Monday, April 29, 2019

Những ngày xưa thân ái ...



Thỉnh thoảng có ai nhắc về ngày 30/4, mình lại nghĩ đến cô Cao thị Nhíp - Cô gái "giải phóng quân" dẫn đường năm nào, từng được coi như một trong những biểu tượng của ngày đất nước thống nhất, và được một đạo diễn dựng phim có cùng tên "Cô Nhíp". Thế rồi những năm gần đây, lại nghe tin cô đã trở thành công dân Mỹ và sống ở California. Mình vốn không quan tâm lắm chuyện cô trở thành công dân nước nào, nhưng sở dĩ nhớ đến cô Nhíp, là vì cô ta giống một người có liên hệ tới mình năm xưa, chị Bửng.

Trước năm 1975, Ba Má mình đi làm xa nhà, ở vùng bán an ninh, nên không dám dẫn mình theo, mà gởi cho Bà Ngoại. Lúc đó Ngoại mình ở Ba La, một làng quê rất thanh bình, nơi có những cánh đồng lúa vàng ươm, ruộng mía bát ngát, bàu sen ngào ngạt, vườn tược tươi mát ... Ngoại có 2 người giúp việc, Dũng ( lúc đó trong xóm thường gọi là Bủng) lo việc nặng nhọc đàn ông quanh nhà, và chị Bửng chỉ đặc biệt lo chăm sóc mình. Nhớ ngày nào, mình cũng ngồi chờ gói kẹo Chặt chị đem về từ chợ Mù U. Ăn xong, chị dẫn ra giếng, bắt cởi quần áo tồng ngồng, đi tắm. Cả Dũng và chị Bửng đều là người cùng làng, chân chất, đơn giản. Ngày đó, mọi người cùng ở trong nhà Ngoại, rất gần gũi, thương yêu đùm bọc nhau, coi như gia đình ruột thịt.

Rồi năm đó, chạy giặc trở về. Nhà Ngoại bị đốt, cả một ngôi nhà to lớn chỉ còn lại đống tro bụi và những cây cột cả ôm, cháy sạm trùi trũi. Ngoại khóc, rồi đi lên tỉnh ở với Ba Má mình. Dũng đi theo lên tỉnh, còn chị Bửng xin nghỉ việc ở lại quê chăm sóc ruộng vườn, rồi nhảy núi. Ít lâu sau, tới tuổi đăng lính, Dũng xin phép Ba Má và Ngoại nghỉ việc, đi Biệt Động Quân. Không lâu lắm, tin về đi nhận xác, tử trận ở La Vang, Quảng Trị. Những đồng bào cùng làng cùng quê, thật thà chất phác, từng thương yêu nhau, trở thành 2 chiến tuyến, người còn kẻ mất. Còn chị Bửng mất bặt tin tức. Chiến tranh ngày mỗi ác liệt hơn !

Sau 03/1975, nhớ là vài tuần gì đó, chị Bửng lên nhà mình trong quân phục "cô Nhíp". Nhìn chị rất giống hình ảnh của Cô Nhíp trong phim sau này. Cả nhà bàng hoàng sửng sốt. Chị có chút xa lạ ngại ngùng, im lặng gật đầu chào mọi người, đưa ánh mắt nhìn quanh, rồi chạy lại ôm Ngoại, khóc mừng. Nghe nói chị là một cán bộ chỉ huy đơn vị gì đó. Đó cũng là lần cuối gặp chị, sau không còn liên lạc với nhau nữa. Hồi đó, gia đình mình cũng như hàng triệu gia đình miền Nam khác, phải bận rộn lo toan với bao nhiêu biến động đổi thay của cuộc sống, ít có thời gian quan tâm nhau. Không biết sau này chị ra sao ?

Rồi sau đó, bắt đầu những đợt di chuyển từ Bắc vào Nam, người ngày càng đông dần. Tập kết hồi hương, bộ đội, cán bộ, đùm túm ba lô, ki cóp từng kí gạo, từng hộp lương khô TQ, từng cái chén sành, từng thước vải sô, đôi dép râu, gói thuốc lá Điện Biên, ...vào để "khai phóng" và "giúp đỡ" miền Nam đói khổ, lạc hậu, bị kìm kẹp. Người đi kẻ ở. Người vui kẻ buồn. Từ lúc đó, mình bắt đầu lờ mờ hiểu ra được ý nghĩa của chữ "giải phóng".

Sau này, thỉnh thoảng có đôi lúc nghĩ thoáng qua, không biết có khi nào chị Bửng lại như cô Nhíp năm xưa chăng ? Giờ này đang ung dung ở Huntington Beach hoặc ngồi đâu đó ở Little Saigon thưởng thức ly cafe hương vị quê nhà, mà nghĩ về câu chuyện "giải phóng" của đời mình ?






No comments:

Post a Comment

Comments: