Monday, October 04, 2021

Ý nghĩ và đích đến ! (Thoughts & Destiny )

 


Mấy tháng nay quê nhà dịch bệnh nặng nề. Chết chóc đói khổ nhiều nơi, nhất là ở SG. Phong toả, đóng chốt, rượt đuổi, bao vây ... SG không còn nữa những "con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", mà thay vào đó là hình ảnh những cung đường lặng lẽ, lạnh lùng, người lạy nhau trên phố. Những đoàn người lũ lượt trốn đi trong đêm như hành trình thập tự chinh của người Do Thái. Mùng, mền, chiếu, gối và những ước mơ đổi đời được gói gọn sau những chiếc ba ga gầy guộc. Những em bé vẫn còn bồng bế trên tay chưa biết gì, và những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác quấn khăn quàng đỏ, lở dở tương lai. Những người nghèo khó đùm bọc nhau, chia xẻ từng gói mì chai nước, giúp nhau từng đồng bạc đổ xăng về quê. Những giọt nước mắt đã nhỏ xuống ngậm ngùi và cái ngoái đầu nhìn lại. Những thân thể cuộn tròn bên lề đường chợp mắt ru con. Những bàn tay nhỏ bé bất lực chào nhau lần cuối, rồi quay nhanh dấu nỗi nghẹn ngào... Còn bao nhiêu cảnh tượng đáng thương nữa, nhìn những hình ảnh đó ai lại chẳng đau lòng ? 

Ở nước ngoài, những người con xa quê cũng đau lòng không kém. Nhiều người đau đáu hướng về quê nhà. Mấy ông bạn, ông anh bên Đức, bên Mỹ, bên Tây, thỉnh thoảng lại email, ai cũng mong dịch bệnh chóng qua, để về thăm lại quê nhà, ai còn ai mất. Nhiều người gởi cho nhau những bài thơ khúc nhac. Cũ có, mới có, chia xẻ nỗi buồn. Có những câu, những chữ, dường như đã qua đi lâu lắm rồi, giờ nghe lại, thấy buồn man mác !

Mẹ tôi em có gặp đâu không ?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em bé nhỏ
Bao năm rồi xác trẻ trôi sông !
(Quang Dũng)

Tuần trước, ngồi xem lại mấy cuốn phim tài liệu của thời kỳ dịch cúm năm 1918 (Spanish Flu) và các giai đoạn phục hồi sau năm 1920. Rồi nghĩ đến cơn dịch của ngày hôm nay, có những điểm tương đồng mặc dù đã hơn 100 năm trôi qua. Bỗng nhớ đến Erich Maria Remarque. Nhớ "Bia mộ đen và bầy diều hâu gãy cánh" (The Black Obelisk), nhớ "Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống" (Flotsam)..... Rồi cả một thời sinh viên hoang dại trở về !

(Ngoài lề chút, cho đến nay mình vẫn cảm thấy may mắn được sinh ra trong buổi giao thời của đất nước. Để được thấy sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, để sống với những đổi thay của con người và xã hội, để được tận mắt chứng kiến những biến động cũng như bao sự kiện lịch sử quan trọng của thế giới và quê nhà. Trong đó, có cả cơn đại dịch Vũ Hán lần này. Tất nhiên một số người quan niệm khác, cho rằng đây là một thế hệ bất hạnh và đầy hệ luỵ khổ đau. Cũng có một số người cho rằng đây là một thời kỳ rực rỡ, hãnh tiến chưa từng có. Mình tôn trọng những quan niệm đó, riêng mình vẫn nghĩ rằng khi nhìn nhận vấn đề với một thái độ tích cực và công bằng sẽ giúp cho cái nhìn trung thực hơn).

Nhớ lại thời mình còn đi học, cả một đất nước khó khăn nghèo đói. Bên cạnh đó là những biến cố xã hội xảy ra liên tục và bất ngờ, nhiều người hoảng loạn, bối rối, và sợ hãi. Thời kỳ "quá độ", cơ chế bao cấp, chuyên chính vô sản, hợp tác xã, kinh tế mới, đi cải tạo, đánh tư sản, đánh địa chủ, đổi tiền, điều tra lý lịch, chiến tranh Tây Nam, chiến trường Tây Bắc .v.v... Cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng lần đầu. Còn hạnh phúc hay đau khổ, hân hoan hay cay đắng, là tuỳ vào vị trí và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng đại đa số người miền Nam nói chung và người Sài gòn nói riêng, đã sống cam chịu và nhẫn nhịn, cố hy vọng và chờ đợi sự thay đổi ở ngày mai để làm động lực vượt qua những tháng ngày khốn khổ. Cũng có nhiều người chịu đựng không nỗi, đã liều chết ra đi, và hàng trăm ngàn người đã ngã xuống giữa rừng sâu hoặc vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương.

Rồi mấy chục năm trôi qua, cuộc sống đất nước có thay đổi chăng ? Chắc chắn là có. Quy luật vô thường của vũ trụ, tất cả mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, không ai có thể làm ngược lại. Có những thứ thay đổi tốt hơn, cũng có thứ thay đổi xấu hơn. Ngày hôm nay phải khác ngày hôm qua. Ngày mai sẽ khác hơn ngày hôm nay. Đó là chuyện tất nhiên, nhưng khác thế nào mới là quan trọng. Rồi cho đến ngày hôm nay, cuộc sống của người dân có còn phải cam chịu và nhẫn nhịn nữa không ? Ai cũng có thể dễ dàng tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình !

Có nhiều người thường dùng yếu tố thời gian để so sánh sự đổi thay hoặc tiến bộ của một đất nước. Mình nghĩ là sự so sánh nào cũng khập khiễng, vì sự thay đổi luôn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Quả nhiên là vậy. Chỉ cần 30 năm, một quốc gia thất trận, bị tàn phá như Nhật đã có thể vươn lên trở thành một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh thứ hai trên thế giới thời bấy giờ. Chỉ cần 35 năm Singapore trở thành một đất nước có nền kinh tế phồn thịnh hàng đầu thế giới. Đài Loan, Hàn Quốc cũng vậy, không cần đến 30 năm đã trở thành cường quốc về kinh tế và dân trí trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể đem Liên Xô, Triều Tiên hoặc Cuba mà so sánh với họ được. Những nước Đông Âu cho đến ngày nay vẫn còn vất vả để đuổi kịp các nước Tây Âu láng giềng của họ. Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất cho sự thay đổi và phồn thịnh không phải là thời gian, càng không phải là thành tích chiến tranh, mà là ở tư duy, ở trong từng ý nghĩ của mỗi con người.

Thời đại hôm nay, các ngành tâm lý học hoặc xã hội đương đại, ai cũng biết đến nguyên tắc chung “Thoughts become actions. Actions become habits. Habits become character. Character becomes destiny”. Tạm dịch là: “Ý nghĩ dẫn đến hành động. Hành động dẫn đến thói quen. Thói quen dẫn đến tính cách. Tính cách dẫn đến vận mạng”. Cá nhân cũng thế mà đất nước cũng vậy. Điều này thì rõ ràng quá, lại dễ dàng chứng minh, nên cũng chẳng ai tranh cãi gì nhiều. Có chăng là nhiều người lâu lâu vẫn còn tranh cãi ai là tác giả câu này. Người thì cho là của Lão Tử, người thì cho là của Gandhi, người thì bảo là của bà Thatcher. Thực ra người nào có đọc hoặc nghiên cứu về Yogacara (tên khác là Yogachara, Vijnanavada, Vijnaptimatra, Consciousness Only, Duy thức ....) thì những điều này đã được nói đến từ hơn 2500 năm trước rồi. 

Xin mở ngoặc chút, một số người xưa nay vẫn thường ngộ nhận quy chụp nhiều quy luật tự nhiên là của đức Phật tạo ra, hoặc là sở hữu của đạo Phật. Ví dụ như vô thường, nhân quả, hoặc đạo lý đang nói đến ở đây. Thực ra Đức Phật không phải là đấng tạo hoá, Ngài cũng không phải là Thượng đế như theo quan niệm ở một số tôn giáo khác. Cho nên những gì trong kinh sách mà Ngài đã giảng dạy truyền lại đều là những quan sát thực tế, trãi nghiệm và thực chứng dưới con mắt trí tuệ (prajna, wisdom) của một đấng giác ngộ, chứ Ngài không tạo ra những quy luật đó, và càng không muốn tranh giành công lao, lập thành tích, hoặc đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền :-).

Nói thêm chút, đạo Phật vốn cho rằng mọi thứ trên cuộc đời này đều xuất phát từ ý nghĩ (thoughts). Không những chỉ là số phận, mà cái tôi, cái tớ, cái "bố mày", cái chủ tịch, cái giám đốc, cái cu li, cái nô lệ, cái tự chủ, cái có, cái không, cái hạnh phúc, cái khổ đau....v.v.. nôm na đều bắt nguồn từ sự tương tác của thân và ý (body & mind) với môi trường chung quanh mà tạo thành. Ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì mình nghĩ nên đọc tài liệu nói về 8 thức (consciousness), và 5 uẩn (skhandas). Còn đối với dân thường sửa máy tính như mình, thì đơn giản coi "body" như là phần cứng (hardware), coi "mind” như là phần mềm (software). Cho nên anh nào muốn thay đổi tư duy, thì kiếm phần mềm khác bỏ vào chạy thử xem sao :-).

Tuy nhiên nói vậy chứ không dễ chút nào. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi quốc gia mỗi cách. Rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hằng ngày nổ lực tìm kiếm và cổ vũ những tư duy sáng tạo, đề cao những lối suy nghĩ mới lạ. Bởi họ cho rằng đó là động lực chính để nâng cao giá trị đời sống con người, canh tân đất nước, cải tiến xã hội, thay đổi thế giới (changing the world). Những đứa trẻ đi học từ nhỏ đã được thầy cô, cha mẹ, khuyến khích nên suy nghĩ độc lập, tư duy rộng rãi, đa phương đa chiều, và luôn đeo đuổi giấc mơ "thay đổi thế giới". Thế nhưng bên cạnh đó, thì cũng còn một số quốc gia, giáo dục tư tưởng đi theo những khuôn mẫu nhất định, không dám phản biện lại hoặc đi theo lối khác. Thử hình dung nếu như sự đào tạo, tuyển chọn nhân sự, bao năm qua vẫn duy ý chí bằng một cách thức giống nhau, vẫn hồng hơn chuyên, vẫn hạt giống vẫn nguồn giống nhau, vẫn lựa chọn tư duy và cách nghĩ giống nhau, thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là khó có thể mong đợi những đột phá về tư duy hoặc phương cách ứng xử khác biệt. Hãy nhìn vào hiện trạng thực tế của năng lực nhân sự ngày nay (nhất là qua đợt chống dịch vừa rồi) để có những nhận định cụ thể hơn. Thỉnh thoảng chắc cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đó là thiểu số rất ít.

Nhớ có lần ngồi nói chuyện với một người quen, anh ta nói mấy đứa nhân viên của anh bây giờ "phản động" lắm. Nghe nghiêm trọng quá, nhưng hỏi ra mới biết là mấy đứa trẻ có những tư duy mới mẻ, khác với lối suy nghĩ cổ xưa của các bậc trưởng bối. Mình góp ý với anh ta nên phân biệt được chữ "phản biện" và "phản động", không nên cứ nghe người ta nói bậy rồi nói theo, mà không hiểu được cái nghĩa của chữ "động" là gì. Rất nhiều trường hợp xưa nay vì không hiểu thấu vấn đề, hoặc thiển cận, hoặc sợ hãi mơ hồ, mà bóp chết nhiều tư tưởng và ý kiến cải cách có thể đem lại sự phồn thịnh cho quốc gia dân tộc. Ngày xưa thời phong kiến đã đành, ngày nay thời văn minh cũng không hiếm. Mình thì vốn nghĩ rằng một quốc gia có chính quyền, có quân đội, có quan to quan lớn, có luật pháp, sao lại sợ hãi một vài tư tưởng khác biệt ?  Chắc có lẽ chỉ là một vài cá nhân địa phương kém hiểu biết, hoặc chưa biết cách chấp nhận sự khác biệt, nên không xử dụng được cái hay cái mới của người khác thôi. Ngoài ra cũng có thể một số người ngộ nhận cho rằng phải có bằng này cấp nọ, hoặc con ông này cháu bà kia mới có khả năng suy nghĩ “đúng”. Buồn cười là những vị lãnh đạo quốc gia tên tuổi và thành công trên thế giới lâu nay, đại đa số chẳng có học vị cao, cũng chẳng ông nào có trình độ chính trị cao cấp trung cấp gì cả. Nhưng họ đều có điểm chung là suy nghĩ đúng và dám vì quốc gia hy sinh quyền lợi cá nhân !

Nói đến đây mình nhớ đến một câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế. Hàng năm vào những mùa mưa lũ lớn, các tăng đoàn thường xin vào tá túc ở nhà dân vài ngày rồi đi tiếp. Lần đó, tăng đoàn xin trú chân tại một ngôi làng nhỏ. Sau khi tất cả mọi người sắp xếp được nơi trú ngụ, chỉ còn lại Ananda, đệ tử của đức Phật, và một ngôi nhà thổ của cô gái điếm trong làng. Mọi người trong đoàn đều cảm thấy bối rối và lo lắng, Ananda cũng vậy, bèn kéo nhau đến hỏi ý kiến đức Phật là có nên vào đó ở chăng ?

- Cô ta có mời ngươi vào ở không ? Đức Phật hỏi .

- Dạ có. Ananda trả lời .

- Vậy thì tại sao không ?

Nghe Đức Phật nói thế, cả tăng đoàn xôn xao, ồn ào thắc mắc tại sao đức Phật lại để cho đệ tử của Ngài, Ananda, vào nhà thổ ở dài ngày. Nhiều người cho rằng Ananda sẽ bị cô gái ấy (thế lực thù địch) dụ dỗ mất thôi. Nhưng Đức Phật từ tốn trả lời :

- “Ta đã khổ công tìm tòi học hỏi và thực chứng được con đường tu tập này. Ta cho rằng đây là phương pháp tối thượng để giúp các ngươi cùng chúng sanh tu tập, giác ngộ và thoát khỏi khổ đau. Nếu bây giờ cô gái đó có phương pháp còn hay hơn ta, có thể khiến Ananda bỏ pháp của ta mà đi theo cô ấy. Thì các ngươi cũng không nên theo ta nữa, mà nên đi theo cô ta. Bởi nếu các người thực sự là những người muốn tìm kiếm sự thật, cầu tiến, và luôn mong muốn đạt tới cảnh giới cao hơn của trí tuệ, thì hãy nên mạnh dạn đi theo những gì tốt đẹp hơn”.

Quả nhiên là vậy, xưa nay vẫn thế. Nếu ta đúng, ưu việt, thì ngại gì người bỏ ta đi. Còn nếu không, thì dẫu mọi cố gắng chiêu trò cũng gượng ép được bao lâu ? Mà nếu người không đủ khả năng phân biệt tốt xấu đúng sai, thì lo lắng có thay đổi được gì chăng ? Cả tăng đoàn lắng nghe theo Ngài, nhưng cũng còn nhiều bậc trí giả ấm ức, hậm hực. Một số người trong tăng đoàn vẫn không đồng ý để Ananda ở chung nhà với "thế lực thù địch", vì e sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ, nên đã âm thầm theo dõi, để về báo cáo :-).

Khi đó, chiếc y của Ananda đã cũ, mỏng manh quá. Cô ấy may cho Ananada một tấm y mới bằng lụa quý, đắp lên người của Ngài. Mấy anh theo dõi nghĩ rằng "thôi rồi lượm ơi" !

Khi đó, mùa giá lạnh, cô ta nấu những chén cháo nóng dâng lên cho Ananda. Ngài Ananda ăn ngon lành, mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị thế lực thù địch dụ dỗ rồi" !

Đêm đến, cô ta múa cho Ananda coi. Mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị văn hoá đồi truỵ ảnh hưởng rồi" !

.... Và cứ thế, ngày nọ đến ngày kia, nhiều báo cáo “tối mật” đồn đãi trong tăng đoàn là Ananda đã bị thế lực thù địch âm mưu mua chuộc rồi. Cho đến cuối cùng, khi những ngày mưa gió qua đi, tăng đoàn tập trung lại để cùng với Đức Phật tiếp tục cuộc hành trình. Ananda cũng trở về với tăng đoàn, đi sau lưng Ngài là một vị ni sư mới, đó chính là cô gái điếm của "thế lực thù địch" :-).

Một câu chuyện đáng cho đời sau suy ngẫm, đặc biệt là những người luôn đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu, và luôn quy chụp những gì khác biệt đối với cách nghĩ của bản thân. Mà cũng không phải chỉ có trong PG mới đề cập đến tầm quan trọng của tư duy và ý nghĩ (thoughts). Thực ra khi ngành tâm lý học bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ 19, thiên hạ cũng đã tranh luận rất nhiều về những quan điểm này. Nhiều nhà tâm lý học đã lục lại những di sản quan trọng của Aristotle, Descartes, Jean-Jacques Rousseau ...để làm tiền đề cho các nghiên cứu thời bấy giờ. Một câu nói nổi tiếng của Descartes là "I Think Therefore I Am" cũng được nhắc đến thường xuyên, và mãi cho đến ngày hôm nay. Vào đầu thế kỷ 20, James Allen, có cho ra cuốn sách ngắn có tên là "As a Man Thinketh", nói đến sức mạnh thực sự về sự suy nghĩ của con người. Và nó đã nhanh chóng trở thành một tác phẩm đình đám thời bấy giờ. Tác phẩm có những điểm tương đồng rất hay giữa triết học hiện đại và PG cổ đại, đó là nghiệp lực, năng lượng, và hậu quả sinh ra bắt đầu từ trong ý niệm.

Lan man quá, giờ trở lại chuyện dịch bệnh ở quê nhà. Rất không may mắn, VN từ một đất nước tự hào về cách chống dịch giỏi nhất, nhưng chỉ một năm sau cũng với cách chống dịch đó, lại đưa đất nước VN, đặc biệt là SG, vào con đường bế tắc, rớt xuống cuối bảng xếp hạng của thế giới. Đại đa số các quan chức và giới hữu trách đã nổ lực hết sức của họ. Nhưng nổ lực nhất chưa hẳn là hiệu quả nhất. Nhiều sự hy sinh của các nhà hảo tâm, các bác sĩ, y tá, các lực lượng tuyến đầu đã làm rung động lòng người, nhưng kết quả thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Và mãi cho đến hôm nay, cả nước vẫn còn loay hoay giữa phương cách vừa sống chung với dịch vừa phục hồi kinh tế. Tất nhiên, chưa bao giờ ngoại lệ, và còn hơn bao giờ hết, VN cần những suy nghĩ tỉnh táo và đúng đắn để cứu dân cứu nước trong giai đoạn khó khăn này. 

Thiết nghĩ lối mòn suy nghĩ thường không phải là cách nghĩ dẫn ta ra khỏi lối mòn. Rất cần những tư duy mới, ý nghĩ mới, để có được cách làm mới hơn, hiệu quả hơn. Rất mong dịch bệnh chóng qua, đời sống người dân và xã hội trở lại an bình. Cũng mong VN ngày càng mạnh dạn thay đổi, từ cách bầu bán tuyển chọn nhân sự cho đến cách điều hành nhất quán, quan tâm hơn đến những suy nghĩ độc lập có chính kiến, cũng như tôn trọng hơn những ý kiến đóng góp chân chính, để góp phần tạo dựng đời sống xã hội an vui hơn, đất nước giàu mạnh hơn. Và tất nhiên là mọi hành động dẫn đến sự thay đổi lớn lao nào cũng đều bắt đầu bằng một cách nghĩ mới !

PN


No comments:

Post a Comment

Comments: