Nhân có người bạn quen hỏi mình câu "làm ơn mắc oán" trong tiếng Việt dịch ra tiếng Anh là gì, nên tào lao một chút cho vui. Thực ra dịch thuật là chuyện không dễ dàng, đặc biệt là dịch những chữ nghĩa hoặc câu cú mang hàm ý sâu sắc. Theo mình đơn giản nhất là tìm trong ngôn ngữ muốn dịch có câu cú nào tương tự rồi bê nguyên vào là dễ nhất. Ví dụ như trong tiếng Anh có câu “No good deed goes unpunished”, cũng có thể tạm dịch là "Làm ơn mắc oán" !
Thực ra thì ngôn ngữ nào cũng vậy, có nhiều lúc không có những từ ngữ tương đồng trong ngôn ngữ khác, buộc phải dịch ý, nên dông dài hơn. Dịch thuật mà không cẩn thận hoặc không hiểu thấu bối cảnh của từ ngữ dễ gây hiểu lầm, đôi lúc rất nghiêm trọng. Nên nhiều trường hợp người ta chỉ dịch ý hoặc phiên âm. Như trong kinh sách Phật Giáo, thường thấy phiên âm thay vì dịch nghĩa. (Ví dụ như chữ Prajna trong tiếng Phạn, chỉ phiên âm thành chữ "Bát Nhã") thôi. Còn thời nay thì khỏi nói rồi, nhiều người còn nhờ cả bác google dịch, nghe rất bá đạo :-).
Giờ trở lại cái đề tài "làm ơn mắc oán". Thực ra thì mấy “thể loại” chuyện này xưa nay nghe hoài, từ trong truyện dân gian cho đến ngoài đời. Bên VN hoặc Châu Á thì nghe nhiều hơn, còn bên Tây thì thỉnh thoảng mới nghe đến. Đại loại như câu chuyện trong Thế Chiến II, một gia đình Do Thái bị bức hại, người con trai cả và trai út chia nhau ra đi tìm người giúp đỡ. Người con trai cả đi tìm những người từng giúp đỡ mình, còn người con trai út thì tìm đến những người bản thân họ từng được anh ta giúp đỡ để nhờ. Kết quả là người con trai cả được cứu, còn người con trai út thì bị bán đứng. Câu chuyện muốn nói đến "Những người đã từng giúp bạn là người thực sự yêu thương bạn, họ không vì mục đích khác. Nhưng những người mà bạn từng giúp đỡ, bạn từng yêu thương, thì chưa chắc sẽ cứu giúp bạn khi bạn gặp khó khăn".
Đó cũng là một trong muôn vàn câu chuyện “làm ơn mắc oán “ thường xảy ra trong cuộc sống này, và cũng không phải là những câu chuyện hay ho gì. Mình thì luôn nghĩ rằng giống dân nào cũng thế, đen trắng, tây ta, sang hèn gì cũng vậy, đã là con người thì tấm màng vô minh dày đặc, nên những câu chuyện như thế này xảy ra cũng là tất nhiên thôi. Nếu có khác nhau, là khác ở chỗ thái độ và cách ứng xử của con người trước những vấn đề hoặc sự cố không hài lòng như thế. Người hiểu đúng ý nghĩa của việc làm thiện, thì dẫu có bị "mắc oán" ngàn lần, họ vẫn tiếp tục công việc “làm ơn” và cách sống tử tế của họ. Còn ngược lại, thì nhiều người sẽ có những phản ứng bức xúc khác nhau. Có người không nhịn được nghịch lý, chửi thề hò hét, đập bàn đá ghế, rồi dẹp luôn, lần tới không giúp nữa. Cũng có người bức xúc một thời gian, rồi lại quên, vẫn tiếp tục làm chuyện nghĩa. Và cũng có người âm thầm chịu đựng, cho qua đi những cay đắng, rồi từ bỏ luôn công việc làm ơn, thậm chí bỏ cả ý nguyện sống tử tế....Thật là đáng tiếc, nhưng cuộc sống vốn đầy chuyện nghịch lý như vậy, mà không phải ai cũng tha thứ và vượt qua được !
Ngày xưa, có câu chuyện về thiền sư Aryasimha, trước khi ông bị vua Kế Tân chém đầu, đã tự phát nguyện: "Ngay khi đắc thành đạo quả sau này, người đầu tiên tôi sẽ độ, chính là bệ hạ". Bởi thế, nên ông ta mới thành Bồ tát, còn chúng ta thì vẫn còn ở thế gian ăn nhậu mỗi ngày, đập bàn đập ghế, nóng giận hò hét chửi thề...:-).
Mà nói về đời sống xã hội hàng ngày, thì có muôn ngàn kiểu cách oán thù, to nhỏ khác nhau, từ cách bình dân của người nghèo khó cho đến cách “hàn lâm” của giới thượng lưu. Thời đại bây giờ ngày càng nhiều chuyện, nhiều cách, nhiều nguồn để đeo đuổi hận thù và hãm hại kẻ khác. Nhiều người email fake news tung tin giả để hạ bệ uy tín kẻ khác. Nhiều người lập cả facebook, rủ rê lập bè lập nhóm, dựng chuyện vu khống, nói xấu thiên hạ. Có nói không, không nói có. Rồi lan truyền vô tội vạ, nghe đi nghe lại, nói tới nói lui, không phân tích, không kiểm chứng, con chuột bỗng chốc biến thành con voi. Thậm chí nhiều trường hợp cũng chẳng cần có hận thù gì, chỉ là thấy ganh ghét ai đó thế là dựng chuyện nói bậy, hoặc câu view, vẽ rồng vẽ rắn cho vui thế thôi. Đi họp lớp, họp đồng hương, phán dăm ba câu chuyện làm quà, không đầu không đuôi đủ để “chết người” rồi. Nôm nà là cuộc sống ngày nay có vô vàn kiểu cách gây thù chuốc oán. Trong văn chương phim ảnh cũng vậy, đầy rẫy những thông điệp hận thù dai dẳng. Nào là ân đền oán trả, quân tử 10 năm báo thù chưa muộn, mối thù truyền kiếp, kẻ thù không đội trời chung, có thù không báo không phải là người ...v.v.. Bởi vậy nên phim Tàu & phim Hàn quốc lúc nào làm ăn cũng khấm khá. Theo thống kê tâm lý, thông thường con người chóng quên chuyện ân nghĩa, nhưng lại nhớ lâu chuyện oán thù. Có người còn quan niệm sống để dạ chết mang theo. Thế nên cuộc sống mới phiền phức và lắm chuyện để nói :-) .
Còn nói đến nguyên nhân chi tiết của những câu chuyện "làm ơn mắc oán", thì chắc là vô số, làm sao biết hết, mà có biết cũng làm sao kể hết ? Nhưng có một trường hợp rất dễ thấy, mà bản thân mình cũng thường gặp thường nghe, đó là "Giáo đa tất oán", mình thường nói đùa là "gáo tra dài cán".
Nghĩa là do lòng tốt khuyên bảo giúp đỡ kẻ khác, mà lại gây ra oán thù. Trong đời sống hàng ngày, cũng thường thấy nhiều trường hợp như vậy. Người có lòng giúp đỡ chỉ dạy cho kẻ khác mà phải gặt hái lãnh chịu hậu quả “xấu”. Tất nhiên là mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Có trường hợp chỉ vì muốn giúp cho người thân, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè ... mà nhiều người đã phải hy sinh tài lực, bỏ hết tâm huyết để giúp đỡ chỉ bảo. Rồi cũng chính vì sự mong muốn và chờ đợi quá nhiều, nên dạy dỗ quá mức, kỷ luật nghiêm khắc, hoặc nhắc nhở thường xuyên...mà trở thành phản tác dụng, sinh ra oán hờn, mâu thuẫn, hận thù. Xa hơn chút nữa, nhiều người suốt ngày thực tâm làm thiện, bất chấp vụ lợi để giúp đỡ kẻ khác, chẳng màng đến tiền bạc danh tánh. Tuy nhiên cũng chính vì nghĩ rằng mình đang làm chuyện đúng, chuyện tốt nên vô tư quá, nhiệt tình quá, thẳng thắn quá, siêng năng quá ... mà vô tình gây ra nhiều áp lực cho người khác hoặc tạo ra nhiều đố kỵ mâu thuẩn không mong đợi. Thế là cũng dẫn đến giận hờn oán trách….muôn màu muôn vẻ.
Bản thân mình cũng biết nhiều người từng rơi vào những cảnh ngộ tương tự. Dĩ nhiên đại đa số ai cũng cho mình là đúng, nên ít khi tự đặt vào hoàn cảnh người khác. Mà cái tôi càng to thì đụng chuyện, hận thù càng lớn. Túm lại có ý tốt chưa chắc dẫn đến kết quả tốt, mà nhiều khi lại tạo ra sự hiểu lầm, kết thù gây oán, mâu thuẫn với nhau.
Còn trong đời sống thì những chuyện không hài lòng xảy ra quá nhiều. Có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nguyên cớ khác nhau. Đằng sau mỗi câu chuyện đều có những hoàn cảnh để nói. Có khi chỉ đơn giản là không hiểu ý nhau, cách làm không phù hợp nhau, tư duy trình độ khác nhau, tính cách khác biệt nhau, hoặc xung đột quyền lợi nhau, ganh ghét đố kỵ nhau .v.v.. Mà chỉ cần không đồng thuận đồng tình, không đồng sàn đồng rận với nhau thì đã có biết bao nhiêu câu chuyện ân oán sẵn sàng chờ đợi xảy ra. Cho nên không ngạc nhiên lắm khi thỉnh thoảng lại nghe những câu chuyện như hết lòng xả thân giúp đỡ người khác, tâm huyết xây dựng đào tạo, nhưng lại bị trả oán, phản thùng. Hoặc làm người tốt nhưng gặp kẻ không biết ơn, trách móc giận hờn, rắp tâm thù hận… Chuyện dài trăm năm bao giờ mới dứt :-) ?
Tóm lại, chuyện ân oán là chuyện dài của con người, nối đuôi chằng chịt, nói mãi không bao giờ hết. Có nhiều người suốt đời chuyên làm việc ân nghĩa, giúp đỡ mọi người, nhưng có thể chỉ cần một lần từ chối giúp người thôi, lập tức gặp ngay chuyện oán thù. Cũng tương tự như vậy, nhiều người dễ dàng phủi sạch tất cả những gì tốt đẹp người khác đã làm cho họ trong suốt bao nhiêu năm tháng, chỉ vì một việc không hài lòng mà thôi. Rồi tan hàng, đường ai nấy đi. Quả nhiên là không ai an lạc được nếu như bị lôi cuốn vào những vòng xoáy lẩn quẩn này !
Nói đến đây mới nhớ tới ông đại thi hào Nguyễn Du, viết truyện Kiều tuyệt tác, cũng ân oán nghiệp lực kéo dài. Cuối đời tìm đến thiền, đọc nhiều kinh sách, học cả kinh Kim Cang. Học hoài vẫn còn nhiều vướng mắc, vậy mà cuối cùng chỉ nghe được câu chuyện ân oán "Đài đá chia kinh" của thái tử Chiêu Minh nhà Lương lại nghiệm ra ý nghĩa "chân kinh" :
"Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ
Chung tri vô tự thị chân kinh"
Dịch nghĩa:
Ta đọc kinh Kim Cương hơn nghìn lần
Có quá nhiều điểm chính yếu ta không rõ
Đến nay, dưới đài đá “Chia kinh”
Mới hiểu ra kinh “không chữ” mới thật là chân kinh
Tất nhiên không phải chỉ có Nguyễn Du mới nghiệm ra "kinh vô tự là chân kinh", mà lâu nay cũng có nhiều giai thoại tương tự trong các điển tích xưa. Ngô Thừa Ân cũng đưa “kinh vô tự” vô truyện Tây du ký của ông ta. Thực tế ngày nay, cũng có nhiều người tai to mặt lớn, quyền cao chức trọng, bằng này cấp nọ, nhưng cả đời không hiểu được vấn đề, mãi đến khi về già ngồi một chỗ lại ngộ ra nhiều thứ. Còn nói đến sự buông bỏ, tha thứ trong đời sống, thì bao giờ cũng cần thiết. Buông thì nhẹ, câu nói đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đeo cái gì sau lưng lại chả nặng ? Không đeo thì nhẹ thôi. Nhiều người xưa nay vẫn thường quan niệm rằng giúp đỡ người khác & sống tử tế luôn là chuyện tốt, nếu làm được nên làm, còn thiên hạ có hiểu được hay không, cũng không quan trọng lắm. Mình rất đồng tình với quan niệm đó. Tất nhiên trong cái không có cái có, trong cái có lại có cái không. Quy luật vô thường, đâu ai có thể kiểm soát được sự thay đổi của vạn vật chung quanh, đặc biệt là sự thay đổi của con người. Chứ làm ơn mà chỉ mong được cầu báo, hoặc tử tế giúp người mà cứ nơm nớp lo sợ bị “mắc oán” thì đâu còn ý nghĩa gì nữa. Vả lại, chuyện "làm ơn mắc oán" vốn là những chuyện không hay ho gì và cũng chẳng ai muốn gặp, nhưng nó vẫn cứ nhan nhản xảy ra trong đời sống này, liệu có đáng để cho ta trốn tránh và lo lắng thái quá hay không ?
Thôi, chúc mọi người một tuần an vui nghen :-)
Một trong những câu anh thích nhất của Mario Puzo là "Time erodes gratitude more quickly than it does beauty".
ReplyDeleteCâu đó là một trong những câu hay nhất của ổng. Hồi xưa đọc BG, em cũng rất ngạc nhiên là Mario Puzo có nhiều câu nói sâu sắc đến như vậy !
DeleteNhưng dịch ra tiếng Việt, thì chỉ có Ngọc Thứ Lang dịch mới hay .