Thursday, August 24, 2017

Phiếm: chuyện thường lệ

Chia tay một sự thường lệ có khi không thường lệ chút nào !

Người dân Luân Đôn hôm đầu tuần đã phát biểu như thế khi Big Ben tạm ngừng hoạt động. Nhiều người khóc lóc thảm thiết cho dù chỉ tạm chia tay với những tiếng gõ nhịp của Big Ben từ bây giờ cho đến năm 2021. (Mở ngoặc chút, tháp đồng hồ Big Ben, biểu tượng của London, đã làm việc không ngừng nghỉ hơn 150 năm, giờ cần giải lao 4 năm, để tút lại dung nhan). Đơn giản là thế !

Riêng mình thì cảm nhận được phần nào những giọt nước mắt của người London. Nhớ hồi còn ở bên Anh, lâu lâu cũng thường ghé cái McDonald bên kia cầu Westminter, đối diện với Big Ben, làm cái Big Mac cho đỡ ghiền :-). Thời đó còn chưa có London Eye, ngồi bệt bên bờ sông Thames, mơ mơ màng màng, nghe Big Ben gõ nhịp. Nhìn những chiếc canoe thoăn thoắt nhẹ nhàng trôi về phía cuối sông lững lờ.... Thường lệ quá, tầm thường quá, nhưng rồi chợt nhận ra chút gì thiêu thiếu khi quay về lại Mỹ. Có lẽ người London cũng thế. Một ngày như mọi ngày, những thứ quen thuộc rất ư tầm thường như Big Ben, Place of Westminter, Tower Bridge, Trafalgar Square, Buckingham, St Paul's Catheral .... đi lại mỗi ngày, rồi một lúc nào đó mới giật mình nhận ra những khoảng trống cần thiết !

Mà thế giới này chắc ai cũng thế. Cái gì có trong tay ít biết quý giá, cho đến khi thật sự mất đi. Nhớ hồi nhỏ cũng vậy, nhà gần nhà thờ, trường học cũng gần nhà thờ. Tiếng chuông mỗi ngày trở thành quen thuộc qúa, tầm thường qúa, mãi cho đến lúc đi xa mới nhớ.
Lớn lên chút nữa, tập tành yêu đương, cafe thuốc lá, nhạc vàng nhạc đỏ, quán cóc la cà, ngắm nhìn thiên hạ ngược xuôi mỗi ngày. Những con phố thân quen đầy ắp vui buồn, thượng vàng hạ cám, đủ thứ. Phô trương, vỗ về, nghiệt ngã, tàn nhẫn, lừa lọc. tin yêu .... tất cả đều thực và sống động. Lúc gần cứ như thường lệ, đến lúc xa rồi mới thấy không bình thường, quay quắt nhớ.

Đã có những lúc mình hồi hàng giờ nhớ lại con đường xưa và những hình ảnh quen thuộc. Có khi là những nguoi thanh niên quen thuộc, cách mạng mùa, vừa đổi thay y phục, hô hào vinh danh nếp sống mới. Có khi là những  chàng trai lãng tử thất chí, tóc tai bù xù, cuối đầu lầm lũi, lẩm bẩm suy tư cố tìm lối thoát. Có khi là những người lính hớn hở, chút ngơ ngác, lưng ba lô, vai mang đài, tay cầm tay xách. Có khi là những người lính khác gầy gò câm nín trở về, lê la phố thị, cố tìm lẽ sống. Những người thiếu thụ đổi đời, vai gánh tay mang, tần tảo nuôi con. Những người con gái e lệ, thướt tha như thiên thần, cuối đầu rảo bước như nhanh chân trốn chạy những cặp mắt cú vọ của đám con trai. Những tiếng rao hờ hững, những gánh hàng rong, những chiếc xe đẩy, ba gác, xích lô, còng lưng miệt mài giữa bể nắng trưa. Những mái đầu xanh sạm nắng vàng hoe, những cụ già khô héo run rẩy đôi tờ vé số, vài xâu mía ghim, bọc cóc túi xoài, vụng về cột gói .vv....
Đói nghèo và ca tụng, câm nín và nhẫn nhục. Chuyện bình thường. Tất cả đều là những thứ thường lệ của xã hội. Rồi mọi người vẫn lạc quan để sống. Vẫn cần một sự lãng mạn cần thiết để tồn tại trong xã hội khốn khổ thời bấy giờ. Đám bọn mình ngày đó thần tượng Đinh Hùng, Nguyễn tất Nhiên, Vũ Hoàng Chương, Phạm thiên Thư, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng .... chỉ vì họ dám yêu dám viết. Chỉ vì trong mớ ngôn ngữ hào phóng ấy dường như có chút của riêng mình. Vẫn nghêu ngao Từ công Phụng, Lê Uyên Phương ... như để tự an ủi cái "vũng lầy của chúng ta". Vẫn tự hào chuyền tay nhau E.M. Remarque, Sholokhov với những "Chiến Hữu, Bia mộ đen của bầy diều hâu gãy cánh, Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, Một thời để yêu một thời để chết, Sông Đông êm đềm ...",  bên cạnh những "Thép đã tôi thế đấy , Ruồi trâu " đầy rẫy mỗi ngày..... Và còn bao nhiêu thứ trằn trọc nữa, bình thường như một thường lệ.

Để rồi cho tới một ngày kia thực sự chia xa những điều bình thường ấy, mới da diết nhớ. Đôi khi một tiếng chuông chiều, một câu thơ, một bài nhạc, một bóng dáng đi qua .... đủ làm ngẩn ngơ cả buổi chiều nơi xứ lạ. Cho nên đúng là chia tay một thường lệ có khi không dễ dàng chút nào. Càng khó hơn nữa khi phải chia tay với những thứ đã từng thân thuộc, gần gũi, ngay chính trên quê hương mình. Có lẽ vậy !





No comments:

Post a Comment

Comments: