Wednesday, October 03, 2018

Lại chuyện ông thẩm phán ...



Viết tiếp chuyện ông thẩm phán Brett Kavanaugh bị giới truyền thông và lưỡng đảng lôi ra những chuyện nhậu nhẹt say xỉn thời đại học. Thực ra thì người Mỹ không đến nỗi bảo thủ như thế, họ phân biệt được đâu là chuyện xưa đâu là chuyện nay. Nhưng chính trị bao giờ cũng có mặt trái bẩn thỉu của nó, quốc gia nào cũng vậy thôi, chỉ là ít hay nhiều. Khi có những mâu thuẩn xung đột, moi móc lại chuyện "không tốt" ngày xưa (không biết thật hư) là cách dễ nhất để hạ bệ uy tín người khác. Đôi khi lấy cả râu ông nọ cắm cằm bà kia. Âu cũng là chuyện thường, quê ta gặp hoài. Nhưng thời này thông tin đầy đủ, nên cũng ít người quan tâm đến tin đồn & những thủ thuật, tiểu xảo như thế. Vả lại cũng tuỳ vào nội dung của từng sự việc, thuộc về bản chất hay hiện tượng. Cái không tốt ngày xưa, nay có thể đã khác, vạn vật thay đổi cũng là chuyện thường tình. Cái mà giới chính trị quan tâm hơn là ông Kavanaugh có nói dối sau khi đã tuyên thệ (under oath) hay chăng ? Nghĩa là có biết, còn nhớ, nhưng không nói sự thực, dấu hẳn chuyện xưa. Một số người dân thì quan tâm tới thái độ nóng giận bộc lộ của ông khi trả lời chất vấn, bởi họ mong đợi một tính cách kiên nhẫn, trầm tĩnh, điềm đạm ở một vị thẩm phán tối cao. Nhưng suy cho cùng thì ông ta cũng là người thường, cho dù tài giỏi đến đâu cũng có giới hạn. Và những trò chơi truyền thông, chính trị, tâm lý, áp lực ... thì luôn luôn có những tác dụng nhất định của nó. Một trong những tác dụng trực tiếp là làm cho nhiều người rối mù, chẳng biết tin ai :-). Nhưng đã chọn ăn bún bò huế, thì phải chịu cay thôi. Chuyện thiên hạ bầu bán lâu nay cũng còn tuỳ thuộc vào não bộ của họ và nhiều yếu tố khác nữa. Có bầu bán công bằng đã là hạnh phúc lắm rồi, so với nhiều quốc gia khác chưa bầu đã bán, không có quyền chọn lựa, thì còn thê thảm hơn nhiều !

Nôm na là ở những xã hội dân chủ văn minh, người ta luôn đòi hỏi "chiếc áo phải làm nên ông thầy tu". Còn ở những xứ kém dân chủ văn minh, thì cứ khoác "chiếc áo" lên là muốn thiên hạ trọng, bắt người ta tin. Dĩ nhiên rồi cũng có kẻ tự nguyện tin, có người bắt buộc tin, có kẻ thấy thiên hạ tin mình cũng tin... Bên cạnh đó, cũng không hiếm người chỉ muốn an phận thủ thường ậm ừ cho qua, hoặc chẳng thèm quan tâm đến. Bởi thế, có nhiều "ông  thầy" ảo giác về giá trị "chiếc áo" mà mình đang mặc. Thậm chí ở một số nơi, người chết rồi còn sợ thiên hạ không khóc, có bao nhiêu giai thoại tốt lành đem ra rao bán nốt, ai tin được thì tin. Lâu rồi cũng quen !

Mình không phải là dân thích chính trị chính em, nên thường chỉ nhớ chuyện gì vui thôi. Như tổng thống Mỹ ông nào ghiền rượu là mình nhớ ...John Adams, Martin van Buren, Franklin Pierce, James Buchanan, Ulysses S. Grant, Grover Cleveland ...v.v. Ông nào thích chuyện em út, mình cũng nhớ, như Cleveland, Roosevelt, JFK, Bill Clinton ....chẳng hạn. Mà ở những đất nước dân chủ như Mỹ, thì những câu chuyện đó cũng bình thường. Tổng thống, chủ tịch, quan toà, lãnh đạo ... cũng là người, có ưu có khuyết, không ai bắt họ phải hoàn hảo như thánh. Quan trọng là họ đã có những đóng góp gì cho quê hương đất nước. Người dân tôn trọng những thành tựu và đóng góp của họ, nhưng cũng chả có ai bắt người khác học tập theo gương họ làm gì. Đời sống thực tế là vậy, mỗi người mỗi khác, càng cố tình thiêu dệt, càng thần tượng hoá, càng tốn công bảo vệ bào chữa, lại càng hài hước vấn đề mà thôi.

Thôi cũng mong mấy ông nghị bà nghị chốt sớm, để báo đài TV còn nói tin tức khác. (Sáng nay thấy có chuyển qua chuyện thuế khóa của T/T Trump rồi). Nhớ ông Voltaire có một câu rất nổi tiếng là "Judge a man by his questions rather than his answẹrs" (tạm dịch: hãy đánh giá một người bằng câu hỏi của họ thay vì câu trả lời". Mình đồng ý với câu này, nên lâu nay mỗi lần đi tới đâu mà nghe ông bà nào trả lời chung chung, na ná giống nhau, như ai viết sẵn tờ trình, cắm đầu cắm cổ mà đọc, là dẫu có hội họp gì quan trọng, cũng xin phép ra ngoài hút điếu thuốc ... :-) .


No comments:

Post a Comment

Comments: