Monday, October 07, 2019

Hiệu ứng của đám đông !




Tự dưng mấy hôm nay mạng xã hội đồn ầm lên chuyện một phụ nữ được đề cử làm quan chức tỉnh, mà trước đây xuất thân từ nghề làm tóc gội đầu. Bao nhiêu nhà báo cùng đăng tin. Mình tò mò cũng vào coi cô "hot girl" này là ai, hư thực thế nào. Đọc trên mạng, thì thấy cô ta cũng gần 50 tuổi rồi, và chuyện làm tóc, xài bằng giả đã mấy chục năm trước. Nhan sắc thì cũng trung bình, làm gì có cô nào "hot girl" ở đây !

Trước hết nói về hiệu ứng đám đông, lâu nay mạng xã hội là thế, không phải chỉ ở VN thôi, mà ở đâu cũng vậy. Tin tức tuy có người nói, có báo đưa, nhưng vẫn chưa biết đúng sai, dĩ nhiên là thiệt có giả có (ông Trump bên Mỹ cũng thường gọi là fake news :-)). Để có thông tin minh mạch và tin tức chính xác thì còn tuỳ thuộc vào mức độ dân chủ, cũng như hiến pháp luật pháp về quyền tự do ngôn luận của từng quốc gia. Tin tức thì cũng có năm bảy loại, tin chính thống, tin không chính thống, tin đồn, tin hành lang, tin vịt, tin bịa đặt, tin định hướng.... Mạng xã hội thì tất nhiên là đủ loại rồi. Tuy nhiên khi tin tức qua tay đám đông thì biến tấu thế nào là tuỳ người đọc người nghe, tuỳ khả năng suy luận, phân tích, và phát tán nữa. Con kiến biến thành con voi, hay tin gà ra vịt cũng là chuyện bình thường . Nhưng hiệu ứng của đám đông rất là đáng sợ, bởi sức mạnh truyền thông và biên độ biến tấu của nó. Tin sai, tin nhảm thì lại càng khủng khiếp hơn. Có khi như giết người không cần đao kiếm. Những quốc gia nào có hiến pháp về quyền tự do ngôn luận hẳn hoi, xã hội nào có hệ thống truyền thông thông tin đa chiều, người nói người nghe được luật pháp bảo vệ đàng hoàng, thông tin dễ dàng kiểm chứng, thì tin tức càng khả tin hơn. Ngược lại thì báo đài bảo sao nghe vậy thôi, cho biết cái gì thì mới biết, hiệu ứng đám đông thường mang tính một chiều, đơn phương. Thời buổi này có internet rộng rãi, tin tức tương đối được tự do hơn, nhiều nguồn hơn, và cũng dễ dàng cập nhật hơn. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng có những mặt trái và hiệu ứng tiêu cực của nó. Dù sao trong tình huống nào, nếu chịu khó tìm tòi, suy gẫm, và phân tích một chút trước khi phát tán thì cũng hay hơn. Mình nghĩ vậy !

Thứ hai, nói về làm nghề làm tóc gội đầu. Mình không nghĩ là có gì xấu về nghề này. Đó là một nghề đàng hoàng chính đáng. Nhưng cái nguy hiểm là cho đến hôm nay, mỗi khi nói về nghề hớt tóc gội đầu, mát-xa, người ta nghĩ đến một cái gì khác hơn, đáng sợ hơn. Xã hội mà đi đến mức độ này thì phải coi lại vì đâu !
Tất nhiên là nghề nào cũng thế, có kẻ tốt người xấu. Và những nghề như hớt tóc gội đầu thì dễ có cơ hội biến tướng thành những tệ nạn tiêu cực, trá hình hơn. Nhưng đại đa số chúng ta đều đã từng đi hớt tóc gội đầu, chả lẽ thấy họ xấu hết sao ? Bản thân mình thời còn đi làm ở VN, cùng các ông bạn già, bạn trẻ, đối tác làm ăn .v.v.. đi cắt tóc gội đầu hoài, thường xuyên. Về nhà vẫn kể cho vợ nghe, và có khi mình cùng với vợ đi cắt tóc gội đầu chung nữa, cũng bình thường thôi mà. Dĩ nhiên là ở VN thì không thiếu gì những chỗ trá hình thư giãn. Nhưng bậy bạ hay không là do mình chứ không phải là do nghề. Đừng vơ đũa cả nắm mà tội nghiệp họ. Mặc khác lại tự coi thường khả năng phân tích của mình :-) .
Cái bậy là ở chỗ khác, chỗ mà thiên hạ tìm đến. Chỗ mà nhiều anh nghĩ đến, muốn đến, nhưng lại không dám nói ra. Chỗ mà một số các anh VK về quê hương đi tìm thư giãn. Chỗ mà các quan chức đại gia, rủng rỉnh xu hào đi mua vui, tăng hai tăng ba, rồi đến khi đụng chuyện lại đổ lỗi là bị họ dụ dỗ. Chỗ mà các bà các cô đi hưởng thụ, rồi lại lo lắng nghĩ đến thói thăng hoa của các đấng lang quân. Chỗ mà các anh vẫn thu tiền bảo hộ, nhưng khi bể chuyện lại là lỗi người ta ..... Nói chung là có cung có cầu, nhưng có những công việc cũng đầy cay đắng và bất công, mà đa số là những người dân nghèo phải trả giá gánh chịu. Ở những đất nước giàu có văn minh khác, có phúc lợi xã hội chăm lo, người dân nghèo đỡ nhọc nhằn hơn và không phải sống kiếp đời tủi nhục như vậy !

Còn đàn ông, thì có người ham vui, có người vì xã giao bạn bè, công việc, có người bị áp lực mặt mũi, bị ức chế ..v.v.. đi chơi, tò mò, cũng là chuyện thường xảy ra. Bình thường thôi. Điều kiện xã hội như ở VN càng làm cho họ có cơ hội nhiều hơn. Những nước châu Á khác cũng vậy, không hiếm những chỗ dịch vụ đàng hoàng, nhưng bên cạnh cũng có những chỗ mua bán tình dục, hợp pháp hoặc trá hình, là nhiều hay ít thôi. Ngay cả những nước văn minh hơn như Mỹ, châu Âu cũng có những ngành nghề trá hình đấy, nhưng không phải anh nào cũng có điều kiện hoặc có cơ hội dễ dàng như thế. (Mở ngoặc chút, nên mình vẫn thích cái văn hoá "khu đèn đỏ " là thế. Sòng phẳng, tiền trao cháo múc, không đạo đức giả, không gạ tình xin tí khí, không mua bán để thăng quan tiến chức, không nâng đỡ lành mạnh trong sáng (sic) ... Rồi đến khi bể chuyện lại a dua phê phán, chê bai, kết tội kẻ khác !)
Buồn cười mới đọc báo hôm rồi, thấy có ông tướng nói "Mấy đại gia, đại ca làm hỏng cán bộ" . Trời ! sao ông ấy lại có thể coi thường cán bộ đến thể nhỉ ? Họ được đào tạo chuyên nghiệp, được tu nghiệp bồi dưỡng hàng năm hàng quý. Bọn xấu làm sao có cửa nhét quà vào túi nếu như cán bộ không muốn ? Cũng tương tự vậy, nhiều bà vợ bên nước ngoài bảo chồng mình về VN bị người ta dụ dỗ. Còn nhiều bà vợ trong nước thì bảo chồng mình bị bỏ bùa mê thuốc lú ...v.v.  Coi chừng chủ quan quá đấy. Không nên coi thường mấy ông chồng yêu dấu của mình như vậy. Chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào đâu. Đừng trách mấy cô hớt tóc gội đầu, có khi họ mới là nạn nhân đấy !

Thứ ba, nói đến chuyện cô ta xài bằng cấp 3 của bà chị để đi thi hoặc tạo hồ sơ giả gì đấy. Đọc tới đây mình thấy lạ. Ở một đất nước, mà chuyện bằng giả, bằng mượn, bằng mua, bằng dỏm, nhan nhản trước mắt mỗi ngày. Thế mà nhiều người thấy đây là chuyện bất ngờ sao ? Nhìn lại thử trong đám bạn bè, bà con, hàng xóm, cùng trường, cùng lớp, cùng cơ quan ....của mình. Thậm chí sếp của mình trong cơ quan, quan to quan nhỏ, lãnh đạo, hiệu trưởng, giảng viên, bác sĩ, kỹ sư, thầy cô .... có thiếu ai không ? Chẳng qua là bạn bè, người thân liên quan mình thì mình không dám nói (hoặc nghĩ họ không xài đồ giả), còn chuyện thiên hạ chuyện người khác thì mình theo hiệu ứng đám đông thôi. Thỉnh thoảng cũng đọc báo thấy hoài chuyện mấy quan mấy sếp xài bằng giả mà, rồi có sao đâu ? Đâu vẫn vào đấy, họ vẫn làm tiếp tục đấy, thậm chí ngày càng tiến nhanh tiến mạnh đấy thôi. Hy vọng mấy anh chị xài đồ dỏm không nằm trong số những người lên án và phỉ báng cô "hot girl" này. Càng không hy vọng là nhiều người coi cái bằng tiến sĩ giáo sư dỏm có giá trị hơn cái bằng cấp 3 dỏm này.

Còn nói đến sự công tâm và lương thiện, thì quả nhiên là phải "nể phục" một số anh chị nhà báo. Đọc mấy cái tít báo chí về bài viết này "chấn động dư luận" mà thấy mắc cười. Mấy anh chị nhà báo lục lại báo cũ đọc coi, nào là "nâng đỡ trong sáng", "quan lộ thần tốc", "cả nhà làm quan" ... Những chuyện bằng giả, bằng mua, lạm quyền, vị thân ... cứ nhan nhản ra đấy, nhiều đến mức nghe hoài phát chán. Thế mà cái tin có người làm bằng giả đi thi lại "chấn động" đến các anh chị. Thành thực mà nói, nếu làm nghề báo chí ở VN, mà "chấn động" khi nghe thấy trường hợp làm hồ sơ giả để đi thi hoặc đi làm, thì nhà báo đó mới là lạ :-) .

Mình cũng đọc tới đọc lui không thấy đoạn nào nói về cô đó dùng "mỹ nhân kế" hay nghề nghiệp hớt tóc gội đầu để được lên chức cả. Vậy là vấn đề chính ở đây là cô ta ngày xưa chỉ mới học hết cấp 2, nhưng từng làm hồ sơ giả để đi học và xin đi làm. Thế nhưng tin tức đã dẫn dắt dư luận mạng trở thành câu chuyện một cô gái hot girl làm nghề hớt tóc gội đầu, trở thành trưởng phòng nhờ một điều gì đó "không trong sáng" (ngầm hiểu như là vốn tự có). Tại sao các nhà báo lại không nói về quá trình công tác của cô ta từ lúc làm kế toán trưởng nhể. Dĩ nhiên là cô ta sai ở chuyện làm hồ sơ giả, nhưng mình nghĩ học hết cấp 2 vẫn có thể làm kế toán trưởng được mà, thậm chí là trưởng phòng. Ngày xưa thiếu gì người học trung cấp kế toán rồi đi lên ? Biết đâu cô ta làm được việc thực sự bằng chính tài năng của cô. Cũng có khi với cái hoàn cảnh chỉ học hết cấp 2 đó, nhưng khả năng & sự tự học hỏi của cô lại khá hơn rất nhiều người trong cơ quan đơn vị đấy, nên cô ta được tiến thân ? Tính lương thiện của nhà báo có hay không là ở chỗ này. Không nên mập mờ đánh lận con đen, làm người đọc có cảm giác cô này tuổi trẻ, không học hành gì, làm hớt tóc gội đầu, "hot girl", rồi gặp mấy anh có quyền có chức mê gái, đưa lên. Dư luận mà được nghe loại tin giật gân này là bùng nổ ngay, vì họ quá chán ngán với các kiểu thân thế, lạm quyền, mua bán, đổi chác, tình tiền & chức vụ này lắm rồi. Mà giả sử cô ta là người không có khả năng, chỉ nhờ vào khả năng "hot girl" mà được thăng hoa như thế , thì lỗi của cô một, lỗi của người đưa cô lên tới mười. Phải kiếm ra cái anh nào tài ba ấy chứ, nhà báo mà lị :-) .

Còn đất nước VN thì thiếu gì mấy ngài học chưa hết cấp 2 mà làm lớn, làm lãnh đạo ? Bổ túc công nông, chuyên tu, tại chức .... rồi từ từ học hỏi mà đi lên thôi. Đó là còn chưa nói đến thời này nhiều anh chị bằng cấp tùm lum, nước ngoài nước trong có đủ cả, mà hỏng biết học từ đâu, ở đâu có. Hỏi chuyên môn hỏng biết đường trả lời. Học một đàng mà kiến thức thì một nẻo. Tiến sĩ thạc sĩ nước ngoài, mà không biết ngoại ngữ. Cử nhân mà hỏng biết làm toán .v.v.. Cũng là những chuyện thường ngày ở huyện.
Trong khi đó, biết bao nhiêu tin tức quan trọng hơn nhiều, liên quan đến đất nước quốc gia, lãnh hải biên giới, mà đợi hoài lại chẳng thấy báo chí giựt tít giựt gân gì cả ?

Túm lại, mình không quen biết gì cô này, nên không biết cô ta có thực khả năng hay chỉ đi lên là nhờ các anh có chức có quyền, hoặc có ...sức. Tuy nhiên, nếu quả thật cái sai của cô ta chỉ là tạo dựng hồ sơ giả để đi học, thì nên trả cô ta về đúng với cái lỗi lầm của cô ấy. Ai cũng có gia đình, bạn bè, cha mẹ anh em, và con cái. Cô này cũng lớn tuổi, chắc con cái cũng đã lớn khôn. Mập mờ đánh lận con đen, thêm mắm thêm muối, không đầu không đuôi, có khi giết chết cả những người vô tội trong gia đình họ !


No comments:

Post a Comment

Comments: