Tuesday, November 01, 2022

Phiếm: Cuồng thần tượng ?

 



Hôm qua nói chuyện với một người bạn ở VN, thấy bạn băn khoăn lo lắng vì gần đây ở quê nhà những hiện tượng “cuồng thần tượng” thái quá ngày càng phát triển, dẫn đến nỗi lo sợ về “hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect) trong cuộc sống. Mình rất đồng cảm với quan tâm của bạn, một bậc phụ huynh trăn trở nhiều vì con cái, mong bạn sớm tìm ra giải pháp cho gia đình. Tiện thể mình muốn nhắc đến một mẫu chuyện nhỏ mới đây, phiếm chút cho vui :-).

Tuần rồi, mình chở con đi công viên quốc gia Shenandoah ở Virginia. Cung đường đèo Blue Ridge Parkway ở miền đông nước Mỹ trãi dài gần 7 trăm cây số, xuyên qua 2 công viên quốc gia Shenandoah (bang VA) và Great Smoky Mountains (bang NC), nằm giữa rặng núi Appalachian Mountains. Hàng năm đến mùa này rất đông du khách kéo về đây để thưởng thức mùa Thu. Mình thì năm nào cũng vậy, nếu có mặt ở Mỹ vào dịp này, đều ráng chạy lên đây chơi vài ngày. Lá vàng, lá đỏ ... trùng trùng điệp điệp, lái xe trên đèo hàng trăm cây số, ngút ngàn hoa lá. Thường thì mình bắt đầu lên đèo từ đoạn Ashville NC, nhưng năm nay mấy đứa nhỏ muốn bắt đầu ở Shenandoah VA, để tiện đường ghé thăm nhà ông Thomas Jefferson ở Monticello. 



Thomas Jefferson là vị tổng thống thứ 3 của nước Mỹ và là cha đẻ của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. (Mở ngoặc chút, trong bản tuyên ngôn độc lập của VNDCCH ngày 2/9/1945, cụ HCM có "echo" lại phần mở đầu từ bản Tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson). Ông Jefferson là một vị tổng thống đa tài, hùng biện, và có nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử nước Mỹ. Ông đã đặt nền tảng cần thiết trong một số lãnh vực quan trọng như luật pháp và giáo dục cho những thế hệ đi sau. Rất nhiều người thần tượng ông, tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có khá nhiều tranh cãi về việc sở hữu nô lệ và chuyện tình ái của ông thời bấy giờ. Ngày nay, tại thủ đô Washington DC, tượng đài của ông và tượng đài của tổng thổng Lincoln hàng năm có hàng triệu người từ các quốc gia khác đến chiêm ngưỡng. Ngôi nhà của ông ở Monticello VA, hàng ngày cũng có rất nhiều người đến tham quan du lịch. 

Ông xuất thân từ một gia đình giàu có, thừa hưởng hàng ngàn mẫu đất, nhưng tính tự lập cao. Ông tự học hỏi, tự vẽ mẫu xây nhà, tự mướn người trồng trọt nương rẫy, trồng khoai trồng bắp, tự cung tự cấp, tự thiết kế ý tưởng cho trường đại học VA ..v.v.. Từng làm đại sứ, thống đốc, bộ trưởng, phó tổng thống, tổng thống ....nhưng đến khi chết, cũng chỉ yêu cầu được chôn cất khiêm tốn, nhỏ bé bên vợ con ở góc vườn nhà. Mặc dù ông có hơn 5000 mẫu đất và từng là một vị thống đốc, tổng thống tài ba của đất nước Hoa kỳ, nhưng mồ mả và nhà cửa của ông nếu đem so sánh với nhiều vị quan chức cấp tỉnh hoặc cấp thành phố ở VN thôi, thì đã "không có cửa" rồi. Nói cho vui vậy thôi, chứ so sánh tài trí kiểu nào thì cũng khập khiễng :-) .




Nhưng chuyện mồ mả, nhà cửa của mấy ông tổng thống Mỹ không phải là điều mình muốn nói đến ở đây. Vì thời buổi này du lịch rộng mở, thông tin tràn ngập, nên ai cũng biết cả rồi. Điều mà mình muốn nói đến là tính "thần tượng" về một nhân vật lịch sử. Hôm rồi, ngồi uống nước với mấy đứa con ở Monticello, nghe tụi nó phê phán cách đối xử của Thomas Jefferson với Sally Hemings, mình mừng ghê. Mừng là con cái đã có chính kiến riêng của nó, không phải thần tượng ai một cách mù quáng. Tôn trọng là tôn trọng, nhưng chuyện đúng sai của lịch sử cần phải được minh bạch, rõ ràng. Sally Hemings là một người phụ nữ nô lệ da màu, từng có 4 người con với Thomas Jefferson. Tất nhiên vào thời kỳ đó, với địa vị của ông, chuyện ăn ngủ với một người nô lệ da màu quả nhiên không nhỏ chút nào, và mãi cho đến nay lịch sử ghi lại vẫn còn nhiều uẩn khúc. Hiện nay, trong khu vườn của ông Jefferson ở Monticello vẫn còn gìn giữ dấu tích một căn phòng nhỏ, không cửa sổ, từng dành cho cô Sally Hemings năm xưa. Chính vì tận mắt thấy được căn phòng này làm cho mấy đứa con mình càng bức xúc hơn :-)

Mình góp ý kiến với mấy đứa nhỏ là ai cũng có những khuyết điểm hoặc lỗi lầm, cho dù là tài ba hoặc đạo đức đến đâu, ăn thua là cách họ xử lý những sai phạm như thế nào. Đó là chưa nói đến quan niệm "đúng, sai" nhiều khi chỉ dựa vào suy nghĩ chủ quan của mỗi cá nhân, hoặc tin tức phiếm diện của giới truyền thông, hoặc ảnh hưởng từ quan điểm lập trường chính trị của các thể chế và đảng phái. Bởi vậy, chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc vì đã may mắn được sống trong một thể chế chính trị dân chủ, được công khai tìm hiểu và tranh luận, cũng như được tự do phê phán những sai lầm đó. Một số quốc gia trên thế giới hiện nay người dân vẫn không có quyền công khai phê phán lãnh đạo của họ. Và đó cũng chính là cơ hội thử thách cho các thế hệ sau, cần học hỏi và hiểu rõ sự thật về lịch sử, để có những thay đổi và cải cách tiến bộ hơn. Ví dụ như chuyện mèo mỡ của ông Jefferson ngày xưa, nếu sau đó chính quyền dấu diếm hết, cấm tiệt truyền thông, thì làm sao chúng ta biết được ? Nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn tuyệt đối minh bạch, nhưng trong một thể chế dân chủ thì sẽ ít gặp những trường hợp bưng bít, hư cấu, hoặc tuyên truyền bóp méo sự thật.
Thực tế cho đến ngày nay một số ít quốc gia trên thế giới vẫn còn áp dụng chính sách "thần tượng hoá" cá nhân như một quốc sách. Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng ở một số nơi vẫn còn tình trạng không cho phép người dân có quyền được biết những chuyện xấu xa của lãnh đạo, cho dù trong quá khứ hoặc hiện tại. Dân chúng không được quyền công khai thảo luận những sai phạm hoặc khuyết điểm của các cấp lãnh đạo, thậm chỉ kể cả việc phê phán lỗi lầm của những vị chức sắc tầm thường. Có nhiều người cuồng tín đến mức độ cho rằng đã là thần tượng thì không thể có lỗi lầm, thần tượng làm cái gì cũng hay, nói cái gì cũng đúng. Tất nhiên là nơi nào thông tin càng bưng bít, sự thật càng cấm đoán, thì chuyện hiểu sai, hiểu lầm là bình thường. Có nhiều người dẫu biết được sự thật, nhất là chuyện thâm cung bí sử, thì cũng sống để bụng chết mang theo, rồi cứ thế mà lụi tàn theo năm tháng. Và cũng chính vì những việc tuyên truyền hư cấu, thiêu dệt thần tượng, bóp méo sự thật, thiếu thông tin, thiếu tư duy phản biện, nên mới xảy ra nhiều trường hợp tôn thờ thái quá và cuồng thần tượng dựa trên những điều không có thực. Dĩ nhiên ở đó, hiệu ứng đám đông cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển và duy trì những kiểu tôn thờ cuồng tín lệch lạc này !

Nhưng thực ra thì không phải chỉ có những quốc gia độc tài hoặc chậm tiến, mới gặp những hiện tượng tôn thờ thần tượng một cách mù quáng. Mà ngay cả những quốc gia văn minh, dân chủ như Mỹ, hiện tượng tôn thờ “cuồng thần tượng" vẫn xảy ra nhan nhản, chỉ là ít hay nhiều thôi. Bởi vậy chuyện tin giả, tin vịt, phải trái bất phân, cuồng tín, quá khích, bạo động vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu có khác nhau là so với các nước độc tài, thì thông tin ở những xứ tự do đa số là minh bạch, ai cũng có quyền được nói, được nghe, được biết, được hiểu ...v.v... Thế nhưng họ có chịu lắng nghe một cách khách quan hay không, hoặc có hiểu đúng vấn đề hay không, lại là một vấn đề khác. Nói chung là ở bất kỳ quốc gia nào, vấn nạn "cuồng thần tượng" mù quáng, hoặc giáo điều cực đoan, đều rất cần thiết được xã hội quan tâm đúng mức. Nếu không, thì sớm muộn gì cũng trở thành quốc nạn, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho con người và xã hội.

Riêng mình, vốn không thích thần tượng ai, và cũng không hề quan niệm sự duy mỹ tuyệt đối, cho nên xưa nay chỉ tùy việc tùy người mà trọng thị. Vi dụ như có ai nhắc đến ông tổng thống Jefferson, thì ngoài chuyện kính nể ông về những đóng góp cho Hiến pháp HK và quyền tự do tôn giáo, mình phục nhất là chuyện ông đầu tư địa ốc :-). So với những đại gia lấy đất quốc gia phân lô bán nền phục vụ cho lợi ích cá nhân lợi ích nhóm, thì ông Thomas Jefferson lại đi mua đất, làm lợi cho đất nước Mỹ rất nhiều. Lousiana, một tiểu bang to lớn đến thế, dầu mỏ, tài nguyên, cá mắm nhiều đến thế, đặc biệt còn là thủ phủ của crawfish và nhạc Jazz. Vậy mà ổng không cần cò đất, cũng không cần bìa thư, tiền lại quả, tiền cà phê, chỉ mua lại của Pháp với giá 15 triệu đô. Tính ra còn rẻ hơn một miếng đất nho nhỏ ở Thủ Thiêm quê nhà hôm nay :-).

Thôi mến chúc mọi người vui vẻ. Hẹn sau !

PN




1 comment:

  1. " Thôi đừng ray rứt, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu..."

    ReplyDelete

Comments: