Showing posts with label Âm nhạc. Show all posts
Showing posts with label Âm nhạc. Show all posts

Thursday, December 24, 2020

Đêm Thánh Vô Cùng

 Đêm nay là đêm 24/12. Hầu như tất cả các hãng xưởng, hàng quán, và cơ quan chính phủ ở Mỹ đều đóng cửa sớm, để mọi người về nhà hưởng "Christmas Eve" (đêm Giáng Sinh) cùng với gia đình. Bên Bắc Mỹ thì ngoài ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving), Christmas Eve và New Year Eve là 2 đêm lễ hội lớn nhất dành cho gia đình và bạn bè. Nhưng thường thì giới trẻ độc thân mới hội họp đình đám quá nửa đêm, còn những người có gia đình thì chỉ quây quần với người thân ở nhà là chính. Ở bên châu Âu thì thiên hạ đi ra ngoài và thức khuya nhiều hơn. Bên Pháp, đêm Noel gia đình bạn bè thân quen thường tụ tập, thức khuya quá nửa đêm để cùng ăn mừng Réveillon. Có 2 buổi lễ Réveillons khác nhau, một vào đêm 24/12 Christmas Eve, gọi là le Réveillon de Noël, và một cho ngày cuối năm (New Year’s Eve) gọi là le Réveillon de la Saint Sylvestre. Thường thì Christmas Réveillon chủ yếu là gia đình bà con, còn Réveillon New Year thì bạn bè nhiều hơn. Mấy ngày này thì bia rượu, món ngon vật lạ, thường được đem ra thiết đãi khách giống như tết nhứt bên VN mình !

Nhớ thời còn sinh viên ở SG, đêm Noel nào bạn bè cũng tụ tập lại đi cả đêm, rồi khuya về tập trung ăn uống nhậu nhẹt gì đó. Thời bao cấp chỉ một nồi cà ri bánh mì, vài chai rượu rẻ tiền, vài gói thuốc lá, đã là cả một niềm vui bất tận :-). Đàn hát vu vơ, vậy mà nhớ hoài không quên. Rồi lớn lên đi làm nhiều nước nhiều nơi, có những kỷ niệm khác nhau, nhưng đêm Noel bao giờ cũng là những ký ức thanh bình và đẹp đẽ nhất ....

Có một bài hát mà mình bao giờ cũng thích nghe vào đêm Noel, không thể thiếu, đó là bài "Silent Night". Bài này nguyên thuỷ có tên là "Stille Nacht", được viết từ đầu thế kỷ 19, bên Áo. Có nhiều giai thoại lịch sử về bài hát này, và nó cũng trở thành bài nhạc kinh điển nhất trong mỗi dịp Giáng Sinh về. Người ca sĩ hát bài này nổi tiếng nhất là Bing Crosby, đã từng có số đĩa bán kỷ lục. Khi về tới Vietnam, không hiểu tại sao ông nhạc sĩ Hùng Lân lại dịch thành cái tựa "Đêm thánh vô cùng". Và cho dù không hiểu tại sao là "vô cùng" ..... nhưng mình "vô cùng" thích Elvis Phương hát bài này :-) .

Đêm nay Noel, đang chuẩn bị ăn tối cùng gia đình. Gởi đến tất cả các bạn hữu lời chúc thân tình nhất, và hãy cùng nhau nghe lại "Silent Night". Chúc các bạn và gia đình đêm Noel an lành, đầy hồng ân Thiên Chúa và tràn đầy hạnh phúc !







Tuesday, April 28, 2020

Chiều tháng 4




Ngày xưa, 
nỗi buồn
là những chiếc lá bàng
lang thang
trên dòng sông quê Ngoại
chở nhớ về quên

Ngày nay, 
nỗi buồn
là vạt nắng trên sông
miên man
những con sóng bạc đầu
chở quên về nhớ 

Và ngày ấy, 
chiều tháng Tư
mưa đầu mùa
đến vội
rớt vô tình trên khoé mắt em cay
khóc sũng ướt tuổi thơ tôi mới lớn

Bàn tay nhỏ
vụng về sao đủ nắm ?
nên tình ta lem luốc chốn thiên đường
Ký túc xá vẫn hàng đêm đói bụng
con đường về chỉ có lá me bay 

Em và tôi, 
ôm câu hát của một thời mộng mị
đợi đêm về len lén ngủ quên ăn 
thời cúp điện lập loè thơ Vỡ đất (*)
đợi lả người chửa thấy chén cơm không (**)

Em không khóc,
nhưng lòng tôi se thắt
sách vở nào đắng nghét giảng đường xưa 
hờ hững khép bàn chân không trở lại
quay lưng đi hôn chẳng tạ từ môi



Tôi có ba mươi năm
để quên
nhưng không đủ cho một chiều
để nhớ. 
Ngày trở lại 
tháng Tư 
mắt em tròn ngấn lệ 
mặn phù sa bao thế kỷ rêu phong 
chợt vỡ nát đôi bàn chân nứt nẻ
bước ngập ngừng 
trên góc phố thân quen 

Chiều tháng Tư,
tôi nhìn em 
ngơ ngác 
lá me đầy 
trên tóc nhuộm rưng rưng
vẫn cứ ngỡ cầu Hiền lương nối lại 
sông Gianh buồn chia cắt đã hôm qua
sao níu bước nhạt nhoà chân dấu cũ 
tội tình nào 
lam lũ một quê hương ?

Chiều tháng Tư,
em nhìn tôi 
cuối mặt 
đếm nỗi buồn trên tuổi đá hư hao,
đời gió cát 
trĩu lòng ai thổn thức
đêm lở bồi 
rưng rức tiếng Mẹ ru ...

PN 
(một chiều tháng Tư)


(*) Bài thơ Vỡ đất của HHT "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
(**) cơm không có độn 








Monday, February 17, 2020

Tưởng niệm 17/2

17/2/1979 -
Nhớ ngày Đảng Cọng sản Trung quốc xua quân đánh chiếm Việt Nam, gây ra bao chết chóc tang thương cho người dân 2 nước.
Một cuộc chiến tàn nhẫn chứng minh cho giá trị của "tình hữu nghị núi liền núi sông liền sông", mà mãi cho đến nay nhiều người vẫn còn tin rằng đó chỉ là một bài học của đàn anh dạy dỗ !








Friday, January 24, 2020

Chúc mừng năm mới


Thân chúc quý bạn hữu cùng gia đình một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý .







Tuesday, December 24, 2019

Merry Christmas & Happy New Year 2020


Thân chúc quý bạn hữu cùng gia đình một mùa Giáng Sinh an lành, và năm mới 2020 thịnh vượng.











Wednesday, October 09, 2019

Xin tiễn biệt nhà thơ Du Tử Lê !

Xin tiễn biệt nhà thơ Du Tử Lê !
Mong linh hồn ông về nơi ông muốn về ....







Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

Du Tử Lê


Tuesday, October 01, 2019

Khúc mùa thu


Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa
Sao thương ai ở mãi cung hằng ....?



Thursday, May 09, 2019

Phiếm: Tôn thờ cái bịch !



Nói sao đi nữa, rồi cũng có người cãi. Cái bịch, cái bị, cái bao, cái túi .....cái nào mới đúng ? Mình thỉnh thoảng vẫn gặp những chuyện bắt bẻ lý sự này, nhưng thắc mắc không biết cãi để làm gì, sai thì sửa thôi, khi biết đó chỉ là cái túi để đựng đồ, xài tạm rồi vứt đi. (Nói thêm chút là thời này người quan tâm môi trường thì không còn xài bịch nilon & vứt lung tung nữa).

Còn tại sao hôm nay lại nói đến vụ cái bịch ? Nói tới đây mình cũng mắc cười ! Mấy năm nay vẫn thấy bộ giao thông VN loay hoay với cách dùng từ. Rồi báo chí, cộng đồng mạng, thân hào nhân sĩ, trí thức, tiến sĩ giáo sư, quan chức ... đều quan tâm đến thành tích sáng tạo của bộ GTVT của VN, đổi từ "thu phí" qua "thu giá", nay lại đổi qua "thu tiền":-).
Bao nhiêu thời gian, chữ nghĩa, tiền thuế của dân, tốn công vì những chuyện từ ngữ "kỳ nhông ông kỳ đà" như thế. Được gì, thành quả tốt đẹp gì, đỉnh cao trí tuệ, văn minh tiến bộ gì ở đó ?

Rồi lại nhớ chuyện bên Mỹ. Mới hôm tuần rồi mình gặp một người quen, anh ta nói trong câu chuyện mình nói, có một từ là của "cọng sản". Lúc đó mình cũng chẳng nhớ là anh nói từ gì, vì quả thật là mình không quan tâm lắm. Nhưng hôm nay đọc vụ lùm xùm chữ nghĩa "thu phí, thu tiền", mình lại thích nói về đề tài này.
Thực ra thì mình không biết từ nào sở hữu của "cọng sản", từ nào sở hữu của "quốc gia". Lâu nay mình vẫn nghĩ ngôn ngữ là vốn chung của thiên hạ, rồi thiên hạ cứ thế mà tuỳ nghi xử dụng. Dĩ nhiên là con người tự cắt ráp, ghép nối, xử dụng theo cách của mình, để có thể giao tiếp được với nhau. Có thể là mỗi vùng miền, mỗi thể chế chính trị, mỗi thời đại, mỗi giai đọan ... có sử dụng một số từ vựng khác nhau, hoặc thêm hoặc bớt. Nhiều lúc từ ngữ của người này xài không hợp với người kia, trái cách quá, phàm phu quá, thô thiển quá, nghịch lỗ tai quá. Có khi người kia xài từ cao siêu quá, người này lại chẳng hiểu tí nào. Cũng là những chuyện thường tình. Người miền Nam đi ra nhiều vùng ngoài Bắc, nghe cứ tưởng họ nói ngoại ngữ. Người ngoài Bắc vào Nam nghe cứ tưởng là chim hót líu lo ... Âm điệu, tiết tấu cũng khác. Người thích xài từ bình dân gần gũi, người chuộng từ sáo ngữ bóng bẩy văn hoa, thậm chí không hiểu mình đang nói gì, cũng là chuyện thường. Từ nào hay thì tồn tại, từ nào không phù hợp thì bị đào thải. Từ ngữ tự nó vốn không có sự phân biệt. Nếu có, là do con người tiếm dụng và cưỡng chiếm nó.
Cuộc sống thì vốn phức tạp hơn. Đôi khi chỉ hơn thua một vài từ ngữ nào đó, quyết liệt, mà dẫn đến đau tim, đột quy. Rồi có khi chỉ vì tranh chấp sự khác biệt mà bao nhiêu giấy bút, thời gian, tài năng tổ quốc, nguyên khí quốc gia, tầm vông giáo mác, nồi niêu xoong chảo ... có gì xài nấy, đem ra hết để lôi kéo nhau, chụp mũ nhau, hơn thua nhau. Đời tư đời riêng, tin gà tin vịt, có bao nhiêu lôi ra hết. Trong nước cũng thế, mà ra hải ngoại cũng thế. Bởi vấn đề không phải nằm ở chỗ chữ nghĩa, từ vựng, mà là chỗ quyết hơn thua, và thói quen quy chụp những thứ khác biệt với mình. Nếu không phải là cách xài từ, thì là bài hát họ thích, câu ca họ xài, nơi chốn họ đi du lịch, bạn bè họ chơi, cách họ làm thiện nguyện, hội đoàn họ tham gia ..v.v. Chê người khác là "nhìn đâu cũng thấy kẻ thù", còn mình thì nhìn đâu cũng thấy kẻ địch. Rồi cuối cùng thì nước vẫn chảy qua cầu, lá tới mùa vẫn rụng, hoa tới mùa vẫn nở, không thay đổi gì ... :-). Dĩ nhiên đó cũng chỉ là thiểu số thôi. Đa số người VN mình dễ tha thứ, rộng lượng, và hiểu biết đại cuộc.

Còn nhắc lại chuyện xưa, thì người miền Nam ai cũng biết đến những câu chuyện phiếm thời hậu 1975. Từ chuyện TV tủ lạnh chạy đầy đường, cho đến cái nồi ngồi trên cái cốc. Từ cái mông có gân cho đến cà phê giựt giựt (trà lipton). Từ những từ ngữ xáo trộn, đảo ngược, cho đến sự khác biệt những thường lệ cố hữu xưa nay... như xưởng đẻ Từ Dũ, xe con, hố xí, đảm bảo, khẩn trương, quán triệt, đồng hồ không người lái 2 cửa sổ...v.v. Mà chấp nhận sự khác biệt đó một sớm một chiều không phải là chuyện dễ. Thế là ra đời những khái niệm "từ cọng sản", "từ quốc gia". Ngày xưa khi chưa có "cọng sản quốc gia", thì lại có cái khác. Có Bắc, Trung, Nam, có "nhà quê", có "tỉnh thành", có hương đồng cỏ nội. Có những từ ngữ được "label" gắn liền với mỗi vùng miền như bắc kỳ rốn, dân nẫu, dân cá gỗ, dân cá gô, dân mắm ruốc .... Sau này, khi bỏ xứ đi, ra nước ngoài thì cũng có mít ướt, mít ráo, "từ Việt kiều", "từ Việt Cọng"....v.v. Trong nước ngoài nước gì cũng thế, người đi trước chê người đi sau. Mới ngày nào còn "một năm 2 thước vải sô, làm sao che nỗi ... đầu gối... em ơi", thì hoà đồng nhau. Bây giờ rủng rỉnh áo cơm lại bắt đầu phân biệt thời thượng, âm lịch, cửa nào, tuổi nào.... cho nhau ?
Rồi mai kia nếu hết kiếp nạn việt cọng, việt kiều, lại sẽ có những sự phân biệt khác. Đó cũng là chuyện tất nhiên. Một khi không chấp nhận sự khác biệt, thì có lên thiên đàng hay xuống địa ngục, cũng phải có phân biệt mới thoả lòng !


Người nước ngoài học chấp nhận sự khác biệt dễ hơn, nên họ tiến bộ hơn, phát triển hơn. Đặc biệt là nước Mỹ, hợp chủng quốc. Nhiều người lên án nạn kỳ thị chủng tộc ở các nơi khác, nhưng thử nhìn lại người VN mình, nạn phân biệt còn ghê gớm hơn nhiều, và cũng không phải chỉ dừng lại ở chủng tộc mà thôi. Mình có ông bạn quen người Mỹ, từng dạy khoa Á đông ở một trường ĐH danh tiếng của Mỹ. Kể hồi xưa qua VN phải đi học cả năm tiếng Việt ở "Defense Language Institute Support Command", Fort Bliss, Texas. Ở đó, họ dạy ông từ ngữ của cả hai bên "Quốc gia", "Việt Cọng". Cũng dễ hiểu thôi, chứ gặp gà mà nói vịt, rồi chê bai dè bĩu, thì chắc là đi về chăn vịt lâu rồi. Đùa thôi, chứ người hiểu biết thường không ai làm vậy !

Cuối cùng, thì từ ngữ để làm gì ? Trước hết là để "communicate". Người nói kẻ nghe, có thể hiểu nhau được. Có khi cách nói lại khác cách viết. Còn từ ngữ đúng hay sai, bình dân hay hàn lâm, xài sai hay đúng cách, lai căng hay thuần Việt, tây tàu, văn phạm, ngữ pháp...v.v.. thì lại là chuyện khác nữa, dành cho các nhà ngôn ngữ học thuật phân tích, không phải chuyện của mình. Thiết nghĩ cái nào hay thì học thêm, cái nào dở thì bỏ đi. Chẳng hạn như xưởng đẻ, xe con, máy bay lên thẳng, quản lý đời em... thì cũng nên thay đổi cho hợp thời, hợp lý. Thực ra, ngôn ngữ cũng luôn thay đổi như mọi thứ khác trong cuộc sống này. Hàng năm các tự điển Oxford, Cambridge ... cũng ghi nhận và cập nhật thêm nhiều từ mới. Nhưng ngôn từ thì cũng chỉ là ngôn từ, mục đích chính là để nói để nghe, để người này có thể liên lạc giao tiếp với người kia qua lời nói hay viết lách. Để hiểu nhau mà không bị ngộ nhận lầm lẫn, thì cần một quy ưóc chung, đơn giản là vậy. Ở quê lên tỉnh thì phải học cách ăn nói, ứng xử của tỉnh thành. Ở Bắc vào Nam thì cũng thế. Ở VN qua Mỹ, qua Tây, cũng phải học hỏi hội nhập, theo quy ước của họ, thì mới sống được. Nhiều người bên Mỹ chưa rành tiếng Mỹ, mà về VN đã quên mất tiếng Việt, nói lơ lớ, thì mới là chết. Ở đâu quen đó, ở xứ nào lâu bị ảnh hưởng ngôn ngữ, cách ứng xử ở đó, cũng là chuyện thường tình thôi. Nhiều khi về VN nghe người ta nói chuyện, không hiểu nghĩa, cách dùng từ xa lạ với mình, cũng phải nhờ giải thích. Nhớ lúc trước, mình đi dạy nghề ở trại tị nạn, gặp anh kia học sinh lớn tuổi than vãn "Anh ơi, sao tui học hoài không vô. Không biết mai mốt ra nước ngoài thì sao?". Mình an ủi "Anh đừng lo, vịt ở chuồng gà lâu ngày cũng biết gáy. Ai cũng vậy thôi ". Mấy chục năm sau gặp lại, cả nửa câu chuyện anh ta nói xen tiếng tây rồi, nhiều tiếng Việt ảnh quên mất. Mình cũng từng gặp nhiều vị Việt kiều ra nưóc ngoài năm 75, sau này về VN làm ăn hay hưu trí gì đấy, nói chuyện toàn là "hoành tráng, vô tư" :-). Cho nên dựa theo sự khác biệt trong từ ngữ, hoặc tiếng nói vùng miền, để quy chụp nhau, hoặc kết luận điều gì, thì quả là ... hạn chế !

Thiết nghĩ chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống, vì suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là những người mù sờ voi, mỗi người chỉ biết được một phần nhỏ trong đời sống này. Có nhiều phương tiện cùng dẫn đến một mục đích. Mỗi người có điều kiện khác nhau, sao có cùng phương tiện giống nhau được ? Xưa nay ý nghĩa chính của "phương tiện" là để phục vụ cho con người, phục vụ cho "mục đích". Nhưng đôi khi lại thấy một số người tốn quá nhiều thời gian để chi tiết, hơn thua nhau, để lệ thuộc và phục vụ ngược lại cho cho những phương tiện đó. Có người tuyệt đối không chấp nhận người khác dẫu chỉ là khác biệt nhỏ trong cách xài từ ngữ, hoặc khác biệt nhỏ trong cách làm việc, nhưng lại rất nhiệt tình kêu gọi đa đảng đa nguyên. Có người kêu gọi cùng nhau góp ý xây dựng, nhưng đứa nào khác ý của mình thì gạt bỏ, thậm chí bắt bớ. Âu cũng là những nghịch lý !

Nhớ trong chuyện đạo Phật, có chuyện ông kia đi theo xin Đức Phật học pháp thuật. Đức Phật nói "Ta làm gì có pháp thuật mà dạy ngươi". Thế là ông ta giận và bỏ đi theo một đạo khác, học phép thuật. Mấy chục năm sau, học được phép đi trên mặt nước. Bèn hí hửng và cao ngạo trở về gặp Đức Phật để biểu diễn công phu bay lướt qua sông. Coi xong Đức Phật lại im lặng mà đi tiếp. Tức giận, ông ta chạy theo hỏi: "Ngày xưa ông không chịu dạy tôi, giờ tôi đạt thành tựu như thế, tài ba như thế, ông không thấy cần thiết nói điều gì sao ?". Đức Phật trả lời "Ta thấy tiếc cho ngươi. Người ta bỏ ra 2 xu đã có người chở qua sông. Còn ngươi phải tốn cả mấy chục năm !".

Quả nhiên là vậy. Cuộc đời có mấy cái mấy chục năm ? Theo đuổi những thứ không hiệu quả và tôn thờ cái bịch làm gì, trong khi những thứ bên trong cái bịch mới là cái mà ta cần quan tâm hơn !




Monday, April 29, 2019

Những ngày xưa thân ái ...



Thỉnh thoảng có ai nhắc về ngày 30/4, mình lại nghĩ đến cô Cao thị Nhíp - Cô gái "giải phóng quân" dẫn đường năm nào, từng được coi như một trong những biểu tượng của ngày đất nước thống nhất, và được một đạo diễn dựng phim có cùng tên "Cô Nhíp". Thế rồi những năm gần đây, lại nghe tin cô đã trở thành công dân Mỹ và sống ở California. Mình vốn không quan tâm lắm chuyện cô trở thành công dân nước nào, nhưng sở dĩ nhớ đến cô Nhíp, là vì cô ta giống một người có liên hệ tới mình năm xưa, chị Bửng.

Trước năm 1975, Ba Má mình đi làm xa nhà, ở vùng bán an ninh, nên không dám dẫn mình theo, mà gởi cho Bà Ngoại. Lúc đó Ngoại mình ở Ba La, một làng quê rất thanh bình, nơi có những cánh đồng lúa vàng ươm, ruộng mía bát ngát, bàu sen ngào ngạt, vườn tược tươi mát ... Ngoại có 2 người giúp việc, Dũng ( lúc đó trong xóm thường gọi là Bủng) lo việc nặng nhọc đàn ông quanh nhà, và chị Bửng chỉ đặc biệt lo chăm sóc mình. Nhớ ngày nào, mình cũng ngồi chờ gói kẹo Chặt chị đem về từ chợ Mù U. Ăn xong, chị dẫn ra giếng, bắt cởi quần áo tồng ngồng, đi tắm. Cả Dũng và chị Bửng đều là người cùng làng, chân chất, đơn giản. Ngày đó, mọi người cùng ở trong nhà Ngoại, rất gần gũi, thương yêu đùm bọc nhau, coi như gia đình ruột thịt.

Rồi năm đó, chạy giặc trở về. Nhà Ngoại bị đốt, cả một ngôi nhà to lớn chỉ còn lại đống tro bụi và những cây cột cả ôm, cháy sạm trùi trũi. Ngoại khóc, rồi đi lên tỉnh ở với Ba Má mình. Dũng đi theo lên tỉnh, còn chị Bửng xin nghỉ việc ở lại quê chăm sóc ruộng vườn, rồi nhảy núi. Ít lâu sau, tới tuổi đăng lính, Dũng xin phép Ba Má và Ngoại nghỉ việc, đi Biệt Động Quân. Không lâu lắm, tin về đi nhận xác, tử trận ở La Vang, Quảng Trị. Những đồng bào cùng làng cùng quê, thật thà chất phác, từng thương yêu nhau, trở thành 2 chiến tuyến, người còn kẻ mất. Còn chị Bửng mất bặt tin tức. Chiến tranh ngày mỗi ác liệt hơn !

Sau 03/1975, nhớ là vài tuần gì đó, chị Bửng lên nhà mình trong quân phục "cô Nhíp". Nhìn chị rất giống hình ảnh của Cô Nhíp trong phim sau này. Cả nhà bàng hoàng sửng sốt. Chị có chút xa lạ ngại ngùng, im lặng gật đầu chào mọi người, đưa ánh mắt nhìn quanh, rồi chạy lại ôm Ngoại, khóc mừng. Nghe nói chị là một cán bộ chỉ huy đơn vị gì đó. Đó cũng là lần cuối gặp chị, sau không còn liên lạc với nhau nữa. Hồi đó, gia đình mình cũng như hàng triệu gia đình miền Nam khác, phải bận rộn lo toan với bao nhiêu biến động đổi thay của cuộc sống, ít có thời gian quan tâm nhau. Không biết sau này chị ra sao ?

Rồi sau đó, bắt đầu những đợt di chuyển từ Bắc vào Nam, người ngày càng đông dần. Tập kết hồi hương, bộ đội, cán bộ, đùm túm ba lô, ki cóp từng kí gạo, từng hộp lương khô TQ, từng cái chén sành, từng thước vải sô, đôi dép râu, gói thuốc lá Điện Biên, ...vào để "khai phóng" và "giúp đỡ" miền Nam đói khổ, lạc hậu, bị kìm kẹp. Người đi kẻ ở. Người vui kẻ buồn. Từ lúc đó, mình bắt đầu lờ mờ hiểu ra được ý nghĩa của chữ "giải phóng".

Sau này, thỉnh thoảng có đôi lúc nghĩ thoáng qua, không biết có khi nào chị Bửng lại như cô Nhíp năm xưa chăng ? Giờ này đang ung dung ở Huntington Beach hoặc ngồi đâu đó ở Little Saigon thưởng thức ly cafe hương vị quê nhà, mà nghĩ về câu chuyện "giải phóng" của đời mình ?






Wednesday, February 06, 2019

Ly cafe đầu năm



Sáng mùng một, pha ly cafe, mở đĩa nhạc xuân, ngắm cành đào vừa nở thêm vài cụm hoa mới. Mùi hương trầm của đêm Giao thừa hình như vẫn còn lãng đãng quanh đây. Hôm nay trời hãy còn lạnh nhưng nắng đẹp, cảm giác như nắng xuân ở quê nhà, hây hây hanh vàng. Một năm cũ qua đi, một năm mới lại bắt đầu. Dẫu biết xuân hạ thu đông chỉ là quy luật thường tình của tạo hoá, có khởi đầu tất có kết thúc, có cái cũ tất có cái mới. Tết nhứt cũng là một chu kỳ tuần hoàn như bao chu kỳ tuần hoàn khác, một sự vận hành tất yếu của tự nhiên. Nhưng rồi năm nào cũng thế, Xuân đến thì ai cũng thấy lòng mình xôn xao, và cứ khan khác một điều gì. Ngày Tết có cái hồn đặc trưng của nó, khởi sự trong lòng của mỗi con người !

Tối qua Giao thừa xong, đi chùa về nhà đến hơn 2g sáng, nhưng vẫn không buồn ngủ. Nhiều bạn bè nhắn tin, gởi email chúc tết, ngồi đọc và gọi điện thoại đến gần sáng. Sáng mùng một ở Mỹ, thiên hạ vẫn đi học đi làm như thường lệ. Ngồi nhâm nhi ly cafe nghe nhạc, tự nhiên nghĩ đến bài thơ "Xuân Vãn" của ông vua Trần Nhân Tông, người được cho là vị Sơ Tổ sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, cũng là dòng Thiền duy nhất của người Việt Nam.

Xuân vãn,
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng.

Nôm na là Ngài nói về sự cảm nhận đối với cái Tết vào những thời điểm khác nhau. Thuở nhỏ còn bé chưa biết gì thì mỗi dịp xuân về thấy trong lòng náo nức rộn ràng như trăm hoa đua nở. Đến khi lớn lên hiểu thấu vấn đề, khám phá cốt lõi của sự việc, thì thấy muôn sự cũng bình thường thôi. Tuy bài thơ chỉ đơn giản vậy, nhưng lâu nay biết bao nhiêu người giảng giải phân trần, dịch nghĩa dịch ý, đôi khi làm phức tạp hơn, hết thiền  :-).
Mở ngoặc chút nói về chuyện dịch thơ xưa. Hồi nhỏ giờ mình cứ thắc mắc là tại sao có nhiều nhà dịch giả, văn thi sĩ, trí thức VN, lại thích cùng tham gia dịch thuật một bài thơ nổi tiếng nào đó, mặc dù ý tứ cũng chỉ na ná giống nhau. Từ những bài thơ Tàu như Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Lô Sơn của Tô Đông Pha, Tạp Thi của Vương Duy .... cho đến thơ Việt của thiền sư Mãn Giác, của vua Trần Nhân Tông ...v.v.. Như bài Xuân Vãn này cũng có rất nhiều người tham gia dịch thuật, không biết là đã có bao nhiêu bản dịch lâu nay rồi. Nội cái tựa không thôi cũng được dịch ra nhiều kiểu như Xuân Muộn, Cuối Xuân, Xuân Rãi, Xuân qua, Xuân tận ... Lâu lâu cứ tới tết là mình thấy thêm bản dịch mới, chữ nghĩa thì có khác chút đỉnh nhưng vẫn là ý đó. Nhiều lúc mình nghĩ nếu Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà biết đời sau quá bận rộn, ti tiết, sợi tóc chẻ làm tám bài thơ của ông như vậy, chắc ông đã nói :

Thuở nhỏ chưa hiểu rõ sắc không,
Tết mới trăm hoa rộn trong lòng.
Nay đã hiểu rõ tính sắc không
Làm ơn đừng dịch nữa được không ?

Giỡn chút cho vui ngày Tết, chứ thực ra cuộc sống vốn đa dạng, con người càng đa dạng hơn, làm sao nói hết được. Cái hiểu biết của con người thì vô cùng, bất tận, như cái thang hình xoắn ốc cứ bắt lên trời mà đi, không biết đến đâu là tận cùng. Có khi cùng hoành độ nhưng khác tung độ. Có khi cùng một sự việc, nhưng sự nhận thức của ngày hôm nay lại khác xa rất nhiều so với ngày hôm qua. Còn cái "ngộ" thì cũng có "thực ngộ", "giả ngộ". Người “ngộ” thực sự lại chẳng thấy mình ngộ, mà cũng chẳng bao giờ đi khoe đã ngộ, vì thực ra cũng chẳng có cái gì gọi là “ngộ” :-). Còn ông "giả ngộ" lại nghĩ rằng mình đã ngộ, và “ngộ” để làm thơ, để tranh cãi, để làm pháp sư….Nên chuyện thế gian biết đâu mà lần. Cũng khổ. Như Tô Đông Pha thấy mình đã ngộ, nên khoe "Bát phong truy bất xuất", lại được nhà sư Phật Ấn điểm nhãn bằng "Nhất thí mã quá giang" :-).
Thời buổi này thì chùa chiền ngày càng nhiều, sư sãi tăng ni cũng nhiều. Trong nước nhiều đền chùa, mà ở hải ngoại cũng không hiếm. Tín ngưỡng cũng nhiều mà mê tín cũng nhiều. Xưa nay người theo đạo Phật, rất kính trọng Tăng Ni (một trong 3 ngôi Tam bảo). Nhưng cũng nên lưu ý vì chưa hẳn cứ ông nào xuống tóc là nhất thiết ông ấy có nguyện vọng tu tập một cách đúng nghĩa. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, thật giả chồng chất lên nhau, nên không phải ông “sư phụ “ nào cũng đúng, cũng thông thái, cũng hiểu biết thấu đáo vấn đề hướng dẫn giúp đỡ người đời tu tập đúng cách. Đặc biệt là mấy ông quốc doanh, còn kinh tế, chính trị chính em trong đó, nên người tu học phải cẩn thận và tỉnh táo tự học cách để phân biệt được đúng sai. Mà đạo nào rồi cũng sẽ gặp những khó khăn như vậy thôi, chỉ là ít hay nhiều. Cho nên nhiều người cho rằng thời này đến chùa, đến nhà thờ, mà phân biệt được đâu là cái áo cà sa, đâu là ông thầy, đâu là đạo pháp; cũng như đâu là cái thánh giá, đâu là ông cha, đâu là lời Chúa … thì là giỏi rồi :-).

Nhớ trong đạo Phật có câu chuyện vui, một cậu bé đi hỏi ông thầy tu được cho là đã "đắc đạo" :

- Hồi xưa thầy chưa đắc đạo, thầy làm gì ?
- Chặt củi, gánh nước, nấu cơm .
- Thế đắc đạo xong, thầy làm gì ?
- Chặt củi, gánh nước, nấu cơm
- Vậy thì đâu có gì khác ?
- Khác là hồi xưa lúc chặt củi, nghĩ chuyện gánh nước, lúc gánh nước nghĩ chuyện nấu cơm. Bây giờ thì làm việc gì nghĩ việc đó thôi !

Đúng vậy. Thực ra nếu đơn giản được như thế thì đã bớt khổ não phiền muộn rồi. Lâu nay biết bao nhiêu kinh sách thiền học, triết gia, tu sĩ, nói về đề tài "sống trong hiện tại". Thầy NH cũng đã chia xẻ rất nhiều về phương pháp hành thiền "Hãy an trú trong hiện tại" ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng cuộc sống này vốn không đơn giản vậy. Nhiều người hiểu rõ lý thuyết, đạo lý, kinh điển, nhưng rồi cả đời vẫn mãi loay hoay không thực hành được cái buông bỏ, đơn giản cho chính mình. Đời sống vốn có quá nhiều thứ phức tạp, dao to búa lớn. Từ con ngưòi đến xã hội, từ tôn giáo đến chủ thuyết, từ bằng cấp cho đến danh xưng, từ địa vị cho đến quyền bính, từ đoàn thể cho đến đảng phái, từ cá nhân cho đến chế độ, từ lý thuyết cho đến chủ nghĩa, từ lạc hậu cho đến ưu việt, từ ăn lông ở lổ cho đến công nghệ 4, 5 chấm ..v.v.  Cho nên không phải chỉ có tôn giáo, mà còn nhiều vấn đề khác trong đời sống, muốn đơn giản cũng chưa chắc được. Lòng người ngổn ngang ham muốn. Có lúc thiên hạ bắt cái đơn giản phải phức tạp theo họ, mới xứng tầm, mới đủ chất , mới thức thời, mới kịp trào lưu :-). Như mình đi cả nửa đời người rồi mà vẫn còn thấy ba lô sau lưng nặng trĩu. Tết ngồi mơ mộng chút, rồi ngày mai lại phải bận rộn theo nghiệp áo cơm !

Một nhà thông thái khác lên tận non cao để chứng minh cái bản lĩnh của mình, vì nghe ông Thầy nổi tiếng "cao tăng". Tay cầm con sâu đố ông Thầy :

- Thầy giỏi vậy, là cao tăng, vậy biết con sâu trong tay tôi là sống hay chết ?"
- Dạ, là con sâu chết !

Nhà thông thái cười ngạo nghễ, mở tay ra, chỉ con sâu còn sống mà nói :

- Vậy mà Thầy cũng đưọc gọi là cao tăng sao ? Thầy nói sai rồi, con sâu này còn sống.

Nói rồi, vứt con sâu ra bụi cây, hí hửng đi xuống núi. Vừa đi vừa dương dưong tự đắc nghĩ rằng ta tài giỏi, ta đã "thắng" được ông thầy đó. Tính ra tài cán của Thầy "cao tăng" cũng chỉ đến thế là cùng, còn bị thua mưu trí của ta.

Và cuộc sống này vốn không hiếm những người tư duy “tài ba” như nhà thông thái đó. Họ vẫn say men chiến thắng, vẫn đề cao cái ngã tối thượng của mình. Đến một lúc nào đó, nếu có duyên, nhà thông thái kia sẽ hiểu ra được tại sao nhà sư nói sai. (Trong điển tích này nhà thông thái được cha của ông chỉ điểm mới hiểu ra vấn đề). Còn nếu không gặp duyên, thì có khi cả đời ông ta vẫn nghĩ rằng mình đã mưu trí thắng được ông sư kia. Và sẽ có nhiều phiên bản (version) của câu chuyện tài giỏi “thắng cả cao tăng”  rêu rao đồn đãi trong thiên hạ. Đúng sai ai biết, mà sướng khổ ai lường ? Nhưng âu đó cũng là những duyên nghiệp bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Theo cách hiểu của nhà Phật, càng ít những chuyện hơn thua thị phi như vậy càng tốt, lòng người sẽ thanh thản hơn và cuộc sống sẽ an vui hơn. 

Ngày đầu Xuân, những người xa quê, thường nghĩ đến gia đình, anh em bạn bè, và quê hương. Nhìn lại quê mình, một đất nước có quá nhiều thiệt thòi, nội chiến, ngoại xâm, chiến tranh dai dẳng hết thời kỳ này đến thời kỳ khác. Về mặt con người, so với những quốc gia khác trong khu vực thì VN đã mất mát và đau thương quá nhiều. Những cuộc chiến huynh đệ tương tàn cứ xảy ra, mâu thuẩn triền miên, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Nồi da xáo thịt, kéo dài hết triều đại này đến vương triều khác. Còn thắng thua chỗ nào ? Được mất ra sao? Dĩ nhiên là sự nhận thức của mỗi con người khác nhau. Cái nhìn về thời cuộc cũng luôn thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng hiểu biết của từng người. Người ngoài cuộc hiểu khác người trong cuộc, người thắng cuộc nghĩ khác người thua cuộc, đó là những chuyện thường tình. Có thể là thắng đối với góc nhìn này, nhưng lại là thua ở một góc nhìn khác. Mà cũng chưa chắc là thắng thua, hoặc chỉ là nạn nhân của những tham vọng, sai lầm, hoặc toan tính của các thế lực chính trị nào đó ? Có nhiều câu hỏi mình tin rằng sẽ lần hồi được sáng tỏ theo thời gian, nhưng cũng có những thắc mắc sẽ không bao giờ có lời giải đáp trắng đen rõ rệt. Tất nhiên là mỗi người có cách nghĩ và nhận thức riêng của mình. Câu hỏi quan trọng nhất sau mỗi cuộc chiến vẫn là “đất nước và dân tộc sẽ đi về đâu ?”. Quốc gia có được hưng thịnh hơn và người dân có được tự do hạnh phúc hơn không? 
Thực ra, cho đến thời điểm này, thì VN cũng là một trong vài nước ít ỏi còn lại trên thế giới, vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa Mác Lê. Đó cũng là điểm đặc biệt khác người. Bám trụ bền vững. Trong khi đó những đất nước từng là trụ cột của quốc tế CS như nước Đức của Mác, nước Nga của Lê Nin, cũng đã rời bỏ và thay đổi thể chế chính trị gần 30 năm qua.

Thôi ngừng ở đây, buổi sáng đầu năm bao giờ cũng an bình và lắng đọng. Uống ly cafe, nghĩ đến câu chuyện chặt củi, gánh nước, nấu cơm, sống trong hiện tại. Ngắm cành hoa đào, nhớ chuyện tự thắng thua của nhà thông thái và con sâu. Nghe bài nhạc Xuân nghĩ đến bài thơ cũ gần ngàn năm tuổi, mỗi dịp xuân về vẫn còn là đề tài thi thố của bao văn hào, tri thức, tài tử, thi nhân .....
Năm mới cầu chúc cho quê hương an lành, cho tất cả bằng hữu, anh em cùng gia đình thân tâm an lạc. Hy vọng mùa Xuân mới sẽ đem lại duyên lành và những niềm vui mới cho mọi người !



Saturday, February 02, 2019

Thơ: Chiều vỉa hè cuối năm



Em,
Xấp vé số dày hơn thường nhật,
bàn chân non tất bật hơn nhiều,
rảo từng góc phố hắt hiu
môi khô thấm lạnh tím chiều cuối năm...

Anh,
lốc cốc gõ đều đêm hủ tíu
Năm qua đi túng thiếu vẫn còn
quê nhà thấp thỏm đàn con,
giấc mơ áo mới mỏi mòn đợi cha

Chị,
mai gói ghém về quê ăn Tết
nhọc nhằn nào dấu hết, quên đi.
Bầy con biết mấy mùa thi ?
lo toan sao hết xuân thì sắp qua !

Còn tôi,
vẫn cứ thế, 
chiều nay tháng Chạp
góc vỉa hè ngồi hát nghêu ngao
xứ người Tết đã xôn xao 
ngẩng đầu mây trắng nơi nào cố hương ?


PN





Monday, January 21, 2019

Một bài hát cũ ...

Năm đó, mình học lớp 12. Gần Tết, lần đầu tiên nghe (lén) được bài này ở nhà một người bạn. Cả đám lặng im, cuối đầu, nước mắt rưng rưng .... Mấy chục năm sau, giờ nghe lại, vẫn còn thấy xót xa !