Friday, May 21, 2021

Lá cờ son

Mùa Hè năm Bính Tuất (1406)... Sáng nắng gắt, chiều mưa tầm, thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm. Những cơn gió Lào thổi về Chiêm Động hầm hập khô khốc, nhưng vẫn không làm giảm đi cái sĩ khí hừng hực của doanh trại tiền quân nhà Hồ trên đường Nam tiến. Trước sân của An Phủ Sứ lộ Thăng Hoa Nguyễn Cảnh Chân, năm đạo hồng kỳ tung bay phần phật trong gió. Ngoài trướng là soái kỳ của đạo tiên phuông dọc ngang bốn trượng, thiêu chữ Đại Ngu đỏ như màu máu, trên nền trời xanh ngắt. Dưới chân cột cờ, viên đội trưởng quản kỳ đứng nghiêm như bất động. Tuổi chưa quá đôi mươi, nhưng gương mặt rắn rỏi và đôi mắt sáng ngời làm cho người lính trẻ càng dày dạn vẻ phong sương. 

Anh đang nhớ nhà. Nhà anh ở tận làng Bùi Xá thuộc Thừa tuyên Nghệ an. Làng của anh nằm cạnh giòng sông Lam quanh năm uốn lượn, ôm núi Hồng Lĩnh vào lòng, nổi tiếng về nghề nhuộm vải và đan tre. Quê anh nghèo nhưng rất đẹp, êm ả những cánh đồng bát ngát với đàn cò trắng phau phau. Mùa lúa Chiêm chín vàng óng ả, thanh bình, rộn tiếng hát ca. Những miền đất mà anh đã đi qua ở đàng trong, cũng có nơi đẹp như thế. Đó là vùng đất Cổ Lũy động (thuộc Châu Tư và Châu Nghĩa), nơi mà anh và những đồng đội đã từng chiến đấu dài ngày với quân Chiêm thành. Cổ lũy có thành Châu Sa nằm cạnh núi Ấn, quanh năm soi mình xuống giòng sông Trà, lững lờ uốn cong xuôi về Cửa Đại.

Từ ngày quân của vua Chiêm, Ba Đích Lại, thua trận, tướng Bồ Điền xin cống hàng, trong quân ngũ đã đồn rộ lên rằng vua Đại Ngu Hán Thương sẽ cho quân lính cùng gia đình ở đàng ngoài vào lập nghiệp ở Cổ Lũy động. Dân tình của thừa tuyên Diễn Châu và Nghệ An vốn dĩ nghèo lắm, nên ai nghe tin này cũng đều vui mừng. Họ tộc Bùi của anh ở phủ Tân Minh nhiều đời làm ăn siêng năng cần mẫn. Tuy cũng có chút thành đạt, nhưng giá như có cơ hội để xuôi Nam khai hoang lập nghiệp muôn đời, chắc là cha mẹ ông bà anh vui lắm.

Sinh ra từ một gia đình nổi tiếng nghề nhuộm ở làng Bùi Xá, anh được tuyển vào lộ quân với nhiều thanh niên cùng làng, để chăm lo việc quân kỳ. Có những đêm thức trọn để thiêu nhuộm cờ, canh ba nghe tiếng chim tu hú kêu, lòng anh nhớ nhà da diết, muốn về thăm lại quê hương. Nhưng rồi mỗi lúc ngắm nhìn những đạo quân kỳ của Đại Ngu ngạo nghễ trên bầu trời bao la, như mang cả hồn thiêng dân tộc, anh lại quên đi, cảm thấy an ủi và tự hào về quê hương nhỏ bé của mình. Hàng đêm anh vẫn nguyện cầu ngày hòa bình, để trở lại quê hương cấy lúa nhuộm vải, cưới vợ sinh con, nối dõi gia tộc và phụng dưỡng cha mẹ già. Một ước mơ đơn giản !

Thế nhưng, chiến tranh thì bao giờ cũng dai dẳng. Những người yêu nước chân chính thì vẫn hy sinh anh dũng, và đám gian thần thì vẫn thừa cơ hưởng lợi. Sáng nay, trướng quân được lệnh ngày mai lên đường trở về Tây Đô. Các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, sẽ có quan An Phủ Sứ mới Hoàng Hối Khanh về đảm nhiệm. Trong quân truyền tai nhau rằng đám gian thần Trần Thiêm Bình sang lạy lục nhà Minh xin thâu tóm Đại Việt. Nhà Minh sai tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh đem đại quân sang xâm chiếm nước ta. Các đạo trung quân khác được điều về Tây Đô để cùng nhau kháng giặc. Anh đâu đã biết rằng đây là những năm cuối cùng của nhà Hồ, trước khi nước Việt rơi vào tay giặc Minh....

** ** ** **

Mùa Thu năm Đinh Mùi (1427).....Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của dân ta đã đến hồi quyết liệt. Đêm ấy, Chi Lăng trăng sáng vằn vặt. Đêm đã sang canh, trại lính đã hạ đèn, những toán tuần binh vừa mới sang phiên. Ánh đèn từ trướng nguyên soái vẫn còn thắp sáng. Dường như cả đêm, tướng quân Lê Sát và Đinh Liệt bàn chuyện không ngủ. Quan binh trong doanh trại, ai cũng đoán được, chắc chắn sẽ có một sự kiện trọng đại xảy ra. Trước cửa trướng, một viên tướng tuổi trung niên đứng gát, râu quai nón, tay kiếm sắt tuốt trần, cặp mắt sáng ngời như xuyên suốt màn đêm. Đó là vị đội trưởng quản kỳ họ Bùi năm xưa, nay đã là một viên cận quan của Tiên phuông tướng quân Lê Sát.

Đêm ấy anh không ngủ, bởi vì có thể là đêm cuối cùng anh còn được thức. Mới hôm rằm tháng trước, anh nhận thư của gia đình báo tin đã liên lạc được với bà con ở đàng trong. Gia đình và họ tộc anh muốn xuôi Nam để khai hoang lập nghiệp, phát triển ngành nhuộm vải. Anh vốn biết tính sĩ diện gia tộc giòng dõi của họ hàng mình rất to tác. Nên quyết định rời xa quê hương là một vấn đề trọng đại nhằm hy sinh cho tương lai con cháu sau này.

Anh hiểu và thương yêu cha mẹ mình hơn ai hết. Họ cũng như anh, thiết tha từng ngọn cỏ bờ rau ao cá quê nhà. Lòng chiu chắt những bước chân lùa trâu ra ruộng, những đêm tát nước trăng soi cùng những câu hò chân chất... Cho nên dù rời quê chinh chiến đã lâu, anh vẫn nhớ mồn một từng niềm vui nỗi buồn của ngày tháng cũ, nhớ từng nỗi rạo rực của ngày hội thôn, nhớ cả những năm tháng mất mùa đói rét ở quê nhà.

Quê hương anh nghèo lắm. Đất đai chật hẹp thời tiết khắc nghiệt, nên nguyện vọng chén cơm manh áo vẫn là điều mơ ước. Vì nghèo khó nên người dân quê anh thường tự hào về những điều rất nhỏ. Lắm lúc, người ta hơn thua nhau qua từng lời ăn tiếng nói, so đo từng chút tài sản ruộng vườn nhỏ nhoi, và ngay cả những chuyện sinh con sinh cái nối dõi tông đường. Bởi vậy cũng không hiếm những người đã phải ngậm ngùi bỏ xứ ra đi. Chính anh đã từng nhiều lần mong muốn đưa cha mẹ bà con vào tận vùng phủ Chương Nghĩa để lập nghiệp sinh sống.

Thế rồi anh gia nhập quân binh, đánh Chiêm Thành, đánh giặc Minh bảo vệ quê nhà. Đã gần 30 năm chinh chiến, anh vẫn chưa hoàn thành ước nguyện nối dõi tông đường của mẹ cha. Dẫu biết gia đình buồn lắm, nhưng anh vẫn nghĩ không có nước làm sao có nhà. Chuyện tủn mủn hơn thua ở bạn bè lối xóm làng quê, sao sánh bằng nỗi nhục mất nước lầm than.

Làng quê anh nổi tiếng về nghề nhuộm vải bao đời, nên vốn có nhiều truyền thuyết. Người ta vẫn kháo nhau rằng phải có địa linh mới sinh nhân kiệt. Địa linh thì phải có núi thiêng sông rộng, uốn khúc như rồng chầu nhả ngọc. Tương truyền rằng, ông Tổ ngành nhuộm dạy cho con cháu chỉ được lập nghiệp ở những vùng địa linh nhân kiệt, để nhuộm cờ cho các đấng minh quân. Trong các loại nhuộm thì nhuộm cờ là khó nhất. Muốn nhuộm cờ đúng cách, thì lòng phải không được tà tâm gian trá. Trước khi vào nghề, phải chọn đêm trừ tịch, lên một ngọn núi thiêng hướng về giòng sông, mà thành tâm khấn vái lạy Tổ. Sau đó chích huyết ngón tay xin thề, rồi in dấu tay vào một tấm vải trắng. Dấu máu màu son, thì lòng người trong sáng, sẽ được ông Tổ chấp thuận. Loại người gian trá, tâm địa bất chánh thì vệt máu đen sì, mùi tanh, có hành nghề cũng không thành tựu được.

Ngày trước khi cha anh dẫn anh lên núi cúng Tổ, có nói rằng vết máu của anh là màu son nhất mà ông đã từng được thấy. Cũng có lẽ vì thế, mà bao năm nay, anh vẫn là quan Quản kỳ được tín dụng nhất trong hàng quân ngũ. Lá quân lệnh kỳ của ngài Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện Nguyễn Trãi, cũng chính tay anh đích thân kết nhuộm.

Xuất thân từ một người thợ nhuộm nên anh rất nhạy cảm với màu sắc. Anh thiết tha từng màu sắc của quê hương mình. Màu của trời, màu của đất. Anh yêu màu của giòng sông, màu của núi rừng, màu của cánh đồng, màu của luống rau xanh, màu của đôi mắt người thân, và cả màu của tà áo những cô thôn nữ cùng quê.... Nhưng đẹp nhất, với anh vẫn mãi mãi là màu đỏ của quốc kỳ. Đó là màu của hồn dân tộc và màu của trái tim anh. Màu đỏ ấy đã tạo lên từ những hy sinh của bạn bè, của người thân, của những chiến sĩ vô danh, của bao tiền nhân đã ngã xuống cho đất nước này được đứng lên. Từ bao năm qua, chính đôi tay anh đã nhuộm bao lá quốc kỳ cho đất nước. Mỗi lá cờ đều được gởi gắm trọn tấm lòng, lý tưởng, và nhiệt huyết của một người con hướng về quê hương.

Thế nhưng ngày mai đang đến, sẽ là ngày trọng đại nhất của dân tộc và cuộc đời của anh. Anh được tướng quân Lê Sát giao cho nhiệm vụ giữ lá hiệu kỳ trảm tướng Liễu Thăng tại Chi Lăng. Nếu Liễu Thăng chết, đoàn quân tiếp viện của quân Minh sẽ tan rã, công cuộc kháng Minh sẽ thành công, đất nước sẽ thanh bình. Lá hiệu kỳ của anh tuyệt đối phải được giưong cao để các tướng lãnh Trần Lựu, Đinh Liệt, và Lê Sát cùng nhau phối hợp công địch. Có thể ngày mai anh sẽ chết, nhưng lá hiệu kỳ phải sống, quê hương anh phải sống, và đất nước anh phải sạch bóng giặc thù. 

Đêm gần sáng, gà gáy canh năm, tiếng tu hú văng vẳng từ xa. Anh thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, không muốn suy nghĩ gì thêm nữa. Những suy nghĩ miên man về nối dõi tông đường, danh lợi phú quý, khai hoang lập nghiệp.... rồi dường như cũng đã dần xa theo bóng đêm tan. Trời đã hừng sáng. Anh đã nhìn thấy màu đỏ rực ở cuối chân trời, và nghe tiếng gió reo ngạo nghễ của những đạo quân kỳ phất phới.

Và cuối cùng giờ phút thiêng liêng đã đến....

Nắng lên cao quá đỉnh ngọn cờ. Quân Minh ào ạt tiến từ Pha Lũy về tới Chi Lăng, hò hét đuổi theo đạo quân của tướng Trần Lựu. Tam quân chờ đợi, ngọn cờ đào của anh phất lên, thế trận biến đổi, tiếng hò la hỗn loạn. Quân binh ba hướng nhập một, giặc Minh kêu thét kinh hoàng, xác chết ngỗn ngang, máu đỏ thấm đất. Cả cánh quân giặc Minh liều mạng xông lên chiếm lấy hiệu kỳ. Một vết chém sau lưng, máu phun thành vòng, anh ngã xuống, lá hiệu kỳ rơi xuống, lấm đất. Anh trườn lên mạnh mẽ như con rồng của giòng sông quê anh. Hai tay nâng lấy hiệu kỳ một cách trân trọng. Máu anh thấm ướt chiến bào, anh lấy tay thấm máu nhuộm vào chỗ lấm. Lá hiệu kỳ càng đỏ thắm hơn xưa. Anh gượng đứng lên, giưong cao ngọn cờ, hét vang... " Thề không mất nước !"....

Tiếng hét anh vang vọng giữa một rừng người hỗn loạn, đám giặc Minh giật mình lùi xuống. Những người nghĩa quân đồng đội của anh đồng hét theo, xông lên dũng mãnh, tả xung hữu đột bảo vệ hiệu kỳ. Máu anh đẫm ướt lồng ngực, anh ngã xuống. Đôi tay đầy máu vẫn ghì chặt lá cờ, đôi mắt mở lớn. Anh nhìn thấy bầu trời xanh, anh nhìn thấy Mẹ với đãy hạt chàm xanh miệng luôn khấn nguyện. Anh nhìn thấy Cha giữa đám nương chàm xanh tốt, vai trần bóng lưỡng, quẹt trán nhìn về phương Nam. Anh nhìn thấy những đứa em bàn tay thoăn thoắt giặt xả từng cuộn vải thô. Anh đã thấy màu xanh của quê hương anh như đám lúa non đầu vụ. Anh thấy màu vàng của đám cúc dại mùa thu và vẳng vẳng câu ca dao trên môi người yêu dạo nọ... Rồi anh bỗng nghe tiếng reo hò vang dội của những người đồng đội hân hoan mừng chiến thắng, mắt anh từ từ khép lại...

Trận đó quân ta đại thắng, chém chết Liễu Thăng và hàng vạn quân Minh. Sau khi nghe tin thất bại, Mộc Thanh tháo chạy. Vương Thông xin rút quân về nước theo cam kết hội thề Đông Quan. Đất nước ta thanh bình và phục hưng trở lại, bắt đầu một kỷ nguyên mới của nhà Hậu Lê. Riêng anh, anh đã nằm xuống vĩnh viễn trong trận chiến đó. Không tìm được xác, nhưng những người đồng đội đã đem về cho gia đình chút hành trang còn lại của anh. Trong đó, người ta chỉ tìm thấy một lá thư báo tin từ họ tộc, và một tấm vải trắng còn in vệt máu đỏ như son.

Bà con gia đình anh cũng không còn ở làng Bùi Xá nữa, nghe đồn rằng đã lập nghiệp ở tận phủ Chương Nghĩa xã Ba La. Khi vào đàng trong, họ có mang theo đãy hạt chàm xanh, tiếp tục cần cù làm ăn, sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Ngày nay, họ Bùi phát triển thành rất nhiều chi phái ở Quảng Ngãi, Sài gòn, Cần thơ... Hàng năm, vào tiết Thanh minh họ Bùi ở Ba La có hội cúng Xuân với nhiều con cháu các nơi tụ về.

Chắc hẳn trên mảnh đất quê hương này đã có bao nhiêu người nằm xuống như anh. Có thể trong bao nhiêu cuốn gia phả tộc hệ, sẽ không còn nhắc đến tên của những người anh hùng chân chính như thế. Họ sẽ không còn chi phái để truyền tụng đời sau. Đơn giản, họ đã hy sinh cho đất nước này được sống. Hồn thiêng của họ đã, đang, và sẽ ngự trị mãi mãi ở hồn dân tộc. Bởi đó là những đứa con đã dâng hiến tấm lòng son sắt cho quê hương.

Ngày nay, thỉnh thoảng vào mùa tế lễ Thanh minh hay cúng Chạp ở Ba La, người ta vẫn nhìn thấy một bóng người âm thầm thắp những nén nhang trước sân nhà thờ họ Bùi, và trên những ngôi mộ vô danh cạnh ngôi chùa làng. Người thanh niên ấy vẫn thường lặng lẽ đứng nhìn theo những làn khói tan dần theo gió bay xa, rồi cúi đầu bái lạy quay đi.....

PN 

No comments:

Post a Comment

Comments: