Mấy tuần nay ai cũng bận rộn lễ lộc. Trang hoàng, dọn dẹp, quà cáp, tiệc tùng, ăn uống với bạn bè đồng nghiệp … cũng đủ lu bu hết ngày hết giờ. Mùa này ở Mỹ thiên hạ náo nức xôn xao giống như tháng Chạp bên VN. Chỉ khác nhau chút là bên này nhân viên, hoặc cấp dưới không cần phải quà cáp, bìa thư cho cấp trên, sếp lớn. Mà ngược lại, làm sếp thì phải dẫn nhân viên đi ăn đi uống hoặc cho quà, nhưng cũng chỉ là số ít thôi. Ngon lành nữa (hoặc năm nào trúng số đề, trúng cổ phiếu) thì có khi sếp mời cả gia đình của nhân viên, hoặc khách khứa. Còn không có, thì nhóm nào chơi theo nhóm đó, ăn uống chúc tụng hoặc trao quà thiệp cho nhau, rồi mạnh ai nấy về, chứ chẳng có tăng hai tăng ba gì :-). Nói chung mùa lễ Noel chủ yếu là gia đình bạn bè người thân gặp mặt, chia sẻ và tận hưởng không khí lễ hội ấm áp, thân thiện và cởi mở, chứ không nhất thiết chỉ dành cho người có đạo. Có một số ít tôn giáo hoặc gốc dân như Do Thái, họ không ăn mừng Giáng sinh mà coi mùa này như một kỳ nghỉ Đông thường niên hoặc có ngày lễ riêng của họ như Hanukkah chẳng hạn. Một lý do nữa là Noel cận với Tết Tây nên nhiều gia đình hoặc công ty thường sắp xếp nghỉ ngơi dài ngày để đi chơi hoặc thăm viếng, càng làm cho không khí mùa lễ hội thêm phần náo nhiệt hơn.
Vào mấy dịp này thì các cô các bà tha hồ đi shopping mua sắm, còn cánh đàn ông thì lại ngán nhất vụ này. Rất may là những thập niên sau này có người phát mình ra "gift cards", nhất là gift cards online, cũng vĩ đại không thua kém gì "keo dính chuột" bên nhà :-). Mà nói đến quà cáp Noel, thì cứ đến hẹn lại lên, muôn màu muôn vẻ. Năm nay dịch bệnh hoành hành, chủng mới Omicron phát tán mạnh mẽ, nhưng có vẻ vẫn không làm yếu đi sức mua sắm của người dân Mỹ. Hàng năm vào dịp này, nhiều nhà sản xuất hoặc công ty thương mại cháy hàng, còn nhiều người đi mua thì cháy túi. Gần đây dịch bệnh kéo dài, cả thế giới bị khủng hoảng về vận chuyển, chuỗi cung ứng, và nhân sự. Nên năm nay nhiều công ty thương mại, vận chuyển, và phát quà, đã rối lại càng thêm rối. Có nơi nhận đơn mà không kịp giao hàng hoặc không có hàng để giao. Cũng đành chịu thôi, con người rồi cũng phải tập quen dần với những biến động của xã hội, và biết cách nhẫn nại hơn.
Nhắc đến chuyện cũ, nhớ đến cái thị xã ngày xưa mình ở, vỏn vẹn có 2 cái nhà thờ Roman Catholic, cái cũ cái mới. Thêm cái nhà thờ Tin Lành có trường trung học đệ nhất cấp. Đi ngang mỗi ngày, nhưng cả năm chỉ đến dịp Noel, mới dừng lại hoặc đi vào bên trong ngắm đèn, ngắm hoa, ngắm Chúa Hài đồng trong hang đá máng lừa. Trong xóm mình, có cụ ông tên T làm "ông Trùm" cho nhà thờ Cũ, chăm lo công việc giáo xứ. Ngày ngày hai buổi ăn mặc chỉnh chu nghiêm túc, bất kể nắng mưa, ông đi về đúng giờ như một chiếc đồng hồ Thuỵ sĩ. Cả xóm quen thuộc với tiếng chuông báo lễ sớm chiều của nhà thờ. Nhiều người dựa theo tiếng chuông để thức dậy, đi làm, đi học, mở cửa hàng quán, cho heo ăn, cho gà ăn ...v.v. Tuổi thơ của mình luôn coi Cụ T. là một biểu tượng của đức tin và sự dâng hiến, tận tụy với công việc. Sau năm 75, cả xóm tản mác, kẻ ở người đi, hàng xóm không còn gặp nhau từ dạo ấy. Cụ T có mấy người con làm sĩ quan lớn cho chế độ cũ, chắc gia đình đã có nhiều biến động, và ông có lẽ cũng về nước Chúa lâu rồi !
Đó cũng là những gì mình biết về đạo Chúa thuở nhỏ. Bởi vậy những chuyện như tổ chức Giáng sinh, Réveillon, quà cáp Noel...v.v... là những thứ xa lạ đối với tuổi thơ của mình. Mãi cho đến khi lên SG đi học, thì mới bắt đầu làm quen với những điều này. Mình có người bạn học, mấy anh em đều chơi đàn cho nhà thờ ở Tăng Nhơn Phú gần trường sĩ quan Thủ Đức cũ. Cũng thường về đó chơi, nên lần hồi biết thêm được một số nghi lễ và giáo lý trong đạo. Thời đó mình cũng có nhóm bạn rất thân ở SG. Đứa sinh viên, đứa đạp xích lô, đứa học nghề, đứa kinh doanh, đứa thất nghiệp, đứa công nhân, đứa chờ thời .... nói chung là đủ ngành nghề, nhưng lại rất gắn bó với nhau. Cả đám thường xuyên gặp mặt mỗi tuần. Đặc biệt là những dịp lễ lộc như Noel, tết nhứt, thì hẹn hò thâu đêm suốt sáng. Cho nên những quãng ngày đầy ắp kỷ niệm đó dễ gì quên được !
Nhớ lần đầu tiên mình nhận được món quà Noel, là một tấm thiệp của người Cô gởi về từ Mỹ. Rất quý, giữ mãi, bao nhiêu năm vẫn còn nhớ rõ như in cái hình ảnh đó. Một món quà nữa là vào dịp Noel đầu tiên trên đất Mỹ. Mùa Đông năm đó, gần lễ Giáng sinh, lần đầu biết "bão tuyết". Vốn chưa có kinh nghiệm, nên đến trường vô tình đậu xe chỗ trũng. Ra khỏi lớp, tuyết phủ ngập gần hết chiếc xe, không lấy ra được. Lội bộ đi đến chỗ làm, hai lỗ tai lạnh cóng, tím tái, không còn cảm giác. Mấy hôm sau, nhân ngày Noel, ông chú làm việc chung, một cựu sĩ quan VNCH, mua tặng mình chiếc nón len "thầy chùa" có hình logo của đội Redskins. Rất xúc động và trân quý vô cùng cho dù món quà không đáng là bao. Ở thời buổi chân ướt chân ráo mới đến Mỹ, vui buồn lẫn lộn, tình người là những thứ vô cùng quý báu. Bao nhiêu năm trôi qua, vật đổi sao dời, hàng năm vẫn có những món quà Noel khác từ bạn bè và người thân, có giá trị hơn nhiều về mặt vật chất, nhưng rồi cũng không nhớ hết được. Vậy mà 2 món quà đơn giản đó lại đi theo mình suốt cả hành trình !
Mấy hôm nay nghỉ lễ Giáng Sinh ở Savannah, tự nhiên lại lan man nghĩ đến chuyện quà cáp của ngày xửa ngày xưa. Chắc có lẽ vì bản thân thành phố Savannah cũng là một món quà Noel rất đặc biệt của lịch sử nước Mỹ. Kể lại chút, nhưng những ai có đọc qua lịch sử nước Mỹ, chắc cũng đã nghe đến câu chuyện này. Đó là vào thời Civil War, chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Năm 1864, quân đội miền Bắc (Union) do tướng William T. Sherman chỉ huy, đánh chiếm Atlanta thuộc tiểu bang Georgia. Một chiến dịch bạo lực thần tốc nổi tiếng của tướng Sherman, gọi là "March to the Sea", được bắt đầu từ thành phố Atlanta dẫn quân kéo ra biển. Đi tới đâu tàn phá và hủy diệt đến đó. Ý định của tướng Sherman là thị uy biểu dương sức mạnh để uy hiếp quân đội miền Nam (Confederates), hòng chấm dứt chiến tranh sớm. Gần 6 tuần vừa di chuyển vừa tàn phá, không thèm liên lạc với ai, cuối cùng quân đội của tướng Sherman đã đến thành phố Savannah vào trước ngày Noel (22/12/1864). Nhưng chính nơi đây, vẻ đẹp của thành phố này đã làm ông chùn tay, không đốt phá nữa. Và đích thân tướng Sherman đã viết lá thư dâng tặng thành phố Savannah cho tổng thống Lincoln như một món quà Noel. Nguyên tác bức thư là “I beg to present you as a Christmas gift the city of Savannah with 150 heavy guns & plenty of ammunition & also about 25000 bales of cotton”. (Tạm dịch là: Tôi xin trân trọng dâng lên Ngài một món quà Giáng Sinh, thành phố Savannah với 150 súng pháo hạng nặng và đạn dược cùng với 25,000 thùng vải sợi). Bức thư được chuyển bằng tàu chiến lên Fort Monroe ở bang Virginia, để đánh dây thép (telegraphed) cho kịp đến tay T/T Lincoln vào ngày lễ Giáng sinh năm đó. Một sự trân trọng của kẻ chiến thắng, một sự lãng mạn bất ngờ của vị tướng đầy bạo lực !
Dĩ nhiên là trong lịch sử chiến tranh, kiểu ứng xử như tướng William T. Sherman cũng không phải là hiếm. Có nhiều vị tướng đánh đấm giỏi nhưng chưa hẳn là biết cách trị quốc an dân. Ngược lại khi coi lá thư trả lời của T/T Lincoln gởi cho tướng Sherman, và thái độ ứng xử của ông về việc này, thì càng hiểu thêm tại sao nước Mỹ luôn kính trọng và coi T/T Lincoln là vị tổng thống hàng đầu của đất nước. Xưa nay, chuyện ứng xử đối với nạn kiêu binh của bên “thắng cuộc” đã khó, giáo hóa cho họ hiểu được đạo lý gần xa, lợi ích ngắn dài, lại càng khó khăn vô vàn.
Thực ra trong cuộc chiến nào rồi cũng có bên "thắng", bên "thua". (Mặc dù suy cho cùng thì chính người dân cả đôi bên mới là kẻ thua thực sự). Trong nhiều trường hợp, kẻ “thắng" chưa hẳn là đúng, là tốt; mà kẻ "thua" chưa hẳn là sai, là xấu. Bởi kết quả của cuộc chiến còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời cuộc, chính trị, xã hội, con người, biến động trên thế giới, hoặc sự can thiệp của các thế lực ảnh hưởng khác. Ai có đọc qua lịch sử đều biết rõ điều này. Tuy nhiên, chính sự ứng xử của bên "thắng cuộc" mới là quyết định quan trọng của phần còn lại. Một chiến thắng sẽ trở nên vô nghĩa hoặc có thể tồi tệ hơn, nếu không tạo ra được sự đoàn kết dân tộc và đem lại sự phồn thịnh cho đất nước. Ý nghĩa thực sự của một cuộc nội chiến không phải là "được làm vua thua làm giặc" như một số quốc gia quan niệm, mà là tạo ra được sự an vui hạnh phúc cho người dân, làm cho đất nước được phát triển hùng cường. T/T Lincoln là người có tầm nhìn đó và có thể hoá giải những mâu thuẩn nội bộ. Đáng tiếc, lắm khi những con người vĩ đại lại phải chết dưới tay của những kẻ tiểu nhân tầm thường !
Noel năm nay, thời tiết ở miền Đông nước Mỹ ấm lạ. Đêm đến, làm ly rượu ngồi nhìn con sông Savannah lững lờ trôi về phía Đại Tây dương, thật đẹp. Nghĩ đến những thời gian gần đây, nước Mỹ bị phân hoá trầm trọng, quốc hội hơn thua, coi chuyện đảng phái quan trọng hơn chuyện nước nhà. Bao nhiêu mưu hèn kế bẩn đều đem ra thi thố, ngày càng ngăn cách. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa lợi dụng niềm tin và sự ngây thơ của người lương thiện. Những lá cờ Confederate bao nhiêu năm im ắng, nay lại được đem ra. Antifa, QAnon ... nhóm nọ nhóm kia, những cuộc đập phá, hôi của, hôi chính trị, cơ hội a dua, đạp đổ tượng đài lịch sử. Hết cớ này tìm cớ khác, dựng chuyện đổ lỗi cho nhau. Có nhiều người chưa bao giờ đọc qua trang lịch sử, chỉ nghe đầu này nói lại đầu kia, bị kích động biểu tình đập phá, dèm pha kỳ thị, phi dân chủ mà cứ ngỡ là đang mang trọng trách yêu nước. Ủng hộ, chửi bới, dèm pha, thuyết này thuyết nọ … đầy rẫy trên mạng. Đôi khi có những nhầm lẫn là do truyền thông, FB, Youtube … nhưng cũng có nhầm lẫn là do bạn bè người thân phao tin lệch lạc mà ra. Nhiều người vì không tìm hiểu rõ ràng mà phải vướng vào con đường lao lý, tù tội. Mấy tháng nay, nhóm quốc hội điều tra vụ nổi loạn ngày 6/1, cứ lần hồi lôi hết chuyện này đến chuyện khác. Càng coi càng ngán ngẫm cho những tấm lòng "yêu nước thương dân" của các vị quan chức. Cuối cùng ai thắng ai thua, vẫn chưa biết. Nhưng có một điều chắc chắn họ không phải là những con người có khả năng làm cho đất nước này đoàn kết lại !
Còn Savannah, món quà Noel năm nào, khi màn đêm buông xuống, vẫn cứ lung linh sóng nước, đèn hoa như thường lệ. Uống gần hết chai rượu bỗng nghe tiếng đàn piano từ một quán bar hay nhà thờ nào đó văng vẳng bài ca Noel quen thuộc, như đón chào một đêm Giáng sinh tràn đầy hồng ân Thiên chúa. Cũng mong vậy. Cầu cho dịch bệnh sớm qua, và cuộc sống khắp nơi sớm trở lại bình thường. Chúc tất cả các bạn bè thân hữu một năm mới an vui và hạnh phúc.
PN
"Be with a leader when he is right, stay with him when he is still right, but leave him when he is wrong.” (A. Lincoln)
No comments:
Post a Comment
Comments: