Friday, November 25, 2016

Làm thơ


Mình may mắn được sinh ra ở một xứ sở yêu thơ. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Đi lên gặp người làm thơ, đi xuống gặp người bình thơ. Bạn bè, bà con láng giềng, thi sĩ không thiếu. Lâu lâu bạn hữu gởi mình vài bài thơ đọc cho vui. Thực tình là có bài mình đọc hiểu ngay, có bài khó hiểu quá. Có lần nhận được bài nói là thơ Đường, làm mình về lục cả Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy, Bạch Cư Dị, Vương Bột ... ra mà đọc. Cuối cùng vẫn không hiểu nổi bài thơ Đường của bạn mình, cả ý lẫn lời. Có người bạn khác gởi một bài thơ ngôn từ hay quá, tả mùa thu quê mình ngoài miền Trung. Đọc mà mình cứ tưởng như đi giữa Paris, lang thang ở Quebec, hay giữa rừng "quan san" Blue Ridge Parkway ... nhớ quê mình mùa thu nóng lắm, đâu có lá vàng lá đỏ nhuộm màu thu phong, nai vàng ngơ ngác .
Có lẽ do sinh ra lớn lên đều ở nhà quê, ra nước ngoài cũng ở nhà quê, nên mình cảm nhận thơ ca hơi thực tế, tưởng tượng kém phong phú. Nhưng mình thấy có nhiều bài thơ đơn giản dễ hiểu, mà cũng nổi tiếng qua nhiều thế hệ. Như "Ông đồ già" của Vũ đình Liên, có gì đâu, năm nào cũng thấy ông đồ già ra vẽ chữ, năm nay không thấy, làm thơ. Thế là nổi tiếng, tết năm nào ai cũng đọc. Như cụ cựu thủ tướng/tổng thống Trần văn Hương rãnh rỗi làm bài thơ "Ngồi rù gãi háng, dái lăn lăn". Ngôn từ mộc mạc dễ hiểu, cũng nổi tiếng như ai.

Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn.
Chẳng thấy chuyện gì chuyện khó khăn.
Nằm khểnh sờ môi, râu tủa tuả,
Ngồi rù gãi háng, dái lăn tăn.
Làm sang phe phẩy tay còn quạt,
Đi tắm trần truồng mổng thiếu chăn.
Ăn, ngủ, ỉa xong đầy đủ cả.
Muốn chi chi nữa, biết mần răng.
(Cụ Trần Văn Hương)

Xưa hơn nữa, như bài "Lô Sơn" của Tô đông Pha (có sách nói không phải), chỉ đơn giản vài câu mà nổi tiếng, diễn dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới:

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo sinh bình hạnh bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
(Tạm dịch :
 Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang
 Chưa đến thì tiếc hận muôn vàn
 Đến rồi về cũng không gì lạ lắm
 Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang

Việt nam cũng có câu thơ ý tương tự nhưng chưa đuợc nổi tiếng "Chưa đi chưa biết Đồ Sơn . Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà " :-) .

Một nhà thơ lớn nữa của TQ, Vương Duy, có bài thơ "Tạp Thi" viết gọi là tào lao cho vui, nhưng cực kỳ nổi tiếng, cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng .

Tạp Thi
Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trước hoa vị.

Đơn giản, đang giỡn, tạp thi mà. VN ta cũng có bao nhiêu người phỏng dịch theo, sơ sơ vài bản dịch sau đây:

Tạp Thi
Ở quê anh mới tới đây,
Việc quê anh biết đổi thay thế nào.
Hôm đi, trước cửa buồng thêu,
Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?
(Trần Trọng Kim dịch)

Tạp Thi
Nghe tin bác ở quê ra,
Em sang hỏi chút chuyện nhà xem sao.
Nhà em mé cổng bước vào,
Gốc mai nay đã nụ nào hay chưa?
 (Thu Tứ dịch)
.....

Có lần mình cũng bắt chước dịch bài này tặng mấy anh đồng hương xe ôm ở TP dịp tết:

Mày ở ngoài quê có dịp vào
Chắc là rành rẽ chuyện tào lao
Hôm qua ngang ngõ nhà tao
Thấy cây mai đã nụ nào trổ chưa
PN

Thì đó, đơn giản như thế, mà Ông đồ, Lô Sơn, Tạp Thi .... cứ nổi tiếng hà rầm, tốn không biết bao giấy mực của mấy ông thầy bàn lâu nay. Nên thiết nghĩ làm thơ mà gần gũi, dể hiểu dễ đọc, có khi lại dễ đi vào lòng người hơn chăng ?




No comments:

Post a Comment

Comments: