Thursday, May 09, 2019

Phiếm: Tôn thờ cái bịch !



Nói sao đi nữa, rồi cũng có người cãi. Cái bịch, cái bị, cái bao, cái túi .....cái nào mới đúng ? Mình thỉnh thoảng vẫn gặp những chuyện bắt bẻ lý sự này, nhưng thắc mắc không biết cãi để làm gì, sai thì sửa thôi, khi biết đó chỉ là cái túi để đựng đồ, xài tạm rồi vứt đi. (Nói thêm chút là thời này người quan tâm môi trường thì không còn xài bịch nilon & vứt lung tung nữa).

Còn tại sao hôm nay lại nói đến vụ cái bịch ? Nói tới đây mình cũng mắc cười ! Mấy năm nay vẫn thấy bộ giao thông VN loay hoay với cách dùng từ. Rồi báo chí, cộng đồng mạng, thân hào nhân sĩ, trí thức, tiến sĩ giáo sư, quan chức ... đều quan tâm đến thành tích sáng tạo của bộ GTVT của VN, đổi từ "thu phí" qua "thu giá", nay lại đổi qua "thu tiền":-).
Bao nhiêu thời gian, chữ nghĩa, tiền thuế của dân, tốn công vì những chuyện từ ngữ "kỳ nhông ông kỳ đà" như thế. Được gì, thành quả tốt đẹp gì, đỉnh cao trí tuệ, văn minh tiến bộ gì ở đó ?

Rồi lại nhớ chuyện bên Mỹ. Mới hôm tuần rồi mình gặp một người quen, anh ta nói trong câu chuyện mình nói, có một từ là của "cọng sản". Lúc đó mình cũng chẳng nhớ là anh nói từ gì, vì quả thật là mình không quan tâm lắm. Nhưng hôm nay đọc vụ lùm xùm chữ nghĩa "thu phí, thu tiền", mình lại thích nói về đề tài này.
Thực ra thì mình không biết từ nào sở hữu của "cọng sản", từ nào sở hữu của "quốc gia". Lâu nay mình vẫn nghĩ ngôn ngữ là vốn chung của thiên hạ, rồi thiên hạ cứ thế mà tuỳ nghi xử dụng. Dĩ nhiên là con người tự cắt ráp, ghép nối, xử dụng theo cách của mình, để có thể giao tiếp được với nhau. Có thể là mỗi vùng miền, mỗi thể chế chính trị, mỗi thời đại, mỗi giai đọan ... có sử dụng một số từ vựng khác nhau, hoặc thêm hoặc bớt. Nhiều lúc từ ngữ của người này xài không hợp với người kia, trái cách quá, phàm phu quá, thô thiển quá, nghịch lỗ tai quá. Có khi người kia xài từ cao siêu quá, người này lại chẳng hiểu tí nào. Cũng là những chuyện thường tình. Người miền Nam đi ra nhiều vùng ngoài Bắc, nghe cứ tưởng họ nói ngoại ngữ. Người ngoài Bắc vào Nam nghe cứ tưởng là chim hót líu lo ... Âm điệu, tiết tấu cũng khác. Người thích xài từ bình dân gần gũi, người chuộng từ sáo ngữ bóng bẩy văn hoa, thậm chí không hiểu mình đang nói gì, cũng là chuyện thường. Từ nào hay thì tồn tại, từ nào không phù hợp thì bị đào thải. Từ ngữ tự nó vốn không có sự phân biệt. Nếu có, là do con người tiếm dụng và cưỡng chiếm nó.
Cuộc sống thì vốn phức tạp hơn. Đôi khi chỉ hơn thua một vài từ ngữ nào đó, quyết liệt, mà dẫn đến đau tim, đột quy. Rồi có khi chỉ vì tranh chấp sự khác biệt mà bao nhiêu giấy bút, thời gian, tài năng tổ quốc, nguyên khí quốc gia, tầm vông giáo mác, nồi niêu xoong chảo ... có gì xài nấy, đem ra hết để lôi kéo nhau, chụp mũ nhau, hơn thua nhau. Đời tư đời riêng, tin gà tin vịt, có bao nhiêu lôi ra hết. Trong nước cũng thế, mà ra hải ngoại cũng thế. Bởi vấn đề không phải nằm ở chỗ chữ nghĩa, từ vựng, mà là chỗ quyết hơn thua, và thói quen quy chụp những thứ khác biệt với mình. Nếu không phải là cách xài từ, thì là bài hát họ thích, câu ca họ xài, nơi chốn họ đi du lịch, bạn bè họ chơi, cách họ làm thiện nguyện, hội đoàn họ tham gia ..v.v. Chê người khác là "nhìn đâu cũng thấy kẻ thù", còn mình thì nhìn đâu cũng thấy kẻ địch. Rồi cuối cùng thì nước vẫn chảy qua cầu, lá tới mùa vẫn rụng, hoa tới mùa vẫn nở, không thay đổi gì ... :-). Dĩ nhiên đó cũng chỉ là thiểu số thôi. Đa số người VN mình dễ tha thứ, rộng lượng, và hiểu biết đại cuộc.

Còn nhắc lại chuyện xưa, thì người miền Nam ai cũng biết đến những câu chuyện phiếm thời hậu 1975. Từ chuyện TV tủ lạnh chạy đầy đường, cho đến cái nồi ngồi trên cái cốc. Từ cái mông có gân cho đến cà phê giựt giựt (trà lipton). Từ những từ ngữ xáo trộn, đảo ngược, cho đến sự khác biệt những thường lệ cố hữu xưa nay... như xưởng đẻ Từ Dũ, xe con, hố xí, đảm bảo, khẩn trương, quán triệt, đồng hồ không người lái 2 cửa sổ...v.v. Mà chấp nhận sự khác biệt đó một sớm một chiều không phải là chuyện dễ. Thế là ra đời những khái niệm "từ cọng sản", "từ quốc gia". Ngày xưa khi chưa có "cọng sản quốc gia", thì lại có cái khác. Có Bắc, Trung, Nam, có "nhà quê", có "tỉnh thành", có hương đồng cỏ nội. Có những từ ngữ được "label" gắn liền với mỗi vùng miền như bắc kỳ rốn, dân nẫu, dân cá gỗ, dân cá gô, dân mắm ruốc .... Sau này, khi bỏ xứ đi, ra nước ngoài thì cũng có mít ướt, mít ráo, "từ Việt kiều", "từ Việt Cọng"....v.v. Trong nước ngoài nước gì cũng thế, người đi trước chê người đi sau. Mới ngày nào còn "một năm 2 thước vải sô, làm sao che nỗi ... đầu gối... em ơi", thì hoà đồng nhau. Bây giờ rủng rỉnh áo cơm lại bắt đầu phân biệt thời thượng, âm lịch, cửa nào, tuổi nào.... cho nhau ?
Rồi mai kia nếu hết kiếp nạn việt cọng, việt kiều, lại sẽ có những sự phân biệt khác. Đó cũng là chuyện tất nhiên. Một khi không chấp nhận sự khác biệt, thì có lên thiên đàng hay xuống địa ngục, cũng phải có phân biệt mới thoả lòng !


Người nước ngoài học chấp nhận sự khác biệt dễ hơn, nên họ tiến bộ hơn, phát triển hơn. Đặc biệt là nước Mỹ, hợp chủng quốc. Nhiều người lên án nạn kỳ thị chủng tộc ở các nơi khác, nhưng thử nhìn lại người VN mình, nạn phân biệt còn ghê gớm hơn nhiều, và cũng không phải chỉ dừng lại ở chủng tộc mà thôi. Mình có ông bạn quen người Mỹ, từng dạy khoa Á đông ở một trường ĐH danh tiếng của Mỹ. Kể hồi xưa qua VN phải đi học cả năm tiếng Việt ở "Defense Language Institute Support Command", Fort Bliss, Texas. Ở đó, họ dạy ông từ ngữ của cả hai bên "Quốc gia", "Việt Cọng". Cũng dễ hiểu thôi, chứ gặp gà mà nói vịt, rồi chê bai dè bĩu, thì chắc là đi về chăn vịt lâu rồi. Đùa thôi, chứ người hiểu biết thường không ai làm vậy !

Cuối cùng, thì từ ngữ để làm gì ? Trước hết là để "communicate". Người nói kẻ nghe, có thể hiểu nhau được. Có khi cách nói lại khác cách viết. Còn từ ngữ đúng hay sai, bình dân hay hàn lâm, xài sai hay đúng cách, lai căng hay thuần Việt, tây tàu, văn phạm, ngữ pháp...v.v.. thì lại là chuyện khác nữa, dành cho các nhà ngôn ngữ học thuật phân tích, không phải chuyện của mình. Thiết nghĩ cái nào hay thì học thêm, cái nào dở thì bỏ đi. Chẳng hạn như xưởng đẻ, xe con, máy bay lên thẳng, quản lý đời em... thì cũng nên thay đổi cho hợp thời, hợp lý. Thực ra, ngôn ngữ cũng luôn thay đổi như mọi thứ khác trong cuộc sống này. Hàng năm các tự điển Oxford, Cambridge ... cũng ghi nhận và cập nhật thêm nhiều từ mới. Nhưng ngôn từ thì cũng chỉ là ngôn từ, mục đích chính là để nói để nghe, để người này có thể liên lạc giao tiếp với người kia qua lời nói hay viết lách. Để hiểu nhau mà không bị ngộ nhận lầm lẫn, thì cần một quy ưóc chung, đơn giản là vậy. Ở quê lên tỉnh thì phải học cách ăn nói, ứng xử của tỉnh thành. Ở Bắc vào Nam thì cũng thế. Ở VN qua Mỹ, qua Tây, cũng phải học hỏi hội nhập, theo quy ước của họ, thì mới sống được. Nhiều người bên Mỹ chưa rành tiếng Mỹ, mà về VN đã quên mất tiếng Việt, nói lơ lớ, thì mới là chết. Ở đâu quen đó, ở xứ nào lâu bị ảnh hưởng ngôn ngữ, cách ứng xử ở đó, cũng là chuyện thường tình thôi. Nhiều khi về VN nghe người ta nói chuyện, không hiểu nghĩa, cách dùng từ xa lạ với mình, cũng phải nhờ giải thích. Nhớ lúc trước, mình đi dạy nghề ở trại tị nạn, gặp anh kia học sinh lớn tuổi than vãn "Anh ơi, sao tui học hoài không vô. Không biết mai mốt ra nước ngoài thì sao?". Mình an ủi "Anh đừng lo, vịt ở chuồng gà lâu ngày cũng biết gáy. Ai cũng vậy thôi ". Mấy chục năm sau gặp lại, cả nửa câu chuyện anh ta nói xen tiếng tây rồi, nhiều tiếng Việt ảnh quên mất. Mình cũng từng gặp nhiều vị Việt kiều ra nưóc ngoài năm 75, sau này về VN làm ăn hay hưu trí gì đấy, nói chuyện toàn là "hoành tráng, vô tư" :-). Cho nên dựa theo sự khác biệt trong từ ngữ, hoặc tiếng nói vùng miền, để quy chụp nhau, hoặc kết luận điều gì, thì quả là ... hạn chế !

Thiết nghĩ chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống, vì suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là những người mù sờ voi, mỗi người chỉ biết được một phần nhỏ trong đời sống này. Có nhiều phương tiện cùng dẫn đến một mục đích. Mỗi người có điều kiện khác nhau, sao có cùng phương tiện giống nhau được ? Xưa nay ý nghĩa chính của "phương tiện" là để phục vụ cho con người, phục vụ cho "mục đích". Nhưng đôi khi lại thấy một số người tốn quá nhiều thời gian để chi tiết, hơn thua nhau, để lệ thuộc và phục vụ ngược lại cho cho những phương tiện đó. Có người tuyệt đối không chấp nhận người khác dẫu chỉ là khác biệt nhỏ trong cách xài từ ngữ, hoặc khác biệt nhỏ trong cách làm việc, nhưng lại rất nhiệt tình kêu gọi đa đảng đa nguyên. Có người kêu gọi cùng nhau góp ý xây dựng, nhưng đứa nào khác ý của mình thì gạt bỏ, thậm chí bắt bớ. Âu cũng là những nghịch lý !

Nhớ trong chuyện đạo Phật, có chuyện ông kia đi theo xin Đức Phật học pháp thuật. Đức Phật nói "Ta làm gì có pháp thuật mà dạy ngươi". Thế là ông ta giận và bỏ đi theo một đạo khác, học phép thuật. Mấy chục năm sau, học được phép đi trên mặt nước. Bèn hí hửng và cao ngạo trở về gặp Đức Phật để biểu diễn công phu bay lướt qua sông. Coi xong Đức Phật lại im lặng mà đi tiếp. Tức giận, ông ta chạy theo hỏi: "Ngày xưa ông không chịu dạy tôi, giờ tôi đạt thành tựu như thế, tài ba như thế, ông không thấy cần thiết nói điều gì sao ?". Đức Phật trả lời "Ta thấy tiếc cho ngươi. Người ta bỏ ra 2 xu đã có người chở qua sông. Còn ngươi phải tốn cả mấy chục năm !".

Quả nhiên là vậy. Cuộc đời có mấy cái mấy chục năm ? Theo đuổi những thứ không hiệu quả và tôn thờ cái bịch làm gì, trong khi những thứ bên trong cái bịch mới là cái mà ta cần quan tâm hơn !




No comments:

Post a Comment

Comments: