Saturday, March 31, 2018

Công bằng ?


Mới hôm rồi về nhà, chạy ngang Cầu Bông mua heo quay bánh hỏi, đi qua Lăng Ông. Vẫn còn tháng Giêng, ghé viếng thăm Lăng chút rồi đi. Dọc đường, cậu tài xế hỏi:
- Sao Lăng Ông thì vẫn còn, mà không thấy đặt tên đường nào cả anh hén ?
Ừ, lâu nay mình vẫn biết thế nhưng chẳng ai hỏi, ai nhắc, rồi cũng quên. Mình nghĩ nếu Sài Gòn mà không có tên đường Lê Văn Duyệt là quá thiếu sót, quá nhỏ nhen.

Một vị Tổng Trấn lâu đời nhất, đã có công kiến tạo Sài Gòn Gia Định phát triển rực rỡ thời ban đầu, khiến người ngoại quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha ... phải thán phục và tôn kính. Dân chúng ai cũng kính cẩn gọi Ngài là Cụ Thượng. Chính sách an ninh nghiêm khắc, văn hoá an dân, xây dựng thương cảng, giao thương rộng mở, ưu đãi ngoại thương, bình đẳng tôn giáo, bang giao hữu hảo với láng giềng Chân Lạp Xiêm La, nghiêm trị bọn tham quan cửa quyền. Hỏi thử mấy thế kỷ sau, cho đến bây giờ, có bao ngài thị trưởng, đô trưởng, hoặc lãnh đạo của SG, đã có tư duy và tài năng làm được như thế ?

Nội điểm sơ qua cái trí tuệ của các cuộc dẹp loạn bình an dân từ Nam ra Bắc. Cái sáng suốt xây dựng kinh tế thương mại và phồn thịnh đất nước. Cái can đảm dám ngăn vua GL không truyền ngôi cho Minh Mạng. Cái dũng khí xử tử tham quan, kể cả phó tổng trấn Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng). Cái sĩ & trung nghĩa của một vị quan vì dân vì nước, không nịnh nọt bợ đỡ bề trên, không sợ cường quyền, không tham nhũng hối lộ.... Bấy nhiêu đó cũng đáng cho người đời tôn kính và noi theo rồi. Thế thì tại sao tên Ông không được đặt cho con đường nào cả, đặc biệt ngay chính trên cái thành phố mà Ông đã có công kiến tạo nên ?

Mình không rõ lắm, nhưng nghĩ có thể là liên quan đến việc làm quan thời Gia Long, chứ không phải vì câu chuyện Lê Văn Khôi. (Mở ngoặc chút, nội cái chuyện Gia Long là công hay tội, mà không biết đã có bao nhiêu sử gia miệt mài năm tháng, rồi mỗi ông nói một nẻo. Người sợ, kẻ làm thinh, tới giờ vẫn chưa dám trả lại sự thật cho lịch sử   :-)). Xưa nay, tất nhiên là đại đa số người dân sống dưới chế độ nào thì phải làm việc cho chế độ đó, đặc biệt là dưới thời phong kiến, mang nặng ý thức hệ bề tôi, quần thần. Có người đi làm vì mưu sinh, vì trách nhiệm. Có người phụng sự vì lý tưởng. Nhưng bên cạnh đó cũng có kẻ chỉ vì cơ hội, hám danh hám lợi, cậy quyền cậy thế, xu nịnh hà hiếp người khác. Quan cũng thế mà vua cũng vậy. Còn triều đại đó có xứng đáng được vinh danh hay không, có đem lại sự thịnh vượng cho nước nhà hay không, lại là một góc cạnh khác. Lịch sử dân tộc nào cũng vậy, cũng sẽ ghi nhận và đánh giá điều đó rõ ràng, cho dù có những giai đoạn bị bóp méo xuyên tạc. Thời nay cũng thế thôi, "ăn cơm chúa phải múa tối ngày", còn chuyện ai tốt ai xấu thì khó lường cho đến khi bị lộ :-). Nhiều quan lại bây giờ có khi còn thua xa các vị quan ngày xưa về sự can đảm, trung nghĩa, lòng tự trọng & ái quốc thương dân.

Vậy thì chỉ vì có định kiến với triều đại nhà Nguyễn (chủ yếu là Gia Long), mà bao nhiêu công trạng của các vua quan nhà Nguyễn, Chúa Nguyễn, đều bỏ cả sao ? Hàng trăm năm mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước cho chúng ta có được VN hôm nay, đều xấu cả sao ? Những con đường, những ngôi trường, những đền đài, mang tên Minh Mạng, Duy Tân, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giản.... đều phải gỡ bỏ hết sao ?
Thực ra nhiều người cũng thắc mắc tại sao triều đại nhà Nguyễn bắt đầu từ vua Gia Long đều không được trọng thị, tất cả tên hiệu của vua quan đều bị gỡ xuống. Có người cho rằng vì triều Gia Long là triều đại phong kiến cuối cùng. Có người cho rằng vì nhà Nguyễn về sau yếu kém nên để Pháp đô hộ. Có người cho rằng vì Nguyễn Ánh đi cầu viện nước ngoài để giành lại đất nước .v.v.... Mình thì luôn nghĩ nên có cái nhìn khách quan vào hoàn cảnh xã hội và chính trị mỗi thời kỳ, cũng như bối cảnh chính trị thế giới của từng giai đoạn lịch sử, để đánh giá công tội của các bậc tiền nhân công bằng hơn. Thời đại ngày nay cũng có những quốc gia trên thế giới nhờ cậy sự giúp đỡ chi viện từ nước ngoài, hoặc dựa dẫm quan hệ quốc tế để giành lại chính quyền, hoặc đi theo chủ thuyết ngoại bang để xây dựng đất nước. Chẳng lẽ đời sau cũng xoá sạch công trạng của họ sao ? Không. Mình nghĩ đời sau phải nên công bằng để luận công và tội của các tiền nhân. Càng không nên gieo vào đầu của những thế hệ trẻ những hận thù vô cớ & những quan niệm dựa trên ý thức hệ sai lệch và chủ quan. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia dạy dỗ con nít sự công bằng (fairness) và lòng vị tha (forgiveness) từ hồi còn mang bỉm, mang tã.

Không ai phủ nhận công trạng của các bậc anh hùng tiền nhân đối với đất nước, nhưng cũng phải chấp nhận sự thật rằng ai cũng có những khiếm khuyết nhất định của họ. Vua chúa cũng thế, mà quần thần cũng thế. Ví dụ: Quang Trung tài ba, anh dũng, nhưng khi thành công lại đào mồ các Chúa Nguyễn. Cho nên Gia Long lên ngôi, lại truy sát tận diệt Tây Sơn là thế. Lâu nay vẫn thường vậy, đời sau "xử" đời trước. VN và Tàu ngày xưa luôn luôn bị lôi cuốn vào những bi kịch này, nên nội chiến triền miên, không tận dụng được tính kế thừa, chậm tiến so với thế giới phương Tây. Thử hỏi bao nhiêu công việc bận rộn để trả thù và gieo rắt hận thù như thế, rồi lo xây dựng tượng đài, lo xây lăng tẩm mồ mả, rồi lo dấu đi cho khỏi bị đập phá, lo yếm phong thuỷ địa lý để kéo dài thời đại, lo phô trương, rồi lo đi cầu hàng .....thì còn lại bao nhiêu thời gian để xây dựng đất nước và chăm lo đời sống người dân ? Thực ra Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn anh dũng, giỏi chiến đấu, giành được non sông nhưng lại yếu kém về mặt xây dựng đất nước. Quân đội đa phần là nông dân nổi dậy, chỉ giỏi đánh nhau. Đặc biệt là sau khi vua Quang Trung mất, triều đình suy thoái loạn lạc, tranh giành quyền lực. Người dân phải chịu nhiều khổ lụy, nhất là dân miền Nam và miền Tây Nam bộ, nên họ ủng hộ Nguyễn Ánh phục hưng. Người ta thường nói, đánh lộn thì dễ, làm hoà mới khó. Giành nước thì dễ, xây dựng quốc gia mới khó. Nhưng nếu không biết công bằng giữa công và tội, không phân minh giữa tốt và xấu, thì làm sao làm hoà, làm sao xây dựng kiến tạo ?

Nhớ hồi mình còn nhỏ đi học, học cả Nguyễn Huệ lẫn Nguyễn Ánh. Có những con đường, trường học, căn cứ huấn luyện, mang tên nhà Tây Sơn như Quang Trung, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ... nhưng cũng có cả tên anh hùng của triều đại Gia Long như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Lê văn Duyệt, Duy Tân.... Suy cho cùng, đất nước nào thời đại nào cũng có những anh hùng tận tụy hy sinh vì nước vì dân, vì quê hương đồng bào của họ. Bên cạnh đó cũng không hiếm bọn bán nước cầu vinh, coi tư lợi trọng hơn quốc gia, cơ hội chủ nghĩa.
Thiết nghĩ, những vị anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước vì dân đều đáng được tri ân. Cho dù ý thức hệ có khác nhau, nặng tính triều đại phong kiến, nhưng có xưa mới có nay. Mỗi thời đại lịch sử có những ưu khuyết nhất định của nó, nhưng không nên vì thế mà phỉ báng tất cả công trạng cao cả của họ với đất nước. Lịch sử phải được công bằng nói lên sự thật. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ trở thành thế hệ "tiền nhân". Liệu ta có mong muốn thế hệ sau có cái nhìn phiếm diện, thiếu công bằng về những người đi trước hay chăng ? Chết là hết. Thiết nghĩ người chết không ai quan tâm đến công trạng thị phi nữa, nhưng người sống phải có trách nhiệm công bằng với công và tội của tiền nhân. Nghĩ vậy !


4 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Có lẽ cái ưu việt của Đảng Cộng Sản Việt Nam là luôn luôn chịu khó sửa sai, có điều
    bất cứ chủ trương hay chính sách nào, dù lớn hay nhỏ cũng chẳng giống ai, sai tuốt và phải đợi ít nhất 40, 50 năm sau mới sửa!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hy vọng ngày mỗi văn minh hơn và ứng xử kịp thời hơn . Chứ muốn sửa sai mà sợ sai thì chừng nào mới sửa :-)

      Delete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete

Comments: