Friday, September 16, 2022

Tản mạn cuối tuần: Chuyện Nobel thơ !


 

Tuần trước mình có phỏng dịch bài thơ của một cô bé gốc Việt, mới đọat giải thưởng Nhà thơ trẻ toàn quốc của Mỹ vào năm ngoái. Có một vài anh chị em email hỏi mình, sao văn chương của TQ và VN hay như vậy, sâu sắc như vậy, số lượng nhà thơ nhà văn cũng nhiều hơn thiên hạ, nhiều người tài, mà không thấy ai được nhận giải Nobel văn chương bao giờ ?

Thực ra câu hỏi này thì phải nên hỏi mấy ông chấm giải Nobel :-). Còn chuyện khen chê hay dở là những câu chuyện dài, tuỳ theo cảm tính và lý tính của mỗi người, cũng như tuỳ theo cái "gu" thưởng thức của người đọc. Nói đến đây mình nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm, có một buổi hoà nhạc nổi tiếng được tổ chức, khách mời toàn là những đại gia mệnh phụ, giáo sư tiến sĩ, trí thức, "đại" văn nghệ sĩ, tai to mặt lớn của thành phố. Mở màn, cả một dàn nhạc quy mô với sự có mặt của nhiều nhạc công, nhạc sĩ tên tuổi, nên ai cũng phấn khích, im lặng chăm chú theo dõi, không ai nói chuyện với ai. Buổi trình diễn được kéo dài khoảng 15 phút, mọi người đang im phăng phắc thưởng thức, thì người trưởng ban tổ chức bước ra xin lỗi - "Dạ kính thưa quý vị, xin thành thật xin lỗi vì nãy giờ vì lý do kỹ thuật nên không có âm thanh". Lúc đó, khách mời mới bẽn lẽn …. không thèm nhìn nhau :-).

Trở lại chuyện Nobel văn chương, thực ra lâu nay các nước châu Á rất ít khi đoạt được giải thưởng này. Các giải Nobel thuộc về vật lý, y khoa, hoà bình, thỉnh thoảng có nghe thấy, nhưng về văn chương thì rất hiếm hoi. Riêng nói đến chuyện làm thơ mà đọat giải Nobel thì lại càng hiếm hoi hơn. Mặc dù những nước như TQ và VN, khi nói đến thi sĩ thì không thể đếm hết được, thậm chí có nhiều người còn được ban phát chức quyền, được ăn lương chính phủ chỉ để làm thơ thôi. Nhưng thực tế thì xưa nay chỉ có mình ông Targore (Ấn độ) là nhà thơ châu Á duy nhất, từng đoạt giải Nobel văn chuơng. Còn TQ thì mãi đến mấy năm gần đây mới có được giải thưởng Nobel văn chương duy nhất của ông nhà văn Mo Yan. Mà để đoạt được giải thưởng Nobel văn chương ở một đất nước như TQ, thì đúng ra Hội đồng giải thưởng Nobel phải phát thêm cho ông Mo Yan vài giải thưởng nữa về sự khéo léo, bền bĩ nhẫn nhục, và chịu đựng. Riêng về vụ này thì mấy ông văn nghệ sĩ chân chính hiểu rõ hơn ai hết. Và tất nhiên là những nhà thơ làm theo kê toa, theo đơn đặt hàng, hư cấu, sáo rỗng, thổi phồng .... thì thường không có cơ hội để đoạt giải Nobel thơ :-).

Nói đến Targore, thì quá nhiều người VN đã biết về ông, nên mình không cần giới thiệu thêm nữa. Ông cũng là một trong những nhà văn, nhà thơ, triết gia, có nhiều cố gắng và thành tựu nhất trong việc kết nối cũng như chuyển tải những tư tưởng hoà nhập văn hoá Đông & Tây. Mình thì thích nhất một câu nói của ông, có phảng phất chút tư tưởng của PG. Đó là "You can't cross the sea merely by standing and staring at the water". (Tạm dịch: Không ai có thể vượt qua biển lớn mà chỉ đứng trên bờ ngắm nước). Cho nên mỗi khi đi họp hành, hay đọc tin tức gì đó, mà nghe mấy ông sếp lớn tuyên bố .... "chúng ta vươn ra biển lớn"... là mình nhớ đến câu nói này :-).

Thật ra từ khi bắt đầu có giải thưởng Nobel (1901), rất ít nhà thơ đoạt được giải thưởng cao quý đó. Có thể là so với các tác phẩm văn chương, thì thơ ca gặp nhiều giới hạn hơn trong việc diễn đạt chăng ? Mình không rõ lắm, chỉ trộm nghĩ vậy. Còn những nhà thơ lớn của thế giới thì thời xa xưa cũng có,  nhưng hồi đó lại chưa có những giải thưởng lớn như bây giờ. Nhắc đến những nhà thơ từng đọat giải Nobel, thì đa số các trường học ở Mỹ đều có dạy hoặc có giới thiệu cho học sinh, nhưng mấy ai còn nhớ ? ví dụ như Rudyard Kipling, Romain Rolland, W.B. Yeats, T.S. Eliot ...etc. Tuy nhiên, có một nhà thơ nữ người Ba Lan, mặc dù không nổi tiếng như những thi sĩ kia, nhưng mình lại rất ấn tượng về bà. Nhớ lại thời thập niên 90, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đế chế Xô Viết vừa tan rã, chiến tranh vẫn còn là những điều ám ảnh rất lớn đối với thế giới thời bấy giờ. Bà Wisława Szymborska, một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, đã nổi bật với những bài thơ viết về sự thật hoang tàn và đổ nát của những cuộc chiến. Những bài thơ của bà đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.

Bà Szymborska đoạt giải thưởng Nobel văn chương vào khoảng năm 1995/1996 gì đó, thời VN vừa mới mở cửa giao thương với thế giới. Một bài thơ rất nổi tiếng của bà là "The End and the Begining" (tạm dịch: Kết thúc và bắt đầu). Nhớ lúc đó đọc bài thơ này, mình cứ nghĩ đến hoàn cảnh của đất nước VN, vì có nhiều điểm rất tương đồng. Nhưng rồi nhiều năm sau đó, có dịp trở lại quê nhà, cũng như có dịp tiếp xúc với nhiều người VK ở nước ngoài hơn, mình hiểu ra thêm nhiều điều…. Và tất nhiên chuyện gì cũng vậy, cái cũ chưa kết thúc thì cái mới cũng không thể bắt đầu !

Thôi, hy vọng đã trả lời được phần nào câu hỏi của anh chị - tại sao VN ta & TQ nhiều thi sĩ quá, mà chưa ai đọat giải Nobel ? Thân chúc tất cả một cuối tuần an vui.

PN

----------

The End and the Beginning

After every war
someone has to clean up.
Things won’t
straighten themselves up, after all.

Someone has to push the rubble
to the side of the road,
so the corpse-filled wagons
can pass.

Someone has to get mired
in scum and ashes,
sofa springs,
splintered glass,
and bloody rags.

Someone has to drag in a girder
to prop up a wall.
Someone has to glaze a window,
rehang a door.

Photogenic it’s not,
and takes years.
All the cameras have left
for another war.

We’ll need the bridges back,
and new railway stations.
Sleeves will go ragged
from rolling them up.

Someone, broom in hand,
still recalls the way it was.
Someone else listens
and nods with unsevered head.
But already there are those nearby
starting to mill about
who will find it dull.

From out of the bushes
sometimes someone still unearths
rusted-out arguments
and carries them to the garbage pile.

Those who knew
what was going on here
must make way for
those who know little.
And less than little.
And finally as little as nothing.

In the grass that has overgrown
causes and effects,
someone must be stretched out
blade of grass in his mouth
gazing at the clouds.

(By Wisława Szymborska
Translated by Joanna Trzeciak)


No comments:

Post a Comment

Comments: