Sunday, October 28, 2018

Luật rừng,



Mới đọc bài báo thấy CA địa phương CT bắt vụ án đổi tiền 100 đô, rồi giữ luôn mớ hột xoàn của người ta, đến nỗi phó thủ tướng & quốc hội phải vào cuộc chỉ đạo. Rồi nhiều chuyện tương tự như thế, hôm bữa nam hành khách đánh nữ nhân viên sân bay Nội Bài, thủ tướng cũng phải vào cuộc chỉ đạo. Dẹp quán cafe Xin Chào ở Bình Chánh, thủ tướng cũng phải vào cuộc chỉ đạo.... Rồi nào là luật sư bắt cô giáo quỳ, chánh văn phòng Bộ đánh người, phó bí thư xã đánh trưởng công an, thành phố quy hoạch sai vì "mất" bản đồ, "tự ý" sửa điểm thi cho con lãnh đạo, nói xấu phạt 5 triệu ...v.v...& vv... Lâu lâu lại cứ được nghe những kiểu luật pháp bi hài như thế từ khắp các địa phương.

Người nước ngoài đọc được loại tin tức này, chắc nghĩ rằng luật pháp gì mà nhiều khúc mắc thế, bất quy tắc, linh tinh lớn nhỏ gì cũng phải đòi thủ tướng chỉ đạo, thì còn gì là luật pháp, hiến pháp ? T/T VN sao mà bao sân đến thế ? Mình thì không nghĩ vậy. Đúng là mỗi câu chuyện mỗi nét riêng, nhưng  lại có những điểm chung (ai cũng nhìn thấy), đó là ngộ nhận pháp quyền, luật rừng lên đời, cậy thế cậy quyền, thực thi không đồng nhất, phép vua thua lệ làng. Luật pháp hiến pháp vẫn có đấy, nhưng còn tại sao lại dẫn đến tình trạng như thế, thì có rất nhiều "lý giải" và "biện minh". Ở đây mình chỉ muốn nói về những gì đã từng "mắt thấy tai nghe", và những hệ luỵ của nó.

Nhìn trở lại thời cách mạng 1945, luật pháp non trẻ, chính sách mơ hồ, tự quyền tự phát, luật rừng là những chuyện không lạ lẫm gì. Cụ thể như những người có tiền bạc của cải, yêu nước thời đó, ủng hộ kháng chiến giành độc lập dân tộc (dĩ nhiên bần cố nông lấy của cải đâu mà ủng hộ). Nhưng sau khi cách mạng thành công, thì lại bị đấu tố, giết chết, vì những thù hận và đầu óc nhỏ nhen & kém hiểu biết của một số cá nhân lạm quyền, quá khích. "Luật rừng" tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu. Khái niệm chuyên chính vô sản (chuyên chính với kẻ thù, vô sản với nhân dân) được diễn giải sai trái dẫn đến những nhầm lẫn tệ hại, thực thi "tự phát", bạo hành cưỡng chế, ở nhiều địa phương, kể cả ở thủ đô Hà Nội. Đó là một bi kịch của đất nước và là những nuối tiếc muộn màng của một số thế hệ lãnh đạo có kiến thức. Những ông trời con say men chiến thắng, kém đạo đức, thừa bạo lực thiếu hiểu biết, tự làm luật, kiêu binh & ngộ nhận, đã gây ra bao sai lầm khó gỡ. Quê mình, ngày ấy biết bao nhiêu người đã bị xử tử oan ức, kể cả những người có công với đất nước. Rất nhiều gia đình phú nông địa chủ ngày xưa, mang nặng ý thức dân tộc, yêu nước nên đóng góp chứ không hề có ý niệm về cọng sản hay quốc gia. Thế nhưng họ và gia đình lại trở thành những nạn nhân của bi kịch ý thức hệ sau khi cuộc chiến kết thúc. Gia đình ông B.T ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành, một gia tộc giàu có nhất vùng, là một ví dụ điển hình, đau xót và bất công. Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ ngoài Bắc cũng thế, nhiều chuyện xót xa, như câu chuyện bà Nguyễn Thị Năm vẫn mãi là một vết nhơ trong lịch sử.

Rồi đến 1975, cũng thế, nạn lạm dụng luật pháp, lạm dụng quyền hành nhiều nơi, a dua xu nịnh, cơ hội chủ nghĩa (cho dù có thể đó không phải là chính sách). Thật ra công bằng mà nói thì cuộc cách mạng vũ trang nào, khi đã xử dụng bạo lực, cũng luôn có những hiện tượng quá khích, lừa gió bẻ măng, tát nước theo mưa, mưu toan tư lợi, cướp đoạt cưỡng chiếm, vu oan giá hoạ. Nhiều hay ít là do sự nghiêm minh của chính quyền, rõ ràng của luật pháp, chính sách quản lý, và đạo đức của con người cũng như xã hội đó. Bởi vậy, thế giới lâu nay vẫn "sợ" nhất là sức mạnh rơi vào tay của những kẻ hiếu thắng và kém hiểu biết.
Nhìn lại một thời ở VN, từ đổi tiền, đánh tư sản, đi kinh tế mới, vô hợp tác xã .....cho đến đi làm, đi học ... ở đâu cũng có những mẫu chuyện lạm quyền mà cho đến ngày này vẫn còn là nỗi ám ảnh đáng sợ. Ngày đó mình đọc Mikhail Sholokhov (Liên Xô), cũng thấy những điểm tương đồng, cho dù ít nghiệt ngã hơn so với quê nhà. Có một điểm chung nổi bật là hiện tượng "luật rừng" ở địa phương luôn luôn tồn tại. Phần lớn đều được đổ lỗi do sự quá khích, kém tri thức, và chính quyền non trẻ. Nhưng nhìn lại cho kỹ, thì liệu đó có phải là lỗi hệ thống chăng ?

Còn nhớ thời đi học, thấy nhiều ông làng xã chặn đường cắt quần "loe", hớt tóc "dài" ... Hỏi chuẩn nào là loe là dài thì không biết. Mình có cái túi lính đựng sách tập đi học, cũng bị tịch thu vì nói là túi của "Mỹ Ngụy". Ông bí thư xã mình, học chưa hết tiểu học, mỗi ngày kè kè cái radio, chỉ đạo toàn diện. Chứng lý lịch, xét hồ sơ, trưng thu ruộng đất, cải tạo kinh tế, xây dựng đất nước, tuyên truyền ... kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, hành pháp, tư pháp .... quyết hết. Nhiều địa phương khác cũng thế, nhiều nơi tự tung tự tác, phép vua thua lệ làng. Nhiều ông làng xã thi hành xử án luôn tại địa phương. Ví dụ ly dị, xử chồng được con bò, vợ được con heo, bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu cái nồi... Vào hợp tác xã nông nghiệp, hệ thống chấm công điểm cũng vậy, tuỳ tiện cảm tính, thích thì 10 điểm không thích thì 5 điểm. Ai cãi lại thì cho là phản động. Nhưng hỏi phản động và phản biện khác nhau thế nào, thì hỏng biết. "Thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo". Và cứ thế, mà mong rằng đất nước đứng lên ?!

Nhưng đó là chuyện đã qua, đã xưa, đã cũ, của một thời với những bước quá độ. Người ta có thể đã quên đi qúa khứ và cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng không ai có thể chịu đựng nỗi những lỗi lầm ấu trĩ & cơ bản cứ lập đi lập lại mỗi ngày. Những tư duy cũ kỹ của bao nhiêu năm trước, ngày nay chắc hẳn không còn phù hợp nữa. Và đã là luật pháp, thì dĩ nhiên phải đồng bộ, thống nhất, rõ ràng. Một nhà nước pháp trị không thể mãi đổ lỗi cho những bất quy tắc và ngoại lệ mang tính địa phương hoặc cá nhân. Vấn nạn "luật rừng" ở địa phương cần phải dẹp bỏ, những sai phạm lạm quyền cần được trừng trị thoả đáng, để người dân an tâm làm ăn, và các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, mạnh dạn hơn.
VN hôm nay đã khác, vào WTO, có tên tuổi trên trường quốc tế. Là thành viên của hội đồng bảo an LHQ. Kinh tế xã hội phát triển, xe hơi nhà lầu, ngày càng mọc lên. TV tủ lạnh đầy nhà. Từ ao làng nay đã ra sông sâu biển rộng, gia nhập thế giới văn minh. Tham gia nhiều tổ chức quốc tế tầm cỡ, chuẩn bị tham gia CPTPP, EVFTA.... T/T đương nhiệm cũng kêu gọi chính phủ kiến tạo, công nghệ 4.0.... Thế thì đâu thể nào để luật pháp quốc gia có những kiểu thực thi tuỳ tiện như thế ? Để những ông trời con có thể "làm luật", tự tung tự tác một cõi. Rồi chuyện lớn nhỏ gì cũng kêu thủ tướng tham gia chỉ đạo. Thế thì còn gì luật pháp ? VN phải cần đến bao nhiêu ông t/t, c/t cho đủ ?

Ông Martin Luther King, Jr., người nổi tiếng thế giới về đấu tranh cho nhân quyền đã nhắc nhở rằng "Never forget that everything Hitler did in Germany was legal". (Tạm dịch là : Đừng bao giờ quên rằng những điều Hít-le làm ở Đức đều là hợp pháp ). Đúng vậy, "hợp pháp" ở một số nơi, không khéo lại có thể là tội ác đối với nhiều nơi khác. Một đất nước muốn hội nhập và đi lên, bắt buộc phải tuân thủ những quy ước nhất định của cộng đồng quốc tế. Sân chơi chung lúc nào cũng phải có luật chơi chung. Cần vậy !



No comments:

Post a Comment

Comments: