Sunday, November 21, 2021

Phiếm: Nhiều chức để làm gì ?


 

Mấy năm gần đây, người VN thường có câu hỏi "Nhiều tiền để làm gì?". Có người hỏi thật lòng, có người hỏi với ý trêu ghẹo, và cũng có người hỏi vì đã ngộ ra một điều gì đó sâu sắc hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó tất nhiên là vẫn còn bao nhiêu người khác miệt mài đeo đuổi tiền bạc danh vọng mỗi ngày, mà không ai có thể đoán được khi nào mới là điểm dừng của họ. Và trong lúc có những người nhiều tiền không biết làm gì, thì xã hội chung quanh vẫn nhan nhản bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra. Những mảng đời lây lất bên lề xã hội, trong bệnh viện, dưới gầm cầu, bên bãi rác…. Những đứa bé nghèo khó trông chờ từng manh áo ấm từng bữa cơm no, ấp ủ từng ước mơ được cắp sách đến trường. Những kẻ bất hạnh vẫn mỏi mòn chờ đợi từng ngày để qua đi kiếp sống khốn cùng kém phần may mắn. Nói đâu xa, ngay cả ở TP HCM, một nơi được cho là " Singapore thứ hai", vẫn còn không ít người dân ở ngoại thành đến nay vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất, lây lất không nhà không cửa, bữa đói bữa no. Nhiều gia đình vẫn chưa có được cái nhà vệ sinh kín đáo để che dấu cái bàn dân thiên hạ mỗi lúc cần giải bày tâm sự … !

Nhưng đó là chuyện nhiều tiền nhiều gạo, nói bao giờ cho hết ? Nói sang đến chuyện nhiều chức. Mới tuần rồi, ngồi đọc tin tức bên nhà, lướt qua một vụ án tham nhũng quen quen, có thấy nhắc đến một vị cựu "sư thầy" chạy án. Nhìn cái danh mục chức sắc của ông ta mà mình choáng. Tự nhiên, loé lên câu hỏi “Nhiều chức để làm gì ?". Một câu hỏi mà chắc chắn lâu nay nhiều người cũng đã từng băn khoăn nghĩ đến rồi. 

Tất nhiên đây không phải lần đầu mình được nghe, được thấy một vị tu sĩ VN có nhiều chức sắc như vậy. Chỉ hơi ngạc nhiên là chức tước cùng lúc nhiều đến thế, thời gian đâu nữa để mà tu hành ? Mà để trả lời câu hỏi “Nhiều chức để làm gì?” thì từ một ông quan chức nhỏ cho đến một lãnh đạo cao cấp, chắc cũng phải khó khăn lắm mới trả lời đúng được, huống hồ chi là một bậc tu hành. Dĩ nhiên ở đây chúng ta đang nói đến câu trả lời cho chính lương tâm của họ, chứ còn trả lời cho thiên hạ trên báo trên đài thì bao giờ cũng dễ hơn nhiều.

Thực ra lâu nay ai cũng biết "chức sắc" chỉ là hình thức, là phương tiện để cơ cấu sắp xếp, hoặc phân bố tổ chức của một đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, đơn vị hành chánh, hoặc chính quyền nhà nước, tổ chức quốc tế ...v.v. Mỗi chức vụ thường sẽ có những trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự, và quyền lợi tương ứng với chức vụ đó. Hầu hết trên thế giới, người ta thường chỉ quan tâm đến việc làm, sự cống hiến, trách nhiệm, hoặc vai trò thực hiện của người mang chức sắc. Làm công ăn lương thì có đúng người đúng việc không ? Làm quan chức thì có làm đúng trọng trách công việc không, có làm được việc gì hữu ích cho người khác, cho xã hội, cho dân cho nước hay không? Vì đó mới là mục đích chính, là phần hồn, và là điều quan trọng nhất đối với một chức vụ. Nhưng rồi cũng không biết cái văn hoá mê chuộng chức sắc này bắt nguồn từ đâu, mà lần hồi ở một số nơi trở thành nạn “loạn” chức sắc. Trong nước ngoài nước gì cũng gặp. Có chức được lãnh lương, có chức chỉ lãnh nợ. Ví dụ như ở nước ngoài làm chủ tịch chủ tiếc cộng đồng VN ở những địa phương có người Việt, chỉ là công việc tự nguyện ăn cơm nhà vác ngà voi, chủ yếu giúp bà con đồng hương tổ chức Tết nhứt, hội hè cho vui. Vậy mà có nơi cũng tranh giành nhau đến bốc khói, rồi lại có nhiều chỗ năn nỉ không ai chịu làm. Thật ra cũng có người hết lòng phục vụ đồng hương, nhưng cũng có người chỉ muốn tranh nhau cái chức hoặc khoái cái tên. Nên nhiều lúc dở khóc dở cười, vừa khôi hài vừa chua chát !

Nhiều người cho rằng văn hoá ham hố chức sắc này hình thành từ thời phong kiến xa xưa, vì "chức" có liên quan đến quyền hành và bổng lộc. Có thể vậy mà cho đến ngày nay vẫn còn một số nơi trên thế giới tồn tại quan niệm này, đặc biệt là ở những quốc gia có nạn tham nhũng và cửa quyền lộng hành. Tuy nhiên không phải ở đất nước nào cũng như vậy, cho nên đôi lúc gây ra một số hiểu lầm không nhỏ. Ví dụ như có nhiều người quen ở VN hiểu lầm về công việc của những nhân viên hoặc quan chức trong chính phủ Mỹ. Thông thường thì làm công chức nhà nước, chính phủ, cũng là một công việc bình thường, có trách nhiệm nghĩa vụ hẳn hoi tùy theo vị trí. Công việc chính phủ nhà nước thì thường không phải là những công việc có lương cao so với các công ty tư nhân bên ngoài. Tuy nhiên làm việc cho chính phủ thì các quyền lợi khác như tính ổn định việc làm cao hơn, tiền hưu, bảo hiểm sức khoẻ, thời gian nghỉ phép, nghỉ bịnh .v.v... tốt hơn. Nói đến lương bổng hoặc các khoản khen thưởng, thì các công ty tư nhân bên ngoài thường phong phú và rộng rãi hơn, đặc biệt là những công ty tư nhân lớn có các khoản đãi ngộ khác như tiền thưởng, stock options (cổ phiếu/cổ tức)... Còn nói về quyền hạn của các quan chức chính phủ Mỹ, thì chức vụ nào có nhiệm vụ nấy, ít ai dám lạm quyền lấn sân, cũng như ít chuyện hối lộ tham nhũng (ít chứ không phải là không có nghen). Chuyện lại quả hoặc cục sắt ném đi cục chì ném lại càng hiếm, vì lạng quạng dễ vô tù. Nên làm ông giám đốc sở, thị trưởng, nghị viên, thượng viện hạ viện, thống đốc, thậm chí tổng thống... thì cũng bình thường thôi. Lương của họ còn thấp hơn nhiều người khác, mà "lậu" thì cũng chẳng có bao nhiêu. Trời mưa lội nước thì cũng tự che dù mà đi, chẳng ai phải cõng họ bao giờ. Ngay cả những vị lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, nếu tư cách đàng hoàng, năng lực tốt, gặp nhau người ta còn chào hỏi, kính trọng. Ngược lại, lỡ khi ra đường, vô quán ăn, đi quán nhậu ... để dân bắt gặp, bị kêu tên chửi thẳng hoặc la ó um sùm cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên vì thông tin không đầy đủ, nên nhiều người VN có bạn bè hoặc người thân ở Mỹ, mỗi khi nghe ai nói đến làm việc cho chính phủ, lại cứ tưởng là họ giàu có hoặc quyền lực gì ghê gớm lắm. Rồi cũng có những trường hợp ngược lại, nhiều vị VK lại tô vẽ thêm cho cái “uy lực” của họ nơi xứ người. Nên lần hồi bà con ở quê nhà cứ ngỡ quyền hành của họ to lớn giống như ông công an khu vực, ông trưởng thôn, anh chủ tịch xã, hoặc chị bí thư phường bên nhà :-). 

Nôm na thì phần việc công chức nhà nước cũng chỉ có vậy, có ngạch có cấp hẳn hoi, khó mà có được những bước "quá độ" hoặc “đột phá” như ở bên nhà. Còn đối với công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân (DN tư nhân chiếm đại đa số việc làm ở Mỹ), thông thường thì cũng theo nguyên tắc chức càng to lương càng lớn. Nhưng vì đa số công ty tư nhân không có quy chế ngạch trật, nên có nhiều khoản thu chi linh động hơn, bất ngờ hơn. Một ông tổng giám đốc công ty lớn lãnh vài chục triệu đô một năm, cũng không phải chuyện hiếm. Thậm chí nhiều người chức vụ nhỏ hơn trong công ty tư nhân vẫn có thu nhập cao hơn tổng thống, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng tá ở Mỹ, là chuyện bình thường. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là ở các lãnh vực chuyên môn đặc thù hoặc công nghệ tân tiến. Nhiều người tài giỏi đi sâu vào các lãnh vực chuyên môn, có nghiệp vụ đặc biệt, thì cũng chẳng cần phải làm giám đốc giám điếc gì, nhưng lương bổng cao hơn hẳn các ông sếp hoặc giám đốc của họ. Điều đó cũng hợp lý thôi, vì với một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người làm hưởng theo giá trị mà họ tạo ra, chứ không phải hưởng theo "chức sắc" hoặc theo phe cánh. Mặt khác, khoảng cách về lương bổng giữa những người "cổ trắng" (làm bàn giấy) và "cổ xanh" (lao động tay chân) ở nhiều quốc gia tư bản không khác xa lắm. Cho nên nhiều người mặc dù chức vụ nhỏ hơn hoặc làm ít lương hơn, nhưng siêng năng làm thêm giờ thêm việc, cuối ngày "cổ xanh" lại nhiều tiền hơn "cổ trắng". Ngoài ra cũng có rất nhiều người tự làm doanh nghiệp tư nhân, tự mở tiệm mở quán, muốn đeo cổ nào thì đeo, lúc bình thường thì cổ xanh cổ trắng, lúc nhậu vào thì cổ đỏ cổ đen. Chẳng cần chức sắc gì, nhưng họ lại giàu có, ai “chơi” tới đâu họ “chơi” tới đó. Dám có lúc cũng bị lăn tăn nỗi khổ "nhiều tiền để làm gì" chứ chẳng đùa :-).

Nhưng đó là những chuyện đời thường, còn chuyện ham muốn "chức sắc" trong đạo, trong tôn giáo, lại càng khó hiểu hơn. Nhiều chức để làm gì ?

Tất nhiên là ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa "phương tiện" và "mục đích" trong đời thường. Tôn giáo cũng vậy, mỗi tôn giáo đều có những mục đích và phương tiện khác nhau. Do vậy, cách tổ chức và sinh hoạt của mỗi tôn giáo thường thì cũng khác nhau, mặc dù mục đích cuối cùng có thể là không khác nhau lắm. Có những tôn giáo quan tâm phần hình thức, nặng về việc tổ chức hành chánh. Có tôn giáo lại quan trọng đến phần phát triển tín đồ, gây dựng cơ sở vật chất. Có tôn giáo lưu ý chuyện truyền thừa hơn, rồi cũng có tôn giáo đề cao chuyện an dân, sống tử tế thiện lành hơn..v.v. Muôn màu muôn vẻ. Và nhiều khi ngay cả trong cùng một tôn giáo, cũng phân chia ra nhiều chi nhánh, nhiều kinh sách, hoặc nhiều pháp môn tu tập khác nhau để phù hợp cho từng hoàn cảnh con người và địa phương. Đó cũng là chuyện bình thường thôi. Thế giới này quá nhiều người có trình độ khác nhau, tư duy khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, cá tính khác nhau, đức tin khác nhau…Không thể nào có một cái bánh mà mọi người ăn vào cùng thấy ngon như nhau cả !

Nói thêm về vấn đề này, xưa nay ở bất kỳ một quốc gia nào, cho dù văn minh hay lạc hậu, độc tài hay dân chủ, thì cũng không hiếm những trường hợp tôn giáo bị các thế lực chính trị lợi dụng. Từ cá nhân, phe nhóm, cho đến chính quyền đảng phái lạm dụng để phục vụ cho những mục đích riêng tư của họ. Khác nhau là nhiều hay ít. Ngày xưa chỉ có một số ít trường hợp núp bóng tôn giáo, trà trộn giả danh để hoạt động chính trị, thì ngày nay vấn nạn đó lại càng phát triển đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Không những chỉ giả danh để làm chính trị tuyên giáo, mà còn giả danh để làm kinh tế, lợi dụng đức tin của thiên hạ để phục vụ cho nhiều mục đích khác. Ví dụ như có một số giáo hội trên thế giới ngày càng phải đối diện với nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em, tư tưởng cực đoan, khủng bố cuồng tín...v.v. Dĩ nhiên là cách ứng xử và thay đổi của mỗi tổ chức tôn giáo đều phải bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng rất lớn của văn hoá địa phương và quyền hành của chính phủ sở tại. 

Riêng ở VN, thì ai cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của các sinh hoạt tôn giáo trước kia so với hôm nay, đặc biệt là đối với mảng PG quốc doanh. Ngày càng nhiều những sinh hoạt nghiêng về hình thức vật chất, nghi lễ bên ngoài, và các rao giảng nặng về mê tín tâm linh, tài lộc, buôn may bán đắt. Tu "tỉnh thức" một cách mơ hồ :-). Trong khi đó, nguyên thuỷ xưa nay đạo Phật chỉ có một mục đích tối thượng là hướng dẫn con người đến chỗ tỉnh thức, sáng suốt hơn (chứ không phải mê tín hơn). PG chỉ giúp con người hiểu rõ bản thân, để họ tự học hỏi và tu tập, thay đổi bản thân, tự chuyển hóa, tự thực chứng, để có trí tuệ tìm đến sự giác ngộ. Chùa chiền, kinh sách, tăng đoàn, pháp môn ..v.v.. cũng chỉ là những phương tiện hỗ trợ cho mục đích đó. Sư thầy thì cũng phải tự tu, tự học cho bản thân. Có hiểu đúng tu đúng, mới có thể giúp ích & hướng dẫn đúng cho người khác được. Nói tới đây mới nhớ, mới hôm bữa nói chuyện với một chị bạn chuyên nghiên cứu kinh sách và giáo lý PG bên Mỹ. Thắc mắc là "Sao các vị tu sĩ PG ở phương Tây, cũng như các kênh nghiên cứu đạo Phật ở nước ngoài, rất ít khi nói đến những chuyện như cõi âm, ma quỷ, hoặc chuyện sau khi chết. Trong khi đó ở VN quá nhiều bài thuyết giảng về loại đề tài này? ". Thực ra, mình không phải là các vị đó nên không dám đoán những dụng ý của họ. Tuy nhiên cũng thắc mắc không hiểu là ai có thể kiểm chứng được những chuyện ở cõi âm mà họ nói như thế ? Mình thì luôn luôn tin vào quy luật nhân quả, nên quan niệm rất đơn giản như ban ngày ăn mặn thì ban đêm khát nước; ngày hôm nay nhậu say bí tỉ thì ngày mai nhức đầu. Còn chuyện chết chóc thì cũng chỉ là là một phần của sự sống, có ai tránh được đâu. Vậy thôi, có gì lạ ? 

Thiết nghĩ sẽ rất hữu ích khi đi nghe giảng thuyết một vấn đề nào, hoặc nghe thiên hạ đồn đãi chuyện độc lạ gì, mà có thói quen không vội vàng tin theo một cách mù quáng. Mình cho rằng dù người thuyết giảng là ai, “chức to quyền trọng” thế nào, chùa to nhà thờ lớn tới đâu, hoặc có là giáo sư tiến sĩ gì đó, thì người nghe cũng cần phải tìm hiểu để phân biệt được điều đó đúng sai, hoặc có phù hợp với bản thân mình hay không ? Hiểu đúng vấn đề, chính việc làm đó cũng là một bước tu tập rất quan trọng và cần thiết. Phải qua lớp một mới đến được lớp hai, không ai có thể leo lên trung học mà chưa biết đọc biết viết !

