Sunday, April 12, 2020

Những tiếng vỗ tay mùa đại dịch Vũ Hán




Hôm nay ngày lễ Easter (Phục Sinh). Hàng năm vào tuần này, nhiều nơi, nhiều khu phố, nhà thờ, hội đoàn ... tổ chức các trò chơi cho các em bé, ca hát nhảy múa vui chơi. Gia đình, bạn bè, sẽ có những buổi hội họp ăn uống, để chào mừng không khí mùa xuân bắt đầu. Nhưng năm nay thì không, không hội hè đình đám, không bạn bè thân hữu tập trung. Nhiều nhà thờ cũng không tổ chức hội họp. Đức Giáo hoàng Francis cũng làm lễ Thánh trong giáo đường St. Peter's Basilica lặng lẽ.

Tuy nhiên, những khoảng cách không gian, những social distancing trước đại dịch Vũ Hán đã không làm cho con người quên đi những khoảng lặng của tình người, lòng tri ân cuộc sống, và những giá trị nhân bản cần thiết của xã hội. Chiều nay 6g, nhiều người dưới thành phố mình đang sống, hẹn nhau cùng mở cửa vỗ tay tri ân những người y tá, bác sĩ, cảnh sát, nhân viên y tế xã hội ....v.v...đã không sợ nguy hiểm làm việc ở tuyến đầu chống dịch Vũ Hán. Trên thế giới, mấy tuần qua, nhiều quốc gia, nhiều địa phương, cũng đã làm như thế để tri ân, để tạ ơn, để cổ vũ những người "thiên thần áo trắng" ngày đêm chống dịch cứu người. Nhiều nơi, các nhà hàng, các khu phố còn đem những thức ăn thức uống, hoặc các dụng cụ bảo hộ trao tặng cho đội ngũ nhân viên ý tế coi như thay lời cảm tạ. Mình rất xúc động và trân trọng những ứng xử nhân văn như thế.

Nghĩ đến đôi lần mình coi tin tức bên VN, thấy các "đại gia" hay "đại ca anh chị" gì đấy, hoặc thành phần bất hảo ... vào tận bệnh viện chửi chém bác sĩ y tá, mà rùng mình ghê sợ. Dĩ nhiên là cũng có những người bác sĩ y tá tắc trách trong công việc hoặc tranh thủ cơ hội lợi dụng, chứ không thể hoàn hảo tuyệt đối được. Nhưng một nền giáo dục mà dẫn đến tình trạng đánh thầy cô, cướp sư sãi, chém thầy thuốc ... .v.v...thì có nhiều thứ phải đáng suy gẫm lại.

Những người thầy thuốc, đội ngũ y tá bác sĩ, trong xã hội nào cũng đáng được tôn trọng. Bởi nếu họ nhỏ nhen, đố kỵ, phân biệt chính trị, sang hèn, sướng khổ, màu da, chủng tộc ... thì xã hội này đã loạn từ lâu rồi. (Tất nhiên là ở đâu và thời nào cũng có những cá nhân lợi dụng cái nhãn mác bác sĩ, y tá, lương y, để làm những chuyện sai trái. Nhưng đó chỉ là thiểu số, và chuyện nên lưu ý nhận xét & phân tích để đề phòng luôn là cần thiết).

Xin mạn phép nhắc lại một ký ức tuổi thơ của mình. Thời mình còn nhỏ, Má mình làm y tá, trông coi một Trạm Xá ở một vùng chiến tranh ác liệt, "ngày quốc gia đêm cọng sản". Nhiều lúc nửa đêm, mờ sáng, cũng phải đi băng bó cứu thương cho đồng bào hay binh lính. Có đêm hoả châu, đại bác vang rần, Má đi mà cả nhà thấp thỏm đợi chờ lo lắng. Thời đó chiến tranh ngày càng khốc liệt, quanh vùng quê mình, cứ đêm về, bom mìn bẫy gài giăng đầy, đến sáng mới được gỡ. Hên xui may rủi, sống chết khó lường, nhưng rồi may mắn mọi chuyện cũng qua. Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn, và người dân luôn là kẻ bị thiệt thòi.
Nhớ nhiều lần mình đi theo Má trong những đợt phát thuốc sốt rét hay chích ngừa cho đồng bào ở miền núi, vùng sâu vùng xa, bán an ninh. Có khi có cả lính Mỹ đi theo, để bảo vệ nhân viên Hội chữ thập đỏ, tổ chức Y tế thế giới v.v... Ai cũng biết là trong số những người dân đen đó có cả những người cán bộ, du kích, kháng chiến quân. Nhưng đã làm ngành nghề này thì thấy ai chết cũng phải cứu. Cuộc sống ở vùng "bán an ninh" đều như thế, không thể biết ai là ai, nhưng người dân nào bịnh cũng phải được cứu chữa. Người dân nào cũng được quyền chăm sóc, phải được chích ngừa phát thuốc bình đẳng như nhau. Má mình cũng như bao nhiêu người làm công việc y tế cứu thương khác ở vùng chiến tranh, cho dù cận kề cái chết, đi sớm về khuya, cũng phải làm nghĩa vụ của mình. Cũng giống như những người y tá bác sĩ ngày nay, bất kể là gốc đen trắng vàng đỏ, giàu nghèo sang hèn, ai cũng phải được cứu trị. Thâm chí nhiều vị bác sĩ y tá chấp nhận rủi ro lây nhiễm, sống chết để cứu người khác, cũng là chuyện bổn phận bình thường mỗi ngày.
Nói đến đây, nhớ lại thời 1975, có mấy ông cán bộ địa phương đến kêu Má mình phải đi học tập cải tạo vì từng làm việc cho "Mỹ Nguỵ". Vừa buồn cười vừa xót xa !

Nhưng đó là chuyện đã xa rồi. Thời này, chắc chắn ai cũng văn minh hơn, nhân bản hơn. Xin hãy tri ân những người thầy thuốc ngày đêm tuyến đầu chống dịch bệnh cứu người. Nếu không có gì quý tặng nhau, không vỗ tay cổ vũ nhau, thì ít ra cũng xin đừng chửi chém nhau !

Cầu mong bệnh dịch Vũ Hán sớm qua. Chúc mọi người an lành. Và trân trọng ghi ơn những vị anh hùng áo trắng đã hy sinh cứu người trong cơn đại dịch khủng khiếp này.

Dưới đây là chương trình Hát cho Hy vọng của Andrea Bocelli, trình diễn hôm nay.
(Andrea Bocelli: Music For Hope - Live From Duomo di Milano)


No comments:

Post a Comment

Comments: