Sunday, June 18, 2023

Happy Father's Day !

 


Những năm của thập niên 80, đội bóng Redskin rất đình đám và là niềm tự hào của nhiều cư dân vùng thủ đô D.C. Dạo ấy, mình buổi sáng đi học buổi chiều đi làm, đến tận khuya mới về. Chỗ làm của mình bên cạnh một cái bar thể thao rất lớn, và cũng là "sân nhà" của các fan ruột Redskin. Mùa đông ở vùng D.C, tuyết nhiều và lạnh lẽo, đặc biệt là những ngày bão tuyết. Thế nhưng cái bar ấy thì luôn bận rộn và sôi nổi, nhất là mùa tranh giải của các đội football nhà nghề (NFL). Chú ấy làm việc ở đó. Người đàn ông ít nói, hầu như luôn im lặng và chăm chú làm một điều gì đó. Lầm lũi đi, lầm lũi về, giữa nắng gió mưa tuyết, từ trạm xe đến chỗ làm, từ chỗ làm đến trạm xe, đúng hẹn mỗi ngày. Cặm cụi dọn dẹp, sắp hàng lên kệ, đổ rác, lau chùi ... chăm chú phần việc của mình và dường như ít quan tâm đến ai. Có những ngày tuyết xuống ngập trên cả đầu gối, chú vẫn lầm lũi dọn dẹp, đúng giờ đúng giấc. Ngay cả lúc nghỉ ngơi ra ngoài đứng hút thuốc, đôi mắt ấy vẫn xa xăm hướng về một phương trời nào đó. Mình và chú thường gặp nhau mỗi lúc hút thuốc, vẫn gật đầu chào nhau lặng lẽ.

Không nhớ rõ lắm, nhưng có lẽ khá lâu, hai chú cháu mới bắt đầu nói chuyện và hiểu nhau hơn. Thực ra trong cuộc sống, có nhiều thứ hiểu nhau mà không cần phải nói nhiều. Ngược lại nhiều lúc nói rất nhiều lại chẳng hiểu nhau chút nào. Thậm chí xã hội bây giờ ngày càng nhiều những cuộc hội hè phô trương, nghi lễ đình đám, mang nặng tính hình thức, vốn chỉ để lấp đầy những khoảng trống vô nghĩa, chứ không phải để hiểu nhau hoặc thông cảm cho nhau. Hoặc đơn giản hơn nữa là trao đổi xã giao vài câu chuyện làm quà, vô thưởng vô phạt, rồi mạnh ai nấy về. Quả nhiên là vậy ! 

Một sĩ quan tham mưu phòng 3 của một lực lượng Tổng Trừ bị VNCH, vợ con rời VN từ 75 sang châu Âu. Vợ lập gia đình mới, đứa con trai còn nhỏ không có ký ức gì về cha của nó. Người cha bị tù đày cải tạo ngay chính trên quê hương của mình gần chục năm, rồi gian khổ qua được bên Mỹ, sống một mình trong căn nhà thuê chật hẹp cách toà Bạch ốc chưa tới 15 phút lái xe. Thế nhưng sự im lặng của ngưòi đàn ông ấy không phải đến từ những nghịch cảnh khó khăn đó, mà đến từ những điều sâu thẳm hơn ....

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta đều có những chọn lựa riêng về cách biểu đạt cảm xúc của mình. Nhưng với chú, sự im lặng có lẽ là một chọn lựa đầy đủ nhất. Sống giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, đầy rẫy những kẻ cơ hội chủ nghĩa, hoạt đầu chính trị, những ngôn từ "yêu nước thương dân" được đem ra bày bán để trao đổi xôi thịt với mớ bòng bong danh lợi, một số người lính trận chân chính đã chọn lựa sự im lặng để giữ chút tôn nghiêm còn lại của họ. Mình hiểu được và rất tôn trọng điều đó !

Rồi ngày tháng trôi qua, chú vẫn cần mẫn làm việc, âm thầm theo dõi từng bước chân của đứa con trai bên trời Âu. Thỉnh thoảng được tin từ bạn bè hoặc bà con nhắn lại, đứa con học này học nọ, lên lớp này lớp nọ, chú mừng ra mặt, rạng rỡ sáng ngời, rủ mình đi ăn để kể chuyện. Một thời gian sau, mình dọn đi tiểu bang khác làm việc. Chú tiếp tục ở lại MD vài năm nữa, rồi dọn về FL. Lâu lâu chú cháu vẫn liên lạc nhau. Mỗi lúc về lại Mỹ, có dịp đi FL, mình vẫn thường ghé thăm chú. Một căn nhà rất nhỏ, ngăn nắp, có trồng nhiều loại cây ăn trái ở quê nhà. Chú vốn xuất thân từ một gia tộc có nhiều tướng lãnh, quan chức của chế độ cũ. Nên trên tường nhà có nhiều hình ảnh, bằng cấp, huân chương, luôn được cất giữ và bảo quản một cách kính cẩn. Tất nhiên lần nào gặp nhau, chú cũng nói nhiều nhất về đứa con trai của mình. Về già, tuổi tác cùng với những năm tháng trận mạc, tù đày, nên chú có nhiều bệnh tật. Chịu đựng một mình âm thầm trong căn nhà nhỏ, đứa con trai chắc cũng chưa bao giờ biết. Có lần mình hỏi "Nó đã qua Mỹ thăm chú chưa ?". Chú im lặng không trả lời, mắt nhìn xa xăm ....

Cách đây khoảng hơn chục năm gì đó, lúc mình còn đang làm việc ở SG. Chú liên lạc nói sắp về VN thăm vài tuần, nhờ mình đi đón. Hơi ngạc nhiên, nhưng mình cũng rất vui vì được gặp lại chú ở quê hương. Về đến VN, thấy chú rất xúc động. Vẫn vẻ im lặng đó, nhưng những vết chân chim hằn sâu bên khóe mắt của chú ươn ướt khác thường. Ngày hôm sau chú nhờ mình chở về miền Tây thăm ngôi nhà cũ. Ngôi nhà của gia đình chú ngày xưa được coi như ngôi nhà lớn nhất của tỉnh, nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Và bây giờ trở thành một cơ quan nhà nước, to lớn “hoành tráng”. Mình đậu xe bên lề đường, để chú bước qua, nhưng hình chú như sững lại, không dám. Không chịu nỗi cảnh trạng đó, mình tìm chỗ đậu xe, rồi mở cửa xe, nắm tay chú đi cùng. Chú từ chối, rút tay lại. Lần đầu, mình thấy chú cuối mặt lau nước mắt, rồi nói - "Thôi mình đi cháu !". Cả đoạn đường về, cả hai đều im lặng. Mình dừng lại ở một quán ven sông, kêu hai trái dừa, ngồi nhìn đám lục bình trôi lững lờ. Vẫn im lặng. Mình tôn trọng cảm xúc của chú, nên cũng không muốn hỏi thăm điều gì thêm, chỉ lái xe về.

Mấy ngày sau chú nói, lần này chú về VN chủ yếu là vì đứa con trai mới về HN làm việc. Lúc đó mình mới biết con trai chú là một tiến sĩ bên Tây, được nhà nước VN mời về hợp tác trong một chương trình gì đó, ở lại HN một thời gian. Và chú quá lo lắng về nơi ăn chốn ở của nó, cũng như "những cám dỗ nơi chốn thành đô", nên cố bay về VN tìm người gửi gắm mới an tâm. Mình bức xúc định nói, nhưng rồi lại thôi, chỉ an ủi chú " Nó lớn rồi, tiến sĩ chứ đâu còn con nít nữa, chú đừng lo lắng quá. Thôi chú cho nó số điện thoại của cháu, có gì cần thì a lô nghen". Thế nhưng chuyện vẫn chưa xong đơn giản như vậy. Chú ở lại VN vài tuần đi thăm bà con bạn bè mỗi ngày. Tối về, lại ngồi im lặng hút thuốc ..... lo lắng cho con. Đến ngày rời VN về lại Mỹ, ra sân bay vẫn còn chưa an tâm, căn dặn mình đủ điều.

Không biết đến hôm nay đứa con trai của chú đã từng bay qua Mỹ để thăm chú chưa. Nhưng hôm nay là ngày lễ của Cha (Father's Day), tự nhiên nhớ đến chú. Mà chắc trên thế gian này cũng không hiếm những người cha như chú. Sự hy sinh thầm lặng của người Cha khác với những giọt nước mắt thương yêu hoặc vòng tay ôm ấp của người Mẹ. Và những nỗi lo toan kín đáo đằng sau gương mặt khô khan, bàn tay chai sạm, hoặc những ứng xử vụng về, thậm chí lạnh lùng của người cha là những thứ không thể dễ dàng cảm nhận trong một sớm một chiều. 

Nhân ngày Father’s Day, thân chúc tất cả các người Cha, người Ông, người Chồng...một ngày an vui và hạnh phúc.

Happy Father's Day !

PN (2023)







 

No comments:

Post a Comment

Comments: