Saturday, April 09, 2022

Tản mạn cuối tuần - Dễ thở hơn !

 


Tuần qua có người bạn cũ ghé thăm mình, ở lại cả chục ngày. Tối nào hai đứa cũng thức khuya lai rai, nhắc lại chuyện xưa trên trời dưới đất. Tính ra cũng quen biết nhau gần mấy chục năm rồi. Jim, sinh ra và lớn lên ở miền bắc New York, tốt nghiệp hạng ưu ở Brown University, một trong những đại học Ivy League danh giá của Mỹ. Thế nhưng cậu ta đã không chọn con đường kiếm tiền, không đeo đuổi giấc mơ Mỹ (American Dream), để có nhà lớn xe đẹp, mà chọn con đường chông gai hơn, đi làm thiện nguyện giúp đỡ những người cùng khổ ở các trại tị nạn (refugee camps). Sau bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ, sống với những điều kiện thiếu thốn từ các vùng đất nước xa xôi, Jim trở về lại Mỹ, học tiếp chương trình hậu đại học, rồi đi dạy đại học ở vùng San Francisco. Mấy chục năm nay tụi mình vẫn giữ liên lạc, lễ lộc thỉnh thoảng a lô, hoặc đi công tác tiện đường ghé thăm nhau. Nhưng thường thì cũng chỉ có đủ thời gian để hẹn hò ăn uống, hoặc cafe điểm tâm ở đâu đó, rồi chia tay. Lâu lắm rồi, kỳ này ông bạn mình mới sắp xếp được để ghé thăm và ở lại dài ngày. Hàng ngày hai đứa xách xe đi lang thang qua các ngõ ngách những vùng thôn quê, tiểu bang lân cận, thăm các di tích lịch sử, thăm một số trường đại học lâu đời .... và tìm thử những món ăn địa phương. Tối về lại bày ra, nhậu lai rai :-).

Nhắc đến, mình gặp Jim ở Indonesia vào thập niên 80. Lúc đó Jim làm giám thị (supervisor) của chương trình C.O (Cultural Orientation), do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Mình cũng có một thời gian làm thiện nguyện cho chương trình này nên quen biết nhau. Chương trình C.O chuyên giúp đỡ những người tị nạn đã được chính phủ Mỹ nhận vào, nhằm mục đích giúp họ học hỏi văn hoá mới và định hướng nghề nghiệp trước khi đi định cư. Theo mình, đây là một chương trình rất hay, vì ngoài việc dạy dỗ chút vốn liếng tiếng Anh giao tiếp, còn giúp đỡ cho người tị nạn biết được đời sống thực tế ở nước Mỹ, nơi mà họ sẽ bắt đầu cho một hành trình mới. Giúp họ không bị bay bổng trên mây, không bị những cú sốc văn hoá, cũng như không hiểu lầm về những ảo vọng thiên đường sai lệch. Mặt khác, chương trình còn có mục đích sâu sắc hơn (và rất cần thiết), đó là truyền tải một thông điệp rõ ràng về nguyên tắc hội nhập giữa các nền văn hoá khác nhau. Ở đó bao giờ cũng có những cái chung và cái riêng, có những thứ dễ dàng hội nhập nhưng cũng có những thứ vô cùng khó khăn. Có những thứ đặc thù cần được giữ gìn và tôn trọng, ví dụ như nguồn gốc và phong tục đặc thù của mỗi dân tộc. Tất nhiên là trong một hợp chủng quốc đa chủng tộc đa văn hoá như Hoa kỳ, thì một người Mỹ gốc lúa mạch, mắt xanh mũi lõ, có thể có nhiều điểm khác biệt với một người Mỹ gốc rạ, da vàng mũi tẹt. Cho nên không nhất thiết là phải ráng copy để cho giống nguời khác, cũng không chờ đợi người khác phải sống giống mình hoặc phải hiểu mình, mà hãy nên tôn trọng sự khác biệt của nhau, để thông cảm, để hội nhập, học hỏi lẫn nhau để chung sống hoà đồng. Tất nhiên, tôn chỉ mục đích của chương trình là như thế, còn lãnh hội được hay không, hoặc thực hành được bao nhiêu là do .... người đối diện :-)

Nói đến ông bạn này thì có nhiều kỷ niệm. Nhớ lần đầu tiên mình trở về VN sau bao nhiêu năm xa cách. Liên lạc Jim, lúc đó ông bạn làm ở Thái Lan, lập tức bay qua Saigon đón mình. Bước xuống sân bay TSN lần đầu, ngỡ ngàng trước những thay đổi và cái nắng hầm hập của SG. Giữa đám đông xa lạ, đã thấy cái đầu lêu nghêu của ông bạn rồi, buồn cười. Đợi thêm thằng bạn VN nối khố nữa bay về từ Gia Lai, rồi kéo nhau vô quán Tib của nhạc sĩ TCS ăn gỏi mít, gỏi vả, và gỏi rau muống trộn... Chỉ đơn giản là vì Jim mê nhạc Khánh Ly :-). Hôm sau hai đứa theo xe về Lâm Đồng thăm ông bà già. Tối đến chó sủa vang trời không ngủ được. May quá, có mấy ông công an địa phương gọi điện thoại vào nhà nói chính sách của tỉnh thời đó chưa cho phép người nước ngoài ở nhà dân, nên Jim phải ra khách sạn ngủ. Đỡ phải kê ghế bố, mừng quá. Thực ra nhờ đi qua nhiều nước, và làm việc ở châu Á khá lâu, nên ông bạn rất quen thuộc với văn hoá của nhiều gốc dân bản địa, đặc biệt là kinh nghiệm ứng xử cũng như tâm tình của người tị nạn.

Mà cũng thật là trùng hợp, mấy tuần nay câu chuyện tị nạn đang làm thế giới xôn xao, nên cũng thêm chuyện để nói. Nói chung Putin của nước Nga đã "có công" tạo nên làn sóng tị nạn kỷ lục trong lịch sử cận đại. Cụ thể là chỉ trong vòng vài tuần lễ ngắn ngủi, cuộc xâm lược của Putin đã làm cho gần 3 triệu người Ukraine, kể cả phụ nữ, người già, con nít vô tội, bỗng chốc mất tất cả. Họ sống vất vưởng, loạn lạc, tản mác khắp nơi, ngay chính trên quê mảnh đất quê hương của họ và lan đến những quốc gia lân cận. Chết chóc, sợ hãi, lo âu, đã bao trùm lên khắp đất nước Ukraine. Bao nhiêu người mất nhà, mất mạng, mất quê hương, xin tị nạn để tìm đất sống. Khởi đầu hành trình lưu vong của một dân tộc, mà những ảnh hưởng và tổn thương sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Xin mở ngoặc chút, có lần mình coi trên chương trình PBS, một đoạn phim tài liệu nói về tuổi thơ của Putin ở Saint Petersburg (Leningrad). Ông ta sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khó. Thưở nhỏ Putin thường cô độc, có lúc chỉ chơi với những con chuột, và ông trả lời phỏng vấn là đã học được nhiều bài học quý giá từ việc chơi chung với những con chuột đó. Lúc đó, mình cứ nghĩ một người từng sống trong hoàn cảnh nghèo khổ như thế, từng biết được những bài học thiết thực như dồn chuột vào ngõ bí, thì cho dù có xuất thân từ KGB, Putin cũng phần nào thấu hiểu đời sống hơn. Có thể ông sẽ nhạy cảm hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn, và biết thương cảm đối với những người dân đen vô tội. Thế nhưng đến bây giờ, thì biết chắc chắn là mình đã suy nghĩ sai. Có những loại người họ chỉ biết thương yêu cái tôi và tham vọng của họ, sống bám víu vào những ảo vọng quyền lực có được từ sự bất công đối với những kẻ yếu. Mà nhắc đến mới nói, mấy ngày qua cả thế giới đều phải rùng mình rúng rộng trước sự tàn sát man rợ của quân đội Putin tại vùng Bucha !

Cũng rất may mắn là trong thời gian qua, Ba Lan và các nước phương Tây đã mở rộng vòng tay cứu giúp những người tị nạn Ukraine một cách chân thành. Đó là những món quà vô giá đầy tình người của cuộc sống dành riêng cho họ. Tất  nhiên trong những hoàn cảnh khẩn cấp, éo le như thế thì bao giờ cũng có một vài mặt trái hạn chế hoặc thiếu sót. Nhưng nhìn chung là một kỳ tích của lòng nhân đạo và tình người, đặc biệt là đất nước Ba Lan. Mình luôn ngưỡng mộ và trân trọng tấm lòng nhân ái của những con người đã ngày đêm không quản khó nhọc, thiện nguyện hy sinh, cứu giúp kẻ khốn cùng. Trong số đó có nhiều thiện nguyện viên là đồng bào VN đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Nhưng hôm nay mình không muốn nói nhiều đến chuyện tàn sát người vô tội của Putin ở đây. Cũng không muốn kể nhiều về Jim, nhưng nhân dịp ông bạn mình nhắc về những thế hệ học sinh của bạn, những cái nhìn khác biệt của thế hệ sinh viên hôm nay so với thời kỳ làn sóng tị nạn VN, làm mình cũng băn khoăn đôi điều. Tất nhiên những suy nghĩ tản mạn của mình viết ở đây chỉ thuần tuý mang tính chất cá nhân, không tranh chấp đúng sai, lại càng không có ý phê phán hoặc chỉ trích, mà chỉ nói về một số điểm khác biệt. 

Nhớ cách đây không lâu, một người bạn cũ hỏi mình ý kiến tư vấn về việc con đi học đại học ở Mỹ. Sau khi nói chuyện một lúc, hiểu thêm nguyện vọng của bạn, mình lại càng cảm thấy rất thông cảm và quý mến sự hy sinh lo lắng cho con cái của bạn mình. Trong câu chuyện của bạn, mình tìm thấy sự tương đồng của thế hệ cha mẹ mình ở VN, và thế hệ bạn bè, anh em của mình cũng vậy. Ai cũng thương yêu lo lắng, hết lòng hy sinh cho con. Đại đa số ai cũng mong muốn cho con mình thành đạt, giàu có, tên tuổi, ông này bà nọ, làm rạng rỡ cho gia đình giòng họ. Mặc dù hiểu thấu điều đó, nhưng cuối cùng mình đành phải xin lỗi không giúp được. Bởi quan niệm đi học, chọn nghề của mình có nhiều điểm khác biệt, ngại ý kiến cá nhân của mình sẽ không phù hợp với bạn. Thế nhưng người bạn vẫn không chịu, cuối cùng mình khuyên hãy để con bạn gọi điện thoại cho mình, hỏi những câu hỏi mà cháu thắc mắc, sẽ tiện hơn. Nếu câu hỏi nào mình biết, sẽ cố gắng trả lời, hoặc tìm tài liệu gởi cho cháu đọc. (Mình nghĩ rằng ở Mỹ, các tài liệu về trường học chính thống và các ngành học đều rất rõ ràng minh bạch. Hàng năm các cơ quan thẩm định có uy tín như US News, Forbes ... có cập nhật thông tin rõ ràng trên mạng. Cho nên không cần thiết phải nghe tin tức từ ông chú Viettel, ông anh Cali, ông bạn Harvard, hoặc bà chị NASA :-). Mấy hôm sau, con của bạn mình gọi, nói chuyện rất lễ phép, ngoan ngoãn dễ thương. Câu đầu tiên cháu hỏi - "Ngành nào bây giờ học ra kiếm tiền nhiều nhất vậy chú ?". Mình sững người một chặp. Rất ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cố gắng tìm cách giải thích cho cháu ấy trong khả năng hiểu biết của mình. Hy vọng cháu chọn được ngành nghề mà mình đam mê, mơ ước. Còn chuyện kiếm nhiều tiền, thì thực tế cuộc sống này có rất nhiều đại gia rủng rỉnh tiền bạc mà không cần thiết phải học hành khổ cực như cháu :-) .

Mấy ngày trước, mình và Jim đi lên thăm trường Duke ở Durham và trường Wake Forest ở Winston-Salem. Trên đường đi, ông bạn kể rằng rất tâm đắc và thường chia xẻ với sinh viên về quan niệm sống của Ralph Waldo Emerson - "To know even one life has breathed easier because you have lived, this is to have succeeded." (Tạm dịch: Chỉ cần làm cho một người khác dễ thở hơn, nghĩa là bạn đã thành công rồi). Mình đùa - "Vậy các sinh viên du học sinh nghĩ gì khi họ đang xử dụng điện thoại thông minh đời mới nhất, còn ông giáo sư của họ thì không có cái điện thoại di động ?". Jim cười khì, ông bạn không xài smart phone, không chơi FB và  mạng xã hội như mình, mà ráng tranh thủ thời gian đi và về trên phương tiện xe công cọng mỗi ngày để đọc thêm vài trang sách hoặc bài dạy. Vì bạn nói khi về đến nhà, lại bận rộn gia đình con cái, e không có nhiều thời gian để đọc.


Hỏi đùa vậy thôi, nhưng mình biết Jim cũng như nhiều người Mỹ khác, đặc biệt là trong môi trường giáo dục, rất ít khi để ý và quan tâm đến các hình thức vật chất bên ngoài. Có lẽ vật chất hoặc hình thức không phải là đấu trường hơn thua của họ, càng không phải là mục đích sống của các vị "scholar". Mình thì luôn quan niệm rằng trong đời sống, con người thường sẽ tự chọn lựa cho mình một lẽ sống mà họ cảm thấy phù hợp nhất, tương ứng với tư duy của họ. "Thành công" hay “thất bại" cũng chỉ là những định nghĩa và quan niệm mang tính chủ quan của riêng từng người. Bằng cấp tất nhiên không phải lúc nào cũng là tờ giấy bảo chứng cho trí tuệ và sự hiểu biết của một con người. Có rất nhiều người suốt đời đeo đuổi cái "có", có tiền, có nhà, có xe, có chức, có quyền ... Rồi đến cuối đời lại chạy đi tìm cái "không", không bịnh, không già, không tai nạn, không lo âu, không phiền phức... Có vẻ như khôi hài nhưng lại là sự thật !

Mình và Jim đều may mắn được đi làm ở một số quốc gia khác nhau. Nên có những tâm trạng giống nhau mà cũng có những kinh nghiệm khác nhau. Mình vốn rất ngưỡng mộ những người có quan niệm sống như Jim, sống đơn giản, đề cao lối sống tư duy, đề cao sự cống hiến, luôn bảo vệ môi trường, bảo vệ lẽ phải, và bảo vệ kẻ yếu hơn mình. Đi làm ở nước ngoài, may mắn là cũng thường gặp được nhiều người như thế. Cho nên mình thỉnh thoảng nói đùa với bạn bè và người thân là - "Có nhiều đất nước PG, ai cũng lý thuyết một bụng, nhưng họ lại ít thực hành đạo Phật. Trái lại ở nhiều quốc gia PG chưa hề được phát triển, nhưng con người ở đó lại thực hành đạo Phật mỗi ngày". Âu đó cũng là những duyên nghiệp tự nhiên của đời sống vậy.

Nói đến đây nhớ đến một câu chuyện mà ngày xưa Thầy Ahbinyana kể cho mình thời ở Indonesia. Thầy nói có người tị nạn kia giữa lúc tuyệt vọng trên biển đã thành khẩn van vái Đức Phật phù hộ cho họ đến được bến bờ bên kia, họ sẽ cạo đầu ăn chay mấy tháng để tạ ơn. Khi đến nơi an toàn rồi, cô suy nghĩ lại cạo đầu hơi bị xấu, nên khấn vái ông Phật, xin nấu cúng mâm cơm, hương hoa thịnh soạn để bù lại thay vì phải cạo đầu. Nhớ lúc đó ông Thầy cười, nói đùa với mình - "Thắc mắc là không biết ông Phật lấy đầu tóc mấy ngày không tắm đó về để làm gì ?". Quả nhiên là vậy, những lời khấn nguyện chân thành thường mang giá trị sâu sắc đối với việc thay đổi bản thân, chứ không phải là một sự ngã giá. Còn theo thiển ý của mình nếu như ông Phật mà phải đợi cho đến lúc con người van vái, hối lộ cái đầu tóc, cái mâm cơm, cái bìa thư, cái tượng Phật lớn nhất, cái ngôi chùa to nhất, cái chuông đồng đẹp nhất..v.v.. hoặc phải phân biệt đứa này Phật tử, đứa kia Công giáo, đứa nọ đảng viên, đứa kia chủ tịch, rồi mới ra tay cứu giúp thì ông ta đâu còn là Phật nữa :-). 

Nhưng cuộc sống này nhiều người vốn tin như vậy. Trong khi đó thì mọi thứ chung quanh chúng ta luôn thay đổi không thể ngăn cản được, kể cả tâm nguyện và ước mơ của mỗi người. Tâm tình của một người tị nạn ở White Head, Bidong, Palawan, Phanat Nikhom, Galang ... ngày xưa, hoặc ở Dortmund, Warsaw hôm nay, chắn chắn sẽ có những điểm tương đồng. Những lời hứa hẹn của họ với bản thân, với thượng đế, với quê hương, với tổ quốc, rất có thể là giống nhau. Nhưng rồi biết đâu lại cũng như mái tóc huyền của người phụ nữ năm xưa, khi đến được bến bờ bên kia họ sẽ không còn cạo nữa. Cuộc sống tự do ở California, không khí thoải mái ở New York, cung đường tráng lệ ở Paris, giòng sông lững lờ ở London ... hoặc là những giấc mơ Mỹ, mơ Tây, mơ Úc, mơ Canada, mơ Anh quốc…nào đó ít nhiều đã làm thay đổi những tâm nguyện ngày xưa của họ. Con người rồi sẽ phải thay đổi, sẽ tìm kiếm những thứ khác nhau, sẽ thích ứng với những tiêu chuẩn giá trị mới, kể cả việc chi phối người khác hoặc thế hệ sau bằng quan niệm sống của họ !

Nhưng đó không phải chỉ là câu chuyện của những người tị nạn bỏ xứ ra đi, mà là sự thay đổi thông thường của quy luật tạo hoá. Trong nước cũng vậy. Ngồi nói chuyện với một bà mẹ kháng chiến nuôi quân năm xưa, một người thương binh vá xe bên đường, một người lính trận đi B về hưu, một người cựu giám đốc vừa mới ra tù.... về những người đồng đội “thành đạt” của họ, mới hiểu ra nhiều vấn đề. Nhiều người phê phán sự xa hoa, ăn trên ngồi trước, tham nhũng hối lộ, tham quyền cố vị của một số vị quan chức, nhưng mấy ai hiểu được rằng ngày xưa chính những con người đó cũng đã từng dễ thương, từng hứa hẹn, và từng mang đầy nguyện ước cao cả. Nhưng khi hoàn cảnh sống thay đổi, địa vị thay đổi, vật chất thay đổi, đã làm cho con người có nhu cầu kiếm tìm những thứ khác nhau !

Mình không rành lắm về số liệu đăng ký ngành nghề của sinh viên VN hôm nay trong nước. (Nhớ đọc đâu đó nói cao nhất năm rồi là ngành Hàn quốc, ngành công an, quân đội ...gì đó, nhưng không rõ lắm). Riêng mỗi lúc thấy số lượng của các bậc trí thức VN ở quê nhà tăng nhanh đột biến, hoặc đầy rẫy danh xưng trên báo trên đài ở hải ngoại, mình thường thắc mắc bao nhiêu người trong số đó lấy bằng là do yêu cầu công việc, hoặc do nhu cầu lương bổng ? Tất nhiên thực tế thì cũng không hiếm những người học hành để trang bị dấn thân, và làm việc để cống hiến, phục vụ xã hội. Hôm rồi đọc qua số liệu đăng ký ngành học của sinh viên Á châu tại các trường đại học ở Mỹ, mình lại cảm thấy khâm phục những người nhiệt huyết dấn thân như Jim, bạn mình. May mắn là ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, những ngành nghề kiếm tiền ít, vẫn còn nhiều người đeo đuổi theo học và chọn lựa. Thực ra đa số các bậc phụ huynh ở nước ngoài thường rất tôn trọng nguyện vọng của con cái. Họ cổ vũ việc sống có mục đích ý nghĩa và có trách nhiệm xã hội, chứ không đề cao lắm chuyện giàu nghèo. Nên đa số những đứa trẻ thường nhẹ nhàng hơn trong việc chọn lựa nghề nghiệp & định hướng lối đi riêng cho bản thân. Sự chọn lựa của họ thông thường không phải bắt đầu từ những danh xưng ông này bà nọ, cái thắng cái thua, cái giàu cái nghèo, mà thường bắt đầu bằng những điều đơn giản nhất. Ví dụ như mong muốn được là chính họ, theo đuổi những công việc mà họ thích, hoặc đóng góp được một phần nhỏ bé nào đó giúp cho cuộc sống chung quanh tốt đẹp hơn. Hoặc biết đâu đơn giản hơn nữa, chỉ là mong muốn làm cho người khác dễ thở hơn như Jim bạn mình :-) ?

PN 
(Tặng Jim - April 2022)



No comments:

Post a Comment

Comments: