Friday, March 01, 2019

Phiếm: Tuổi mộng mơ




Sống ở nước ngoài lâu rồi, lần hồi cũng quen dần với những nếp nghĩ về các nghi lễ xã giao, nghi thức chính trị, chào đón quan chức, lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia .v.v. Thực ra là đa số người dân nước ngoài ít để ý đến chuyện xã giao trong chính trường, bởi đó cũng là những chuyện bình thường thôi. Ai có việc nấy, nếu ai quan tâm vấn đề nào thì tự để ý thôi. Hàng năm bao nhiêu nguyên thủ quốc gia đến Mỹ, có mấy ai quan tâm đến chuyện chào đón làm gì. Nếu có vô tình bắt gặp trên TV thì cũng lướt qua chút, rồi thôi. Đó là chuyện hàng ngày của mấy ông chính quyền chính phủ, chính trị xã giao, người dân ít khi quan tâm. Với văn hoá phương Tây, có quá nhiều thứ gần gũi hơn, thực tế hơn, hoặc cần thiết hơn để quan tâm mỗi ngày.

Còn ở mấy nước châu Á, đặc biệt như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, thì khác. Chuyện đón đưa nguyên thủ quốc gia, của mình hay của thiên hạ, đều là vô cùng trọng đại. Báo chí truyền hình đưa tin sôi nổi cả bao nhiêu ngày trước, hấp dẫn, tràn ngập như ngày hội lớn dân tộc. Thiên hạ tha hồ đồn đóan từ chuyện ăn gì, ở đâu, đến chuyện đi đâu, làm gì, gặp ai. Râm ran cả đầu làng cuối xóm. Nhà chùa, nhà thờ, nhà thương, nhà tù, nhà hàng, nhà nghỉ ... đâu đâu cũng đều sôi động. Riêng về chuyện chính trị chính em, thì phải nói người VN đặc biệt quan tâm và biết nhiều. Từ quán nhậu, giỗ chạp, đi cafe, họp khu phố, họp lớp, họp đồng hương, sui gia, bạn bè, chòm xóm, thậm chí cua gái .... cũng đem chính trị ra mà nói. Trong nước cũng thế mà ra nước ngoài cũng vậy. Chưa nói là có khi không hợp "quan điểm" nhau, lại hận thù đố kỵ nhau, từ bạn thành thù, sướng một hại mười. Tin tức thì đúng có, sai có, tin vịt, tin gà, không cần kiểm chứng, nghe đi nghe lại, tin trên trời dưới đất, từ đời cổ hủ, thiên tử ở truồng ... bao nhiêu lôi ra hết. Có nhiều ông bạn Tây ngạc nhiên hỏi "Sao người VN quan tâm đến chính trị nhiều thế ?". Mình thường trả lời nhanh gọn "vì đất nước anh hùng" :-) .

Còn nói về chuyện chào đón ở các nước XHCN, đặc biệt nhất là luôn có tiết mục mấy em thiếu niên nhi đồng học sinh ra cầm hoa cầm cờ mà vẫy. Riêng vụ này thì rất hiếm khi thấy ở các nước phương Tây. Mình cũng chả hiểu cái lệ đó bắt đầu từ đâu, ai khởi xướng ra, nhưng nhiều lúc thấy tội nghiệp các em các cháu quá. Xứ Mỹ này thì chắc ít khi nào thấy được cảnh phụ huynh cho con mình đi đón các nguyên thủ quốc gia khác. Mà có cho đi nữa, mấy ông chính quyền cũng chưa chắc dám làm :-) .
Còn tại sao phải là các em thiếu nhi học sinh đi đón ? có lẽ bắt nguồn từ khái niệm kế thừa chăng ? hay là mong muốn các em các cháu học hỏi được điều gì hay ho từ các vị đó ? Hay đó là một nghi lễ bắt chước theo thói quen, xưa bày nay làm ? Mình không được hiểu lắm. Đối với nhiều người ngoại quốc, thì chuyện đó cũng quả nhiên lạ mắt. Nếu là nghi lễ truyền thống của những trận giải thể thao thế giới, đại hội tuổi trẻ, thế vận hội Olympic... thì còn hiểu được. Bởi nó mang tính biểu tượng của sự kế thừa, ý nghĩa đoàn kết, biểu tượng hoà bình, khích lệ động viên cho thế hệ trẻ, những hạt giống tương lai, nuôi dưỡng ước mơ ....v.v. Còn cứ kêu các cháu các em đi đón các bác, ta có tây có, hết bác Trump, bác Tập, đến chú Ủn, anh Putin ... thì không hiểu lắm. Biểu tượng hoà bình, thân thiện chăng ?

Bữa rồi, nhìn các em học sinh sắp hàng từ sớm ở ga Đồng Đăng giữa trời lạnh giá, để đón đoàn tàu lửa "lịch sử" của chú Ủn ... mà thấy xót. Mừng là cuối cùng thì đoàn tàu sắt hiện đại đó cũng đến đích, bánh xe lửa Triều tiên cũng ăn khớp với đường rầy VN. Nếu không các em còn phải đợi dài cả cổ. Nhìn đoàn tàu thế kỷ, nhìn các bác Triều tiên, nhìn chú Ủn, mình thắc mắc các em các cháu sẽ học được những điều gì hay ho từ đấy, hay chỉ là làm "nghĩa vụ thiếu nhi" cho trò chơi nghi lễ của người lớn ?

Đất nước Triều tiên có cái gì hay cho các em học ? Chú Ủn có cái gì hay cho các em noi gương ? Cơ chế độc tài cha truyền con nối chăng ? Hay là chế độ ưu việt, xã hội văn minh, đầy tính nhân văn mà con người muốn hướng đến ? Mình thầm nghĩ chắc nhiều bậc phụ huynh sẽ rất khó khăn khi phải trả lời những câu hỏi này. Nhưng thiết nghĩ một khi quan niệm và ứng xử lẫn lộn rất dễ vô tình gởi những thông điệp sai trái cho thế giới tuổi thơ.

Thực ra cả thế giới này suy nghĩ gì về Triều Tiên, và ngay cả chính người anh em Hàn quốc của họ, thì chắc ai cũng biết. Còn tại sao VN phải chào đón Triều tiên trọng đại như thế. Chuyện này cũng không khó hiểu lắm. Tuy nhiên, nếu tiếp đãi chú Ủn vừa phải, thế giới còn nghĩ VN là chủ nhà tốt, yêu chuộng hoà bình, quảng bá hình ảnh. Nhưng diễn sâu quá thì coi chừng lại mang tính phản tác dụng. Bởi cuối cùng thì chủ Ủn vẫn là một bạo chúa của "trục ma quỷ" dưới cái nhìn của thế giới văn minh. Tục ngữ phương Tây có câu "Hãy cho tôi biết bạn của bạn, tôi sẽ biết bạn là ai". Ở những xã hội văn minh, quan hệ "đồng minh" trong chính trường vẫn thường được ứng xử khác nhau tuỳ theo mỗi giai đoạn. Nhưng đó chỉ dừng lại ở mức độ chính trị ngoại giao. Trên chính trường quốc tế xưa nay vốn không có khái niệm "đồng minh" hay "kẻ thù" vĩnh viễn. Hôm nay là bạn vàng, ngày mai có thể thành quân xâm lược. Nên chính quyền thường không định hướng xã hội, hoặc không có quyền lôi cuốn người ngoài cuộc, đặc biệt là con nít, vào những quan hệ giao tiếp tạm thời đó. Ở Mỹ này mà đi hỏi con nít ông Tập, ông Ủn là ai, qua đây hồi nào ? chắc chẳng có mấy đứa biết. Nhưng hỏi ai là Michael Jordan, Shaq O'neal, Joe Montana, Steve Young, Mike Trout, Tom Brady, Tiger Wood, Michael Jackson, Elvis Presley, Lady Gaga, Britney Spears, Justin Timberlake ....thì lại rành :-) . Mà tuổi thơ phải là như thế, phải có quyền tự do hồn nhiên trong sự chọn lựa của mình !

Viết tới đây tự nhiên nhớ đến Duyên Anh và câu chuyện "Con sáo của em tôi", hết viết tiếp được. Nhớ đến Dũng Đakao, Bồn Lừa, Chưong còm, thằng Vũ, thằng Côn, con Thuý, Hưng mập, Quyên Tân Định ... Ôi, tuổi thơ & một thời mơ ước !


No comments:

Post a Comment

Comments: