Wednesday, May 30, 2018

Fort Sumter - Nơi bắt đầu của cuộc nội chiến Civil War



Mãi cho đến ngày nay, những quan niệm "tốt", "xấu" về cuộc nội chiến Civil War (Nam, Bắc) của Mỹ vẫn còn là những đề tài bàn thảo sôi nổi mỗi lúc có dịp nhắc đến. Người Mỹ không tự hào về cuộc chiến này, nhưng họ có dạy về nó trong giáo trình phổ thông như một bài học kinh nghiệm của đất nước. Có nhiều người cho rằng đó là một cuộc chiến vô nghĩa, đáng xấu hổ. Ngược lại, một số người khác cho rằng đó là cuộc chiến cần thiết để tạo ra sự đoàn kết (united), và dẫn đến sự hùng mạnh của đất nước Mỹ ngày hôm nay. Tuy nhiên theo mình cái đáng học hỏi nhất là cách kết thúc chiến tranh và cách giải quyết các mâu thuẫn của đôi bên sau cuộc chiến.

Những đứa bé ở Mỹ luôn được dạy dỗ và ủng hộ thể hiện chính kiến của bản thân. Vì đó cũng là quyền tự do ngôn luận của mỗi con người. Cho nên những đứa trẻ ở xứ này rất mạnh dạn nói lên cảm nghĩ của mình về bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Hôm cuối tuần rồi, mình dẫn con đi thăm Fort Sumter, nơi nổ phát súng đầu tiên khởi đầu cuộc chiến Civil War vào năm 1861. (Fort Sumter là một hòn đảo nhỏ ngoài vịnh của thành phố Charleston SC, một thành phố được mệnh danh là TP đẹp nhất nước Mỹ). Ông nhân viên bảo tàng đang hùng hồn diễn thuyết về ý nghĩa của Civil War và Fort Sumter, thì mấy đứa nhỏ giơ tay xin phản biện, phát biểu quan điểm ngược lại, trong đó có thằng con mình. Tất nhiên là không đứa nào bị “buộc tội”. Nhiều người lớn thấy mắc cười, nhưng người nhân viên bảo tàng rất tôn trọng các ý kiến phản biện đó và trả lời một cách công bằng. Rất chuyên nghiệp !

Thực ra mình cũng đọc và học hỏi được rất nhiều từ cuộc chiến này. Ngoài những bài học về sự kỳ thị phân biệt, tư duy hạn hẹp, tự tôn cực đoan, luôn là yếu tố gây ra chiến tranh, thì có một câu nói mà mình luôn tin là đúng. Đó là "Đằng sau một cuộc chiến, có thể tốt đẹp hơn hoặc tồi tệ hơn, hoàn toàn lệ thuộc vào cách kết thúc vấn đề và ứng xử của bên thắng cuộc". Rõ ràng là sau cuộc nội chiến Civil War, đất nước Mỹ đã nhận ra được những sai phạm, họ thay đổi ứng xử để trở nên đoàn kết hơn và mạnh mẽ hơn.








Tuesday, May 29, 2018

Rằm tháng 4

Hôm nay rằm tháng 4, nghĩ về ngày lễ Phật Đản ở quê nhà. Nhìn lại ngày xưa thời thái tử Siddhartha ra đời, người Ấn độ chủ yếu xử dụng lịch Hindu. Nhưng sau khi Ngài đắc đạo, truyền giảng rồi nhập diệt, thì đạo Phật phát triển qua nhiều quốc gia khác. Mỗi quốc gia tổ chức ngày lễ Phật Đản khác nhau, quy ra theo cách tính niên lịch của họ. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng Đức Phật ra đời vào khoảng đầu tháng 4 âm lịch (Lunar) tại vườn Lumbini thuộc đất nước Nepal ngày nay. Tuy nhiên, các nước theo Phật giáo vẫn thường tổ chức lễ Phật đản (Vesak) theo thông lệ mà họ đã chọn. Ví dụ như TQ, Hàn tổ chức ngày 8 tháng 4 Âm lịch Tàu, Tây Tạng tổ chức ngày 7 tháng 4 lịch Tây Tạng. Việt Nam và một số nước châu Á thường tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch, dựa vào Phật Lịch ngày trăng tròn Uposatha...vv.
Bên cạnh đó, có nhiều chùa ở VN còn tổ chức Phật Đản, Vu Lan cả tháng như một mùa lễ hội, ví dụ như Mùa Phật Đản Sanh, Mùa Vu Lan Báo hiếu..v.v. Mình nghĩ đó cũng là điều tốt thôi, tạo cơ hội cho nhiều người đi chùa, hành thiện, sống hỷ xả an lạc, nhắc nhở việc học hỏi tu tập trong cuộc sống. Tuy nhiên mình nghĩ, cũng không nên quan trọng thái quá và đặt nặng việc đúng sai ngày giờ sinh ra của Ngài. Ngày nào, khắc nào, rồi cũng chỉ là một một dấu mốc, một khái niệm hiện hữu tạm thời mà thôi. Cái chính và quan trọng hơn nhiều là nằm ở chỗ khác, đó là sự tinh hoa về cái "Đạo" của Ngài. Chính cái đạo truyền bá của Ngài dẫn đến sự tỉnh thức và giác ngộ trong cuộc sống, góp phần làm cho thế giới chung quanh ngày mỗi an vui hơn. Giúp cho cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta nhẹ nhàng hơn, an lạc và ý nghĩa hơn.

Còn chăm chú vào ngày tháng năm sinh đúng hay không đúng, lễ hội lớn hay nhỏ, liệu có đổi thay gì chăng ? Chưa nói đến là thời đó nhiều niên lịch không đồng nhất, chiến tranh tôn giáo giữa các vùng miền, bộ tộc liên miên xảy ra, tàn phá các đền đài văn bản sử kiện. Nhiều sử liệu còn lại ngày nay cũng chỉ là do truyền khẩu hoặc sao đi chép lại, tam sao thất bổn. Có khi bây giờ mà gặp được ông Phật, hỏi cho ra lẽ, thì ổng cũng chẳng biết mình sinh ngày nào. Nếu nói cho cạn ý hơn, thì cái ngày đó cũng không phải là ngày ông Phật ra đời, mà chỉ là ông thái tử Siddhartha ra đời. Mãi cho đến ba mươi mấy năm sau, thái tử Siddhartha mới trở thành Đấng giác ngộ ... Lúc đó “Phật" mới được ra đời :-). Bởi vậy, đôi khi thấy qua bao nhiêu năm rồi mà đến giờ vẫn có nhiều nhà nghiên cứu và một số sư thầy còn tranh cãi quyết liệt đúng sai ngày nào ông Phật sinh ra, mình thấy cũng hơi phí phạm.

Còn mình thì từ ngày xa xứ, cứ đến các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, lại nhớ đến ngày xưa, thưở còn bé sống ở quê nhà. Ngày nay, người Việt trôi dạt và có mặt khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên họ vẫn duy trì thờ cúng và tổ chức những lễ hội tôn giáo như Phật Đản, Vu lan, Phục sinh, Giáng Sinh.... Rất đáng trân trọng. Nhân mùa Phật Đản, mình thân chúc tất cả các bạn bè thân hữu cùng gia đình luôn thân tâm an lạc, gặp nhiều may mắn.




Monday, May 21, 2018

Môn đăng hộ đối

Cuối tuần rồi, một đám cưới lịch sử đã diễn ra, cả truyền thông thế giới đưa tin. Đó là đám cưới của Prince Harry xứ sương mù và cô gái nguời Mỹ Meghan Markle. Sự rầm rộ lần này không đơn giản chỉ là một đám cưới hoàng gia như trước đây, mà bởi vì những bất quy tắc những ngoại lệ xưa nay chưa từng có của hoàng gia Anh quốc. Harry cũng không phải là đích tôn, Meghan cũng không phải là quý tộc, nhưng đám cưới họ được coi là rầm rộ nhất trong những thập niên gần đây. Dĩ nhiên là bên cạnh những chúc tụng, hâm mộ, hoan hô, đồng tình cho cặp đôi đặc biệt này, thì cũng có những chê bai dè bỉu, dị nghị về bối cảnh và thân phận của cô dâu Meghan Markle.

Nhiều nhà phân tích, kể cả Paul Burrell, cựu quản gia hoàng gia Anh, đã cảnh báo Meghan là tập trung những gì kiêng kị nhất của hoàng gia Anh quốc. Một hôn nhân hoàn toàn không hề theo nguyên tắc "môn đăng hộ đối" xưa nay. Mà đúng vậy, một cô gái lai da đen, người Mỹ, từng ly dị, lớn tuổi hơn chồng, theo nghiệp truyền thông, gia đình bối cảnh ly dị, phức tạp (đến nỗi cha ruột & chị của cô dâu cũng không tham gia đám cưới) ... tất cả đều là vùng cấm của hoàng gia Ăng lê.
Đến ngày cưới, ông cha chồng là thái tử Charles, phải thay thế cha ruột, dìu cô dâu Meghan vào sảnh lễ. Nữ hoàng Anh cho cô dâu mượn vương miện. Mục sư da đen người Mỹ lần đầu đăng đàn tại hôn lễ hoàng gia ..... toàn là chuyện lạ, nên bàn dân thiên hạ & báo đài tha hồ dài chuyện. Chắc vài hôm nữa thế nào Hollywood cũng làm phim về câu chuyện này :-) .

Lâu nay mình vẫn luôn tôn trọng những con người dám vượt qua nghi lễ và thông lệ đời thường, bất chấp thị phi tầm phào để đeo đuổi những mơ ước cao cả và hạnh phúc đích thực. Người ta thường nói những người cá tính mạnh mẽ mới dám đi ngược giòng, mới dám đeo đuổi những thứ không thuộc về cái "norm" (cái thường lệ) của thiên hạ. Nhiều cam go, nhiều thử thách hơn. Đó chính là cái nghiệp & cái giá của họ phải có trong cuộc sống. Nhưng đó cũng lại là những chất liệu cần thiết cho cuộc sống, đi tìm hạnh phúc và thành công từ chính bản thân.

Người VN mình cho đến ngày hôm nay cũng còn nhiều cuộc hôn nhân đi theo sự sắp đặt, mai mối không tình yêu, hoặc tìm kiếm "môn đăng hộ đối" để ở với nhau. Thế mà họ vẫn sống bên nhau cả kiếp, con cái đầy đàn. Cho nên chuyện tình cảm cũng khó nói được, chẳng có gì đúng sai, chẳng ai bảo đảm được điều gì. Cuối ngày, cái quan trọng nhất của hạnh phúc vẫn là do quan niệm cuộc sống và cảm nhận của từng người trong cuộc.

Riêng về quan niệm môn đăng hộ đối, thì có lẽ người VN ta là nặng nề nhất. Thực ra, chưa nói đến chuyện cưới hỏi, yêu đương, mà ngay cả đời sống hàng ngày, quan hệ bạn bè, nhiều người cũng quan niệm "môn đăng hộ đối" như thế. Có nhiều địa phương, gia đình, rất nặng nề. Gặp nhau là hỏi quan hệ xuất xứ, gốc gác ông bà. Lần đầu đến nhà ai, hay về nhà bạn trai bạn gái, đều phải thông qua những câu hỏi sát hạch giống nhau. Ngay cả đến thời này, một số người thuộc thế hệ trẻ gặp nhau, tiệc tùng đình đám, vẫn cứ tự xưng thiệu con cháu ông này bà nọ, giòng dõi tông tích ..v.v. Thậm chí đăng tải luôn lên trên mạng xã hội cho thiên hạ cùng biết. Đăng hết chuyện mình, đăng dùm luôn chuyện người khác :-).
Nhưng đó cũng là lẽ thường, thuộc về văn hoá vùng miền. Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng gốc gác, quan hệ ông này bà nọ, cô dì chú bác, cũng chả chứng minh được điều gì cho giá trị bản thân của họ. Bên cạnh đó thì cũng có những địa phương hoặc gia đình chỉ chú trọng đến giá trị con người, chả cần quan tâm giòng tộc gốc gác, chơi với ai thì biết người đó, thấy hợp nhau thì làm bạn bè, thì nhậu, thì gần nhau, thì yêu nhau, cưới nhau .... đơn giản thế thôi.

Mình thường nói đùa nếu quan niệm lý lịch, gốc gác kiểu VN, thì cỡ ông Jackson, Clinton, hay Obama còn lâu mới làm được tổng thống. Nhưng cũng lạ, có nhiều người ngày xưa đi làm cách mạnh để "xoá bỏ giai cấp", thì hôm nay cưới hỏi cho con lại đòi hỏi "môn đăng hộ đối". Ngay cả ở Sài Gòn hôm nay, nhiều gia đình quan chức được cho là gia đình quý tộc của TP, thì cũng mới hôm nào khai là "bần cố nông" trong tờ khai lý lịch. Có một số người thành đạt vốn là nhờ lý lịch gia đình và quan hệ xã hội nên càng không dám vượt qua cái ải "môn đăng hộ đối". Nghịch lý và buồn cười !
Xưa nay chuyện giàu nghèo sang hèn vốn dĩ chỉ mang tính giai đoạn. Người xưa thường nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Đó là chưa bàn đến cái giàu sang có được là do đâu ?
Thiết nghĩ, thời thế luôn đổi thay, cái quan trọng nhất của con người vẫn là giá trị bản thân, đạo đức & trí tuệ của từng cá nhân. Đúng ra, gia đình gốc gác nghèo hèn mà giữ được tư cách đạo đức, tài năng và thành đạt, thì càng đáng được quý trọng & tôn kính. Vả lại tình yêu thực sự thì liên quan gì tới hoàn cảnh xuất xứ của họ. Vậy sao phải từ chối người khác vì không "môn đăng hộ đối". Vậy sao nỡ đem cái hạnh phúc của con cháu, hoặc của bản thân mình, để trao gởi và dựa dẫm vào những thứ không thuộc về mình. Liệu có công bằng hay chăng ?

Hoan hô Harry & Meghan. Chúc phúc và luôn tôn trọng những ai tự tạo hạnh phúc bằng chính tình yêu và khả năng của bản thân !



Friday, May 04, 2018

Một bài viết cũ ...



Mấy hôm nay truyền thông Đức và Slovakia sôi nổi đưa tin về phiên toà ở Đức liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ầm ĩ tới mức trong phiên họp báo của thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và bà thủ tướng Đức Markel, cũng nhiều câu hỏi về vụ này được nêu ra. Và ông T/T Slovakia phải đòi triệu lịnh đại sứ VN để điều trần chi tiết sự việc. Có thể có ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ ngoại giao sau này ! 

Nhớ tới một bài viết hồi năm ngoái ....

Phiếm: Đựợc & Mất