Showing posts with label Tập Làm Văn. Show all posts
Showing posts with label Tập Làm Văn. Show all posts

Friday, March 23, 2018

Phiếm: Về quê xưa



Mình nhớ có một nhà văn Mỹ nào đó khi trở về quê cũ của ông, đã nói như thế này "When you finally go back to your old hometown, you find it wasn't the old home you missed but your childhood." (Tạm dịch: Cuối cùng khi trở về lại quê mình, mới nhận ra rằng không phải là nhớ ngôi nhà xưa, mà là luyến tiếc thời thơ ấu"). Đúng vậy, mình cũng quan niệm như thế. Dĩ nhiên trong những kỷ niệm của thời thơ ấu, có cả ngôi nhà xưa cũ kỹ của mình.
Riêng mình, cả gia đình cha mẹ đã rời xa quê ấy lâu lắm rồi, cả gần thế hệ. Nơi đó, chỉ còn lại những ngôi mộ của ông bà, người thân, ngày mỗi riêu phong bạc phếch. Thế nhưng lần nào về VN, dù bận bịu thế nào cũng tranh thủ chạy về nơi đó thắp vài cây nhang, chạy xe máy một vòng, bờ đê ruộng lúa, nương mía nương mì, con sông ngọn núi, lang thang.... Xong, lên thị xã uống vội vài ly rượu với bạn bè, rồi đi. Dẫu ở xa cho mấy, rồi cũng thèm về ngồi cạnh mộ ông bà, nhổ cây cỏ, thắp cây nhang, ngồi nhớ lại những quãng ngày thanh bình, êm đẹp.

Mình lớn lên ở quê Ngoại nên không biết nhiều về quê Nội. Quê Nội mình là vùng chiến tranh, mất an ninh, mãi sau năm 1975 mới đến được. Gia đình mình thì gần như bị bắt buộc phải về quê nội ngay sau ngày đình chiến. Ở đó được vài năm nhưng không có nhiều ký ức đẹp đẽ lắm, ngoài những chuyện như cưỡng chiếm ruộng vườn, vô hợp tác xã, chứng lý lịch, hận thù và đố kỵ ....v.v. Quê Nội mình cũng có những cánh đồng mía bát ngát, dòng sông trong vắt lững lờ. Bên kia sông có bờ xe nước đêm ngày thổn thức cạnh luỹ đằng ngà râm mát quanh năm. Nhưng đáng tiếc, những nét đẹp ấy đã sớm bị lu mờ bởi những tranh chấp nghiệt ngã và định kiến nhỏ nhen của những con người thiệt thòi cả về tư duy lẫn ý thức hệ. Điều đó cũng dễ hiểu và dường như là hiện tượng tất yếu sau lưng một cuộc cách mạng vô sản. Một số nước khác trên thế giới cũng từng trãi qua hoàn cảnh tuơng tự như thế, rồi họ thay đổi. Cho nên mỗi lần về đó thắp hương, mình vẫn thương cái nơi chốn ấy. Cầu mong ngày mỗi thông thoáng, tốt đẹp hơn !

Với quê Ngoại thì khác, mình thuộc cả từng cái mương cái hào, bờ tre khóm dứa. Từng phiên chợ chiều, từng ngôi chùa làng, từng mái đình lối xóm. Từng khu gò mả, từng cái chòi canh, từng ao sen bàu cá. Những con đường thân thuộc mỗi ngày Ba La, Vạn tượng, Quán láng, Thu Xà, Tân Mỹ, Phổ An, Hiền Lương, Khánh Lạc, Sung Túc, Hàm Long, Hổ tíu, Phú Thọ .... Đâu đâu cũng có một cái gì còn lại để nhớ để thương. Ngôi nhà Ngoại mà mình đã sống và lớn lên từ nhỏ cũng đã bị đốt cháy, nhưng quả nhiên cái ký ức tuổi thơ vẫn còn mãi mãi .....không ai thiêu rụi được !

Và về quê, thì cũng chỉ cần có thế là đủ. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương cúng giỗ cho ông bà xong, mình mượn chiếc xe máy chạy một vòng những nơi chốn cũ quen thuộc. Vẫn thế, vẫn nghèo nàn, vẫn thân thuộc, vẫn một mùi lúa rạ, mùi phân bò phân trâu, cỏ rác, khói đốt .... nhưng mà vẫn mê vẫn thích mới lạ. Đôi khi nhớ đến TCS .... "Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa ...", rồi lại phì cười một mình. Có lẽ rồi ai ai cũng có một "đường chạy vòng quanh" cho cuộc đời mình, còn vòng quanh đó lớn hay nhỏ lại là chuyện khác :-).

Một người bạn thân thường cứ thắc mắc " ...Sao những người bà con ở gần đấy không làm chuyện mồ mả, mà mày xa xôi thế cứ nhất định phải về ?". Thực ra thì mình cũng chưa bao giờ trả lời cho bạn ấy. Câu hỏi của bạn mình thuộc về vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ. Còn đối với mình, việc chăm sóc mồ mả thờ cúng ông bà, chưa bao giờ là trách nhiệm hoặc nghĩa vụ, mà chủ yếu là vì nhu cầu bản thân. Như một bản năng cần thiết, như con cá hồi có nhu cầu trở về chốn cũ, như con cá thài bai cứ lội ngược giòng trở về cố hương, như một đứa con thèm được một cảm giác gần gũi thương yêu che chở bên cạnh cha mẹ ông bà. Mình từ nhỏ sống với ông bà Ngoại, nên cảm giác thân thuộc đó trở thành một nhu cầu cần thiết. Bởi thế mình ít quan tâm người khác có làm nghĩa vụ ông bà hay không. Nếu có, thì mình vẫn cứ về. Về chỉ để được ngồi cạnh ngôi mộ ông bà ấm áp. Về để được chạy xe máy vòng vòng trên những lối rẽ ngày xưa. Đôi khi không có thời gian, vội vã về vội vã đi, như lần mới vừa rồi cũng vậy, thế mà cứ thích.

Nhưng về quê mà không nói đến con sông quê thì cũng là điều thiếu sót. Nhớ có ai đó đã nói "...trong mỗi con người VN đều có một giòng sông ...". Có lẽ đúng thiệt. Mỗi người VN hình như luôn mang trong mình một giòng sông nào đó. Cho dù có lỡ bồi dâu bể, gương trong soi tóc, hay xuôi ngược lục bình, thì vẫn cứ lững lờ theo suốt hành trình tháng năm của họ. Nên lần nào về quê, dù gấp gáp thế nào cũng ráng ra bờ sông ngồi chút. Con sông bây giờ khác lắm so với con sông ngày xưa ở thời niên thiếu của mình, nhưng vẫn cứ là một hoài niệm bất tử. Mà ngộ, mỗi lúc được im lặng ngồi nhìn giòng sông quê lững lờ, mình cứ nghĩ lung tung về câu chuyện Siddhartha (Tất Đạt) gặp người lái đò Vasudeva (Vệ Sử) trong "Câu chuyện giòng sông" của Hermann Hesse. Một trong những câu chuyện sâu sắc nhất mà mình được đọc ngày xưa. Họ gặp nhau, rồi cả hai cùng làm việc của những người đưa đò và sống trong bình yên và an phận. Họ cùng lắng nghe rất nhiều âm thanh của giòng sông mà ngộ ra nhiều thứ cần thiết trong cuộc sống. Còn mình thì quả nhiên là phàm phu tục tử, ngồi đó hoài chẳng ngộ ra điều gì hay ho. Uống vài ly rượu, vài chai bia, tào lao thiên địa với mấy ông bạn già, rồi lại bỏ đi, hẹn lần sau .....:-) .



Tuesday, January 17, 2017

Tản mạn cuối năm (2)

Ngày hết tết đến, xuân về. Lâu nay tết vẫn là niềm vui, là nỗi hân hoan chờ đợi của bao người. Tuy nhiên cũng là nỗi lo âu ám ảnh của nhiều người khác. Một chiều cuối năm ra phi trường đón người thân bạn bè, bận bịu liên hoan, chẳng nợ nần gì, khác xa lắm với tâm trạng một chiều 30 tất bật bôn ba, chờ đợi từng đồng, lén lượm từng chậu cúc, cành đào, nhánh mai bỏ rơi, về nhà chưng tết !

"Anh đến thăm em đêm 30. Còn đêm nào vui bằng đêm 30. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...."(VTA). Đã bao năm rồi, mình vẫn có thói quen chạy xe lang thang một mình quanh phố, quanh chợ, chiều 30. Nhưng không phải lãng mạn đến "thăm em đêm 30" như VTA, mà chỉ muốn tìm một cảm giác rất quen thuộc của ngày cuối năm. Rồi cũng ngồi lại đâu đó uống một ly cafe vỉa hè (rất ít quán còn mở cửa), cảm nhận được cái nỗi lòng cuối năm của những niềm vui chưa trọn. Cũng từng gặp những người phu quét đường đêm 30, nhưng không phải "xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em", mà để mời nhau điếu thuốc hay cái gật đầu cảm ơn.

Cho nhau tiếng nói Xuân gần
Tiếng xin tiếng đợi tiếng cần tiếng thương....( Nguyên Sa)

Nhìn lại cuộc sống, đôi khi sự phát triển và tiến bộ của xã hội, vật chất lên ngôi lại đưa con người đối mặt với sự nghèo đói khác còn nguy hiểm hơn. Đó là nghèo đói về tinh thần. Đúng là rất không công bằng khi nói về những câu chuyện buồn trong bữa tiệc vui. Nhưng quả thật là cuộc sống cần có những chia xẻ nhất định để thông cảm và tôn trọng nhau. Và dĩ nhiên sự ấm áp của ngày cuối năm sẽ là thứ cần thiết nhất để quên đi những nhọc nhằn, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn.

Có đêm 30, ngồi nghe radio, những người tha phương cầu thực không về quê được, tập trung lại chia nhau bánh mứt, gọi vào đài yêu cầu người ca sĩ hát những bài về quê huong, nghe rất "nhớ nhà", rất cảm động. Mình may mắn biết được ông ca sĩ đó, nên qua mấy ngày tết, hẹn ổng đi nhậu, cảm ơn hát hay :-).

Có một chiều 30 khó quên, người bạn thân sau cuốc xích lô cuối cùng, chạy lên đón. Hắn đèo mình trên chiếc xích lô chạy ra SG, ngược giòng thiên hạ, rồi ghé vỉa hè Kỳ Đồng ngồi uống nhau ly rượu cuối năm. Hắn mê Quang Dũng, mê "Đôi bờ", mê "Tây Tiến", mê "Đôi mắt người Sơn tây, u uẩn chiều lưu lạc" ... Ngồi đọc cho mình nghe hết bài này sang bài khác, đọc cho đã đời tất niên, rồi chạy về cúng giao thừa.

Ngày mai lại tiết Xuân
Từ đầu rừng cuối biển
Qua trùng dương mấy bận
Chúng ta dù cách biệt
Cùng chung một mùa Xuân
Cùng chung một thế kỷ
Cùng đau khổ vô ngần ...
(QD)

Cũng có một chiều cuối năm, mình chia tay một người bạn rồi không bao giờ gặp lại, nghe là chết trên biển.

Tấm cời rách, hong tay xâu bánh ú
Tóc Mẹ già se thắt buổi hoàng hôn
Đoàn tàu cuối sân ga chiều tháng Chạp
Người thương binh chống nạng đứng nhìn theo ...
(PN)

.... Và còn bao nhiêu buổi chiều cuối năm đáng nhớ nữa. Mà cuộc sống này vốn thế, buồn vui cứ quyện lẫn vào nhau. Những ngày cuối năm, vui vẻ háo hức, mua sắm chuẩn bị về quê ăn tết. Vô tình đọc bài viết "sự vô cảm của người VN hôm nay", bỗng ngồi nghĩ chuyện mông lung. Nghĩ đến thân phận của những người dân lành buộc phải rời xa gia đình, bỏ làng quê, xóm lưới, biển giã ... mãi mãi đi tìm một mùa xuân đến muộn như tìm chiếc lá diêu bông !

PN


Monday, January 16, 2017

Mùa thơ

Mùa Thơ, ơi hỡi mùa thơ .... (*)

Mùa thơ em gặt dùm ta,
lẫy năm, bảy chữ trãi ra bát tràng
Trương Ba lỡ hẹn hồn hoang
nhớ quê gốc rạ
biết đàng mà đi

Mùa thơ,
em khóc làm chi
niềm tin đánh mất có gì trao nhau ?
ví rằng có đợi ngày sau
Cổ Loa lông ngỗng nỗi đau lại về !

Mùa thơ,
nửa tỉnh nửa mê
cứ đi gánh củi, cứ về gánh rau
mấy đời dừa trổ hoa cau
mấy đời thơ thẩn trả màu tóc em ?

Mùa thơ,
ta đứng bên thềm
chiều đông cố quận nỗi niềm trôi xa ...
mưa rơi,
thơ cũng nhạt nhoà
Nỡ nào mớ chữ cũng là dối nhau !

PN
(*) Bài viết cho ngày "Hội thơ" ở quê nhà




Saturday, January 14, 2017

Sắp năm Dậu nói chuyện gà

Con gà Xám Kiến,

Dạo đó, có người bà con hay bạn bè của ông bà già cho tui cặp cu đất. Tui thích lắm, nuôi nấng kỹ lưỡng, nhốt kỹ trong lồng, không đem ra vọc phá bậy bạ. Vậy mà cũng bị con mèo hàng xóm khèo gãy chân, chết mất một con. Còn lại một con, tui nuôi cẩn thận và o bế hơn. Càng nuôi càng lớn phổng, xôi xổi, trổ mã trổ cườm. Con cu có cườm rồi, phát táu, gật gù cả ngày, giống như đám con trai mới lớn tập tành cua gái.

Từ đó, đi học thì thôi, chứ ở nhà lúc nào tui cũng kè kè theo con cu, cưng lắm, lâu lâu lại vuốt vuốt cái đầu, tròn trịa êm ái. Đi ra trường TQT hái lá long não về xông, đi mua mắm nhà ông Kỉnh, đi hốt thuốc nhà ông K.... đâu cũng đem theo. Thế là một hôm nó lọt vào mắt xanh của ông K. Ổng đòi đổi cho tui con gà đá lấy con chim cu. Nghe gà đá là tui khoái rồi, ưng trong bụng như thằng Bờm ưng nắm xôi, tui đổi liền.
Sau này tui mới biết thì ra con gà đó là gà thịt, gà lai, mẹ nòi cha kiến, vô danh tiểu tốt, nên ổng mới đổi cho mình. Đã là dân đá gà thì ai cũng biết, gà nòi thì phải rành rẽ giòng dõi mấy đời, gốc gác, nguyên quán trú quán, giống như chứng lý lịch đi thi đại học hay xin đi làm vậy. Đặc biệt dân chơi gà nòi ở xứ Quảng coi những thứ đó quan trọng lắm. Gà hay thì phải có lý lịch tốt, nhân thân tốt, mà giòng dõi nghe cũng phải nghe êm tai, ví dụ như giòng Ô ướt Nước Mặn, giòng Tía Diều Đình Cương, giòng Xám Chột Mộ đức...  Con gà của tui thì không thuộc vào những diện ưu tiên danh giá này .

Nói đến nghề chơi gà đòn thì rất công phu. Những tay nhà nghề "đúc" gà, quan trọng nhất là con mái. Ông K lúc nào cũng thủ sẵn mấy con gà mái ruột, được tuyển chọn công phu, nhìn cái phao câu, cái tướng đi lúc lắt đã thấy khác thường rồi. Và có lẽ một con mái dòng dõi trâm anh thế phiệt nào đó của ông, đã lầm lỡ đa tình với con trống hàng xóm nên đẻ ra bầy gà nòi pha kiến. Cỡ đó, cao thủ như ông K chỉ để dành nuôi ăn thịt, nên ổng mới vui lòng đổi cho tui, coi như là cho đi xuất ngoại theo diện con lai !

Nhưng con nít tụi tui thời đó, đâu quan tâm gì chuyện giòng dõi tào lao. Tui mược kệ, ráng nuôi con gà theo kinh điển của ổng chỉ bảo, ông ta là một cây đại thụ trong làng gà nòi xứ Quảng. Ngày ngày khum tay cho ăn lúa, không dám cho ăn bắp, dăm ba ngày đổi món thằn lằn, nhái bén, dế cơm. Tối cho ngủ cây ngủ sào, lâu lâu phun rượu, bóp đùi bóp cánh ...

Rồi cái gì đến cũng đến, ngày nọ con gà trưởng thành đủ lông đủ cánh. Càng lớn, nó vẫn nhìn không giống gà nòi chút nào, nó không cùi cụi trâu cui như Mike Tyson, mà lại phong lưu tao nhã như James Bond.
Tui lo nghĩ trong bụng chắc nó giống cha, mê gái hơn mê đấm đá, phải ráng tìm chỗ đem nó đi "xổ". Một buổi chiều đi học về, tui bê nguyên con gà lông lá vô nhà ông thầy K. xin ra mắt. May quá, hôm đó ông đi vắng, hối lộ thằng cháu ổng quyển truyện hình Tintin Minh Hồng, nó bắt con gà có độ cho tui xổ.
- Gà mày mà đá gì, coi chừng gà cậu tao mổ chết. Thôi chấp mỏ với chấp cựa đi. Nó nói vậy.
Thế là tui với nó lui cui đi bịt cựa, lấy giây thun ràng cái mỏ con gà độ của cậu nó. Đúng là con nhà nghề, nó làm thoăn thoắt cái xong ngay. Ai dè vừa mới thả ra, con gà độ ông K vãi mấy cái, con gà tui quay mòng, xính dính trời đất. Nhưng con gà tui cũng đâu có ngán, tiếp tục nhào vô mà kè cổ, mà rỉa cánh trả thù. Đúng là trời hại gà lành. Con gà tui mổ nhằm cọng dây thun khoá mỏ đứt lìa. Con gà nòi của ông K. được tự do mở miệng, mỏ thì ngậm đầu, chân tung một cước song phi. Con gà của tui văng xa cả thước mất chòm lông đầu, trụi lũi. Tui sợ quá, ôm gà đi về một nước.
Thế là coi như "thưở đầu đời chú bé ôm phao, và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước..."(NTN) . Tui đem con gà về nhà bồi dưỡng nghiệp vụ, không dám cho đạp mái, bóp chết tình yêu trai trẻ của nó, nuôi nấng kỹ hơn, đợi ngày xổ tiếp.

Một thời gian sau, con gà cứng cáp ngon lành. Kỳ này tui nghĩ tới đá luôn, khỏi cần xổ nữa. Thế là tui bắt đầu cắt tóc, tỉa tai cho nó, để nhìn có vẻ gà nòi một chút. Tuy nhiên, vẫn chưa dám đem vô thi thố ở kê trường, nơi tên tuổi những anh hùng đầy rẫy, nửa thiệt nửa khoác lác. Đương nhiên là sẽ không ai dám đặt lòng tin vô con gà vô danh tiểu tốt, chưa sạch nước cản như con gà của tui. Thôi đành đi đá dạo vậy.
Hồi đó, tui có ông chú họ đi lính, mê đá gà hơn mê vợ. Ổng có ông bạn cũng là lính, cũng mê đá gà, có con gà nòi chính tông nhưng chưa thắng độ nào. Vậy là a lê hấp, ông chú tui cáp độ. Thực ra mấy ổng chỉ định lợi dụng con gà thịt của tui để xổ thôi, chứ chẳng đá đấm gì. Nhưng đã cáp độ thì cũng cá vài trăm làm phép, dân đá gà tin nhiều "phép lạ" lắm. Ai dè kỳ tích xuất hiện, chưa hết hai hồ nước, con gà tui chơi cái thới vô mắt, con gà kia đuôi mắt bỏ chạy. Trời ơi, không thể diễn tả hết niềm vui, thiên đường như sụp xuống dưới chân, tui ôm con gà vào lòng mà vinh quanh ngập lút đường về. Ông chú họ đi theo, bắt đầu gạ gẫm:
- Ủa con gà mầy ở đâu ra vậy? Nòi nào đó?
- Cháu đâu biết, cháu đổi con cu lấy về !
- Con gà đó hay thới nghen mầy. Ổng nói thế, rồi lên xe đi mất.

Vài tuần sau, ông chú họ tui ghé lại nhà, ngắm nghía con gà, giúp tui tỉa lại cái cần, cái vĩ cho nó gọn gàng. Nhìn kỹ lại, con gà tui dẫu có nét hùng dũng, nhưng vẫn còn dáng dấp phong lưu. Lông xám, đuôi tía mượt mà. Có lẽ cuối cùng thì nó cũng chỉ là gà nòi pha kiến, không phải gà nòi chính tông, lý lịch nhân thân không được "trong sạch".
- Tao kêu tụi lính chở gà mầy đi Tư Nguyên đá nghen ? Ông chú tui dạm hỏi.

Định bụng đi thì đi, ngán gì. Tui cũng khoái về dưới Hàm Long, ăn mận, uống dừa tươi, ngắm sông Hiền Lương, ngắm đồi 17. Vậy là ừ đại, tui lén Ba Má đi theo ông chú "đem chuông đi đánh xứ người". Đem con gà vô danh tiểu tốt ra thi thố cùng những anh hùng tên tuổi dài cả thước. Nhớ như in, cái bãi đất tròn vo, mòn lì, đi qua vườn dừa ông Sáu Q, khúc gần trường Tư nguyên. Nơi đây cũng là chiến trường của bao anh hùng chiến kê, thần kê, linh kê đã ngã xuống. Lắm vinh quang mà cũng thừa thất bại. Suy cho cùng có cuộc chơi nào là chiến thắng vĩnh viễn đâu !
Kè kèo ngã giá, mấy ổng cáp độ sao đó, tui chỉ đá theo tiền lì. Nghe nói con gà kia thuộc giòng dõi gì đó trong Mỏ cày, Mộ đức. Ông chú họ tui dành cho nước luôn. Tui ngồi sướng rên mé đìu hiu, chờ đợi con gà của mình xuất trận, trong bụng thầm nghĩ đúng là có công mài sắt có ngày nên kim.

Trời ơi ! lại thêm kỳ tích nữa, lần này chưa hết hồ thứ ba, con gà kia máu me đầm đìa vì cái thới của con gà tui, xin thua phân. Lúc đó, tui chỉ nhớ mình như đi trên mây, nước non sá gì. Đám bạn ông chú tui thì hân hoan, hồ hởi phấn khởi, chiến thắng huy hoàng. Thừa thắng xông lên, họ đặt luôn cho con gà vô danh của tui cái tên" Xám Kiến", bởi nó màu xám mà lại lai kiến. Đời vốn thế, khi thắng cuộc, thiên hạ thường thổi phồng, mà quên mất đi cái lý lịch đã từng bị ruồng bỏ. Họ ca tụng bởi vì con Xám Kiến có cú đâm thới, có cú upper-cut của Muhammad Ali, có cú Atemi của Z28... nhưng quan trọng nhất là nó được việc, nó là thần tài của họ.

Và cũng kể từ đó con Xám Kiến của tui bắt đầu bước vào đời. Nó bắt đầu bước vào cái thế giới thiêu dệt chiến thắng, chà đạp thất bại. Thế giới trường gà là vậy. Thắng thì vinh quang, thua thì mất hết. Chiến thắng đặt tên cho tất cả. Họ luôn tìm cách thiêu dệt chiến thắng bằng những lý lịch oai hùng nào đó, để phô trương, để khóac lác, để lường gạt lẫn nhau. Còn nếu thua hay chết tại trường thì tốt số lắm cũng vô nồi ra-gu hay cà ri gì đó, ngàn sau ai biết? Nếu còn nhớ chăng, chỉ là những người chủ nhỏ như tui, từng nuôi nấng thương yêu, nên mới đau lòng mà thôi.

Trên đường về, ông chú họ tui thủ thỉ hiền khô :
- Con gà mày là gà đá thới đó nghen, hỏng chừng là thần kê đó. Thôi để tao đem về nuôi cho kỹ, để mày hỏng biết bỏ uổng. Chừng nào ra độ, tao kêu tụi nó lại chở mày đi theo.
- Thôi, cháu nuôi nó từ nhỏ giờ quen rồi.
- Gà mày pha kiến, nó chỉ đá được vài hồ thôi, không bền đâu, hàng vẩy độ không tốt. Nó không đâm họ được là sẽ thua thôi, để chú nuôi cho.
- Thôi thua kệ nó, để cháu nuôi.

Thực ra, tui có rành gì đá gà đâu. Thì đi coi và nghe nói hoài cũng biết chút chút, sinh ghiền. "Vịt ở chuồng gà lâu ngày cũng biết gáy !". Đá gà đòn khác với gà cựa, công phu và tốn thời gian hơn. Đi coi đá gà đòn, có lúc chán phèo, xui xẻo gặp con gà lì lợm, chạy không chạy mà chết không chết, thà chết chứ không chịu về hưu. Có con thì cứ hết hiệp, cho nước xong, thả vô là gục lạy riết không chịu ngẩng đầu, nhiều lúc đối thủ chán cái nước liều "điếc không sợ súng" của nó, mà bỏ đi. Dân cá độ ngồi ngoài coi mà phát run. Tui thì khoái cặp nào vô là tấp liền, thắng bại trong vòng vài hồ, thua thì chạy. Chứ kèo nài lâu quá, thà đi Kiến Thành Mỹ Vân coi phim, chơi con mực nướng, vài xâu ổi ghim, cóc dầm, đã đời hơn.
Nôm na thì đá gà bên mình cũng giống boxing bên Tây bên Mỹ. Nhưng hình như dân xứ mình thì quá coi trọng kinh điển và lý thuyết suông. Hồi nhỏ cứ thắc mắc hoài, trong nghề đá gà, ông nào cũng khoe mình rành coi vảy, coi giò coi cẳng, coi độ. Vậy tại sao có lúc thua sạch túi ? Có thể là tự sướng nên hiểu lầm chăng, hay là học nghề chưa tới? Lạ nhất là mỗi lúc thua xong, đều có lời giải thích hợp lý, như gặp gà ẩn độ, gặp thần kê, gặp linh kê, xui độ, tam tai, tại thằng cho nước... Thắng thì do ta, bại là do thiên hạ. Thỉnh thoảng lắm, mới nghe được có người nhận là mình sơ suất bị thua.
Hồi đó, còn nhỏ lại kém hiểu biết, nên cứ nghĩ đơn giản là thi thố mà phải dựa vào nòi, vào vảy, vào cánh, vào lông, vào lý thuyết suông nào đó, thì có khi quá giáo điều và thiển cận chăng? Đâu phải cứ giòng dõi "tốt" thì sinh con toàn giỏi, cũng đâu phải cứ nhân thân "xấu" thì sinh con toàn hư. Chuyện này đám con nít như tụi tui còn hiểu. Nhưng thú thật là cũng nhờ mê đá gà, mà tui học hỏi được nhiều điều quan trọng. Như là muốn thắng, phải học hỏi từ đối phương, phải hiểu biết đối phương, thì mới có cách chọn gà đá cho phù hợp. Xung trận thì phải thực tế, hiểu rõ sở trường sở đoản, con nào hay thì giữ đá, con nào dở hơi thì cho về đạp mái ăn thịt. Phải tri bỉ tri kỷ, biết lúc nào mạnh lúc nào yếu, chào thua đúng lúc, mới thắng. Còn mấy ông thầy gà mà tối ngày huênh hoang lý lịch nòi niếc, khoe mẽ để tự sướng, ôn cố mà chẳng tri tân, thì thua đến xách quần bỏ chạy vẫn chưa hiểu tại sao. Thua rồi lại cứ đổ thừa, đổ lỗi cho nhau, thì quá muộn màng rồi. Như đánh banh, đánh boxing ở nước ngòai, huấn luyện viên họ quay phim, chiếu đi, chiếu lại, học từng cái mạnh, cái yếu của đối phương, mà nghĩ cách khắc phục. Tỉ như gặp con đá mé ngang hay, thì họ phải chọn con giỏi đá vĩa để trị. Chứ dù cho vảy viếc ngon lành, khoe chú khoe bác, mà cứ đưa cái cần ngơ ngơ, gặp con đá cựa đá thới hay, đâm một phát là tiêu liền !

Trở lại chuyện con gà xám Kiến của tui. Ông chú họ thủ thỉ gạ tui hoài không được, bỗng đâm thương tui ra phết. Ông lo cho tui mê đá gà bỏ học, nên đem chuyện kể cho Ba Má tui nghe, giọng thiết tha trầm buồn:
- Anh chị phải để ý, nó thường vô trường gà ông Sáu T coi, nguy hiểm lắm.

Nói nào ngay, dạo đó rể ông T. là sĩ quan quân tiếp vụ gì đó, lại cứ hay đem phim banh cà na về chiếu ở trường gà. Rồi cũng vào thời điểm đó, thỉnh thoảng nghe nổ mìn, thả lựu đạn, pháo kích, chết chóc. Cuối cùng, a lê hấp, Ba Má tui ra lệnh đưa con Xám Kiến cho ông chú, để tui ráng học hành khỏi bị đội sổ.
Chia tay với con Xám Kiến, lòng buồn rười rượi. Tui biết chắc nó cũng buồn lắm. Người lớn đã cướp đi cái "vinh quang chiến thắng" từ trong tay tui. Người ta đã tỉa gọt, thay hình đổi dạng cho nó. Họ thiêu dệt, đặt điều cho nó một dĩ vãng huy hoàng hoặc một giòng dõi nào đó. Thật ra, con Xám Kiến chỉ là một con gà kiến pha cồ bình thường, thích ăn thằn lằn, ăn nhái bén, từ lòng bàn tay của người chủ nhỏ. Và tôi, người chủ nhỏ thích ôm nó vào lòng mỗi lúc buồn vui.
Thế là tui và nó không gặp lại nữa. Cũng từ đó, trong kê trường có thêm một dũng tướng. Những chiến tích của con xám Kiến chắc sẽ đem lại vinh quang và thất bại cho nhiều người, có người vui cũng có kẻ buồn. Ngẫm lại cho cùng, đó cũng là nhờ con cu của tui !

PN





Monday, January 02, 2017

Những dấu chân non

Ầu ơ..ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi Mẹ dắt con đi
Con đi trường học, Mẹ đi trường đời.....

Tèo không biết trường đời ở tận đâu lận, nhưng Mẹ nó ngày xưa bán don gánh ở chợ Sông Vệ. Nhà Tèo ở Nghĩa Hiệp gần sân banh, phía sau là sông Vệ, trước ngõ có hai cây dương liễu. Ba nó chết sớm, một mình Mẹ vừa nhủi don, vừa bán gánh nuôi Tèo và bà Ngoại. Lâu lâu Mẹ được rãnh dẫn nó đến trường, mừng lắm. Từ dạo Mẹ đi về khuya, sụp ván cầu gãy chân, Tèo không được đi học nữa. Tính ra nó cũng học được gần nửa năm lớp Ba rồi, cũng biết đọc, biết viết chút đỉnh. Thương Mẹ lắm, nhưng ở quê thì cũng không đỡ đần gì được nhiều, nó chỉ biết đi mót củ, mót lúa, lượm phân bò thôi. Bà Ngoại thì già, mắt mũi lụi cụi, đi đứng khó khăn, mà lại cứ hay nhớ cậu Ba. Tèo nghe kể cậu Ba nó hồi trẻ nhảy núi theo cách mạng, rồi hy sinh. Bà Ngoại nó mỗi lúc buồn, cứ nheo mắt hết nhìn cái hình, lại nhìn cái bằng liệt sĩ mà chắc lưỡi:
- Phải chi thằng Ba còn sống, nó đi nhũi don, ở nhà cũng có miếng ăn. Cái thằng thiệt thà như đếm.

Nói nào may, có anh Hai Bùn lối xóm đi làm ăn trong Sài Gòn về, thấy cảnh gia đình Tèo vậy, thương tình ngõ ý đem nó vô trỏng kiếm công ăn chuyện làm. Anh hai Bùn chạy xe ôm, chị vợ thì bán hủ tíu gõ. Tèo ban ngày đi bán vé số, ban đêm thì đi gõ và phụ bưng tô cho chị hai Bùn. Hai vợ chồng anh Hai Bùn chưa có con, thuê cái chái nhỏ trên hương lộ 14, đủ cái giường với cái bếp. Khuya về, Tèo được trãi tấm lát ngủ dưới bếp gần nồi hủ tíu.

Nhớ hôm rời quê, Mẹ Tèo với Bà Ngoại khóc cả đêm. Mẹ cứ ôm lấy nó mà xoa đầu rồi khóc, nó cũng khóc theo. Mẹ dặn dò kỹ càng :
- Nhớ theo anh chị mà làm ăn đàng hoàng nghen con. Nhớ là đói cho sạch, rách cho thơm nghe con. Phải biết tự lo, nhất là phải giữ cái chân cái tay lành lặn làm ăn, đừng đễ gãy chân giống Mẹ.
Tèo ôm khư khư cái bao nylon có vài bộ quần áo, chai dầu khuân diệp, xâu bánh ú, lau nước mắt mà đi theo anh Hai Bùn. Ngày mới vô SG, đông đúc, cái gì cũng đẹp, cũng khác ngoài quê, nhưng nó cứ nhớ nhà. Nhiều lúc thèm vô cùng cái tô canh don rau muống của Mẹ, thèm chén cơm nguội với dĩa đọt lang chấm mắm cáy của Ngoại. Những ngày lễ hội, nhìn những đứa bé cùng tuổi tung tăng bên cạnh gia đình, quần áo thiệt đẹp, ăn uống những chỗ sang trọng. Tèo không được vào những chỗ đó bán vé số, chỉ đứng ngoài dón nhìn thôi. Có lúc, Tèo ước gì được có tiền dẫn Mẹ và Ngoại vào SG ăn uống một lần cho biết. Những lúc đó nó càng nhớ nhà và càng đói bụng nhiều hơn .
Đã hai năm trôi qua. Bây giờ thì Tèo đã quen nhiều rồi, ngõ ngách cũng biết nhiều hơn. Và cũng đã 2 năm nó chưa được về quê ăn Tết. Năm ngoái muốn về lắm, nhưng lại dành dụm tiền gởi về cho Mẹ. Năm nay Tèo nhất định phải về quê ăn Tết. Anh chị Hai Bùn cũng đã đồng ý .

Trời cuối tháng Chạp, buổi tối hơi lạnh. Bánh mứt bày bán rộn ràng, đèn hoa từ mấy gian hàng rực rỡ. Đường phố đông đúc hơn, nhiều Việt kiều về quê ăn tết, chợ búa siêu thị nhộn nhịp. Lúc trước đi bán vé số ngoài quận 1, nó nhận ra Việt kiều dễ dàng bởi cách nói chuyện xen lẫn tiếng Anh, và cách sinh hoạt ăn uống thường chê dơ, sợ mất vệ sinh. Bây giờ thì khó đoán hơn nhiều, vì nhiều người trong nước cũng ăn mặc kiểu cách, cũng chêm tiếng ngoại quốc, cũng chê bai như thường. Mượt kệ, cứ gặp ai thì Tèo cũng mời. Gần tết rồi, đêm nay là đêm cuối nên Tèo ráng gõ, chỉ muốn xe hủ tíu bán hết. Nó muốn được về sớm để nhờ chị Hai Bùn đi mua dùm cái áo len cho Mẹ, cái khăn choàng cho Ngoại, làm quà ngày Tết. Anh Hai đã mua dùm cái vé tàu lửa rồi, tối mai nó sẽ về quê.

Vừa đi, vừa gõ, vừa miên man suy nghĩ, rồi cười một mình. Tết này chắc Mẹ và Ngoại mừng lắm, Tèo vui sướng hình dung ra nụ cười của Mẹ và Ngoại .
Zzzzzz...... Một tiếng tiếng rít bánh, thắng gấp. Tèo ngã ngữa ra sau, thất thần.
- Oách đờ heo !  Mẹ ... thằng nhóc này đi cà chớn quá !
Nằm ngữa bên đường, nó chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe SH màu đỏ, người con trai ăn mặc rất mốt và người con gái hở hang sau xe, không ngoái đầu nhìn lại. Chiếc xe chạy luôn, vũng nước tạt lên mặt, lên áo. Bàn chân đau buốt, Tèo lồm cồm ngồi dậy rờ coi thử có bị gãy không. Những hạt nước bùn dơ chảy loang trên mặt, hòa lẫn những giọt nước mắt của Tèo, rớt xuống chầm chậm trên chiếc áo mới để ngày mai lên tàu về quê ăn Tết.

PN


Sunday, December 18, 2016

Hà bá lấy gỗ


Tuổi thơ hắn gắn liền với lụt. Năm nào cũng lụt, không lớn thì nhỏ. Tháng chín tháng mười âm lịch, mùa mưa lụt, ngoài trời se lạnh. Có năm rét về tối phải hơ than, luôn tiện nướng bắp, nướng khoai. Những cái ao len cũ được lục ra thơm nức mùi long não. Có năm áo cũ bị chật, mẹ mua cho cái mới. Mùa mưa lụt cũng là mùa có những món ăn khoái khẩu nhất của hắn như chim chéo, bánh xèo, bánh đúc, mắm chưng, canh khoai, cá trích hộp, dế cơm, nấm rơm, nấm mối, cun cút .... Quê hương bao giờ cũng đẹp, vẫn nhớ như in !

Còn chuyện lụt lội thì biết bao điều để nói. Bà Ngoại hắn giải thích là mỗi năm Thuỷ thần sai hà bá lên lấy gỗ về, nửa đêm nước lên, lấy gỗ xong nước sẽ rút. Tuổi thơ hắn cứ mong mỏi có lần được nhìn thấy hà bá, nên thức khuya đợi coi, nhưng thường là ngủ gục trước giờ G. Ở quê, lúc nào rục rịch nước lớn, bà hắn cũng sai người lựa mấy cây chuối chát to, chặt làm cái bè để sẵn. Lúc nước bắt đầu dâng cao, là lúc tụi nhóc như hắn sôi nổi nhất, theo dõi từng khất nước. Tiếng gà vịt kêu, heo éc, bò trâu nghé ọ, tiếng người gọi nhau ơi ới, hối hả dọn dẹp, tạo thành một cảnh tượng khó mà tả xiết. Tụi trẻ như hắn được cho lên tràng kỷ, lên gác để người lớn rảnh tay rảnh chân làm việc. Có khi hắn cũng được cho lên bè chuối chèo đi vòng vòng, bắt dế cơm, bắt chuột đồng ... Tuổi thơ ngày đó như thế, dại khờ, chưa hiểu hết nỗi lo lắng của người lớn với cảnh màn trời chiếu đất.

Quê hắn, người ta quen thuộc với chuyện lụt lội hàng năm, nên sau khi sắp xếp nhà cửa xong, là đến chuyện bên ngoài. Ở quê, ngoài đồng, có ghe đi ngắt bông nếp xanh về làm cốm, hái bắp về luộc, về rang, thu hoạch được chút nào đỡ chút nấy. Có ghe chạy vòng vòng đám bắp, đám mía bắt dế cơm. Có người đem rớ ra kéo, xách lưới ra giăng. Cá trôi cá gáy trên nguồn đổ về con nào con nấy chắc nịch. Những con cá diếc, cá rô tưới rói, về kho với nghệ. Đôi khi ngâm nước lụt cả ngày, lợi được con cá, thì hại con chim, nhưng vẫn cứ thích, đến hẹn lại lên. Sông Đào, Thạch bích, bầu He, bàu Hà ... đâu đâu cũng có. Ngoài sông, thì đông đảo bà con lượm củi. Từ củi nổi củi chìm, đến lau sậy khô, vớt thành từng đống. Có người vớt cả những cây cổ thụ to lớn, mà hắn nghĩ là hà bá bỏ quên. Có khi củi vớt cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng người ta cứ thích thế, cải vã nhau, kẻ nhiều người ít, không chịu thua nhau. Bờ xe chiếc, bờ xe đôi, bến Vắng, bến Trâu, bến Sỏi, Tam thương, Ba La, Vạn Tượng ... từng đống từng đống chiến tích vun đầy. Nghe nói thỉnh thoảng cũng có người chết. Bà Ngoại hắn giải thích là Thuỷ thần qưở trách, bắt người đi theo. Và hắn ghét nhất là lúc nước rút. Phải giúp người lớn quậy bùn, dọn dẹp nhà cửa, "kiểm tra dân số" con nào còn, con nào mất. Nhớ có năm mất con gà nòi cựa độc đinh, hắn buồn cả tháng.

Đấy, lụt của ngày xưa tuổi thơ hắn như thế. Lớn lên đi xa, mấy chục năm trôi qua, chỉ biết lụt quê qua những bài báo. Quê hắn sông không còn bờ xe, thành phố có đê bao chống lụt. Giòng sông khô khốc mùa hè, những ghe hút cát ngang dọc như những khẩu thần công hướng về tổ quốc. Đặc biệt, là những công trình thuỷ điện. Đâu đâu cũng thuỷ điện, trăm hoa đua nở. Vẫn thế, cứ như chuyện vớt củi lụt năm xưa, người ta có thuỷ điện, mà mình không có, thiệt thòi. Giòng chảy đổi, sinh thái đổi, và dĩ nhiên cảnh quan đổi. Thủy điện vốn không phải là chuyện xấu, nhưng làm ồ ạt, không tính toán đến các hệ lụy dây chuyền và ứng xử dự phòng, gây hoạ lũ, mới làm người ta lo ngại. Đùa rằng cuộc chiến Thuỷ tinh, Sơn tinh năm nào không còn nữa. Nhưng đám con cháu họ hận thù vẫn còn, Thuỷ Điện và Sơn Trọc hàng năm lại xuất hiện và là những nỗi lo toan của của người dân quê vào mùa xả nước.

Quê hắn, giờ không còn nạn hà bá lấy gỗ hàng năm nữa. Thời này con người dữ hơn hà bá, nên người lấy gỗ đốn rừng, đắp đập làm điện, xả lũ hàng năm. Hổm rày đọc báo thấy tin quê lũ lụt, gọi điện hỏi thăm bạn bè. Ở thành phố cũng không tệ lắm, nhưng ở quê chắc nhiều thiệt hại. Mùa màng gần tết, ruộng vườn, bông hoa, rau củ ... ngập úng, có khi xuân về lại là buồn nhiều hơn vui !




Friday, November 25, 2016

Làm thơ


Mình may mắn được sinh ra ở một xứ sở yêu thơ. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Đi lên gặp người làm thơ, đi xuống gặp người bình thơ. Bạn bè, bà con láng giềng, thi sĩ không thiếu. Lâu lâu bạn hữu gởi mình vài bài thơ đọc cho vui. Thực tình là có bài mình đọc hiểu ngay, có bài khó hiểu quá. Có lần nhận được bài nói là thơ Đường, làm mình về lục cả Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy, Bạch Cư Dị, Vương Bột ... ra mà đọc. Cuối cùng vẫn không hiểu nổi bài thơ Đường của bạn mình, cả ý lẫn lời. Có người bạn khác gởi một bài thơ ngôn từ hay quá, tả mùa thu quê mình ngoài miền Trung. Đọc mà mình cứ tưởng như đi giữa Paris, lang thang ở Quebec, hay giữa rừng "quan san" Blue Ridge Parkway ... nhớ quê mình mùa thu nóng lắm, đâu có lá vàng lá đỏ nhuộm màu thu phong, nai vàng ngơ ngác .
Có lẽ do sinh ra lớn lên đều ở nhà quê, ra nước ngoài cũng ở nhà quê, nên mình cảm nhận thơ ca hơi thực tế, tưởng tượng kém phong phú. Nhưng mình thấy có nhiều bài thơ đơn giản dễ hiểu, mà cũng nổi tiếng qua nhiều thế hệ. Như "Ông đồ già" của Vũ đình Liên, có gì đâu, năm nào cũng thấy ông đồ già ra vẽ chữ, năm nay không thấy, làm thơ. Thế là nổi tiếng, tết năm nào ai cũng đọc. Như cụ cựu thủ tướng/tổng thống Trần văn Hương rãnh rỗi làm bài thơ "Ngồi rù gãi háng, dái lăn lăn". Ngôn từ mộc mạc dễ hiểu, cũng nổi tiếng như ai.

Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn.
Chẳng thấy chuyện gì chuyện khó khăn.
Nằm khểnh sờ môi, râu tủa tuả,
Ngồi rù gãi háng, dái lăn tăn.
Làm sang phe phẩy tay còn quạt,
Đi tắm trần truồng mổng thiếu chăn.
Ăn, ngủ, ỉa xong đầy đủ cả.
Muốn chi chi nữa, biết mần răng.
(Cụ Trần Văn Hương)

Xưa hơn nữa, như bài "Lô Sơn" của Tô đông Pha (có sách nói không phải), chỉ đơn giản vài câu mà nổi tiếng, diễn dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới:

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo sinh bình hạnh bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
(Tạm dịch :
 Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang
 Chưa đến thì tiếc hận muôn vàn
 Đến rồi về cũng không gì lạ lắm
 Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang

Việt nam cũng có câu thơ ý tương tự nhưng chưa đuợc nổi tiếng "Chưa đi chưa biết Đồ Sơn . Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà " :-) .

Một nhà thơ lớn nữa của TQ, Vương Duy, có bài thơ "Tạp Thi" viết gọi là tào lao cho vui, nhưng cực kỳ nổi tiếng, cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng .

Tạp Thi
Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trước hoa vị.

Đơn giản, đang giỡn, tạp thi mà. VN ta cũng có bao nhiêu người phỏng dịch theo, sơ sơ vài bản dịch sau đây:

Tạp Thi
Ở quê anh mới tới đây,
Việc quê anh biết đổi thay thế nào.
Hôm đi, trước cửa buồng thêu,
Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?
(Trần Trọng Kim dịch)

Tạp Thi
Nghe tin bác ở quê ra,
Em sang hỏi chút chuyện nhà xem sao.
Nhà em mé cổng bước vào,
Gốc mai nay đã nụ nào hay chưa?
 (Thu Tứ dịch)
.....

Có lần mình cũng bắt chước dịch bài này tặng mấy anh đồng hương xe ôm ở TP dịp tết:

Mày ở ngoài quê có dịp vào
Chắc là rành rẽ chuyện tào lao
Hôm qua ngang ngõ nhà tao
Thấy cây mai đã nụ nào trổ chưa
PN

Thì đó, đơn giản như thế, mà Ông đồ, Lô Sơn, Tạp Thi .... cứ nổi tiếng hà rầm, tốn không biết bao giấy mực của mấy ông thầy bàn lâu nay. Nên thiết nghĩ làm thơ mà gần gũi, dể hiểu dễ đọc, có khi lại dễ đi vào lòng người hơn chăng ?




Wednesday, November 16, 2016

Tản mạn ngày 20/11


Hàng năm cứ đến ngày nhà giáo Việt nam, hắn lại ngồi nghĩ về những quãng ngày đã cũ...
Bao nhiêu thầy cô giáo đã đi qua cuộc đời hắn, dạy dỗ những bài học cần thiết nào đó, rồi lại đi xa. Không phải chỉ là những thầy cô giáo trên bục giảng, hoặc những nhân vật thành công tên tuổi, hoặc bằng này cấp nọ, mà có khi họ chỉ là những con người bình thường nhất, thậm chí còn nghèo hèn và khốn khổ. Như một thứ duyên hội ngộ, đến rồi đi, nhưng những bài học họ để lại là kim chỉ nam cần thiết cho đời sống của hắn. Không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc lúc nào, cũng không có một tiêu chuẩn nào để thẩm định giá trị của những bài học cuộc sống, nhưng hắn đã trưởng thành từ đó. Vâng, chính họ là những bậc thầy cô giáo mà suốt đời hắn luôn phải tri ân .
....
Nước giếng khơi từ đáy thẳm mang tên
Nuôi dưỡng những cuộc đời thả nổi
Mặc cát đảo nghìn năm gió thổi
Bỗng Việt nam từ một dấu chân người ...
(Mai Thảo)

Rồi hắn đi xa, thật xa. Có những lúc ở một phương trời nào đó, hắn lại nhìn về chốn cũ, mà nhớ đến những bài học đầu đời. Nhớ đến những bạn bè, đàn anh, đàn chị, những thầy cô đã lần lượt ra đi. Trong cuộc sống, dĩ nhiên không phải bài học nào cũng ngọt ngào thơ mộng như ... "Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ ". Mà có những bài học đầy cay đắng ngậm ngùi, nhưng đó lại là những thứ ngậm ngùi cần thiết .
....
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đoạ đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
(Thầy Tuệ Sỹ)

Có những ngày thơ thẩn bên giảng đường ĐH với những bài xã hội học đương đại của Daniel Bell, Michel Foucault, Max Weber, C. Wright Mills.... Hắn lại miên man nghĩ về những ngày lang thang, trốn học, chăn bò, tắm sông... của thời mới lớn.
...
Thưở đầu đời chú bé ôm phao,
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước ... ( Nguyễn Tất Nhiên)

Những người thầy đã dạy hắn từng sãi bơi đầu tiên, từng cách bám chân gánh phân trên đường làng lầy lội ..." trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen". Những bước chân đứng lên sau bao lần ngã qụy với gánh mía, bó rơm, trên vai nặng trĩu. Những lần gượng đứng lên giữa bất công của xã hội và nghịch lý của cuộc sống. Những điều đáng quý, đáng làm, và những điều không đáng khóc. Rồi những kinh nghiệm đạp xích lô, sửa máy, cày cấy bón phân, hái trà trồng cafe, kẹp hom đánh rạ, đường cày luống thẳng, rải mạ ngay hàng ... cho đến cách nướng bắp giữa đồng, tát cá đìa, đặt lờ ống tre, đắp bùn nướng rạ ..vv. Đó là những bài học tồn tại đáng qúy nhất, và cũng là những điều cần thiết đã khắc sâu vào tâm thức của hắn -  một đứa trẻ nhà quê tập tễnh vào đời !
....
Trên vắt vẻo một chiếc cầu tre cũ
Sớm trưa chiều lặng lẽ đón người qua
Dắt tuổi thơ anh tập tễnh vào đời
Khi anh lớn, thì chiếc cầu đã gãy ... (PN)

Rồi có những ngày hắn từng thất bại, chạy trốn cả chính bản thân mình. Bên cạnh những đêm lang thang, vũ trường, rượu chè be bét. Một cô gái bán bar đã dạy hắn bài học lạc quan hơn cả Emile Durkheim. Lúc hắn lao đầu vào công việc như một thứ tham vọng thiêu thân, một nhà sư đã dạy hắn ý nghĩa vô thường, cái có cái không, cái thực cái ảo, để hắn chợt nhận ra những gì cần thiết. Lúc hắn bị áp lực nặng nề bởi những ước mơ, trách nhiệm, người phu quét đường dạy hắn giá trị đơn giản của quãng đường sạch sẽ mỗi buổi sớm mai ... Hắn đã học hỏi từ những người thầy cô giáo vô danh như thế. Họ đến rồi đi, mà có khi cả đời không bao giờ gặp lại.
Một mớ kiến thức học đường, giúp hắn tậu đươc một tấm bằng nho nhỏ. Nhưng chính những bài học cuộc đời đã giúp hắn tồn tại và trưởng thành hôm nay. Có một lần ngày 20/11, hắn mua một bó hoa và hộp bánh tặng cho bà giáo người nước ngoài. Bà hỏi tại sao, hắn trả lời ..." Hôm nay là ngày tri ân thầy cô giáo ở quê tôi". Bà giáo ngạc nhiên cảm ơn, chớp mắt cảm động. Còn hắn thì quay lưng đi để che dấu nỗi xúc động khi nghĩ đến bao nhiêu người dạy dỗ hắn vẫn còn khốn khổ ở quê nhà.

Hôm nay, nhìn đứa con hớn hở ôm gói quà trao tặng cho thầy cô giáo, hắn thấy vui lây. Trên đường về, con hỏi " Hôm nay Ba có đến trường tặng quà cho thầy cô của Ba không? ". Hắn khựng lại thật lâu, tìm câu trả lời.... "Con ơi, Ba không còn được đến trường nữa, nhưng Ba đã có rất nhiều thầy cô giáo. Thầy Cô trong trường và cả Thầy Cô ngoài đời. Họ đã dạy Ba những điều vô cùng cần thiết, nhưng giờ họ đang ở rất xa. Sau này lớn lên con sẽ hiểu ."
Từ đâu một câu nói xa xưa của Aristole chợt trở về trong hắn "A true disciple shows his appreciation by reaching further than his teacher" (Tạm dịch - Trò hơn thầy là cách đền đáp công ơn dạy dỗ tốt nhất.)

Một ngày 20/11,
PN
(Chân thành cảm ơn những Người đã có công dạy dỗ người khác .)