ Xuân Hương.

      Delete
  2. Chú Phước phiếm luận thời sự với thơ ca thật hay, bằng không "tăm tối còn dài nghìn năm"!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Anh, viết cho vui thôi, lâu quá em lo làm vườn tưới cây không viết lách gì .
      Câu thơ anh trích "Bằng không tăm tối còn dài nghìn năm" ở đâu hay quá anh ?

      Delete

Comments: