Tuesday, September 25, 2018

Giai thoại & sự thật,



Nhiều nước châu Á, lập quốc đã lâu nhưng vẫn còn lạc hậu ì ạch so với những nước phương Tây non trẻ, là do ý thức hệ phong kiến nặng nề, chiến tranh triền miên, mâu thuẩn nội tại & văn hoá đặc thù. Ngoại thì nước này lo xâm lấn nước kia. Nội thì triều đại này lo thanh trừng triều đại khác. Chia năm xẻ bảy, trả thù nhau, giết chóc nhau. Rồi lo củng cố quyền lợi, phân chia lợi ích cá nhân, cha truyền con nối, lấy công nuôi tư, bỏ nước lấy nhà. Lại ít có tầm nhìn cho đại cuộc, hoặc nếu có thì bị đố kị trừ khử. Một nguyên nhân chính nữa là rào cản của văn hoá mê tín, nặng tính giai thoại tâm linh, tư duy làm theo, biện chứng nhưng lại siêu hình, không (hoặc không dám) phản biện. Tốn kém quá nhiều thời gian và tài lực trong việc lăng tẩm đền đài, hư danh hủ tục, huyệt mộ địa lý, lễ nghi phép tắc thái quá, tập tục mê tín ...

VN, một đất nước sinh ra với những giai thoại từ buổi ban đầu, con rồng cháu tiên, trăm trứng trăm con, nỏ thần giữ nước, thần rùa mượn gươm ... mang nặng hồn thiêng sông núi. Nhưng không phải chỉ ở VN, mà nhiều nước khác cũng có những giai thoại tương tự như thế. Dĩ nhiên đó là điều cần thiết, là niềm tự hào dân tộc, là huyền thoại tạo nên nguồn linh khí cho một đất nước, mang tính kế thừa. Tuy nhiên cái khác nhau là ở xứ khác, người ta phân biệt rõ giữa giai thoại và đời sống thực tế, giữa phần "hồn" và phần "xác". Phân biệt được cái nào giả cái nào thiệt !

Ở VN, đại đa số người dân ai cũng phân biệt được như thế, nhưng cũng không hiếm người lẫn lộn mơ hồ giữa những giai thoại và sự thật. Kể cả một số trong giới quan chức hoặc báo chí truyền thông, mới lạ. Thậm chí biến tướng thành mê tín, tuyên truyền, thật giả bất phân. Nhiều địa phương vẫn nhất mực tin tưởng chuyện phong thủy trấn yếm huyệt mộ, hối lộ thiên binh thiên tướng. Nhiều giai thoại cũ ngày xưa nay được thêm thớt, thay da đổi thịt, thành những câu chuyện nóng hổi thời nay.

Như chuyện phong thuỷ đúng sai ai mà hiểu hết, đồn đãi là chính. Giai thoại vẫn chỉ là giai thoại, lời đồn vẫn chỉ là lời đồn. Ngay cả trong thời đại internet này, chuyện mới xảy ra thôi cũng tin giả tin thật tràn lan, huống hồ gì những truyền thuyết, giai thoại dân gian, câu chuyện phong thuỷ, cả ngàn năm về trước. Phong thuỷ ngày nay ở một số nước là bộ môn nghiên cứu mang tính khoa học, chứ không phải nặng về mê tín tâm linh. Tuy nhiên, nhiều  địa phương, xóm làng, gia tộc VN, vẫn quan niệm nhất huyệt nhì trạch, nên hơn thua nhau từng ngôi chùa, cái mộ, đền làng, nhà thờ, ngõ xóm.... Hết đất tư rồi lại đất công. Nhiều gia đình tâm linh thì cho rằng mồ mả càng hoành tráng, đời sau càng phát đạt. Nhưng cũng lắm người so đo hơn thua nhau chỉ đơn giản là vì mặt mũi, sĩ diện, liền chị liền em. Không hiếm những trường hợp lợi dụng quyền hành, lạm dụng của công, phô trương thái quá.
Trong lịch sử VN xưa nay, có lẽ đến thời kỳ này là nhiều tượng đài, nghĩa trang, mồ mả, chùa chiền, nhà thờ gia tộc ... được xây dựng hoành tráng nhất. Không phải chỉ là khía cạnh tâm linh, mà còn lo bị "thiệt thòi" ở khía cạnh khác. Cả công lẫn tư, so về mồ mả và công trình tượng đài, hiếm có nước nào sánh vai được VN hôm nay. Dĩ nhiên, cũng phải là gia đình quan chức có tiền thôi, còn đối với người dân đen lam lũ, điều đó mãi mãi chỉ là những ước mơ xa vời. Có một số ý kiến cho rằng xưa nay triều đại nào cũng vậy, từ Ai Cập, Ấn độ, Trung Quốc ... vua quan mà chăm chút lăng mộ càng nhiều, thì nhân dân càng thiệt thòi khốn khó !

Nhớ có năm, mình và ông anh lái xe đi lang thang bao nhiêu tỉnh ngoài Bắc, mệt đâu nghỉ đó, đói đâu ăn đó. Đi đến đâu cũng nghe nhiều giai thoại rất thú vị, từ ngôi đền làng cây đa, cho đến từng ngọn núi con sông. Chính sử, dã sử, dân gian, chính truyện, ngoại truyện, đủ hết. Từ chuyện ông Cao Biền cỡi diều giấy trấn yểm long mạch nước Nam cho đến thầy Tả Ao trên núi Hồng Lĩnh, Hàm Rồng. Từ con cọp trắng cứu người cho đến con rắn thần phủ phục. Từ xứ địa linh nhân kiệt cho đến ngôi làng ăn mày ..v.v. Tỉnh nào quan chức càng nhiều thì giai thoại càng nhiều, lăng tẩm đền đài càng nhiều, chùa chiền mồ mả hoành tráng càng nhiều. Thăng Long, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ..v.v.. đâu cũng là tích xưa chuyện nay, vô cùng phong phú. Chuyện lên đồng lên bóng, nói chuyện với cõi âm cũng nhiều, mình có ghé vài nơi ở Thanh Hoá để coi cho biết.

Có nhiều giai thoại nghe trùng hợp giống nhau từ nhiều địa phương, nhưng ai cũng cương quyết bảo vệ giai thoại của xứ mình là "chính sử". Ví dụ như câu chuyện tự hào nhất của Ninh Bình là ngài Đinh Bộ Lĩnh làm vua, nhờ ông bơi lặn giỏi, gạt được ông thầy địa lý Tàu, cải táng hài cốt của cha ruột là con rái cá (mẹ là bà Đàm Thị) ở huyệt Long Mã dưới đáy sông. Sau khi làm vua nước Đại cồ Việt, bị ông Tàu phát hiện, nhờ người khác trấn yểm huyệt Long Mã đó, nên lại bị Đỗ Thích giết. Ở QN cũng có câu chuyện tương tự thế, là ông vua Nam Chiếu bên bờ sông Trà & huyệt Hàm Rồng. Bà Mẹ là nàng Thiệu Khôi bị con rái cá cưỡng hiếp. Rồi ông đánh đuổi được giặc Tàu, làm vua Nam Chiếu. Sau lại bị Cao Biền dùng mưu gạt Thiệu Khôi, vô tình giết con mình. Tương tự như thế, có nhiều giai thoại địa phương người ta kể, nhưng cũng không biết tên họ nhân vật. Đôi lúc nghe kỹ thì na ná như chuyện Vũ Công Duệ, Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi, Huyền Trân Công chúa, Yết Kiêu Dã Tượng, Chúa Sãi, Trạng Quỳnh ....v.v.

Nói chung những giai thoại lịch sử thì vô vàn, truyền thuyết trong dân gian cũng thế, phong phú đa dạng. Lâu nay những giai thoại điển tích đó được lưu truyền rộng rãi, như một truyền thống dân tộc đáng quý, nuôi dưỡng hồn thiêng của đất nước. Nhưng thời này, có một số người lại lợi dụng những giai thoại ấy, phóng đại hư cấu, để mưu cầu những mục đích khác. Đôi lúc có sự hiểu lầm, vượt quá giới hạn phô trương. Vô tình hay cố ý, trở thành tuyên truyền mị dân thì quả nhiên là điều không tốt, thậm chí còn phản tác dụng.

Chuyện xưa đã thế, nhưng giai thoại thời nay cũng không hiếm. Cũng như mấy hôm nay trên mạng đồn rầm tờ báo nào đăng chuyện phải bắt đom đóm để học vào những năm 60 ngoài Bắc. Thực ra thì vào thời chiến tranh, thông tin hạn chế, những giai thoại như tự tẩm xăng đốt chạy vài trăm thước, bị bắn vài chục viên vẫn lái xe tăng tiến lên, máy bay bay thụt lùi tắt máy núp vô mây, thả diều bắt máy bay, thả ong đánh giặc .v.v.. có thể có tác dụng nhất định của nó. Còn thời nay, đang kêu gọi công nghệ 4.0, mà vẫn duy ý chí những câu chuyện "đom đóm" như thế chỉ làm hại cho nước nhà nhiều hơn. Ít ra làm mất đi sự khả tín của báo giới, thể hiện tính giáo điều, xu nịnh, tư duy suy luận phân tích nghèo nàn !



No comments:

Post a Comment

Comments: