Friday, July 06, 2018

Yếu hay mạnh ?

Cách đây vài tháng, truyền thông Mỹ xôn xao vì vụ bà Caren Turner, một uỷ viên của thành phố cảng New York-New Jersey (Port Authority of New York and New Jersey), đã lạm dụng quyền lực của mình. Câu chuyện bắt đầu khi con gái bà & vài người bạn bị 2 người cảnh sát dừng xe vì quá hạn đăng kiểm. Cô con gái gọi điện thoại cho bà ra, nhưng hai người cảnh sát đã không quan tâm gì đến chức vụ của bà, và chỉ làm theo lẽ phải (coi video). Bà nói, “Tôi là Ủy viên Thành phố, tôi đứng đầu 4.000 cảnh sát ở đây, anh rõ chưa?". Người cảnh sát cũng không e dè và trả lời “Thưa cô, chúng tôi không cần xem giấy tờ của cô”. Họ chỉ làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình. Sau cùng, bà Thành Ủy viên này xin lỗi hai người cảnh sát và từ chức, chấm dứt sự nghiệp chính trị đang lên của bà.  Mở ngoặc chút, dĩ nhiên ở đâu cũng có "good cops, bad cops" (cảnh sát tốt & cảnh sát xấu), chỉ là nhiều hay ít. Tuy nhiên ở Mỹ nếu phạm luật thì con ông Trời cũng phải tuân thủ theo luật pháp, nếu không thì chỉ mang hoạ vào thân !



Rồi coi đến đoạn video dưới đây xảy ra ở VN, những ông trời con đời thường. Dối trá, ngang ngược, và hèn yếu. Xưa nay trên thế giới, trong một xã hội pháp trị, niềm tin vào luật pháp được hình thành và duy trì là nhờ ở quan hệ thực thi song phương. Cho nên để dẫn đến những câu chuyện bi hài như thế này, có phần trách nhiệm của cả người thi hành pháp luật và người thừa hành pháp luật. Thỉnh thoảng đọc báo VN vẫn thấy những mẩu tin "ông trời cha và ông trời con" như thế. Dường như họ có cùng một điểm chung là muốn thể hiện "Mày có biết tao là ai không ?".

Rõ ràng có một sự ngộ nhận rất lớn ở đây, bởi họ cho đó là cách thể hiện sức mạnh, trong khi thực ra đó lại là một hiện tượng yếu đuối, kém tự tin. Sự cầu cạnh, nhờ vả, dựa hơi, bám víu vào những thứ không thuộc về mình để thể hiện quyền lực là một tâm lý yếu đuối, và tư duy "cơ hội". Sự tự trọng của con người và sự công bằng của xã hội, chắc chắn sẽ không bao giờ dựa trên nền tảng của văn hoá dựa hơi & bao che. Những nước văn minh, đại đa số không ai giáo dục con cái như vậy !



Ngược lại có những đất nước, văn hoá dựa hơi, nhờ vả, cửa quyền, hống hách xưng tụng ... đã ngấm sâu qua nhiều thế hệ, đến mức không còn phân biệt được đúng sai. Xã hội đầy rẫy vấn nạn "con ông cháu cha", dựa hơi, thân thế. Từ làng xã địa phương cho đến những cấp chính quyền cao hơn. Từ trong nước cho đến ra nước ngoài, một số người vẫn thế !

Thực ra suy cho cùng, nếu không thay đổi được tư duy và văn hoá này, thì sẽ khó có được một đất nước hùng cường, thịnh vượng thực sự.



No comments:

Post a Comment

Comments: