Tuesday, April 20, 2021

Tản mạn - Đỗ Quyên & tháng tư


Tháng Tư, hoa Đỗ quyên nở rộ. Rực rỡ, duyên dáng, rụt rè, phô trương, đài các, dân dã ..... hàng trăm loại khác nhau tưng bừng khoe sắc vào mùa này. Tiểu bang NC và SC, đặc biệt ở các vùng miền núi, rất nổi tiếng về những chủng loại hoa đỗ quyên. Nhiều địa phương cứ đến tháng này là tổ chức hội hè đình đám, lễ hội hoa đăng, ca hát nhảy múa, nấu ăn ngoài trời... Tiện thể, mừng luôn mùa xuân nắng ấm, tươi đẹp, sau một mùa đông lạnh giá ngủ vùi :-).

Bên VN những tỉnh miền núi cũng có hoa đỗ quyên, nhưng thường chỉ hạn chế một vài loại nhất định. Bên này thì đỗ quyên (azaleas) có rất nhiều chủng loại, không sao nhớ xuể. Có loại chính gốc tại địa phương, có loại du nhập từ những nơi khác hoặc châu lục khác, rồi đồng hoá. Cũng có nhiều loại được con người lai tạo, nhân giống mà thành. Tên tiếng Anh thường gọi của hoa đỗ quyên là Azaleas. Nhiều người rành rẽ hơn thì phân biệt từng chi tiết chủng loại Azaleas hoặc Rhododendron. Có giống lá lớn, giống lá nhỏ, giống rụng lá mùa đông, giống cây xanh bốn mùa, giống bông lớn bông nhỏ, giống nhuỵ dài nhuỵ ngắn, giống trổ hoa mỗi năm một lần, giống trổ hoa nhiều lần trong năm (encore) ..v.v. Nói tóm lại nạn “phân biệt chủng tộc” vốn dĩ do con người tạo ra chứ đỗ quyên nào thì cũng chỉ có chung một nguồn gốc là họ Ericaceae :-). Còn cái tên “Đỗ Quyên” trong tiếng Việt có lẽ xuất phát từ gốc chữ Hán Nôm. Bởi vậy nói đến hoa Đỗ quyên thì ở TQ có những câu chuyện dài thú vị. Từ những giai thoại nổi tiếng của Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ thời nhà Đường, cho đến những câu chuyện cận đại của nữ sĩ Quỳnh Dao (Đài Loan), nghe hoài không hết chuyện.

Và tháng tư, cũng là mùa của những câu chuyện dài về đất nước con người VN. Trong nước, ngoài nước gì cũng vậy. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi lúc tháng tư về, vẫn là những điệp khúc quen thuộc. Thắng thua, thương ghét, rình rập, chụp mũ, hận thù, cay đắng, mâu thuẩn, ngộ nhận, hiểu lầm, hiểu sai, khoác lác, kiêu binh, ngạo nghễ...v.v. cứ thế mà tuôn ra. Niềm vui nỗi buồn của một dân tộc cứ dấm dúi quyện lẫn vào nhau, đến hẹn lại lên, mà không cần ngoái đầu nhìn lại để phân tích đúng sai. Một cuộc chiến tranh không cần thiết, tưởng chừng như có thể tránh được, nhưng lại xảy ra và kéo dài qua bao thập kỷ làm cho đất nước tang thương đổ nát. Bi kịch chiến tranh phủ xuống từng mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi giòng họ, mỗi làng quê ... Ly biệt, đau thương, không sao kể hết. Máu và nước mắt của con dân nước Việt rải khắp trên mọi nẻo đường đất nước quê hương, từ Nam ra Bắc, chỉ để hy sinh cho một cuộc chiến tranh "ý thức hệ", gây ra bởi tham vọng của một số ít người, và nỗi sợ hãi của một vài nước lớn cùng đồng minh. Thậm chí, ngay cả những quyết định thắng thua, chấm dứt chiến tranh, cũng được định đoạt và ngã giá trên bàn cờ lợi ích của họ. Lý tưởng quốc gia hào hùng của bao thế hệ thanh niên VN yêu nước đã ngã xuống cho một cuộc chiến không đem lại lợi ích dân tộc. Xưa nay ai cũng biết ở bất kỳ quốc gia nào, một khi chiến tranh xảy ra thì người dân đen bao giờ cũng là những kẻ thất bại và chịu nhiều thiệt thòi mất mát nhất. Thế nhưng nhiều người vẫn ca tụng và chà đạp nhau là “bên thắng, bên thua”, mặc dù chưa chắc hiểu rõ nguyên nhân và giá trị (nếu có) của cuộc chiến tranh đó. Và hàng năm, vũ điệu "nghê thường" thắng thua ấy lại cứ trỗi lên như một quán tính vô thức. Tất nhiên điệp khúc đó không phải là tờ bảo chứng cho một xã hội văn minh hơn hoặc trí tuệ hơn, càng không thể làm cho một đất nước phồn thịnh hơn hạnh phúc hơn. Mà đôi khi đó chỉ là những câu chuyện biết rồi, nói mãi, nói cho có nói !

Và thời gian trôi qua, những ranh giới địa lý có thể không còn nữa, nhưng ranh giới trong lòng người thì vẫn chưa bao giờ (hoặc không bao giờ) lành lặn hẳn. Kẻ "thắng" người "thua" đều có những nỗi niềm riêng của họ. Đặc biệt là hàng năm, cứ được nhắc nhở như tới phiên đi khám định kỳ. Hiểu lầm càng hiểu lầm, mâu thuẩn càng mâu thuẩn, hận thù kéo dài cho đến chết. Điều đó có đem lại một viễn cảnh khả quan cho đất nước hay chăng ? Điều đó có làm cho một dân tộc đồng lòng chung sức, đoàn kết gắn bó, hoặc có tiếng nói chung hay chăng ? Chắc chắn ai cũng dễ dàng tự nghiệm ra câu trả lời cho chính bản thân mình !

50 năm trôi qua, gần cả một đời người, nhưng nhiều người vẫn quyết chí hơn thua, vẫn chì chiết tranh cãi nhau từng câu từng chữ, ví dụ như từ "giải phóng" chẳng hạn. Và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày đến tháng lại lôi ra, mặc dù trong lòng ai cũng hiểu rõ nhau mồn một. Thậm chí có vài tờ báo lớn chính thống ở VN cứ đợi đến tháng tư là hớn hở đăng bài "Ông nào vô dinh Độc lập trước?". Hài hước và chật hẹp ! Hay là phải đợi nghe lại một Dương Thu Hương ngồi bệt xuống giữa lòng đường Saigon mà khóc, hoặc một Nguyễn quang Lập viết về "Saigon đã giải phóng tôi", hoặc Bảo Ninh kể lể “Nỗi buồn chiến tranh", hoặc Đỗ Trung Quân xin "Tạ lỗi Trường Sơn".... thì mới hiểu thêm ra ý nghĩa của vài ngôn từ đã khuất ? 

Trên thế giới cũng có một vài quốc gia có hoàn cảnh tương tự như VN, nhưng không thấy ai kéo dài mâu thuẩn dân tộc, quyết hơn thua đủ bằng những chữ nghĩa buồn cười như thế. Còn ở nước ngoài, đối với người VN tị nạn tha hương, tháng tư hàng năm vẫn là những khúc nhạc buồn "u uẩn chiều lưu lạc". Thế hệ lưu vong thứ nhất sắp qua đi với nhiều ký ức sâu đậm, nỗi buồn đắng cay, và những uớc mơ dang dở. Rồi thế hệ thứ hai, thứ ba .... sẽ còn lại gì trong những gói ghém, mong đợi kế thừa đó ? Bốn mươi mấy năm đã trôi qua, đất nước con người VN rồi sẽ đi về đâu ?

Tháng Tư năm nay không còn u ám ảm đạm như năm ngoái (ít ra là ở nước Mỹ). Cả nửa nước Mỹ đã chích ngừa, dịch bệnh không còn là nỗi lo lắng ám ảnh như năm trước. Hoa lá cây cỏ cũng xinh tươi hơn. Chim chóc thỏ nai dường như cũng sinh sôi nhiều hơn (dạo này làm vườn thường gặp thỏ con, chim con...). Hàng năm, vào mùa này mình thường chở con lên Biltmore House, lên Ashville, lên rặng Blue Ridge để ngắm hoa lá vào xuân nở rộ. Nhưng năm nay dịch bệnh chưa dứt, vẫn còn chưa đi được. Vườn nhà mình cũng có khoảng mười mấy loại đỗ quyên khác nhau, đành ra sau làm ly rượu ngắm cây nhà lá vườn cho đỡ ghiền vậy :-) . 

Nói đến hoa đỗ quyên, thì xưa nay người ta thường nhắc đến Thánh thi Đỗ Phủ. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài dịch ra tiếng Anh tựa là “Sea of Blood Red Azaleas". Riêng mình, cứ đến tháng Tư nhìn hoa đỗ quyên nở rộ, lại nghĩ đến một bài thơ của Lý Bạch - "Tuyên Thành kiến đỗ quyên hoa":

Tuyên Thành kiến đỗ quyên hoa

Thục quốc tằng văn tử quy điểu
Tuyên Thành hoàn kiến đỗ quyên hoa
Nhất khiếu nhất hồi trường nhất đoạn
Tam xuân tam nguyệt ức Tam Ba.

Tạm dịch nghĩa là:

Đã từng nghe tiếng chim quyên trên đất Thục
Nay đến Tuyên Thành lại nhìn thấy hoa đỗ quyên
Mỗi một tiếng kêu vọng về như đứt ruột,
Cứ tháng ba mùa xuân lại nhớ đất Tam Ba !

Bài thơ này đã có nhiều "nhà thơ" VN dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên vì nhiều bản dịch quá, không biết phải nghe theo ông nào, nên mình chỉ mạn phép dịch nghĩa thôi. Mình thì chưa từng ở đất Thục, cũng chưa từng đến Tuyên Thành, nhưng từng lớn lên ở đất Việt và từng sống ở đất Tây. Mỗi độ tháng tư về thích ngắm nhìn đỗ quyên nở rộ, và cũng đã bao lần đau đáu nghĩ đến quê nhà .....!

PN (2021)




1 comment:

Comments: