Saturday, February 24, 2018

Phiếm: Quê ta hay hát

Hồi xưa mình chỉ biết dân xứ Quảng thích thơ. Mà đúng vậy, có lẽ Quảng Nam, Quảng Ngãi là những tỉnh có nhiều nhà thơ nhất nước. Nên mỗi lúc nghe người ta nói "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co", mình cứ nghĩ nếu co cãi vì thơ, thì cũng thú vị chứ sao nê :-). Đã có lúc mình định về quê mở quán nhậu cho khách thơ, giống quán 81 ở SG, nhưng ước mơ chưa thực hiện được, thì bây giờ quê mình đã chuyển sang hát. Đâu đâu cũng hát. Từ karaoke cho đến "hát với nhau", từ chương trình sân khấu cho đến hội thi nội bộ. Từ làng karaoke, tụ điểm, phòng trà, quán cóc, khu phố, cho đến tư gia. Từ thành thị cho đến nông thôn, từ vùng biển cho đến miền núi, vùng sâu vùng xa... đâu đâu cũng nghe tiếng hát, giọng ca. Tết nhất, lễ lộc, thôi nôi, đầy tháng, tất niên ... nhiều nhà nhiều xóm còn mướn cả băng nhạc về hát, chỉa loa kẹo kéo qua nhà hàng xóm bắt nghe. Cũng là có ý tốt giúp láng giềng thử thính lực và rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Mà phải công nhận là quê ta nhiều người hát hay. Khi hát thì cái chất giọng miền Trung của con trai ấm hẳn ra, con gái thì mượt mà trong suốt, nhún nhẩy điệu đà. Cái ngữ âm lúc bình thường nói khó nghe, nhưng khi hát tự nhiên bay mất. Nên đôi khi yêu cầu họ hát giọng Quảng chính gốc, còn khó khăn hơn.

Mình lần nào về quê mà có dịp ngồi lai rai với bạn bè, thì cũng có chút văn nghệ văn gừng. Kiếm cái đờn guitar, rồi thì tha hồ mà QN nhớ thương, QN anh hùng... Cái món đặc sản đờn ca tài tử trong bàn nhậu của dân miền Tây giờ mất độc quyền rồi. Quê mình miền Trung cũng dữ dằn không kém. Mà thời buổi này muốn nghe đờn ca tài tử cũng không cần về đến miền Tây. Nhiều ông bạn mình ở SG cứ hát "Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm miền Tây". Mà về tới rồi thì cứ hát. Không hát tăng một, thì cũng hát tăng hai, có khi còn hát cả tăng ba. "Hát ngày chưa đủ, tranh thủ hát đêm, lại thêm tròng bóng !". Nhiều bạn luyện sẵn dăm ba bài tủ (bài ruột), đến hẹn lại lên, cứ thế mà hát. Hát hoài, thành thương hiệu riêng như .... anh T "Đời tôi cô đơn", chị H "bolero", ông N "Lá ngọc cành vàng", thằng C "Riêng một góc trời" ..vv. Có lần đi ăn tiệc, nghe nói bạn kia tới nơi, đã có người lỡ hát bài ruột của hắn trước rồi, thế là tức giận bỏ về. Mình tính chạy theo năn nỉ kêu lại mà không kịp. Còn chuyện hát hay dở thì không dám bàn ở đây, trầm bổng bất thường cũng là chuyện hên xui. Bạn bè thì có đứa hát hay, có đứa hay hát. Có đứa ban đầu thì e lệ mắc cỡ, nhưng hát qua vài bài, xin nó nhường lại cái mic cũng khó. Có đứa lỡ lên sân khấu rồi, còn lâu mới chịu xuống, hát miệt hát mài, chỉ có cách cúp điện, hoặc nhờ bảo vệ kéo xuống. Nghe nói ở quê có nhiều vụ đánh lộn, hàng xóm bất hoà, cũng vì tranh nhau mà hát. Mấy đứa đi xa như mình, lâu lâu về quê luôn được bạn bè tặng những bài xứ Quảng, đầy tình cảm. Có bài mình được tặng đến cả vài chục lần. Còn đi xe lửa thì mới vô địa phận Sa Huỳnh là đã nghe "...anh từng nói với em về QN ...Ba Tơ, Sơn Mỹ, ghi sâu nợ máu không nhoà...". Đi máy bay thì vô ga Chu Lai đã nghe "...các anh về đây quê hương chào đón ...núi Ấn sông Trà mai này sẽ nở hoa..". Máu lửa và hứa hẹn !

Mà không phải chỉ dân quê ta ở trong nước mới thích hát nghen. Đi đây đi đó, vô SG ra Hà nội, ra đến nước ngoài cũng thế. Cứ cafe thì có nhạc nghe, cứ bàn nhậu thì có nhạc hát. Nhiều nhà còn tậu cả dàn karaoke bên VN đem ra nước ngoài, cập nhật nhạc vàng, nhạc đỏ, đủ loại. Tối hát, cuối tuần hát, tiệc hát, nhậu hát .... Hàng xóm Tây, Mỹ gì lần hồi rồi cũng phải biết cái văn hoá hay hát của dân ta.

Hát riết đâm ghiền. Mình quen biết nhiều ông anh, bạn bè, ở nước ngoài, cứ mong ngóng về quê để được đi hát. Mấy đứa bạn quen ở SG cũng vậy, lâu lâu xin vợ về quê, để nhậu rồi hát. Hát hay không bằng hay hát. Nhưng có đứa bao nhiêu năm cũng vẫn một vài bài tủ, không ai dám xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nó. Còn có đứa lâu lâu gặp lại, hát hay nghe đến ngỡ ngàng. Mình thuộc loại khô khan, mà đôi khi nghe lòng còn muốn tái tê, huống chi là mấy cô gái thích thơ yêu nhạc. Nhiều anh ở xa về quê, chạy làm tô don cái bánh tráng, hay dĩa bê thui, rồi đi hát. Chiều về làm dĩa ram nướng hay mấy cái bánh xèo, rồi đi hát. Sáng xuống Mỹ Khê tắm biển, làm mấy chén bánh bèo hay tô cháo, rồi đi hát. Ai khen thì vui chóng, ai chê thì giận lâu. Hát riết cũng đâm ghiền, mà nghe riết cũng quen tai. Như mình bây giờ về quê lúc nào cũng thủ sẵn cái album "QN nhớ thương" của cô ca sĩ Quảng ...Ninh. Không ai hát, thì mình cũng tự nghe :-).

Mà dân quê ta hát nhạc cũng chọn lọc kỹ càng, đôi khi còn có chút kỳ thị. Có khi bạn bè chơi chung, cũng lựa người cùng gu nhạc mới thân nhau. Nào là gu nhạc sến, nhạc sang, nhạc mùi, nhạc thính phòng, nhạc Pháp, nhạc Mỹ, nhạc Tàu, nhạc Tây Ban Nha, đủ loại. Từ Abba, Eagles, Beatles, Bolero, Slow, Rock, Pop ...cho đến Classic, New Wave, New Age ... Thế hệ lớn chút thì chơi nhạc tiền chiến, nhạc ngoại thập niên 60,70. Trẻ hơn chút thì Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành Anh, Lam Phương, Anh Bằng, Nhật Ngân... Trẻ nữa thì  Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến, Diệu Hương ... Và dĩ nhiên là không quên các nhạc sĩ quê nhà, cây nhà lá vườn như Trương Quang Lục, Đình Thậm, Thế Bảo, Hà Chương, Nguyễn Tuấn, Phạm Đăng Khương, Vân Đông, Dương Quang Hùng, Đông Sơn, Trần xuân Tiến, Trần xuân Tiên ...nhiều, nhiều lắm. Đó là chưa kể nhiều bài nhạc tự biên tự diễn, cứ có thơ là có nhạc. Mà riêng về cái khoảng thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, võ sĩ, thì quê mình phong phú nhất :-).

Mình thì chả có gu nhạc gì, cứ ai hát hay thì mình nghe. Mà cũng lạ, hồi trẻ thích nghe đủ thứ, đủ loại nhạc. Bây giờ tóc muối tiêu, mỗi khi về quê lại thích nghe bolero. Có nhiều đứa bạn uống vài chai bia vô, hát "..giọt lệ đài trang, những đồi hoa sim, đôi mắt người xưa ...", nghe lâm ly, mùi mẫn, đứt ruột đứt gan, chịu không thấu. Nhiều người chê nhạc Bolero là dòng nhac bình dân, nhạc sến. Nhưng bây giờ mình lại thấy dễ nghe, hợp tâm trạng mấy đứa bạn già. Hôm rồi coi báo QN, thấy có đăng chuyện "Không ít những cặp đôi trí thức 70, 80 tuổi tối hằng tuần vẫn đèo nhau đến các tụ điểm để nghe và hát nhạc “sến” trong đó có bolero". Mình nghĩ nghe nhạc mà phân biệt trí thức, trí ngủ gì ở đây. Bảy, tám chục tuổi mà còn đèo nhau được là bảnh rồi, sá gì nhạc sang, nhạc sến. Nhạc nào đi vào lòng người dễ dàng, thì họ nghe thôi. Ai cũng có quyền bình đẳng thưởng thức cái hay và sống với cảm xúc của họ. Âm nhạc là thế. Đừng quên, đa số những nhạc sĩ, ca sĩ, nổi tiếng trên thế giới đều không thuộc về giới "trí thức". Ngay cả việc đi nghe nhạc, mà cũng phân biệt giới cấp, thì ông nhà báo đó phải coi lại quan niệm của mình. Cũng có khi vì nhiều người quan niệm như thế, nên nước nhà đang bị lạm phát "trí thức", tiến sĩ,  giáo sư ... :-)











No comments:

Post a Comment

Comments: