Showing posts with label Chuyện ăn uống. Show all posts
Showing posts with label Chuyện ăn uống. Show all posts

Sunday, May 23, 2021

Dân dã quê nhà ....

 


Năm nay dịch bệnh, ở nhà làm vườn trồng rau. Rau sạch hái vô chỉ cần luộc chấm mắm, đơn giản vậy mà ngon tuyệt. Ngồi ăn mà nhớ đến những món đặc sản ở quê nhà năm xưa, viết kể lại vài món cho đỡ ghiền !

Đã nói đến món ăn đặc sản, thì địa phương nào cũng có, ai mà kể hết được ? Thời buổi bây giờ đi đâu cũng thấy quảng bá rầm rộ, báo chí địa phương, mạng du lịch, zu túp zu tiết cũng đăng đầy. Mà khi nói đến ăn uống là nói đến khẩu vị, cho nên ngon với người này chưa chắc đã ngon với người khác, nên khen chê cũng là chuyện bình thường. Còn cách nấu nướng thì cũng vậy, mỗi nơi mỗi vùng có những món ăn khác nhau. Mà dẫu có món giống nhau thì cách nấu và nêm nếm cũng khác nhau. “Mỗi người mỗi kiểu mười phân vẹn mười” :-). Thế nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi chuyện ông bún bò Huế ở Cali chê ông Texas, ông Texas chê bà D.C, bà D.C chê quán ở SG, quán SG chê quán HN ....Vả lại, chuyện ăn uống ngoài việc hợp khẩu vị, còn là hợp thời gian, hợp môi trường, hợp người hợp cảnh, ăn với ai, ăn lúc nào ..v.v... Cho nên nhiều lúc đi tới đâu nghe giới thiệu những món đặc sản, mình rất thích thử cho biết, nhưng cũng không chờ đợi gì lắm. Thực ra, trong lòng của mỗi người đều có những món đặc sản của riêng họ, cho dù là dân dã hay cầu kỳ, thì những hương vị đó vẫn là bất tử. Nhớ ngày xưa mỗi lần đọc Nguyễn Tuân, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc ... nghe tả các món ăn là đã thấy đói bụng rồi. Nhưng khi đi đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt, thì cũng hên xui, tuỳ cô chủ quán hoặc người đầu bếp thôi :-). 

Nếu như nhiều người lâu nay cho rằng đẹp xấu là tuỳ người đối diện, thì ngon dở cũng là tuỳ người ăn. Mà quan niệm này thì luôn luôn đúng, tây ta gì cũng thế. Ngon với người này chưa hẳn ngon với người khác. Như có lần đi lễ hội Mardi Gras ở New Orleans (bang Louisiana - Mỹ), mấy người bạn chuẩn bị chu đáo, dẫn mình đến một nơi rất nổi tiếng về Crawfish, "chính gốc không đại lý", rồi hỏi ngon không. Mà thực ra là mình chưa bao giờ thấy crawfish ngon mặc dù đã cố thử vài lần, nên đành cáo lỗi, làm mấy người bạn cũng hơi thất vọng. Mùa Oktocberfest bên Đức cũng vậy, thức ăn rất ngon, tửu đồ cả thế giới chạy về đó để thưởng thức bia và những món đặc sản, đặc biệt là xúc xích và đùi heo. Nhưng mình lại không thích những món đó, mà chỉ ghiền Steckerlfisch (cá nướng xiên que). Có lẽ xuất thân là dân nhà quê, gốc rạ, nên chỉ quen thuộc với những món gần gũi như cá lóc nướng trui, cá tràu đắp bùn, cá chạch đốt rơm... :-). Một ví dụ nữa như ngoài QN có món Don "thần thành", nhiều ông có vợ phương xa, dẫn về khoe mẽ đặc sản quê nhà. Dọn lên, bà vợ ngồi đợi hoài, không biết ăn sao, hỏi - "Uả món gì mà chỉ có nước với bánh tráng thôi sao ?". Không sao, bây giờ vẽ ra có thêm cái trứng vịt lộn nữa cho phong phú :-) .

Thực ra thì ở đâu quen đó, ngủ hoài quen hơi, ăn hoài quen miệng thôi. Nên đứa con nào cũng nghĩ rằng mẹ mình, bà mình, nấu ăn là ngon nhất, bởi đơn giản là cách nấu nướng và mùi vị nêm nếm quen thuộc từ nhỏ. Như mình hồi nhỏ ở với bà Ngoại, lớn dọn lên tỉnh bà cũng đi theo. Dù chỉ ở quê nhà chỉ một thời gian rất ngắn ngủi, nhưng những hương vị món ăn ngày xưa của bà nấu vẫn đi theo mình cả đời. Mấy năm sau này lần nào về quê cũng cố tìm lại những món ấy, nhưng chắc chắn là không bao giờ gặp được cái hương vị ngày xưa !

Mà nói đến đặc sản VN trước tiên là phải nói đến mắm. Ngay cả các tiệm thực phẩm châu Á ở nước ngoài bây giờ cũng bày bán đủ các loại mắm, khác với thời mấy chục năm về trước. Mắm cái, mắm nêm, mắm tôm, mắm cá lóc, mắm sặc, mắm chua, mắm thính, mắm dì Cẩn, mắm bà giáo Thảo, bà giáo Khoẻ ..... gì cũng có. Mấy đứa con mình không biết ăn mấy món này, nên lâu lâu có bạn bè bên nhà qua chơi, tặng mấy hủ mắm đặc sản, ăn hoài mấy năm chưa hết. Mới lúc trước dịch đây, có ông anh quen cho mình hủ mắm, đặc sản chính gốc Cửa Lò, Cửa Hội. Mỗi lần mở hủ mắm ra là con mình lẻn đi lên lầu hết. Không biết làm bằng con cá gì, nhưng chấm với ba rọi hoặc rau muống, đọt lang, bông bí là tuyệt cú mèo. Còn ở quê Ngoại mình thì ôi thôi đủ loại mắm, vì gần sông gần biển. Có nhiều loại mắm cũng tương tự và đại trà như các vùng duyên hải khác như mắm cá cơm, cá thu, cá nục. Ở đây mình chỉ nhắc đến vài loại bình dân nhưng rất ngon.

- Mắm Dãnh: làm bằng con cá Dãnh, có màu đùng đục như bạc xỉu. Thường dưới quê mấy người chỉ làm quà biếu nhau vì nguồn cá Dãnh không nhiều lắm. Món này mà ăn với thịt ba rọi, bún tươi, thậm chí chỉ với ớt tỏi, cơm nóng thôi....cũng thuộc loại thần sầu :-).

- Mắm Mày mạy: Món này rất hiếm, mấy chục năm sau này ít khi nghe nhắc đến, nên mình cũng quên mất. Hôm qua viết bài này xong, có ông anh cùng làng nhắc đến món mắm mày mạy, mới nhớ. Mày mạy có hình thù giống như con tôm tít còn bé. Ông anh mình nói loại này chỉ có ở vùng Cổ lũy hạ lưu sông Trà. Muốn bắt chúng phải đặt bẹ chuối trên cát, chúng bò vào rồi không thể bò ra được. Xúc về làm mắm, ngon tuyệt vời. Món này mà ăn với bún tươi thì mắm Dãnh cũng đành phải xếp thứ nhì thôi :-). Mở ngoặc chút, ngoài quê mình có loại ớt sim “chim ỉa”, tức là ớt rừng do chim ăn rồi ị  hột trên núi, mọc hoang. Ớt này được thiên hạ hái về ăn Don hay ăn với mắm cùng với tỏi Lý Sơn. Tuyệt ! Không cần món gì cầu kỳ, chỉ cần một chén mắm ớt tỏi đó ăn với bánh đúc lá vông, bánh tráng ướt, bánh tráng nướng nhúng nước, hoặc tô bún tươi, là đã “độc cô cầu bại” rồi :-).

- Mắm Ngừ, mắm Mực .... làm bằng ruột cá ngừ, mực cơm, thuộc hàng dân dã nhưng rất đậm nét quê hương. Bà Ngoại mình nhiều khi bỏ cả đu đủ xanh, hoặc dưa tây, dưa gang vào, dòn ngon và rất thông dụng vào những ngày mưa lụt.

Ngoài quê sau này còn làm cả mắm Nhum (sea urchin), ngày xưa chỉ có vùng biển Sa Huỳnh mới có món này. Thông thường thì người dân quê chỉ xử dụng những loại cá rẻ tiền, nhiều xương, hoặc ăn không ngon, để làm mắm, làm chả. Ví dụ như chả cá rựa, cá thát lát, cả đỏ... Miền Trung vì ở gần biển nên các loại cá làm mắm thường là cá nước mặn. Còn miền Nam, gần sông nước nên đa dạng hơn các giống cá nước ngọt như cá lóc, cá linh, cá sặc, cá tra, cá chốt, cá suối, cá vụn...v.v. Mỗi vùng miền có cách làm đặc thù và mùi vị khác nhau. Và cũng không phải là ai cũng biết thưởng thức mắm. Mình có ông anh quen là công tử của một vựa mắm lớn ở quê mình nhưng lại không hề biết ăn mắm:-).

Kế đến, là nhắc đến các món đặc sản liên quan đến cá. Ngoài lề chút, phải nói là dân VN thuộc hàng ăn cá nhất nhì thế giới. Đi tới đâu, nhà hàng nào, quán ăn nào cũng thấy cá tôm, đặc sản tươi sống. Tuy nhiên, với sự tàn phá môi trường, tận diệt tôm cá như lâu nay, nếu chính quyền không có một kế hoạch cụ thể và cứng rắn, thì vấn nạn nguồn tôm cá cạn kiệt sớm muộn gì cũng không tránh khỏi. Ở những nước văn minh hơn, người ta kiểm soát rất gắt gao về kích cỡ chủng loại hải sản, thời vụ đánh bắt, và phương tiện đánh bắt. Nhiều nơi nghiên cứu cách nuôi trồng lai tạo để trả lại môi trường tự nhiên các chủng loại tôm cá, thủy hải sản, có khả năng sinh sản cao. Còn phe ta thì ăn từng bầy cá con, cá bé, cá lòng tong, ròng ròng ... Lưới bén, lưới chài, lưới bủa, lưới kéo, cỡ lớn cỡ nhỏ, một phân một ly gì cũng xài tuốt. Ngoài khơi thì qua hết thời đánh thuốc nổ, lại đến thời đánh đèn cao áp, lưới cào lưới giả .... Cá chưa kịp lớn, chưa kịp sinh sản, thì đã vào quá nhậu đặc sản quê hương. Còn tăng gia sản xuất, nuôi bè, nuôi ao, ngày càng nhiều, nhưng việc tuân thủ luật lệ môi trường thì người có người không. Lâu lâu còn bị mấy anh doanh nghiệp tiết kiệm xử lý nước thải, xả hàng, bơm hoá chất ra sông ra biển. Bên cạnh đó, cũng không hiếm nạn khách du lịch hoặc các khu dân cư ven biển, thiếu ý thức bảo vệ môi trường, đùn đẩy nylon, ống hút, đồ nhựa, rác thải công nghiệp ra biển. Con người còn chịu không nỗi huống hồ chi tôm cá. Nhưng mấy hãng to hãng lớn, miệng có gan có thép, dù có làm cho nước ô nhiễm cả vùng, dân bó gối cả năm, thì cũng có ông quan này xuống bơi, ông quan kia xuống ăn cá, quay phim lên báo lên đài, coi cũng vui. Còn dưới sông dưới biển thì cá tôm vẫn phải chịu đòn, mà trên bờ thì ngư dân ngư phủ cũng phải gánh gồng cam chịu, đắng cay âm thầm.

Trở lại mấy món đặc sản cá của quê mình ngày xưa. Các món cá thì nhiều lắm, mình chỉ muốn nhắc đến vài món mà mình còn nhớ:

- Cá kè nướng trui: Cá Kè thuộc loại xấu xí, da gai góc, dày cộm (có lẽ cùng họ với các loại bò hòm, bò gai). Loại này ngày xưa rẻ lắm, mấy người dưới quê đi biển vô bán từng bao cát, nhưng sau này lại trở thành đặc sản quý hiếm. Cá này chẳng làm món gì được, ngoài nướng trui cho cháy da, rồi lột ra chấm muối tiêu ớt. Thịt trắng, ngon vô cùng. Những ai sành ăn hơn, thì ăn kiểu "trảm mã xà", nghĩa là vào mùa ruốc, cá kè ăn ruốc đầy bao tử. Nướng cá Kè xong, lấy ruốc từ bao tử ra, nhậu với tỏi một Lý sơn và rượu đế. Tuyệt !

- Cá dìa nướng than: Ngày xưa con sông dưới quê mình, cá dìa, cá đối, cá cồi nhiều lắm. Sông nước lợ, chảy ra cửa Đại, xuoi về biển, cá tôm đủ loại, giờ thì trở thành hiếm hoi đặc sản. Mấy món này ngày xưa thuộc hàng dân dã, nên thương lái ít khi chở lên tỉnh bán, chỉ bán vòng vòng ở địa phương. Ngoại mình thường mua về kẹp lá chuối nướng than ăn với mắm gừng. Lâu lâu muốn thơm hơn, nhét vài lá bòng, lá bưởi, lá sả, vô ruột trước khi nướng. Chín, mở ra thơm lừng !

- Cá chuồn kho nít non: Món này bình dân, thông dụng nhưng đi xa lại nhớ. Tới mùa cá chuồn thì chuồn cồ, chuồn xanh, chuồn bông, chuồn lộng, chuồn gành, chuồn khơi, chuồn mít ...... đủ loại, rẻ ối . Nên nhiều người phải phơi khô để dành cho ngày mưa gió. Còn nấu thì đủ kiểu, nào là kho, ướp nghệ nướng, nấu canh với cà chua xanh, thơm khóm....v.v... Mình thì khoái nhất là món kho với mít non, nhưng chỉ ăn mít thôi, không ăn cá :-).

- Cháo cá hà nàm: Cá hà nàm là cá nhám còn trong bụng. Nghe thì có vẻ ác độc nhưng thường là người ngư dân đánh lưới, vô tình bắt được cá nhám (thuộc họ cá mập), mổ ra mới biết. Dân biển ít ăn cá mập, chỉ ăn cá nhám. Còn ai muốn học cách phân biệt thì phải biết coi cái mang cá, hoặc du lịch về xứ đó học nghề :-). Món này nấu cháo, nghệ, nén, tỏi, hành ...gia vị, thì thôi rồi, khỏi bàn nữa, đại bổ dưỡng !

- Bún biển: thuộc loại tảo rong, sinh vật biển (nước mặn hoặc nước lợ), có hình thù như cọng bún mì, cước câu loại lớn. Tới mùa, dân ở quê vớt về biếu tặng thôi, ít khi bán buôn vì rất rẻ. Nấu nước lèo trụng ăn như bún nước lèo Nam bộ, hoặc có người làm khô như mì Quảng, bún xào, hoặc làm gỏi với tôm thịt rau thơm. Ngoại mình thường làm bún nước cho dễ ăn. Bà nói món này thuộc loại âm hàn (ăn mát) như hột vịt lộn, nên ngày xưa thường không dám cho con nít ăn nhiều, sợ bị ách bụng. (Hồi đó chưa biết uống rượu, chứ bây giờ làm vài ly bourbon là hết hàn ngay :-) .

- Cá bống/cá thài bai: Mấy món này thì nhiều người ngoài quê biết rồi. Nhưng thực ra thì cách kho không phải ai cũng giống nhau. Dưới quê mình, bà con kho cá bống trong trách đất. Tiêu và nước mắm cũng phải thuộc loại đặc biệt. Kho bếp củi, rồi dụi than cho nước mắm sánh lại dần, khô con cá. Mùi vị không lẫn vào đâu được. Bởi vậy sau này về lại quê cũ, thấy có bày bán nhiều, nhưng cách kho khác quá, nên cũng không còn ghiền ăn nữa. Có năm nào coi cái video quảng bá về du lịch quê nhà, thấy ai chỉ cách kho cá bống, dầu mỡ lai láng. Coi xong hết thèm ăn đặc sản luôn. Còn cá thài bai thì thời nay cũng cạn dần, hiếm hoi. Cá thài bai thì phải bắt đúng lứa mới ngon. Già thì lại cứng, non thì lại bở. Mấy năm gần đây thỉnh thoảng về quê vào dịp gần tết, cũng được bạn bè đãi tặng. Vẫn ngon, nhưng thực sự thì khác xa cái hương vị ngày xưa của mình. Nhiều người cho rằng vì ngày xưa thiếu thốn nên ăn cái gì cũng ngon, giờ đầy đủ quả nên không cảm được. Mình thì không nghĩ vậy, vì thực ra trước năm 1975, người dân quê mình cũng không phải thiếu thốn lắm. (Nhận định một cách công bằng, ở Phú Thọ, Cổ Luỹ, Phổ An, ngày xưa sầm uất hơn, mặc dù đó là thời chiến tranh và dân số ít hơn bây giờ. Mỗi lúc ghe cá vô bờ, các "bạn rỗi” mủng thúng xôn xao, cái cặp nách, cái đội đầu, rôm rả tất bật chạy như bay lên chợ. Xe máy 2 càng, hai giỏ hai bên, lạng lách tranh nhau đua cho kịp những phiên chợ tỉnh, chợ huyện. Ghe bầu, ghe buôn, sắp hàng dài trước bến, ra vô tấp nập. Còn bây giờ thì đi lới đi lui lèo tèo vài quán lấn sông. Ngay cả con cá thòi lòi, "dấu đầu lòi đuôi", ngày xưa chẳng ai thèm ăn, giờ cũng thành đặc sản !)

- Bún cá ngừ: Món này thì bây giờ SG cũng bán khá nhiều, cũng như món cá nục hấp cuốn bánh tráng. Nhưng đúng là mỗi người có cách nấu khác nhau. Bây giờ thì mấy quán miền Trung bên Tây bên Mỹ cũng có bán mấy món này, chỉ là hương vị có phần khác nhau. Nhớ ngày đầu tiên về lại VN đi làm, một ông anh rủ mình vô quán 3 miền của cố nhạc sĩ TCS dưới gần cầu Trương Minh Giảng đãi món này với món gỏi sứa dấm nuốc. Mấy chục năm trở lại, đúng là ăn cả một trời thương nhớ. Nói đến món dấm nuốc, nhớ đến nhà thơ Mường Mán. Không biết quán anh ở SG giờ còn bán món này chăng ?

- Canh chua khế: Món này cũng thuộc loại đặc sản của quê mình. Cá chim, cá liệt, cá ngân ....cá nào nấu cũng ngon. Cực kỳ đơn giản mà kỳ lạ là đi xa bao nhiêu năm vẫn còn nhớ hoài.

- Cá khoai nấu mứt (rong biển): Sau này ở SG cứ chiều chiều ngồi nhậu khô cá khoai, cá đuối, là nhớ đến món này ở quê nhà. Ngày xưa bến sông quê mình có nhiều ghe từ Lý Sơn hoặc từ xứ khác, ra vô buôn bán tấp nập. Ghe nào cũng đẩy ắp hành tỏi, rau câu, chưng vịt (một loại rong biển để nấu chè), mứt (rong biển), ruốc khô. Cá khoai nấu rong biển, mềm mại, chưa kịp nhai đã vô bụng rồi :-). Đơn giản mà ngọt ngào !

Thứ ba, là nói về các món dân dã khác mà người dân quê mình thường nấu:

- Canh khoai với tấm nếp: Món này cũng là một trong những món tuyệt chiêu nhớ đời của mình. Sau này về quê hỏi hoài mà chẳng thấy nhà hàng nào bán. Nhiều anh bạn mình ở thành phố nghi ngờ hỏi lại mình "Mày có nhớ lộn không, làm gì có món này ?". Mình còn nhớ rõ mồn một là Ngoại nấu món này như thế nào. Vào mùa mưa lụt ra vườn nhổ từng bụi khoai (giống như bạc hà nhưng nhỏ hơn). Loại khoai này cũng có thể cắt nhỏ làm dưa, mùa mưa lụt kho cá kho thịt để ăn dài ngày .

- Ruột heo xào nghệ: Món này ở quê mình thường ăn mỗi lúc cảm ho. Xào với bún gạo. Ăn riết hoá ghiền !

- Đọt lang, bông bí: Mỗi lần ăn mấy thứ rau này, là nhớ lại cả một thời thơ ấu. Bông bí ở dưới quê khi muốn ăn là hái nhiều bông, ít đọt. Có cả nhừng bông cái (có trái bí con), vì phải hái bớt cho thưa, để những trái bí khác được lớn hơn. Đọt lang, bông bí là phải có chén mắm cá cơm, mắm cá cơm chua thì còn tuyệt vời hơn nữa ! Ớt, tỏi, chanh, gừng.... toàn cây nhà lá vườn. Làm sao tìm lại được ?

- Bắp chuối hà nàm: là bắp chuối chưa ra nải chuối nào. Bóp gỏi hoặc nấu chay, nấu canh chua ... thì thâu rầu lượm ơi !

- Mít non: Quê ngoại mình, nhà nào cũng trồng mít. Nhỏ thì huê mít chấm mắm ruốc. Lớn hơn chút thì gỏi mít non xúc báng tráng, kho cá, luộc, nấu chay .... nón nào cũng tuyệt cú mèo.

- Gỏi ruốc thanh trà: Món này thì phải có trái thanh trà (cùng họ với bưởi). Nhà Ngoại có cây thanh trà và cây khế trên đầu hè, tuổi thơ của mình gắn liền với nó. Ngoài Huế cũng có cây Thanh Trà, nhưng cách làm gỏi Thanh trà, cũng như gỏi Vả hoặc gỏi mít non thì khác với ở quê mình. 

Mà nói đến trái cây dưới quê thì lại một cuốn phim khác nữa. Hôm nào rãnh rang sẽ ngồi nhớ lại. Từ trái ô ma, mầng quân, vú sữa, xoài, xá lị, dừa, ổi rừng, trái trâm, trái sim, trái ư, chùm chày mủ dẻ ...cho đến bồ lời, long não ... ống thụt. Tuổi thơ của ngày ấy không có iphone, ipad, phim ảnh, game giếc ... gì cả. Nhờ vậy mà giờ lâu lâu còn chuyện để nhớ để nhắc :-)

Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ !

PN

Friday, February 08, 2019

Năm Hợi nói chuyện heo



VN ta có cái lệ tết năm con gì nói chuyện về con ấy. Con heo là một trong những con gần gũi nhất, vì nhiều người ngày nào cũng ăn thịt heo :-). À, mà người ngoại quốc thì khác nghen, có nhiều người cả đời chưa biết ăn thịt heo. Không phải là vì lý do tôn giáo, mà có lẽ chỉ là ít ăn nên không quen thôi. Mình có đứa bạn cả đời chỉ biết ăn mỗi thịt gà. Nhưng chuyện này đợi tới năm con gà hãy nói tiếp.

Giờ nói về con heo. Thực ra con heo là con được khen chê nhiều nhất. Ngu như heo, mập như heo, dơ như heo, sướng như heo, lười như heo ...v.v..Trong những năm gần đây, phong trào nuôi heo làm thú nuôi trong nhà ngày càng nhiều, đặc biệt là giống heo của Vietnam (Vietnamese pot-bellied pigs), nhiều người ngoại quốc rất thích, ủn ỉn nhưng lại khôn ngoan. Họ gần gũi dạy dỗ, nên heo cũng khôn, vệ sinh, và hiểu ý người, không đến nỗi bề bộn như heo thịt bên nhà. Còn dân quê ta, thì chủ yếu nuôi heo là để mần thịt. Nghe đồn rằng ngày xửa ngày xưa, cái thời khai hoang vỡ hoá miền Nam, đồng phương Nam sình lầy nhiều nên người ta dùng heo để dẫn đường mà đi. Nên nếu tính đúng ra, thì heo cũng có công khai phá, đừng nên xem thường :-)

Nói chuyện nuôi heo, mấy năm thời bao cấp, cả nước đói nghèo. Nhiều nhà ráng "cải thiện" bằng cách nuôi heo. Nhiều đứa bạn mình đi học về, phải phụ mẹ đi đốn chuối cắt rau để nuôi heo. Hồi mình còn nhỏ cứ đến hè, là Má mình mua một con heo để nuôi ăn tết. Có khi ở nhà nuôi, có khi nhờ người khác nuôi. Tết đến, nhớ hoài, cứ khoảng sáng 29 hay 30 tháng Chạp, là nhờ một ông "đao phủ" Bảy Đáp đến "xử" con heo ăn tết (thiệt là cho tới giờ này mình cũng chả hiểu là tại sao ông nào làm nghề mổ heo cũng có tên là Bảy Đáp). Mình lúc đó cũng tham gia nấu nước sôi, cạo lông ...v.v. Lúc nào làm con heo xong, ông Bảy Đáp cũng có một nồi cháo đậu xanh với huyết ứ, lòng luộc .... ngon vô địch. Ăn xong, ông lấy sợi lạt tre xỏ vô cái nọng heo cầm về, khỏi cần phải trả tiền nong gì. Hồi đó mình cứ nghĩ mỗi lần xuân về chắc nhà ông này toàn là nọng heo. Mà thiệt ra những câu chuyện nho nhỏ như thế lại là rất "quê hương". Đi đâu rồi cũng nhớ mồn một những câu chuyện đó, mình tiếc là thế hệ sau này như con mình, ít có những kỷ niêm như vậy. Con nít xứ Mỹ này mà thấy thọc tiết heo, cắt cổ gà, chắc là sợ khiếp !
Người quê mình ngày xưa có tục lệ cúng cuối năm phải có "đầu đuôi thủ vĩ" (cái đầu và đuôi heo), cái bong bóng heo, và lớp mỡ sa trùm mâm thịt lại. Có lẽ vì thế, dù nghèo mấy cũng ráng làm con heo ăn tết, bởi mua ngoài chợ thì khó tìm đủ bộ đồ nghề. Mà thực ra nói là làm con heo ăn tết, chứ nhiều lúc chỉ ăn bữa đầu và bữa cúng rước ông bà chiều 30 tết là ngán rồi, mấy ngày sau mới ăn lại được. Nhà mình luôn có lệ ăn chay đầu năm, nên cũng ít thịt thà mấy ngày tết. Sau này con cái lớn đi hết, cách sống của xã hội cũng đổi thay, Ba Má mình cũng già đi. Tết về, không còn làm bánh in, bánh thuẩn, bánh bó, bánh mì xốp, mứt gừng, mứt dẻo ... chuyện làm heo ăn tết cũng dẹp luôn tự hồi nào. Tiếc !

Còn nói đến chuyện thịt heo, thì không phải mình cục bộ hay ếch nằm đáy giếng, chứ đi đây đó nhiều, chưa có xứ nào thịt heo ngon bằng ngoài QN. Có lẽ giống heo cỏ, rồi họ lại cho ăn thuần "hàng xách tay", không phải thức ăn công nghiệp, nên thịt ngon & thơm. Ý là còn chưa nói đến công phu bắt phèo non, lựa dồi trường, đánh tiết canh, làm dĩa lòng ... cả một nghệ thuật. Có mấy đứa bạn ngoài quê, ngày nào cũng phải có dĩa thịt luộc mới được. Mình hiểu được điều đó, và dĩ nhiên vợ bạn mình từ ngày về làm dâu, món khéo nhất cũng là luộc thịt :-).

Còn mình lần nào về quê, cũng nhất định phải xuống bến Tam Thương chơi món cháo lòng thịt luộc nóng hổi mới ra lò. Danh bất hư truyền. Lần kia, mình và thằng bạn đi từ SG xuyên đêm về đến quê khoảng 4,5 giờ sáng gì đó, gà gáy, chạy thẳng tới quán. Có ông Tây Canada đi theo nữa. Bà chủ quán nói còn đang nấu nước làm heo. Cả đám ngồi đợi, làm xong mở hàng liền, mặt trời chưa mọc. Lúc trước mình thường làm luôn dĩa tiết canh, ly rượu gạo, cho đời lên hương. Nhưng dạo này đi ăn với mấy đứa bạn, nó cứ ngăn cản mình hoài, dần dà cũng phải từ giã món tiết canh quốc hồn quốc tuý đó. Uổng !
Nhớ có dạo mấy tay phóng viên báo TN, SG thổi phồng món "cháo đùm" dưới Bàu He, làm mình lặn lội về, dậy sớm rủ thằng bạn già đi xuống ăn cho biết. Ngon thì cũng ngon, nhưng nhiều gia vị quá, làm mình nhớ lại món lòng heo xào nghệ mà hồi nhỏ Ngoại mình cho ăn mỗi lúc bị cảm ho. Còn món "thịt heo hai da" của Quảng Đà tuy đồn đãi nhiều, nhưng mình nghĩ là do nước mắm chấm ngon, chứ không phải do thịt ngon.

Nói đến chuyện ăn thịt heo ngày Tết, đúng là mỗi vùng có khác nhau. Bạn bè mình có cả Bắc Trung Nam, nên tết nhất gặp gì ăn nấy, thưởng thức cả thịt heo 3 miền ...:-). Ngoài Bắc thích giò thủ, thịt đông, giò heo bó luộc hơn. Miền Trung lại thích thịt kho Tàu, thịt muối, thịt thả mắm. Miền Nam đơn giản là nồi thịt kho trứng, muốn ăn lâu thì trứng có phủ bột ngoài, không thì cứ thế mà kho đi kho lại, trứng săn dần. Còn cái món giò heo hầm măng khô mà mình khoái khẩu, hình như nguyên thuỷ là truyền thống của miền Bắc nhưng bây giờ thấy nhiều nơi cũng thích làm, ăn ba ngày tết cho đỡ ngán. Nói chung món nào cũng chuẩn bị công phu, nhưng vậy mới làm cho ngày tết có cái đặc thù của nó, một thứ văn hoá truyền thống rất đáng ca tụng và giữ gìn. Nhà Ba Má mình ở Lâm Đồng, dân ở đó cũng như hợp chủng quốc Hoa kỳ, đủ thứ sắc dân, từ Kinh đến Thượng, Bắc Trung Nam đủ cả, nên thức ăn vùng miền cũng có phần pha trộn chút ít. Vào mùa xuân thì Lâm đồng bao giờ cũng se lạnh, từ Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa, Đơn Dương, cho đến Đà Lạt .... đâu đâu cũng lành lạnh, nhiều hoa trái, nên càng làm tăng cái không khí giao mùa của tiết xuân và những món ăn cũng thêm phần đậm đà ngon miệng.

Một món heo nữa mà mình cũng ghiền là "heo cặp nách" Tây Bắc. Mình có thằng bạn rất thân, có mở hãng xưởng tận vùng Lào Cai. Lần nào mình ra đó, nó cũng hú mấy nhân viên làm con "heo cặp nách", anh em cùng nhậu. Thực ra heo cặp nách chỉ là những con heo đen nhỏ, nhưng mỗi vùng gọi khác nhau. Ngày nay loại heo này cũng bị lai tạo nhiều, khó nói là thuần chủng hay không. Vùng Tây Nguyên miền Nam cũng có nhiều. Quê mình, người dân tộc trên Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà ...cũng nuôi đầy. Chạy nhảy rông, ăn rễ cây, ăn khoai ăn củ trong rừng, có khi được cho ăn thêm bắp, sắn. Nên cũng thuộc loại "organic", thịt thơm ngon, ít mỡ. Còn tên gọi của "heo cặp nách" thì đi từ Hà Nội lên Lào Cai, người ta đã gọi khác nhau rồi. Trong Nam thì gọi là heo mọi (tên này giờ ít xài vì có vẻ xúc phạm đồng bào dân tộc), heo tộc, heo "rừng", heo đen, heo thả rông ... Đa phần là nửa hoang dã nửa thuần chủng, kết hợp nuôi. Còn đi nhà hàng thì chưa biết à, cũng không loại trừ khả năng các nhà hàng ở thành phố thường chơi hàng giả hàng nhái, không phải "heo cặp nách" chính chủ.

Nói đến chuyện ăn heo cặp nách trên Lào Cai, thằng em của bạn mình nuôi cả đàn thả hoang trong rừng. Khi cần kêu nhân viên gõ kẻng dụ về. Làm chớp nhoáng ra mấy món liền, riềng mẻ thơm phức . Nướng, luộc, dồi, giả cầy, rựa mận .... đủ món ăn chơi. Ngồi giữa bốn bề núi rừng, gió cây xào xạc, khuya xuống cá Trắm ăn đá ăn ốc rồn rột, nghe rợn người. Rượu thì toàn là táo Mèo chính tông, lâu lâu có thêm rượu ngâm hoa Anh Túc (hihihi), uống như thổ dân, mà không say mới là lạ. Mình lần nào lên đó cũng gục tại chỗ, mà mấy đứa bạn mình cũng chẳng khá hơn chút nào. Vậy mới vui, mới đáng nhớ, mới "tình thương mến thương". Hồi nhỏ mình cũng rất mê truyện của Hoàng Ly, chuyên viết về miền núi rừng sơn cước. Lớn lên mỗi lần về nhà ở Lâm Đồng, vô Cát Tiên, lên Đạ Tẻ, vô Đạm Ri, đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, cũng núi rừng cũng sương khói mịt mờ. Nhưng so với núi rừng vùng Tây Bắc thì còn hiền lành hơn nhiều. Còn nói về uống rượu mà ngồi trong quán, nhà hàng máy lạnh, rượu tây bia ngoại ... thì cũng có cái hay của nó, nhưng chủ yếu là giao tế xã giao, gặp mặt cho tiện. Chứ muốn sảng khoái thực sự thì phải nên uống rượu giữa rừng núi bạt ngàn như vậy. Sương lạnh đá núi, tiếng chim kêu vượn hú, rượu đế ngâm táo Mèo, ngâm rễ cây rễ củ, rau rừng lá rẫy. Ngồi giữa trời, không vướng bận tầm nhìn, không nghi lễ, không giữ kẻ, hút thuốc vô tư, uống lát chạy vô rừng thăm cây thăm cỏ, ngắm trăng ngắm suối... thì còn gì bằng. Tiếc là uống hoài tới giờ mà vẫn chưa gặp được cô Nữ tứớng miền Sơn cước (Giặc Cái) của nhà văn Hoàng Ly :-) .

Hôm mùa hè năm rồi về VN, có ông anh biết mình thích món "heo cặp nách", đặt hàng làm tận Tây Ninh đem về. Rồi anh nấu nướng rất công phu, hừng hực giữa cái nóng mùa hè SG. Rượu táo Mèo, nếp cái hoa vàng đủ cả. Nhưng thấy anh em làm cực quá, ngại, ăn cũng thấy mất ngon. Mình đề nghị lần sau ra quán cho tiện :-). Thực ra, khi nói về ăn uống, tổ chức nhộn nhịp cho hào hứng sôi động, chứ để thấy ngon thì cũng có nhiều yếu tố khác trong đó. Đúng nghĩa vui là chính ! Một số nghiên cứu của tạp chí Mỹ gần đây cho rằng thành công trong các thương hiệu nhà hàng, yếu tố thức ăn ngon chỉ đứng hàng thứ 3. Thứ nhất và nhì thuộc về "style", và không khí & môi trường. Với mình, quan niệm ăn uống quan trọng nhất là không khí thoải mái, anh em bạn bè vui vẻ, thì ăn món gì cũng thấy ngon. Từng tuổi này, từng nhậu nhẹt bao nhiêu món ngon món lạ khắp nơi, cái ngon nhất trong bàn ăn, bàn nhậu vẫn là không khí bữa tiệc, hào sảng, hoà đồng với nhau.

Giờ nói đến công lao của ngưòi nuôi heo, thực ra không dễ chút nào. Mình có ông bạn người Mỹ có nông trại nuôi heo ở cùng tiểu bang. Hôm bữa, rủ mình xuống chơi, mới biết đâu là khó nhọc công phu dường nào. Coi cách nuôi công nghiệp ở Mỹ xong, mới hiểu tại sao dân VN nuôi heo mà không xử lý môi trường đúng mức gây ra ô nhiễm hoài. Chi phí cao mà đòi hỏi sự giám sát của cơ quan chức năng cũng nhiều. Cho nên dân quê mình rồi cũng thấy thoải mái hơn với nền kinh tế gà thả vưòn, heo nuôi chuồng, trồng chuối nuôi heo ... chăn nuôi nhỏ lẻ là vậy. Người dân chăn nuôi ở VN vì không có kế hoạch cụ thể, lại không được hổ trợ đúng mức của các ban ngành về thông tin cũng như chính sách, nên rủi ro rất lớn. Lâu lâu lại thấy giá heo rẻ mạt, nông dân khóc ròng. Các đoàn thể ban ngành lại có dịp kêu gọi làm người hùng cứu heo. Xong, vài ba tháng sau lại tái diễn, đã bao nhiêu năm rồi, vần điệp khúc ấy. Mùa xuân bây giờ nông dân nuôi heo, trồng rau, trồng hoa, trồng cafe ... như nuôi trái bom nổ chậm, cứ phải nhờ ông Địa ông Thần tài phù hộ !

Nói chuyện nuôi heo mới nhớ, hồi còn sinh viên mình có thằng bạn, nhà ở gần trường Sĩ quan Thủ Đức cũ. Gia đình hắn rất nổi tiếng ở Thủ Đức, mấy anh em rất tài hoa, đàn, trống, kèn, piano ... chơi được hết, đủ cả băng nhạc. Lâu lâu rủ cả đám xuống nhà chơi, biệt thự hẳn hoi, hát hò thổi kèn đánh trống um trời. Mấy anh chị em nó đều sinh viên cả. Cô em gái út chơi piano cho nhà thờ rất dễ thương, học Nguyễn Hữu Huân, đứa nào cũng lóng ngóng, nhưng cô ta chả thèm để ý đứa nào. Nói chung là người bạn mình lúc đó rất bảnh. Nhưng lúc rảnh là lấy xe Datsun ( 4 bánh) chở heo nọc đi thả đực, vì nhà hắn có trại chăn nuôi lớn từ trước 1975, sau này được cho là "tư sản". Dạo đó hắn phải lao động phụ giúp cha mẹ vì thời buổi kinh tế khó khăn rồi. Lúc không đi học, không đi chơi nhạc, thì đi thả heo nọc. Lúc đó mình khâm phục nó lắm, vì nghĩ nếu tụi mình chắc sẽ mắc cỡ. Nhưng không, hắn rất tự hào về công việc đó. Lâu lâu uống cafe còn nghe nó say sưa kể về các ngón nghề thả đực, chịu đực .v.v... cũng công phu ra phết. Có lần nó thả đực trúng nhà cô gái mà nó đang yêu, đang theo đuổi. Nó rất thích cô này. Chỉ có lần đó mình thấy nó trầm ngâm, rồi cũng không biết cuộc tình đó sau này ra sao ?

Mùa xuân năm heo, sáng nay bà xã lại cho ăn thịt heo kho hột vịt, bánh chưng, dưa món. Ngán quá, tự nhiên thèm dĩa thịt luộc quê nhà. Nhớ tới thằng bạn già, lâu quá chưa lên núi nhậu heo cặp nách với nó. Xuân này bận rộn quá rồi, chắc lại phải hẹn Xuân sau thôi. Mà sang năm là năm con chuột, chả nhẽ lại về nhà hắn dưới Châu Đốc mà nhậu chuột đồng nướng lu ? Có lý !






Friday, January 11, 2019

Phiếm: Dân dã mà ngon ....



Bữa nay nói chuyện ăn uống chút. Hôm đầu năm rồi, ghé nhà bà chị đồng hương ở Florida. Ngồi ăn cơm mà cứ nghĩ như là đang ở VN, toàn món quê nhà. Nước mắm ớt tỏi thì chơi toàn tỏi Lý Sơn, tỏi một. Gà thì gà thả vườn đem vô luộc, rau thơm ra vườn hái, rau tiến vua thì đem thẳng từ VN qua. Bánh tráng thì chơi đúng hàng bánh tráng QN, do chính chủ con cá bống sông Trà mua. Còn dưa cải muối thì y chang trong cái lu, rau tự trồng. Khuyến mãi thêm dĩa gỏi thanh trà (bưởi), mấy trái vả .... :-) . Đúng là đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt !

Hồi mình ở bên châu Âu, thường về Metz (một thành phố cổ của Pháp gần Luxembourg - Lục xâm bảo) ăn cơm Việt, cháo vịt ... Có quen mấy gia đình qua đó từ 75, mà tới giờ vẫn chơi toàn món Việt thuần túy canh chua cá kho, thịt kho tàu dưa giá, cháo vịt mắm gừng thì đúng điệu con cào cào. Nhưng bên Mỹ thì còn dữ dằn hơn nữa, nhiều người VN qua đây ba bốn chục năm vẫn chưa quen món tây, cứ món quê hương mà mần, đem theo cả cái bếp Việt hồn Việt đi tận chân trời góc bể. Cái gì có thể hội nhập được, nhưng hủ mắm tô phở, canh chua cá kho thì chắc là còn lâu. Nhiều khi kho mắm kho cá thơm lừng cả xóm. Nhiều vị đi làm, đem theo mắm, dưa chua, cá kho .. vô cafeteria của hãng, bắt "đế quốc" phải chịu đựng cho biết mùi. Cũng có thể nhờ "bất khuất" vậy mà khó mất gốc, Tàu cũng không đô hộ được, ngược lại còn có thể "đánh thắng 2 đế quốc" nữa :-).

Có năm nào đó, lâu lắm rồi, thấy ông nhạc sĩ/hoạ sĩ TC viết bài "Bếp Việt trên đất Mỹ" trên báo SGTT, đa phần nói về xứ California. Ngồi uống cafe, mình thắc mắc hỏi "anh có đi Vẹc-xây New Orleans" chưa ? Ổng nói - Chưa. Thực ra thì bếp nào cũng là bếp, nhưng mỗi nơi có cái tuyệt vời khác nhau. Đã lâu rồi, mình chưa trở lại New Orleans. Thời đó trẻ trâu, thường đi lễ hội Mardi Gras dưới New Orleans. Lúc nào cũng ghé làng Vẹc xây thăm ... quê hương. Đầu làng, quán cafe thì đã có cải lương, bolero rỉ rích rồi. Dọc đường cũng có chợ chồm hổm ngoài trời, còn đồ ăn thì thôi khỏi nói, món gì chả có. Rau đay, bạc hà, mồng tơi, rau muống, khổ qua ... tươi rói. Cá thịt cũng vậy, bê thui, dồi lòng, tiết canh, phèo phổi, nghêu sò, ốc, hến.... toàn đặc sản tươi sống, đủ hết. Có mấy gia đình quen gốc từ Phước Tỉnh, Hải Sơn qua, kho cá om riềng, canh cua rau đay ... thuộc loại nhất nhì thế giới, giờ nói còn thèm. Nhậu thì thôi, mát trời ông địa, bia đa phần chỉ bán két 24 lon. Nhớ có ghé nhà thờ chơi, gặp ông cha xứ kể, nội tiền bán lon bia recycle hàng năm của giáo dân thôi cũng không phải dạng vừa. Tối thì sòng bài xóc dĩa vui chơi từng bừng, có bảo vệ đứng gác hẳn hoi. Khuya có mướn cả "nhân dân tự vệ" canh chừng làng xóm :-) . Nghe như đùa mà có thật. Nhớ có lần uống cafe nghe bolero phê quá, ngồi lâu đi ra, kính xe bị đập mất hết đồ trong xe, gọi cảnh sát vô lập biên bản. Cảnh sát nói - chuyện này gặp hoài !
Thời đó, đầu thập niên 90, người Việt còn ít, mà Vẹc xây đã hào hùng như vậy, không biết bây giờ ra sao ? Cũng có thể bây giờ lại phát triển hơn, không còn được "quê hương" như trước nữa. Định hôm nào bay xuống lại một chuyến ăn cháo lòng tiết canh, khỏi về VN cho xa. Nhưng ngoài đặc sản là làng VN chính hiệu Vẹc xây, thì ở New Orleans cũng là nơi sinh sản ra nhạc Jazz và có cafe Du Monde & bánh tiêu Pháp nổi tiếng nghen, đặc biệt nữa là Mardi Gras và Crawfish nữa. Nghe nói từ sau cơn bão kỷ lục Katrina thiệt hại nặng nề, ngành nghề đánh bắt hải sản cũng không còn thịnh như xưa, bà con VN ở Louisiana cũng dọn đi nhiều, về các vùng lân cận như Houston TX, nên có lẽ bây giờ cũng vắng.

Ngày nay thì người VN trên thế giới quá nhiều. Âu, Á, Úc, Mỹ .... gì cũng có, kể cả châu Phi. Quán ăn siêu thị cũng đầy, mắm gạo, bún phở, sơn hào hải vị, loại gì cũng có. Bên Mỹ thì mấy vùng người VN đông như Nam Cali, San Jose, Houston, Dallas, Atlanta, Arlington D.C ... đầy rẫy món quốc hồn quốc túy. Nhớ lại mấy năm đầu về thăm nhà, Má mình cứ cho ăn rau muống, ăn cua ghẹ. Hỏi sao vậy, Má mình nói có mấy người Việt kiều trong xóm về đây thích ăn cua ghẹ đồ biển, và nói bên Mỹ rau muống qúy hơn vàng. Mình không giải thích được, nên thường nói đùa "Tại họ về VN chỉ uống nước suối thôi, còn con uống rượu gạo mà". Sau này Ba Má mình qua Mỹ rồi về lại, biết, không cho mình ăn mấy món đó nữa. Nói đơn giản là nước Mỹ rộng lớn, chắc cũng tùy vùng miền thôi, chứ cũng có nơi rau muống, khổ qua, bí bầu ... nhiều quá, phải cho bớt bạn bè, nhà chùa nhà thờ, để khỏi hư. Cua ghẹ thì mua ăn từng bushel (thùng cỡ hơn 100 con). Nói chung, đồ biển bên Mỹ đa phần là rẻ hơn bên VN, lại an toàn hơn. Tuy nhiên có những món không giống, không hợp gu, không hợp khẩu vị, nên với người Việt là không đâu ngon bằng quê nhà. Đại loại là tâm lý "Nắng nơi đây cũng là nắng ấm . Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương" :-).

Nhưng phải nói cho dù trời tây có đầy đủ sơn hào hải vị gì, món ngon vật lạ gì, thì vẫn thiếu những món dân dã quê nhà. Mà mình thì thuộc hàng dân giả, ghiền món dân dã, nên mỗi lần về VN là cứ tìm món dân dã mà ăn cùng dân giả :-). Còn ra nước ngoài, lâu lâu gặp đồng hương VN rủ ăn mấy món nhà quê là nhất định không từ chối. Từ lẩu mắm, bún nước lèo, mắm lóc, cơm cháy khô cá dứa, tiến vua điên điển đông lạnh .... cho đến cá nục hấp cuốn bánh tráng, rau lang luộc bông bí chấm mắm cá cơm, cá trê nướng mắm gừng, canh cau rau đay, cà pháo mắm tôm, giả cầy, ăn hết. Mà đừng nghĩ món dân dã là lúc nào cũng dễ làm nghen. Nhiều ông VN ta cũng cầu kỳ lắm. Nhớ có ông anh quen, nhà thơ nổi tiếng, lần nào ghé chỗ mình bên SG uống rượu, cũng đòi cho được món dân dã cà pháo, rồi cắt đôi ra, tỉ mỉ lấy hết hột, rồi mới ngồi nhâm nhi với rượu vang. Đúng là đông tây trùng phùng. Còn mấy ông quê mình, dân dã món cá kè nướng thôi, cũng lựa cho được con bụng bự, mùa ruốt, nướng xong ăn cái bao tử đầy ruốt, giống như trảm mã xà bên Tàu. Miền Tây cũng vậy, nội cái bộ lòng cá lóc, chùm trứng rùa thôi.... muốn làm cho ngon là cũng phải có số má, chứ lơ tơ mơ là làm không xong đấy. Còn lên vùng Tây Bắc, nhìn họ làm heo cặp nách, dồi lòng, rựa mận giả cầy thì mới thấy công phu. Mà ăn uống thì thực ra chỉ là theo khẩu vị và thói quen vùng miền, không có gì là đúng sai, chỉ là sự quen thuộc. Một số người vùng này chê thức ăn vùng khác, cũng có thể là ít đi đây đó, chưa quen thôi. Mấy món dân dã lúc nào cũng ngon !

Cho nên về quê, mà cho mình chọn lựa thì chỉ cần một vài con cá rô đồng nướng than, dĩa rau luộc, dĩa gỏi mít gỏi măng, chén mắm ớt tỏi .... là hạnh phúc ngất trời rồi. Nhiều lần cùng bạn bè anh em, khách hàng, đối tác, đi nhà hàng xôm tụ ra về, mình lại lẳng lặng tìm chỗ làm tô bún mắm, tô don, gặm ổ bánh mì, dĩa khô mực cá thiều, dĩa gỏi vịt đầu cánh, hay con cá chuồn ướp nghệ nướng, với vài chai bia, về ngủ mới được. Cứ dân dã vậy mà ngon !


Thursday, March 22, 2018

Re-post: Tản mạn cuối năm (1)

Người VN mình bao đời nay vốn quen thuộc với cuộc sống lưu lạc. Chiến tranh, lưu đày, di trú, sinh nhai ... làm cho họ hội nhập & quen dần với những vùng đất mới, kể cả món ăn, ngữ điệu, và phong tục văn hoá địa phương. Đến ngày nay văn hoá ẩm thực phong phú đa dạng, ba ngày tết, kẻ nấu người ăn, món ngon vật lạ, đôi khi chẳng biết xuất xứ tận phương nào. Mà thật ra cũng chẳng cần phải biết !

Nhà mình ở tận vùng cao nguyên nghèo, hẻo lánh. Ở đó người Kinh, người dân tộc, người gốc bắc, trung, nam, đều có đủ. Quanh năm lam lũ, dành dụm cho mấy ngày xuân. Tết về, la cà từ nhà này sang nhà nọ, bạn bè rủ nhau nhậu nhẹt, có gì đãi nấy, cứ thế mà mần. Có khi về đến nhà lại quên mất đã ăn qua món gì. Từ gỏi tré, thịt đông giò thủ, giò bò chả lụa, dưa món củ kiệu, thịt kho hột vịt, giò nấu măng, ba rọi thả mắm ... cho đến khô cá dứa, cá trám kho riềng, cá kèo khô nướng ... đủ món vùng miền, cholesterol các loại. Rượu thì cũng thế, từ vang Đà lạt cho đến rượu dâu tằm, từ bia nội đến bia ngoại, từ rượu đế đến rượu tây, không uống không được. Miền núi vào tiết xuân, trời se lạnh, mưa phùn, sương mù giăng rắc. Chậu mai, cành đào, lan rừng, lan đất, hoa huệ, hoa hồng, thược dược, lay ơn, cúc vàng, cúc tím ... sắc màu rực rỡ. Những phiên chợ cuối năm ở nơi đây luôn làm rạo rực lòng người, ngay cả những thời kỳ đất nước nghèo đói nhất.

Mình lúc nào về nhà, qua đèo Chuối đến đèo BL, cũng ngừng lại la cà hàng giờ, uống cafe ngắm rừng ngắm suối, ăn trái cây. Tuỳ mùa, có khi măng cụt, có khi sầu riêng, có khi chôm chôm, có khi mít tố nữ ... Dân vườn không biết cách chưng bày, nhìn không được đẹp mắt như Bến Thành, Hàm Nghi, nhưng toàn là cây nhà lá vườn, mới hái. Có một món mình thường mua đem về là măng rừng lồ ồ, đặc sản núi rừng. Lúc trước người dân tộc còn gùi ra bán, giờ cũng thưa dần, chỉ còn lại nhiều là măng mạnh tông. Măng khô ở đây cũng rất ngon, mua về hầm giò ăn tết. Bây giờ trên đèo còn có cả nhà hàng cơm lam rau rừng, nhưng cái hương rừng thực sự thì đã bay xa ...

Mấy năm gần đây, đường sá được sửa lại khang trang hơn, đường về nhà tưởng chừng như ngắn lại. Cuối năm lên đèo, cũng ngừng lại như mọi lần. Nhưng những thứ quen thuộc ngày xưa cũng bắt đầu xách gói ra đi. Người du lịch qua lại mua bán ngày càng nhiều, và cái chân thực hồn nhiên của người nhà vườn, của người dân tộc, cũng dần dần thay đổi. Thưa dần những nhánh mai rừng, những giò phong lan bụi bặm, những túi mật ong còn nguyên xác nhộng... Nhưng chuyện đổi thay âu cũng lẽ thường tình !
Tết năm nào về đây cũng thấy lòng mình lãng đãng, thích đi lang lang & nhớ mơ hồ về những điều đã cũ, đã xa. Mới hiểu cụ Vũ đình Liên... hồn ở đâu bây giờ ? Qua Đại Lào nhìn về Phương Bối Am, không biết "Sơn Núi" có còn ở đó ? Nhớ những đam mê một thời "Nẻo về của Ý", "Đường xưa mây trắng"... giờ cũng phai dần theo năm tháng. Nhớ Đại Bình, nhớ giòng Đạ Bin cần mẫn chảy qua núi Spung. Nhớ Dambri có còn những chiếc cầu vồng mịt mờ bụi nước ? Nhớ tiếng chuông Bát Nhã văng vẳng trên đồi mà thưở nào đã hàng giờ ngồi mơ mộng "Hồn bướm mơ tiên " ? Quanh bờ hồ, Viseri và màu sơn mới, những quán cafe sập sình mới mọc. Ngang qua trường Nông lâm súc B'lao, bất chợt đâu đó những khóm hoa vàng, giấy đỏ, giấy trắng, bỗng nghĩ về Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù ....

Mà suy cho cùng, về quê ăn tết, cùng chỉ là như vậy. Gặp gỡ bè bạn gia đình, ăn lại món xưa, đi lại chốn cũ, mơ màng chuyện đã qua... rồi lại đi. Cho dù to lớn đến đâu khi về với gia đình cha mẹ, rồi cũng thấy mình non nớt, nhỏ bé như hôm nào. Vẫn ước mơ những điều đơn giản, và vẫn thèm từng món của Mẹ, Ngoại, nấu ngày xưa !


Thursday, February 16, 2017

Bê thui

Mình khoái món bê thui, nên lần nào về quê cũng tìm chỗ lai rai món này, không ít thì nhiều. Mỗi địa phương thui bê kiểu khác nhau. Thui bằng rơm, bằng than, bằng củi, bằng ga, bằng bả mía, rác mía ... thậm chí có nơi thui bằng nước sôi. Ăn uống thì cũng tuỳ khẩu vị, có khi thiên hạ thấy ngon, chưa chắc mình thấy ngon. Cho nên mỗi cách nấu nướng, vùng miền, đều có cái hay riêng của họ. Tết rồi, mình may mắn có dịp thưởng thức đủ cả bê thui "4 vùng chiến thuật" ... Lâm đồng, Sài gòn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An Hà tĩnh, chợ bà Hoa, bò tơ Củ chi, ngã ba Sơn tịnh, Cầu mống Quảng Nam, bò me xứ Nghệ ... đủ cả. (Chưa cân lại nhưng đoán chắc lên khoảng 4,5 kí :-). Thực ra ăn uống ngon dở cũng khó so sánh, bê thì tuỳ con, con lớn con bé (bây giờ thui bò nhiều hơn thui bê). Bê mới ra lò hay đã để lâu ? Bê nuôi ở vùng nào, cho ăn gì ? Thịt khúc sườn, khúc vai, khúc đùi, khúc thăn ....v.v. Mình không tài nghệ như Nguyễn Tuân để thưởng ngoạn đến từng chi tiết nhỏ, nên ăn uống cũng dễ, chỉ đại khái thôi. Quan trọng nhất trong ăn uống vẫn là vui vẻ, ăn với ai, không khí thế nào, thân thiện gần gũi không ? Còn món ăn thì ngon dở chút cũng không sao, ai đâu phân biêt làm gì. Riêng hương vị bê thui thì mình vẫn thích nhất kiểu thui bằng xác mía, trong ruột nhét lá sả, lá bưởi, lá chanh ... hương thoảng nhẹ nhàng vào từng thớ thịt. Nước chấm và rau kèm cũng là những yếu tố quyết định quan trọng. Miền Trung thui bê ngon, nhưng cách trình bày quán xá và phục vụ có phần hạn chế, cho nên phải hiểu được văn hoá thì ăn mới thấy ngon được. Nhiều địa phương còn tận dụng các "sản phẩm phụ" của bê thui để làm nên các món kèm độc đáo. Sườn ướp sả nướng, bò gân, xí quách, lòng bò, huyết chưng ... món nào nhậu cũng tuyệt cú mèo. Dạo này bạn bè thường rủ uống whiskey, single malt ... chứ thiệt ra ăn bê thui phải nhấm rượu đế mới ngon. Nhiều người uống xong khà một cái, ngồi gần muốn say :-).

Thường thì có bạn bè ở SG ra, hoặc ở nơi xa về, Việt kiều Việt kiếc chẳng hạn, nam thanh nữ tú, mình sợ họ ngại, nên mới rủ mua về nhà ăn. Dọn lên đĩa lên chén, lên mâm lên bát cho đàng hoàng, văn minh lịch sự chút. Chứ thật tình mà nói, ăn bê thui bình dân mới ngon. Phàm phu như mình, thì cứ thẳng ra quán, quần đùi áo thun, hiu hiu gió thổi, sướng rên mé đìu hiu. Nhìn cô chủ miệng quát tay cắt, thoăn thoắt nhịp nhàng, thấy khúc nào ngon cứ kêu cô chủ thẻo ngay chỗ đó! Dưới sàn quán thì rác như quân Nguyên, quạt trần quạt đứng quay vèo vèo, tiếng hò dô 1,2,3 rần rần khí thế. Ớt sim, tỏi tép, lột sẵn, nắm nêm, tương bần, chanh rau đủ loại, bò gân bánh tráng đi kèm, cứ thế mà mần mà uống. Bia vào lời ra, tình thương mến thương, nghe nói cũng đã có dăm ông bạn ngoài quê ăn bê thui hoài, rồi phải lòng cô chủ. Nhưng chắc cũng còn ngại ngần vì nhìn thấy con dao sắc lịm ngọt ngào. Dễ hiểu thôi, anh hùng sao qua nỗi ải mỹ nhân :-) .

Hôm còn mùng, mình ghé thăm người bạn trẻ ở "Ba xã Gò Nổi", được thiết đãi  món bê thui nóng hổi mới ra lò. Ngon tuyệt, bê đúng hàng, nên da mỏng chứ không như da giày hàng hiệu Gucci, Louis Vuitton. Ăn xong, về bãi cát ks nằm dài nhìn ra biển, sóng vỗ rạt rào, chẳng muốn đi đâu nữa. Mà đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt nhỉ :-) .

Ngày vui qua mau, hết tết, "cũng phải về thôi xa em thôi". Ngẫm lại thì về quê lúc nào cũng có chuyện để nói, tuy là vui buồn lẫn lộn. Trong đó, ẩm thực là một đề tài luôn luôn thú vị, mỗi lần đi là mỗi lần học hỏi thêm nhiều món mới. Cảm ơn những người bạn chân tình đã dành thời gian la cà, tán hươu tán vượn, cùng mình trong mấy ngày xuân. Từ bún cá đồng bông điên điển, cá trê nướng mắm gừng, vịt trời nướng chao ... cho đến cá thài bai xúc bánh tráng, cá khoai tần ô, rau dớn lú xào tỏi, dấu đầu lòi đuôi nướng sả ớt, bò me bó luộc, bê thui Gò Nổi, gỏi gà Tây Sơn .... và nhiều món đặc sản nữa chưa kể hết. Mà quê hương vốn là vậy, làm sao kể hết ? Nên đó mới là một nơi chốn mãi mãi tìm về !




Saturday, January 21, 2017

Tản mạn cuối năm (3)

Tết về là phải có rượu, lâu nay vẫn thế, chỉ là nhiều hay ít. Bạn bè gặp nhau thường phải uống, không rượu thì bia. Khoảng chừng gần hai chục năm trở lại đây, người Việt uống bia rượu quá nhiều, số lượng tăng vọt. Ngược lại người ngoại quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Scotland ... lại uống ít đi. Khối Đông Âu, dẫn đầu là Nga, dưới thời CS, uống rượu đến mức khủng hoảng, giờ giảm thiểu rất nhiều, đời sống trở lại bình thường.
Quê mình hồi xưa kiếm quán nhậu hơi khó. Tìm quán bánh bèo, ram nướng, chè & cafe, don vịt lộn, thì dễ hơn nhiều. Bây giờ thì có cả phố nhậu, làng cafe. Nhiều người cho rằng đa số người VN hôm nay nghiện rượu bia. Mình thì không nghĩ vậy, mà nghĩ họ nghiện cái không khí uống rượu. Ghiền cái cảm giác tự do, cởi mở ức chế, ghiền cái thú được nói được nghe, ghiền cái bay bổng bạn bè tán tỉnh nhau, ghiền cái chém gió vô tội vạ, ghiền cái khái niệm "tình thương mến thương", và cuối cùng là ghiền cái cảm giác quên đi mọi thứ muộn phiền. Còn người ghiền rượu bia thực sự thì ngồi một mình cũng tà tà được vài xị nước mắt quê hương, chứ không phải mày nhăn mắt nhắm như uống thuốc độc. Cho nên mình vẫn nghĩ khi cấu trúc xã hội thay đổi, đời sống tinh thần nâng cao, cuộc sống có nhiều thú vui và hoạt động thể thao lành mạnh khác, công ăn việc làm ổn định, bận rộn thời gian, ý thức phụng sự gia đình và xã hội được hình thành, thì người ta sẽ ít nhậu lại. Muốn nhậu cũng chẳng có thời gian và điều kiện để nhậu. Còn chuyện luật pháp chế tài, cho thổi bong bóng, nhốt tù ... cũng chỉ là giải quyết phần ngọn, cần phải kết hợp với những phương cách xã hội khác. Ở Mỹ còn sợ DUI, DWI, bảo hiểm bảo hiếc, chứ VN ta thì ngán thằng tây nào. Thử về những miền nông thôn, làng quê VN hôm nay từ bắc, trung, nam ... mới thấy cái nhậu miệt mài "hoàng tránh" của đồng bào ta. Ông Nam Cao hồi đó viết Chí Phèo Bá Kiến xây dựng nhân vật còn khó, chứ thời này Chí phèo nhan nhản chạy đầy đường !
Nhưng suy cho cùng, họ rất đáng thương. Dưới quê, ngoài nhậu nhẹt (nhà khá giả thì có thêm karaoke), họ biết làm gì? Do hoàn cảnh giáo dục gia đình, kiến thức hạn chế, lại muốn chứng tỏ, ý thức hơn thua lệch lạc, nên những chuyện đâm chém, tội phạm hình sự, bạo lực gia đình, con cái nheo nhóc ... và bao nhiêu hệ luỵ cứ xảy ra mỗi ngày. Đọc báo thấy ngày càng xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng !

Thôi, trở lại cái thú uống rượu. Hồi nhỏ mình mê Kim Dung, mê cái cách ổng nói về phong cách uống rượu. Từ cái nghệ thuật tao nhã thanh cao, cho đến cái dung tục khoe mẽ kệch cỡm, từ cái hào khí ngất trời của Tiêu Phong, cho đến cái lãng tử giang hồ của Lệnh hồ Xung. Hay!. VN ta thời cận đại cũng nhiều người viết về cái thú uống rượu, từ Nguyễn Tuân, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương ... cho đến cánh miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương hồng Sển ... Còn bên phương Tây thì nhừng nhân vật nổi tiếng viết về rượu và chết vì rượu cũng nhiều. Hemingway, O'Henry, Scott Fitzgerald.. và những câu chuyện giai thoại về rượu còn đến ngày nay. Marian Comyn khi nói về Karl Marx cũng nhắc đến thú nghiện whisky của ông thời ở London...Thì đó, mấy ông tên tuổi lẫy lừng còn ghiền nặng, huống chi là mình nhỏ bé vô danh tiểu tốt vậy, uống vài chai ngày tết thì có là bao nhỉ :-) .

Cho nên năm nào gần tết, cũng ráng kiếm chai rượu ăn tết. Ngày xua, cái thời cả nước ăn độn, bia chai bán kèm mồi, bia hơi, bia lên men lên cơn, cây lý, nếp mới, rượu cam, hương chanh, gò đen ... có chai Bình Tây, Rivolet (?), hay Volka là ghê gớm rồi. Nhớ có năm nào đó, ông bạn thân bày trò gian hàng trò chơi hội chợ tết ở SG, giải nhất là chai rượu. Tối 30, nhờ mình và người bạn nữa coi hàng dùm. Khuya giao thừa, 2 đứa buồn quá, lấy uống hết ... nên mấy ngày tết gian hàng chỉ còn trúng thưởng từ giải nhì trở xuống :-).
Vậy mà đến bây giờ thì VN đầy rẫy rượu bia. Ba ngày tết thiệt giả khó phân, hàng xách tay, nội ngoại rộn rịp. Mấy đại gia Heineken, Tiger, Sabeco .. mấy ngày này tha hồ ra chiêu. Còn rượu thì từ vang, whisky, cognac, single malt, Mao đài... cho đến đế ta, nàng hương, nếp cái hoa vàng, Bàu đá, làng Văn, volka Hanoi ...không thiếu món ăn chơi nào. Về quê, mấy ông bạn quý còn bưng nguyên cái hủ ngâm bào ngư, hổ cốt, sâm ngọc linh, đông trùng hạ thảo ...ra uống, rồi ngồi chờ bổ. Mình thì từ dạo tóc ngã muối tiêu, đi ra đường mấy em bắt đầu xưng hô chú bác, biết mình đã già. Ngày tết mua vài chai rượu vang uống cho nó lành. Thế nhưng từ dạo nghe TQ mua lại nhiều hãng vang bên Pháp, rồi xứ mình lại nhập "tẹt" vô chai, cũng thấy hơi ái ngại. May là mình còn có vài ông bạn già chuyên nhập rượu vang (và quan trọng là chưa bị phá sản). Cuối năm nào cũng ghé qua kiếm vài chai về nhà cúng ông Địa ăn tết.

Nhớ ông Tú Xương hồi đó có nói " Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được thứ nào hay thứ ấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà !". Mình thắc mắc đâu cần phải chừa rượu với chừa trà nhỉ, cứ đừng để nó quấy ta thôi là đủ rồi. Còn đàn bà, thì tới tuổi nào đó sẽ tự chừa thôi, trừ khi bạn là Hoàng Kiều :-).

Ba ngày tết, đi vòng vòng lai rai với bạn bè. Có người hỏi - Có cách nào hay thuốc gì uống rượu không say không ?  Mình thường đùa nói : - Có . Uống nước lạnh !
Nghĩ lại cũng mâu thuẩn nhể. Thích uống rượu nhưng lại không muốn say. Muốn tỉnh nhưng lại không thích uống nước lã. Nôm na thì cũng chỉ là sợ mất tự chủ, uống quá chén. Nhưng trong đời thì ai lại không có đôi lần quá chén, vì bạn bè, vui quá, cả nể ... rồi say. Đúng vậy, nhưng rồi tới lúc cũng phải dừng lại vì tuổi tác, vì quy luật. Mình nghĩ không có ai uống rượu giỏi hay dở, mà chỉ là sự quen thuộc. Nhiều người hồi xưa không biết uống giờ lại uống nhiều, vì bộ lọc còn tốt, đơn giản vậy thôi.
Còn chuyện rượu chè uống nhiều uống ít, rượu mắc rượu rẻ, nhà hàng hay vỉa hè, có hơn thua gì nhau. Nếu có khác biệt, thì ở chỗ cái "hồn" của bữa tiệc rượu. Có bữa nhậu nhảm nhí xã giao, dẫu linh đình nhưng về đến nhà quên mất. Có bữa nhậu chân tình, dẫu nghèo nàn nhưng còn đọng mãi ngày sau. Bạn bè thân thích gặp gỡ, thì uống cái gì ăn món gì, lại chả thấy ngon, cần gì cao lương mỹ vị. Nhiều người bây giờ đến tết tìm cách đi du lịch xa, để tránh rượu bia, khỏi chúc tụng nhau quà cáp.
Nhìn lại thời trai trẻ phóng khoáng, nhậu nhẹt thoải mái. Giờ có gia đình con cái, đôi khi không còn điều kiện & thời gian nữa. Muốn vui với bạn bè, nhưng lại cũng muốn công bằng với gia đình và con cái, có lúc thấy mình lẩm cẩm như đã già nua. Mới mấy năm trước, tết về gặp gỡ, thường chọc thằng bạn là hội trưởng "Hội Sợ Vợ ", vậy mà giờ lại đang định xin nó vào làm hội viên :-) .

Thế là thêm một cái tết, thêm một năm. Có những thứ qua đi, có những thứ còn lại. Có những thứ thay đổi như một quy luật thường tình. Và chuyện ít phung phí sức khoẻ & thời gian cho rượu bia cũng là một trong những điều thay đổi thường tình đó. Nhớ ông "Hải Thượng Lãn Ông" Lê Hữu Trác có nói: "Bán dạ tam bôi tửu. Bình minh nhất trản trà. Nhật nhật ư như thử. Lương y bất đáo gia". (Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu. Sáng ra uống ấm trà. Ngày nào cũng như vậy. Thầy thuốc khỏi đến nhà). Thôi thì năm nay cứ theo toa thuốc của ông mà mần vậy, không có ba chén rượu thì thay vào ba chai bia !



Monday, December 26, 2016

Được mất mùa nước nổi....

Cuối năm gọi điện hỏi thăm bạn bè làm ăn ra sao, thấy nó buồn buồn. Đổi qua đề tài ăn nhậu, hỏi thăm mùa nước nổi năm nay thế nào, có lai rai lẩu mắm rượu đế không ? Nó nói " Nổi gì nữa, xưa nước về trắng đồng thì vừa mừng vừa lo. Giờ nước không về, thấy lo quá. Miệt trên Châu Đốc, Hồng Ngự, không biết ra sao, chứ miệt dưới hạ nguồn dạo này tệ lắm ".
Mấy năm nay, nước nổi ngày càng ít đi. Người dân nghèo miền tây lâu nay sống bám vào mùa nước nổi, ngày càng khó khăn, lo lắng hơn. Cá linh, điên điển, bông súng ... những nguồn lợi "trời cho" ngày càng vắng bóng. Xưa nay dân mình vẫn nói "nắng mưa là chuyện của trời ". Nhưng thời này thì đa số cũng hiểu ra là không phải do ông trời hết, mà do những "ông trời con" nữa. Bên cạnh những ảnh hưởng biến đổi khí hậu nhất định, cái nguyên lý "thượng điền tích thuỷ hạ điền khan" được TQ đem ra ứng dụng triệt để. Còn chuyện tôn trọng nước khác, quan tâm cộng đồng khu vực, nhường nhịn nhau để sống, là chuyện hiếm hoi ở trong đầu giới lãnh đạo Trung cọng. Chuyện này thì cả thế giới đều biết. Mekong River Commission (MRC) cũng cố gắng kêu gọi sự hợp tác của TQ và các nước đầu nguồn để chung tay bảo vệ môi trường cho giòng Mekong. Nhưng để thuyết phục TQ chỉ bằng lý lẽ thì quả là điều muôn vàn khó khăn !
Bởi thế, với người dân miền Tây hôm nay, những vấn nạn ngập mặn, hạn hán, ảnh hưởng sinh thái nguồn nước, môi trường thiên nhiên, mực nước biển dâng cao xâm lấn vùng nuôi trồng .vv.. là nỗi lo toan to tát hơn nhiều so với con cá linh, cá sặc.

Ai được, ai mất ? Không khó khăn lắm để nhận biết. Ở những nước phát triển, ngươi ta luôn nhìn trước vấn đề, phòng bịnh từ xa. Những nước chậm phát triển, mang nặng tính lý thuyết lại nhiều cơ chế chằng chịt, nên thường chỉ làm cho có lệ, đến lúc có chuyện thì mới ứng phó, hoặc đổ lỗi cho các yếu tố khách quan. Bởi thế ở những nước kém phát triển, muốn thay đổi điều gì cũng khó khăn hơn. Ông Nelson Mandela có câu nói: "Action without vision is only passing time, vision without action is merely day dreaming, but vision with action can change the world. (Tạm dịch: Hành động mà không có tầm nhìn là bỏ phí thời gian, có tầm nhìn mà không hành động là nằm mơ giữa ban ngày, chỉ có tầm nhìn đi đôi với hành động mới làm thay đổi được vấn đề).

Đôi khi nghĩ đến cũng thương cảm cho những nhà khoa học chân chính. Ở một số nước coi trọng lý thuyết hơn thực hành, bằng cấp danh xưng thường bị lạm dụng, hổ lốn. Giữa một rừng hỗn độn xôi thịt, đầy rẫy tiến sĩ & giáo sư, nhưng lại thiếu hẳn những công trình nghiên cứu đóng góp cho nước nhà. Hiểu biết nhưng không giúp ích được gì cho đồng bào mình, nếu là những nhà khoa học chân chính, thì cái cảm giác bất lực ngay chính trên quê hương của họ chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào !

Oh, tự nhiên thèm rau đắng nấu canh ....




Tuesday, November 22, 2016

Đến hẹn lại lên - cách nướng gà tây

Hôm nay đi mua gà tây, mới nhớ share cái recipe này, nếu ai thích thì làm theo. Đơn giản thôi. Cứ bỏ vô lò nướng xong, đi kiếm cái gì uống chút chút, đến khi lâng lâng thì gà cũng vừa chín tới.
Năm nay thiên hạ bình bầu mấy chai dưới đây vừa ngon vừa rẻ cho ngày lễ gà tây. Mình thì vẫn quan niệm rượu ngon mà uống với bạn hiền hoặc vợ hiền thì sẽ ngon hơn :-)

Roederer Estate L’Ermitage 2009 - Anderson Valley, California,
Three Sticks Origin Chardonnay 2013 - Sonoma Valley, California
Gustave Lorentz Gewurztraminer Grand Cru Altenberg de Bergheim 2006 - Alsace, France
Gigondas, Domaine Santa Duc 2009 - Southern Rhône, France