Suy cho cùng, thì mọi chuyện trong vũ trụ này đều không thể tự nó sinh ra và tự tồn tại được, mà phải dựa vào nhau để có. Cho nên chuyện thuyết giảng một giáo lý, hoặc rao giảng một chủ nghĩa, cũng như tôn xưng chức nọ chức kia cũng vậy, là phải do quan hệ song phương (hoặc đa phương). Bên này cảm thì bên kia mới ứng. Có người nghe, thì mới có ngưòi nói. Có người này nể, thì người kia mới xưng. Có người này phục, thì người kia mới “nổ”. Có kẻ tin, thì mới có người “thuyết”…Còn "đúng, sai" lại là chuyện khác, tuỳ theo cái biết của mỗi người. Mấu chốt của vấn đề vẫn là ở chỗ mục đích của nó. Một lý thuyết hoặc chủ nghĩa dẫu từ ngữ to lớn cho đến đâu, thì quan trọng là có làm cho đất nước giàu mạnh, con người văn minh hạnh phúc hơn không ? Một ông quan dẫu chức to quyền lớn đến đâu, quan trọng là có làm được việc gì để ích nước lợi dân hay không ? Một người tu sĩ dẫu chức sắc cả gánh, quan trọng là có làm được việc gì để giúp mình giúp người trên con đường tu tập dẫn đến sự tỉnh thức hay chăng ? Không khéo, có khi nhiều chức quá lại trở nên nặng nề hơn, rồi phiền khổ giống như mấy anh nhiều tiền, lâu lâu lại phải băn khoăn tự hỏi: "Nhiều chức để làm gì ?" :-).

Cũng nhân nhắc đến chuyện phúc đức cõi âm, mình nhớ đến một câu chuyện trong sách kể lại thời Đức Phật còn tại thế. Một vị phú gia có cha vừa mới chết, bèn vội tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài giúp làm phép cho cha ông ta được về cõi thiên đường. Ông ta nói:

- Có nhiều vị pháp sư nói có thể làm phép giúp cha tôi vãng sanh về chốn thiên đàng, nhưng tôi tin tưởng nơi Ngài, nhờ Ngài cứu giúp. Tốn kém bao nhiêu cũng được.

Đức Phật nói:

- Ông hãy ra chợ mua hai cái hủ sành, một hủ bỏ dầu ăn vào, và một hủ bỏ đá quý vào, rồi đậy kín đem về đây.

Người phú gia nghe lời ra chợ mua hai hủ sành bỏ dầu, và đá quý mang về. Đức Phật bảo ông ta hãy bỏ 2 hủ sành ấy xuống giòng sông phía trước, và đợi cho đến khi chìm hẳn, rồi lấy một khúc cây thọt bể hai hủ sành đó ra. Hai hủ sành bể, dầu nổi lên trên mặt nước, còn đá quý thì chìm sâu dưới đáy sông.

Đức Phật bảo rằng:

- Ta chỉ giúp ông được tới đây. Chuyện nghiệp lực của thân phụ ông là do chính ông ấy tạo ra bao lâu nay khi ông ấy còn sống. Còn bây giờ thì ông hãy đi nhờ các vị pháp sư kia cúng, làm phép cho dầu kia chìm xuống và đá quý nổi lên. Nếu họ làm được chuyện như thế, thì họ có thể giúp được cho cha ông. Vị phú gia chợt hiểu ra đạo lý và từ giã quay về.

Ngay cả Đức Phật ngày xưa cũng chỉ dừng lại ở đó. Thế mà ngày nay có nhiều vị sư thầy có thể làm nên những điều kỳ diệu hơn, thì quả nhiên là điều đáng kinh ngạc !

Trở lại câu chuyện chức sắc dày cộm và sự giàu có của một số vị tu sĩ VN ngày nay. Mình vốn không hiểu biết lắm về cách tu học của các vị ấy, nên không dám lạm bàn về triết lý tôn giáo của họ. Vả lại đối những kẻ phàm phu còn đầy rẫy ham muốn, ngụp lặn trong tham sân si, cơm áo gạo tiền như mình, thì cũng còn nhiều giới hạn để phân tích sâu xa hơn. Tuy nhiên theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, trên thế giới mỗi khi nói đến PG, ngay cả những người không phải tu hành, đều biết đến 3 khái niệm cơ bản nhất của đạo Phật (Fundamentals of Buddhism). Đó là Vô thường (impermanence), Vô ngã (non-self), và Khổ (unsatisfactoriness or suffering). Trong tiếng Anh gọi đó là "Three Marks of Existence", hoặc "Three Universal Characteristics". Những vị nào tu tập thực sự, hiểu biết đúng về vô thường, vô ngã, thì chắc chắn là họ rất ít khi quan tâm đến những chức sắc danh xưng phù du, hoặc tài sản sổ đỏ sổ xanh, xe hơi nhà bự, sớm nắng chiều mưa trong cõi tạm này. Thường thấy như vậy !

PN


No comments:

Post a Comment

Comments: