Saturday, May 17, 2025

Phiếm: Số đề, số đẹp...


Lúc trước về quê thấy thiên hạ đặt niềm tin vào số đẹp, số đề, mình cảm thấy rất ngạc nhiên. Ban đầu thì thấy lạ, nhưng càng ngày càng thấy hài hước, và quen dần. Thậm chí vụ đấu giá biển số xe “đẹp” còn được đem ra bàn trong nghị sự Quốc hội, thì rõ là hiện tượng này cũng “không phải dạng vừa”.

Mình thì thấy tuy số đề và số đẹp khác nhau, nhưng đều có chung một nguồn gốc, ẩn dấu sau lưng những ngộ nhận, mê tín và hoàn toàn dựa vào ảo giác. Chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng ý với quan điểm này của mình, nhưng điều đó là bình thường, bởi trong một xã hội không thể có tư duy và cảm nhận đồng nhất. Vậy nên chỉ phiếm cho vui, một buổi sáng cuối tuần.

Trước hết là chuyện số đề. Nhớ hồi nhỏ, ở quê mình có một nhân vật tên Trương Quang Khanh, nghe đồn là học giỏi, thông minh kiệt xuất, nên bị “Mỹ” đố kỵ chích cho mũi thuốc, sau này hơi “manh manh”. (Thực ra những kiểu chuyện “đố kỵ” như thế này, mình thường nghe từ nhỏ, ngay cả trong sách lịch sử. Từ chuyện Tả Ao, Cao Biền trấn yểm ngày xưa, đến chuyện bùa chú, long mạch, vùng miền, địa linh nhân kiệt... nghe riết rồi tin). Ông TQK cứ đi lang thang xóm này xóm nọ, làm thơ cho số đề. Nhiều khi một câu thơ ráp chữ vu vơ của ông, cũng có cả hàng chục cách luận bàn khác nhau. Trật gà trúng chim, có người trúng người trật. Ai trúng thì mua bánh bèo, bánh gói, bún mắm lỗ tai heo… để “trả ơn” ông, rồi tiếp tục sự nghiệp đồn đãi. Vậy là tên tuổi ông cứ thế mà lên. Cũng may là hồi đó chưa có Internet :-)

Nhiều người thông thái hơn thì không tin vào lời phán của ông TQK, hay các con số từ các oan hồn mồ hoang mả phế, hoặc thần linh đền miếu, mà chủ yếu nghiên cứu các hình ảnh trên báo chí, vì cho rằng ẩn chứa những con số huyền bí. Cũng không hiếm những người đi cúng kiến lễ bái long trọng để xin người khuất mặt về báo mộng đưa tin, rồi nhờ quý chiêm tinh gia giải mộng đoán đề. Ngủ thấy con dê thì phải nhớ dê đực hay dê cái; thấy con bướm thì nhớ con bướm to hay bướm nhỏ. Có cả hàng trăm con số tương ứng từ thần tài thổ đia, sĩ nông công thương, cho đến chim chuột chó mèo. Ngày xưa thì đủ loại báo chí Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận, Trắng Đen, Sài Gòn Mới, Tiếng Vang, Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ nữ Mới, Sống, Thần Chung, Sóng Thần ...sau này thì Nhân Dân, Lao Động, SGGP, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Có hình là có số. Tất nhiên theo nguyên lý sác xuất thì cũng có người trúng người trật, có trăm người vui thì cũng có triệu người buồn. Thời gian trôi qua như dòng sông, hình thức có đổi thay, nhưng tư duy con người thì cứ xoay vòng như thế, bình cũ rượu mới. Bởi tất cả niềm tin đều dựa trên hình tướng bên ngoài, và kiến thức được định hình từ môi trường và xã hội.


Cũng mới cách đây vài ngày, nước Mỹ lại xôn xao vì ông tt Trump và dàn nội các của ông đưa ra cáo buộc rằng cựu Giám đốc FBI James Comey đã dám “đe dọa ám sát Tổng thống” trên mạng xã hội. Đại khái là ông Comey đi biển, thấy ai đó sắp mấy cái vỏ ốc trên bãi cát thành con số "8647", thấy đẹp nên chụp hình đăng lên mạng Instagram, cũng may là chưa "lai chim" :-). Thế nhưng, TT Trump và một số quan chức cao cấp của chính phủ ông lại “luận đề” rằng: số “86” là ám chỉ giết người, còn “47” là ám chỉ Tổng thống thứ 47, nên cáo buộc ông Comey đang phát tín hiệu ám sát. Lúc đầu mình nghe tin này, tưởng chỉ là mấy tay tin vịt giật gân, cuồng tín bịa chuyện câu view, chứ ai tin nổi một nước Mỹ hiện đại lại có chuyện buồn cười như thế. Nhưng sau khi kiểm chứng thấy đó là chuyện có thật, mình lại nhớ đến ông Trương Quang Khanh ở quê nhà năm xưa :-). Đây cũng là lần đầu tiên sau 40 năm ở Mỹ mình mới nghe thấy được câu chuyện "đoán đề" độc đáo như thế này, đặc biệt là ở hàng quan chức cao cấp của một chính phủ. Cho nên mới nói không phải cái gì Mỹ cũng hơn VN, riêng cái vụ bàn "số đề" này thì dân TQ và A Nam ta đã đi trước Mỹ hơn cả thế kỷ rồi !

Cũng nhân nói đến chuyện "số đẹp", nhớ lại dạo 5,6 năm trước gì đó, con trai mình mới mua chiếc xe đi học. Nhân lúc có anh bạn bên VN qua thăm, anh này rất mê "số đẹp", xe hơi của anh bên VN lúc nào cũng chơi số đẹp, nên mình hỏi đùa. Ai dè nghề chơi cũng lắm công phu, anh giải thích nào là 68, 86 lộc phát phát lộc gì đó, nào là tứ quý, số gánh, số suốt, rồng chầu phượng múa, tiến lên ..v.v.. Mở ngoặc chút, ở Mỹ muốn có bảng số xe chữ gì số gì đặc biệt thì trả thêm vài chục tiền phí, họ sẽ in ra cho thôi, nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm. Nay mới biết số 86 là "phát lộc" ở VN, bao người mơ ước, lại là con số mang một ý nghĩa nguy hiểm ở đất nước văn minh này. Nên mới nói đẹp với người này chưa hẳn đẹp với người kia. Quả đúng là đẹp xấu tuỳ người đối diện :-) .

Mình không hiểu quan niệm của các tôn giáo khác về "số đề số đẹp" như thế nào, nhưng đối với người hiểu biết đạo Phật một cách đúng đắn thì có lẽ sẽ không tin vào những điều này. Thực ra xưa nay có biết bao nhiêu bi kịch và hệ lụy đáng tiếc đã xảy ra mà nguyên nhân chính là do quy chụp, nghi ngờ, ghen tị, tham lam…hoặc do những ảo giác lệch lạc của con người. Từ những quan niệm xã hội, mối quan hệ bạn bè, gia đình, ngưòi thân, ta địch, đúng sai, đảng phái, thương ghét, hận thù, đố kỵ .v.v.. cho đến những quyết sách điều hành trị nước an dân cũng dựa trên những nhận thức lệch lạc đầy cảm tính và định kiến cá nhân. Nhưng mấy ai nhận ra và chấp nhận được sự thật đó ? Tuy nhiên khi nói đến những vấn đề này thì không đơn giản chỉ một sớm một chiều là có thể nhận ra bản chất của sự việc. Ngay cả một số vị tu sĩ cũng ngộ nhận giữa phương tiện và mục đích, giữa “tướng biết" và “tánh biết", giữa “tưởng tri” và “tuệ tri". Thế nhưng, đôi khi trong nỗ lực lý giải những vấn đề cốt lõi này, ta lại vô tình bị cuốn vào giới hạn của ngôn ngữ, hoặc lệ thuộc vào những kiến thức vay mượn từ sách vở, kinh điển, hay được tô điểm bởi bằng cấp và danh xưng. Điều này trở nên nghịch lý khi có người cố gắng dùng những lý thuyết suông ấy để tranh luận hơn thua, hoặc thuyết giảng về những chân lý mà thực tế chỉ có thể thấu hiểu được thông qua thực hành và buông xả. Bởi vậy có nhiều vị cao tăng đắc đạo ngày xưa đã chọn lựa sự im lặng khi được hỏi đến những tư tưởng cốt lõi này. Mà có lẽ cũng chỉ có im lặng mới là sự lý giải trọn vẹn nhất !

À, có một đoạn video ngắn dưới đây, nếu anh chị hoặc bạn hữu nào hiểu được tiếng Anh, nên nghe cho vui. Không đúng, không sai, chỉ là “không bổ ngang thì cũng bổ dọc” vậy :-) .

Thôi lan man chút buổi sáng thứ Bảy. Thân chúc tất cả bằng hữu và gia đình một cuối tuần an nhiên, hạnh phúc.

PN






No comments:

Post a Comment

Comments: