Friday, February 01, 2019

Tản mạn chiều cuối năm



Hôm qua, nhiều tiểu bang miền trung nước Mỹ đã phải vất vả đối chọi với một cơn lạnh kỷ lục, mấy chục độ âm. Nhiều thành phố, chính phủ và cơ quan thiện nguyện tìm cách giúp đỡ những người vô gia cư và những gia đình khốn khó có nơi tạm trú ấm áp hơn. Một người vô danh tại Chicago đã thanh toán tiền khách sạn dùm cho 70 người vô gia cư trong nhiều ngày. Không ai biết thông tin gì về con người ấy. Nhiều người thắc mắc họ là ai. Đó là những tấm lòng vàng vô danh trong cuộc sống đời thường. Và câu chuyện đấy cũng không phải là một chuyện hiếm hoi trên đất nước này, hàng ngày vẫn có nhiều đóng góp thầm lặng khác, chẳng cần phải tên tuổi hay sự hồi đáp gì cả, mà chỉ mong cho xã hội ngày mỗi tốt đẹp hơn .....

Trong khi đó, nửa vòng trái đất bên kia, trời vào xuân, không khí ngọt ngào ấm áp. VN chuẩn bị đón Tết dân tộc. Sân bay, ga tàu, phố xá tấp nập, kẹt cứng. Người vui kẻ buồn. Người mong mỏi chờ đợi, kẻ đôn đáo lo toan. Nụ cười hớn hở của người Việt Kiều bước xuống sân bay, và giọt nước mắt của người con gái co ro trong gác trọ không tiền về quê đón tết, có cái chung mà cũng có cái riêng. Đó là những mùa xuân khác nhau trong cuộc sống đời thường !

Đã qua đã tới đã về
Tết từ bao bận tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về
(Bùi Giáng)

Ừ, lâu nay chuyện đi, về, tưởng chừng như rất ư là đơn giản trong thời đại này, nhưng thực ra không phải như thế. Thời sinh viên, mình đã từng ở lại ký túc xá cho đến chiều 30 cùng với những người bạn không về quê được. Cũng mới mấy năm trước đây, tối 30 Tết, mình có dịp gặp gỡ với nhiều người ở trọ khu bờ kè Kỳ Đồng, tha phương không về quê được. Hai thời điểm cách xa nhau, nhưng nỗi buồn giống nhau, cũng nhớ, cũng thương, cũng mong, cũng chếch choáng để quên đi một cái tết không vui ...

Còi khuya vọng mãi tiếng ngân
Lao đao núi thẳm cây gần tương tư
Tha phương đã réo mong chờ
Con tàu luân lạc đêm mờ còn say
Rượu ngon chở mấy toa đầy
Bánh xe muôn dặm còn ngây hương rừng
Giữa đêm cây núi chập chùng
Non sông chếnh choáng biết dừng nơi nao!
(Vũ Hoàng Chương)

Chiều cuối năm, về lại Kỳ Đồng, về lại Dòng Chúa Cứu Thế ... chỉ đơn giản là để nhớ đến một người bạn cũ đã mất. Chiều 30 cuối cùng trước khi rời VN, mình và hắn xin người chủ quán cho ngồi vỉa hè uống rượu đến tận Giao Thừa. Vẫn như cũ, hắn đọc thơ Nguyễn Bính, Quang Dũng cho mình nghe. Vẫn như cũ, hai đứa say sưa nói về Eric M. Remarque, về Chiến Hữu (Three Comrades), về Tình yêu & Vực Thẳm (Arc de Triomphe), về những ly rượu Calvados "huyền thoại", để rồi cả đêm nốc cạn từng ly đế Gò đen đợi chờ tết đến !
Ngày đó mỗi lúc lang thang, mình lại nghĩ đến Vũ Hữu Định. Thích thơ ông hơn, có lẽ tìm thấy ở đó môt sự đồng cảm. Nhớ hoài bài thơ ông viết cho bạn ngày tết:
.....
Duận ơi ! cuộc sống có bao giờ dễ nhớ
Ai có bạc chi mình cứ níu xóm làng
Tau vẫn nhớ hoài năm tháng lang thang
Mầy cứ nhắc làng quê Nam Phổ Hạ

Năm năm rồi tau giậm chân tại chỗ
Cũng thèm đi nhưng đi để mà về
Ta đã từng lang bạt
Nên hiểu hồn quê
Ôi cái hồn quê ngày tết
Nó cứ dật dờ hành mình dở chết
Ăn không ngon mà ngủ cũng không ngon
Trong thơ mầy khao khát quê hương
Hoà bình lại xa mất Huế

Thôi thì ở đâu cũng vậy
Con chim còn biết tập quen với lồng
Con cá còn tập quen với chậu
Con người cũng phải tập long đong ...
(Vũ Hữu Định)

Chạnh lòng ! Chạnh lòng mỗi khi xuân về. Chạnh lòng nghĩ đến bao nhiêu người đang có một mùa xuân khác. Thời đó có những người tự nguyện bỏ xứ ra đi để tìm đất sống, nhưng cũng có người bị bắt buộc phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Mỗi độ xuân về, đau đáu những nỗi lòng bên kia bờ đại dương mờ mịt, những ánh mắt thiết tha mong đợi từ những vùng kinh tế mới xa xăm, những ly rượu đắng nghét từ gánh hàng rong vất vả tha phương cầu thực, những cái nhìn u uẩn tuyệt vọng từ trại tù tận vùng biên giới heo hút buốt giá, những tờ thư mỏi mòn của người bộ đội biển đảo hay từ nước bạn xa xăm...v.v...đều có chung một nỗi lòng trắc ẩn. Trong đó có cả những ước mơ đơn giản nhỏ nhoi của những đứa trẻ học sinh nghèo lên thành phố học, những thanh niên mới lớn lên tận rừng thiêng nước độc "nghĩa vụ lao động", xẻ rừng đốn gỗ, xây dựng quê hương. Nhưng không phải chỉ có lời nhắn nhủ, hoặc nỗi lòng thổn thức của những đứa con "Xuân này con không về", mà còn rất nhiều giọt nước mắt của những người cha người mẹ khóc con. Những đứa con không bao giờ trở lại, những người vợ mất chồng, nhưng đứa trẻ mất cha. Có đứa vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương, có đứa mất tích trong rừng sâu thẳm, có đứa chết trong trại tù, có đứa ngã xuống ở Gạc Ma, có đứa nằm lại ở Tây Bắc, và có cả những đứa bỏ xác trên xứ người vì "nghĩa vụ quốc tế"... Có những người cha khắc khoải mong ngóng tin con, có những người vợ ngày đêm dõi mắt đợi chồng. Có những nhu cầu tưởng chừng vô cùng đơn giản như manh áo mới ngày xuân, nồi thịt kho, chén cơm không độn khoai ... lại trở thành ước mơ vời vợi. Nhưng đó cũng là mùa Xuân, những mùa Xuân khác !

Ngày mai lại tiết Xuân
Từ đầu rừng cuối biển
Qua trùng dương mấy bận
Chúng ta dù cách biệt
Cùng chung một mùa Xuân
Cùng chung một thế kỷ
Cùng đau khổ vô ngần ...
(Quang Dũng)



Và ngày đó qua rồi. Hôm nay đất nước đã đổi thay. Mùa xuân cũng khác đi, đầy đủ hơn, vui nhộn hơn, dĩ nhiên cũng ít nhọc nhằn hơn. Nhưng bao giờ cũng thế, xã hội luôn có quy luật hai mặt của nó. Mặt trái hôm nay cũng đa dạng hơn, nạn tham nhũng nhiều hơn, phạm pháp bắt bớ nhiều hơn, lạm dụng chức quyền nhiều hơn, đạo đức xã hội tha hoá hơn, con người chạy theo vật chất, vô cảm hơn. Khoảng cách tầng lớp xã hội ngày nay cũng cách xa hơn. Người giàu không hiếm, nhưng những người nghèo khốn khổ trong xã hội cũng nhiều. Người ta có cảm giác đất nước giàu có hơn, nhưng chính vì điều đó càng làm cho những người nghèo, buôn thúng bán bưng, công nhân, nông dân, phải vất vả hơn nhiều để tồn tại trong một xã hội có khoảng cách vật chất quá cách biệt.
Nhiều lần được gặp gỡ chuyện trò cùng một số người VN, du học sinh cũng có, VK cũng có, trong nước cũng có. Ai cũng nói có nghe, có đọc về những người dân khốn khổ ở quê nhà, nhưng thực ra ít có người tận mắt tiếp xúc và thấy được nỗi khổ sở lo toan của họ trong mỗi dịp xuân về !

Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa Xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu, xưa chính ở chỗ này.
(Bùi Giáng)

Hôm nay, chiều cuối năm. Lại một mùa xuân sắp đến. Nghe nói sân bay TSN năm nay đông nghẹt người về, nhiều nhất lâu nay. Kiều hối gởi về quê hương lên đến mức 16 tỉ Mỹ kim. Tự nhiên nghĩ đến những mùa Xuân khác mà mình đã trãi qua. Nhớ người bạn cũ, nhớ những câu thơ xưa đã một thời ám ảnh .....

Em trải áo trên hoa rừng man dại
Ðể hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau
Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi
Ðể hoa rừng phong nhụy với ngàn lau.
(Tuệ Sỹ)

Không biết ngày mai trời có trong
Đường xa xa nắng có mông mênh
Đêm đêm mơ thấy làm khăn gói
Để sớm mai rồi vẫn quẩn quanh
(Quang Dũng)

Mấy hôm nay, mình được tặng mấy đòn bánh tét bánh chưng, đã ăn tết sớm rồi :-). Có người hỏi mình xuân về mong gì. Chỉ cầu mong một đất nước an lành hơn, cơ chế xã hội văn minh dân chủ hơn, con người tôn trọng nhau hơn. Những thứ cần thay đổi sẽ thay đổi, những người tham lam ít tham lam hơn, những người tham nhũng biết nghĩ cho người khác hơn, và quan trọng nhất là những người hữu trách biết nghĩ cho đại cuộc hơn. Bên cạnh đó cũng mong ước những người có mùa Xuân an vui hạnh phúc nên dành chút thời gian nghĩ về những con người ngoài kia đang có một mùa Xuân khác không may mắn, để cùng sống với nhau tử tế hơn !

Một thời mây biếc đã trôi qua ,
Nay tưởng cây vàng lại nở hoa .
Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói ,
Đôi hồn không biết có nhìn xa ?
(Đinh Hùng)

PN
Chiều 27 Tết 




No comments:

Post a Comment

Comments: