Saturday, February 17, 2018

Một ngày đầu năm





Đầu năm mới, bạn bè trong nước nhắn tin "Đầu năm làm gì, vui không ?" Nhớ lại là hình như năm nào mình cũng được hỏi câu này vào ngày đầu năm :-). Thực ra thì ở đâu cũng vậy, ngày đầu năm bao giờ cũng thấy vui hơn, phơi phới hơn, nhưng cũng trang nghiêm và sâu lắng hơn. Người Việt nào chắc cũng thế thôi, đã lâu quen rồi !

Lâu nay, nếu ăn Tết ở nước ngoài, mình luôn ở nhà vào ngày mùng một. Thông thường mấy hãng lớn của Mỹ cũng có một ngày "floating holiday" (ngày lễ tự chọn) cho những người công nhân của họ, để phù hợp với môi trường làm việc đa chủng tộc, đa tôn giáo. Người đạo Hồi, đạo Chúa, đạo Phật đạo Hindu, tết Lào, tết Thái, tết Việt, tết Tàu .v.v.. sẽ chọn lựa những ngày nghỉ khác nhau. Còn mình thì dẫu hãng có cho hay không, vẫn nghỉ, vì đêm giao thừa nào cũng đi chùa đến 2,3 giờ sáng mới về đến nhà :-).
Chùa VN bên Mỹ hay châu Âu gì cũng làm lễ giao thừa nửa đêm. Bên Mỹ thì đông người hơn, càng ngày càng đông. Nhớ hơn 30 năm trước, thưa thớt hơn nhiều, nhất là những năm thời tiết lạnh lẽo. Giờ thì đông đảo hẳn lên, áo dài, áo vét, xanh đỏ tím vàng, iphone, ipad, Samsung, Canon, Nikon, đủ kiểu đủ pô. Chen nhau lễ Phật, chen nhau chụp hình. Có khi dẫm cả lên hoa, leo cả lên bệ thờ mà tạo dáng tạo kiểu. Người xin xăm, người hái lộc, người nhét tiền cầu phúc, người quơ hương cầu duyên, người chen chân lễ bái, người nọ lạy người kia ... đủ sắc màu, đủ kiểu tin. Chỉ có đức Phật là năm nào cũng thế, năm nào cũng cười, năm nào cũng bao dung. Chẳng màng tiền "hối lộ" nhét đầy, chẳng quan tâm quà khủng, nhang tấn, hứa hẹn đủ điều. Vẫn lắng nghe những lời khấn nguyện, hiền từ nhìn chúng sinh mỗi đứa mỗi vẻ, ngày một tinh tấn hơn :-) .

Ngày xưa còn vào được bên trong chánh điện, ngồi tĩnh niệm hàng giờ, đọc một thời kinh trong đêm giao thừa. Bây giờ có khi chỉ kịp đứng bên ngoài, lạy vội ngôi chùa hay tượng Phật, rồi nhường chỗ cho người khác. Mà điều đó không quan trọng lắm, cái chính là khoảnh khắc đầu năm, cái giao mùa của tạo hoá, cái hồn của mùa xuân, tiếng chuông tiếng mõ, câu kinh hồi kệ, hương trầm thoang thoảng ... đã tạo nên sự cảm nhận sâu lắng của một năm nhìn lại đời mình chuẩn bị bước qua năm mới.

Ngày xưa khi chưa có con, sáng đầu năm ngủ nướng, mở nhạc Xuân nghe. Giờ sáng mùng một, vẫn phải dậy sớm đưa con đi học. Về nhà, nhìn bánh tét bánh chưng, hủ dưa món, nồi thịt kho, chưa ăn no mất. Hẹn bạn bè ra quán uống cafe đầu năm, chuyện xưa chuyện nay, chuyện "xuân này con không về". Điện thoại thì tò tí te, tin nhắn từ bạn bè VN...:-).

Năm nay trời đẹp, đang lạnh, Tết về lại ấm. Chiều về dẫn con, dẫn chó, đi chơi một vòng. Con không thích ăn mứt ăn bánh, vì ăn chưa quen. Nên cả nhà đi ra ngoài ăn tết Việt với món Mỹ. Buồn cười, nhưng mấy đứa nhỏ bên này dễ gì chịu ăn dưa món củ kiệu, thit kho dưa giá. Tối lai rai với gia đình & bạn bè gần nhà, nghe nhạc xuân, gọi phone chúc tết người thân.

Thực ra Tết ở nước ngoài đại loại cũng chỉ có thế, chủ yếu là phần hồn, phần ý tưởng. Nhớ về, nghĩ về một nơi chốn nào đó. Nhớ về quê hương và gia đình, để thấy mùa Xuân, để thấy cái Tết của lòng mình lạc lõng giữa cái "không tết" chung quanh. Nếu năm nào Tết rơi vào cuối tuần thì vui hơn. Cộng đồng người Việt, chùa chiền nhà thờ VN lúc nào cũng có tổ chức hội chợ, lễ lộc, nhưng thường chỉ vào cuối tuần, không nhất thiết phải là ngày đầu năm. Những vùng đông người VN như Bolsa Cali, San Jose Cali, Bellaire Houston, Eden Virginia, Buford Atlanta ... thì linh đình hơn. Chào cờ đầu năm, dạ vũ hội chợ, tưng bừng hoa lá. Bên Châu Âu thì vắng hơn bên Mỹ. Nhưng Tết bên châu Âu nhiều gia đình sắm sửa đơn giản mà lại sâu sắc hơn. Nhớ có năm mình đi từ Soho (London) qua quận 13 (Paris), rồi về Metz (France) ăn Tết. Thưởng thức cái không khí Tết gia đình, những món quốc hồn quốc tuý của bạn bè ở đó, nhớ nhà muốn khóc !

Bởi vậy, ngày đầu năm xa quê bao gìơ cũng nhiều tâm trạng. Vui buồn lẫn lộn. Nhưng đó cũng là một phần của đời sống, chuyện tất nhiên thôi. Một cành đào ven rừng, một chậu mai, một bài ca quen thuộc, một tà áo lụa, một món ăn xưa .... cũng đủ làm ngẩn ngơ cả buổi. Một đời người có mấy mùa xuân ? Một năm đi qua đã qua đi. Bắt đầu một năm mới, một ngày mới, một hành trình mới. Lạc quan, an vui, tha thứ, hạnh phúc, bi quan, ghen tức, hận thù, đố kị ... dĩ nhiên tất cả đều bắt đầu từ chính bản thân mình.

Chúc tất cả năm mới thân tâm an lạc !



No comments:

Post a Comment

Comments: