Friday, August 04, 2017

Phiếm: Được và mất,

Lâu nay, khái niệm "được, mất" vẫn thường được người ta nhắc đến và bàn luận nhiều trong đời sống hàng ngày. Từ quan hệ cá nhân, quan hệ gia đình, cho đến quốc gia và những quan hệ quốc tế rộng lớn khác. Trong cuộc sống vốn có những thứ tưởng chừng được lại là mất, có những thứ tưởng như mất lại là được. Nhiều người lý giải cao siêu về sự "được mất" bằng những luận thuyết âm dương, đạo lý ying yang, phận số, tử vi, kinh Dịch, "trời cho tay này, lấy lại tay khác" .v.v... Mình thì nghĩ đơn giản là do yếu tố con người, đại đa số đều có thể tự định đọat cái được & mất trong cuộc sống của chính họ. Còn đối với việc trọng đại như quốc gia dân tộc, lãnh đạo đất nước, thì cái toan tính "được mất" lại càng quan trọng, thường được cân nhắc cẩn trọng hơn nhiều, bởi tầm ảnh hưởng và những hệ luỵ có khi kéo dài cả bao nhiêu thế hệ.

Nhìn lại lịch sử VN có những bài học nặng nhẹ, được mất, của tiền nhân mà thiên hạ muôn đời kính nể. Không thể là những tư duy lãnh đạo tầm thường, quanh quẩn lợi ích phe nhóm, mà có được những điển tích anh hùng như Nguyễn Trãi, Lê Đại Hành, Trần hưng Đạo, Trần Nhân Tông ... bỏ thù nhà mang nợ nước, bỏ cái riêng lấy cái chung, đánh đổi cái "mất" của bản thân để lấy cái "được" cho thiên hạ, bỏ cái vinh quang nhất thời đổi lấy cái thái bình lâu dài cho dân tộc !

Dông dài như thế là vì mấy hôm nay báo chí trong nước ngoài nước, rồi mạng xã hội lề trái lề phải, xôn xao quá nhiều về câu chuyện anh chàng dầu khí Trịnh xuân Thanh (TXT). Tự nhiên làm mình lan man nghĩ đến cái khía cạnh được & mất của câu chuyện. Đúng ra có hai vấn đề khác nhau:

1 - TXT là nghi can bị khởi tố tội tham quan, tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước. (Khi chưa xử án, thì anh ta vẫn là nghi can, chứ không phải tội phạm). Thiết nghĩ, lâu nay dân lành ai cũng ủng hộ công cuộc chống tham nhũng, bởi tham nhũng là nguyên nhân hàng đầu đưa nước nhà vào con đường khánh kiệt. Đặc biệt là tham nhũng trên mồ hôi xương máu của người dân. Cho nên cần phải xử phạt phân minh và ngăn chận vấn nạn tham nhũng, cửa quyền. Đó là chuyện tất nhiên và cần thiết. Còn câu hỏi tại sao, cơ chế thế nào mà tạo điều kiện cho nhiều quan chức tham nhũng thế, lại là câu chuyện dài khác, không bàn ở đây.

Cứ như những chuyện thường ngày ở huyện, lâu lâu khui ra vài đại gia hoặc tham quan, là có liên quan tới vấn đề tham nhũng ăn cắp, lạm dụng chức quyền, vô trách nhiệm. Dĩ nhiên thì cuối ngày người dân đen phải gánh chịu những thiệt thòi mất mát đó, trực tiếp hoặc gián tiếp. Thế thì chống tham nhũng, bắt những đại gia, trừng phạt những lỗi lầm đại án tiểu án, rồi có đền bù được những mất mát cho nước nhà hay chăng? Thi hành án, thu hồi tài sản, hay 10 năm, 20 năm, 30 năm ngồi tù ... rồi đất nước và người dân được gì ? Những ngày kế tiếp có bảo đảm những đại gia khác, nhóm lợi ích khác, ít tham nhũng hơn chăng ? Chưa nói đến là đôi khi kẻ xấu lại lợi dụng công cuộc chống tham nhũng để tạo dựng những cái riêng khác cho cho bản thân họ, cho lợi ích nhóm. Hoặc để giải quyết mâu thuẩn riêng, thì điều đó càng tệ hại hơn. Lâu nay trên thế giới cũng vậy, tội phạm đi sau càng nguy hiểm, vì càng có nhiều kinh nghiệm và che đậy khéo léo hơn những người đi trước.

Thật ra, cho đến ngày hôm nay, cũng không hiếm lắm những người hiểu rõ cội rễ & nguyên nhân xa gần của quốc nạn tham nhũng. Nhưng rồi vấn đề rốt ráo cốt lõi của giải pháp chống tham nhũng, lại là những câu chuyện "được mất". Xóa tận gốc hay chỉ giải quyết cái ngọn tạm thời ? Những cơ chế lợi ích chồng chất. Từ được mất của cái riêng vs. cái chung, của lợi ích xã hội vs. lợi ích nhóm, cho đến được mất của bản thân vs. của đất nước. Những xung đột và mâu thuẩn quyền lợi đó mãi mãi vẫn là nỗi trăn trở của nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng ở Vietnam. Suy cho cùng, thịnh suy của một dân tộc, một chính thể, một chế độ, cũng bắt đầu từ những sự hy sinh đánh đổi của con người giữa "được" và "mất". Dám bỏ cái sai lấy cái đúng, dám hy sinh lợi ích cá nhân để được cái quyền lợi cho đất nước.

2 - Vấn đề thứ hai ở đây, quan trọng hơn, là cách xử lý tội phạm tham nhũng. Cụ thể trong vụ này là nghi án TXT. Cứ cho rằng TXT có vai trò quan trọng mắc xích trong một đại án nào đó (hy vọng là thế), thì liệu cái "được" và "mất" của chính phủ VN qua sự kiện TXT "đầu thú" có hợp lý không ? Có lẽ điều này liên quan trực tiếp tới những động cơ và mục đích cho sự cần thiết phải có mặt của TXT tại VN. Mà câu chuyện đó thì chỉ có cơ quan chức năng và người trong cuộc mới hiểu rõ được. Nhìn kỹ lại thì cũng là vấn đề "được & mất". Cái "được" thì mình chưa biết, nhưng cái "mất" có lẽ không khó lắm để nhận ra trong những ngày kế tiếp.

Lâu nay, quan hệ quốc tế có những công ước và hành xử riêng của đó. Một khi giong thuyền ra biển lớn hội nhập thế giới bên ngoài, dĩ nhiên cuộc chơi phải tuan theo những quy tắc nhất định. Luật chơi có công bằng không ? Chưa chắc ! Lâu nay vẫn có những luật chơi quan điểm không đồng nhất giữa nước nhỏ và nước lớn. Đó không phải là chuyện ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, có những công ước căn bản và cần thiết mà mọi quốc gia phải tuân theo để duy trì cuộc chơi. Một khi công ước đó phá vỡ, quan hệ ngoại giao phá vỡ, niềm tin đối tác phá vỡ, hậu quả và hệ lụy chắc chắc xảy ra. Nặng hay nhẹ là tuỳ theo mức độ tương quan, lệ thuộc về chính trị, kinh tế, quân sự, quan hệ song phương (hoặc đa phương).... và vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế. Không một quốc gia nào muốn có một tiền lệ bất lợi xảy ra ngay chính trên đất nước họ.

Chiều nay có coi đọan phát biểu của ông Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói về vụ việc của TXT, thấy rất nghiêm trọng. Đã từng có thời gian ở và làm việc tại Đức, mình hiểu được phần nào cái phản ứng của người dân và chính quyền Đức qua sự kiện này. Nhớ hồi còn ở bên Đức, thời kỳ sau bức tường Berlin sụp đổ, có giai đọan vấn nạn buôn thuốc lá lậu và tội phạm của người VN tại Đức nổi lên đình đám. Báo đài nhan nhản, đi vào công sở, chợ búa, chỗ công cọng, mình cũng ngại ngần đôi mắt của người bản xứ. Dĩ nhiên ai cũng biết người VN đi đâu cũng cần cù, làm việc chăm chỉ, nhưng cũng không hiếm những câu chuyện làm nẫu lòng sĩ diện dân tộc. Một đất nước đang đi lên, hoà nhập quốc tế, cần những quan hệ và uy tín nhất định, thì việc cân nhắc nặng nhẹ trong việc tạo dựng niềm tin với các quốc gia khác là vấn đề rất quan trọng.

TXT một nghi can tham quan tắc trách, liệu có cần thiết và đáng để VN bất chấp tất cả, kể cả đánh đổi niềm tin ngoại giao với quốc tế hay chăng ? Một câu hỏi mà nhiều người đang băn khoăn, hay còn lý do hoặc động cơ nào khác ?
Còn sự thật đằng sau câu chuyện "trở về" của TXT, rồi những câu hỏi, tranh cãi, đối đáp, chứng cớ, lý lẽ như tại sao TXT về đến được VN để đầu thú ? tự nguyện hay không tự nguyện ? bắt cóc hay đầu thú ?.... Mình nghĩ chắc không khó khăn lắm để trả lời so với nghiệp vụ điều tra của an ninh thế giới ngày nay, nhất là an ninh VN.

Thật tình là mấy hôm nay đọc tin tức VN ở đâu cũng nghe chuyện này, phát chán. Ngay cả một câu chuyện khác quan trọng hơn nhiều như sự kiện bãi Tư Chính ngoài khơi biển Đông VN, cũng phải nhường chỗ cho câu chuyện nóng bỏng "đập chuột vỡ bình" này. Tính ra, cái giá của một ông quan nhỏ với nghi án thiếu trách nhiệm & tham nhũng (chưa bị kết án) lại quan trọng đến thế. Đáng không ? Để trả lời rõ ràng, phải nhìn kỹ lại giá trị "được mất" của vụ việc TXT đem lại cho đất nước và con người VN hôm nay & ngày mai.

Và tất nhiên lý lẽ quan trọng sau cùng của cuộc chơi ngoại giao quốc tế vẫn là ai tin ai, ai cần ai. Được mất của một đất nước thường bắt đầu từ những câu chuyện như thế này !

PN
The greatness of a nation can be judged by the way its animals are treated. (Mahatma Gandhi)





No comments:

Post a Comment

Comments: