Saturday, July 16, 2022

Tản mạn cuối tuần .... Con đường tôi về !

 


Hôm đầu tháng, lễ Độc Lập HK, mình chở con đi núi. Asheville, một thành phố nhỏ nằm giữa rặng Appalachian Mountains, cạnh cung đường Blue Ridge Parkway nổi tiếng, trãi dài hơn 700 cây số đường đèo, xuyên qua những công viên quốc gia núi rừng trùng trùng điệp điệp. Hàng năm rất nhiều du khách đổ về đây để nghỉ dưỡng và thưởng thức cảnh sắc núi rừng, đặc biệt vào mùa Thu. Trong những thập niên vừa qua, ngày càng nhiều người xứ khác dọn về đây sinh sống hoặc về hưu. Nhiều thiền viện, trung tâm nghĩ dưỡng, resorts, khu hưu trí được mọc lên. Lý do đơn giản nhất là ở đây cuộc sống nhẹ nhàng, khí hậu mát mẻ, "college town" (có đại học trong phố), và có nhiều sự kiện âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật, thường xuyên được tổ chức. Đặc biệt nữa là có nhiều chỗ nấu bia ngon :-). Nhiều người gọi thành phố này là “the Paris of the South” (thành phố Ba Lê ở miền Nam), rồi cũng có người gọi là "Little bit of the West in the East" (một chút miền Tây ở miền Đông). Thực ra, muốn gọi gì cũng được, nhưng một thành phố mà phát triển nhanh chóng quá, thì bao giờ cũng có những mặt tốt xấu và hạn chế nhất định. Mấy chục năm qua, mình thường xuyên ghé lên đây, nên cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nó. Tất nhiên là hương đồng cỏ nội đã bay đi ít nhiều !


Đúng ra thì Asheville chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng ngày xưa rất nhiều người biết đến nơi này chỉ vì địa danh "the Cove", một lò đào tạo giáo sĩ nổi tiếng của nhà truyền giáo Billy Graham. Tên tuổi lẫy lừng của ông Billy Graham từng chiếm lĩnh nhiều năm trên những kênh truyền thông của đất nước Hoa Kỳ, ngay cả thời kỳ chiến tranh VN. Ông là bạn thân với nhiều đời tổng thống Mỹ, đặc biệt là Lyndon Johnson. Ông cũng từng giảng đạo chung với mục sư Mark Luther King và nhiều người nổi tiếng khác. Bởi vậy, những di sản mà ông để lại, cũng như sự ảnh hưởng của ông đối với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã vượt quá xa tầm với của một mục sư Tin Lành bình thường. Thế nhưng từ ngày ông mất đi, "The Cove" có vẻ im vắng hơn nhiều. Hôm rồi lúc xuống núi, chạy ngang "The Cove", mình thoáng chút ngậm ngùi, chạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan ...

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường !".

(BHTQ)

Mà nói đến tên tuổi của Billy Graham thì quá lớn rồi, ai cũng biết, khỏi cần nhắc lại nữa. Thời còn sống, ông thường có những phát biểu rất đình đám. Tất nhiên là vậy, từ nữ hoàng Anh cho đến bao đời tổng thống Mỹ như D. Eisenhower, J.F.Kennedy, L.B. Johnson, Richard Nixon, Bill Clinton ... đều rất lắng nghe ông. Ngày xưa, thỉnh thoảng mình cũng có nghe một vài bài nói chuyện của ông trên TV, rất thú vị. Có một câu nói của ông mà mình còn nhớ, đó là "When wealth is lost, nothing is lost; when health is lost, something is lost; when character is lost, all is lost". (Tạm dịch là: Khi mất đi sự giàu có là không mất gì cả, khi mất đi sức khoẻ là chỉ mất đi một phần, nhưng khi mất đi bản sắc của chính mình thì là mất tất cả). Thực ra chữ "character" bao gồm một phạm trù khá rộng, mình tạm dịch là "bản sắc" trong trường hợp này để dễ hiểu hơn. Nhiều người có thể dịch khác hơn, cái "tôi", cái bản sắc, cái tiêu biểu, cái đặc điểm, đặc tính, cái tính cách, tư cách, cái phẩm chất .v.v.. gì đó cũng được. Mình thì rất ngại chuyện dịch thuật, bởi ý nghĩa của từ ngữ luôn bị hạn chế, đôi khi không có quan hệ tương ứng, đặc biệt là những câu cú mang hàm ý sâu sắc. Nhưng không sao, viết cho vui, cũng chỉ là những phút tản mạn của ly cafe buổi sáng :-).


Không thể phủ nhận, đó là một câu nói rất hay. Nhưng thực tế xưa nay có nhiều người vẫn sống theo quan niệm đó chứ không phải đợi cho đến khi có câu nói của ông Billy Graham. Chỉ đáng tiếc là hiện nay vẫn còn một số quốc gia hoặc do phát triển mất cân đối, hoặc do tôn thờ chủ nghĩa vật chất quá mức, hoặc do nghèo đói thiếu thốn quá, nên vẫn tồn tại nhiều ngộ nhận tiêu cực về những giá trị cuộc sống. Có thể khi phải vật lộn với cái bao tử, nghiệt ngã sinh tồn với những nhu cầu tối thiểu của chén cơm manh áo, thì những giá trị nhân văn khác đều trở thành món hàng xa xỉ. Có lẽ vậy, nên cho đến nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới, giá trị vật chất luôn được coi là tuyệt đối (tất nhiên không phải ai cũng vậy). Từ việc đi học, chọn nghề, hôn nhân, giao tiếp, cho đến quan hệ bạn bè, gia đình, người thân …vật chất luôn nắm giữ vai trò tối quan trọng. Thậm chí ngay cả trong công việc phục vụ đất nước và nhân dân, nhiều người cũng bằng mọi giá sẵn sàng chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình. Họ nguỵ tạo bản thân, nguỵ tạo giá trị, nguỵ tạo "character", nguỵ tạo niềm tin .....để đạt được mục đích. Thắng thì huênh hoang tự đại, thua thì khóc lóc van xin. Tất nhiên ở những nơi chốn đó, thì những câu nói như của ông Billy Graham sẽ hoàn toàn vô nghĩa !

Mình có vài người bạn là mục sư. Thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, hẹn đi ăn uống, hoặc đến thăm viếng nhà thờ của bạn vào những dịp lễ hội. Hiểu nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng sự riêng tư cá nhân, nên cũng ít khi nào tụi mình bàn luận về những đề tài đức tin trong mỗi lúc gặp gỡ. Riêng bản thân mình là một người theo đạo Phật, nên có nhiều lý thuyết và quan điểm của một số tôn giáo khác không phù hợp với mình. Điều đó không có nghĩa là mình phê phán hoặc đả kích tôn giáo khác, mà ngược lại mình cảm thấy rất thú vị khi đọc và tìm hiểu được những sự khác biệt đó. Có lúc cuối cùng nhận ra là thiên hạ đang nói về một thứ giống nhau chỉ là khác nhau góc nhìn :-).

Trở lại câu nói nổi tiếng của ông Billy Graham, một câu nói rất có giá trị trong đời sống theo cách hiểu của nhiều người. Đó cũng là một cách diễn giải khác của quan niệm “hãy là chính mình và luôn giữ gìn giá trị bản thân”. Nhưng đối với những người theo thuyết nhà Phật, có lẽ quan niệm đó được hiểu đơn giản hơn, vì họ cho rằng mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. (Xin nhắc lại là hoàn toàn không có ý tranh chấp hoặc phê phán đúng sai ở đây, mà chỉ là ý kiến cá nhân). Như bản thân mình vốn tin vào thuyết “vô thường", “vô ngã", nên cho rằng mọi giá trị “được, mất” mà ông Billy Graham nhắc đến đều có mối liên quan mật thiết với nhau, có cái này mới có cái kia, luôn dựa vào nhau để tồn tại, và có thể mất đi bất cứ lúc nào. Không ai có thể thay đổi được quy luật đó. Ngay cả cái "character" mà ông Billy Graham nói đến cũng chỉ là những ảo giác hoặc tầm nhìn dựa vào các ý nghĩ (thoughts) hoặc các thức (consciousness) của riêng mỗi người. Nôm na đó chỉ là quan điểm cá nhân, hình thành do sự cảm nhận và tương tác với thế giới chung quanh, không định hình cụ thể mà cũng không tồn tại thường hằng. Ví dụ như như người này “hiểu” về người kia cũng chỉ là theo cách hiểu của riêng họ, chẳng có gì là đúng sai hoặc cố định cả. Cho nên nếu có thể nói được một điều gì đó "chắc chắn" hơn, thì mình sẽ nói là 3 thứ của cải, sức khỏe, và cái “bản sắc” của con người rồi cũng sẽ mất hết :-).

Thực ra nói đến mấy đề tài này thì chắc chắn là hơi "khó nuốt", chỉ là tản nạn cho vui thôi. Còn cuộc sống chung quanh ta thì mỗi ngày vẫn nhan nhản những chuyện gán ép nhau, gán ép "character" cho chính mình, gán ép "character" cho thiên hạ. Mới hôm rồi có ai gởi mình một bài thơ "Họp lớp" từ bên VN, thấy đi họp bạn cũ mà cũng có character Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở. Thị Nở Chí Phèo không được Bá Kiến cho ngồi chung bàn, tủi thân rủ nhau ra ngoài gốc cây ... :-). Tưởng là chuyện đùa, nhưng nhiều lúc ngay cả ở nhà thờ, chùa chiền, từ đường hoặc những nơi thờ cúng tâm linh, cũng xảy ra trường hợp như vậy. Chuyện bình thường thôi. Thời buổi này vẫn có nhiều người đi đến nhà thờ, chùa chiền, mà phân biệt hình tướng to nhỏ, sang hèn. Đệ tử cũng phân biệt hàng đệ tử đại gia, tiểu gia, đệ tử ruột, đệ tử gan… (Nên mới sinh ra chuyện tu sĩ mà móc nối được với mệnh phụ phu nhân, đại gia, quan chức, để chạy chức chạy tù). Thực ra cuối cùng là khác biệt gì giữa một đại phu nhân xu hào rủng rỉnh cúng tiền tỉ, và một cụ già lượm ve chai cúng từng bó rau dại mỗi ngày ? Tên tuổi ư ? Hay là một người hô to một tiếng có bao nhiêu người cống nộp, và một người cặm cụi mồ hôi hái lượm cả ngày ? Suy cho cùng đó chỉ là những hình thức tạm thời bên ngoài, đâu ai biết được tấm lòng thực sự của họ bên trong. Ông  Chúa thì chắc chắc là sẽ không quan tâm đến chuyện tài vật ít nhiều. Còn ông Phật thì lại càng không thể ngồi đó xét lý lịch ba đời coi ai địa vị hơn ai, ai nhà to xe đẹp hơn ai, hoặc ai cúng lạy nhiều hơn ai. Cho nên cái "character" thực sự của mỗi người chỉ có chính họ mới cảm nhận được. Còn cảm nhận và hiểu đúng được bản thân hay không lại là câu chuyện khác. Hiện nay ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngày càng nhiều người thực hành "meditation" (tạm dịch là thiền), với mục đính chính là để lắng nghe và hiểu đúng về bản thân của họ. Bởi lẽ cần phải biết con khỉ “monkey mind” ở đâu thì mới có thể mời nó ăn chuối được :-).

Hoàn toàn hợp lý. Bởi khi muốn buông bỏ hoặc thay đổi một điều gì đó, thì trước hết phải biết rõ điều đó là gì. Thiết nghĩ không biết mặt mũi cục bột ra sao mà đòi nắn ra hình này hình nọ thì mơ hồ quá, hoang tưởng quá. Cho nên có nhiều người hết sức cố gắng học tập hoặc làm theo một cái khuôn mẫu chuẩn mực nào đó, mà không biết mình là ai, cũng không biết người khác thực sự là ai, nên học cả đời mà cũng không hề có kết quả gì. Thậm chí học lộn còn bị tẩu hoả nhập ma :-).

Cũng không ngạc nhiên lắm, vì đối với những kẻ phàm phu tục tử như mình, chỉ để hiểu rõ bản thân cũng đã là chuyện khó khăn vô cùng. Huống hồ gì mơ mộng đến những chuyện cao siêu hơn. Tuy nhiên đối với các bậc thông thái, thiền sư, cao tăng đắc đạo thì lại khác. Họ chắc chắc không còn cái gọi là "bản sắc", bản thân, hoặc "characters" để hơn thua. Cũng chẳng có cái "tôi", cái "ngã" để tự hào. Càng không có cái mặt, cái mũi, để mất. Cho nên họ khoẻ re là vậy :-). Thực ra, ngày nay có rất nhiều kinh điển, tài liệu, sách vở nói về vô ngã, emptiness, non-self, substanceless, anatta (Pali), anatman (San) … Nhưng để đọc được, hiểu được, và thực chứng được điều đó là những chặng đường không dễ dàng chút nào !

Cũng nhân nói đến chuyện cái "không" cái "có", mình nhớ đến 2 câu nói của 2 nhân vật nổi tiếng, mà thời còn đi học tụi mình thường bàn luận đến. Đó là Các Mác (Karl Marx), một nhà xã hội học, một lý thuyết gia gốc Đức, được cho là ông tổ của lý thuyết cọng sản. Người thứ hai là vị tổng thống tài ba của Mỹ, Abraham Lincoln.

Ông Marx nói - "I am nothing, but I must be everything", (tạm dịch là: tôi không là gì cả, nhưng tôi phải là tất cả). Còn ông Lincoln thì nói - "I am nothing, truth is everything“, (tạm dịch: tôi không là gì cả, sự thật mới là tất cả). Chính 2 câu nói này đã từng gây ấn tượng sâu sắc cho mình thời con đi học, và mãi cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là một trong những chiêm nghiệm đáng quý nhất !

Thôi chúc mọi người cuối tuần an vui. Lâu quá không viết lách gì, gõ máy một lèo, mỏi tay quá :-).

PN (07/2022)

No comments:

Post a Comment

Comments: