Friday, March 23, 2018

Phiếm: Về quê xưa



Mình nhớ có một nhà văn Mỹ nào đó khi trở về quê cũ của ông, đã nói như thế này "When you finally go back to your old hometown, you find it wasn't the old home you missed but your childhood." (Tạm dịch: Cuối cùng khi trở về lại quê mình, mới nhận ra rằng không phải là nhớ ngôi nhà xưa, mà là luyến tiếc thời thơ ấu"). Đúng vậy, mình cũng quan niệm như thế. Dĩ nhiên trong những kỷ niệm của thời thơ ấu, có cả ngôi nhà xưa cũ kỹ của mình.
Riêng mình, cả gia đình cha mẹ đã rời xa quê ấy lâu lắm rồi, cả gần thế hệ. Nơi đó, chỉ còn lại những ngôi mộ của ông bà, người thân, ngày mỗi riêu phong bạc phếch. Thế nhưng lần nào về VN, dù bận bịu thế nào cũng tranh thủ chạy về nơi đó thắp vài cây nhang, chạy xe máy một vòng, bờ đê ruộng lúa, nương mía nương mì, con sông ngọn núi, lang thang.... Xong, lên thị xã uống vội vài ly rượu với bạn bè, rồi đi. Dẫu ở xa cho mấy, rồi cũng thèm về ngồi cạnh mộ ông bà, nhổ cây cỏ, thắp cây nhang, ngồi nhớ lại những quãng ngày thanh bình, êm đẹp.

Mình lớn lên ở quê Ngoại nên không biết nhiều về quê Nội. Quê Nội mình là vùng chiến tranh, mất an ninh, mãi sau năm 1975 mới đến được. Gia đình mình thì gần như bị bắt buộc phải về quê nội ngay sau ngày đình chiến. Ở đó được vài năm nhưng không có nhiều ký ức đẹp đẽ lắm, ngoài những chuyện như cưỡng chiếm ruộng vườn, vô hợp tác xã, chứng lý lịch, hận thù và đố kỵ ....v.v. Quê Nội mình cũng có những cánh đồng mía bát ngát, dòng sông trong vắt lững lờ. Bên kia sông có bờ xe nước đêm ngày thổn thức cạnh luỹ đằng ngà râm mát quanh năm. Nhưng đáng tiếc, những nét đẹp ấy đã sớm bị lu mờ bởi những tranh chấp nghiệt ngã và định kiến nhỏ nhen của những con người thiệt thòi cả về tư duy lẫn ý thức hệ. Điều đó cũng dễ hiểu và dường như là hiện tượng tất yếu sau lưng một cuộc cách mạng vô sản. Một số nước khác trên thế giới cũng từng trãi qua hoàn cảnh tuơng tự như thế, rồi họ thay đổi. Cho nên mỗi lần về đó thắp hương, mình vẫn thương cái nơi chốn ấy. Cầu mong ngày mỗi thông thoáng, tốt đẹp hơn !

Với quê Ngoại thì khác, mình thuộc cả từng cái mương cái hào, bờ tre khóm dứa. Từng phiên chợ chiều, từng ngôi chùa làng, từng mái đình lối xóm. Từng khu gò mả, từng cái chòi canh, từng ao sen bàu cá. Những con đường thân thuộc mỗi ngày Ba La, Vạn tượng, Quán láng, Thu Xà, Tân Mỹ, Phổ An, Hiền Lương, Khánh Lạc, Sung Túc, Hàm Long, Hổ tíu, Phú Thọ .... Đâu đâu cũng có một cái gì còn lại để nhớ để thương. Ngôi nhà Ngoại mà mình đã sống và lớn lên từ nhỏ cũng đã bị đốt cháy, nhưng quả nhiên cái ký ức tuổi thơ vẫn còn mãi mãi .....không ai thiêu rụi được !

Và về quê, thì cũng chỉ cần có thế là đủ. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương cúng giỗ cho ông bà xong, mình mượn chiếc xe máy chạy một vòng những nơi chốn cũ quen thuộc. Vẫn thế, vẫn nghèo nàn, vẫn thân thuộc, vẫn một mùi lúa rạ, mùi phân bò phân trâu, cỏ rác, khói đốt .... nhưng mà vẫn mê vẫn thích mới lạ. Đôi khi nhớ đến TCS .... "Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa ...", rồi lại phì cười một mình. Có lẽ rồi ai ai cũng có một "đường chạy vòng quanh" cho cuộc đời mình, còn vòng quanh đó lớn hay nhỏ lại là chuyện khác :-).

Một người bạn thân thường cứ thắc mắc " ...Sao những người bà con ở gần đấy không làm chuyện mồ mả, mà mày xa xôi thế cứ nhất định phải về ?". Thực ra thì mình cũng chưa bao giờ trả lời cho bạn ấy. Câu hỏi của bạn mình thuộc về vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ. Còn đối với mình, việc chăm sóc mồ mả thờ cúng ông bà, chưa bao giờ là trách nhiệm hoặc nghĩa vụ, mà chủ yếu là vì nhu cầu bản thân. Như một bản năng cần thiết, như con cá hồi có nhu cầu trở về chốn cũ, như con cá thài bai cứ lội ngược giòng trở về cố hương, như một đứa con thèm được một cảm giác gần gũi thương yêu che chở bên cạnh cha mẹ ông bà. Mình từ nhỏ sống với ông bà Ngoại, nên cảm giác thân thuộc đó trở thành một nhu cầu cần thiết. Bởi thế mình ít quan tâm người khác có làm nghĩa vụ ông bà hay không. Nếu có, thì mình vẫn cứ về. Về chỉ để được ngồi cạnh ngôi mộ ông bà ấm áp. Về để được chạy xe máy vòng vòng trên những lối rẽ ngày xưa. Đôi khi không có thời gian, vội vã về vội vã đi, như lần mới vừa rồi cũng vậy, thế mà cứ thích.

Nhưng về quê mà không nói đến con sông quê thì cũng là điều thiếu sót. Nhớ có ai đó đã nói "...trong mỗi con người VN đều có một giòng sông ...". Có lẽ đúng thiệt. Mỗi người VN hình như luôn mang trong mình một giòng sông nào đó. Cho dù có lỡ bồi dâu bể, gương trong soi tóc, hay xuôi ngược lục bình, thì vẫn cứ lững lờ theo suốt hành trình tháng năm của họ. Nên lần nào về quê, dù gấp gáp thế nào cũng ráng ra bờ sông ngồi chút. Con sông bây giờ khác lắm so với con sông ngày xưa ở thời niên thiếu của mình, nhưng vẫn cứ là một hoài niệm bất tử. Mà ngộ, mỗi lúc được im lặng ngồi nhìn giòng sông quê lững lờ, mình cứ nghĩ lung tung về câu chuyện Siddhartha (Tất Đạt) gặp người lái đò Vasudeva (Vệ Sử) trong "Câu chuyện giòng sông" của Hermann Hesse. Một trong những câu chuyện sâu sắc nhất mà mình được đọc ngày xưa. Họ gặp nhau, rồi cả hai cùng làm việc của những người đưa đò và sống trong bình yên và an phận. Họ cùng lắng nghe rất nhiều âm thanh của giòng sông mà ngộ ra nhiều thứ cần thiết trong cuộc sống. Còn mình thì quả nhiên là phàm phu tục tử, ngồi đó hoài chẳng ngộ ra điều gì hay ho. Uống vài ly rượu, vài chai bia, tào lao thiên địa với mấy ông bạn già, rồi lại bỏ đi, hẹn lần sau .....:-) .



No comments:

Post a Comment

Comments: