Saturday, August 11, 2018

Nghịch lý và Ngộ nhận về Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung (Nguyễn Quang Dy)

Nghịch lý và Ngộ nhận về Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung
(Nguyễn Quang Dy)

Gần hai tháng qua, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã trở thành tâm điểm của dư luận thế giới, gây tranh cãi tại Washington và làm đau đầu Bắc Kinh (cũng như các thủ đô khác). Để hiểu diễn biến phức tạp và hệ quả khôn lường của cuộc chiến tranh thương Mỹ-Trung, cần lý giải một số nghịch lý và ngộ nhận liên quan đến sự kiện quan trọng này. 

Cách đây khoảng vài thập kỷ, có một nhà tư tưởng giáo dục (hình như Peter Drucker) đã nói rằng giáo dục truyền thống dạy học viên về một thế giới không còn tồn tại (traditional education teaches students about a world that no longer exists). Thế giới ngày càng phi truyền thống và biến động khôn lường (như đoàn tầu siêu tốc), nhưng tư duy con người vẫn chuyển chậm (như chiếc xe ngựa cũ). Làm sao chiếc xe ngựa 0.4 đuổi kịp đoàn tầu 4.0?

Những nghịch lý về hệ quy chiếu

Trước hết, khi phân tích diễn biến bàn cờ chính trị quốc tế, nhiều người thường bỏ qua hay coi nhẹ nhân tố chính trị nội bộ (domestic/bureaucratic politics) của các bên liên quan. Ngược lại, khi phân tích diễn biến chính trị nội bộ một nước, nhiều người hay bỏ qua hay coi nhẹ nhân tố quốc tế đang tác động đến diễn biến trong nước. Cả hai cách đề cập đó đều không đầy đủ và thiếu chính xác, dẫn đến ngộ nhận và nhầm lẫn về bức tranh vốn phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn (như Mỹ-Nga-Trung). Vì vậy, không thể tách cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ra khỏi bàn cờ chiến lược nước lớn, và hiện tượng Trumpism.

Thứ hai, khi đánh giá một nhân vật đặc thù khác thường (như Donald Trump) thường có hai khuynh hướng. Một là chê bai và phủ định, vì chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực mà không thấy mặt tích cực. Hai là khen ngợi và khẳng định, vì chỉ nhìn thấy mặt tích cực mà không thấy mặt tiêu cực. Cả hai khuynh hướng đó đều cực đoan, không chính xác và thiếu hụt (như một cốc nước vơi), không phản ánh đúng sự thực khách quan. Ngoài lý do thiếu hụt thông tin, còn do hệ quy chiếu khác nhau (paradigms), nên người ta thường ngộ nhận và nhầm lẫn.

Thứ ba, khi phân tích một sự kiện hay nhân vật nào đó, thường có hai quan điểm khác nhau do hệ quy chiếu khác nhau. Một là hệ quy chiếu “truyền thống” (traditional/conventional), hai là hệ quy chiếu “phi truyền thống” (unconventional). Khi đánh giá một nhân vật “phi truyền thống” (như Donald Trump), nếu áp dụng hệ quy chiếu “truyền thống”, thì dễ ngộ nhận và sai lạc, nên  không lý giải được bản chất vấn đề (có nhiều ẩn số). Có người hỏi “Trump khôn hay dại, tốt hay xấu?”. Đó là câu hỏi “trắng đen” (black & white) làm đơn giản hóa vấn đề (simplistic) trong khi sự thật vốn phức tạp hơn vì “trong âm có dương, trong dương có âm”.

Thứ tư, “mọi người sinh ra đều bình đẳng” (men are born equal), nhưng suy nghĩ và cảm xúc khác nhau, nên quan điểm và thái độ của họ cũng khác nhau trước một sự kiện hay nhân vật. Nhưng sự khác biệt (diversity) không phải là vấn đề mà sự nhầm lẫn (confusion) mới là vấn đề bất cập. Khi cần lý trí (để phân tích) thì người ta lại bị tâm trạng bức xúc làm sai lạc vấn đề. Khi cần cảm xúc (để cảm thông) thì người ta lại dựa nhiều vào lý trí nên vô cảm. Vấn đề không phải đúng hay sai, mà là lẫn lộn (không đúng lúc, đúng người, đúng việc).   

Sự ngạo mạn về quyền lực và cái bẫy Thucydides

Hai mươi năm sau chiến tranh Viêt Nam, Robert McNamara xuất bản cuốn sách “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam” (In Retrospect: the Tragedy and Lessons of Vietnam, Random House, New York, 1995), thừa nhận sai lầm (hay ngộ nhận). Tuy ông McNamara tự vấn lương tâm hơi muộn (too little too late) nhưng “muộn còn hơn không”. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn lặp lại sai lầm tại Iraq và Afganistan, trong khi bỏ mặc Biển Đông cho Trung Quốc. 
Gần ba thập kỷ trước đó, TNS Fulbright đã xuất bản cuốn sách “Sự Ngạo mạn về Quyền lực” (Arrogance of Power, William Fulbright, Random House, New York, 1967) chỉ trích sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Có lẽ sự ngạo mạn về quyền lực là căn bệnh cố hữu của kẻ mạnh, làm cho họ ngộ nhận và mù lòa về “giới hạn của quyền lực”. Không phải chỉ có người Mỹ mà người Trung Quốc cũng mắc căn bệnh này (với “đặc sắc Trung Quốc”). Một số quan chức Trung Quốc có thói quen nhắc nhở người khác rằng “Trung Quốc là nước lớn” (như hiện tượng “Freudian slip”). Tại một cuộc họp tại Hà Nội (năm 2010) Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã nói thẳng vào mặt ngoại trưởng Singapore rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác đều bé” (China is a big country and other countries are small).
Trong một chuyến thăm Miến Điện (Myanmar) cách đây mấy năm, khi tôi hỏi mười người dân là họ ghét ai nhất, thì chín người nói họ ghét nhất các tướng tá quân đội và người Trung Quốc. Không chỉ có Miến Điện, mà gần đây Bắc Triều Tiên và Malaysia đều muốn “thoát Trung”, mặc dù họ rất cần túi tiền của Trung Quốc. Hầu hết các nước láng giềng (từ Việt Nam đến Myanmar đến Thailand đến Lào và Campuchea) đều sợ và ghét thái độ ngạo mạn đó, tuy một số nước đang mắc vào cái “bẫy nợ” (debt trap) của Trung Quốc (như một bi kịch). 
Gần đây, Graham Allison (giám đốc Belfer Center, Harvard KSG) nổi tiếng vì thuyết cái bẫy “Thucydides trap”. Allison lập luận rằng sớm muộn Mỹ (cường quốc cũ) và Trung Quốc (cường quốc mới trỗi dậy) sẽ bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh khó tránh khỏi. Một số nhà nghiên cứu khác cũng lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang có thể là màn khởi đầu (prelude) dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tôi hy vọng là họ sai.   
Bàn cờ chiến lược mới và Trumpism   

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một phần của bàn cờ chiến lược mà Mỹ đang triển khai (theo NDS & NSS) nhưng không tách rời hiện tượng “Trumpism”. Đó là một hiện tượng bất thường trong chính trường Mỹ, làm đảo lộn bàn cờ chính trị nước Mỹ và thế giới. Vì vậy cuộc chiến thương mại diễn biến khó lường, đang vượt ra khỏi những khuôn khổ và hệ quy chiếu mà người ta đã quen mấy thập kỷ qua (từ thời chiến tranh lạnh đến nay).

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm nhiều người bất ngờ, và làm người Trung Quốc đau đầu, vì nó diễn ra theo một quy luật và lộ trình khác trước. Nó không giống chiến tranh thương mại trước đây thường diễn ra giữa hai bờ Đại Tây Dương (hay với Nhật). Nó không chỉ làm đảo lộn cán cân thương mại Mỹ-Trung (hay với đồng minh) mà còn đe dọa làm đảo lộn bàn cờ chiến lược toàn cầu và trật tự thế giới. Nếu coi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng giống như với châu Âu hay với Nhật là nhầm lẫn, như “thấy cây mà không thấy rừng”.

Khi cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Trump, họ không chỉ bỏ phiếu cho nhân vật bất thường đó, mà còn bỏ cho xu hướng muốn phục hồi nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Trump đã nhanh tay nắm bắt được xu hướng đó và thành công. Không phải Trump giỏi, mà các ứng viên khác của cả hai đảng dở, vì họ đã vô cảm trước những đòi hỏi thay đổi của cử tri Mỹ. Vì vậy trong những năm tới đây, dù Trump được tái cử hay thất cử, và ai khác lên thay thì chắc xu hướng đó vẫn tồn tại, vì nó lớn hơn cả Trump và Nhà Trắng. Dù Steve Bannon đã mất chức (cố vấn chiến lược của Trump), nhưng tư tưởng Bannonism vẫn còn tồn tại. Trump và Bannon tham vọng muốn thay đổi trật tự nước Mỹ và trật tự thế giới. Trump phải giữ lời hứa với cử tri lúc tranh cử, vì biết rằng đó là bảo bối duy nhất để ông chiếm được Nhà Trắng. dù có phải nói dối. 

Theo cách tính của Washington Post (Fact Checker’s database) Trump đã nói dối 3.259 lần (từ 1/6 đến nay) tính trung bình mỗi ngày 6,5 lần. Có lẽ đó là một kỷ lục. Theo Joe Nye, tuy nói dối không giống nhau (not all lies are born equal), nhưng nói dối quá nhiều sẽ làm suy giảm lòng tin (Too many lies debases the currency of trust). Tổng thống có thể nói dối để xóa dấu vết (cover his tracks), tránh bị mất mặt (avoid embarrassment), làm hại đối thủ (harm a rival) hay chỉ vì tiện lợi (for convenience). Trong khi nhiều người cho rằng Trump nói dối là do thói quen (out of habit), nhưng căn cứ vào tần xuất, lặp đi lặp lại, và tính chất sỗ sàng của lời nói dối, nó không phản ánh thói quen, mà là một chiến lược có chủ ý để làm tổn thương cơ chế sự thật. (White House of Lies, Joseph Nye, Project Syndicate, August 7, 2018). 

Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Trump. Có lẽ ông là tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhiều nhất (chủ yếu là trái chiều) như một hiện tượng lạ trong lịch sử. Không phải chỉ có chính giới Mỹ, mà các học giả và báo chí Mỹ (và phương Tây) đều không thích Trump, trong khi ông dám công khai gọi báo chí Mỹ là “kẻ thù của nhân dân” (tuy con gái rượu Ivanka không đồng tình). Mặc dù Trump tạo ra nhiều tai tiếng như “một thiên tài ổn định” (a stable genius), nhưng ông lại nhất quán (ít nhất là đến nay) với tuyên bố lúc tranh cử (như “America first”). Tuy Trump phát biểu thiếu nhất quán (trên twitter), nhưng ông hành động nhất quán (như muốn thay đổi nước Mỹ). Nói cách khác, Trump không nhất quán, nhưng Trumpism nhất quán. 

Chiến tranh thương mại và Lighthizerism

Trong Nhà Trắng hiện nay, tuy Robert Lighthizer (Trade Reperesentative) và Peter Navarro (National Trade Council Director) không phải là “cặp đôi hoàn hảo”, nhưng cùng quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, và được lòng Trump. Đó là hai nhân vật chủ chốt (như cánh tay phải và tay trái của Trump) trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy chúng ta đã biết khá nhiều về Navarro, nhưng còn biết khá ít về Lighthizer. Nếu muốn hiểu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà không biết rõ về Lighthizer thì thật thiếu sót. Chính Lighthizer mới là người điều hành cuộc chiến thương mại (như “trade czar”) chứ không phải Trump.

Nếu Peter Navarro là một giáo sư kinh tế vào loại trung bình ở Mỹ (chỉ thạo về lý thuyết), thì Lighthizer là một người điều hành chính sách chuyên nghiệp. Năm 1983, khi mới 36 tuổi Lighthizer đã từng làm phó đại diện thương mại (ngang thứ trưởng). Không chỉ có kinh nghiệm đàm phán thương mại, Lighthizer còn là một luật sư có nhiều kinh nghiệm chính trường. Năm 1996, Lighthizer từng làm cố vấn kinh tế cho Bob Dole, thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa (tranh cử tổng thống năm 1996). Trong khi Trump nói bạt mạng (bất nhất), thì Lighthizer hành động nhất quán, theo một chủ thuyết (mà người ta gọi là “Lighthizerism”).

Triết lý kinh tế của Lighthizer có vai trò chủ đạo trong chính quyền Trump hiện nay, không phải để “co cụm lại” (retrenchment) mà để giành lại vai trò đầu tàu của Mỹ trên thế giới về sản xuất công nghiệp (manufacturing). Nó không nhằm chấm dứt toàn cầu hóa, mà tạo ra một giai đoạn toàn cầu hóa mới (more aggressive). Tầm nhìn của Lighthizer có thể tồn tại còn lâu hơn cả chính quyền Trump. Theo Lighthizer, để đối phó với “chủ nghĩa tư bản nhà nước” của Trung Quốc, Mỹ nên bắt chước đối phương để trở thành “tư bản nhà nước cao hơn”.

Các chính khách Mỹ đã tin vào thắng lợi tất yếu của nền dân chủ và tư bản (sau sự kiên bức tường Berlin), nên họ cứ tưởng Trung Quốc sẽ tất yếu đi theo dân chủ và tư bản. Đó là một sự ngộ nhận vì ngạo mạn (hubris). Trong buổi điều trần tại Quốc hội (26/7/2018) Lighthizer nhấn mạnh “người Trung Quốc có hệ thống của họ và đang thách thức hệ thống của chúng ta” (They have a system, and their system is challenging our system). Lighthizer khẳng định (9/2017) chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc là “mối đe dọa chưa từng có đối với hệ thống thương mại thế giới” (a threat to the world trading system that is unprecedented). (You Live in Robert Lighthizers World Now, Quinn Slobodian, Foreign Policy, August 6, 2018).

Những nghịch lý và ngộ nhận 

Thời chiến tranh lạnh, Tổng thống Nixon và Kissinger đã bắt tay với Mao Chủ tịch (năm 1972) để dùng “lá bài Trung Quốc” đối phó với Liên Xô. Nước cờ táo bạo đó đã làm đảo lộn bàn cờ thế giới, và chính sách “một nước Trung Quốc” đã tồn tại từ đó đến nay. Mỹ và phương Tây đã triển khai chính sách “can dự xây dựng” (constructive engagement) để giúp Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, tưởng một ngày nào đó Trung Quốc giàu mạnh sẽ trở thành “một nước dân chủ như chúng ta”. Trung Quốc đã làm theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình “ẩn mình chờ thời”, tranh thủ thời cơ để trỗi dậy, không chỉ trở thành siêu cường kinh tế (như Nhật Bản) mà còn đang trở thành siêu cường quân sự để vượt Mỹ, nhằm bá chủ thế giới. 

Tại sao người Trung Quốc đã dễ dàng qua mặt được người Mỹ? Không phải chỉ vì người Trung Quốc khôn ngoan, mà còn do người Mỹ (và phương Tây) ngờ nghệch, đã ngộ nhận và ảo tưởng rằng “bản sắc Trung Cộng” có thể thay đổi, khi Trung Quốc giàu mạnh. Nay người Mỹ tỉnh ngộ nhận ra sai lầm thì quá muộn, và phải trả giá đắt. Trung Quốc đã trở thành Frankenstein (theo lời Richard Nixon). Đó là một “hệ quả bất định” (unintended consequence). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không đơn thuần về thương mại như người ta tưởng.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (năm 2016) Donald Trump đã lần lượt đánh bại các ứng cử viên nổi tiếng của cả hai đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, làm nước Mỹ và thế giới bất ngờ. Tại sao các chính khách chuyên nghiệp tài giỏi (như Hillary Clinton) lại thua một người như Trump? Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì họ đã ngạo mạn và ngộ nhận nên vô cảm trước các thực tế mới. Nhiều chuyên gia (như pollters/pundits) cũng ngộ nhận và dự đoán sai. Vì vậy, ngộ nhận là căn bệnh cố hữu của con người, không trừ một ai. Không phải chỉ có người dốt mới ngộ nhận và sai lầm, mà những người tài giỏi càng dễ ngộ nhận và sai lầm. 

Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã đủ mạnh và đến lúc Trung Quốc không cần “ẩn mình chờ thời”.  Trung Quốc đã công khai thách thức Mỹ, và quyết vượt Mỹ bằng chiến lược “Một Vành đai Một con đường” (BRI) và “Made in China 2025”. Lâu nay Trung Quốc quen dựa vào công nghệ và đầu tư của Mỹ và phương Tây để phát triển nhanh bằng xuất khẩu. Nhưng chiến tranh thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) đang đe dọa chặn đứng tham vọng này của Trung Quốc. Nay đến lượt người Trung Quốc ngộ nhận và mắc sai lầm.

Trò chơi quyền lực mới

Ngày 2/12/2016, Henry Kissinger (93 tuổi) đã đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, và được Tập ca ngợi là “người bạn lớn” của Trung Quốc. Sự kiện đó diễn ra ngay sau khi Trump thắng cử, và điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (cùng ngày 2/12/2016) làm Tập Cận Bình bất ngờ và tức giận. Có thể lúc đó Trump đã nghĩ đến “lá bài Đài Loan” và “lá bài Nga” để đối phó với Trung Quốc (nhưng còn quá sớm). Có lẽ tầm nhìn chống Trung Quốc là chiến lược nhất quán (lâu dài), còn quan hệ thân thiện với Tập là chiến thuật (trước mắt), để đối phó với Bắc Triều Tiên. Nay Trump đã bắt tay với Kim Jong-Un (12/6/2018), thì có lẽ đến lúc Trump có thể bắt tay với Putin để đối phó với Trung Quốc (tuy còn nhiều tranh cãi).

Sau khi Tập Cận Bình củng cố được quyền lực tuyệt đối tại Đại Hội Đảng 19 (như “Hoàng đế Đỏ”), Trump đã công bố chiến lược quốc phòng (NDS) và bổ nhiệm John Bolton (một nhân vật diều hâu thân Đài Loan) làm chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (thay McMaster). Trong bối cảnh đó, “người bạn lớn” Kissinger có thể “trở mặt” khuyên Trump dùng “lá bài Nga” để đối phó với Trung Quốc (điều đó chẳng có gì lạ). Nhưng nếu Tập bị bất ngờ thì chứng tỏ ông đã ngộ nhận và quên rằng “không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Theo báo Daily Beast (26/7/2018) quan điểm về “lá bài Nga” đã được các cố vấn chủ chốt của Trump tán thành, trong đó có Jared Kushner (con rể và cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng).

Nếu Mỹ thực sự bắt tay với Nga để đối phó với Trung Quốc như “mối đe dọa số một” (theo NDS) thì đó là tin xấu (bad news) cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, kịch bản này không dễ như “một bữa tiệc” (a dinner party), vì Putin “quyền biến” và chơi bài poker giỏi. Chưa biết bao giờ Putin sang thăm Washington (theo lời mời của Trump) và còn quá sớm để dự đoán kết cục của nước cờ tiếp. Tuy nhiên, khi Trump bắt tay Kim ở Singapore (12/6/2018) và bắt tay Putin ở Helsinki (16/7/2018) chắc Tập Cận Bình đang nín thở theo dõi. Cuộc gặp Trump-Kim tuy chưa có kết quả rõ ràng, nhưng đó là một bước ngoặt chiến lược tại bán đảo Triều Tiên. Có lẽ Bắc Kinh đã đánh giá sai về Trump, và các đồng minh EU của Mỹ. Không biết đó là lỗi của Lưu Hạc (không nhạy bén) hay của Tập Cận Bình (không chịu lắng nghe), nhưng chuyến đi Mỹ của Lưu Hạc (15-19/5/2018) đã thất bại vì “quá ít quá muộn” (too little too late).   

Theo báo Financial Times (20/7/2018) Kissinger đã từng cảnh báo nếu Mỹ và châu Âu chia rẽ thì “châu Âu sẽ trở thành chư hầu của lục địa Âu-Á” bị Trung Quốc thao túng. Có một nghịch lý là nhiều người trong Quốc Hội và giới báo chí Mỹ (cũng như đồng minh NATO) đang tỏ ra bảo thủ và chậm thay đổi tư duy chiến lược còn hơn người Trung Quốc. Dù sao, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài và kéo theo chiến tranh về tiền tệ, về công nghệ, và địa chính trị, nên sẽ quyết liệt và khó lường. Đó là trò chơi quyền lực mới giữa hai siêu cường có hệ quy chiếu và hệ điều hành khác hẳn nhau. Trong cuộc chiến này, chưa có dấu hiệu hay lý do để Trump xuống thang đàm phán, như Bắc Kinh vốn ảo tưởng và ngộ nhận. 

Theo các chuyên gia, Mỹ đã vô hình trung theo một chính sách thương mại “ngõ cụt” (cul de sac). Bằng cách kích cầu tài khóa (fiscal stimulous) và tăng sản xuất (manufacturing) chính quyền Trump khuyến khích đầu tư, làm thâm hụt thương mại càng nặng. Với lãi suất tăng cùng với tăng trưởng, đồng USD sẽ lên giá, làm cản trở xuất khẩu. Vì vậy, Mỹ càng tìm cách tháo gỡ vấn đề thương mại, thì vấn đề đó càng lớn. Rủi ro hiện nay là chính quyền Trump thất vọng với hệ quả chính sách, lại càng phải “chơi rắn hơn” (double down). Tuy chính quyền Trump đã đi quá xa, nhưng họ có thể cho rằng vẫn chưa đủ xa. (The Trump Administration’s Dead End on Trade, James McCormack, Project Syndicate, August 9, 2018).

Những hệ lụy nhãn tiền

Theo Financial Times, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 2.290 tỷ USD (tương đương 27%) trong tám tháng qua. Hôm 3/8/2018 (sau bốn năm) Nhật đã thay thế Trung Quốc, trở thành TTCK lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế lên 110 tỷ USD so với 130 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc năm 2017, trong khi Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế lên 250 tỷ USD trong tổng số 505 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ năm 2017. Cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang, làm tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tổng lực giữa hai siêu cường kinh tế đứng đầu thế giới. IMF cảnh báo cuộc chiến thương mại này có thể làm trật bánh xe tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Trump claims US is winning trade war with China, Yuan Yang & Sam Fleming, Financial Times, August 6, 2018).

Cùng với chiến tranh thương mại, Mỹ đang triển khai chiến lược quốc phòng. Ngày 1/8/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2019, với ngân sách mới (716 tỉ USD, tăng 16 tỉ USD so với năm tài chính 2018). Tiếp theo NDS, luật NDAA đề ra ba mục tiêu chính tại Biển Đông: Thứ nhất là chi 425 triệu USD về thiết bị và đào tạo (trong 5 năm tới) cho các nước khu vực (như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam). Thứ hai là khai trừ Trung Quốc khỏi các cuộc diễn tập RIMPAC. Thứ ba là Lầu Năm Góc phải báo cáo với Quốc hội về sự bành trướng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Greg Poling (CSIS/AMTI director), tuy NDAA có thể chưa đủ sức ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, nhưng đây là “một phát súng cảnh cáo Trung Quốc” của Quốc hội Mỹ.
Theo một số chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh “đã mắc hai sai lầm lớn”. Một là họ đã đánh giá sai về Trump và quá tự tin cho rằng Trump chỉ dọa già vì lý do chính trị (sắp bầu cử giữa kỳ). Vì vậy, Bắc Kinh đã coi thường và không nhạy bén trước tâm lý “bài Trung” đang dâng cao trong chính giới Mỹ. Hai là Bắc Kinh đã ngộ nhận, tưởng liên minh Mỹ-châu Âu đang rạn nứt nên họ có thể phân hóa, lôi kéo các nước EU theo mình (để đối phó với Mỹ). Trong khi Trump là người bất thường và khó lường, Tâp lại quá tự tin và không lắng nghe (hoặc các cố vấn không dám nói) nên Bắc Kinh đã xa rời thực tế, không nắm được bức tranh thực sự, nên mới bị bất ngờ và bị động trước các đòn quyết liệt của Trump. Nếu cuộc chiến tranh thương mại này kéo dài, kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái và sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Sắp tới nếu Trung Quốc phá giá đồng NDT (Yuan) khoảng 12% (như dự báo) để đối phó với tuyên bố của Trump sẽ tăng thuế lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (từ tháng 9/2018). Nếu điều đó diễn ra, các nước Đông Nam Á (như Malaysia, Thailand, Indonesia, và Việt Nam) sẽ bị “hoảng loạn” (panic). Theo báo Guardian (4/7/2018), rạn nứt đã xuất hiện trong hệ thống quyền lực tuyết đối của Tập Cận Bình. Có nhiều tin đồn là Tập sẽ “bị rắc rối” tại hội nghị Bắc Đới Hà (đang họp), vì các vấn đề như: (1) chiến tranh thương mại với Mỹ, (2) kinh tế đang phát triển chậm lại, (3) vụ bê bối về vaccine cho trẻ em. (Cracks appear in invincible Xi Jinping’s authority over China, Lily Kuo, the Guardian, August 4, 2018).

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, “mối lo lớn nhất hiện nay về chiến tranh thương mại là đồng NDT phá giá”. Nếu Việt Nam buộc phải phá giá VNĐ để đối phó, lạm phát sẽ tăng. Nếu tỷ giá VNĐ giảm tới mức 24,500-25,000 VNĐ/1 USD, áp lực lên nền kinh tế sẽ rất lớn. Nhưng Ngân hàng Nhà nước không nên bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp, vì dự trữ hiện nay (trên 70 tỷ USD) có thể bay mất trong vòng 1 tháng. Một số người cho rằng Việt Nam sẽ có lợi (về lâu dài) khi chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi “tác động của đồng NDT phá giá là ngay lập tức”. (Forget US China trade war tariffs this is what really worries Asia, Bhavan Jairagas, SCMP, August 4, 2018).

Các chuyên gia quốc tế nói gì

Các chuyên gia thường có ý kiến đánh giá khác nhau về bối cảnh và bản chất chiến tranh thương mại và quan hệ Mỹ-Trung. Nghiên cứu gần đây của David Shambaugh đáng chú ý. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về khu vực (năm 2017), nhưng đáng tiếc là tài liệu này chưa cập nhật được các sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 2018 (gặp cấp cao Mỹ-Triều, thay đổi chính phủ Malaysia, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung). Bài của Minxin Pei và Elizabeth Economy bổ sung kịp thời, tuy các chuyên gia có quan điểm hơi khác nhau. 

Theo Shambaugh, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ngày càng toàn diện ở Đông Nam Á, cả về chiến lược và các lĩnh vực khác (như thương mại). Sự cạnh tranh này là “mềm” (soft) chứ không phải “cứng” (hard), và gián tiếp (indirect) chứ không phải trực tiếp (direct). Đó chưa phải là cạnh tranh bằng phản ứng tức thì, ăn miếng trả miếng, chỉ có thắng hay thua (acute action-reaction, tit-for-tat, zero-sum competition) như thời chiến tranh lạnh.

Shambaugh cho rằng hai siêu cường này có thể đạt được một dạng thức “cùng tồn tại trong cạnh tranh” (competitive coexistence). Vì vậy cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể được giới hạn để không trở thành đối kháng hay máy móc (adversarial or kinetic). Các nước khu vực có vai trò cốt yếu nếu duy trì “các chiến lược cân bằng, trung lập và truyền thống” (traditional, neutralist hedging strategies). Một số nước gần đây ngả theo Trung Quốc không giúp được gì cho họ, mà còn gây áp lực buộc Mỹ phải có chiến lược đối phó với Trung Quốc. Tầm nhìn “Indo-Pacific tự do và rộng mở” của chính quyền Trump là một minh chứng cụ thể. 

Theo Shambaugh, khi Trung Quốc bành trướng quá trớn (overreaches) và trở nên quá hung hăng tại khu vực (như đang diễn ra), Mỹ cần tăng cường sự có mặt (về quân sự) để được các nước khu vực coi là một đối tác tin cậy. Đã đến lúc Mỹ phải vượt qua sự can dự lẻ tẻ tại Đông Nam Á, để có vai trò quan trọng hơn về chiến lược tại khu vực này, và coi đó là một ưu tiên trong cam kết toàn cầu của Mỹ. (U.S.-China Rivalry in Southeast Asia: Power Shift or Competitive Coexistence? David Shambaugh, International Security, May 2018).

Theo Minxin Pei, Tập Cận Bình đang phải đối phó với “một mùa hè tồi tệ nhất kể từ khi lên cầm quyền” (từ 12/2012). Có những dấu hiệu bất ổn đang làm người Trung Quốc, đặc biệt là giới tinh hoa, “cảm thấy thất vọng, lo lắng, tức giận, bất lực, và bất bình đối với các nhà lãnh đạo đầy quyền lực của họ”. Về kinh tế, chứng khoán tiếp tục lao dốc, làm dự trữ ngoại hối bay theo, trong khi đồng NDT tiếp tục bị phá giá, làm kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn phụ thuộc sâu sắc vào thị trường và công nghệ Mỹ. “Trong khi Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới và lập lại trật tự toàn cầu, thì chiến tranh thương mại đang làm Trung Quốc bộc lộ các mặt yếu kém như một “người khổng lồ chân bằng đất sét”. (Chinas Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018).

Theo Elizabeth Economy (CFR), Trung Quốc muốn thay đổi thế giới theo chủ ý của họ và “dẫn dắt cải cách về quản trị toàn cầu” (lead in the reform of global governance). Trong khi Hồ Cẩm Đào nói rằng Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” (peacefully rising), thì Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu là “thống nhất Trung Quốc trước năm 2049”. Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc “có ý định và năng lực thay đổi trật tự thế giới”. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti (2017) và tiếp theo chắc sẽ có nhiều căn cứ tại các nước khác. Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát 76 hải cảng tại 35 nước. (Xi Jinping’s Superpower Plans, Elizabeth Economy, Wall Street Journal, July 19, 2018).

Lời kết

Một số người cho rằng Trung Quốc “còn nhiều cửa”, nhưng theo tôi các “cửa sổ cơ hội” (nếu có) đang khép lại. Về cơ bản, Trung Quốc chỉ có ba sự lựa chọn: Một là đầu hàng. Hai là leo thang. Ba là chọn giữa đầu hàng và leo thang. Đến nay, dường như Trung Quốc đang chọn cách thứ ba. Nói một cách khác, Mỹ và Trung Quốc như hai con voi khổng lồ đang mắc kẹt vào một trò chơi quyền lực mới (a new game of thrones). Tuy đã quá muộn để hai con voi dừng lại (vì quá kiêu ngạo), nhưng còn quá sớm để chúng thỏa hiệp (hay lùi bước).

Theo hầu hết các chuyên gia, sự lựa chọn khôn ngoan nhất hiện nay là Việt Nam hãy nhân cơ hội này để “thoát Trung”. Cần cải cách thể chế toàn diện (đổi mới “vòng 2”) để tạo đà phát triển mới, và hội nhập vào kinh tế toàn cầu (theo luật chơi quốc tế). Đây là lúc “Mỹ-Trung đánh nhau và hành động của chúng ta” (như năm 1945). Trong bối cảnh đó, nếu thông qua “luật An ninh Mạng” và “luật Ba Đặc khu” là lợi bất cập hại, như “tự bắn vào chân mình”.  Nếu vẫn kiên định bảo vệ quan hệ truyền thống với Bắc Kinh (vì “đại cục”), tiếp tay cho Trung Quốc né tránh thuế quan của Mỹ bằng hàng “made in Vietnam” để tái xuất qua các “Đặc khu Kinh tế” và “Khu Hợp tác Kinh tế Qua Biên giới”, chắc không thoát được trừng phạt của Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump đã bỏ TPP (và chưa biết bao giờ quay lại), Đức đã cắt quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh). Nay quan hệ của Việt Nam với Slovakia cũng đang khủng hoảng, đe dọa triển vọng ký kết EVFTA. Nếu quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ cũng bị khủng hoảng làm Việt Nam bị vạ lây (như một hệ quả kép) vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, không biết Việt Nam sẽ dựa vào đâu để phát triển, và bảo vệ chủ quyền của mình tại Biển Đông. Đây là một bi kịch quốc gia.

Tham khảo

1. US-China Rivalry in Southeast Asia: Power Shift or Competitive Coexistence? David Shambaugh, International Security, May 2018

2. The Shape of Sino-American Conflict, Minxin Pei, Project syndicate, June 6, 2018

3. China’s Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018

4. Xi Jinping’s Superpower Plans, Elizabeth Economy, Wall Street Journal, July 19, 2018

5. As China’s Woes Mount, Xi Jinping Faces Rare Rebuke at Home, Chris Buckley, New York Times, July 31, 2018.

6. Hot water, Bill Hayton, Mekong Review, Issue 12, August 2018. (Review of Asian Waters: The Struggle Over the Asia Pacific and the Strategy of Chinese Expansion, Humphrey Hawksley, Overlook Press, June 2018).

7. Cracks appear in invincible Xi Jinping’s authority over China, Lily Kuo, the Guardian, August 4, 2018.

8. Forget US-China trade war tariffs: this is what really worries Asia, Bhavan Jairagas, South China Morning Post, August 4, 2018.

9. Trump claims US is winning trade war with China, Yuan Yang & Sam Fleming, Financial Times, August 6, 2018

10. You Live in Robert Lighthizer’s World Now, Quinn Slobodian, Foreign Policy, August 6, 2018

11. White House of Lies, Joseph Nye, Project Syndicate, August 7, 2018).  2018

12. The Trump Administration’s Dead End on Trade, James McCormack, Project Syndicate, August 9, 2018

NQD. 10/8/2018
(Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-08-2018)

Wednesday, August 08, 2018

Chuyện ngôi sao ở Hollywood !

Đúng là chuyện chỉ có ở Mỹ. Hôm qua hội đồng thành phố West Hollywood bàn tính chuyện bỏ đi ngôi sao của Tổng thống Trump trên đại lộ danh vọng Hollywood. Quê ta ai dám làm thế :-) .
May quá, mới hôm bữa mình còn chụp được ngôi sao của T/T Donald Trump để dành làm kỷ niệm. Hai đứa con mình cũng tranh thủ tậu 2 ngôi sao trên đại lộ đó, nhìn cho ngầu ....hehehe.

City of West Hollywood calls for Trump Walk of Fame star to be removed









Tuesday, August 07, 2018

Cõng Mẹ đi chơi

Cuối tuần rồi, SG trời mưa tầm tả. Đi ra phi trường, trên xe ông anh mở bài nhạc này... Wow, quê hương níu lại !


Tuệ Sỹ trên ngõ về im lặng - Tâm Nhiên

Tuệ Sỹ trên ngõ về im lặng
Tâm Nhiên




Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu

Thơ Tuệ Sỹ hào sảng, hùng tâm tráng khí , nổi bật lên như một hiện tượng độc đáo, gây bao nguồn cảm hứng cho những tâm hồn ưa thích thiền học, thi ca và phiêu lãng.
“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương.” * Bùi Giáng đã nhận định như thế về Tuệ Sỹ qua bài thơ Không đề :

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng ?
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Trừ thi sĩ Bùi Giáng ra, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, thẩm quyền bằng triết gia Phạm Công Thiện : “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.”
Như vậy, chúng ta có thể gọi Tuệ Sỹ là một thiền sư thi sĩ với ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp nhất của danh từ.
Giống như Tuệ Trung Thượng Sỹ thời Trần thuở xa xưa, Tuệ Sỹ bây giờ cũng là một thiền sư thi sĩ đích thực. Điều đó chứng tỏ qua những tác phẩm thâm viễn, uyên áo, nhất là thể hiện qua phong cách sống đạm bạc, đơn sơ giản dị mà rất nghệ sĩ phiêu bồng, thong dong phóng khoáng, khai mở thông lộ tự do cho con người, biết mỉm cười vô úy, “uy vũ bất năng khuất” trên tinh thần Đại bi tâm trầm hậu giữa muôn chiều diệu dụng với đời sống thực tại cái đang là.
Năm 1973, Tuệ Sỹ vừa đúng 30 tuổi, viết Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng, một tác phẩm thâm thúy tuyệt trù, trữ tình lai láng, tràn đầy chất nhạc và thơ, mở ra con đường phong quang sáng tạo, ngạt ngào hương vị thi ca hòa chan cả trời thơ đất mộng không cùng : “Đạt đến cõi thượng thừa của Thơ như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo, cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đọa thân tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó…
Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh, từ độ đó, Thơ đi vào những thảm họa hoành sinh của lịch sử. Từ buổi bình minh, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng chim thư cưu nơi cồn cát đến những đêm dài trằn trọc... Thơ dấn bước đi vào cuộc lữ…
Thơ phát ra từ cuộc lữ đọa đày rồi trở lại đọa đày cuộc lữ. Cuộc lữ là trường thể nghiệm lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ và Thơ mở rộng những phương trời lữ thứ. Quê hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên đất của Thơ là đất trích, là những vùng đày ải, đường của Thơ là quán trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi đất trích, lân la nơi quán trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa với hằng triệu vấn vương và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối… Bởi cách điệu trầm trọng như thế, nên Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm.” **
Tuệ Sỹ nói về cõi thơ Tô Đông Pha mà vô hình chung cũng dường như nói về cõi thơ của chính mình. Thật vậy, cõi thơ Tuệ Sỹ bước đi bi tráng giữa dòng sử lịch kinh hoàng của thời hiện đại. Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét,tĩnh toạ mà phiêu bồng, đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ thượng thừa, một tài hoa đủ điệu, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt với hồn thơ thâm viễn, uyên mặc u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư lãng đãng :

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Để cho trời thơ phiêu phưỡng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, làm kẻ rong chơi từ thuở hồng hoang hỗn độn, phiêu hốt tang bồng, rong rêu, lêu lổng trong cuộc mộng trần sa :

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô
Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Một sớm nọ nghe chim buồn đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần
Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở
Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái
Nên mười năm quên bẵng mộng giang hồ

Cuộc rong chơi phiêu bạt, lãng tử giang hồ vô tận đến nỗi quên bẵng hết những chuyện mộng mị chiêm bao, hồn thi nhân chuếnh choáng, xuất thần lâng lâng rồi chợt bỗng hóa thân thành cánh chim én mùa xuân bay qua dòng sông chiều tàn hoang vắng hay làm cánh bướm chao nghiêng, tung lượn xôn xao giữa mưa nắng phong trần :

Một con én một đoạn đường lay lất
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao
Bóng ma gọi tên người mỗi sáng
Từng ngày qua từng tiếng vu vơ
Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trên cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa ?
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm

Ngàn năm rồi mà sao vẫn còn mãi lạc loài hỡi mây trắng hoằng viễn miên du ? Nhà thơ chợt lặng thầm trầm tư thắc mắc, chẳng biết chiếc lá vàng úa rụng xa mùa kia sẽ về đâu giữa phong ba, bão loạn ? Nhưng rồi bỗng thấy “năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” nên cứ để mặc nhiên cho dòng thơ trôi chảy qua nghìn bến bờ xa lạ nhòa nhạt hoang vu tận cuối bãi mịt mù. Thi nhân chạnh lòng trắc ẩn trong ngậm ngùi, khắc khoải, xót xa cho bao kiếp người phải hốt hoảng, kinh hoàng vượt trùng dương để tìm kế sinh tồn. Cưu mang nung nấu một nỗi niềm tâm sự mênh mông, không biết bày tỏ cùng ai nên chẳng biết nói gì hơn là để cho tiếng lòng ngân lên cung bậc sầu thương vô hạn trước những lượn sóng cuồng phong chìm nổi giữa sinh tử ba đào :

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi ! Mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao ?
Một bước đường xa xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy ngàn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phìm dương cầm hay máu xanh

Hình ảnh máu màu xanh bầm tím rơi xuống như mưa mù thảm đạm thật khiếp đảm làm sao, gợi ra bao cảnh xiêu hồn lạc vía ở địa ngục âm u mù tăm tối. Ơi chao ! Địa ngục đó chẳng phải ở dưới lòng đất sâu kín kia mà lại ở ngay trên mặt đất trần gian này mới đâu đớn, rợn người khủng khiếp chứ ! Từ khi chứng kiến biết bao oan khiên, nghiệt ngã, biết bao khổ lụy đọa đày diễn ra một cách khốc liệt, tàn bạo, vô nhân đạo, vô lương tâm trên khắp mọi miền thế giới đó, nhà thơ nhạy cảm của chúng ta đã thấm thía một nỗi buồn vạn cổ sầu trong vô lượng xót thương :

Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước
Cố quên mình là thân phận thần tiên

Cốt cách, phong vận của thi nhân vốn là ở cõi tự do tiêu sái, tiêu dao, bay bổng chất ngất một trời thần tiên huy hoàng tráng lệ. Thế mà cũng đành phải cố quên đi tất cả, vì ma quỷ A tu la tham sân si đã hiện hình như người, dùng bạo lực thâm độc, dốc hết tốc độ tham tàn, sân hận, si mê giáng xuống những tai ương thảm họa, trong cơn điên đảo loạn cuồng. Buồn quá phải không, buồn chết lặng quặn lòng đau tê tái giữa chập chùng bóng tối u mê :

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ
Quỷ run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời

Một khi đối diện với quỷ ma giữa ban ngày thì hầu hết chúng ta đều hãi hùng khiếp sợ, nhưng ở đây, kỳ lạ thay, nhà thơ vẫn hào hùng vô uý, khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, hỡi Tăng Triệu, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, hỡi Tô Đông Pha, Lý Hạ, Vương Duy, hỡi Duy Ma Cật, Thiện Tài, Thắng Man, hỡi Suzuki, Nietzsche, Heidegger…giữa điêu tàn tan hoang trên mặt đất ? Rồi lặng hồn lắng nghe đồng vọng vang lên những lời kinh Hoa Nghiêm hùng tráng :

Trang phục bằng khôi giáp Nhẫn kiên cố
Thanh gươm Trí trong cánh tay Đại bi
Nguyện đấng Đại Hùng dũng mãnh hướng dẫn con
Trực diện chiến đấu với ma quân

Với cánh tay Đại bi cầm thanh gươm Đại trí, thi nhân còn mặc thêm áo giáp Vô sanh pháp nhẫn nữa thì cũng thừa sức dấn mình vào địa ngục trần gian, trực diện đương đầu với đảo điên, chuyển hóa ma vương, quỷ sứ đang quờ quạng, loạn cuồng trong bóng tối vô minh. Cuộc thế trận sinh tử kinh hồn, một lần tận tường giáp mặt là một lần thấu triệt lẽ vô thường huyễn ảo quá đỗi mong manh trong cõi người ta và cũng chính từ đó, thi nhân mới phát Bồ đề tâm, phát đại nguyện thượng thừa, gánh vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường của nhân gian như chính lời Tuệ Sỹ nhắc nhở rạt rào : “Bồ đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường, bất khuất của một con người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc bởi tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “Vui sướng gì, thích thú gì giữa ngọn lửa tam độc không ngừng thiêu đốt ? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm bó đuốc ?” Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ tát đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày.” *** Thi nhân thấy như vậy bằng đôi mắt sâu thẳm rực lửa tam muội của chính mình nên vẫn thường vô vi tùy duyên nhẹ bước vào ra giữa ta bà đây đó :

Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ
Trời lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn
Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói
Ép thời gian thành rượu máu trong xanh
Rượu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao

Từ vô thủy đến vô chung, cuộc luân hồi khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phù trần tận chốn miền thiên thu vi vu thổi tới giữa vạn đại miên trường :

Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh

Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô môn quan của thiền sư Vô Môn, do Trần Tuấn Mẫn dịch : “Nơi đây, sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và huỷ diệt.” Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang huỷ diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, gây bao tang tóc não phiền, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn :

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu
Giọt máu nào phiêu lưu, lạc nẻo xa nguồn trôi tan tác, lao đao trong nỗi hao mòn tàn tạ, trong cơn gió lốc kinh hồn rờn lạnh buốt xương da ? Đi là đi mất, đi biền biệt, biến tan như sợi khói mỏng manh giữa bầu trời gió lộng, không bao giờ trở lại nữa, nhưng vừa đi vừa ngoái nhìn để lắng nghe những tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, dâu bể tan hoang đầy thảm hoạ tồn sinh bức bách rợn ngần :

Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru trào máu lệ bi thương ?
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương
Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lãnh
Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương
Viên đá nhỏ mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu vết hoang đường ?

Hoang đường nào còn in trên dấu vết lênh đênh ? Tên tuổi nào cô liêu đến bạc trắng cả mái đầu ? Sầu thế kỷ điêu linh nào cứ ngân dài mãi trong não nề thê thiết :

Tang thương một dải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn xa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu

Cô liêu, cô đơn, cô độc, cô lữ là bước đi kỳ cùng của người thi sĩ dị thường. Bước đi chênh vênh, khập khễnh bên này cát bụi phù du, bên này bờ Thị Ngạn Am xao xác cọng lau gầy sậy yếu lặng phất phơ. Thở cùng hương trái đắng và hương nắng buồn trong mắt biếc nhiều diệu vợi uyên tư :

Gà xao xác gọi hồn ta từ quá khứ
Về nơi đây cùng khốn với điêu linh
Hương trái đắng mùa thu buồn bụi đỏ
Ôi ngọt ngào đâu mái tóc em xinh
Từng tiếng lẻ loi buồn thống thiết
Nghe rộn ràng từ vết lở con tim
Từ nơi đó ta ghi lời vĩnh biệt
Nắng buồn ơi là đôi mắt ân tình
Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lõng
Môi em hồng ta ước một vì sao
Trưa dài lắm nhưng lòng tay bé bỏng
Để vươn dài trên vầng trán em cao

Em ở đây chính là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời nếu nhìn từ chân đế, vốn là tuyệt trần Chơn mỹ, vốn là Vô sinh bất diệt, vốn là Niết bàn, Tịnh độ như thị như nhiên. Biết được điều đó, cho nên lòng thi nhân tự bao giờ vẫn vô cùng khoan dung rộng lượng, thương yêu nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ, trong tận cùng dung nhiếp âm thầm, chia sẻ với muôn loài vạn vật trần ai :
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao

Vô biên vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy ? Một tình yêu rộng rãi Đại bi tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút biển ngàn, sông núi giữa trời đất mênh mang :

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở Trường Sơn
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương

Bản tình ca vô tận ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ ở dọc đường quán trọ bơ vơ, bên làng mạc, thôn ấp đìu hiu, cạnh ven rừng sơn dã hay quanh triền sông thị trấn tiêu điều hoặc trên ghềnh suối truông ngàn hoang vắng tịch liêu giữa những chiều sương khói chơi vơi bềnh bồng trống trải :

Em trải áo trên hoa rừng man dại
Để hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau
Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi
Để hoa rừng phong nhụy với ngàn lau
Em xỏa tóc cho cây khô sầu mộng
Để cây khô mạch suối khóc thương nhau
Ta cúi xuống trên nụ cười chín mọng
Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu
Ta chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc chợt thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ
Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường
Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ
Để nhìn sâu trong ngọn nên tàn canh

Bằng ánh mắt từ tâm thâm cảm, nhà thơ bi tráng của chúng ta nhìn sâu vào lòng đời với nụ cười bao dung rạng rỡ. Thở cùng điệu hát bản tình ca nhã nhạc vang lừng trên núi rừng cô tịch hay giữa ngày hội lễ rộn ràng dưới phố thị xôn xao, nhà thơ đều im ắng lắng nghe trong từng khoảnh khắc lặng trầm, cảm nhận sâu xa vì biết chỉ là chiêm bao huyễn mộng trong khói bụi chập chờn :

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
Em là nàng thơ, là hình ảnh cuộc sống. Cuộc sống nếu nhìn từ tục đế thì đầy những thăng trầm, điêu linh khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đế là sự thật thứ nhất mà Đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu : “Dù có bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt :
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lửa
Ngồi đợi gió sang canh
Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, sẵn sàng chờ đợi một điều gì có thể xảy đến, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u buồn xót xa sầu khôn tả :

Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa
Người không đi sông núi có buồn đi
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi
Ta lên bờ nắng vỗ bờ róc rách
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa ai thấy mộ sương dầm ?
Ráng chiều xa bảng lảng bóng hoàng hôn nhân loại đang phủ trùm vàng vọt xuống khắp vùng sông núi Đông phương. Cho dẫu đường đời giăng bẫy đầy hầm hố cách ngăn, khó khăn trắc trở gì gì đi nữa, thi nhân vẫn nhận diện, tỉnh thức trước những sự kiện đang diễn biến, vì đã bừng ngộ thấy : “Ngay trong phiền não tức là Bồ đề, ngay trong những nguy hiểm đáng sợ hãi của sinh tử cũng chính là Niết bàn an ổn. Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, nhưng không phải hủy diệt sợi dây để diệt trừ ảo giác gây nên sợ hãi. Ngoài những gì vô thường được thấy, được kinh nghiệm bằng chính mắt, tai, mũi, lưỡi này, không tồn tại một thế giới chân thường, đại lạc hay đại ngã nào khác. Đó chính là thực tại Nhất nguyên tuyệt đối.” ****

Phải chăng, đó là cái thấy bằng Trí tuệ siêu việt ? Một khi nhà thơ có cái nhìn tuệ giác đó rồi thì những sầu khúc thê lương kéo dài trong đợi chờ não nuột suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng như lời thơ tiên tri trước cuồng phong bão tố mịt mùng cũng chẳng hề dao động mà vẫn như như tự tại vô ngại :
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối nỗi gì tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai như ánh chớp mây chiều

Chút thân bé bỏng dù bị tù ngục lưu đày vì sự ngộ nhận của thế lực vô minh, nhưng ngay trong dầu sôi lửa bỏng, trong đêm dài sinh tử đó, thi nhân đã nhập thần, đại thiền định, thấu thị tất cả vạn pháp “như sương mai như ánh chớp mây chiều” làm vỡ bùng rơi rụng bóng tối để rực ngời lên ánh phong quang, hiển lộ vô ngần thần lực vô vi. Một câu thơ khiến bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi từ trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì :

Tất cả pháp hữu vi
Như huyễn mộng bọt nước
Như ánh chớp sương mai
Thường quán tưởng như thị

Trùng trùng vạn pháp muôn loài vạn vật núi sông, rừng biển, thiên nhiên vũ trụ và con người đều như mộng như huyễn , như bọt nước như sương mai…Phải thường xuyên thấy rõ ràng như thế. Tuệ Sỹ cũng nhiều lần nói : “Tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là một sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này, sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ thì có kẻ trầm mình xuống sông hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực, người nghe có thể kinh hoàng như nghe sét đánh ngang tai. Tiếng sét đó là từ Kim Cang Bát Nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối, mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh ? Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim Cang ? Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, kinh Kim Cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.”

Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như ảo ảnh, mộng huyễn như vậy thì hoát nhiên hiển lộ, bừng sáng lên một phương trời Tánh Không lồng lộng nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh trầm thống đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản tình ca vô tận của Đông phương” hay biến thành Những điệp khúc cho dương cầm thâm thúy dưới ngàn trăng sao xao xuyến lặng bồi hồi :

Nỗi nhớ đó khát khao luồn sợi tóc
Vòng tay ôm cuộn khói bâng khuâng
Uống chưa cạn chén trà sương móc
Trên đài cao em ngự mấy tầng
Lên cao mãi đường mây khép chặt
Để xoi mòn ảo tượng thiên chân
Ồ, nguyệt quế !Trắng mờ đôi mắt
Ồ, sao Em ? Sao ấn mãi cung đàn ?
Giai điệu cổ thoáng buồn u uất
Xưa yêu Em xao động trăng ngàn

Từ xưa đến nay vẫn điệp khúc cung đàn trường ca Đại bi tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc Bất nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung. Chúng ta hãy lắng nghe, thưởng thức những giai điệu tài hoa của nhạc sĩ tế nhị cảm giao hòa :
Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt
Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng
Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc
Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên
Từ đó ta trở về Thiên giới
Một màu xanh mù tỏa Vô biên
Bóng sao đêm dài vời vợi
Thật hay hư chiều nhỏ ưu phiền
Chiều như thế cung trầm khắc khoải
Rát đầu tay nốt nhạc triền miên
Ôm dấu lặng nhịp đàn đứt vội
Anh ở đâu khói lụa ngoài hiên ?
Ngoài hiên chiều phất phới bay qua những vệt nắng nhạt nhòa phôi pha trong bóng tà huy thấp thoáng lan dần nhẹ tỏa xuống mềm mại những sợi khói mênh mang :
Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt ?
Ta yêu người từ vết rạn thời gian
Thời gian và không gian trộn lẫn hòa quyện tan vào trong cùng một tấu khúc rung cảm, bồng tênh lênh láng, dạt dào du dương, vi vu vi vút nguồn cảm xúc khôn dò của người em thi ca quá tuyệt diệu trong tự tình khúc rung động chan hòa :
Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em rung trên những phím lụa ngà
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi
Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối
Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi
Đường xanh xanh phơn phớt nụ ai cười
Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt
Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt
Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa
Tiếng đàn miên man réo rắt lặng hồn dưới bàn tay phấn chấn thân yêu, dìu dặt vọng vang bàng hoàng qua những điệp khúc cho dương cầm thâm tình thấm thiết mãi ngân nga từ cõi mộng không lời, hỡi vầng trăng gầy tịch nhiên soi chiếu trong vườn sương khuya mờ ảo lung linh ngời lấp lánh long lanh :
Nhà đạo nguyên không khách
Quanh năm bạn ánh đèn
Thẹn tình trăng liếc trộm
Bẽn lẽn núp sau rèm
Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà đạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa
Chao ơi ! Yêu thương nhau đã từ muôn triệu kiếp rồi, hỡi vầng trăng thanh thoát vàng hoa mộng như nàng thơ gầy yểu điệu, lặng lẽ chia phôi. Thôi buồn làm chi nữa phải không ? Thôi cứ thản nhiên để cho hồn thơ dệt phím nhạc ngàn đời những tơ đàn diệu âm trầm bổng ngát xanh huyền :
Tóc em bay trong sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Đến bây giờ mây trắng gởi tin sang
Hồn tôi đi trong rừng lang thang
Cọng lời ru từ ánh trăng tàn
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan
Gót chân em nắng vàng xưa viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim
Trong tim hồn rộn ràng bao nhịp hát hoang sơ từ thượng cổ vọng về, nghe như điệu hát Trang Tử Tiêu dao du, bên bờ sông xa mù Dương Tử, hay như lời thơ ngâm nga của Milarepa trên tuyệt đỉnh ngàn cao Hy Mã Lạp Sơn chập chờn sương khói tỏa thiên thu hoặc như khúc hát nghêu ngao Phóng cuồng ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ, trong cơn xuất thần nhập diệu, đại hòa điệu chơi cùng nhật nguyệt, thiên địa tuần hoàn.
Thế là, bát ngát bồng tênh trên ngõ về im lặng, tiếng thơ trầm hùng Tuệ Sỹ như ánh trăng huyền nguyên thủy, chiếu diệu xuyên qua ngút ngàn bóng tối vô minh làm bừng hiện rực ngời lên trên cung bậc ngôn ngữ thi ca đầy sáng tạo và sáng tạo tân kỳ như Tuệ Sỹ từ thuở thanh xuân đã nghe tận thần hồn : “Ngôn ngữ không còn là một hình ảnh héo hắt của Thực tại sai biệt và sai biệt. Nó không đi chơi vơi trên Thực tại mà đóng vai trò truyền thông như tiếng gọi từ trên một đỉnh trời Tuyệt đối vô tri, từ trên một đỉnh núi ngàn đời bất khả xâm phạm, luôn luôn thách đố bước tiến của con người. Nó đánh mất đi cái cụ thể nghèo nàn trong tầm mắt thường nghiệm của phàm phu để dẫn đến một chân trời rực rỡ của sáng tạo.” *****
Con đường mây trắng thênh thang sáng tạo đã vượt qua những mộng tàn năm tháng cũ, dù vẫn cỏn chút dư hương của một thời đọa đày viễn mộng u sầu :
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi
Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn
Một dòng sông vồn vã động chân trời
Ơi chao ! Đã chia phôi, từ biệt cuộc ân tình nhân thế từ dạo đó, kể từ ngày như Nguyễn Du xa xưa từng chứng kiến giữa trần ai : “Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng đi về theo thể điệu phiêu nhiên, quy hồi Vĩnh cửu với nụ cười sâu lắng tự tri :
Khói ơi ! Bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa
Vĩnh hằng chẳng ở đâu xa mà ngay trong từng sát na hiện tại, ở đây và bây giờ, ngay trong tiếng ve sầu hay từng nhịp thở nhẹ nhàng giữa lòng phố bụi lao xao :
Ve mùa hạ chợt về thành phố
Khóm cây già che nắng hoang lương
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
Trên phím đàn lặng lẽ tan hương
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương
Ngôn ngữ thi ca thường chứa nhiều ẩn dụ, tượng trưng hàm súc như vậy, chúng ta tha hồ suy diễn, lãnh hội, cảm nhận theo đủ cách điệu riêng tư của mình thôi. Đọc thơ Tuệ Sỹ là lang thang bước dạo chơi vào một thế giới diêu mang kỳ ảo vô vàn :
Một ngày chơi vơi đỉnh thác
Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không
Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt
Mặt hồ im ánh nước chập chờn
Mặt hồ im tảng màu man mác
Ảnh tượng mờ một chút sương trong
Quãng im lặng thời gian nặng hạt
Tôi nghe đời trong tấu khúc Thiên hoang
Tấu khúc Thiên hoang vang rền, đồng vọng trong tận đáy lòng Không tánh vô biên, khiến cho thi nhân tự mình thưởng thức hương vị cô liêu của cuộc sống. diệu thường :
Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng
( Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức )
Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì ? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm ? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa ?
Đã rời khỏi Thị Ngạn Am ở Sài Gòn gần 2 năm nay rồi, bây giờ Tuệ Sỹ sống lang thang đúng nghĩa lang thang, hoàn toàn rỗng rang vô sự. Vô sự là thong dong tự do tự tại giữa đang là, không còn chạy theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Phật, là Tổ như thiền sư Lâm Tế nói : “Con người vô sự là người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Phật.” Lẫn vào cát bụi phù du “hòa kỳ quang đồng kỳ trần” Tuệ Sỹ giống như thiền sư thi sĩ Nhật Bản Basho xuống núi, phiêu bồng thõng tay vào chợ làm thơ và làm thơ giữa ngày tháng lưu linh cùng sương khói bồng bềnh.

Trên ngõ về im lặng, lúc thì tiêu dao với mây trắng trên núi rừng Madagoui huyền ảo, lúc thì lên đồi Phương Bối ở vùng Đại Lão, Bảo Lộc uống trà với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, bồng tênh xuôi về phố hoa Đà Lạt, ghé bên cầu sông nước Đại Ninh cùng những ẩn sĩ tâm tình, rồi thênh thang xuống miền biển khơi Vạn Giã, Nha Trang muôn trùng bát ngát…Hát khúc vô thanh siêu thoát làm hồi phục những tiêu điều, hiu hắt dọc khắp ven đường thi sĩ đi qua.

Hòa trong nhịp bước vân du, người viết chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ : “ Một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương…

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”
Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi. Thôi thì chỉ xin kính tặng một bài thơ bình dị :

Những phương trời viễn mộng đi
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua
Đọa đày một thuở ta bà
Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng
Ôi ! Giấc mơ Trường Sơn rung
Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ
Kinh thiên động địa sững sờ
Đâu chân diện mục của thơ với thiền ?
Mặc như lôi ngồi tịch nhiên
Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm
Những điệp khúc cho dương cầm
Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm

_____________________________

* Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ. Nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn 1969
** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2008
*** Tuệ Sỹ. Thắng Man giảng luận. Nhà xuất bản Phương Đông, 2012
**** Tuệ Sỹ. Huyền thoại Duy Ma Cật. Nhà xuất bản Phương Đông, 2007
***** Tuệ Sỹ. Triết học về Tánh Không. Nhà xuất bản An Tiêm. Sài Gòn 1970

Thơ Tuệ Sỹ, trích trong 2 thi phẩm :
Giấc mơ Trường Sơn. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris 2002
Những điệp khúc cho dương cầm. Nhà xuất bản Phương Đông 2009
__._,_.___

..

Monday, July 16, 2018

Ảo giác quyền lực !



Hôm qua ngồi coi đá banh chung kết World Cup với gia đình và mấy người bạn. Tới phần phát giải thưởng, trời mưa. Đám nhân viên  (hoặc vệ sĩ) chạy ra che dù cho Putin, còn tổng thống Pháp & Croatia giữa trời mưa dột, mặc kệ. Người bạn nói "Hình như những người đó đã được huấn luyện rập khuôn, thuần hoá, trở thành thuộc tính, thấy mưa là che dù cho lãnh đạo họ ngay :-) ". Còn mình thì đợi hoài, coi thử phản ứng của chủ nhà Putin có quan tâm tới người khác chung quanh không, nhất là đối với phụ nữ (tổng thống Croatia) đang ướt như chuột lột. Không, ngài vẫn thản nhiên như vại, ung dung và hãnh diện. Có lẽ ông ta cũng không nhận ra đó là điều khác thường !

Đang định nói chút về cái thuộc tính văn hoá của nhà lãnh đạo Putin, thì sáng nay thấy báo chí khắp nơi đăng đầy. Thực ra thì mình cũng không ngạc nhiên lắm về những ứng xử như vậy, bởi cũng từng gặp qua nhiều trường hợp tương tự, ngay chính trên quê hương mình. Chuyện che dù xách dép cho sếp là bình thường. Chưa bắt cõng cho khỏi ướt giày đã là văn minh lắm rồi :-) .

Nhiều người cho rằng đó một thứ văn hoá trong xã hội quyền lực tập trung, độc tài. Mình thì cho rằng đó là một thứ ảo giác quyền lực. Sống với những ảo giác quyền lực lâu ngày, dần dà quên mất cái giá trị bình đẳng giữa người với người, dễ ngộ nhận mình là cái rốn của vũ trụ. Và cách ứng xử của họ đối với thuộc cấp hoặc những người yếu thế hơn đã thể hiện rõ điều đó. (Dĩ nhiên là không có ý vơ đũa cả nắm, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ). Hiện tượng này cũng thường thấy trong giới trọc phú của những đất nước kém phát triển, hoặc luật pháp còn nhiều kẻ hở. Sống trong một xã hội mà quyền lực càng bị lạm phát, thì con người càng có xu hướng muốn thể hiện quyền lực. Đó là sự thật, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra hiện tượng đó ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay.

Hồi mình mới về SG làm việc, lớ ngớ. Có lần, chiều tan sở về, lục đục đi mua đồ làm cái chuồng cho chú chó con. Cậu bảo vệ công ty thấy vậy, nói "Thôi đi anh, để đó em kêu lính làm cho". Mình ngạc nhiên hỏi "Em cũng có lính hả ? ". Sau này, dần dà mới hiểu, cả nước VN nhiều người có "lính", chứ chẳng phải gì cậu ấy. Lính thiệt, lính giả, lính không ăn lương, lính sai vặt, lính tự nguyện, lính biên chế .v.v.. Lớn có lính lớn, nhỏ có lính nhỏ, nói đùa nói thật, đủ cả, không biết đâu mà lần. Ảo giác quyền lực tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, và thường dẫn đến những phô trương kệch cỡm. Không những thế, nó còn là nhu cầu giải thoát của sự tự ti mặc cảm. Ở đâu cũng vậy. Nhớ lại hồi mấy chục năm trước mình quen biết anh kia làm công nhân trong sở. Anh một thời khuấy nước nên hồ, hô hào quy chụp, nổi đình nổi đám, thọc đông thọc tây, "chỉ đạo" thiên hạ. Lúc nào anh cũng tỏ ra mình là lãnh tụ, chỉ huy. Ai không theo ý anh, anh "tặng" ngay cái nón cối. Có lần mình hỏi thăm "hồi đó chắc anh sĩ quan thuộc binh chủng nào ?". Anh trả lời nhỏ nhẹ " Hồi xưa mình trốn lính". Đã lâu lắm rồi không gặp, không biết giờ này anh ở đâu ?

Mới hôm lễ Độc Lập đầu tháng này, mình dẫn con đi dự lễ dưới phủ thống đốc/toà đô chính của tiểu bang. Có ông thứ truởng và mấy ông quan chức cao cấp tiểu bang đi vòng vòng ngoài bãi cỏ chào hỏi bà con, đùa giỡn với mấy đứa nhỏ, phát cờ, thẩy pie .... Một người quen bên VN mới qua, hỏi mình: "Sao mấy ông này bình dân thế ?". Mình trả lời "Xứ này người ta quan niệm làm quan chức nhà nước cũng là một công việc bình thường như công việc khác mà thôi, có khi lương còn ít hơn bên ngoài. Làm việc cho dân, lãnh lương của dân, thì chào hỏi đùa giỡn với người dân, cũng là chuyện bình thường thôi. Hết giờ làm việc, cũng là dân. Mai mốt hết làm, về hưu cũng là dân. Có gì họ phải tự đề cao phân biệt đối xử !".

Đúng là như thế. Nhưng thực ra, nói dễ dàng vậy, thấy đơn giản vậy, nhưng để có được một quan niệm tôn trọng bình đẳng trong xã hội thì quả không dễ chút nào. Bởi nó liên quan đến cả một hệ thống văn hoá giáo dục & xã hội. Nhiều chính khách, quan chức, từng diễn xuất chuyên nghiệp, rồi có lúc cũng sơ suất thể hiện cái tư duy văn hoá thực sự của mình. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ảo giác quyền lực là do sự mất cân đối giữa quyền hành và khả năng thực sự, hoặc là hệ quả của những tiếm dụng quyền lực không công bằng. Ảo giác quyền lực càng lớn thì văn hoá ứng xử càng nhỏ !

Ông Putin hết làm tổng thống qua làm thủ tướng, hết thủ tướng lại nhảy qua làm tổng thống. Tài năng kiệt xuất như vậy, thì lỡ ứng xử sai chút, thế giới cũng nên rộng lòng tha thứ vậy :-) ....


Friday, July 06, 2018

Yếu hay mạnh ?

Cách đây vài tháng, truyền thông Mỹ xôn xao vì vụ bà Caren Turner, một uỷ viên của thành phố cảng New York-New Jersey (Port Authority of New York and New Jersey), đã lạm dụng quyền lực của mình. Câu chuyện bắt đầu khi con gái bà & vài người bạn bị 2 người cảnh sát dừng xe vì quá hạn đăng kiểm. Cô con gái gọi điện thoại cho bà ra, nhưng hai người cảnh sát đã không quan tâm gì đến chức vụ của bà, và chỉ làm theo lẽ phải (coi video). Bà nói, “Tôi là Ủy viên Thành phố, tôi đứng đầu 4.000 cảnh sát ở đây, anh rõ chưa?". Người cảnh sát cũng không e dè và trả lời “Thưa cô, chúng tôi không cần xem giấy tờ của cô”. Họ chỉ làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình. Sau cùng, bà Thành Ủy viên này xin lỗi hai người cảnh sát và từ chức, chấm dứt sự nghiệp chính trị đang lên của bà.  Mở ngoặc chút, dĩ nhiên ở đâu cũng có "good cops, bad cops" (cảnh sát tốt & cảnh sát xấu), chỉ là nhiều hay ít. Tuy nhiên ở Mỹ nếu phạm luật thì con ông Trời cũng phải tuân thủ theo luật pháp, nếu không thì chỉ mang hoạ vào thân !



Rồi coi đến đoạn video dưới đây xảy ra ở VN, những ông trời con đời thường. Dối trá, ngang ngược, và hèn yếu. Xưa nay trên thế giới, trong một xã hội pháp trị, niềm tin vào luật pháp được hình thành và duy trì là nhờ ở quan hệ thực thi song phương. Cho nên để dẫn đến những câu chuyện bi hài như thế này, có phần trách nhiệm của cả người thi hành pháp luật và người thừa hành pháp luật. Thỉnh thoảng đọc báo VN vẫn thấy những mẩu tin "ông trời cha và ông trời con" như thế. Dường như họ có cùng một điểm chung là muốn thể hiện "Mày có biết tao là ai không ?".

Rõ ràng có một sự ngộ nhận rất lớn ở đây, bởi họ cho đó là cách thể hiện sức mạnh, trong khi thực ra đó lại là một hiện tượng yếu đuối, kém tự tin. Sự cầu cạnh, nhờ vả, dựa hơi, bám víu vào những thứ không thuộc về mình để thể hiện quyền lực là một tâm lý yếu đuối, và tư duy "cơ hội". Sự tự trọng của con người và sự công bằng của xã hội, chắc chắn sẽ không bao giờ dựa trên nền tảng của văn hoá dựa hơi & bao che. Những nước văn minh, đại đa số không ai giáo dục con cái như vậy !



Ngược lại có những đất nước, văn hoá dựa hơi, nhờ vả, cửa quyền, hống hách xưng tụng ... đã ngấm sâu qua nhiều thế hệ, đến mức không còn phân biệt được đúng sai. Xã hội đầy rẫy vấn nạn "con ông cháu cha", dựa hơi, thân thế. Từ làng xã địa phương cho đến những cấp chính quyền cao hơn. Từ trong nước cho đến ra nước ngoài, một số người vẫn thế !

Thực ra suy cho cùng, nếu không thay đổi được tư duy và văn hoá này, thì sẽ khó có được một đất nước hùng cường, thịnh vượng thực sự.



Monday, July 02, 2018

99 Năm Cảng Darwin Của Úc Vào Tay Trung Cộng.



(Nguyễn Quang Duy)
Melbourne, Úc Đại Lợi


Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Mặc dù cả 2 Đạo Luật không giới hạn ngoại bang là nước nào nhưng ngay trong Quốc Hội đã công khai bàn tới là Trung cộng.

Trong khi việc Bắc Úc cho Trung cộng thuê cảng Darwin 99 năm là nguyên nhân ban đầu dẫn đến hai Đạo Luật, thì Việt Nam lại dự định sẽ thông qua dự luật 3 Đặc Khu vào tháng 10 này. Xin đúc kết câu chuyện xem như một bài học cho người Việt chúng ta.

Bán cảng Darwin

Tháng 10/2015 Bộ Trưởng Lãnh thổ Bắc Úc Adam Giles công bố đã cho Tập đoàn Landbridge của tỷ phú Trung cộng Ye Cheng thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá $506 triệu Úc kim.

Mặc dầu trước đó báo chí, giới học giả và dân chúng Úc đã công khai phản đối việc mua bán vì đây là cảng chiến lược gần phi trường quân sự, căn cứ quân sự Úc - Mỹ, cửa ngõ để ra vào Biển Đông và nếu chiến tranh xảy ra Trung cộng có thể sẽ phá cảng quân sự này thay đổi cuộc diện chiến tranh.

Giám đốc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc, Peter Jennings nhất quyết cho rằng việc ông Ye Cheng mua cảng Darwin là nằm trong dự án Một Vòng Đai Một Con Đường phục vụ chiến lược của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh về lâu dài sẽ đối chọi với quyền lợi nước Úc.

Cảng Darwin là tài sản Liên Bang giao cho chính phủ Bắc Úc quản lý theo một Đạo Luật riêng chính phủ Bắc Úc có quyền cho thuê lên đến 99 năm. Tài sản của chính phủ lại không bị bó buộc bởi các Đạo Luật về Công Ty, nên hợp đồng mua bán với Landbridge đã tiến hành một cách khá thầm lặng.

Đến nay dư luận vẫn thắc mắc tại sao cả hai đảng Lao Động và Tự Do ở cấp Liên Bang chấp nhận việc bán cảng Darwin. Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb còn công khai ủng hộ việc này.

Điều lạ lùng là cả Bộ Quốc Phòng và Cơ quan Tình Báo Úc ASIO khi ấy đều không xem hợp đồng thuê mướn 99 năm là đe dọa đến an ninh quốc phòng Úc. Ít lâu sau vào tháng 8/2016 Bộ Trưởng Bắc Úc Adam Giles bị thất cử nặng nề, ông phải chính thức thừa nhận chính phủ của ông trong vòng bốn năm qua hoạt động yếu kém và bỏ qua cơ hội tái đắc cử.


Cầm Thế Cảng Darwin

Việc bán cảng Darwin trở nên nghiêm trọng vào đầu tháng 6/2017 khi hãng truyền thông Fairfax đưa tin Landbridge có thể đã cầm thế cảng để vay $500 triệu từ Ngân hàng Xuất Nhập Cảng (Export - Import Bank). Ngân hàng Export - Import Bank là của nhà nước Trung cộng đã công khai mục đích nhằm thực hiện chiến lược Một Vòng Đai Một Con Đường của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Landbridge xác nhận cảng đã được cầm thế và đã tham khảo ý kiến chính phủ Bắc Úc. Phát ngôn viên chính phủ Bắc Úc trả lời Fairfax là họ có đủ quyền hành giữ quyền kiểm soát cảng Darwin mặc dầu nó bị đem đi thế chấp cho nước ngoài. Chính phủ Liên Bang không nói ra nhưng chắc chắn không đồng ý vì từ lâu đã nghi ngờ tỷ phú Ye Cheng có liên hệ rất mật thiết với đảng Cộng sản.

Vào tháng 12/2015, Ủy Ban Kinh Tế Thượng Viện Úc đã công khai đặt vấn đề ông Ye Cheng là thành viên của của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng một tổ chức của đảng Cộng sản có quyền lực và nhằm cố vấn cho chủ tịch Tập Cận Bình.

Vào năm 2013 ông Ye Cheng còn được chính quyền tỉnh Sơn Đông vinh danh là 1 trong 10 cá nhân quan tâm đến sự phát triển của nền Quốc Phòng Trung Cộng. Ngoài cảng Darwin, năm 2014, Landbridge còn mua Công Ty Sản xuất khí đốt WestSide đặt trụ sở tại Brisbane, Úc.

Mua Chuộc Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb

Tháng 6/2017 Chương trình truyền hình Four Corners và Fairfax công bố kết quả điều tra cho thấy Trung cộng đã kín đáo xâm nhập và tạo ảnh hưởng trong chính quyền Úc.

Cụ thể là Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb cha đẻ của hiệp ước tự do mậu dịch Trung cộng - Úc và là người công khai ủng hộ việc bán cảng Darwin đã có những làm ăn hết sức mờ ám với với Tập đoàn Landbridge.

Ngày 9/5/2016 trước lần bầu cử Liên Bang Úc ông Robb đột ngột xin từ chức Bộ Trưởng và tuyên bố không ra ứng cử nữa. Một lá thư mật do công ty Landbridge gửi đến ông Robb bị tiết lộ cho thấy trước khi từ chức ông Robb đã nhận lời làm cố vấn kinh tế cao cấp cho công ty Landbridge với mức lương lên tới $880.000 hàng năm. Bức thư nói một cách mù mờ ông Robb chẳng cần làm gì cả mà vẫn có được món tiền này.

Ông Robb còn là cha đẻ của Hiệp định Mậu dịch Tự do Trung Cộng Úc, ký kết năm 2014. Theo tường trình của Ủy Ban Bầu Cử vào ngày Hiệp định được ký kết tỷ phú Trung cộng Huang Xiangmo đã tặng ngay $50.000 cho quỹ tranh cử của ông Robb. Ông Huang Xiangmo là nhân vật chính trong bài tới về việc Trung cộng dùng tiền ảnh hưởng chính trị Úc.

Ngăn chặn Trung cộng xâm chiếm nước Úc.

Rút bài học từ cảng Darwin, Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison cho biết chính phủ Úc luôn ủng hộ nước ngoài đầu tư nhưng không được đi ngược quyền lợi nước Úc, và Úc không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh quốc gia.

Năm 2016, ông Morrison đã ra lệnh ngừng việc cổ phần hóa công ty điện lực lớn nhất Úc Ausgrid khi nhận được đấu thầu của Tập đoàn điện lực Trung cộng và của một công ty do tỷ phú Hong Kong ông Li Ka Sing nắm. Đồng thời ông bác bỏ việc bán công ty nuôi bò lớn nhất Úc S Kidman & Co Ltd khi có người Trung Quốc hỏi mua.

Ngày 10/10/2017, Tổng trưởng Tư pháp George Brandis công bố dự luật nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia trước sự thao túng của nước ngoài. Ông cho biết mức độ đầu tư của nước ngoài ngày càng gia tăng, nên hạ tầng trọng yếu của Úc như điện lực, cấp nước, viễn thông và cảng biển, càng ngày càng dễ bị do thám và bị phá hoại hơn.

Dự luật An ninh Cơ sở hạ tầng trọng yếu 2018 được Quốc Hội Úc thông qua ngày 28/3/2018 cho phép Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc người điều hành cơ sở hạ tầng giảm bớt “nguy cơ an ninh quốc gia đáng kể”. Đồng thời doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phải đăng bộ tài sản để chính phủ theo dõi người sở hữu, kiểm soát và có quyền giám sát những tài sản cơ sở hạ tầng trọng yếu khi cần.

Theo ông Brandis, việc làm này là để cung cấp thông tin cho những đánh giá của chính phủ về những tài sản có nguy cơ bị do thám bị phá hoại.

Như vậy mặc dầu cảng Darwin đã nằm trong tay Trung cộng, Đạo luật cho phép chính phủ Liên Bang can thiệp vào cảng Darwin bất cứ lúc nào khi thấy có nguy cơ có hại cho an ninh quốc gia. Mặt khác, chính phủ sẽ không cho phép người nước ngoài tham gia các dự án tại Úc nếu Cục Tình báo An ninh (ASIO) chứng minh rằng sự tham gia này có hại cho an ninh quốc gia.

Việt Nam ngày nay điện, nước, đường xá, đất đai và sắp tới 3 Đặc Khu đa phần đã bị Trung cộng kiểm soát bị cầm thế. Bài học cảng Darwin là một bài học cho chúng ta ghi nhận.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

1/7/2018

Tuesday, June 26, 2018

Phiếm: Khoảng cách thế hệ ....



Mấy hôm nay làm tài xế chở con đi chơi, đi hội hè, đi hội thảo về phim ảnh online, đi thăm chỗ này chỗ nọ ... Mỏi giò mỏi cẳng, mới nhận ra mình đã "già" rồi.
Quả nhiên là đi với tuổi trẻ, mới thấy mình già nua. "Già" vì tuổi tác là chuyện thường tình, "già" về tinh thần mới là điều đáng lo ngại :-). Đúng ra thì khoảng cách thế hệ thời nào cũng có. Nhưng trong cái thời đại internet & truyền thông hiện nay, khoảng cách thế hệ (generation gap) lại càng quá lớn. Mình làm trong lãnh vực truyền thông, công nghệ thông tin, đã mấy chục năm, mà hội nhập vào thế giới công nghệ của thế hệ trẻ, của con cái, còn thấy ngơ ngác. Huống hồ là người chưa hề biết gục gờ chấm cơm, phê tê bốc, e meo, tờ nét ....là gì. Đó là chỉ mới nói đến công nghệ kỹ thuật thôi, còn về các lãnh vực khác như âm nhạc, phim ảnh, tư tưởng, trào lưu, nghệ thuật, thời trang .....thì lại càng cách biệt nữa.

Mà có đi đến những cuộc hội thảo, những conference, những convention này, mới hiểu hết được tại sao hầu hết sự sáng tạo phong phú của thế giới đều bắt đầu ở một số quốc gia, mà không thể là ở Triều Tiên, Cu ba, Trung quốc. Cứ nhìn lại lịch sử, từ mainframe computer cho đến PC, từ Windows cho đến Apple, từ Google cho đến Facebook, từ Tom & Jerry trắng đen cho đến HD Blue-Ray, từ máy giặt máy sấy cho đến tàu ngầm, phi thuyền lên chị Hằng sao Hoả .... tất cả đều bắt đầu ở sự tự do. Tự do trong tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do sáng tác, tự do phản biện, và tự do ... chế tạo !

Tốn bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu sức lực, bao nhiêu nổ lực hy sinh, bao nhiêu cải cách, những nước văn minh mới tạo dựng được một môi trường tự do dân chủ đầy ngẫu hứng cho mọi thế hệ phát triển, đa dạng & phong phú. Mọi người đều có quyền suy luận, phát biểu, chia xẻ, sáng tác, và thể hiện cái riêng của họ. Một cậu bé dị tật bẩm sinh, tự nhiên biểu diễn khả năng nhảy múa của mình trước đám đông xa lạ. Một cô gái có kích thước quá cỡ, tự tin thuyết giảng về công việc của mình, không chút ngượng ngùng. Một thần tượng giới YouTube bình dân trong quần rách áo thun, kể về lỗi lầm và sự ngu dốt của mình khi mới bắt đầu vào nghề làm video. Một cô bé rất nổi tiếng trong giới Animal Jam chia xẻ "mình rất bình thường trong học lực và gia đình cũng nghèo, nên những gì mình đã làm được, chắc các bạn sẽ làm tốt hơn" ...v.v. Những đứa trẻ mới lớn, những nhà sáng tác kinh nghiệm, những đạo diễn, những game thủ, những "con nghiện" online, những nhà kinh doanh thành đạt, những trai gái tập tễnh vào đời ... kẻ nói người nghe. Mọi thứ đều rất bình thường, đơn giản, thực tế, và gần gũi.

Không hề có những mẫu chuyện hư cấu, đề cao thần tượng, cũng chẳng có tấm gương đạo đức, và càng không hề thấy bóng dáng đảng phái, thế lực thù địch, âm mưu chính trị nào cả .... Mà chỉ là những tiếng cười, ôm nhau, la hét, tự do, hoà bình, thân thiện, tự tin, phản biện, tranh luận, đầy ngẫu hứng ... để sáng tác, để đóng góp (contribute) cho đời sống tự nhiên mỗi ngày.

Không tuyên truyền, không khẩu hiệu, không băng rôn, không cờ quạt, nhưng những thông điệp cuộc sống tự nó đã được truyền đi mạnh mẽ. Và hình như tất cả mọi người đều cảm nhận được những lời nhắn nhủ động viên gần gủi đó... Đó là "Những gì tôi làm được, các bạn chắc chắn cũng sẽ làm được". Đó là "Đừng điên cuồng bắt chước theo một thần tượng hay tấm gương nào, bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Nên có lối đi riêng, và hãy tin vào lối đi của bạn". Đó là "Niềm tin sẽ giúp bạn thành công, tự do sẽ giúp bạn thoát khỏi hạn chế của bản thân và nghịch cảnh". Đó là "Hãy làm cho cuộc sống chung quanh ngày mỗi tốt hơn". Đó là "Hãy ôm nhau thay vì xô đẩy nhau". Đó là "Hãy mơ ước và nhìn về phía trước". Đó là "Đừng sợ hãi, đừng đầu hàng, mà hãy đứng lên sau mỗi lần thất bại". Đó là "Chỉ có tình yêu mới đem lại hoà bình, bạo lực chỉ đem lại chiến tranh"  ..v.v...

Đây không phải lần đầu mình tham dự loại conference này, cũng không phải lần đầu nghe về những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Nhưng mình muốn cảm ơn những may mắn, cảm ơn xã hội này đã cho những đứa trẻ quyền tự do căn bản để suy nghĩ và biểu đạt, tự do phát biểu và tranh luận, tự do nói về sự thật, tự do nói về đúng sai, tự do nói về tự do.

Rồi bỗng ngậm ngùi nghĩ về những khác biệt ở thế hệ mình. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất đã bắt đầu từ hệ quả của những điều ngược lại !









Sunday, June 17, 2018

Hai chữ nước nhà !

Hôm nay ngày lễ Cha (Father's Day), nghĩ đến Nguyễn Phi Khanh & bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải .





Hai chữ Nước Nhà
(Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyên Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đoạ tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi ! Hai chữ nước nhà !

(Nguồn: Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, NXB Văn học, 1984)

Tuesday, June 12, 2018

Animal Farm (Trại súc vật)

"Who controls the past controls the future. Who controls the present controls the past." (George Orwell)




Animal Farm (Trại súc vật), là một tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn người Anh, George Orwell, xuất bản lần đầu vào năm 1945. Mãi cho đến ngày hôm nay, nó vẫn là một đề tài để thiên hạ chế diễu và châm biếm khi nói về sự kiểm soát vô lý, cũng như tính khôi hài của lý thuyết "All animals are equal but some animals are more equal than others" trong những xã hội kém dân chủ. Hầu hết ở bậc học phổ thông của các nước phát triển đều có dạy về cuốn tiểu thuyết này ở môn văn học, nước Mỹ cũng thế !

Thực ra ở những nước phát triển, bên cạnh những bài học ở trường, thì trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình và xã hội cũng dạy dỗ con cái hiểu biết và thực hành quyền tự do như một xu hướng chung của thế giới văn minh. Bởi vậy đối với nhiều quốc gia, đó không phải chỉ là một sự chọn lựa, mà là một nhu cầu thiết yếu của đời sống !

Cho nên những gì đi ngược lại điều đó, không khéo có khi tưởng lợi mà thành hại lớn. Đặc biệt là khi mở cửa giao thương, kết nối, kêu gọi cùng nhau phát triển với cộng đồng thế giới bên ngoài !

Hãy đến với nhau bằng tình yêu thương ! (United By Love)

Find your way, never lose your faith... Love will always take the throne ...We are united by one love !

Hãy chọn cho bạn con đường, đừng bao giờ đánh mất niềm tin ....Tình yêu bao giờ cũng chiến thắng... Hãy đến với nhau bằng tình yêu thương !

Bài hát được chọn cho giải World Cup Russia 2018


Monday, June 11, 2018

Không có gì đặc biệt

Trích từ “Thiền Tâm Sơ Tâm – Suzuki Roshi” – nguyễn duy nhiên
(Trang mạng: Cội Nguồn)


Thầy của tôi qua đời khi tôi được ba-mươi-mốt tuổi.  Mặc dù lúc ấy tôi muốn dồn hết tâm lực vào việc hành thiền tại tu viện Eiheiji, nhưng tôi phải trở về để nối nghiệp thầy tại ngôi chùa của người.  Tôi đã trở nên rất bận rộn, cũng như mọi tuổi trẻ khác. Tôi gặp nhiều khó khăn. Những trở ngại này dạy cho tôi rất nhiều, nhưng không thấm vào đâu so với lối sống chân thật và tĩnh lặng tại tu viện.



Tu thiền đòi hỏi ta phải giữ một nếp sống đều đặn bình thường. Thiền không phải là một phương pháp náo động nào hết, mà nó dạy cho ta biết thận trọng, chú ý vào những công việc thường xuyên mỗi ngày của mình.  Những khi ta quá bận rộn và kích động, tâm ta sẽ trở nên thô thiển và tã tơi.  Điều ấy không tốt.  Nếu có thể, hãy giữ cho mình được luôn tĩnh lặng và an vui, tránh những sự kích động.

Cuộc sống của ta mỗi ngày càng thêm bận rộn, nhất là giữa thời đại văn minh này. Nếu chúng ta có dịp về thăm nơi xưa chốn cũ sau một thời gian dài xa cách, ta sẽ giật mình vì những sự thay đổi của nó. Ta không thể nào ngăn chận được sự đổi thay. Nhưng nếu ta ham thích sự náo nhiệt, hay là ngay cả sự đổi thay của chính mình, ta sẽ bị cuộc đời chung quanh cuốn trôi theo, lạc về một phương trời vô định.  Hãy giữ tâm cho được yên lặng, bằng sự thận trọng và tỉnh giác. Giữa một cuộc sống náo động và đổi thay, ta vẫn có thể sống thanh thản và quân bình được.

Thiền không phải là một phương pháp gì đáng để làm cho ta đam mê.  Có người hành thiền vì tánh tò mò, nhưng hạng người này chỉ tự làm cho đời sống họ bận rộn thêm mà thôi.  Nếu sự tu tập làm cho bạn mỗi ngày một bận rộn hơn thì vô lý quá. Tôi nghĩ rằng mỗi tuần ngồi thiền một lần cũng là đủ lắm rồi. Đừng đam mê tập thiền quá.  Những người trẻ tuổi khi ham thiền rồi thì bỏ cả mọi chuyện, muốn trốn lên núi cao hay vào rừng sâu để tu tập. Sự đam mê ấy không chân thật. Hãy cứ tiếp tục công việc hằng ngày một cách tỉnh lặng và tự nhiên.

Tu tập cũng giống như là nấu bánh – ta phải pha trộn từng chút, thực hành theo từng bước một, nhiệt độ đòi hỏi phải vừa đúng. Và chỉ có ta mới hiểu mình nhất, ta biết nhiệt độ cần thiết cho mình phải là bao nhiêu. Ta biết rõ mình cần gì. Hãy thành thật với chính mình. Nhưng nếu bị kích động, ham mê quá, ta sẽ quên đi nhiệt độ phải giữ, và làm hỏng sự tu tập của mình.  Điều ấy rất là nguy hại.

Đức Phật cũng giảng như thế về một người giữ trâu giỏi. Người chủ biết con trâu mình sức đến đâu và không bao giờ bắt nó chuyên chở những gì quá sức. Bạn biết được con đường của bạn đi và tâm trạng của bạn. Đừng mang vác nhiều quá!  Đức Phật cũng nói rằng, chuyện xây dựng cho mình cũng như đắp một con đê. Ta phải cẩn thận. Nếu hấp tấp, muốn làm mọi việc cùng một lúc, con đê sẽ bị rỉ nước.  Hãy cứ tự nhiên đắp những bờ đất cho thật cẩn thận và rồi cuối cùng ta sẽ có được một con đê thật vững chắc.



Phương pháp tu tập thận trọng, trầm tĩnh của ta trông có vẻ như là tiêu cực, nhưng không phải vậy. Đây là một phương pháp sáng suốt và hữu hiệu để ta tự tôi luyện một cách tự nhiên. Sự thật ấy rất là giản dị. Nhưng tôi thấy nhiều người không hiểu được điểm ấy, nhất là tuổi trẻ. Có người lại cho rằng phương pháp tôi nói thuộc về pháp môn tiệm ngộ, một con đường giác ngộ chậm. Điều ấy cũng không đúng. Thật ra đây chính là pháp môn đốn ngộ, vì khi ta tu tập một cách thận trọng và bình thường, thì ngay những gì ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày, tự nó cũng đã là sự giác ngộ rồi.

Thế cho nên đừng tìm kiếm một việc gì đặc biệt, cũng đừng cố gắng để đạt đến một thành quả nào. Tự tánh của bạn trong đó đã có đầy đủ hết. Hiểu được chân lý này ta sẽ thoát ra ngoài mọi sự kích động và sợ hãi. Những khó khăn, trở ngại vẫn còn đó nhưng sẽ không còn có một sự sợ hãi nào.  Chỉ khi nào đối diện với những khó khăn mà ta không ý thức được, chúng mới thật sự là một trở ngại.

 Có những hạng người bên ngoài biểu lộ một vẻ tự tin trong sự tu tập, họ cho rằng mình đang tinh tấn đi đúng đường, nhưng họ không biết rằng những việc họ làm đều phát xuất từ lòng sợ hãi. Họ đang sợ mất đi một vật gì. Nhưng nếu biết tu tập đúng cách, ta sẽ không sợ bất cứ một sự mất mát nào.  Cho dù con đường ta đi có sai, nhưng nếu ý thức được, ta vẫn sẽ không bao giờ bị dối lừa.  Không có gì để mất cả.  Tất cả chỉ có một chuỗi dài của sự tinh cần tự nhiên mà thôi.






Trích từ “Thiền Tâm Sơ Tâm – Suzuki Roshi” – nguyễn duy nhiên

Friday, June 08, 2018

Tản mạn: Ngắn dài ....




Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ....(Nguyễn Du)

Cách đây không lâu, Lý quang Diệu đã từng mơ ước được như Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng với một đất nước nhỏ bé, không nhiều tài nguyên, nhân lực .... Ông ta đã chọn cho đất nước mình một lối rẽ khác. Nhận ra vị thế thiết yếu tàu bè qua lại giữa 2 vùng biển lớn Ấn độ dương và Thái bình Dương, Singapore đã đầu tư trang bị để trở thành một cảng biển thuận lợi nhất thế giới. Rồi đất nước họ trỗi dậy mạnh mẽ nhờ vào một vùng biển khiêm tốn và nhỏ bé đó. Đến nay Singapore đã là điểm kết nối hơn 600 cảng biển khác nhau của hơn 123 quốc gia trên thế giới (đây là số liệu mấy năm trước, nay có thể đã nhiều hơn). Nguồn lợi của bao nhiêu dịch vụ kéo theo, trạm trung chuyển, bến bãi, giao dịch tài chánh, ngân hàng, du lịch .... của một đất nước có diện tích chỉ bằng một hòn đảo của đất nước VN, đã làm thế giới ngưỡng mộ. GDP của họ đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Công dân của họ cầm tờ passport trên tay đi khắp thế giới đầy hãnh diện, mà chả ai lo sợ "nó" sẽ ở lại làm chui hay trốn nhủi .....

Trong khi đó, đất nước VN, một đất nước đầy vị thế chiến lược, một đất nước đã từng sở hữu một Hòn Ngọc Viễn Đông năm nào. Một đất nước mà hàng trăm năm trước, từ thời Lê văn Duyệt còn làm tổng trấn Gia Định, đã là điểm cập bến với bao giao thương phồn thịnh của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Một đất nước đã từng tự hào với sự sầm uất của Phố Hội, Phố Hiến năm nào xa lắc....

Chiến tranh vô nghĩa, rồi kết thúc. Một đường bờ biển hàng ngàn cây số vẫn sơ khai. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua.....những resorts, nhà nghỉ, khách sạn, công ty xả thải, làm thép, nhiệt điện được mọc lên. Vẫn thiếu hẳn bóng dáng của một nền kinh tế biển với những chính sách lâu dài. Những người ngư dân vẫn vật vã vừa kiếm sống từng ngày vừa phải đối chọi với những bắt nạt lộ liễu ngay chính trên lãnh hải của quê hương mình. Xé lẻ phân lô ....và vẫn còn đó những mơ mộng "rừng vàng biển bạc" ngày mỗi lụi tàn !

Vào năm 2005, khi cảng Thượng Hải lượng giao dịch bắt đầu cao hơn Singapore, những người trong giới thương mại quốc tế bắt đầu nghĩ đến một vành đai mới. Người ta bắt đầu nghĩ đến những vùng đất như Vân Phong, Phú Quốc ... và vai trò thay thế cho những cảng trung chuyển, dịch vụ logistic, ngày càng đắt đỏ. Và VN được từng được nhắm đến như một điểm sáng mới. Cơ hội đã đến, nhưng không phải ai cũng có tầm nhìn và tâm huyết để nắm bắt những cơ hội đó. Không cần phải một Lý Quang Diệu của một thời đã cũ. Không cần một cổ tích rừng vàng biển bạc như hằng mơ mộng. Không cần nhắc đi  nhắc lại một điệp khúc "dĩ vãng oai hùng", mà cần một tương lai thiết thực. Cần một kế hoạch thực tế hơn, tầm nhìn & chính sách thông thoáng hơn. Cần những kiến thức có thực và tư duy độc lập. Cần những cái tâm nghĩ về đất nước & con người với GDP nghèo nàn, vất vả. Nhưng ......

Rồi những năm gần đây, khi TQ nhận ra sự vô cùng cần thiết cho một cán cân thương mại mới, một con đường tơ lụa mới, một vành đai mới .... Thì một lần nữa VN lai trở thành một điểm ngắm quan trọng. TQ đã âm thầm từng bước, thể hiện một tầm nhìn xa lâu dài, tạo dựng vị thế độc bá của mình. Nếu ai bỏ ít thời gian nối kết những việc làm lâu nay của TQ thì có thể hiểu được phần nào. Từ lấn chiếm biển Đông, lập đảo nhân tạo, khẳng định lằn ranh, hiếp đáp các nước nhỏ. Mặt khác, cho mượn tiền, vừa đánh vừa xoa, đối thoại từng nước, dỗ dành ... Mặt chìm, mặt nổi, đầu tư kinh doanh, thu mua, mướn đất, hổ trợ tài chánh cho doanh nghiệp TQ đầu tư vùng biển, cho các "đại gia" ở các nước sở tại mượn tiền, tạo thế ràng buôc...v.v. Không dám chê bai, nhưng cái ngắn không hiểu được ý dài, một ông "đại gia" du lịch & bất động sản mới "lớn", tuổi nào hiểu được cái thâm thuý của một "con đường tơ lụa" mơ ước ngàn năm. Đó là chưa nói đến những chuyện tiền tài danh vọng và lòng yêu nước, cái riêng và cái chung, đôi khi không cùng chung mẫu số !
Thử nghĩ sơ qua nếu con kênh đào Kra được hình thành, thì vùng biển nào quan trọng nhất ? Cảng biển nước nào có nhiều ưu thế nhất ? Vai trò của Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn sẽ ra sao ? Nhưng không, vẫn là những lối mòn suy nghĩ. Vẫn là những du lịch biển, cấp đất, cấp bờ, resorts .... hết "group" này đến "group" khác. Nhiều câu hỏi được đặt ra ... Liệu nhà nước thực sự thu được bao nhiêu lợi nhuận với số đất bờ biển và những quyền lợi ưu đãi như thế ? Ý là chưa phân tích đến các yếu tố quan trọng hơn về khía cạnh chuyển nhượng, an ninh quốc gia, tài nguyên dầu khí, ngư trường hải sản ngoài thềm lục địa, và những lệ thuộc lâu dài bởi các quyền lợi và ràng buộc khác.

Có nhiều con đường để dẫn đến một mục đích, nhưng cũng có những con đường chẳng bao giờ đến đích, mà chỉ là đi đến những bào chữa, hối tiếc. Người VN nào cũng mong mỏi cho đất nước quê hương mình được tốt đẹp hơn. Nhưng ngắn dài lâu nay vẫn là câu chuyện quan trọng nhất khi quyết định về hướng đi của một dân tộc.

Sáng nay ngồi uống cafe tự dưng ước gì mình trẻ lại thêm năm bảy chục năm, để nhìn thấy cảng biển quê mình phát triển ra sao. Đúng là mơ ước viễn vông !


Wednesday, June 06, 2018

Phiếm: Niềm tin



Có một câu nói người Tây phương thưòng nhắc đến đó là "Respect/Trust is not given, it is earned !". (Tạm dịch là : Sự kính trọng/tin tưởng không phải là cho không, mà phải tự kiếm về". Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng trong đời sống hàng ngày, lại gặp rất nhiều những trường hợp ngộ nhận. Ví dụ như nhiều vị làm quan chức, có quyền hành, thì nghiễm nhiên nghĩ rằng người khác sẽ kính trọng hoặc tin tưởng mình. Điều đó không hoàn toàn đúng vậy. Cho nên có nhiều trường hợp bị kết án hoặc buộc tội "nói xấu cán bộ" vì những câu chuyện hiểu lầm như thế. Sự tôn trọng là ở chỗ giá trị cá nhân con người và những việc làm của họ, chứ không phải là do chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là chức vụ đó không phải do người dân tín nhiệm và chính thức bầu bán lựa chọn. Thiết nghĩ chính quyền và xã hội nên cần thiết suy gẫm lại vấn đề này, để khỏi có những cái nhìn lệch lạc, e rằng không những không sửa chữa được sai phạm, mà còn gây ra sự bất công đối với người dân lành hoặc những thuộc cấp trung thực.

"Nói xấu" nghĩa là hành động dựng chuyện, hư cấu, thiêu dệt, bôi bác, có thành không, không thành có, để hạ thấp giá trị người khác. Còn nếu mình thực sự làm xấu, hoặc nói bậy nói sai, mà thuộc cấp hoặc người dân phản ánh đúng, nói lên sự thật, phản biện vấn đề đúng, thì đó không thể cho là nói xấu được. 

Sở dĩ mình muốn nhắc đến chuyện này, vì mấy hôm nay đọc báo thấy quá nhiều ý kiến phản biện việc quốc hội VN dự luật cho mướn đặc khu 99 năm. Nhưng cũng có người cho rằng nhiều người lợi dụng chuyện đó để "nói xấu" quan chức. Mình thì luôn nghĩ là những câu chuyện quốc gia quan trọng như thế này cần phải rất rạch ròi, minh bạch, không nên nhập nhằng. Nếu không, sẽ dễ dàng tạo ra sự hiểu lầm và làm lợi cho những kẻ cơ hội chủ nghĩa, tham lam tư lợi.

Thứ nhất, thực tế là lâu nay không hiếm những vị quan chức phát biểu vô tội vạ, kiến thức hạn chế, có những sai phạm cơ bản, hoặc mơ hồ, thiếu tính thuyết phục, nên làm cho người dân lo ngại. (Tất nhiên là cũng có nhiều người tài giỏi đúng đắn chứ không phải ý vơ đũa cả nắm). Ví dụ như nói chuyện đặc khu kinh tế, một ông ban kinh tế TW, phát biểu về việc bảo vệ dự luật đặc khu, nhưng lại không hiểu gì về ý nghĩa của "đặc khu", đem so sánh đặc khu kinh tế với những khu như Chinatown, Phước Lộc Thọ ... ở Mỹ. Điều đó làm người dân quá lo lắng về tư duy và kiến thức của người hữu trách. Cho nên nhiều người dân lo sợ quá, phản biện lại, chứ không phải là nói xấu. Hoặc là như một ông quan chức khác phát biểu rất "ngây thơ" là lâu nay không biết người TQ có mua nhà đất ở VN, trong khi ông là trưởng cơ quan hữu trách về vấn đề này, đúng ra phải là người nhận biết điều đó sớm nhất. Còn một số ông khác trong lúc họp QH bàn chuyện quốc gia đại sự, lại ngồi ngủ gục..v.v. Thử hỏi, với những câu chuyện chính mắt thấy tai nghe như thế, thì làm sao người dân không lo ngại? Họ quan tâm, và nói lên sự thực chứ không phải bịa chuyện nói xấu. Thực ra thì đất nước nào lại không có tình trạng này, chỉ là nhiều hay ít. Khác nhau là ở nhiều nơi trên thế giới, quốc hội và các chức vụ quan trọng trong chính quyền là do người dân trực tiếp chọn lựa bầu ra, còn ở một số ít quốc gia khác là do bố trí sắp đặt. Suy cho cùng thì chuyện "nói xấu" "nói tốt" chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là làm sao để thay đổi được ấn tượng tốt xấu và tạo được niềm tin trong lòng người dân. Thiết nghĩ một chính phủ cũng không nên quá lo lắng về chuyện đồn đãi, vì những người có trí khôn chắc chắn sẽ hiểu được đâu là sự thật, đâu là tin đồn. Do vậy điều quan trọng muốn nói đến ở đây là nguyên nhân và sự thật về niềm tin của người dân đối với quan chức và chính quyền trong một đất nước.
Thử nghĩ dăm ba hôm lại đọc được một số phát biểu khôi hài, và những ứng xử trịch thượng của một vài vị quan chức trên báo trên đài, làm sao tránh khỏi chuyện hoài nghi. Ví dụ những câu chuyện như buôn chổi đót, nuôi heo, chạy xe ôm để làm giàu mà cũng nói được, như thế sẽ không bao giờ thuyết phục và tạo dựng được niềm tin của người dân. Mà một khi đã không tạo dựng được niềm tin, thì làm sao người ta lại có thể tin tưởng mà dựa dẫm vào những quyết định hoặc khả năng của họ ? Nếu có chăng, thì cũng chỉ là gật gù bên ngoài vì sợ phiền phức. (Again, trust is earned, not given !). Thời đại hôm nay, dân trí ngày càng cao, không thể cứ coi thường sự hiểu biết của người dân, càng không thể bắt buộc người ta phải nghe theo những điều vô lý được. Tôn trọng trí tuệ người khác cũng chính là tôn trọng chính mình vậy !

Thứ hai, cũng lại là câu chuyện niềm tin. Thử nghĩ tại sao khi nghe đến chuyện cho mướn "đặc khu", là người dân nghĩ ngay đến chuyện cho TQ mướn ? Và tại sao khi nghĩ đến TQ, thì người dân lại lo lắng sợ hãi đến thế ? Chuyện này thì chắc ai cũng hiểu câu trả lời, khỏi cần bàn thảo ở đây. Ông bà xưa thường nói "có lửa mới có khói". Ngay cả những chuyện rõ ràng như ngư dân bị tàu TQ đánh đập hoặc lãnh hải bị TQ vi phạm lấn chiếm, mà báo chí vẫn chỉ có thể dám nói là tàu “lạ” người “lạ”, thì làm sao người dân có thể vững lòng tin ? Mình vẫn luôn nghĩ rằng niềm tin không phải tự nhiên mà có được, và chuyện đánh mất niềm tin cũng không phải là chuyện chỉ xảy ra trong một buổi một ngày. Do vậy, để khôi phục lại niềm tin đối với người dân, thì sự kiện "đặc khu" này chính là một cơ hội tốt nhất để các ngài hữu trách thể hiện cái tư duy, cái tâm, cái tầm đối với đất nước và đồng bào của họ.

Suy cho cùng thì người dân của đất nước nào cũng vậy, họ luôn gởi gắm tâm tư nguyện vọng vào những cấp lãnh đạo và người đại diện cho họ. Có những nơi người dân được quyền bầu bán, có những nơi không được quyền bầu bán. Nhưng điểm chung vẫn là nỗi thiết tha mong mỏi ở các cấp lãnh đạo có những quyết định sáng suốt để dẫn dắt đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, và cho đất nước của họ. Tất nhiên càng mong đợi nhiều, càng tin tưởng lớn, thì lại càng dễ thất vọng và bức xúc khi sự mong mỏi đó không được đáp ứng. Khi niềm tin không còn, người dân thường có những nỗi lo sợ mơ hồ, nhạy cảm, và dễ vỡ oà.

Còn nói đến sự nguy hiểm tiềm ẩn và hậu quả của những chính sách đầu tư, xâm lược, tận thu, lợi dụng ý đồ, mưu toan chính trị ..v.v. của TQ đối với những quốc gia khác trên thế giới, đến nay không còn là điều mới lạ nữa. Chỉ cần mở mạng lên, từ những đặc khu Boten của Lào, những "Baoding villages" ở châu Phi,  SEZ ở Nam Á, Sri Lanka v.v.. mọi người đều có thể tự mình nhận định được giá trị hư thực về triết lý đầu tư của chính phủ TQ. Dĩ nhiên ở nước nào cũng có người tốt kẻ xấu, bên cạnh những nhà đầu tư tham lam lũng đoạn, cũng không hiếm những nhà đầu tư đàng hoàng nghiêm túc. Không khéo phân tích rõ ràng lại dễ dàng lôi cuốn vào những bài xích vô căn cứ. Cũng không nhất thiết cứ cho ngoại quốc mướn đất là phải sai bậy. Điều đó còn lệ thuộc vào các điều khoản hoạt động kinh doanh và mức độ kiểm soát chủ quyền đối với từng quốc gia hoặc địa phương. Và càng không phải là cứ mở đặc khu kinh tế thì thành công. Trên thế giới cũng có nhiều đặc khu "tiền mất tật mang", bởi lẽ điều kiện cần và đủ cho một đặc khu kinh tế thành công, còn nhiều yếu tố liên quan khác nữa. Cho nên cũng tuỳ vào cách làm như thế nào, sự lựa chọn triết lý kinh doanh của nhà đầu tư, quan niệm lợi ích chung & riêng của những người điều hành, cũng như các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của cả đôi bên.

Lâu nay, quan điểm chung và nổi bật nhất của thế giới về các nhà đầu tư TQ (đa số), là triết lý kinh doanh tiếm đoạt, thiếu tính nhân văn, thiếu sự tôn trọng các quyền lợi dân sinh môi trường tại những nước sở tại. Bởi vậy nên các nhà đầu tư TQ, đặc biệt là những công ty có liên quan đến chính phủ nhà nước, thường có xu hướng đầu tư và "thành công" ở những nước chậm phát triển, thiếu vốn, không tôn trọng bản quyền, tham nhũng, thích hối lộ, chính sách đầu tư còn nhiều kẽ hở…v.v. Đây không phải là một sự kỳ thị hoặc chủ trương bài xích, mà là những hiện tượng thực tế, hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Bởi vậy, TQ không hề có một "quyền lực mềm" trên thế giới, cho dù họ sở hữu một nền kinh tế mạnh mẽ như hôm nay. Từ bỏ sự nghèo đói lâu đời của nền kinh tế quốc dân XHCN, để đi lên bằng mọi giá, và trở thành thị trường lao động giá rẻ, phát triển công nghệ gia công cho các nước tư bản phương Tây, chính phủ TQ cũng phải trải qua những mất mát đánh đổi nhất định. Và dĩ nhiên họ cũng nhận ra điều đó, nên cố gắng để thay đổi và khắc phục hàng ngày, để tạo uy thế mới đối với thế giới. Tuy nhiên đây có lẽ là một thử thách khó khăn nhất của TQ bởi triết lý kinh doanh của họ đã lâu đời gắn liền với những nét đặc thù văn hoá nhân văn, và những hạn chế tất yếu bởi cơ chế chính trị ở đất nước họ.

Tất nhiên là thời đại nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, những yếu tố quyết định dẫn đến hiểm hoạ cho quốc gia dân tộc chủ yếu vẫn là do những người trong cuộc, do những người trực tiếp điều hành đất nước gây ra. Trong đó có sự đánh đổi và lựa chọn giữa quyền lợi đất nước và quyền lợi cá nhân bao gồm lợi ích nhóm. Những lựa chọn đó hoàn toàn lệ thuộc vào tư duy ngắn dài của các thế hệ lãnh đạo. Một đất nước như VN đã từng trải qua bao cuộc chiến, từng bị lấn chiếm, bị đô hộ, bị thiệt thòi, bị lệ thuộc ngoại bang….Chắc hẳn hơn ai hết, người dân VN sẽ thấu hiểu những nỗi buồn thân phận, hiểu được những mất mát, tủi nhục, ám ảnh lâu dài. Và cũng chính dân tộc VN là một dân tộc có nhiều kinh nghiệm sâu sắc nhất trong việc nếm trải những hệ lụy xung đột, mâu thuẫn nội tại chồng chất kéo dài qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, mà nguyên nhân sâu xa được gây ra bởi những đánh đổi vội vàng và tư duy ngắn hạn trong quá khứ.

Tóm lại, dân tộc nào cũng thế, sự lựa chọn sáng suốt ở hiện tại sẽ quyết định vận mệnh tương lai của đất nước trong tương lai. Đó là chuyện tất nhiên không gì phải bàn cãi. Mình cũng luôn hy vọng là niềm tin của người VN hôm nay và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn “niềm tin" của ngày hôm qua. Rất mong vậy !



Friday, June 01, 2018

Nghe Trịnh công Sơn hát .....

Hôm nay ngày lễ thiếu nhi nghĩ về những gì sẽ còn lại. Gia tài của Mẹ chắc chắn không nên chỉ là những con số 1000, 100, 20, 99 ....