Wednesday, February 20, 2019

Phiếm: Sông núi nào ở trên vai ?



Mấy hôm nay thiên hạ lại xôn xao, chê bai, chửi trách, đổ tội nhau về cái vụ ngày hội thơ chủ đề "Sông Núi trên vai" của mấy ông hội văn thi sĩ VN. Thực ra chuyện dịch thuật bậy bạ thì cũng là chuyện thường ở VN. Nhiều sách dịch xong, duyệt xong, phát hành xong, bán lấy tiền thiên hạ rồi, còn chưa biết là dịch bậy.
Còn nói về dịch thơ, không biết có ông Tây nào đọc thơ Việt Nam không, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy một số thơ được dịch sang tiếng nước ngoài. Tại sao không ? Kiều dịch được, Chinh Phụ Ngâm dịch được, thơ Hồ Xuân Hương dịch được, thì thơ tớ cũng dịch được. Dịch cho oai. Chắc vậy. Lâu lâu mình cũng hân hạnh được gặp một vài vị hội viên hội văn học nhà nước. Nghe nói ông nào muốn vào hội viên chính thức của hội ông Hữu Thỉnh thì cũng ráng in vài tập thơ, cũng duyệt, cũng ra mắt, cũng phát hành, mới đủ chuẩn. Nhưng rồi in xong, chủ yếu là cho không biếu không làm quà, chứ còn mong bán được thì mơ mộng quá trớn. Nhiều ông còn hứng thú dịch cả ra tiếng Tây mặc dù người đọc toàn là VN. Cho nên chuyện trình độ dịch thuật "Sông Núi trên vai" mà thiên hạ rần rần mấy bữa nay, thì cũng không lạ lắm. Nhưng chuyện dịch thuật lùm xùm đó không phải là chuyện muốn nói đến ở đây.

Cái mà mình cứ thắc mắc là không hiểu tại sao nhà nước VN lại tốn nhiều tiền thuế của dân để nuôi nấng bao cấp hoài những hội nhà văn, nhà thơ như thế ? Những ai từng đi ra nước ngoài làm việc, học hỏi, hoặc các vị lãnh đạo đi nước ngoài thường xuyên, thì chắc cũng thấy, hiếm có nhà nước nào lại bao cấp đến vậy. Nếu có, thì chỉ có thể là Triều Tiên, Cuba, TQ ... gì đấy. Nhưng Cuba ngày nay chắc cũng đã giảm thiểu nhiều rồi. Đúng là ngày xưa trong kháng chiến đấu tranh, làm cách mạng, thì cần thiết xử dụng văn hoá, âm nhạc, văn học nghệ thuật, như các phương tiện hoặc công cụ để làm công tác tư tưởng, cổ vũ tuyên truyền cho những mục đích nhất định. Lúc đó vai trò thơ ca, âm nhạc có thể mang ý nghĩa phục vụ chế độ, nên ăn lương nhà nước thì còn hợp lý. Bây giờ thời bình, kinh tế thị trường, nếu thơ hay văn giỏi, thì cứ làm ra, in bán, có nhiều đọc giả, bạn đọc, rồi làm phim, làm nhạc, làm ra tiền ..v.v. Chứ bao cấp thế sao gọi là kinh tế thị trường ?

Hôm rồi nghe cụm chữ "Sông núi trên vai" thấy rất hay và cao cả, nhưng mình nghĩ hoài không hiểu trách nhiệm nào của các ngài nhà thơ lại cao cả đến thế ? Tuyên giáo ư ? Văn hoá, giáo dục, hay giải trí ? Như ở quê mình ra ngõ gặp nhà thơ, nhưng liệu lâu nay thơ văn có làm cải thiện được đời sống tinh thần của người dân, thay đổi văn hoá ứng xử của xã hội chăng ? Bây giờ mà đi nói chuyện thơ văn VN với giới trẻ, có khi còn khó hơn nhiều so với nói chuyện về phim Hàn quốc. Thế thì gánh nặng "sông núi trên vai" của các hội văn nghệ nhà thơ ở đâu ? Thử làm một cái survey (thăm dò dư luận) để biết bao nhiêu người VN đã đang đọc thơ của các ngài ? hay chỉ là gói gọn nhất định trong một nhóm, giới nào đó. Trà dư tửu hậu, tự vỗ về lẫn nhau ?

Còn nói về tự do sáng tác, thì là những câu chuyện dài. Đến nay viết lách và sáng tác vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế. Cái gì không hiểu được, hoặc có vẻ như không quản được, thì dẹp. Một số ít vẫn còn căn bệnh nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nên đúng sai gì cứ dẹp cho nó lành, cho an thân tại chức hết nhiệm kỳ, hoặc đùn đẩy nhau, hoặc đợi xin ý kiến chỉ đạo (sic) ....:-).
Mà phàm đã không có tự do biểu đạt thì làm sao có thể phát triển đa dạng được. Nhớ có lần mình ngồi lai rai với một nhà biên kịch làm phim cũng khá nổi tiếng ở VN. Thấy trên TV toàn là phim chưởng TQ, tình cảm Hàn Quốc hoặc hài VN nhảm nhí, hiếm hoi thấy được phim lịch sử VN, bèn hỏi anh ấy: "Sao mấy anh tài hoa thế, VN có nhiều nhà văn, biên kịch, giỏi thế, mà lại không viết ra vài bộ phim lịch sử, dã sử, hoặc những câu chuyện hài có nội dung khá hơn sao ?". Ảnh buồn xo trả lời : "Đâu phải viết là được em, chắc gì được kiểm duyệt cho qua. Mà được kiểm duyệt cho qua, làm ra, chắc gì lại có người chiếu, người coi. Thị hiếu, dân trí bây giờ cũng khác. Chủ đầu tư nào dám bỏ tiền ? ". Nghe mà xót. Đúng là nghèo tiền nghèo bạc thì còn dễ thay đổi, nghèo văn hoá quả là khó xử.
(Cũng có năm mình ra Lý Sơn, nghe bà con ngư dân kể về nỗi đau bị bọn TQ xua đuổi, đánh đập, đâm chìm tàu, mất thuyền mất lưới, chết người .... ngay trên lãnh hải của VN. Về lại TP, cứ đi tìm mấy anh ấy, hỏi nhờ làm giúp một bộ phim tư liệu, nói lên sự thật về những nỗi đau này. Ít ra cũng cho thế giới thấy được sự bắt nạt ngang ngược trên biển Đông của bọn Trung cọng. Nhưng rồi cuối cùng thì không ai muốn làm. Hoặc có thể không dám làm chăng ?)

Dĩ nhiên là đất nước nào thì cũng cần có văn có thơ, và nhiều lãnh vực văn hoá nghệ thuật khác nhau nữa. Nhưng phải biết tôn trọng sở thích và quyền tự do biểu đạt của người khác, thì thơ ca, văn nghệ mới phát triển lành mạnh được. Ai cũng biết nền văn hoá dân tộc luôn được nuôi dưỡng bởi những bức tranh, câu thơ, bài hát, câu hò, ca dao, thủ công, làng nghề, tập tục cổ truyền ....v.v. Cho nên dù là dân dã hay hàn lâm, thì văn nghệ thơ ca luôn là những món ăn tinh thần của con người, không ai phủ nhận được. Nhưng món ăn tinh thần vốn có giá trị của riêng nó, không ai có thể bắt buộc người khác phải “nuôi dưỡng”, hoặc nghe theo cái mà họ không hiểu, hoặc không thích. Nhớ năm ngoái đọc trên mạng, có ông nhà thơ hội phó hội trưởng văn nghệ gì đấy, chê thiên hạ internet không biết thưởng thức thơ ... của ông ấy. Mình nghĩ ông đã quên tự hỏi rằng tại sao thiên hạ lại biết thưởng thức một tô bún riêu hay ổ bánh mì, hoặc thậm chí chỉ là một ly trà đá !

Mình cũng là dân mê thơ văn, âm nhạc. Nhưng thích đọc ai,  thì mình đi mua sách người ấy. Văn thơ ông nào hay, báo chí ông nào viết đúng, tranh hoạ ông nào đẹp, thì tự nhiên sẽ có nhiều người tìm mua, tìm đọc. Tồn tại. Ngược lại thì không ai mua ai đọc. Thoái trào. Đơn giản thế thôi, nguyên tắc kinh tế thị trường đơn giản là thế, cung cầu tự quyết định lấy. Xưa nay mỗi con người đều có sự cảm nhận và thưởng lãm khác nhau về cái hay cái dở, cái đẹp cái xấu. Đó là quyền cá nhân của họ, không ai có thể bắt họ phải đi theo một khuôn khổ khác. Không phải cứ thơ ông Tố Hữu thì phải học, thơ ông Hữu Thỉnh thì phải hay. Cho nên thử hỏi hôm nay có bao nhiêu người dân Việt ngoài kia biết đến thơ văn của các ông hội viên văn nghệ sĩ nhà nước. Đại đa số người dân là làm ăn vất vả, lo toan, không có thời gian nghỉ ngơi lo cho con cái, huống hồ chi biết đến tên tuổi của quý ngài. Đọc thơ văn của quý ngài lại là chuyện xa vời hơn nữa. Bởi vậy có vẻ vô lý khi lấy tiền thuế của người dân để nuôi các bác thi sĩ làm thơ mà chẳng bao giờ người dân được đọc, được nghe, hoặc cũng chẳng bao giờ muốn đọc, muốn nghe những bài thơ ấy.

Thực tế thì đâu phải bài thơ nào cũng có giá trị nghệ thuật, văn chương văn hóa, với người đọc người nghe hoặc với quê hương đất nước ? Đâu phải bài thơ nào cũng có giá trị chuyển tải những thông điệp hữu dụng cho đời sống và xã hội. Đâu phải bài thơ nào cũng mang giá trị nghệ thuật đúng nghĩa. Vì đâu phải ông “nhà thơ” nào cũng làm ra thơ hay. Nhiều bài thơ, bài văn, chữ nghĩa sáo ngữ cả gánh, mà ý tứ chưa được một bụm. Nhiều ông rãnh rỗi cứ ngồi lựa từ ngữ dao to búa lớn, rồi ghép lại thành vần, đọc hoài không hiểu muốn nói cái gì. Tất nhiên là đất nước VN bao giờ cũng có những nhà văn nghệ sĩ, thi sĩ nhạc sĩ tài hoa, năng lực thực sự & chân chính. Nhưng bên cạnh đó, thì cũng không hiếm những người cơ hội, hám đanh, cốt chỉ để hơn thua, đánh bóng, ca tụng vỗ về, trục lợi. Đôi lúc cũng đọc được nhiều vụ viết bài tự sướng hoặc nịnh nọt nhau, rồi tranh cãi vô bổ, hoặc cằn cựa nhau từng chữ từng lời, cuối cùng chỉ để phục vụ cho cái "tôi" to đùng. Bởi vậy, mình nghĩ chữ "Sông Núi trên vai" các nhà thơ nên trân trọng dành cho những người dân đen đóng thuế, những người công nhân, nông dân, lao động vất vả mỗi ngày. Những người lính hy sinh ngày đêm giữ gìn biển đảo lãnh thổ quê hương. Những đôi chân trần, những đóng góp thầm lặng, những đôi vai gầy guộc đáng thương, nhưng thực sự dám gánh vác đời sống của chính họ, của gia đình họ, và của quê hương đất nước họ !

Tất nhiên là vai trò của thơ ca trong thời chiến và thời bình có phần khác nhau, điều này thì ai cũng biết. Việc xử dụng thi ca trong các lãnh vực tuyên truyền & tuyên giáo cũng thế, thiết nghĩ cũng cần phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Còn giá trị văn hoá thực sự của thi ca thì dĩ nhiên thời nào, chính thể nào, cũng vẫn tồn tại, vẫn là những món ăn tinh thần cho nhân loại, không thể thiếu. Trên thế giới biết bao nhiêu nhà thơ nổi tiếng ...Shakespeare, Emily Dickinson, Yeats, Rumi, Dante Alighieri, W. Whitman, Neruda, Wallace Stevens .v.v... có thấy ông nào lãnh lương hội văn nghệ chính phủ đâu. Sách họ vẫn còn bán dài dài cho tới bây giờ và cho tới mai sau. Thơ hay vẫn có người mua, người đọc, đời này qua đời khác. Có biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới không trả lương cho nhà thơ nhà văn của họ, mà để cho văn nghệ tự sống, tự do phát triển. Rồi thì văn hoá của đất nước họ, trình độ thi ca của đất nước họ vẫn phát triển tốt cả đấy thôi.

Tóm lại, mình nghĩ một đất nước mà công bằng với người làm và người hưởng, tuân thủ nguyên tắc cung cầu, tôn trọng quyền hạn của người dân cũng như quyền lợi người đóng thuế, thì không phải chỉ trong lãnh vực thơ ca, mà nhiều lãnh vực khác, kể cả nền kinh tế nước nhà, chắc chắn sẽ phát phiển lành mạnh và phồn thịnh hơn.

Cũng mong các vị nhà thơ hãy “trả lại” núi sông cho quê hương, để đôi vai gầy của các vị nhẹ nhàng hơn, và thân tâm an lạc hơn. Ít ra nếu mai này có thêm ngày hội thơ nữa, thì cũng không cần phải nhờ bác gục gờ (google) dịch thành "MOUNTAINS AND RIVERS ON THE SHOULDER". 
Đơn giản hơn nhiều :-) !



1 comment:

  1. Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
    Cho nên quân ấy mới làm quan
    Tản Đà

    ReplyDelete

Comments: