Thursday, November 23, 2023

Lan man ngày lễ Tạ ơn

 


Với mình, trong năm có 2 thời điểm im ắng và sâu lắng nhất. Đó là chiều ngày lễ Tạ ơn ở Mỹ, và tối 30 Tết đợi cúng giao thừa. Pha một ly cà phê hoặc làm một ly rượu ngon, ngồi lan man với chính mình về những thứ qua đi, còn lại, rồi viết lách một vài ý tưởng linh tinh gì đó đợi chờ gà chín, vậy là cũng thấy vui rồi. Chiều nay bỗng nhớ đến một đoạn du ca do Thái Hiền hát trong phim Trường Tôi ngày xưa....

Nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện cuộc đời
Ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày qua
Nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện bây giờ
Ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày mai ...

Thời gian qua nhanh thật, lại một năm trôi qua. Mới mùa xuân hoa lá rực rỡ hôm nào, nay lại đến mùa thu, lo quét lá vàng, dọn vườn dọn rác. Ngồi nhìn lại, bao năm lang bạt xứ người, bao nhiêu mùa lễ Tạ ơn qua đi, bao nhiêu ân sủng của tạo hoá, bao nhiêu ân tình của gia đình, bạn bè, xã hội, con người.... quyện lẫn vào nhau khó mà tách biệt ra được. Bởi vậy hàng năm đến ngày lễ Tạ ơn, thấy lòng mình chững lại, rộng mở, buông bỏ, cho đi, và biết ơn những gì có được. Mà đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người vào dịp lễ Tạ ơn. Tất nhiên là trong đời sống chúng ta, mỗi người đều có gia đình, người thân, anh em bạn bè, và những thứ riêng tư cần phải tri ân, mà không phải đợi đến ngày lễ hội này.

Mới hôm rồi ở sân bay bên Nhật, ngồi đợi máy bay chuyển tiếp, gặp ông VK kia quen, hỏi mình chữ đi, về. Đã lâu, mình không còn để ý đến những chi tiết chi li của từ ngữ nữa. Nói sao hiểu được thì thôi, mỗi người, mỗi địa phương đều có cách hiểu vấn đề và cách trình bày khác nhau. Cuối cùng thì ngôn từ cũng chỉ là những phương tiện để suy nghĩ và diễn đạt thôi. Trừ khi nói ra mà người khác không hiểu mình nói gì thì là phải coi lại cách sắp đặt ý tưởng và chữ nghĩa của mình thôi. Tất nhiên là có nhiều người không đồng quan điểm này, nhưng đành chịu vậy. Bởi thế, nếu hỏi mình là đi Mỹ hay về Mỹ, đi VN hay về VN, đi SG hay về SG ...v.v... thì mình thường trả lời không biết. Ăn thua khi nào nhận ra được  "nơi nao là chốn quê nhà" thì nhớ nói là "về quê", "về nhà" .... chứ đừng nói "đi quê", "đi nhà" là ngon lành rồi :-).

Thực ra, đôi lúc đi qua cửa khẩu di trú/hải quan sân bay mình có thoáng nghĩ qua chuyện "đi, về", bởi có một điều khác nhau nho nhỏ giữa quê ta và các nước khác. Ví dụ như khi đi qua cổng an ninh sân bay Mỹ, sau khi xét giấy tờ, họ chào mình "Welcome home" (chào mừng trở về nhà). Còn khi qua cổng an ninh sân bay VN quê ta, thì ngược lại rất căng thẳng và "hành sự", không hề chào hỏi nhau tiếng nào. Thầm nghĩ có lẽ họ không coi mình là người VN nữa rồi, có thể để dành những lời chào hỏi "Welcome home" ấm áp đó cho những người mang hộ chiếu VN chăng ? Hy vọng là vậy. Tất nhiên câu chào hỏi đó chỉ là một văn hoá lịch sự tối thiểu, chứ không thể làm nên cái "home", cái "quê nhà" trong lòng mỗi người. Ai cũng có một quê hương, ai cũng biết ơn đất nước đã sinh ra họ, nhưng bên cạnh đó chắc chắn họ cũng biết ơn những xứ sở đã từng cưu mang họ trong suốt cả một hành trình.

Còn đào sâu chi chiết đến chuyện tạ ơn, thì cả đời nói không hết chuyện, đúng sai ai biết ? Tục lệ là tục lệ, còn chuyện tranh luận người Mỹ tạ ơn ai, người Canada tạ ơn ai, người Do thái tạ ơn ai, người VN tạ ơn ai ... nói sao cho hết. Mà nói cho cùng thì đó cũng chỉ là quan niệm cá nhân hoặc quy ước chung của xã hội. Vậy mà trà dư tiểu hậu, năm nào trên mạng cũng có những tranh luận sôi nổi, nhưng hết hồi lại thôi. Hôm rồi mới về VN, ngồi uống cà phê với mấy đứa bạn cũ, có đứa trong nước, có đứa VK ngoài nước, cũng nói đến mấy đề tài này ....

Đứa thì cho rằng người Mỹ biết ơn người "native" bản xứ, nên ngày nay có nhiều quy chế ưu tiên đặc biệt đi làm đi học, có những khu "American Indian reservation" dành riêng cho người bản xứ. Còn VN ta, từ khi "giải phóng" miền Nam, thì không thấy người miền Nam ra Bắc sống, mà chỉ thấy người Bắc vào Nam lập nghiệp. Từ các tỉnh vùng núi cao nguyên, đồng bằng, hang cùng ngõ  hẽm, đâu đâu cũng thấy người Bắc xuôi Nam. Các dân tộc vùng núi, cao nguyên, làng quê hẻo lánh, đều cảm thấy đất đai xóm làng của tổ tiên lần hồi bị mất đi. Nhưng ngược lại không thấy quy chế ưu đãi gì, mà miền Nam phải chịu nhiều thiệt thòi, từ các công trình đường sá giao thông, cho đến các dự án trọng điểm, ngân sách cải tiến nông thôn ..v.v. Nhiều dân địa phương còn cảm thấy văn hoá ứng xử, tục lệ địa phương bị xâm phạm nặng nề. Thế thì họ phải tạ ơn ai ? 

Đứa thì cho rằng nhiều ông VK quanh năm sống với đời thực bên Tây bên Mỹ buồn tẻ, về VN vài tuần như cá gặp nước. Có nhiều người làm công chức, nhân viên bình thường ở nước ngoài, lãnh lương cần kiệm, cung cúc tận tuỵ. Mỗi năm về VN vài tuần, lên đời, sống ảo với chức này chức nọ, giám đốc giám điếc, hàm thứ trưởng, bộ trưởng, Nasa, Harvard .... Bạn bè, người thân, em út hâm mộ, mắt mũi tròn xoe, nói gì cũng nghe. Vậy họ phải tạ ơn ai ?

Đứa thì nói có nhiều ông quan chức bên VN hét ra lửa, chức này chức kia, hô hào vận động khí thế bừng bừng, rồi lại âm thầm sắm nhà sắm cửa hoành tráng bên Tây bên Mỹ, đưa con cái sang lập nghiệp chuẩn bị tương lai. Vậy họ phải tạ ơn ai ? 

Đứa thì nói mấy tuần nay theo dõi tin tức vụ án VTP bên nhà, cũng là hình thức "tạ ơn". Có người đưa bìa thư, có người gởi thùng xốp, nhưng có người được gọi là tiền cảm ơn, người khác lại bị gọi là tiền hối lộ. Vậy thì họ phải tạ ơn ai ?

.....vv và vv...

Thiệt là nếu ngồi nghe cả ngày thì vẫn không hết chuyện. Mình thì vốn quan niệm mỗi người đều có một vòng tròn tư duy dành cho riêng họ. Vòng tròn đó lớn hay nhỏ là tuỳ vào khả năng "nhận biết" của chính bản thân mỗi người. Thông thường thì ai cũng thấy vòng tròn của mình là to nhất, nên đại đa số đều hài lòng với mớ kiến thức của mình. (Tuy nhiên, đôi lúc sự đồng tình và ngộ nhận của những người chung quanh cũng vô tình tạo nên một số ảo giác sai lệch về kích cỡ của những chiếc vòng tròn vô tội đó). Và tất nhiên trong cuộc sống của mỗi chúng ta, sự biết ơn là vô cùng cần thiết, nhưng nó lại hoàn toàn lệ thuộc vào những chiếc vòng tròn tư duy lớn nhỏ ấy. Quy tắc ứng xử của mỗi người cũng vậy, đều dựa vào cái "biết" của họ, không ai giống ai, nên không cần thiết phải tranh cãi với nhau.

Hay là cứ quan niệm ơn nghĩa đời thường theo Du Tử Lê cho nhẹ nhàng :-)
...

ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi .. (DTL)


Và cũng nhân nói đến chuyện ơn nghĩa, ham muốn, khổ luỵ, mình xin lấn sân qua chuyện kinh sách PG một chút. Không biết quý Thầy và các nhà nghiên cứu bên VN giảng giải như thế nào về nguồn gốc của phiền não & khổ đau. Nhưng kinh sách bên phương Tây thì chỉ nói đơn giản là do desire (ham muốn) và attachment (gắn bó). Còn ai muốn biết thêm chi tiết về 2 thứ này thì cứ hỏi bác Google là ra thôi, thông tin bây giờ có rất nhiều. Thực ra mỗi khi người Á đông nói đến "desire", thường chỉ nhắc đến chuyện hám danh, hám lợi, hám sắc ... chứ thực ra là còn rất nhiều thứ ham muốn khác nữa, kể cả chuyện ham được phước báu, ham muốn thành Phật, ham kiếp sau giàu có, ham kiếp sau thành vợ chồng ...v.v. Mà mấy chuyện này thì thực ra không ai có thể biết trước được, cũng chẳng có quan toà hoặc thần thánh nào hứa hẹn chuyện này cả. Đức Phật thì lại càng không thể hứa hẹn những chuyện ham muốn của con người, vì Người cho rằng chỉ có chính bản thân của mỗi người mới tự giải quyết được chuyện nghiệp lực của họ mà thôi. 

PG cho rằng có 3 nguyên nhân chính níu giữ con người lẩn quẩn trong cái vòng xoáy luân hồi của samsara (dục giới), đó là Kāma-taṇhā, Bhava-taṇhā, và Vibhava-tanhā. 

Nói một cách đơn giản nhất, Kāma-taṇhā là sự ham muốn những thứ khoái lạc, vật chất. Bhava-taṇhā là ham muốn trở thành cái này cái kia, thành ông này ông nọ, hoặc thần thánh gì đó. Còn Vibhava-tanhā là không muốn trở thành cái này cái kia, thứ này thứ nọ, ngược lại với Bhava-taṇhā. 

Ngẫm lại như bản thân mình vẫn còn ham muốn đủ điều, ngập lặn trong cơm áo gạo tiền mỗi ngày, nếu kể ra chi tiết thì cả đời cũng kể chưa hết chuyện. Cho nên chỉ hiểu được tới đâu thì hiểu, làm được tới đâu thì làm, mong giảm được thứ nào thì bình an thứ đó. Còn nhiều người rành rẽ cho rằng tạ ơn mà muốn được lại quả, làm thiện mà ham được phúc đức, nói bậy mà muốn người ta tin, làm bậy mà muốn người ta không biết, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng mà muốn sống lâu trăm tuổi,.... thì cũng là những thứ ham cho có ham, muốn cho có muốn, chứ duyên nghiệp thì vẫn cứ thế mà xoay vòng theo quy luật nhân quả của tạo hoá :-). 

Thôi chắc cũng sắp tới giờ lấy con gà Tây ra. Thân chúc quý bạn bè, anh em, bằng hữu một ngày lễ Tạ ơn an lành, bình an và hạnh phúc cùng với gia đình. Mến chúc những người bạn bên VN một ngày mới tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi blog này, và email trao đổi trong thời gian qua. Hy vọng mai mốt chúng ta lại có dịp trao đổi những đề tài mới mẻ và gần gũi hơn.

Thân mến,
PN


No comments:

Post a Comment

Comments: