Monday, April 29, 2019

Những ngày xưa thân ái ...



Thỉnh thoảng có ai nhắc về ngày 30/4, mình lại nghĩ đến cô Cao thị Nhíp - Cô gái "giải phóng quân" dẫn đường năm nào, từng được coi như một trong những biểu tượng của ngày đất nước thống nhất, và được một đạo diễn dựng phim có cùng tên "Cô Nhíp". Thế rồi những năm gần đây, lại nghe tin cô đã trở thành công dân Mỹ và sống ở California. Mình vốn không quan tâm lắm chuyện cô trở thành công dân nước nào, nhưng sở dĩ nhớ đến cô Nhíp, là vì cô ta giống một người có liên hệ tới mình năm xưa, chị Bửng.

Trước năm 1975, Ba Má mình đi làm xa nhà, ở vùng bán an ninh, nên không dám dẫn mình theo, mà gởi cho Bà Ngoại. Lúc đó Ngoại mình ở Ba La, một làng quê rất thanh bình, nơi có những cánh đồng lúa vàng ươm, ruộng mía bát ngát, bàu sen ngào ngạt, vườn tược tươi mát ... Ngoại có 2 người giúp việc, Dũng ( lúc đó trong xóm thường gọi là Bủng) lo việc nặng nhọc đàn ông quanh nhà, và chị Bửng chỉ đặc biệt lo chăm sóc mình. Nhớ ngày nào, mình cũng ngồi chờ gói kẹo Chặt chị đem về từ chợ Mù U. Ăn xong, chị dẫn ra giếng, bắt cởi quần áo tồng ngồng, đi tắm. Cả Dũng và chị Bửng đều là người cùng làng, chân chất, đơn giản. Ngày đó, mọi người cùng ở trong nhà Ngoại, rất gần gũi, thương yêu đùm bọc nhau, coi như gia đình ruột thịt.

Rồi năm đó, chạy giặc trở về. Nhà Ngoại bị đốt, cả một ngôi nhà to lớn chỉ còn lại đống tro bụi và những cây cột cả ôm, cháy sạm trùi trũi. Ngoại khóc, rồi đi lên tỉnh ở với Ba Má mình. Dũng đi theo lên tỉnh, còn chị Bửng xin nghỉ việc ở lại quê chăm sóc ruộng vườn, rồi nhảy núi. Ít lâu sau, tới tuổi đăng lính, Dũng xin phép Ba Má và Ngoại nghỉ việc, đi Biệt Động Quân. Không lâu lắm, tin về đi nhận xác, tử trận ở La Vang, Quảng Trị. Những đồng bào cùng làng cùng quê, thật thà chất phác, từng thương yêu nhau, trở thành 2 chiến tuyến, người còn kẻ mất. Còn chị Bửng mất bặt tin tức. Chiến tranh ngày mỗi ác liệt hơn !

Sau 03/1975, nhớ là vài tuần gì đó, chị Bửng lên nhà mình trong quân phục "cô Nhíp". Nhìn chị rất giống hình ảnh của Cô Nhíp trong phim sau này. Cả nhà bàng hoàng sửng sốt. Chị có chút xa lạ ngại ngùng, im lặng gật đầu chào mọi người, đưa ánh mắt nhìn quanh, rồi chạy lại ôm Ngoại, khóc mừng. Nghe nói chị là một cán bộ chỉ huy đơn vị gì đó. Đó cũng là lần cuối gặp chị, sau không còn liên lạc với nhau nữa. Hồi đó, gia đình mình cũng như hàng triệu gia đình miền Nam khác, phải bận rộn lo toan với bao nhiêu biến động đổi thay của cuộc sống, ít có thời gian quan tâm nhau. Không biết sau này chị ra sao ?

Rồi sau đó, bắt đầu những đợt di chuyển từ Bắc vào Nam, người ngày càng đông dần. Tập kết hồi hương, bộ đội, cán bộ, đùm túm ba lô, ki cóp từng kí gạo, từng hộp lương khô TQ, từng cái chén sành, từng thước vải sô, đôi dép râu, gói thuốc lá Điện Biên, ...vào để "khai phóng" và "giúp đỡ" miền Nam đói khổ, lạc hậu, bị kìm kẹp. Người đi kẻ ở. Người vui kẻ buồn. Từ lúc đó, mình bắt đầu lờ mờ hiểu ra được ý nghĩa của chữ "giải phóng".

Sau này, thỉnh thoảng có đôi lúc nghĩ thoáng qua, không biết có khi nào chị Bửng lại như cô Nhíp năm xưa chăng ? Giờ này đang ung dung ở Huntington Beach hoặc ngồi đâu đó ở Little Saigon thưởng thức ly cafe hương vị quê nhà, mà nghĩ về câu chuyện "giải phóng" của đời mình ?






Tuesday, April 23, 2019

Tản mạn : Có nhiều .... điểm để làm gì ?



Mấy tuần qua, đọc nghe nhiều bài báo và dư luận cả nước bức xúc về việc gian lận, sửa điểm thi của con cháu các vị có tiền, có thế. Mình cũng cố gắng chờ đợi mong mỏi xem bộ GD xử lý thế nào. Sáng nay thấy anh Nhạ nói trên báo, đứa nào gian lận điểm sẽ bị đuổi học. Xong om. Rồi trớt :-) !

Thực ra, chỉ là không nói ra, chứ trong lòng thì ai cũng biết tệ nạn này không phải bây giờ mới có. Ai cũng biết tệ nạn chạy chọt, lo lót, cậy quyền ỉ thế, bằng giả, học cuội .v.v.. vẫn âm ỉ, thầm lặng xảy ra bao lâu nay. Nhiều người cầm chịch, tai to mặt lớn, nhưng chức vụ, bằng cấp, và khả năng, cứ như trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Đừng thèm nghe đồn đoán, thêm bớt, chi cho mệt, cứ đọc báo chính thống và nghe các lời phát biểu, nhận định, hoặc khả năng phân tích vấn đề của nhiều vị trên báo đài, thì cũng nhận biết tài năng và kiến thức như thế nào rồi.

Còn câu hỏi kế tiếp là - tại sao xã hội lại ra nông nổi như thế này ? Đây cũng không phải là câu hỏi khó, ai cũng tự trả lời được, khỏi tốn thời gian bình luận ở đây. Đặc biệt nhất là ngay cả ngành giáo dục, nơi dẫn đầu về các tiêu chí đạo đức xã hội, chuẩn mực văn hoá của một đất nước, lại xảy ra quá nhiều tệ nạn và hiện tượng suy đồi như vậy. Từ gian lận cho đến hiếp dâm, từ rờ rẫm cho đến làm học sinh có bầu. Từ học sinh lột áo lột quần đánh nhau giữa đường, cho đến cô thầy rủ nhau cởi áo cởi quần vô nhà nghỉ  ôm nhau cho ấm. Từ phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi, cho đến học trò đánh thầy nhập viện..v.v... Ngồi kể thì cả ngày chưa hết chuyện. Có người cho rằng "thượng bất chính hạ tất loạn", kẻ thì nói rằng "văn hoá suy đồi, đạo tặc lên ngôi". Mình thì nghĩ đơn giản là đầu vào quyết định đầu ra, môi trường sống và văn hoá của xã hội quyết định ý thức và tư cách con người trong xã hội đó. Nhưng muốn bàn đến chuyện này thì thôi, muôn vàn thời gian, muôn hình vạn trạng, mình không dám múa rìu qua mắt thợ. Xin để dành cho các nhà sư phạm, bộ trưởng thứ trưởng, chuyên gia, tiến sĩ giáo sư, bàn luận như lâu nay họ vẫn thường bàn.

Còn theo thiển ý của mình, những chuyện như gian lận điểm thi, khai mang bằng cấp, học giả bằng thật .v.v... tuy là khác nhau về hình thức, nhưng cũng chỉ là một nội dung. Đó là không tôn trọng giá trị thực sự của trí tuệ, và chưa hiểu hết ý nghĩa của chữ công bằng và tự trọng. Một khi chưa hiểu được những giá trị cơ bản đó, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, chỉ là chưa có điều kiện để làm bậy mà thôi. Đuổi học hay bỏ tù, hay cho dù hình phạt nào nữa, thì hết lần này sẽ còn lần khác thôi. Những quốc gia ít bị vướng luỵ vào tệ nạn gian lận thi cử này là nhờ họ thành công trong việc giáo dục con nít hiểu được những giá trị căn bản đó. (Xin lỗi trước là mình chỉ đang nói về hiện tượng chung của xã hội, đa số thôi, chứ dĩ nhiên không phải ai cũng vậy. Có nhiều người dạy con tự trọng, tôn trọng sự công bằng từ bé thơ.)

Thử đi qua Mỹ, qua Nhật, qua Anh, kêu con nít gian lận điểm kiểu như thế thì có bao nhiêu đứa sẽ làm ? Nếu cha mẹ có làm, thì tụi nhỏ cũng chống đối lại ngay, bởi đó được coi là một sự xấu hổ, "unfair". Trong khi đó, ở nhiều nước châu Á, một số người dạy con "tranh thủ", chen nhau sắp hàng lãnh lương thực, lãnh tem phiếu, đi coi xi nê, sắp hàng mua vé, ghi tên đi học, ghi tên khám bệnh ..v.v.. khi còn trong trứng nước. Từ đi xin việc làm, đi học, đi thi, làm ăn kinh doanh, lên chức, tiến thân, trai gái, quan hệ bạn bè  ..v.v.. chuyện luồn lách lợi mình hại người, chuyện đâm thọc nhau để thắng, nói xấu nhau để hơn thua, không cạnh tranh công bằng, vẫn là chuyện bình thường trong xã hội, và có thể không hề gặp sự phản đối trực tiếp nào từ trong gia đình hoặc bạn bè chung quanh. Ngược lại, nhiều khi còn được khen là "khôn ngoan, tài giỏi" nữa. Khái niệm gian lận (hoặc không tôn trọng sự công bằng) để thành công hoặc chiến thắng, đã được hình thành từ bé !

Cho nên nhiều người cứ kêu gọi chống gian lận trong thi cử, văn hoá từ chức, văn hoá chống tham nhũng, rèn luyện đạo đức cách mạng ..v.v... Mà ngay từ bé, đã cho con thấy đi đến đâu cũng gởi phong bì, cũng đóng tiền mãi lộ, đút lót, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", thượng đội hạ đạp, ứng xử "unfair" với người chung quanh. Ngay cả đến trừờng cũng quà cáp, bìa thư, từ cấp mẫu giáo. "Hạ tầng" như thế mà mong "thượng tầng" xã hội thay đổi văn minh hơn, thì quả là những mơ ước diệu kỳ !

Ngay cả khi ra nước ngoài, nhiều người vẫn còn duy trì văn hoá đó, cho đến khi họ thực sự tương tác, va chạm, và tiếp cận với những nền văn hoá khác, thì mới được thay đổi dần. Sinh viên Á châu ở các trường đại học nước ngoài vẫn dẫn đầu về quay cóp gian lận. Một số cộng đồng Á châu vẫn được nổi tiếng là phức tạp, anh em đồng hương nhưng kiện cáo nhau, vu khống chụp mũ nhau nhiều nhất. Passport châu Á vẫn là passport được kẹp tiền nhiều nhất. Mình sắp hàng làm thủ tục ở sân bay cũng thường bị Việt kiều chen ngang hoài, cười trừ thôi :-).

Cho nên nói đến chuyện gian lận thi cử thì dài lắm. Vấn đề mình muốn nói đến ở đây, trong phạm vi bài viết rất ngắn này, là quan điểm "Hồng hơn Chuyên" ở VN. Có đúng không ? Và nếu duy trì đi theo quan điểm này, thì tương lai nhân sự sẽ ra sao ?

Trước hết, quan niệm "hồng hơn chuyên" thì chắc chắn không thể là "kinh tế thị trường" được rồi, mà  phải thuộc về "định hướng XHCN". Vì đó là chính sách định hướng cán bộ, định hướng nhân sự. Những cơ cấu sắp xếp để các nhân tuyển có lý lịch nhân thân, quan điểm chính trị đảng phái, hoặc có những quyền lợi liên đới cần được bảo vệ, được chen vào các hàng ngũ công chức chính phủ. Cũng có nghĩa là đồng ý chấp nhận một sự đánh đổi giữa thành phần chính trị "tốt" và thành phần khả năng chuyên môn phù hợp. Được cái này và chịu mất cái kia. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có người được cả hai, nhưng đó là thiểu số.
Bởi vậy cho nên thường thấy nhiều vị quan chức xuất thân từ những công tác đoàn thể, xây dựng quần chúng, lý lịch "chính trị" tốt, nhảy vào các chức vụ lãnh đạo hoặc điều hành quản lý cao, kể cả những trọng trách đề xuất phương hướng phát triển vĩ mô kinh tế, chính trị, văn hoá của xã hội. Mặc dù chưa hề từng kinh qua những kinh nghiệm đó. Nhiều vị trí chức vụ có được không phải là do khả năng bản thân, hoặc do trình độ chuyên môn được đào tạo chính quy, hoặc do kinh nghiệm liên quan trong quá trình làm việc, mà do lý lịch chính trị bản thân và gia đình. Ngay cả những chức vụ nhỏ hơn như phòng ban, hoặc tổ trưởng đội trưởng, là những vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu hơn cũng không ngoại lệ, vẫn là "hồng hơn chuyên", "thân thế hơn nghiệp vụ". Bên cạnh đó, dĩ nhiên không hiếm các trường hợp mua quan bán chức, hối lộ đút lót, quan hệ thân thế, mà tậu được công việc chức vụ chứ không phải do chuyên môn hay trình độ nghiệp vụ phù hợp.

Quan điểm & phương cách này dường như có vẻ không hợp lý lắm, đặc biệt là ở giai đoạn xây dựng đất nước. Vì nó không những tạo ra những hệ lụy trực tiếp trong hiệu suất công việc, cơ hội phát triển, đường lối kế hoạch đúng đắn. Mà còn dễ gây ra thất bại, thất thoát tài sản nhà nước, do tai hoạ kinh doanh và quyết định sai trái. Nguy hiểm hơn nữa là tạo ra những hệ quả kéo theo như gian lận, bưng bít, bè cánh phe nhóm để bao che nhau. Họ càng không dám sử dụng những người tài giỏi hơn vào những vị trí phù hợp. Cho nên kết quả thế nào, thì ai cũng đóan ra, chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Như vậy, nỗi lo lắng của các nhà làm luật, hoặc chính sách chủ trương quan niệm rằng "hồng" dù sao cũng khá hơn "chuyên", thiết nghĩ là rất cần nên suy xét lại. Có khi lợi một nhưng hại mười, tuỳ theo là nhìn ở góc độ nào. Những chứng minh hùng hồn nhất là kết quả lâu nay từ các công trình dự án cấp cao như Vinashin, Vinalines, ngân hàng, đường sá, giáo dục, y tế, đầu tư công .v.v..., cho đến những câu chuyện đắng lòng ở các địa phương làng xã, tỉnh lỵ, mà đã từng bị truy cứu trách nhiệm và bắt bớ. Chẳng phải các vụ án nghiêm trọng lâu nay, đại đa số là do những thành phần "hồng", có lý lịch nhân thân và bối cảnh chính trị tốt cả đấy sao ?
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi, nếu vẫn còn phân biệt lý lịch tốt xấu, ta & địch, mang cả con sông Gianh sông Bến Hải trong lòng, thì làm sao kêu gọi mọi người chung tay xây dựng đóng góp một cách công bằng ? Còn nếu vẫn không chấp nhận sự thật, cứ cho rằng quan niệm chuyên chính đó vẫn phù hợp, không thay đổi công bằng trong cách sử dụng người, thì e rằng sự thiệt hại cho đất nước ngày càng nhiều, lỗ hổng hệ thống ngày càng phình to ra. Những sai phạm cứ thế mà lập đi lập lại dưới những hình thức khác nhau.

Có nhiều người thắc mắc tại sao chỉ có ở VN hoặc các nước XHCN, mới quan niệm nhân sự "hồng hơn chuyên" như thế ? Mình nghĩ là nhiều quốc gia khác ngày xưa cũng có phân biệt về màu da, sắc giới, chủng tộc ... tuy không nhiều, nhưng vẫn có. Tuy nhiên, thời nay họ nhận ra đó là một sai lầm lớn, nên đã thay đổi hẳn. Còn ở các nước XHCN, có lẽ do xuất phát từ thời chiến tranh và hậu chiến, giai đoạn cướp chính quyền, chuyển tiếp quyền lực và thay đổi vai trò lãnh đạo. Những khái niệm như thành phần giai cấp, chuyên chính với kẻ thù, đảng lãnh đạo, hoặc vô sản với nhân dân ...v.v. thường xuất hiện ở những nhà nước XHCN. Và cũng có thể quan niệm nhân sự "hồng hơn chuyên" là phù hợp với họ trong một giai đoạn cách mạng nào đó. Tuy nhiên, hết đánh nhau rồi, để xây dựng một đất nước công bằng và dân chủ, quan niệm này quả nhiên không còn phù hợp nữa. Cả thế giới văn mình không ai làm vậy cả. Việc dự tính nhân sự có thể xảy ra trong các nội các chính phủ, board lãnh đạo điều hành công ty, nhưng người ta không định hướng nhân sự dựa vào lý lịch nhân thân hoặc quan điểm chính trị, bối cảnh gia đình. Thực ra chính các tiêu chí tuyển chọn (lý lịch, bằng cấp) không công bằng, đã vô tình tạo ra các vấn nạn bè cánh, hối lộ, tiêu cực, gian lận gởi gắm, trong thi cử quan trường và trong công sở, cơ quan. Rất khó thay đổi và chận đứng các tệ nạn này, nếu như chính sách nhân sự không được thay đổi, đồng nhất và công bằng, đồng bộ trên mặt bằng cả nước.
Ngay cả các nhà kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân ở VN hôm nay, cũng chỉ còn rất ít người dám tuyển người và điều hành theo tiêu chí đó. Về phương diện quản lý điều hành, cho dù công ty lớn nhỏ thế nào, cũng rất khó thành công và sử dụng được người tài, nếu như người cấp trên không đủ khả năng để thuyết phục và chứng tỏ được bản thân của mình . (Ở đây không nhất thiết là khả năng chuyên môn, mà là khả năng lãnh đạo và tư duy logic của người điều hành). Nếu có thành công được, thì chỉ là những may mắn nhất thời, hoặc là những công ty còn xử dụng được đặc quyền bao cấp của nhà nước !

Mở ngoặc nói ngoài lề chút thời mình còn đi học, để hiểu thêm quá trình tiến bộ của VN hôm nay. Sau năm 1975, ai có "lý lịch xấu", thì đừng mong thi cử, hoặc đừng hòng xin được việc làm gì trong cơ quan chính quyền nhà nước, cho dù là công việc gác dan giữ xe. Còn tiêu chuẩn lý lịch thế nào là tốt là xấu, thì tuỳ hên xui, tuỳ mấy ông chứng giấy ở làng xã, ở phường khóm, có được đi học hay không, có thù hận hay không. Tiêu chuẩn "lý lịch xấu" ở SG khác với "lý lịch xấu" ở tỉnh, ở thị xã khác với ở làng quê. Không đồng nhất và tuỳ tiện. Mình có vài nguời quen, nghe đậu thủ khoa trường này trường nọ cũng xôm tụ, nhưng rồi cuối cùng phải đi nghĩa vụ lạo động, đi làm công nhân, chứ không được đi học.
Cho đến khoảng năm 1981, VN bắt đầu phân chia "nhóm lý lịch" ra làm 3 thành phần. Thi đại học, công khai hoá, mỗi nhóm lấy điểm khác nhau. Đứa nào có cha mẹ "xấu", thì phải ráng thi điểm cao và ngưọc lại, đơn giản là vậy. Đứa nào có cha mẹ học dùm, thì đỡ gian nan hơn. Cùng điểm với nhau, đứa nhóm 1 được đi du học nước ngoài, thằng nhóm 3 chưa chắc đã được đi học. Vì được công bố đậu, chưa chắc là được địa phương cho cắt hộ khẩu. Chưa xong, nếu qua hết ải, vô đi học cũng còn khác biệt. Chung trường chung lớp, chung giuờng chung mâm, nhưng đến mùa thi học kỳ, đứa lý lịch tốt được quyền thi rớt 3 lần, còn thằng lý lịch xấu thi rớt lần 2, biến. Đó là còn chưa nói đến sự khác biệt về thành phần chính trị đoàn, đảng. Rồi học xong ra trường thì cũng còn lắm nhiêu khê nếu lý lịch "xấu". Nhưng đó đã là chuyện ngày xưa, nhắc lại để biết mà tránh thôi. Dẫu sao đó cũng là một bước tiến bộ văn minh (civilized) đáng kể. Ít ra những người có lý lịch gia đình liên quan đến chế độ cũ, cũng có những cơ hội để thi cử hoặc đậu vào đại học. Còn cơ hội ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào sức học của họ và mưa nắng ở địa phương.

Nhưng dĩ nhiên là ai cũng hiểu, không có gì tuyệt đối. Công ty, cơ quan, chính quyền nào cùng có người giỏi người dở. Công bằng mà nói, con dân đen dân nghèo, hay con quan chức lãnh đạo gì cũng có người tốt người xấu, người trung người gian, người tài người hèn, kẻ ngay kẻ nịnh. Con quan chức mà được học hành đàng hoàng, đào tạo bài bản, chắc họ cũng có tự trọng, chứ không cần phải dựa dẫm nhờ vả vào những gian lận bẩn thỉu như vậy. Cho nên cũng đừng nên vơ đũa cả nắm mà tạo ra những khoảng cách mâu thuẩn không cần thiết. Chế độ nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, phàm những người bất tài mà lợi dụng gian lận, lợi dụng thân thế, quyền lực leo được lên vị trí cao thì rất nguy hiểm. Vì họ sẽ xử dụng những kinh nghiệm đó để cấu kết bè phái, che đậy lỗi lầm, tạo ra những lỗi hệ thống to lớn hơn, nghiêm trọng hơn, so với những thiệt hại của một nhân sự bình thường. Thiệt hại cho đất nước quốc gia đến tận dường nào ?

Trở lại chuyện ăn gian điểm thi. Mình vẫn không nghĩ đơn giản là đến bây giờ mới có Sơn La, Hoà Bình .... và nhiều tỉnh khác gian lận đồng loạt như thế. Ai cũng biết làm chuyện này không dễ dàng chút nào. Sửa điểm điêu luyện như thế phải có đường dây lâu dài, bên hô bên ủng, phải kết hợp nhuần nhuyễn và có hệ thống hẳn hoi mới được ra ngô ra khoai như thế. Mấy em con nhà nghèo, chén cơm chén cháo đến trường, con dân lao động, sao không được ai sửa điểm dùm ?

Cho nên nếu không tìm ra được thế lực đằng sau, mà chỉ tuyên bố đuổi học các em gian lận, là xong. Thì quả nhiên lại chỉ là một câu chuyện cười khác của bộ GD, chốc lát rồi quên !


Tuesday, April 16, 2019

Bia căm thù & những được mất ?









Hôm qua có dịp ghé ngang toà nhà One World Trade Center ở New York (nơi đã từng là toà nhà tháp đôi bị khủng bố 9/11/2001). Vẫn đang còn những kiến trúc xây dựng thêm, nhưng so với vài năm trước đây thì khá nhiều hạng mục đã được hoàn thành.

WTC. Nơi đã từng bị khủng bố, một trong những biến cố tồi tệ nhất của lịch sử nhân loại, một sự kiện đã làm ảnh hưởng cả thế giới. Một trong những tang thương, đổ nát, và bi hùng nhất của lịch sử nước Mỹ. Bao nhiêu nạn nhân và anh hùng đã ngã xuống với biết bao câu chuyện chưa và sẽ không bao giờ nói hết ....

Nhưng từ nơi đó, từ những đổ nát hoang tàn, đã mọc lên những công trình hoành tráng. Không còn là tháp đôi nữa, mà là một toà nhà One World Trade Center, biểu tượng của sự đoàn kết vươn lên mạnh mẽ, không hề khuất phục. Một trạm xe lửa điện ngầm hoành tráng, mang kiến trúc tuyệt đẹp biểu tượng đôi cánh thiên thần bay lên của những anh hùng đã ngã xuống hy sinh vì người khác, vì xã hội tốt đẹp, vì đất nước an vui. Những bờ nước ngày đêm không ngừng nghĩ chảy miết, tươi mát, bên cạnh tên tuổi của những con người đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây .....

Thật đẹp & thật ý nghĩa. Nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, hùng tráng nhưng không bi ai. Một tư duy lạc quan và cái nhìn hướng về tương lai phía trước !

Tuyệt nhiên không hề có một tấm bia căm thù nào !

Không một hận thù nào được ghi dấu nơi đây. Một cây hoa lê (bradford pear) duy nhất còn sống sót giữa mịt mù khói lửa, vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng như một biểu tượng tồn tại, hàng năm vẫn mãi trổ hoa vào mùa này, xinh tươi và hiền hoà. Mỗi lần đi qua đây, vẫn thích ngắm nhìn những công trình kiến trúc mới, ngày mỗi mọc lên. Mình tự hào và ngưỡng mộ những con người đã hy sinh & đóng góp để làm nên một câu chuyện lịch sử bi hùng đầy tính nhân văn.

Rồi cũng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về những tấm bia căm thù ở nhiều quốc gia khác, nơi hận thù được nhắc nhở, gieo rắc qua bao nhiêu thế hệ. Những tấm bia căm thù bằng gạch đá, và những tấm bia hận thù trong lòng người. Những hận thù có thực, và những hận thù không có thực. Tuyên truyền, ảo giác, cơ hội, tát nước theo mưa.... Đã, đang, và sẽ còn tiếp tục ! Được, mất gì ở đó ?

Những điệp khúc cay đắng, đố kỵ, hận thù dai dẳng, rồi sẽ đưa thế hệ tương lai của họ về đâu ?



Thursday, April 04, 2019

Anh Trịnh Công Sơn và tôi (Thanh Hải)





Mùa hè năm 2000, tôi chưa có ý định về thăm lại quê hương. Nhưng vợ con và bạn bè cứ rủ mãi, nên cuối cùng tôi cũng quyết định về thăm gia đình và bạn bè một chuyến.
Không ngờ đó cũng là lần cuối gặp lại anh Sơn, đi hát cùng anh, trò chuyện, vui cười… Anh đã ôm tôi từ giã trong vòng tay gầy guộc của anh tại Hội Văn Nghệ TP HCM trước ngày tôi trở về Đức. Chúng tôi còn hẹn sẽ gặp lại nhau tại Toulouse, nơi mà các bạn Liêm, Hương, Đỉnh, Thủy, anh chị Hớn, Trần Bích Thủy, Nguyễn Thanh Vân… và rất đông bạn bè bên ấy đã nhiều lần mong đợi có dịp đón tiếp anh.

Giờ đây khi được tin anh mất, tôi sững sờ và quá xúc động. Thương tiếc và buồn bã khiến tôi không nói nên lời. Tôi biết rằng những người bạn trong anh em chúng tôi cũng đang âm thầm khóc anh. Anh Sơn ơi, anh đã đi thật rồi sao?

Tôi muốn viết thật nhiều về anh, nhưng biết bắt đầu từ đâu? Tâm tư tôi đang ngổn ngang nhiều nỗi, tôi không ngồi yên để viết được. Hôm nay, nỗi buồn đã thấm dần và lắng đọng, tôi mới yên tĩnh để bày tỏ những gì tôi nghĩ về anh.

Trong tâm trạng một người em đã có thời chia sẻ với anh những vui buồn, những cảm nghĩ vu vơ trong tình yêu, thân phận con người, quê hương trong giai đoạn khó khăn ngày ấy, lòng tôi bùi ngùi đau xót khi cảm nhận rằng mình đã thực sự mất anh…

Với tôi, anh Trịnh Công Sơn không chỉ là một người anh, một người thầy, mà còn là một người bạn rất dễ thương, mặc dầu anh lớn hơn tôi mười tuổi. Tôi chưa hề thấy anh bực mình, hoặc tỏ vẻ khó chịu khi tôi hát nhạc của anh mà có lúc quên lời, tôi “chế” ra theo cảm nghĩ của mình, và mỗi lần nghe được, anh chỉ mỉm cười khoan dung nhắc lại lời anh Trương Thìn đã nói: “Nhạc sĩ là người sáng tác, mà ca sĩ lại là người sáng tác lần thứ hai, phải không Thanh Hải?”

Rất tiếc tôi không về gặp được anh để cùng uống với anh ly trà từ biệt, vì nghe đâu trong những ngày tháng cuối của cuộc đời anh chỉ uống trà, theo như lời anh Sâm Thương kể lại: “Sơn không uống rượu nữa, chỉ được uống trà. Những bạn bè thân thuộc không nỡ để Sơn uống trà một mình, nên cũng đã ngồi nhấm trà cùng anh”…

Tôi sinh ra tại miền Trung, mảnh đất nơi tôi lớn lên cùng chiến tranh và nghèo đói. Giai đoạn cuối của những năm 1960, tôi cũng như bao nhiêu người thanh niên khác, sống trong khắc khoải lo âu của cuộc chiến, chán nản và tìm đủ mọi cách để trốn tránh. Rồi tình cờ một hôm trốn học, tìm một góc ấm cúng trong một quán café, nghe tiếng hát của anh Sơn và Khánh Ly qua cuộn băng Ca khúc da vàng, tôi đã tìm được cho tâm hồn mình một lối thoát. Tôi đã cảm nhận được những dòng nhạc của anh từ đó.

Tiếng hát và lời nhạc của anh thấm dần trong tôi từng ngày theo cuộc chiến, và cũng từ đó tôi thường ôm đàn hát những lời của anh, khi tiếng súng xa xa vẫn vọng về. ” Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe… Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân, em thơ ơi chiều này trường học lại, trong sân chơi bạn và thầy im lời, bài học về yêu thương trên giấy mới, sao hôm nay nét mực đã phai? “… Ôi những lời nhạc tha thiết của anh, anh đã nói dùm tôi, nói dùm mọi người. Tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đựơc gặp anh. Cuộc sống mong manh quá…!

Cuộc chiến cứ kéo dài mãi và đời sinh viên ở Sài Gòn mang nặng những chán chường.
Mùa xuân năm 1975 tôi về lại miền Trung mà lòng vui như hội, vì từ nay chiến tranh đã chấm dứt. Ước mơ hoà bình đã thành sự thật. Lời hát của anh vang vọng khắp nơi. Sau đó tôi trở lại Sàigòn và đi hát đó đây cùng các bạn.

Năm 1976 tôi gặp lại anh Phạm Trọng Cầu – người nhạc sĩ tôi quen trước đây tại phòng âm nhạc của viện đại học Vạn Hạnh – lúc ấy tôi đang sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Vạn Hạnh dưới sự đảm trách của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Một hôm, không nhớ là ngày tháng nào, có lẽ duyên hội ngộ đưa đẩy, anh Phạm Trọng Cầu đã đưa tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn tại Hội Văn Nghệ. Tôi vẫn nhớ hôm gặp gỡ đầu tiên ấy, anh Cầu bảo anh Sơn: mày ngồi đây nghe Thanh Hải hát thử bài này, và tôi đã hát:

“Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng. Giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón. Đời nhẹ nâng bước chân em về lại trong phố thênh thang. Những buồn xưa sẽ quên, hãy yêu khi đời mang đến một cành hoa giữa tâm hồn…”

Đó là bài Đời gọi em biết bao lần, nhạc phim mà anh vừa sáng tác. Từ đấy chúng tôi quen nhau. Hình như đã có một sự cảm thông nào đó không nói được ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy.

Nhạc của anh Sơn viết lúc đó rất bị hạn chế, đôi khi còn bị chặt đầu chặt đuôi để bình phẩm, lên án. Chẳng hạn bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui: tại sao mỗi ngày lại chọn một niềm vui? Tại sao mỗi ngày lại chọn một đường đi? Rồi tại sao: “em ra đi nơi này vẫn thế?” Phải tốt hơn chứ!…

Thời điểm ấy thật là khó khăn và khốn đốn!

Hai anh em tôi lúc ấy hầu như ngày nào cũng gặp nhau: sáng uống café ở Hội Văn Nghệ, trưa về khách sạn Bông Sen uống bia cùng anh Nguyễn Quang Sáng, anh Muộn, tối nếu không đi hát cùng nhóm, thì tụ về nhà anh Sơn ngồi chơi, uống rượu, hát nghêu ngao với những người bạn, đa số là các bạn từ xa về. Có nhiều đêm tôi đang nằm nhà, sắp đi ngủ thì nghe tiếng anh gọi trước cửa. Biết ngay là anh đang cần, tôi vội chạy xuống để chở anh về tận nhà. Đó là những lúc anh chỉ còn biết “chỉ có ta trong cuộc đời mà thôi”…

Nhóm “giới thiệu sáng tác mới” cũng ra đời trong khoảng thời gian đó. Lạ một điều là nhóm thuộc hội Trí Thức Yêu Nước, chứ không thuộc hội Văn Nghệ, mặc dầu những người trong nhóm hầu hết đều là nhạc sĩ của hội Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm sinh hoạt rất vui, và chúng tôi thường được mời đi đây đi đó hát. Những bài hát thường là những sáng tác mới của các anh Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trương Thìn, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Nguyễn Nam, Lâm Cao Thanh, nhà thơ Lê Thị Kim…, với tiếng sáo đệm của Nguyễn Phước, Tân đánh trống, Thanh đại hồ cầm. Các anh thường tự đàn và hát những sáng tác của mình. Ca sĩ thì có Tường Vi, Thanh Hậu, tôi, và một vài bạn khác nữa. Nhóm được nhiều khán giả yêu chuộng, và mỗi lần đi lưu diễn chúng tôi đều được tiếp đãi rất là ưu ái. Thời gian ấy tôi thường hát nhạc của anh Trịnh Công Sơn: Đời gọi em biết bao lần, Cánh chim cô đơn, Em đến tự nghìn xưa, Vì tôi cần thấy em yêu đời, Chiều trên quê hương tôi, Một cõi đi về, Tôi vẫn nhớ… Thỉnh thoảng tôi lại xé rào với sự chấp thuận của anh Trương Thìn – bác sĩ kiêm nhạc sĩ, phụ trách điều khiển chương trình của nhóm – hát lại những tình khúc cũ của anh Trịnh Công Sơn tại hội Trí Thức Yêu Nước. Nhóm đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai mờ.

Thời gian sau đó là những ngày đất nước càng khó khăn thêm. Số người ra đi ngày càng nhiều. Bài hát Em còn nhớ hay em đã quên được anh Sơn viết ra đúng ngay vào lúc ấy.
Đây là một bài hát mà tôi thật là khó quên. Vào dịp ấy hội Văn Nghệ Việt Nam lần đầu tiên từ Hà Nội vào Sàigòn tổ chức 3 ngày ca nhạc tại rạp Rex. Tôi được mời hát trong những buổi hát đó. Trước ngày trình diễn một hôm, tôi gặp anh Trịnh Công Sơn đang chạy chiếc xe PC trong một buổi trưa nắng gắt trên đường, gặp tôi anh khoe liền: “Mình vừa mới viết xong một bản nhạc, đi theo mình về nhà tập thử!”. Thế là hai anh em kéo nhau về nhà anh bỏ cả ăn trưa để tập bài hát mới.

Thú thật, nhìn bản nhạc còn ướt mùi mực, dài ơi là dài mà lòng tôi ngao ngán, bởi vì ngày mai phải hát xuất đầu tiên rồi, làm sao mà thuộc cho hết!… Nhưng sau đó, lời nhạc đã cho tôi một nỗi cảm xúc thật sự, những hình ảnh trong bài đều rất thực đối với tôi.
Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ mặt đường vàng hoa như gấm…

Dường như đây cũng là những cảm nghĩ của tôi. Có lẽ anh đã viết bài này để tặng tôi chăng? Bởi vì dầu tôi không nói, nhưng anh đã hiểu được rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi…

Tôi đã diễn đạt bài này một cách tốt đẹp và thành công suốt sáu buổi hát trong ba ngày liền, mặc dầu sau mỗi xuất hát anh Sơn đều đến gặp tôi để đề nghị thêm bớt, sửa đổi một vài chỗ mà anh vừa chợt nghĩ ra, đắc ý hơn. Có một điều vui là, vì bài hát mới và dài, nên đôi lúc tôi cũng không nhớ hết được, có khi đã phải tự ứng biến vài nơi, nhưng anh Sơn không hề quở trách. Bài hát đã gây ra một dao động không nhỏ trong dân chúng Sài Gòn lúc ấy. Khán giả cho biết họ đã cảm xúc thật sự khi nghe bài này và trong rạp đã có nhiều người lau nước mắt…

Cuối năm 1981, tôi cũng ra đi. Mười một tháng nằm trên đảo, tôi vẫn hát nhạc của anh cho bạn bè nghe, nhưng trong lòng mang một tâm trạng khác.

Sáu năm gần gũi bên anh, hai anh em đã chia sẻ với nhau những tâm tình, vui buồn, xót xa bằng những cảm nhận không cần nói nên lời. Điều đặc biệt ở anh, là anh đã vượt qua được tất cả, anh đã có một tấm lòng bao dung không thù hận, ngay cả với những người đã dèm pha, tìm cách dìm anh xuống trong giai đoạn khó khăn ấy. Có lần anh đã nói với tôi: “Moa biết tất cả, không có gì qua mắt được moa đâu, nhưng thôi kệ…”

Cuộc sống xa quê hương nơi đây đối với tôi thật u buồn và trầm lặng. Tôi nhớ Sài Gòn, nhớ đèn đường từng đêm thao thức, nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm, nhớ món ăn quen, nhớ ly chè thơm, nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng… Lời hát của anh tôi càng thấy thấm thía hơn.

Có một điều an ủi cho tôi, là nhiều người bạn ở Châu Âu này rất yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn. Họ thường mời tôi đến để hát những bài hát của anh, và nhờ đó chúng tôi có dịp quen thêm bạn bè ở Paris, Toulouse, Lourdes, Lyon, Bruxelles, Liège, Genève, Fribourg, Lausanne, Stuttgart, Muenchen, và các tỉnh khác ở Đức. Tôi đến với anh em bằng tâm tình của một người bạn, không khách sáo, không chính trị, không thương mại. Cám ơn những người bạn với tâm hồn văn nghệ thật dễ thương và thoải mái, đã cho tôi và An những tình cảm thân quý, những ngày vui trong cuộc sống tha hương này. Cám ơn anh Trịnh Công Sơn và những bài hát tuyệt vời của anh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được mình. Một số người cho rằng, anh Trịnh Công Sơn không chịu ra đi là vì anh theo cộng, tôi hát nhạc của anh tức là tôi cũng thiên cộng. Có báo còn viết rằng, Hà Nội đã gởi tôi ra nước ngoài hát nhạc Trịnh Công Sơn để ru ngủ kiều bào tại hải ngoại.

Ôi cuộc đời thật là phức tạp..!

Tết 1989 tôi về thăm lại quê hương. Gặp lại anh Sơn, tình cảm giữa chúng tôi vẫn thắm thiết, vui vẻ. Nhiều người yêu cầu tôi cho nghe lại những bài hát của anh, dù chỉ một bài, nhưng tôi không hát. Tôi đến thăm anh nhiều lần, lần nào cũng gặp nhiều văn nghệ sĩ và nhiều người anh chưa hề quen biết từ Hà nội vào ngồi uống rượu cùng anh. Anh cho biết lúc này anh thích hoạ. Anh chỉ cho tôi những bức hoạ mà anh đã sáng tác.

Cũng mùa hè năm ấy, tháng 6.1989, tôi được Nhà Việt Nam tại Paris, qua thơ mời của anh Bạch Thái Quốc, sang Paris để gặp anh Trịnh Công Sơn và hát với anh một đêm. Thật là cả một điều vui mừng và bất ngờ đối với tôi, vì Tết vừa rồi không nghe anh nói gì về chuyến đi này cả.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói đầu tiên tại Paris của anh Sơn khi gặp lại tôi trong quán tối hôm ấy: “Thanh Hải chạy đi đâu cũng không thoát khỏi moa, …và toa biết không, khi moa vừa đặt chân xuống phi trường Charles de Gaule thì cả phi trường đều tắt điện đón chào moa…”, rồi anh cười thích thú. Hôm ấy chúng tôi ngồi chung thật là đông vui, ấm cúng, có các anh Bửu Ý, Bạch Thái Quốc, Phạm văn Đỉnh, Yoshii Michiko – cô bạn người Nhật của anh Sơn, Như An, và nhiều anh chị em khác nữa. Chúng tôi đã cảm nhận được một hạnh phúc êm ái khi gặp lại nhau, ngồi bên nhau, chuyện trò với nhau giữa thủ đô nước Pháp – một dịp vui bất ngờ và hiếm có. Hôm sau hai anh em đã cùng nhau chọn lại những bài hát để chiều hôm ấy hát tại Nhà Việt Nam. Bây giờ nhìn lại những tấm hình kỷ niệm lần gặp gỡ đó, tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc…

Vừa rồi đài phát thanh tại Paris đã gọi điện thoại qua phỏng vấn tôi, khi nghe tin anh Trịnh Công Sơn qua đời tại Sài Gòn. Anh Dũng đã hỏi tôi về những kỷ niệm giữa tôi và anh Sơn, vì sao tôi thích hát nhạc của anh, tôi đã quen anh Sơn từ lúc nào, lần gặp anh Sơn tại Paris năm 1989 đã để lại ấn tượng gì trong tôi và anh Sơn. Thú thật, lúc đó tâm hồn tôi dao động quá, những cảm xúc và buồn bã trong tôi, tôi không bày tỏ được. Sự mất mát đến quá nhanh, tôi chưa nói được gì…

Lần gặp ở Paris mới đó mà đã mười hai năm trôi qua rồi. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm đó cũng là năm Tỵ, năm con rắn. Tấm hình ngày đó anh cười thật tươi. Năm nay, tình cờ Như An lại chọn tấm hình ấy để làm lịch cho năm Tân Tỵ 2001. An in làm hai tấm, một cho tôi và một gởi về tặng anh Sơn nhân dịp sinh nhật 28.2 của anh. Tôi nhờ bạn tôi, anh T.Q. Sen trong dịp về Việt Nam đến thăm và trao giùm cho anh. Những ngày đó nghe đâu anh không được khoẻ, bạn bè muốn gặp anh đều được hẹn qua lần khác, vì anh cần yên tĩnh nghỉ ngơi.

Anh Sơn ơi, không ngờ mùa hè năm 2000 vừa qua lại là lần cuối cùng từ giã anh! Tôi còn nhớ rõ như in những ngày hè tháng bảy vừa qua tại Sài Gòn, tôi và Như An, Trương Hồng Liêm, Kim Hương thường gặp anh, ngồi uống nước quanh cái bàn nho nhỏ ở Hội Văn Nghệ, có cả anh Hoàng Hiệp, Sâm Thương, Trần Long Ẩn, Trần Tiến, Phạm Văn Hạng, Huỳnh Phi Long cùng một vài người bạn khác… Hôm sau lại gặp nhau ở câu lạc bộ Nghệ Sĩ, hôm khác lại đi ăn ở quán Ba Miền. Những hôm ấy anh nói nhiều câu thật tếu, làm cả bọn cười vang. Chúng tôi “hơi bị vui” như lời anh nhận xét, và cảm thấy hạnh phúc nhẹ nhàng làm sao.

Nhớ nhất là đêm văn nghệ hôm thứ sáu 21.7.2000 tại Saigon Times Club. Trong không khí thân mật cùng bạn bè từ Đức, Pháp về Việt Nam thăm nhà và nhóm bạn anh Võ Như Lanh, chủ nhiệm tờ Kinh Tế Thời Báo, theo lời mời của anh, sau mười chín năm đây là lần đầu tiên tôi hát lại tại Sài Gòn. Trong đêm ấy, anh Trịnh Công Sơn đã cùng tôi hát rất nhiều. Anh đã thật sự cảm hứng và tự động bước lên sân khấu, một cái bục nhỏ và thấp, rất thân tình, anh đã hát một cách say mê, đầy cảm xúc. Đó là một điều thật ngạc nhiên, vì như các bạn cho biết, những năm gần đây hầu như anh chưa bao giờ hát nhiều và hát say mê đến như vậy.

Bài cuối cùng, anh ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh tôi, trên bục sân khấu nhỏ, anh nói với chúng tôi rằng: “Bây giờ mình sẽ tặng Như An và Thanh Hải một bài hát. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ nơi đâu, Như An và Thanh Hải cũng đừng bao giờ tuyệt vọng”. Rồi anh hát, mắt nhắm lại như gởi tất cả tâm hồn vào đó:

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi, và tôi cũng là em. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một cõi đời riêng. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh…”

Tôi đang khóc khi viết lại những dòng này. Tim tôi đang thổn thức. Anh Sơn ơi, sẽ không bao giờ tuyệt vọng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lời của anh tôi sẽ còn hát mãi, hát mãi và nhớ mãi …

Thanh Hải
Cộng hoà Liên bang Đức, giữa tháng 4.2001