Monday, November 09, 2020

Tản mạn về bầu cử ở Mỹ 2020

 


Mấy tháng qua, câu chuyện bầu cử của nước Mỹ đã trở thành đề tài nóng bỏng của cả thế giới. Lấn át những câu chuyện sống chết của cơn đại dịch Vũ Hán quái ác, lu mờ những diễn biến cải thiện quan hệ quốc tế lịch sử tại Trung Đông, và lấn lướt tất cả các tin tức kinh tế chính trị nóng bỏng khác đang diễn ra .... 

Câu hỏi tại sao lâu nay Nga, Tàu, Đức, Nhật ... hoặc những nước khác nếu có bầu bán, thì những người quan tâm chính trị chỉ ghé mắt chút rồi thôi. Nhưng bầu cử ở Mỹ thì khác, luôn trở thành một đề tài sôi động cả thế giới ? Câu trả lời sẽ từ từ bàn đến sau. Nhưng qua đó, dù ghét hay thương, người ta cũng dễ dàng nhận ra vị trí cường quốc của Mỹ trong lòng người dân trên thế giới.

Nước Tàu nước Nga có làm được điều đó không ? Không ! ít ra là cho đến thời điểm này. Bởi đó là một thứ quyền lực mềm, mà không thể dễ dàng mua được bằng tiền bạc, bẫy nợ, hoặc vũ khí. Nếu như nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng cường quốc là một đất nưóc giàu có, có GDP cao nhất, có nhiều nhà lầu cao tầng nhất, có nhiều xe tăng máy bay nhất, có nhiều dân số nhất... thì đây cũng là lúc nên suy gẫm lại cái giá trị thực sự của một "cường quốc".

Nhận thấy mấy hôm nay bạn bè căng thẳng quá nhiều về chuyện bầu bán đỏ xanh, mình cũng mạn phép có vài ý kiến cá nhân. Chắc chắn đã là ý kiến cá nhân thì bao giờ cũng đúng sai tuỳ theo cách nghĩ của mỗi người. Đọc cho vui thôi !

Trước hết, nói về cái quyền tự do chọn lựa, tự do biểu đạt. Quyền được đi bầu thì đương nhiên ai cũng biết rồi. Nhưng trước khi bầu và sau khi bầu, có một quyền không kém phần quan trọng. Đó là quyền được nói, được bàn, được chém gió, được sướng khi gà nhà mình thắng cử. Tất nhiên cái sướng nhất là được quyền tự do nói lên những suy nghĩ của mình. Đây cũng là một trong những ưu điểm lớn nhất của nước Mỹ, mà có người đã phải hy sinh cả tính mạng để đánh đổi đi tìm. Mình thì luôn nghĩ rằng tự do ngôn luận phải là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Tuy nhiên cho đến hiện nay, có một số quốc gia người dân vẫn chưa được thực thi quyền hạn đó. Hy vọng thế giới văn minh sẽ quan tâm giúp đỡ đến những đất nước đó nhiều hơn. Thực ra ở những nước chậm phát triển, hoặc do luật pháp chế tài, hoặc do truyền thống văn hoá "nhìn trước ngó sau", hoặc do ảnh hưởng tư tưởng phong kiến nặng nề, người dân luôn có những dè dặt và sợ hãi nhất định khi biểu đạt suy nghĩ và tư tưởng của mình. Có thể là sợ đụng chạm chính quyền, sợ mích lòng bạn bè, sợ phật lòng ông chủ, sợ dư luận chê bai, sợ tù tội ...v.v. Nhưng chắc chắn đó không phải là điều mong muốn được nhìn thấy ở bất kỳ một quốc gia nào, vì nó sẽ dẫn đến sự chậm tiến lạc hậu lâu dài. Ngược lại ở những xứ sở mà quyền tự do ngôn luận được bảo vệ hàng đầu trong hiến pháp, như Mỹ, thì cũng có những trường hợp bị lạm dụng thao túng truyền thông. Nếu không có những giải pháp đúng mức, cũng gây ra nhiều hiểu lầm và làm nhiễu loạn sự thật !

Tuy nhiên, không phải ai ở xứ tự do ngôn luận thì cũng tôn trọng tự do ngôn luận. Có nhiều người cho dù được may mắn sinh sống và học hành ở những nước tự do, nhưng tư duy về quyền hạn "tự do ngôn luận" vẫn bị kìm hãm trong thói quen suy nghĩ hàng ngày. Bản thân mình đã từng gặp nhiều người sống ở những nước văn minh nhiều năm, học hành có bằng cấp hẳn hoi, từng thuyết giảng về văn minh dân chủ, về tự do ngôn luận, nhưng lại không tôn trọng ngôn luận ngay chính đối với con cái, bạn bè, anh em, gia đình, và cả ngay chính với bản thân của họ. Phải thuận ý họ mới được, nghịch ý là tặng cho cái nón cối ngay. Cho nên vẫn là văn hoá úp úp mở mở, dĩ hoà vi quý, sợ há miệng mắc quai, sợ mất lòng bạn bè, áp đặt quy chụp người khác, nói một đường làm một nẻo ..v.v...Và dĩ nhiên cho dù là nước Mỹ hoặc bất kỳ một quốc gia nào, thì cũng không thể lớn mạnh nhờ kiểu tự do ngôn luận "nửa mùa" đó được. Nhìn chung những người gốc Á, thường dễ vướng mắc phải căn bịnh nan y này.

Thông qua kỳ bầu cử Mỹ 2020 vừa rồi, cũng là một dịp rất tốt để chiêm nghiệm lại những ứng xử văn hoá đó. Mấy tuần trước coi được một số Youtube của những người Mỹ gốc Việt bên Cali, thấy đi biểu tình ủng hộ tranh cử, mạt sát nhau mà xót xa. Chắc họ cũng nghĩ đó là quyền tự do ngôn luận, nên bên ủng hộ Trump, bên ủng hộ Biden, chia ra chửi mắng đồng hương một cách hận thù. Cánh này chửi cánh kia thiên vị, thiểu năng, mà quên tự hỏi sao bên kia cũng chửi mình như vậy. Rồi đôi lúc nói chuyện với bạn bè, nghe kể lại nhiều câu chuyện trong cộng đồng người Việt, cũng không biết là nên cười hay nên khóc. Có nhiều gia đình, cha mẹ đang nói chuyện với bạn bè về ông Trump, thấy con đi làm về cúp máy liền, vì sợ đứa con theo phe Dân chủ mắng cho. Cũng có nhiều gia đình, anh em, vợ chồng, mấy tháng qua không nhìn mặt nhau, bạn bè giận ghét nhau, ly khai nhau, vì đã không cùng chung quan điểm ủng hộ phe phái bầu bán. Ngạc nhiên là có cả những người tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, biết đọc biết viết ... Thoạt đầu mới nghe, cảm thấy hài hước tiếu lâm, nhưng sau đó ngẫm lại thấy đau lòng cho một dân tộc. Vì dường như họ không hiểu cái nào chung cái nào riêng, họ quên mất những thứ mà họ đã từng hy sinh đánh đổi cả mạng sống để đi tìm. Họ càng không nghĩ đến cái quyền tự do mà họ đang miệt mài đeo đuổi, tung hô bầu bán đó, lại chính là cái mà họ đang phủ nhận và chà đạp lên nó - Đó là quyền tự do biểu đạt của mỗi con người. Nếu là những bậc phụ huynh đã hy sinh cả đời để cho con cái học hành "thành đạt" trên đất nước dân chủ này, mà con cái lại có tư duy và hành xử với họ như thế, thì chắc cũng đau lòng lắm. Vì đó quả nhiên là một điều bất hạnh . (Cuối cùng thì giáo trình đại học & văn minh ở xứ người cũng không chiến thắng nỗi hủ mắm làng ta !)

Thứ hai, nói đến chuyện bầu cử nước Mỹ lần này có nhiều điểm khác biệt. Chuyện bầu bán lâu nay vẫn đơn giản là thích ai tin ai thì bỏ phiếu cho người đó. Ai ra tranh cử thì cũng nói hay nói tốt về mình; phát thảo những dự án, chính sách mà mình sẽ làm khi đắc cử. Nhưng đó là chuyện của thì tương lai, bởi hứa mà có làm được không lại là chuyện khác nữa. Thỉnh thoảng cũng không hiếm những ứng viên ba hoa khoác lác, gạt gẫm vận động những cử tri nhẹ dạ dễ tin, để kiếm phiếu. Đó cũng là những chuyện thường tình, không có gì mới lạ. Bởi thế cho nên cử tri cũng có trách nhiệm sáng suốt nghe nhìn, phân tích khách quan, để có sự chọn lựa phù hợp cho họ từ cấp nhỏ đến cấp lớn.
Còn nói đến đa số dân di trú mới đến Mỹ, kể cả dân gốc Việt, thường thì chỉ quan tâm đến ông tổng thống thôi. Nhìn vô phiếu bầu cử, biết được tên ứng viên tổng thống, ứng viên thống đốc tiểu bang, hoặc hơn chút nữa là biết tên ứng viên nghị viên thượng viện (senators) là ngon lành lắm rồi. Còn mấy vị trí nghị viên hạ viện, hoặc cấp lãnh đạo thành phố, quận huyện, hầu hết là tréo đại cho xong rồi về đi làm, hơi sức đâu mà lần. Xứ tự do, chớ đâu phải cơ cấu hoặc hạt giống đỏ xanh gì như ở VN. Nên đôi lúc có ông được bầu xong, dân mới thấy ba trợn, thì lại phản đối biểu tình, nộp thỉnh nguyện thư hạ bệ, hoặc chờ đợi mấy năm sau bỏ phiếu đuổi xuống. Đơn giản vậy thôi. Có nhiều người ở đây bao nhiêu năm cũng chẳng thèm đi bầu đi bán gì. Nhưng năm nay thì khác, tỉ lệ đi bầu rất cao. Mỹ trắng, mỹ đen, mỹ vàng ... cũng đều như vậy. Có lẽ ai cũng quan tâm đến tình tình bất ổn của nước Mỹ và thế giới trong thời gian gần đây. 

Và năm nay do tình hình dịch bệnh nên việc bầu bán cũng phải thay đổi cho phù hợp. Phức tạp hơn và chưa hề có tiền lệ. Mọi năm bình thường thì mọi người đều đi bầu một ngày. Tối đếm phiếu xong, đại khái ngày hôm sau có kết quả ngay, trừ khi một vài trường hợp sự cố hiếm hoi xảy ra ở một vài địa phương, phải đếm phiếu lại. Nhưng hầu hết là ngày hôm sau đã biết ai sẽ trở thành tổng thống cho nhiệm kỳ tới. Nhưng năm nay thì khác, vì có nhiều phương cách bầu cử khác nhau để cử tri nộp lá phiếu của họ. Nào là gởi thư theo bưu điện, bầu sớm, bầu trễ, bầu vắng mặt..v.v. Nhiều thầy lắm ma, nhiều cơ hội để sai phạm và nhầm lẫn !

Xin giải thích thêm là thông thường bầu chọn tổng thống thì chỉ đơn giản có vài sự chọn lựa - Đại diện cho đảng Cọng hoà, đảng Dân chủ, đảng Tự do (Libertarian), đảng Xanh (Green)..v.v. Nhưng chủ yếu vẫn là hai đảng chính, Cọng hoà (đỏ, cánh phải) và Dân chủ (xanh, cánh trái). Và mặc dù bầu cử ở Mỹ rất dân chủ, rất rầm rộ, nhưng thông thường thì kết quả cuối cùng lại tuỳ thuộc vào một số tiểu bang "không xanh, không đỏ", gọi là "swing states", mà người VN thường gọi là tiểu bang chiến địa. Nguyên nhân là có nhiều tiểu bang luôn trung thành với đảng phái "ruột" của họ, chỉ bầu cho Đảng đó dù tròn hay méo, nên lúc nào cũng có kết quả chung cuộc giống nhau, hoặc là xanh hoặc là đỏ. Bao năm qua vẫn thế, chưa đi bầu đã đóan biết ra kết quả. Còn ở những tiểu bang chiến địa thì không có quy luật nào. Có nhiều người không hiểu, cho rằng các tiểu bang "swing states" là trung dung, nhập nhằng, lúc nọ lúc kia. Nhưng họ quên mất là nếu ai cũng bỏ phiếu cho cùng một đảng như những tiểu bang kia, bất kể đúng sai, thì đâu cần tổ chức bầu cử làm gì. Chưa bầu đã biết kết quả, cứ coi như học theo TQ, Triều Tiên, 100% là xong rồi :-). Bởi vậy, lần bầu cử nào, các ứng viên tổng thống Mỹ cũng phải quyết vận động, quyết thắng thua, quyết lấy lòng cử tri ở những tiểu bang chiến địa. Và nếu kết quả cuối cùng mà khác biệt lớn thì không sao, ngược lại nếu kết quả chung cuộc sít sao, một chín một mười, thì rất ư phiền phức, ví dụ như những diễn biến bầu cử năm nay hiện đang xảy ra. 

Thứ ba, nói đến chuyện người Mỹ gốc Việt bầu cho ai. Rất lạ là người VN năm nay ủng hộ TT Trump rầm rộ, nhất là ở những vùng đông người gốc Việt như Cali, Texas, DC. Kể cả người VN đang sống trong nước. Có lẽ liên quan đến việc tin tưởng vào đường lối ngoại giao với TQ và hành xử trên Biển Đông của chính quyền TT Trump. Tuy nhiên vì dân số người gốc Việt không nhiều, lại ở vào những tiểu bang chuộng Dân chủ, nên sự vận động hô hào của cộng đồng VN cũng chỉ dừng lại ở những kết quả rất khiêm tốn. Hy vọng sau kỳ bầu cử lần này, sẽ có nhiều người Mỹ gốc Việt rút kinh nghiệm, bán nhà dọn về NC, MI, OH, PA, GA, FL .... để tiếp tục "sự nghiệp đấu tranh", ủng hộ tranh cử cho tổng thống Mỹ vào những năm tới :-). Vì giả dụ như ở bang California, thì dẫu có la hét chửi mắng nhau, xuống đường biểu tình ủng hộ cho ông Trump hùng hậu cỡ nào đi nữa, cơ hội đảng Cọng hoà thắng cuộc cũng rất mong manh. 

Có người hỏi mình tại sao dân VN lại rất quan tâm đến chính trị chính em, và thích thắng thua đến vậy. Có phải là do đất nước bị dai dẳng quá nhiều chiến tranh không ? Mình xin thưa là thực sự không biết. Còn nếu phân tích kỹ, thì chắc phải rất dài, nào là do ăn đường nhiều, do ăn nước mắm nhiều, do hút thuốc lào nhiều, do nhậu nhẹt nhiều, do học vị bằng cấp cao quá, do tổ tiên ly dị sớm quá, đem trứng chia đôi xuống biển lên rừng, do ngàn năm đô hộ giặc Tàu trăm năm đô hộ giặc Tây, do "thắng" hai đế quốc ...v.v.. Tóm lại trong các giống dân châu Á tại Mỹ, thì người VN "khí thế đấu tranh" mạnh mẽ nhất, quan tâm chính trị chính em nhiều nhất. Còn ưu điểm đó có dẫn đến việc cải thiện đời sống hàng ngày khá hơn không ? Uy thế chính trị trên thế giới và nền văn minh dân chủ của dân tộc VN có toả sáng hơn những dân tộc khác chăng ? Cái này thì phải nhìn vào kết quả thành tựu của cộng đồng ngưòi Việt hải ngoại trong 45 năm qua, và đời sống văn minh dân chủ của người Việt trong nước bao lâu nay !

Cũng nhân đây xin nói về chữ "người Mỹ gốc X" mà anh nào hỏi mình hôm trước. Tất nhiên ai cũng biết, Mỹ là một hợp chủng quốc. Dân số của Mỹ, đã, đang, và sẽ tiếp tục được hình thành từ nhiều nguồn gốc dân di trú khác nhau. Trừ những người da đỏ gốc thổ dân châu Mỹ xa xưa, thì hầu hết những người Mỹ ngày nay đều có gốc gác từ một quốc gia nào đó. Ông bà cha mẹ hoặc bản thân họ đã từng được di trú đến đây trong quá khứ. Những thế hệ đầu tiên, hoặc những giống dân có màu da, đặc điểm nhân dạng khác biệt, thì ban đầu còn phân biệt, gọi là người Mỹ gốc này gốc nọ. Một thời gian sau khi đồng hoá, thì sẽ vào quên lãng. Ví dụ tổng thống Trump là người Mỹ gốc Đức, ông Biden là người Mỹ gốc Ái nhĩ Lan, nhưng Việt kiều thì vẫn còn là gốc Việt Nam ..:-). Vả lại, nếu ai có những thành tựu lớn như làm quan làm tướng, làm dân biểu, nghị viên, bác sĩ, chuyên gia ...gì đó, thì dẫu họ có lai ba bốn đời, không biết chữ VN nào, cũng ưu ái gọi họ là người Mỹ gốc Việt. Còn nếu họ lên tin tức, bị bắt vì tội ăn thịt chó, hay trộm cắp gian lận chẳng hạn, thì gọi lệch ra là người Mỹ gốc Miên. Chuyên đời vẫn thế, như cô ứng viên phó tổng thống cho Biden lần này, Kamala Harris, cứ cho mình là người Mỹ gốc Phi, vì có lợi thế chính trị hơn. Mặc dù cha cô là người Jamaica, mẹ là người gốc Ấn độ. Không tin, cứ đợi mai mốt ca sĩ Chế Linh ra ứng cử làm tổng thống Mỹ, rồi sẽ biết người ta gọi ông là gì. 

Tuy nhiên lâu nay cũng có một số người kém hiểu biết hoặc không hề biết lịch sử, hoặc mang nặng tư duy tự tôn, hoặc cố tình quên đi nguồn gốc của họ để phân biệt kỳ thị chủng tộc. Họ dựa vào màu da và đất nước mà họ may mắn được sống hiện tại, để phân biệt đẳng cấp, thượng đẳng hạ đẳng khác nhau. Những ngộ nhận đó, và tư duy thiển cận về màu da & tờ hộ chiếu có liên quan đến giá trị con người, nhiều lúc dẫn đến những vấn đề xã hội vừa bi hài vừa đáng thương trong đời sống hàng ngày. Nhưng ở đất nước nào, dân tộc nào rồi cũng có những trường hợp như vậy, chỉ là ít hay nhiều. Mỹ là một hợp chủng quốc, trình độ dân trí lại có nhiều tầng cấp cách biệt khác nhau, thành phần xã hội cũng đa dạng, nên chuyện kỳ thị dân tộc xảy ra là không có gì đáng ngạc nhiên. Quan trọng là phải coi cách luật pháp bảo vệ người dân, và thái độ cũng như quan điểm của đa số công chúng về loại "tội phạm" đó như thế nào. 

Thứ tư, là bàn đến TT Trump. Bởi nói đến bầu cử Mỹ năm nay và cả sau này mà không nhắc đến ông Trump là một điều không thể. Những đề tài đình đám sôi động trong nhiều năm qua trên chính trường Mỹ và thế giới, đều có liên quan ít nhiều đến TT Trump. Thậm chí, những phân hoá trong gia đình, bạn bè, anh em, cộng đồng VN cũng liên quan đến TT Trump. Đơn giản vì ông ta là một hiện tượng. Quái chiêu quái cách. Một người doanh nhân chưa hề có kinh nghiệm chính trường, bỗng nhiên lên làm tổng thống một cường quốc lớn nhất thế giới, thì chắc chắn những ứng xử sẽ không thể là những ứng xử thường gặp ở những nhà chính khách chuyên nghiệp trước đây. Nên dĩ nhiên là ân oán cũng đầy, được mất cũng nhiều, kẻ thương ngừời ghét cũng thừa. Nhưng may mắn cho ông, là đa số người VN quý mến ủng hộ ông, cả trong nước và ngoài nước. Có còn hơn không. Đỡ tủi !
Mặc dù không biết số cử tri gốc Việt tại Mỹ có làm thay đổi tình huống được gì cho ông Trump hay không. Nhưng dẫu sao đó cũng là một món quà tình cảm đáng quý. Nhiều nhà tiên tri, chiêm tinh gia, thầy bói gốc Việt cho rằng ông Trump là do thượng đế phái xuống. Có người gọi ông là thiên sứ, là cứu tinh ..v.v. Tuy nhiên trong cuộc sống cái gì thái quá thì cũng trở thành "cuồng". Một đấng giáo chủ cũng không mong muốn tín đồ của mình là đám giáo dân cuồng tín. Một nhà lãnh đạo đúng đắn cũng không muốn những kẻ theo mình là một tập hợp điên cuồng, giáo điều, chẳng biết phân biệt đúng sai. Bởi điều đó quá nguy hiểm, lợi bất cập hại. Chính những kẻ cuồng tín giáo điều là cha đẻ của bọn khủng bố, bạo loạn, phe nhóm kỳ thị phá hoại, mà chúng ta thường thấy lâu nay. Mình nghĩ rằng TT Trump cũng không ngoại lệ, chắc chắn ông cũng mong muốn những người ủng hộ mình sáng suốt, biết nhận định đúng sai, và chọn lựa một vị tổng thống phù hợp trong giai đoạn hiện nay, để có thể làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn. Nhưng ranh giới của sự nhiệt tình ủng hộ và sự cuồng tín quá khích đôi khi rất nhỏ đối với một số cá nhân, cho nên cũng khó tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Tất nhiên, ông Trump chưa bao giờ là một người hoàn hảo, hoặc là một đấng cứu thế không có lỗi lầm. Cách ăn nói hành xử của ông ta khác những người tiền nhiệm. Cách tuyên bố của ông không giống những nhà chính khách, uống lưỡi bảy lần. Cách dùng người của ông không theo nguyên tắc của một nhà chính trị điều hành đất nước, thay người liên tục ..v.v. Nói chung ông ta có nhiều thứ khác biệt với những vị lãnh đạo hoặc chính trị gia xưa nay, cho nên thành tựu lẫn lộn được mất, cọng trừ, xen kẻ khá nhiều. Bên cạnh đó, ông luôn bị giới truyền thông và phía đối lập tấn công liên tục từ khi nhận chức năm 2016 đến nay. Dĩ nhiên là có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Có những vấn đề phiền phức do chính cá tính và cách hành xử của ông gây ra. Nhưng cũng có những phiền phức rắc rối do các bên đối lập cố tình tạo ra. Tuy nhiên, sự nổ lực và sức chiến đấu liên tục không mệt mỏi của tổng thống Trump cũng đã làm nhiều người kinh ngạc và cảm động.

Tất nhiên là không ai có thể đòi hỏi người khác có cái nhìn khách quan và công bằng về công trạng của họ được, cho dù có là tổng thống Hoa kỳ. Nhưng mình luôn nghĩ rằng bất kỳ ai muốn có một sự chọn lựa đúng đắn trong cuộc sống, trước hết họ phải công bằng với chính bản thân họ khi phân tích một vấn đề. Kế đến họ phải có khả năng để phân biệt tin tức nào giả, tin tức nào thực, đặc biệt là trong thời buổi truyền thông nhiễu loạn như hôm nay. Bạn bè mình nhiều người đầy đủ điều kiện máy móc thông tin, trình độ, nhưng vẫn bị kiếp nạn "fake news" hoài :-). Một số người xưa nay vẫn thường có quan niệm "thần thánh hoá" lãnh tụ, lãnh đạo, hoặc người của công chúng như ca sĩ, tài tử, người "đương thời" ....chẳng hạn. Thiết nghĩ cũng nên chấp nhận tính 2 mặt của một vấn đề, tốt xấu của con người cũng vậy thôi. Ủng hộ cho ông lãnh đạo này vì nghĩ rằng ông ta sẽ làm được một số việc "tốt", nhưng cũng đừng quên ông ta có thể sở hữu nhiều thứ "xấu" khác mà thiên hạ không ưa. Thần tượng cô ca sĩ này anh tài tử nọ, hát hay đẹp trai, thì cũng đừng quên họ có thể cũng đầy khuyết điểm như bao con người bình thường khác. Càng tôn sùng bất chấp, đến khi "vỡ mộng" lại càng thất vọng hơn  :-).

Thực ra, những tiêu chí lãnh đạo và nguyên tắc điều hành của lưỡng đảng Hoa Kỳ, không có gì mới lạ với người dân. Xưa nay, có một số người ủng hộ chỉ dựa vào những đường lối dự kiến hoặc những lời tuyên bố của các ứng viên. Có người ủng hộ theo xu hướng của bạn bè anh em hoặc người thân. Nhưng bên cạnh đó, có những người chỉ ủng hộ dựa vào những kết quả cụ thể và thực tế việc làm, người thật việc thật. Bởi trong chính trường, "muốn làm" và "làm được" là 2 thứ khác nhau. Đôi khi những lời tuyên bố và kế hoạch dự tính hoàn toàn không đi đôi với việc làm và kết quả thực tế. Tất nhiên có nhiều ông lãnh đạo khoái nổ cho sướng miệng, chém gió cho đã tai, nhưng đến khi được chức thì lại quên mất . Cũng có ông muốn làm thực sự, nhưng lại lực bất tòng tâm, vì còn tuỳ thuộc vào khả năng của ông ta và các yếu tố liên quan nữa. Tuy nhiên, lần bầu cử này ông Trump đã có 4 năm trình làng về khả năng lãnh đạo của mình, ông Biden có 47 năm thành tích và quan điểm chính trị để kiểm chứng, nên cũng không khó khăn lắm cho sự chọn lựa của nhiều cử tri, nếu muốn chịu khó tìm hiểu. Mình luôn tin rằng mỗi con người đều có những ưu khuyết nhất định. Nhưng trong công việc thì có người này phù hợp hơn người kia. Chỉ mong rằng kết quả cuối cùng sẽ thể hiện được một cách trung thực sự chọn lựa của người dân Mỹ. 

Cuối cùng, liệu cuộc bầu cử lần này có thay đổi lớn cho đất nước Hoa kỳ hay chăng ? Nhiều người nghĩ vậy nhưng mình thì không quá hy vọng về điều đó. Chính sách đối ngoại và giao kết với đồng minh chắc chắn sẽ thay đổi nếu như một người khác lên nắm quyền. Thực ra, điều quan tâm nhất của nhiều người Mỹ hôm nay, đặc biệt trong giới hiểu biết chính trường, là quyền lợi của đất nước và những ảnh hưởng đến thế hệ tương lai con cháu của họ. Hiện nay bên cạnh những diễn biến quan hệ quốc tế phức tạp, điểm nổi bật nhất là tình trạng phân hoá của nước Mỹ. Có quá nhiều mâu thuẩn, lũng đoạn, hiểu lầm nội bộ đã và đang xảy ra trên đất nước này !

Nước Mỹ xưa nay luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân, tôn trọng nguyên tắc đa nguyên đa đảng của mọi thành phần xã hội. Đó cũng là nền tảng cần thiết để tạo nên một đất nước hùng mạnh như ngày hôm nay. Dĩ nhiên trong lịch sử lâu nay cũng có những giai đọan nhiều mâu thuẩn đảng phái, bất đồng quan điểm chính trị, hoặc dị biệt trong cách ứng xử điều hành đất nước. Nhưng cuối cùng thì họ đều hướng đến giải pháp chung và tôn trọng mục đích cuối cùng là quyền lợi quốc gia. Họ đã từng biết cách kìm hãm những dị biệt để duy trì quyền lợi chung, đề cao quyền lợi quốc gia trên hết. Ví dụ như thời kỳ Civil War hoặc Chiến tranh thế giới I & II. Thế nhưng trong những năm gần đây thì hoàn toàn khác biệt. Sự hơn thua tranh giành của đảng phái ngày càng trở trên khốc liệt. Nhiều khi người ta có cảm giác quốc hội Mỹ như một bầy khỉ già nua, ngồi chiếm chỗ để tranh giành xâu xé nhau, và tô son trát phấn lên cái ảo ảnh quyền lực vô dụng của chính họ tưởng tượng ra. 

Nhiều người cho rằng đất nước Mỹ ngày càng thưa dần những người lãnh đạo có tầm vóc thực sự như xưa. Mình thì nghĩ rằng trong những năm gần đây, hậu quả của những trò chơi chính trị dơ bẩn và sự lũng đoạn của giới truyền thông (hoặc giới tài phiệt đằng sau), đã làm cho một số người tài giỏi ngần ngại tham gia chính trường. Rất nhiều quan chức chính phủ và những người có ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước, chỉ biết lối cuốn vào chuyện "thắng thua", vì quyền lợi cá nhân và đảng phái, chứ không phải lo cho "được mất" của quốc gia. Theo suy nghĩ của cá nhân mình, những người thích thắng thua không nên chọn để lãnh đạo hoặc điều hành đất nước, kể cả lãnh đạo một tổ chức hoặc công ty. Bởi họ phù hợp với sòng bài nhiều hơn. Những người lãnh đạo tài ba khiêm tốn, luôn nghĩ đến sự "được mất" của quốc gia, nghĩ đến đại cuộc, và quan tâm cho những người dưới trướng của mình. Ai cũng hiểu trong chính trường thực tế có những thứ thua mà lại được, thắng mà lại mất. Một kẻ háo thắng, ham danh, và ích kỷ, không thể là một người lãnh đạo đáng tin cậy được. Nhưng theo giới quan sát hiện nay, đa phần trong quốc hội Hoa Kỳ là những kẻ quyết tử thắng thua.

Do vậy, đất nước ngày càng phân hoá và hổn loạn. Thắng thua để làm gì, nếu không thay đổi được điều gì có tính chiến lược cho đất nước, mà chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách trong lòng người dân & đảng phái với nhau ? Nhiều người lên án sự phân hoá, sự kỳ thị, sự bạo động đang diễn ra khắp nơi, nhưng ít nghĩ đến nguyên nhân sâu xa hơn, mà cứ hình dung như điều đó chỉ vừa mới xảy ra đêm qua. Rồi trốn chạy sự thật bằng cách đổ lỗi cho các thế lực bị giật dây, chống phá. Thực ra với sự phân hoá như hiện nay, với nhu cầu thắng thua quyền lực nhỏ nhoi như thế, thì không cần thế lực chống phá nào, họ cũng tự phá huỷ đất nước này. Còn nếu như họ đoàn kết, hiểu được cái chung cái riêng, tôn trọng sự dị biệt của nhau để hướng tới những giải pháp chung, thì cũng khó có thể thế lực nào thọc gậy bánh xe được. Hãy nhìn lại lịch sử để chiêm nghiệm điều đó vậy. Hy vọng họ không đổi tên đất nước Hoa kỳ từ "United States" sang "Divided States" !

Cho tới thời điểm này, nhiều người vẫn cho rằng luật pháp và hiến pháp của nước Mỹ là tối ưu, không thể tốt hơn. Đồng ý là lâu nay thế giới ngưỡng mộ nền dân chủ lập hiến của Mỹ. Chưa tới 300 năm lập quốc, đã trở thành siêu cường quốc số một thế giới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nước Mỹ có những luật lệ đúng đắn vĩnh viễn. Một luật lệ của thời kỳ đất nước lèo tèo vài triệu người, chưa có internet, chưa có phi thuyền, chưa có IoT, chưa có AI, chưa có 4.0 .... thì có thể không còn phù hợp với thời đại văn minh ngày nay. Đó là quy luật của tự nhiên, là sự thay đổi tất yếu của xã hội. Ví dụ như luật bầu cử của Mỹ đã cũ kỹ lắm rồi, đã đến lúc cần được tu chính để bảo đảm sự trung thực và chính xác hơn. Luật quốc hội cũng vậy, cần phải thay đổi để có những cơ chế kiểm soát bộ máy già nua vô dụng. Hạn chế số nhiệm kỳ của các vị dân biểu lấy tuổi ra đè thiên hạ, bận rộn chuyện chiêu trò đảng phái hơn thua nhiều hơn là quyền lợi của dân chúng. Luật ứng xử xã hội cũng cần được thay đổi để không bị lạm dụng bởi những chiêu bài "kỳ thị" cũ rích làm náo loạn xã hội, thừa cơ trộm cắp đốt phá. Luật an ninh nhân sự cũng cần thay đổi để tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", một vài đứa cảnh sát điên khùng ngu dốt làm bậy kéo theo cuộc sống của bao nhiêu người dân vô tội vào vòng khổ luỵ..v.v. Tất nhiên còn nhiều điều khoản, luật lệ khác nữa cần được tu chính cho phù hợp với thời cuộc hôm nay. Và đất nưóc Hoa Kỳ cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ có tầm nhìn bao quát, cao thượng, đủ khả năng và đủ tâm huyết để thay đổi được những điều đó, cũng như kêu gọi được sự đoàn kết cả nước. Ai cũng mong như vậy ! 

Một đất nước cho dù văn minh đến đâu, một lý thuyết chủ nghĩa cho dù tốt đẹp đến đâu, thì cũng phải có lúc cần thay đổi để phù hợp với sự tiến hoá của xã hội loài người. Không nên bảo thủ, duy ý chí một cách mù quáng. Con ốc hà (mượn hồn) còn biết tự thay vỏ để trưởng thành, mà nhiều chế độ cứ ì ạch khiêng trên vai chiếc vỏ cũ kỹ, đã hỏng hóc lâu đời. Thậm chí còn sơn phết và ca tụng như một sự che đậy rẻ tiền, rồi tìm cách chụp mũ hoặc quy chụp cho sự cải cách.

Tóm lại, mình đã làm xong nghĩa vụ bầu cử của mình, không có bận tâm gì nữa. Lá phiếu khiêm tốn của mình đã dành cho vị nào đem lại những điều tốt đẹp hơn cho nước Mỹ và cho thế giới. Đặc biệt là ai có thể hổ trợ được phần nào sự công bằng đối xử với những nước nhỏ bé bị bắt nạt. Dĩ nhiên không ai có thể cam kết một điều gì như ý muốn trên chính trường quốc tế. Nhưng mình luôn nghĩ rằng bầu cử không phải là câu chuyện thắng hay thua, mà là khả năng chọn lựa tốt nhất trong sự hiểu biết của mỗi con người.

Còn nước Mỹ có khá hơn, có hết phân hoá, có khơi dậy lại được những ý thức vì quyền lợi chung như ngày xưa chăng ? Mình không biết, và cũng không tin là cả hai vị ứng viên tổng thống lần này có khả năng làm được điều đó. Tuy nhiên mình luôn hy vọng vào ngày mai, tin vào những lần bầu cử sắp tới, tin vào những vị tổng thống trong tương lai. Và mình cũng tin rằng trong một ngày gần đây, chính quyền và người dân Hoa kỳ sẽ sớm nhận ra sự  "được mất" của đất nước quan trọng hơn nhiều so với những tham vọng thắng thua vô bổ của các trò chơi chính trị đảng phái bẩn thỉu. 

PN (11/2020)
(Thoughtful men must feel that the fate of civilization upon this continent is involved in the issue of our contest - Abraham Lincoln)

8 comments:

  1. Một bài viết của Việt kiều về chuyện bầu cử 2020 ở Mỹ thật hay!

    ReplyDelete
  2. Em nghĩ chính trị đảng phái bẩn thỉu cũng là một phần của nền dân chủ. Cũng như bất kỳ con người hay cá thể nào, đều phải có phần tốt và phần xấu. Nếu tìm kiếm một cá thể chỉ có hoàn toàn tốt mà không có cái xấu trong đó, có lẽ là bất khả thi.

    Trong bộ phim The Italian Job, có một câu quote là "I trust everyone. I just don't trust the devil inside them".

    Carl Jung cũng có câu "No tree, it is said, can grow to heaven unless its roots reach down to hell".

    Cho nên em nghĩ cái mình nghĩ là xấu xa bẩn thỉu chính là cái đang làm nên cái mình thấy là tốt của nền dân chủ Mỹ...

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Đúng ra thì chính trị đảng phái bẩn thỉu ở đâu cũng có, chứ chẳng nhất thiết là một phần của nền dân chủ . Tuy nhiên trong một xã hội dân chủ , sự minh bạch và tự do ngôn luận cho phép em được nhìn thấy các trò chơi bẩn thỉu đó . Còn trong một chế độc độc tài bưng bít, có khi người ta không có cơ hội để nhìn thấy điều đó, vì thông tin hạn chế . Còn cho rằng phải có cái xấu mới có được cái tốt thì cũng tuỳ trường hợp, không nhất thiết lúc nào cũng đúng, bởi đó là có thể là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ .

    Nếu trong đời sống thực mà đi tìm một cái hoàn toàn tốt, tuyệt đối, thì đó cũng là một dạng "cuồng", vì không có thực . Tuy nhiên dùng lý luận đó để biện minh cho sự cần thiết để tồn tại cái xấu trong từng mỗi con người hoặc trong chính trường, thì coi chừng là nguỵ biện . Mà cũng không cần thiết phải chứng minh, hay biện mình gì cả, bản thân mọi sự việc luôn có tính 2 mặt của một vấn đề . Khi người ta tôn trọng sự đối lập, có nghĩa là họ sẽ ngày càng hoàn chỉnh hơn. Nền tảng của dân chủ là vậy ! Còn nếu em muốn biết việc duy trì nhừng trò chơi chính trị bẩn thỉu có làm tốt hơn cho nền dân chủ của một đất nước hay không ? Thì em chịu khó nhìn quanh những quốc gia trên thế giới hiện nay, cũng sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời .

    Điểm cần quan tâm ở đây là những chuyện "xấu xa bẩn thỉu" đó dẫn đến "được mất" gì cho đất nước họ, mới là quan trọng . Như ví du/ của em về câu nói của Carl Jung, đúng là có thể rễ ăn sâu giúp cây cao lớn . Nhưng tuỳ theo cây cao lớn đó phục vụ hữu ích được điều gì, nếu nó chỉ cao lớn đâm thọc lủng mái nhà em thì đó là mất chứ không phải đươc :-) . Chưa nói là cái nguy hiểm tiềm ẩn của việc rễ ăn sâu, cả nghĩa đen và nghĩa bóng .

    ReplyDelete
  5. Em nghĩ được/mất, tốt/xấu chỉ có giá trị khi đặt vào môi trường cụ thể. Ví dụ trong quá trình tiến hóa của con người, cái "tốt" về cơ bản là cái có lợi cho quá trình này, và cái "tốt" đó được đưa vào kiểu gen, thể hiện ra kiểu hình. Nhưng chọn lọc tự nhiên vẫn giữ những cái không có lợi, để nó nằm trong gen lặn. Vì cái "xấu" có thể lại hữu ích, có lợi khi môi trường hiện tại thay đổi, lúc đó gen trội, cái hữu ích trước đó có thể trở thành vô ích.

    Có một thí nghiệm nổi tiếng là Standford Prison Experiment, trong thí nghiệm đó, những người da trắng ở tầng lớp trung lưu, kg có tiền sử tội phạm, tâm lý và sức khỏe tốt. Nhưng khi đặt họ thử vào làm quản ngục, một cách vô thức, họ trở nên tàn bạo với tù nhân. Thí nghiệm này bị chấm dứt sau 6 ngày vì đó là điều kg đc tiên liệu.

    Em nghĩ trong vô thức/tàng thức của mỗi người đều chứa những hạt giống hình thành từ ngũ quan thu thập hàng ngày (hay cả từ kiếp trước theo đạo Phật). Những hạt giống này là neutral, trung tính, kg tốt kg xấu. Tùy vào hoàn cảnh, hay tùy duyên mà nó tác động vào ý thức, giúp hạt giống trong vô thức nảy ra để trở nên hành động. Vậy cho nên em nghĩ tốt xấu chỉ là do perspective, góc nhìn, môi trường. Mà do góc nhìn khác nhau, thì tốt ở góc này lại xấu ở góc kia. Cặp phạm trù tốt/xấu đúng là một phạm trù :D, kg thể định nghĩa đc "tốt" nếu kg đối chiếu nó với "xấu". Để phát huy dân chủ, không thể bắt người ta tin là có gian lận mà kg trưng được bằng chứng. Tự do được thể hiện qua một bộ luật công bằng. Trừ khi anh vi phạm bộ luật, anh là người "tốt".

    Bầu cử Mỹ năm nay giống anh nói, khá ly kỳ, chắc giống câu "Đạo cao một thước, ma cao một trượng. Đạo cao một trượng, ma cao đỉnh trượng. Đạo cao quá trượng, ma nhượng đầu sư"...

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn em đã đọc và ý kiến nghen . Chuyện bầu cử Mỹ thì cũng như tất cả những câu chuyện khác, mọi nhận định cá nhân đều dựa vào "perception" của từng cá nhân đó, đại loại như chuyện "6 người mù sờ voi" của VN . Còn thực tế thì mọi sự việc vẫn cứ xảy ra theo trình tự và quy luật của nó . Tất nhiên Mỹ là nước dân chủ có hiến pháp rõ ràng, nên cuối ngày thì cho dù kết quả thế nào cũng phải thoả mãn được những yêu cầu tối thiểu của luật pháp . Còn chuyện "được mất" của một quốc gia to lớn vậy thì chắc chắn là lần hồi rồi mọi người đều thấy rõ, cho dù là định kiến hoặc thiển cận đến đâu.
    Còn về chuyện tàng thức, vô thức .... chắc sách tiếng VN và bài giảng lâu nay cũng có nhiều . Sách tiếng Anh cũng vậy, rảnh rang thì tha hồ mà đọc . Dĩ nhiên là muốn biết tốt xấu hoặc ngon dở gì, thì đọc sách nghe kinh cũng như đi ăn tô bún tô phở, phải ngồi xuống ăn mới biết . Ngon với người kia chắc gì là ngon với mình . Thịt thà rau cỏ cũng vậy, để ngoài thì cũng chỉ là cục thịt bó rau, nhưng khi bỏ vào tô phở Nam Định lại có vị khác hơn tô phở Sài gòn . Chúc an vui nhẹ nhàng !

    ReplyDelete
  7. Dạ đúng rồi anh, mấy chuyện này nói vui thôi chứ mỗi người mỗi khác, nhưng như anh nói em cũng rất thích đọc để hiểu ý của anh. Thường anh có bài mới em cũng kg đọc liền, mà để dành khi nào thư thái, pha ly cafe rồi mới ngồi đọc, như vậy thưởng thức được nhiều hơn...

    ReplyDelete

Comments: