Saturday, February 24, 2018

Phiếm: Quê ta hay hát

Hồi xưa mình chỉ biết dân xứ Quảng thích thơ. Mà đúng vậy, có lẽ Quảng Nam, Quảng Ngãi là những tỉnh có nhiều nhà thơ nhất nước. Nên mỗi lúc nghe người ta nói "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co", mình cứ nghĩ nếu co cãi vì thơ, thì cũng thú vị chứ sao nê :-). Đã có lúc mình định về quê mở quán nhậu cho khách thơ, giống quán 81 ở SG, nhưng ước mơ chưa thực hiện được, thì bây giờ quê mình đã chuyển sang hát. Đâu đâu cũng hát. Từ karaoke cho đến "hát với nhau", từ chương trình sân khấu cho đến hội thi nội bộ. Từ làng karaoke, tụ điểm, phòng trà, quán cóc, khu phố, cho đến tư gia. Từ thành thị cho đến nông thôn, từ vùng biển cho đến miền núi, vùng sâu vùng xa... đâu đâu cũng nghe tiếng hát, giọng ca. Tết nhất, lễ lộc, thôi nôi, đầy tháng, tất niên ... nhiều nhà nhiều xóm còn mướn cả băng nhạc về hát, chỉa loa kẹo kéo qua nhà hàng xóm bắt nghe. Cũng là có ý tốt giúp láng giềng thử thính lực và rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Mà phải công nhận là quê ta nhiều người hát hay. Khi hát thì cái chất giọng miền Trung của con trai ấm hẳn ra, con gái thì mượt mà trong suốt, nhún nhẩy điệu đà. Cái ngữ âm lúc bình thường nói khó nghe, nhưng khi hát tự nhiên bay mất. Nên đôi khi yêu cầu họ hát giọng Quảng chính gốc, còn khó khăn hơn.

Mình lần nào về quê mà có dịp ngồi lai rai với bạn bè, thì cũng có chút văn nghệ văn gừng. Kiếm cái đờn guitar, rồi thì tha hồ mà QN nhớ thương, QN anh hùng... Cái món đặc sản đờn ca tài tử trong bàn nhậu của dân miền Tây giờ mất độc quyền rồi. Quê mình miền Trung cũng dữ dằn không kém. Mà thời buổi này muốn nghe đờn ca tài tử cũng không cần về đến miền Tây. Nhiều ông bạn mình ở SG cứ hát "Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm miền Tây". Mà về tới rồi thì cứ hát. Không hát tăng một, thì cũng hát tăng hai, có khi còn hát cả tăng ba. "Hát ngày chưa đủ, tranh thủ hát đêm, lại thêm tròng bóng !". Nhiều bạn luyện sẵn dăm ba bài tủ (bài ruột), đến hẹn lại lên, cứ thế mà hát. Hát hoài, thành thương hiệu riêng như .... anh T "Đời tôi cô đơn", chị H "bolero", ông N "Lá ngọc cành vàng", thằng C "Riêng một góc trời" ..vv. Có lần đi ăn tiệc, nghe nói bạn kia tới nơi, đã có người lỡ hát bài ruột của hắn trước rồi, thế là tức giận bỏ về. Mình tính chạy theo năn nỉ kêu lại mà không kịp. Còn chuyện hát hay dở thì không dám bàn ở đây, trầm bổng bất thường cũng là chuyện hên xui. Bạn bè thì có đứa hát hay, có đứa hay hát. Có đứa ban đầu thì e lệ mắc cỡ, nhưng hát qua vài bài, xin nó nhường lại cái mic cũng khó. Có đứa lỡ lên sân khấu rồi, còn lâu mới chịu xuống, hát miệt hát mài, chỉ có cách cúp điện, hoặc nhờ bảo vệ kéo xuống. Nghe nói ở quê có nhiều vụ đánh lộn, hàng xóm bất hoà, cũng vì tranh nhau mà hát. Mấy đứa đi xa như mình, lâu lâu về quê luôn được bạn bè tặng những bài xứ Quảng, đầy tình cảm. Có bài mình được tặng đến cả vài chục lần. Còn đi xe lửa thì mới vô địa phận Sa Huỳnh là đã nghe "...anh từng nói với em về QN ...Ba Tơ, Sơn Mỹ, ghi sâu nợ máu không nhoà...". Đi máy bay thì vô ga Chu Lai đã nghe "...các anh về đây quê hương chào đón ...núi Ấn sông Trà mai này sẽ nở hoa..". Máu lửa và hứa hẹn !

Mà không phải chỉ dân quê ta ở trong nước mới thích hát nghen. Đi đây đi đó, vô SG ra Hà nội, ra đến nước ngoài cũng thế. Cứ cafe thì có nhạc nghe, cứ bàn nhậu thì có nhạc hát. Nhiều nhà còn tậu cả dàn karaoke bên VN đem ra nước ngoài, cập nhật nhạc vàng, nhạc đỏ, đủ loại. Tối hát, cuối tuần hát, tiệc hát, nhậu hát .... Hàng xóm Tây, Mỹ gì lần hồi rồi cũng phải biết cái văn hoá hay hát của dân ta.

Hát riết đâm ghiền. Mình quen biết nhiều ông anh, bạn bè, ở nước ngoài, cứ mong ngóng về quê để được đi hát. Mấy đứa bạn quen ở SG cũng vậy, lâu lâu xin vợ về quê, để nhậu rồi hát. Hát hay không bằng hay hát. Nhưng có đứa bao nhiêu năm cũng vẫn một vài bài tủ, không ai dám xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nó. Còn có đứa lâu lâu gặp lại, hát hay nghe đến ngỡ ngàng. Mình thuộc loại khô khan, mà đôi khi nghe lòng còn muốn tái tê, huống chi là mấy cô gái thích thơ yêu nhạc. Nhiều anh ở xa về quê, chạy làm tô don cái bánh tráng, hay dĩa bê thui, rồi đi hát. Chiều về làm dĩa ram nướng hay mấy cái bánh xèo, rồi đi hát. Sáng xuống Mỹ Khê tắm biển, làm mấy chén bánh bèo hay tô cháo, rồi đi hát. Ai khen thì vui chóng, ai chê thì giận lâu. Hát riết cũng đâm ghiền, mà nghe riết cũng quen tai. Như mình bây giờ về quê lúc nào cũng thủ sẵn cái album "QN nhớ thương" của cô ca sĩ Quảng ...Ninh. Không ai hát, thì mình cũng tự nghe :-).

Mà dân quê ta hát nhạc cũng chọn lọc kỹ càng, đôi khi còn có chút kỳ thị. Có khi bạn bè chơi chung, cũng lựa người cùng gu nhạc mới thân nhau. Nào là gu nhạc sến, nhạc sang, nhạc mùi, nhạc thính phòng, nhạc Pháp, nhạc Mỹ, nhạc Tàu, nhạc Tây Ban Nha, đủ loại. Từ Abba, Eagles, Beatles, Bolero, Slow, Rock, Pop ...cho đến Classic, New Wave, New Age ... Thế hệ lớn chút thì chơi nhạc tiền chiến, nhạc ngoại thập niên 60,70. Trẻ hơn chút thì Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành Anh, Lam Phương, Anh Bằng, Nhật Ngân... Trẻ nữa thì  Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến, Diệu Hương ... Và dĩ nhiên là không quên các nhạc sĩ quê nhà, cây nhà lá vườn như Trương Quang Lục, Đình Thậm, Thế Bảo, Hà Chương, Nguyễn Tuấn, Phạm Đăng Khương, Vân Đông, Dương Quang Hùng, Đông Sơn, Trần xuân Tiến, Trần xuân Tiên ...nhiều, nhiều lắm. Đó là chưa kể nhiều bài nhạc tự biên tự diễn, cứ có thơ là có nhạc. Mà riêng về cái khoảng thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, võ sĩ, thì quê mình phong phú nhất :-).

Mình thì chả có gu nhạc gì, cứ ai hát hay thì mình nghe. Mà cũng lạ, hồi trẻ thích nghe đủ thứ, đủ loại nhạc. Bây giờ tóc muối tiêu, mỗi khi về quê lại thích nghe bolero. Có nhiều đứa bạn uống vài chai bia vô, hát "..giọt lệ đài trang, những đồi hoa sim, đôi mắt người xưa ...", nghe lâm ly, mùi mẫn, đứt ruột đứt gan, chịu không thấu. Nhiều người chê nhạc Bolero là dòng nhac bình dân, nhạc sến. Nhưng bây giờ mình lại thấy dễ nghe, hợp tâm trạng mấy đứa bạn già. Hôm rồi coi báo QN, thấy có đăng chuyện "Không ít những cặp đôi trí thức 70, 80 tuổi tối hằng tuần vẫn đèo nhau đến các tụ điểm để nghe và hát nhạc “sến” trong đó có bolero". Mình nghĩ nghe nhạc mà phân biệt trí thức, trí ngủ gì ở đây. Bảy, tám chục tuổi mà còn đèo nhau được là bảnh rồi, sá gì nhạc sang, nhạc sến. Nhạc nào đi vào lòng người dễ dàng, thì họ nghe thôi. Ai cũng có quyền bình đẳng thưởng thức cái hay và sống với cảm xúc của họ. Âm nhạc là thế. Đừng quên, đa số những nhạc sĩ, ca sĩ, nổi tiếng trên thế giới đều không thuộc về giới "trí thức". Ngay cả việc đi nghe nhạc, mà cũng phân biệt giới cấp, thì ông nhà báo đó phải coi lại quan niệm của mình. Cũng có khi vì nhiều người quan niệm như thế, nên nước nhà đang bị lạm phát "trí thức", tiến sĩ,  giáo sư ... :-)











Thursday, February 22, 2018

Trách nhiệm dân sự !










Bao nhiêu năm nay mình đi bộ qua lối mòn này, nhưng không để ý. Hôm rồi, mới thấy cái bảng "nhà bảo trợ" lượm rác dọn vệ sinh đoạn đường, lại là gia đình đứa bạn làm chung sở với mình hồi xưa. Gọi nó hỏi thăm cho rõ, thì ra nhà nó đã "bảo kê" khúc đường này lâu lắm rồi. Nó thì vẫn còn làm sếp nhỏ của một công ty khác, nhưng lâu lâu kéo bà con, bầu đoàn thê tử, ra đây lượm rác, dọn dẹp.
Xứ này người ta cũng thường làm chuyện đó. Mấy công ty cũng vậy, thường xin "bảo trợ" một đoạn đường trong thành phố hay ngoài xa lộ, để dọn dẹp vệ sinh cảnh quang, làm sạch môi trường công cọng. Lâu lâu cuối tuần, kêu gọi nhân viên và gia đình ra lượm rác, dọn vệ sinh. Còn công ty hoặc ông chủ hãng thì tài trợ nước uống, áo thun, hay mũ nón ... gọi đó là chương trình "Adopt-a-Highway" hoặc "Sponsor-a-Highway". Đại loại có nhiều chương trình dân sự tương tự như thế ở khắp nơi. Như khu nhà mình ở, cũng đăng ký làm sạch một đoạn đường trong rừng. Mỗi năm làm vệ sinh mấy lần, mục đích chính là tập cho mấy em nhỏ, thanh thiếu thiên có ý thức trách nhiệm cộng đồng. Các gia đình trong khu thì tài trợ nước uống, cà rem, bánh ngọt, quà biếu ...cho ngày hội dọn dep vệ sinh đấy. Chủ yếu là vui, nhưng đó lại là nền tảng quan trọng của xã hội dân sự.

Cho tới hiện nay, có một số ít quốc gia trên thế giới, vẫn không khuyến khích xã hội dân sự. Có lẽ bởi những vướng mắc về cơ chế chính trị và hệ thống quản lý. Ngược lại, phần lớn ở nhiều quốc gia khác, các tổ chức thiện nguyện, phi chính phủ, dân sự, hội đoàn, tôn giáo, làm rất tốt các lãnh vực xã hội cộng đồng. Cũng chính vì thế, mà ở một số quốc gia, hiện nay chính phủ & nhà nước vẫn còn phải tốn kém rất nhiều tiền bạc để chi trả cho các doanh nghiệp tư nhân, hoặc các hội đoàn chính quy (có lãnh lương), để làm những công việc mà thay vì cộng đồng dân sự có thể san sẻ được. Thậm chí biết rằng những tổ chức dân sự có thể làm tốt hơn hội đoàn nhà nước rất nhiều. Hơn nữa, dẫu chính quyền có ôm đồm, thì cho dù tốn kém nhiều cũng làm không xuể được. Nhưng thực ra, điểm thua thiệt chính của vấn đề không chỉ nằm chỗ tiền bạc, mà ở chỗ không xây dựng được ý thức phụng sự và trách nhiệm cộng đồng của người dân. Tính vô cảm của một xã hội vốn hình thành từ những điều đơn giản như vậy. Sáng nay đọc báo thấy hình ảnh đường phố thành phố Đà Lạt sau mấy ngày tết mà nẫu lòng !
(Ngày xưa, thường thấy Hướng đạo, Gia đình Phật Tử, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ... đều có tham gia các sinh hoạt cộng đồng như thế. Không biết bây giờ ra sao?)

Hôm trước tết, thấy mấy anh công an "lượm rác cuối năm", báo đài cả nước hoan hô quá chừng. Có khi mấy ảnh nên bảo trợ những cung đường dơ bẩn để dọn dẹp thường xuyên hơn. Mình ở đây cũng đi lượm rác hoài, về nhà còn bị mấy đứa con đì, bắt nấu cơm rửa chén, mà chẳng thấy ai hoan hô cả. Ghen tị quá :-) ....


Monday, February 19, 2018

Xuân Di Lặc của VN hôm nay ...



Lâu nay người VN thường nói đón Tết là đón mùa xuân Di Lặc, bởi lẽ ngày mùng một tết là ngày lễ vía của Đức Phật Di Lặc. Ngài Di Lặc là vị Phật đương lai tượng trưng cho hạnh hoan hỷ, hỷ xả, bao dung và tha thứ. Hình dáng biểu tượng bên ngoài của Ngài đơn giản, vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Và đó cũng chính là niềm ước nguyện an lành mong đợi của bao người VN mỗi dịp Xuân về.

Sáng nay đi làm lại, đọc lướt qua báo chí trong nước, mấy trăm người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày tết, chưa kể bị thương. Đặc biệt hơn nữa là cả 2 nghìn (2000) người đánh nhau nhập viện. Mình cứ tưởng đọc lộn. Bộ người VN bây giờ thích đánh nhau đến thế ư ? Chúc phúc nhau, rồi lại hận thù, ganh ghét, đập nhau vào bệnh viện ?

Tuần trước, một cậu học sinh (có thể là bị tâm thần) ở bang Florida, cầm súng vào trường trung học bắn chết 17 người . Cả nước Mỹ rúng động . Nhiều nơi biểu tình, phản đối chính sách, phản đối hiệp hội NRA. Tổng thống, thống đốc, bỏ việc ,tức tốc đến an ủi, trấn an, hứa hẹn phương án giải quyết .... Bao nhiêu TV, báo đài, liên tục đưa tin, bàn luận về sự kiện này. Cho đến hôm nay vẫn đang còn là một vấn đề nóng bỏng .

Nhưng 17 người so với cái con số tai nạn giao thông hàng ngày ở VN chả đáng là bao, huống chi là ngày tết. Dĩ nhiên so sánh vụ thảm sát trong trường học với tai nạn giao thông ở VN là khập khểnh, nhưng mình chỉ muốn nói đến con số chết bởi tai nạn giao thông ở VN là quá lớn. Rồi mỗi năm cứ qua đi, những con số ái ngại đó vẫn cứ nhảy múa, không giảm. Như một thông lệ, ủy ban an toàn giao thông, sau những ngày xuân vất vả lên báo đài, lặng lẽ trở về cương vị của mình, đợi mùa xuân sau. Riêng vụ mấy ngàn người đánh nhau nhập viện thì không nghe nói có phương án gì. Hỏi nguyên nhân ư ? chắc là nhiều !
Bia rượu, băng đảng, anh hùng rơm, quân tử tàu, cái tôi vĩ đại, gia đình, giáo dục, văn hoá .... Nguyên cớ thì đầy, khách quan chủ quan đủ cả, mấy nhà chuyên gia giáo sư tiến sĩ phân tích hoài mỗi năm, rồi đâu cũng vào đấy. Theo mình, nguyên nhân chính thuộc về phạm trù giáo dục !

Thiết nghĩ, một đứa bé lớn lên mà ảnh hưởng cái "tâm hồn cao thượng" của Edmondo De Amicis, cái tư duy giáo dục của Jean-Jacques Rousseau, thì chắc không tới nỗi cậy mạnh hiếp yếu, cậy đông cắn càn. Một đứa bé được giáo dục cái hào hùng của cha anh, của lịch sử dân tộc, của Trần Quốc Toản, của Triệu quang Bình, của Yết Kiêu Dã Tượng, của Nguyễn Trãi, Hưng Đạo Vương, Quang Trung .... thì không tới nỗi thấy giặc làm im, thấy bạn bè anh em nhìn "đểu" lại đánh. Lại càng không tới nỗi tự hào vì hơn nhau vài chai bia, vài ly rượu, kháo nhau đía nhau vài lời khen vô bổ, ganh tị hận thù vì ghét nhau tiếng gáy, hơn thua nhau cái phone cái xe, rồi đập nhau tới chết ...  Chắc không là như vậy. Lâu nay thiên hạ ai cũng biết là sự háo thắng, háo danh, hung dữ, sĩ diện hảo, lọc lừa, kiêu binh .... của con người liên quan mật thiết đến nền giáo dục và văn hoá địa phương của đất nước họ. Trong đó, vai trò của bản thân, gia đình, trường học, xã hội, và chính quyền, đều là những mắc xích quan trọng.

Một đất nước yêu chuộng hoà bình là đất nước không thường xuyên nhắc nhở đến chiến tranh, hận thù. Một thế hệ cao thượng không phải là thế hệ đắc chí vì những điều vặt vãnh, so đo để hơn thua nhau, rình rập để đâm thọc nhau, mà là chung tay nhau để làm nên những điều có ích. Một xã hội đáng sống là xã hội không có vài trăm người chết đầu xuân, vài ngàn người vào nhà thương vì đánh lộn đầu năm !

Luôn mong Mùa Xuân Di Lặc sẽ là mùa xuân thanh bình cho đất nước VN !



Saturday, February 17, 2018

Một ngày đầu năm





Đầu năm mới, bạn bè trong nước nhắn tin "Đầu năm làm gì, vui không ?" Nhớ lại là hình như năm nào mình cũng được hỏi câu này vào ngày đầu năm :-). Thực ra thì ở đâu cũng vậy, ngày đầu năm bao giờ cũng thấy vui hơn, phơi phới hơn, nhưng cũng trang nghiêm và sâu lắng hơn. Người Việt nào chắc cũng thế thôi, đã lâu quen rồi !

Lâu nay, nếu ăn Tết ở nước ngoài, mình luôn ở nhà vào ngày mùng một. Thông thường mấy hãng lớn của Mỹ cũng có một ngày "floating holiday" (ngày lễ tự chọn) cho những người công nhân của họ, để phù hợp với môi trường làm việc đa chủng tộc, đa tôn giáo. Người đạo Hồi, đạo Chúa, đạo Phật đạo Hindu, tết Lào, tết Thái, tết Việt, tết Tàu .v.v.. sẽ chọn lựa những ngày nghỉ khác nhau. Còn mình thì dẫu hãng có cho hay không, vẫn nghỉ, vì đêm giao thừa nào cũng đi chùa đến 2,3 giờ sáng mới về đến nhà :-).
Chùa VN bên Mỹ hay châu Âu gì cũng làm lễ giao thừa nửa đêm. Bên Mỹ thì đông người hơn, càng ngày càng đông. Nhớ hơn 30 năm trước, thưa thớt hơn nhiều, nhất là những năm thời tiết lạnh lẽo. Giờ thì đông đảo hẳn lên, áo dài, áo vét, xanh đỏ tím vàng, iphone, ipad, Samsung, Canon, Nikon, đủ kiểu đủ pô. Chen nhau lễ Phật, chen nhau chụp hình. Có khi dẫm cả lên hoa, leo cả lên bệ thờ mà tạo dáng tạo kiểu. Người xin xăm, người hái lộc, người nhét tiền cầu phúc, người quơ hương cầu duyên, người chen chân lễ bái, người nọ lạy người kia ... đủ sắc màu, đủ kiểu tin. Chỉ có đức Phật là năm nào cũng thế, năm nào cũng cười, năm nào cũng bao dung. Chẳng màng tiền "hối lộ" nhét đầy, chẳng quan tâm quà khủng, nhang tấn, hứa hẹn đủ điều. Vẫn lắng nghe những lời khấn nguyện, hiền từ nhìn chúng sinh mỗi đứa mỗi vẻ, ngày một tinh tấn hơn :-) .

Ngày xưa còn vào được bên trong chánh điện, ngồi tĩnh niệm hàng giờ, đọc một thời kinh trong đêm giao thừa. Bây giờ có khi chỉ kịp đứng bên ngoài, lạy vội ngôi chùa hay tượng Phật, rồi nhường chỗ cho người khác. Mà điều đó không quan trọng lắm, cái chính là khoảnh khắc đầu năm, cái giao mùa của tạo hoá, cái hồn của mùa xuân, tiếng chuông tiếng mõ, câu kinh hồi kệ, hương trầm thoang thoảng ... đã tạo nên sự cảm nhận sâu lắng của một năm nhìn lại đời mình chuẩn bị bước qua năm mới.

Ngày xưa khi chưa có con, sáng đầu năm ngủ nướng, mở nhạc Xuân nghe. Giờ sáng mùng một, vẫn phải dậy sớm đưa con đi học. Về nhà, nhìn bánh tét bánh chưng, hủ dưa món, nồi thịt kho, chưa ăn no mất. Hẹn bạn bè ra quán uống cafe đầu năm, chuyện xưa chuyện nay, chuyện "xuân này con không về". Điện thoại thì tò tí te, tin nhắn từ bạn bè VN...:-).

Năm nay trời đẹp, đang lạnh, Tết về lại ấm. Chiều về dẫn con, dẫn chó, đi chơi một vòng. Con không thích ăn mứt ăn bánh, vì ăn chưa quen. Nên cả nhà đi ra ngoài ăn tết Việt với món Mỹ. Buồn cười, nhưng mấy đứa nhỏ bên này dễ gì chịu ăn dưa món củ kiệu, thit kho dưa giá. Tối lai rai với gia đình & bạn bè gần nhà, nghe nhạc xuân, gọi phone chúc tết người thân.

Thực ra Tết ở nước ngoài đại loại cũng chỉ có thế, chủ yếu là phần hồn, phần ý tưởng. Nhớ về, nghĩ về một nơi chốn nào đó. Nhớ về quê hương và gia đình, để thấy mùa Xuân, để thấy cái Tết của lòng mình lạc lõng giữa cái "không tết" chung quanh. Nếu năm nào Tết rơi vào cuối tuần thì vui hơn. Cộng đồng người Việt, chùa chiền nhà thờ VN lúc nào cũng có tổ chức hội chợ, lễ lộc, nhưng thường chỉ vào cuối tuần, không nhất thiết phải là ngày đầu năm. Những vùng đông người VN như Bolsa Cali, San Jose Cali, Bellaire Houston, Eden Virginia, Buford Atlanta ... thì linh đình hơn. Chào cờ đầu năm, dạ vũ hội chợ, tưng bừng hoa lá. Bên Châu Âu thì vắng hơn bên Mỹ. Nhưng Tết bên châu Âu nhiều gia đình sắm sửa đơn giản mà lại sâu sắc hơn. Nhớ có năm mình đi từ Soho (London) qua quận 13 (Paris), rồi về Metz (France) ăn Tết. Thưởng thức cái không khí Tết gia đình, những món quốc hồn quốc tuý của bạn bè ở đó, nhớ nhà muốn khóc !

Bởi vậy, ngày đầu năm xa quê bao gìơ cũng nhiều tâm trạng. Vui buồn lẫn lộn. Nhưng đó cũng là một phần của đời sống, chuyện tất nhiên thôi. Một cành đào ven rừng, một chậu mai, một bài ca quen thuộc, một tà áo lụa, một món ăn xưa .... cũng đủ làm ngẩn ngơ cả buổi. Một đời người có mấy mùa xuân ? Một năm đi qua đã qua đi. Bắt đầu một năm mới, một ngày mới, một hành trình mới. Lạc quan, an vui, tha thứ, hạnh phúc, bi quan, ghen tức, hận thù, đố kị ... dĩ nhiên tất cả đều bắt đầu từ chính bản thân mình.

Chúc tất cả năm mới thân tâm an lạc !



Tưởng niệm 17/2

Tưởng niệm những quân dân Việt Nam đã hy sinh vì cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cọng ngày 17/2/1979.





Gửi em ở cuối sông Hồng
(Dương Soái)

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Lào Cai, 1979



Sunday, February 11, 2018

Lời tạ lỗi trước hoàng hôn !




Thần khẩu hại xác phàm ? Hay vẫn chưa là lời cuối cùng ?....

Một trong những câu chuyện dài 50 năm chưa dứt. Và những hơn thua được mất bên cạnh hàng ngàn đồng bào vô tội đã ngã xuống, bao mái ấm gia đình tang tóc chia ly  !!!






CUỐI NĂM NHÌN NHỮNG CHUYẾN XE QUA


Friday, February 09, 2018

Bằng cấp giả được, nhưng tư duy thì không !



Lâu nay cứ vài ba tuần, là những câu chuyện bằng cấp, học hàm học vị, lại trở lại. Những câu chuyện bi hài, chua chát, đôi lúc ấu trĩ, nhưng lại cứ tồn tại như một vở kịch xã hội lập đi lập lại, nhàm chán. Nào là bằng cấp giả, bằng "thiệt" kiến thức "giả", nhiều TS nhất, lạm phát TS GS nhất, học hàm tự phong tự xướng, mua bằng bán chức... Rồi nào là TS nói ngọng, TS đề xuất chữ viết thời thượng, TS phát biểu như mẫu giáo, TS truy vấn động cơ thiện nguyện, TS cuội học trên rừng mà tốt nghiệp dưới biển ..vv. Thượng vàng hạ cám, nghe hoài phát chán, nhạt phèo !

Thú thiệt là mình cũng may mắn được đi làm ở một số nước, nhưng chưa bao giờ gặp cái văn hoá bằng cấp kiểu như vậy. Mê mẩn và đắm chuộng bằng cấp danh vị một cách thái quá. Đi nhậu, đi chùa, đi ăn giỗ, ăn tiệc, đi làm, đi uống cafe ... thậm chí đi karaoke, bia ôm, cũng xưng tụng TS GS. Ngành nghề gì, lãnh vực gì, cũng tung hô TS GS một cách vô tội vạ. Gặp ông thầy chùa ngoài bắc cũng xoè cái cạc GS TS, đại biểu lung tung gì đó. Gặp ông coi bói tử vi, phong thủy, cũng có cái cạc TS cầm tay ... thì huống chi là mấy ông có chức quyền. Cũng chính vì sự cuồng tín vào những giá trị ảo của bằng cấp, vào các quyền lợi có được từ các quan niệm lệch lạc & các quy định bất hợp lý về học hàm học vị, mà nhiều người đã đua nhau tậu cho bằng được cái bằng TS GS. Rộ lên như một phong trào, bằng mọi hình thức, từ mua bán cho đến giả mạo, từ trường ảo cho đến trường ma, từ trường nội cho đến trường ngoại, từ đề tài cuội cho đến đề tài hài, bất chấp chất lượng học thuật và các hệ lụy nguy hiểm khác. Người ta vẫn thường nói "Nhiệt tình cọng với ngu dốt là phá hoại". Mình thì nghĩ quyền lực cọng với kém hiểu biết lại càng nguy hiểm hơn. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thành thật kính trọng những người vừa phải miệt mài công sức để đạt được những học hàm học vị thực sự, vừa phải kiên nhẫn tồn tại trong một môi trường vàng thau lẫn lộn như thế .

Ngồi nhìn lại lịch sử đất nước VN, có phải người Việt thực sự trọng bằng cấp thế không ? Có lẽ vậy. Một đất nước nông nghiệp thuần tuý, hệ thống phong kiến vua chúa, chức quyền chủ yếu dựa vào học vị học hàm. Ngày xưa nếu không phải là con ông cháu cha, thì chỉ có một con đường là phải học giỏi đỗ đạt cao, mới hòng thoát được gánh nặng giai cấp .Có thể đó là ảnh hưởng đầu tiên, cọng với tư tưởng so đo hơn thua xóm làng giòng tộc địa phương, càng làm cho giá trị bằng cấp thưc sự quan trọng. Nhưng rồi cũng có câu "Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ ". Nghĩa là cũng có những nhà Nho nghèo, thanh khiết, thuần tuý đem cái sở học của mình phục vụ thiên hạ mà không màn danh lợi. Những nhà Nho ngày xưa, học sách thánh hiền, đạo lý lễ nghĩa, nên tự trọng cao cả. Nhưng cũng nặng về định kiến bảo thủ, lại mang nặng hình thức "kẻ sĩ", nên chuyện nghèo túng cũng không khó hiểu lắm. Tuy nhiên ngày xưa, dù nghèo nhưng có học, cũng được người ta kính trọng .

Đến thời cận đại trước 1975, học vị và bằng cấp cũng còn được xã hội tôn trọng một cách đúng mức. Thầy cô giáo tuy không giàu có, nhưng cũng đủ sống thoải mái. Một ông giáo sư trung học cũng tiền bạc rủng rỉnh. Ông nào lỡ đi lính mà có tú tài cũng ngon hơn ông thành chung hay ri me. Nghèo mà học giỏi cũng còn có cửa đi lên. Ông nào học Phú Thọ ra cũng có cửa làm trưởng ty. Học Quốc gia Hành chánh ra cũng có cửa làm quận phó, tỉnh phó ... Còn giỏi nữa mà ra TS Quốc Gia thì còn ngon lành nữa. Mình có anh bạn vong niên, TSQG, một trong những rường cột sáng lập viên của ĐH HH dưới miền Tây ngày xưa (cùng với ông LPS). Lâu lâu gặp lại, ngồi nghe ảnh kể chuyện đi học ngày xưa, thấy mà ham, uống hoài hổng say :-) .

Nhưng sau 1975 thì khác, khác nhiều, nên nhiều khi mình thắc mắc về giá trị thật sự của việc chuộng học hàm học vị ngày nay. Thời bao cấp, cả nước nghèo đói. Bằng cấp, học vị, thời đó chả là cái đinh gì. Giáo chức dứt cháo ! Tiến sĩ giáo sư thì ngày lo hai bữa khỏi độn là giỏi rồi. Ông thầy dạy môn Toán Cao cấp của mình, TS NS, rất nổi tiếng về cac công trình nghiên cứu, dạy xong về bán chợ trời với vợ kiếm sống !
Nhớ có ông bạn cũ ngày xưa cũng thuộc dân học hành đàng hoàng, sau 75 nghèo đói tận cùng. Năm đó đứa con gái đến tuổi gả chồng, đẹp, nhiều anh theo đuổi. Anh không chịu gả con cho một anh nhà giáo, mà gả cho anh tài xế. Ngày con có chồng xong, rủ mình ra quán, nốc rượu đế mà khóc. Ngồi ngoài Thanh Đa với anh cả đêm hôm đó, nghẹn ngào. Nỗi lòng của người cha và những đánh đổi oan nghiệt của thời đại. Dạo đó, đọc "Đứng trước biển" của NMT, mình cũng nhủ thầm thời này học bác sĩ, kỹ sư, làm đếch gì, cứ đi viễn dương là có tất cả !

Vậy thì cho đến khi nào VN mới bắt đầu trọng bằng cấp, học vị ? Có thực sự là trọng giá trị tri thức của bằng cấp học vị không? Những người học giỏi, bằng cấp thực sự, có được xử dụng thoả đáng không ? Trọng kiến thức tư duy của người có học, hay là trọng cái quyền lợi kéo theo mà những học hàm học vị đó mang lại ? Cái này thì tuỳ người hiểu và tự có câu trả lời cho chính mình.

Ở nhiều nước văn minh trên thế giới, người ta tôn trọng kiến thức và tư duy thực sự của mỗi con người. Bằng cấp học vị chỉ là những chuẩn mực, thước đo, ở phương diện "academic". Còn kiến thức thì cũng có nhiều loại academic knowledge, practical knowledge, theoretical knowledge. Dĩ nhiên có học vị cao là thành tựu đáng quý, mhưng đó không phải là tất cả. Người ta không đề cao cái hình thức, cái phần "xác" của bằng cấp nặng nề như VN. Nếu có, chỉ là giai đoạn ban đầu xin việc hay khởi nghiệp. Ngược lại, họ luôn coi trọng cái "nội dụng", cái thành tựu mà những tấm bằng đó mang lại cho công ty, cho con người, và cho xã hội. Ở nhiều nơi trên thế giới, bằng TS không có nghĩa là giỏi hơn người khác, chỉ đơn giản là đủ tư cách để bắt đầu nghiên cứu độc lập và đóng góp cho xã hội ở một lãnh vực chuyên môn nào đó. Còn bên VN, một số người quan niệm tới đó là "hết chữ" rồi. Dùng học hàm học vị để xin việc, để lên chức, để in card visit, để thăng tiến, để tại chức lâu hơn, để cạnh tranh với các đối thủ khác là đạt yêu cầu rồi. Nên nhiều ông TS không bao giờ có nghiên cứu hay bài viết tham luận đóng góp gì cho xã hội. Cũng gặp nhiều ông TS có bằng bên Mỹ, nhưng không rành tiếng Anh. Có bằng bên Tây lại không rành tiếng Pháp, nên lên báo tiếng Việt cho dễ. Có lẽ vậy nên cộng đồng quốc tế ít khi thấy công trình nghiên cứu của TS GS bên ta mà thôi !
Thực ra, một ý nghĩa thành tựu rất quan trọng trong việc học hành đào tạo là tư duy và tính cách. Những người có bằng cấp học vị thưc sự luôn có ý thức tự trọng và trách nhiệm phụng sự xã hội dựa vào chính khả năng & kiến thức của mình. Một nền giáo dục làm được điều đó mới là nền giáo dục lành mạnh, đáng được tôn vinh.

Thiết nghĩ một một ông thợ rèn dở sẽ không làm nỗi con dao hay. Nếu dùng một ông TS "giả" để đào tạo hoặc thẩm định một ông TS khác, thì khó mà tìm ra được ông TS "thực". Nếu một cơ quan, trường học, hoặc công ty, chỉ đơn giản xử dụng những tấm bằng xum xê theo chỉ tiêu, mà không đo lường được cái tư duy và kiến thức thực sự của người sở hữu tấm bằng đó, thì coi như góp phần làm lũng đoạn nền giáo dục và phỉ báng giá trị thực sự của trí thức nước nhà. Như thế thì dẫu là số lượng TS GS bao nhiêu đi nữa, cũng không làm thay đổi số phận của đất nước. Có khi còn đục nước béo cò. Muốn thay đổi phải bắt đầu thay đổi từ những quan niệm trọng thị cơ bản nhất. Chấm dứt cách chọn người bằng những chỉ tiêu vô nghĩa, hữu danh vô thực. Thay vào đó chọn người có kiến thức thực sự, phù hợp với công việc. Phải thay đổi quan niệm "hồng hơn chuyên", thân thế lý lịch ... thì mới sử dụng được những tấm bằng có kiến thức thực sự.

Chắc hẳn lâu nay những nhà khoa học, TS, GS, trí thức VN chân chính cũng rất đau lòng về vấn nạn này. Mình tôn trọng và cảm thông với những trăn trở dằn vặt đó. Suy cho cùng thì bằng cấp, học hàm học vị, có thể lạm phát, có thể mua bán, nhưng tư duy của con người thì không thể giả mạo được !

Học hàm tăng đột biến và trường đại học bị loại khỏi Top 350

Let everyone shine !

Thế vận hội Mùa Đông 2018 bắt đầu .....





Tuesday, February 06, 2018

Phôi pha ....

Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng của các nước đang phát triển là FDI.  Những nước thành công được, là do tạo được một sân chơi hiệu quả cho các nhà sản xuất & doanh nghiệp từ nước ngoài vào đầu tư. Để đầu tư công nghệ được lâu dài, và sản xuất được hiệu quả cao, cần nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố con người, lao động tay nghề cao là quan trọng nhất. Những đất nước từng nghèo đói vài thập niên trước đây như Trung quốc, Ấn độ ... nay trở nên vốn liếng hùng hậu là nhờ vào thị trường gia công và lao động giá rẻ cho các nước tư bản.

Những năm gần đây, các nước vùng Đông Nam Á chạy đua nhau tạo dựng những sân chơi mới hấp dẫn, để kêu gọi các nhà doanh nghiệp & sản xuất nước ngoài. Với mong mỏi sẽ san sẻ được thị phần FDI từ các nước như TQ, Ấn độ ... và tạo dựng được nét riêng của nghành công nghệ sản xuất ở đất nước họ. Trong đó có cả Campuchia, Lào, Thái Lan, Indo, Mã Lai, Phi luật tân, Miến điện .... Họ thi đua nhau đẩy mạnh phát triển nguồn lao động tay nghề cao, chất lượng & ổn định, để tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, gây điểm nhấn về nguồn nhân sự & công nghệ sản xuất. Trong khi đó, VN lại đi xuất cảng lao động tay nghề cao !

Lao động VN hôm nay phải xuất ngoại tìm việc làm, có mặt nhiều nơi trên thế giới từ châu Phi, Trung đông, cho đến Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore, Mã Lai ... thậm chí cả Lào, Campuchia.

Ngoài việc đi xuất khẩu lao động chính thức qua các kênh hợp pháp, người VN còn phải đi kiếm công ăn chuyện làm bằng nhiều ngõ ngách bất hợp pháp khác. Thỉnh thoảng cứ đọc tin người mình bị bắt vì lao động trái phép ở nhiều nơi nhiều nước trên thế giới. Bên Pháp, bên Anh còn lập cả ngôi làng "Vietnam City", để chứa chấp lao động lậu từ VN sang, kể cả con nít.

Quê mình cũng vậy, giờ lao động trẻ khoẻ đi vô TP lớn làm công, làm mướn hết. Bọn trẻ đi học Đại học xong, cũng không về. Mỗi lần về quê nhìn cánh đồng xưa và những lao động già yếu còn lại anh dũng bám trụ ruộng vườn cha ông, bên cạnh những khẩu hiệu biểu ngữ giăng đầy ... Tự nhiên thấy có điều gì chua xót và xa xăm quá !


"Malaysia xem xét mở rộng tiếp nhận lao động tay nghề cao của Việt Nam"

"Ngôi làng Việt nam ở Pháp"




Monday, February 05, 2018

BÌNH MINH ĐÃ RẠNG - Nguyễn Tường Bách



“Morning has broken, like the first morning, Blackbird has spoken, like the first bird”.

Khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ trước, lời ca trên được truyền đi trong tiếng hát của một chàng trai 25 tuổi, Cat Stevens.

“Bình minh vừa rạng, như buổi sáng ban đầu, Chim sáo đã lên tiếng, như con chim ban đầu”.

“Buổi sáng ban đầu” là ngày khởi đầu, ngày nguyên đán của vũ trụ, khi người nghe hiểu hết bài ca. Ánh dương vừa rạng, chim vừa cất tiếng, nhưng tâm người lại cảm nhận như buổi sáng tinh khôi của trời đất, như tiếng chim nguyên thủy của thiên nhiên. Kỳ lạ thay!

Tác giả ca từ là Eleanor Farjeon, một văn sĩ người Anh. Bà sinh năm 1881, vốn là một đứa trẻ ốm yếu, mắt kém. Vì sức khỏe quá kém, cha mẹ bà không cho đến trường, dạy bà học ở nhà. Lúc bà lên khoảng năm tuổi, người cha dạy viết văn và làm thơ.

“Praise for the singing, praise for the morning, Praise for them springing fresh from the Word”.

“Tán thán tiếng hót, tán thán buổi bình minh,Tán thán tất cả những gì vừa mới phát sinh từ Ngôi Lời”.

Eleanor Farjeon là người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc, bà viết bài này trong độ tuổi già giặn khi đã quá 50. Bà viết vì lòng ngưỡng mộ nơi một nhất thể mà truyền thống của bà gọi là “Ngôi Lời”. Mọi hiện tượng trong thiên nhiên mà phương Đông gọi là “sắc”, thì trong bài ca của bà đều xuất phát từ một tự tính mà tôn giáo của bà gọi là “Thượng đế”.

“Sweet the rain’s new fall, sunlit from heaven, Like the first dewfall, on the first grass,

Praise for the sweetness of the wet garden, Sprung in completeness where His feet pass”.

“Ngọt ngào thay những giọt mưa vừa rơi, được ánh sáng chiếu từ trời cao,

Như giọt sương ban đầu trên ngọn cỏ ban đầu, Tán thán vị ngọt của khu vườn ướt sũng, Trở thành viên mãn khi chân Ngài bước qua”.

Mọi sắc thể trong trời đất không những xuất phát từ một tự tính duy nhất mà chúng vốn là “viên mãn”, trọn vẹn, sáng rỡ. Chúng mang trọn vẹn tính chất sáng đẹp của nguồn gốc vì mọi hiện tượng đều là “Thân” của Thượng đế cả.

Eleanor Farjeon còn tự thấy mình là một phần của Thượng đế, chính mình là một tiêu điểm, nơi mọi sắc thể hội tụ. Bà kết thúc bài thơ bằng:

“Mine is the sunlight, mine is the morning, Born of the one light, Eden saw play,

Praise with elation, praise every morning, God’s recreation of the new day”.

“Ánh sáng mặt trời là của con, Buổi bình minh là của con,

Sinh ra từ một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng đã chiếu Vườn địa đàng,

Tán thán với lòng hân hoan, tán thán mỗi khi trời rạng, Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế lại sáng tạo”.

Câu thơ cuối là một chứng nghiệm hiếm có. “Thượng đế” của Eleanor Farjeon không phải sáng tạo một lần rồi thôi, bỏ mặc tất cả tự đấu tranh vật lộn với nhau trong một khung cảnh mà ta gọi là “trần gian” như nhiều người nghĩ. Ngược lại, mỗi ngày đều tinh khôi mới mẻ, dường mọi sự đều mới sinh ra lần đầu, như “buổi sáng ban đầu”, “con chim ban đầu”. Câu thơ cuối của bà chính là ý tưởng nhất quán của toàn thể ca từ.

Đọc Eleanor Farjeon ta không thể không liên tưởng đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Trong tập thơ Gitanjali (Bài ca dâng hiến), ông cũng tán thán Thượng đế như cách của Eleanor Farjeon, tức là xem Ngài như một thể tính có nhân trạng. Tagore cũng nói về một thứ ánh sáng:

“Light, my light, the world-filling light, the eye- kissing light, heart-sweetening light!”

“Ánh sáng, ánh sáng của con, ánh sáng tràn đầy trong thế gian, ánh sáng hôn lên đôi mắt, ánh sáng ngọt ngào trong tim”.

Những vần thơ tha thiết của Tagore đã mang lại cho ông giải Nobel văn chương năm 1913.

Tương tự như trong các tác phẩm của Tagore, cảm khái chính của Eleanor Farjeon trong bài thơ Morning has broken là một thứ “ánh sáng” sống động, tinh khôi, soi chiếu từ tầng trời cao nhất đến từng giọt sương ngọn cỏ. Những ai có tu tập Thiền định đều biết rằng, trong một trạng thái nhất định của tâm, sẽ chỉ có một cái “Biết” đang nhận thức. Cái Biết đó làm cho mắt thấy được, tai nghe được, tâm cảm được. Mọi dạng sắc thể hiện lên trong cái Biết đó như ánh sáng soi chiếu mọi vật và tự soi chiếu chính mình. Thế gian mà ta tưởng là có người có ta chỉ là cái Thấy đang thấy, cái Nghe đang nghe chứ không có ai cả. “Ánh sáng” của cái Biết trong Thiền chính là “ánh sáng” của Eleanor Farjeon, của Rabindranath Tagore. Còn cái thể tính mà Farjeon hay Tagore gọi một cách truyền thống là “Thượng đế” thì Thiền gọi là “Không”.

Thế nên nếu Farjeon nói “Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế sáng tạo” thì Thiền giả nói Không tạo nên Sắc trong từng sát-na và Sắc chính là dạng xuất hiện của Không, như sóng là dạng xuất hiện của nước. Nhà văn nữ Eleanor Farjeon cũng như Rabindranath Tagore hẳn đã biết điều này, nếu không thì các bài thơ của họ đã không có một sức lôi cuốn như thế.

Bài thơ Morning has broken trở thành một bài thánh ca trong khoảng năm 1931. Bài ca được hát lên trong những dịp lễ tôn giáo hay sinh nhật trong các xứ đạo tại Anh. Thế nhưng bài ca này trở nên nổi tiếng thế giới từ khoảng 1973, khi Cat Stevens, sinh năm 1948, một giọng ca bất hủ người Anh trình bày rộng rãi trong công chúng. Như một duyên nghiệp định sẵn, Cat Stevens cũng lại là một con người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc. Anh hát bài này lúc rất trẻ, với một giọng ca trong trẻo, một khuôn mặt thánh thiện. Chỉ chừng năm năm sau ngày thành danh, Cat Stevens cải đạo theo Hồi giáo, lấy tên mới là Yusuf Islam, bỏ sự nghiệp ca sĩ, bán đàn guitarre lấy tiền đi làm từ thiện.

Cô bé Eleanor Farjeon ốm yếu nọ cuối cùng sống đến 84 tuổi. Cat Stevens xa lánh sân khấu. Mãi đến khoảng 2006 anh đã trở lại thế giới âm nhạc với bộ râu đã bạc, song giọng ca vẫn còn hay như xưa.

Trong mọi Sắc thể của Không thì âm thanh là vi diệu bậc nhất. Ca từ được âm thanh chắp cánh và chuyên chở nên những cảm khái sâu xa nhất của Đạo xưa nay chưa bao giờ vắng mặt trong âm nhạc. Với phương tiện hiện đại người nghe có thể nghe lại bài ca của Morning has broken một cách dễ dàng bằng cách gõ từ “cat stevens morning has broken” trên mạng. Trong các youtube hiện ra, người nghe nên chọn bài ca có mang tấm hình của Cat Stevens lúc thanh niên.

“Morning has broken, like the first morning, Blackbird has spoken, like the first bird”.

Tiếng ca vang lên, cái Nghe đang tự vận hành!

Nguồn: Thư viện Hoa Sen
 (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Saturday, February 03, 2018

Hạt bụi nào ..... hoá kiếp thân ai ?


Ông tổng thống đầu tiên lập quốc Hoa Kỳ là George Washington, khi chết được chôn cất ở góc vườn của gia đình ông tại Mt. Vernon (tiểu bang VA) cùng với bà vợ. Cháu của ông ta dựng một tấm bia đơn giản cạnh đó bằng chính đồng bạc của gia đình họ. Không tường thành, không kèn trống, không lính gác, đơn giản nằm dưới bóng cây râm mát trong vườn. Nhớ lần đầu tiên đến đó, mình thực sự ngạc nhiên và kính phục cái tư cách khiêm cung, đơn giản, mà vĩ đại đó.
Thực ra thì bao nhiêu đời tổng thống Hoa kỳ sau này cũng vậy, đại đa số được đem về quê, chôn cất trong nhà thờ, nghĩa trang công cọng, hay nghĩa trang của gia đình họ ở quê hương. Đơn giản, chẳng cần cầu kỳ, chẳng cần phô trương, nhưng cái gì còn đọng lại thì sẽ đọng lại trong lòng người dân !

Bấm vào đây để coi nơi chôn cất của các đời tổng thống Hoa Kỳ từ thời lập quốc


Friday, February 02, 2018

Chiều cuối năm, nhớ nhà !

Cuối năm gọi điện hỏi thăm bạn bè, đứa say đứa xỉn, đứa vui đứa buồn, tất niên. Chắc là gọi nữa sẽ có đứa bôn ba ăn nhậu, đứa chờ vợ sai biểu, đứa còn say ke U23, đứa đi đòi nợ, đứa lo trả nợ, đứa lo sửa nhà, đứa chùi lư hương, đứa lặt củ kiệu, đứa bứt lá mai, đứa tỉa cành lan, đứa đi tảo mộ, đứa lén thăm bồ (nhí) ..... Nói chung tháng Chạp là tháng bận rộn bôn ba nhất, mà cũng là tháng nhớ nhà, nhớ quê, nhiều nhất !

Hồi nhỏ, thích tháng chạp là vì gần đến tết, được nghỉ học, được lì xì, được đi chơi, được giày mới áo đẹp ....Lớn lên chút nữa thời sinh viên, cuối năm bận rộn hơn, bôn ba hơn, nhưng lại đợi chờ hơn. Thi cử, chuẩn bị về quê, hẹn hò trông ngóng. Thằng có chút đỉnh tiền còm chạy mua sắm chút gì đem về cho gia đình. Thằng hiếu thảo hơn nhưng không tiền, đành đợi ngày về, canh nồi bánh tét và dĩa thịt kho dùm Mẹ. Có thằng nghèo hơn, không tiền về xe, lầm lũi ở lại ký túc xá, sáng chiều ra quán uống cafe ký sổ, ngồi mà nước mắt rưng rưng. Xuân về, chủ quán rộng lượng, cho ký sổ dễ dàng hơn. Những đứa ở SG thì đỡ hơn chút, dẫu gì gần nhà, chạy đi chạy về, thịt kho dưa giá gia đình có nhau. Nhìn lại, dạo ấy có những buổi chiều cuối năm thật buồn, nhưng đó lại là những quãng ngày có nhiều ký ức đẹp đẽ nhất. Đất nước đắng cay & nỗi buồn thế hệ !
Đám bạn bè mình thời đó đủ nghề đủ nghiệp, quê quán khắp nơi. Nên có đứa về quê, đứa ở lại SG, đứa được nghĩ tết, đứa làm luôn tết. Có đứa tị nạn ở đảo, có thằng bộ đội biên giới, chỉ có tờ thư lem luốt. Đứa chết ngoài khơi, đứa chết trên rừng, không về nữa. Thằng bạn thân nhất đạp xích lô, cuối năm bôn ba vất vả, nên lúc nào mình cũng ở lại nhậu nhẹt buồn vui với hắn cho đến giờ phút cuối mới về nhà. Mà những vui buồn đó lại là vốn quý nhất của đoạn đường sau này .....

Ra nước ngoài, những năm đầu tiên, chiều tháng chạp là những chiều khó qua nhất. Một bài ca, một câu thơ, một ly rượu, một cảnh chùa, một cành đào khô trụi lác đác vài cánh hoa, một khoe mẽ kệch cỡm, một sô diễn hạng xoàng .... của ngày cuối năm, cũng đủ để làm lòng mình tê tái. Thường thì chiều tháng chạp lại rơi vào mùa đông, giá tuyết. Những khung cửa hẹp, những hàng cây khô trụi, tuyết bay lất phất, vỉa hè hiu hắt, những bóng người co ro vội vã. Một bài nhạc xưa, một câu thơ cũ, một góc phố quen quen, một bóng hình ngờ ngợ .... thì rượu tuổi nào mới say ? (Thời đó chưa cho gọi đt về VN. Mà có cho chăng nữa, thì cũng chẳng mấy người có đt ).

Mờ mờ một dãi sương sa lối
Man man một dạ cố hương sầu
Rưng rức chiều nay nhà ai mới
Lặng lẽ bên thềm môi tím thâm
(PN - 1986)

Rồi những năm sau đó, đi đi lại lại được rồi, tò tí te được rồi, thì lại có những niềm vui và nỗi buồn khác. Nhưng tháng Chạp vẫn là tháng lo toan, tháng đợi chờ, tháng của ký ức, tháng vui buồn lẫn lộn. Và chiều cuối năm vẫn mãi mãi là buổi chiều đáng quý của những nỗi lòng trắc ẩn đời thường, những đứa con đau đáu hướng về quê nhà, những tâm hồn chai sạm đã không còn dễ vui buồn bởi đèn hoa & xưng tụng của những đêm dạ tiệc ...

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười, nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.
(Thầy TS)

Viết tới đây mới nhớ đến đứa em của thằng bạn cũ ngoài quê, NQT. Chiều cuối năm nào về quê thắp nhang cho ông bà, cũng bắt nó hát bài "Sông Lô chiều cuối năm", mà cứ ngỡ giòng sông quê mình. Nó hát hay hơn thằng anh nó nhiều. Năm nay không về được, lại nhớ !