Monday, September 21, 2020

Quan toà xứ Mỹ

Mình ra nước ngoài gần 40 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy nước Mỹ có nhiều chuyện ầm ỉ như năm nay. Từ đầu năm tới giờ liên tục là những câu chuyện "nặng ký". Từ dịch bệnh lớn nhất đến mức đóng cửa cả nước Mỹ, trường học công sở đóng cửa, cho đến biểu tình cướp phá, mâu thuẩn kỳ thị sắc dân, đàn hạch tổng thống, rồi con cháu trong gia đình, luật sư thân tín, nhân viên, phóng viên thay nhau ra sách khai xấu kể tội tổng thống đương nhiệm, rồi chuyện moi móc đấu đá tranh cử bầu cử ...Choáng ! Mấy hôm nay lại rộn ràng chuyện bà thẩm phán tối cao pháp viện Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. Những tranh luận sôi nổi xảy ra, và chắc chắn sẽ ác liệt hơn trong những ngày sắp tới về việc thay thế vị trí của bà Ginsburg tại SCOTUS (tối cao pháp viện Hoa Kỳ). Bà Ginsburg thuộc đảng dân chủ, và là người từng được quốc hội Mỹ chấp thuận với số phiếu kỷ lục 97/3 cách đây gần 30 năm trước. (Nên lưu ý được bầu vô đây là làm hoài cho đến chết hoặc từ chức thôi. Dĩ nhiên là nếu làm bậy thì lại bầu bán đuổi ra, nhưng chuyện này rất hiếm hoi). Nghĩa là cả Cọng hoà và Dân chủ đều chấp thuận bà. Và rõ ràng bà là người rất có lòng với đất nước, rất đáng kính trọng. Bịnh tật ung thư tàn phá, nhưng vẫn không từ chức và làm việc cho đến ngày chết. (Cũng có thể sợ ông Trump bổ nhiệm người khác, nên ráng sống !)

Nói sơ cho những người chưa hiểu rõ về cơ chế chính trị ở Mỹ. Đó là chế độ tam quyền phân lập - Lập pháp (quốc hội) - Hành pháp (chính phủ, đứng đầu là tổng thống) - Tư pháp (đứng đầu là Tối cao Pháp viện SCOTUS). Ba ngành này kiểm soát lẫn nhau để duy trì nền dân chủ cao nhất, tránh sự độc tài, phe cánh, và lợi dụng quyền lực làm phương hại đến quyền lợi người dân và đất nước.

Cho nên mặc dù SCOTUS là do tổng thổng bổ nhiệm, nhưng phải được quốc hội đồng thuận với đa số phiếu ở thượng viện Hoa kỳ. Và ngược lại thì SCOTUS sẽ vì quyền lợi quốc gia và người dân trên hết, nên có quyền phủ quyết những quyết định của quốc hội và tổng thống Mỹ nếu vi hiến. Đó là nơi tối cao để phán xét những quyết định thuộc về công lý và tư pháp. Mỗi tiểu bang cũng có tối cao pháp viện của họ, nhưng phán quyết cuối cùng của nước Mỹ thuộc về SCOTUS. Cho nên đôi khi chỉ cần thay đổi một vị thẩm phán ở SCOTUS cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến các chính sách và quyết định của chính phủ cũng như quốc hội Hoa kỳ.

Nói chung những vị thẩm phán ở SCOTUS phải rất là uy tín, học hành tới nơi tới chốn, thành tích dày cộm, và đạo đức phải trong sạch. Còn ông Chánh Án của SCOTUS thì dữ dằn hơn nữa vì coi như là vị cầm chịch nhóm này. Hiện nay số thành viên của SCOTUS là 9, nhưng không có nghĩa tương lai sẽ là 9 , trước đây cũng đã từng có nhiều thay đổi. Thông thường là các vị thẩm phán kể cả ông Chánh Án (Chief) đều được chỉ định bởi các tổng thống hoặc Dân chủ hoặc Cọng hoà, bởi bản thân họ cũng thuộc một trong 2 đảng. Tuy nhiên khi vào những vị trí này, thì hầu hết các vị thẩm phán đều ứng xử vì quyền lợi quốc gia trên hết, tuân phủ theo quy định của hiến pháp, chứ không phải quá lệ thuộc vào quyền lợi của đảng phái. Đặc biệt là vị chánh án tối cao, hiện nay là ông John Roberts (The chief justice of the United States is the chief judge of the Supreme Court of the United States and the highest-ranking officer of the U.S. federal judiciary). Vị trí này thường phải chí công vô tư, vì là người giữ gìn những giá trị cơ bản nhất của nền tư pháp và công lý cho đất nước. Bởi vậy thông thường quyền lợi của đảng phái không phải là những tiêu chí cao nhất đối với họ trong những ứng xử và phán quyết sự việc.

Nhưng đó là chuyện đã qua, chuyện của ngày xưa. Lâu nay, với những nền tảng luật pháp dân chủ, qui định của hiến pháp, giá trị của lòng tự trọng và nguyên tắc làm người của các vị SCOTUS, đã góp phần đưa nước Mỹ trở nên một quốc gia hùng mạnh nhất trong vòng 300 năm dựng nước. Còn hôm nay thì sao? Những năm gần đây dường như sự cạnh tranh quyền lợi của đảng phải trở nên khốc liệt và tiểu tiết hơn nhiều. Người ta nhận ra và e ngại rằng quyền lợi quốc gia đã không lớn bằng sự thắng thua của đảng phái (dân chủ & cọng hoà). Các luật lệ của quốc hội cũng đã trở nên già nua, theo thời gian và tuổi tác của các vị dân biểu kỳ cựu. Ranh giới của sự quyết đoán và sự bảo thủ cũng chỉ là những đường ranh rất nhỏ. Có lẽ cũng tới lúc đất nước Hoa Kỳ cần nên tu chính lại một số luật lệ. Có chiếc xe nào chạy mãi mà không phải tune-up đâu nhỉ ? Hy vọng đất nước Mỹ sớm có một vị tổng thống và ê kíp đủ mạnh mẽ, thông mình và tầm nhìn chiến lược để tune-up chiếc xe tuy đẹp đẽ mạnh mẽ nhưng đã hơi cũ kỹ này. Đặc biệt là phải hiểu rõ quyền lợi quốc gia và trách nhiệm an dân lớn hơn nhiều so với quyền lợi đảng phái. Hy vọng sẽ thấy được nhiều điều mới lạ trong những ngày sắp tới :-)

Với mình, người mà mình rất thích và tôn trọng nhất đó là ông John Marshall, người Chánh án Tối cao pháp viện đời thứ 4 của nước Mỹ. Người đã đưa khái niệm lương tâm vào trong việc thực thi pháp luật và công lý. Ông là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử toà Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ, và đặc biệt là ông không có bằng cấp luật nào. (Đại đa số mấy ông sau này ông nào cũng là tiến sĩ, giáo sư luật, hoặc những bằng cấp hoặc chức vụ, thành tích dày cộm liên quan tới luật hoặc ngành tư pháp).

Dĩ nhiên là nhiều người thắc mắc, sao ở đâu cũng vậy, nưóc nào cũng thế, sao tổ tiên giỏi quá, vĩ đại quá, mà con cháu thì lại kém cỏi, hùng hục hơn thua nhau, lén lút đâm thọc nhau.... lo cho cái riêng, mà không nghĩ cho cái đại cuộc? Vậy thì cuối cùng đất nước sẽ về đâu, đi lên hay đi xuống? 

Một câu hỏi mà những ai có lòng cũng thường ưu tư lâu nay !



No comments:

Post a Comment

Comments: