Thursday, January 12, 2017

Tản mạn cuối năm (1)

Người VN mình bao đời nay vốn quen thuộc với cuộc sống lưu lạc. Chiến tranh, lưu đày, di trú, sinh nhai ... làm cho họ hội nhập & quen dần với những vùng đất mới, kể cả món ăn, ngữ điệu, và phong tục văn hoá địa phương. Đến ngày nay văn hoá ẩm thực phong phú đa dạng, ba ngày tết, kẻ nấu người ăn, món ngon vật lạ, đôi khi chẳng biết xuất xứ tận phương nào. Mà thật ra cũng chẳng cần phải biết !

Nhà mình ở tận vùng cao nguyên nghèo, hẻo lánh. Ở đó người Kinh, người dân tộc, người gốc bắc, trung, nam, đều có đủ. Quanh năm lam lũ, dành dụm cho mấy ngày xuân. Tết về, la cà từ nhà này sang nhà nọ, bạn bè rủ nhau nhậu nhẹt, có gì đãi nấy, cứ thế mà mần. Có khi về đến nhà lại quên mất đã ăn qua món gì. Từ gỏi tré, thịt đông giò thủ, giò bò chả lụa, dưa món củ kiệu, thịt kho hột vịt, giò nấu măng, ba rọi thả mắm ... cho đến khô cá dứa, cá trám kho riềng, cá kèo khô nướng ... đủ món vùng miền, cholesterol các loại. Rượu thì cũng thế, từ vang Đà lạt cho đến rượu dâu tằm, từ bia nội đến bia ngoại, từ rượu đế đến rượu tây, không uống không được. Miền núi vào tiết xuân, trời se lạnh, mưa phùn, sương mù giăng rắc, chậu mai, cành đào, lan rừng, lan đất, hoa huệ, hoa hồng, thược dược, lay ơn, cúc vàng, cúc tím ... sắc màu rực rỡ. Những phiên chợ cuối năm ở nơi đây luôn làm rạo rực lòng người, ngay cả những thời kỳ đất nước nghèo đói nhất.

Mình lúc nào về nhà, qua đèo Chuối đến đèo BL, cũng ngừng lại la cà hàng giờ, uống cafe ngắm rừng ngắm suối, ăn trái cây. Tuỳ mùa, có khi măng cụt, có khi sầu riêng, có khi chôm chôm, có khi mít tố nữ ... dân vườn không biết cách chưng bày, nhìn không được đẹp mắt như Bến Thành, Hàm Nghi, nhưng toàn là cây nhà lá vườn, mới hái. Có một món mình thường mua đem về là măng rừng lồ ồ, đặc sản núi rừng -). Lúc trước người dân tộc còn gùi ra bán, giờ cũng thưa dần, chỉ còn lại nhiều là măng mạnh tông. Măng khô ở đây cũng rất ngon, mua về hầm giò ăn tết. Bây giờ trên đèo còn có cả nhà hàng cơm lam rau rừng, nhưng cái hương rừng thực sự thì đã bay xa ...

Mấy năm gần đây, đường sá được sửa lại khang trang hơn, đường về nhà tưởng chừng như ngắn lại. Cuối năm lên đèo, cũng ngừng lại như mọi lần. Nhưng những thứ quen thuộc ngày xưa cũng bắt đầu xách gói ra đi. Người du lịch qua lại mua bán ngày càng nhiều, và cái chân thực hồn nhiên của người nhà vườn, của người dân tộc, cũng dần dần thay đổi. Thưa dần những nhánh mai rừng, những giò phong lan bụi bặm, những túi mật ong còn nguyên xác nhộng... Nhưng chuyện đổi thay âu cũng là lẽ thường tình !
Tết năm nào về đây cũng thấy lòng mình lãng đãng, thích đi lang thang & nhớ mơ hồ về những điều đã cũ, đã xa. Mới hiểu cụ Vũ đình Liên... hồn ở đâu bây giờ ? Qua Đại Lào nhìn về Phương Bối Am, không biết "Sơn Núi" có còn ở đó ? Nhớ những đam mê một thời "Nẻo về của Ý", "Đường xưa mây trắng"... giờ cũng phai dần theo năm tháng. Nhớ Đại Bình, nhớ giòng Đạ Bin cần mẫn chảy qua núi Spung. Nhớ Dambri có còn những chiếc cầu vồng mịt mờ bụi nước ? Nhớ tiếng chuông Bát Nhã văng vẳng trên đồi mà thưở nào đã hàng giờ ngồi mơ mộng "Hồn bướm mơ tiên " ? Quanh bờ hồ, Viseri với màu sơn mới, và những quán cafe sập sình mới mọc. Ngang qua trường Nông lâm súc B'lao, bất chợt đâu đó những khóm hoa vàng, giấy đỏ, giấy trắng, bỗng nghĩ đến Trịnh Công Sơn ngày nào với cao nguyên bụi đỏ sương mù ....

Mà suy cho cùng, về quê ăn tết, cùng chỉ là như vậy. Gặp gỡ bè bạn gia đình, ăn lại món xưa, đi lại chốn cũ, mơ màng chuyện đã qua... rồi lại đi. Cho dù to lớn đến đâu khi về với gia đình cha mẹ, rồi cũng thấy mình non nớt, nhỏ bé như hôm nào. Vẫn ước mơ những điều đơn giản nhất, và vẫn thèm từng món ăn của Mẹ, Ngoại nấu ngày xưa !




No comments:

Post a Comment

Comments: